Cuộc trở về tâm không trong tập “Bầu trời không mái che” của nhà thơ Mai Văn Phấn (phê bình) - Dương Kiều Minh

Cuộc trở về tâm không trong tập “Bầu trời không mái che”
của nhà thơ Mai Văn Phấn




Dương Kiều Minh

 

Có lẽ nhà thơ Mai Văn Phấn trong ý thức của mình không cố ý tự định ra những thách thức thi ca và thách thức ngay cả với chính mình. Cùng với tập thơ mới ra đời vào cuối năm 2010, Mai Văn Phấn đã liên tiếp ra trước công chúng và giới văn chương ba chiêu thức mới trong cùng một năm. Trước đó, hai chiêu thức tung ra vào giữa năm là hai tập thơ “Và đột nhiên gió thổi”, và “Hôm sau ”. Có người còn dụi mắt chưa kịp nhận diện đó là gì, thì nay lại xuất hiện “Bầu trời không mái che”  – một cuộc hoàn nguyên để tái sinh thật ngoạn mục, một cuộc lộn trở về với bản thể người trong bản thể của vũ trụ:

 

Anh nhào lộn giữa gió và nước

tôm cá và mặt trời

rong rêu và mây trắng

ký ức và mộng tưởng

(…)

Bên em hành lễ mặt trời

Ngọn thác, bờ sông lớn

Bóng anh trong tiếng nước chảy

                       (Hình đám cỏ - Nhịp VIII)

Vũ trụ choàng áo đen lên con

Chỉ hở đôi mắt cầu nguyện

(…)

Co quắp con ngủ trong gió lạnh

Mơ thành bào thai

Cuống nhau nối mặt trời

(…)

Từng chồi chân tay bé xíu

Bật nhẹ trong cơ thể người

Con tỉnh giấc

(…)

Giọng nói rất gần

Dưới bình minh con hãy lột xác!

 

Hoa quả

Lửa đèn

Âm dương chén nước

 

Như trườn qua cơn chạng vạng

Rút dần cơ thể khỏi lớp vỏ bọc

Con hớp những giọt sương

                                    (Cửa Mẫu)

 

Ta nhận thấy một cảm giác mạnh trong cuộc trở về, theo như các giai đoạn Luận vãng sinh (tử thư Tây Tạng) thì cuộc trở về này của nhà thơ Mai Văn Phấn nằm ở giai đoạn Sipa-Brado và tiếp sau Sipa-Brado:

 

Chân trời càng gần

Bóng tối càng trôi khủng khiếp

Nhanh hơn cảm xúc

(…)

Họ đã dừng lại dưới mưa

Bất ngờ phóng thích con

Gần chân sóng

Con biết ơn trận mưa

Sóng to và gió mát

                           (Cửa Mẫu)

 

Đó phải chăng là những ảo giác hiện ra từ cuộc tái sinh. Nơi dưới bình minh con lột xác, chân trời càng gần, bóng tối càng trôi khủng khiếp nhanh hơn cả cảm xúc. Hoa quả, lửa đèn, âm dương chén nước, trườn qua cơn chạng vạng, rồi rút dần cơ thể khỏi lớp vỏ bọc, và một cơ thể sống mới bắt đầu hứng những giọt sương đầu tiên. Trong niềm hoan ca của cuộc phóng thích dưới mưa gần chân sóng, trong niềm vui của một đời sống mới lại bắt đầu nhào lộn giữa gió và nước, tôm cá và mặt trời, rong rêu và mây trắng, ký ức và mộng tưởng. Đó phải chăng là cuộc trở về dạng thể nguyên nguyên của một cuộc tái sinh vùng dậy kiếm tìm tự do. Như vậy, theo như một triết gia đã từng đặt câu hỏi, phải chăng cuộc đời con người là một phương tiện có thể đạt đến cõi toàn giác và những mức độ cao nhất của tinh thần được chiếu dọi trong luồng ánh sáng của tính không, trong cái đời sống như những làn nước mang con người gần đích giải thoát. Vâng, con người cũng như mọi sự sống trên bề mặt trái đất và trong vũ trụ đều bắt đầu từ nước - khởi thủy là sự sống bắt đầu được sinh ra và qua triệu triệu năm sự sống luôn trong quá trình vận động tiến diễn và hoàn tất của mọi cơ thể sống trên mặt đất.

 

Trước ân huệ của cuộc sinh thành trong cơn mơ trở về và tái sinh thật kỳ vĩ, nhả thơ nhận thấy vũ trụ choàng áo đen lên con, chỉ hở đôi mắt cầu nguyện, co quắp ngủ trong giá lạnh, mơ thành bào thai với cuống nhau nối với mặt trời, trong một cảm nhận từ một sự sống đang dần dần hiện hữu với từng chồi chân tay bé xíu bật nhẹ trong cơ thể người.

 

Có lẽ vì vậy mà nhà thơ đã hân hoan trong niềm hoan ca của ngày sinh lại, của một cảm xúc tự do giữa một thiên nhiên rộng lớn mang biểu tượng của đời sống mới, một đời sống đã được tái sinh và hoàn tất “Bên em hành lễ mặt trời/…/ anh nhào lộn giữa gió và nước/…/ Ngọn thác, bờ sông lớn/ Bóng anh trong tiếng nước chảy”.

 

Trong tập thơ mới “Bầu trời không mái che” là sự dâng đặt cái hứng khởi trở về cuộc tái sinh đầu tiên của sự sống. Một cuộc tái sinh được nhà thơ thể nhập trong cảm nhận trực giác của cái toàn thể và cái nhất thể, một cái cá thể không phân chia, không tách rời. Đó có lẽ là cuộc giải phóng và từ quy của nhà thơ.

 

Cái ánh sáng của cuộc trở về cái nhất thể trong cái toàn thể bằng vào giấc mơ tái sinh đã tỏa lan vào cái nhìn của nhà thơ trong toàn bộ các bài thơ trong tập “Bầu trời không mái che” của Mai Văn Phấn.

 

Cái diệu lý của thiên nhiên được bật mở với những bí mật truyền dẫn qua giác quan thứ sáu của nhà thơ:

 

Vươn thẳng

Tán cây quang hợp mặt trời

Lá chồng lên nhau hoan hỉ

Bật dậy thở chung dòng nhựa

Máu từ đất đai chạy qua bàn chân

 

Miệng ngậm hương đêm lồng lộng

Đưa anh đi mất hút bến bờ

(…)

Phủ che lá cỏ

Gió biển ngái mùi lòng mẹ

(…)

… bé thơ vườn trẻ lá rơi rất nhẹ chia nhau làm tiền khôn ngoan xiên ngang dại khờ đi dọc tiếng nói chân thành làm ta bật khóc

 

                                  (Hình đám cỏ - Nhịp VI)

 

Thật vậy, sự sống của thiên nhiên truyền dẫn vào sự sống của con người, trong sự hoan hỉ của dòng nhựa, của lá chồng lên lá, và nhận thấy máu từ đất đai chạy qua bàn chân. Ở đâu kia ngoài xa khơi từng làn gió biển ngai ngái mùi lòng mẹ, phía sau khu vườn bé thơ nhặt lá chia nhau làm tiền, làm nhói lên sự xa xót nỗi niềm thế tục với khôn ngoan xiên ngang dại khờ đi dọc tiếng nói chân thành làm ta bật khóc.

 

Mình anh ngõ vắng

Vẫy tay chào mọi khác biệt hôm qua

(…)

Ánh trăng khuya rơi vào chén nước

(…)

Thế giới lặng im

Chỉ lẻ loi tiếng sáo

Dịu hiền em

(…)

Nhặt hạt heo may miết lên toan trắng phác họa hình em

                                           (Hình đám cỏ - nhịp VII)

 

Một thế giới bật mở trong thinh lặng, ta thấy nhà thơ đang trở về với bản thể của mình trong một con hẻm chứa đầy những kỷ niệm xưa cũ, chợt nhận ra ánh trăng khuya rơi vào chén nước, nơi thế giới lặng im chỉ lẻ loi tiếng sáo bên dịu hiền em, rồi nhà thơ với hứng khởi trào dâng đã nhặt hạt heo may miết lên toan trắng phác họa hình em.

 

Trong thể giới lặng im của nhà thơ, phả lên hương vị thật tinh tế và lãng mạn, nơi mình anh ngõ vắng vẫy tay chào mọi khác biệt hôm qua.

 

Lặng yên cho nước chảy

Xối xả lâu lạnh toát mình đá

Mùa xuân đấy sao?

Dây hoa leo đường mòn

Tiếng chim dội xuống róc rách

(…)

Đá nhắm mắt an nhiên nước cuốn

(…)

Mùi ổi chín thơm len lỏi trong rừng

                                (Đá trong lòng suối)

 

Trong thế giới lặng yên này của nhà thơ cho ta cảm giác gần gũi với sức cuốn rũ của những vườn đá cổ Nhật Bản. Ở đây ta thật không phân biệt được đang hiện hữu kia là đá hay là nhà thơ. Không biết nữa, chỉ thấy rộn rực mùa xuân dây leo đường mòn, mùi ổi chính thơm len lỏi trong rừng, tiếng chim dội xuống róc rách. Đó cũng là giai điệu xuân “trong hơi ẩm nồng nàn/ Hạt nắng chảy vào em/ Mùa nước về rạng rỡ” (Giai điệu xuân) Hoặc “Chớp sáng nứt vỏ/ Mùa xuân trào miệng hạt” (Đỉnh gió). Đó chính là niềm hoan hỉ của bản thể đá trong lặng yên nước chảynhắm mắt cho an nhiên nước cuốn. Đá chính là bản thể của nhà thơ thể nhập trong trải nghiệm qua dòng xối của thời gian và của thế tục đang cuộc trở về tĩnh lặng.

 

Nhà thơ trong thinh lặng tìm thấy mình ẩn dưới các biểu tượng của thiên nhiên, là đá trong lòng suối, nơi đỉnh gió, nhà thơ lại thấy mình là gió:

 

Nhoài lên mỏm đá sắc

Thân thể gió trầy xước

(…)

Thổi rỗng lòng đồi núi

Ngực gió thả trôi

Vờn trên đất

(…)

Lay giật tả tơi cho đã cơn hưng phấn điên cuồng

Cơn ức chế thèm khát

                               (Đỉnh gió)

Ở nơi khu vườn em, nhà thơ thư thái bước lên vạt nắng tựa như bước lên một con thuyền ban mai (Vườn em).

 

Sự thinh lặng đã tỏa ra hơi thở và ánh sáng từ những câu thơ với những hình ảnh thật đẹp và tinh tế của một sự thuần khiết. Đấy, “Một con đường thanh sạch/ Thức dậy làn hương/ (…)/ Con bồ câu đã về/ Mang cả buổi chiều/ Kẹp trong đôi cánh/ Một buổi chiều khoác bộ lông màu lam/ Cổ và đỉnh đầu khoang trắng/ Cùng bước chân bé xíu bước lên trăng” (Mùa trăng).

 

Sự thinh lặng từ lúc nào tỏa đến từ một con đường thanh sạch thức dậy mùi hương, đã hóa thành con bồ câu mang cả buổi chiều kẹp trong đôi cánh với bước chân nhỏ xíu bước lên trăng. Có lẽ cái mùi hương thức dậy từ sự thinh lặng đã bắt đầu từ “phía cuối con đường/ Nơi bắt đầu cơn giông/ Dọn lòng thanh sạch/ (…)/ Nán lại bên khe cửa hẹp/ Nhìn gợn sóng lấp lánh trên dòng sông chảy xiết” (Hình đám cỏ - Nhịp I). Vào thời khắc đó, nhà thơ “Muốn dừng lại bên đường/ Nằm trên cỏ/ Trời cao mong leo lên cây/ Nhìn xuống tiếc nuối cát/ Thèm trộn vào cát” (Hình đám cỏ - Nhịp II). Trong hương trà buổi sớm, nhà thơ cảm nhận được “Từng nóc nhà, đỉnh núi đội sương lên/ Mây trắng đến quấn quanh ý nghĩ”. Và, sự thinh lặng chảy tràn trong tiếc nuối nơi vẻ đẹp của đời sống và của thời gian đang hiện hữu “Mở cửa anh nhìn. Không ai níu con đường trôi trong buổi chiều. Không ai giữ lại hồi còi đang lan trên đất” (Hình đám cỏ - Nhịp IV); “Biển ngoài kia vẫn ngủ/ Bờ cát duỗi chân mây” (Hình đám cỏ - Nhịp VIII). Đó là quà tặng quý giá của những gì tưởng đã đánh mất trong ký ức nay lại gặp lại “Anh sung sướng mở ra/ Gặp ý nghĩ từng quên trong quá khứ” (Hình đám cỏ - Nhịp IX).

 

Ta nhận thấy ở cấp độ ban đầu trong cái thinh lặng dưới ánh sáng của sự tái sinh, của sự quay trở về bản thể, nhà thơ đã trôi trượt trong dòng trải nghiệm ở một tầng trời rất thấp:

 

Chiếc lá kia rơi

Mặt đất sẽ trũng xuống

Vọng tiếng chuông xua mây đen

                                           (Thu đến)

Em ở đâu

Tiếng cắt gió vội vàng

Men khẩu hình anh theo tiếng gọi

(…)

Gần sáng thức dậy

Quả chuông đêm chụp xuống mặt đất

(…)

Em đang xa quả chuông

Boong…

Boong…

Giữa trời một bông hoa cúc

                         (Hình đám cỏ - Nhịp I)

 

Cái bông cúc đột nhiên hiện giữa trời, đó có lẽ là bông cúc hiện ra từ ánh sáng của sự giác ngộ, của sự giải thoát trên lối về độc đạo của cuộc kiếm tìm. Theo sự trôi trượt theo dòng trải nghiệm, nhà thơ nhận thấy sự đơn độc của kẻ lữ hành, khăn gói trần gian, mải miết đi tìm, ngước lên vòm cao nghe vang vang những tiếng vọng mơ hồ trước giờ tái sinh:

 

Chỉ mình con thấy chú chim nhỏ kia rất xa con đường

Xa mảnh vườn, những đàn chim khác

Con lặng lẽ đi qua vầng mặt trời đáy nước

Nhìn hướng bầu trời mở đôi cánh

(…)

Hơi nước bến sông

Không gian đặc thời gian nhầm lẫn

Ngọn khói lên cao

Bình minh bơi trong biển sương

 

Không phải sương mà đang mưa

Ngọn tháp cao sáng láng

(…)

Con rùng mình một bến bờ

Mặt nước nghẹn nơi không sóng vỗ

(…)

Nhặt viên sỏi vẽ lên mặt đất

(…)

Viết dòng chữ vào ô trống còn lại.

                                     (Cửa Mẫu)

Ô trống còn lại mà nhà thơ viết vào đó là gì vậy, phải chăng đó chính là Tâm không, chính là cái đích của cuộc kiếm tìm không mệt mỏi, cuộc kiếm tìm bản thể, bản thể được tìm thấy và tiếp tục tái sinh trong thế giới tâm thức của nhà thơ.

 

Xin trở lại, ta thấy trước giờ tái sinh, nhà thơ thấy hiện lên ảnh tượng người cha lúc hôn mê:

 

Cha vừa gượng dậy sau trận ốm liệt, men dần ra cửa, lọt vào khối vuông ánh sáng

Người cố đưa ngón tay và bảo con cánh cam trên tán lá kia cha nhìn thấy lần đầu

Con kể những chuyện vô tình lúc cha hôn mê. Chuyện đám mây lớn thường bay chậm qua nhà mình. Chiếc giếng khơi dâng hơi nước lên cửa sổ. Chuyện tiếng con chim khách làm mọi người cùng nhìn bát thuốc

(…)

Cha bỗng thều thào hãy dìu cha đi nghỉ

Tiêng lá khô trượt trên mái nhà làm cha và con cùng rơi nước mắt

                                                           (Cửa Mẫu)

 

Cơn hấp hối của người cha được chiếu dọi trong làn ánh sáng của tịnh độ. Thế giới mở ra thật mới mẻ tinh khôi như lần đầu vào lúc người cha lọt vào khối vuông ánh sáng, với đám mây lớn bay chậm qua nhà chiếc giếng khơi dâng hơi nước lên cửa sổ. Và, cuộc về của người cha là cuộc về của “người đã khuất bỗng về trong hoa nở”, nơi chân trời mở mãi mở mãi vào khối vuông ánh sáng.

 

*      *      *

Như phần đầu tôi đã đề cập, tập thơ mới “Bầu trời không mái che” của nhà thơ Mai Văn Phấn được bao phủ bởi không gian và ánh sáng từ cuộc trở về tĩnh lặng đến cái đích của Tâm không và tái sinh ở một đời sống mới với tinh thần “Vẫn hiểu nhau dù quên tiếng nói/ Đã yêu. Hiến dâng. Đã sống”.

 

Trong cuộc trở về đầy hứng khởi và đam mê nhưng cũng không ít những khó nhọc của sự công phu hướng nội theo lối hành lang hun hút dần về với ánh sáng tịnh độ mênh mông của cõi tâm không.

 

Bông hồng sớm nay mình anh thấy

Tiếng chim hót tỉnh giấc

Tạ ơn con đường dẫn anh đi

Mây trên cao

Lá cây rơi

Cả những gì chưa hiện hữu

(…)

Tiếng chim qua đỉnh đầu

Vào cơ thể anh lúc đang tịnh độ

 

Xua đi cho lòng yên lặng

Sao về được tâm không

                        (Hình đám cỏ - Nhịp I)

 

Ôi, tâm không. Trên thế gian cũng như vũ trụ mênh mông rộng lớn này, chỉ những gì rỗng không mới có thể chứa tải và sinh sôi mà thôi. Tâm không tức là bầu trời, là biển cả. Chỉ có Tâm không mới chất chứa và sinh nở. Những câu thơ cùng được sinh ra từ tâm không đó thôi, tâm không mới đủ sức thu chứa những ý nghĩa của thiên tạo và nhân tạo cùng những dư ba của kiếp người.

 

Tôi đọc những vần thơ của nhà thơ Mai Văn Phấn trong những ngày giá lạnh tê buốt của một mùa đông thật khắc nghiệt, những ngày cận cuối năm, sớm dậy nhìn ra bãi trống phía trước mưa bụi mờ mờ trong tiếng chuông sớm từ bên kia sông vọng lại, phả lên hơi thở mang hương vị mùa xuân rất gần. Chuẩn bị gấp tập thơ “Bầu trời không mái che”, tôi nhận thấy mình vừa trải qua một cuộc thám hiểm vào thế giới của những câu thơ tích chứa tính ẩn dụ và biểu tượng. Và, tôi chợt giật mình, rằng hình như ở đâu đó trong tập thơ, nhà thơ Mai Văn Phấn còn kịp cài yểm kỳ vọng về thi ca, nó thay lời bộc bạch gửi gắm những ước ao trăn trở trong cuộc tìm tòi thể nghiệm đầy khổ công và nhọc nhằn của nhà thơ:

 

Muốn viết câu thơ tự nhiên

Như đi trên đất

 

Ừ phải, thơ ca từ bao đời nay luôn thể nhập làm một với ước vọng của con người, thơ ca luôn bám riết mặt đất, giao hội và sẻ chia niềm vui nỗi đau cùng hạnh phúc nơi trần gian của những kiếp người, để rồi vươn vút lên trời xanh tỏa rợp cõi nhân quần. Vâng, thơ ca đã và đang sánh bước cùng với con người tiến đến cuộc “Hành lễ mặt trời” vậy.

 

Hà Đông, 19/1/2011

D.K.M

(Tạp chí Nhà Văn, 4/2012)

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị