Cô đơn lấp lánh bên trong đó (phê bình) - Trần Tiến Dũng

Cô đơn lấp lánh bên trong đó


 

 

Trần Tiến Dũng

 

 

Thi sĩ trước đám đông không tránh khỏi phấn khích, nhưng thường những khoảng bốc ấy rất ngắn, và khoảng thời gian say đám đông ái mộ đó rốt cuộc chỉ để lại dấu vết những lằn roi. Mỗi thi sĩ đều sở hữu hai cây roi, chỉ giai đoạn đầu của việc sáng tác thi sĩ mới chấp nhận dành cho công chúng yêu thơ tác động - chi phối sáng tác của mình. Thi sĩ càng đi xa trên con đường sáng tạo, càng muốn tay mình sử dụng ngọn roi cảm xúc của chính mình để mở cửa miền đất ngôn ngữ thơ riêng. Và với Mai Văn Phấn, tập thơ Hình Đám Cỏ là một cõi buồn chìm dưới vết roi để tạo nên tình trạng hân thưởng phiền muộn.

 

Không ở đâu người ta nói và viết về thơ nhiều như ở Việt Nam, nhưng không ai thấy được chuyến đi của từng từ trên văn bản một bài thơ hoặc không ai hình dung được một tập thơ trên hành trình mà nó xuyên qua những cảm xúc giản dị và phức tạp. Thơ hiện đại là cách nhìn không phải của riêng đôi mắt mà của tổng hoà những trạng thái cá nhân. Và đọc, không chỉ bằng cái đầu mà chính là cả trạng thái, rằng: Hình Đám Cỏ là một tập thơ có giá trị làm rộng mở không gian riêng của một người. Bằng chất liệu ngôn ngữ đô thị phủ đầy nỗi buồn phiền muộn trong trẻo. Một tập thơ chỉ một tựa đề, với nhịp thơ từ tốn dịu dàng như nhịp chân của một người đàn ông đang đi về hướng mà mình biết chắc nơi đó là xứ sở của vòng tay người đàn bà sang trọng. Người tình đó của Mai Văn Phấn, chỉ có nàng và riêng nàng mới có thể kết hợp thực tại chai lỳ của  cuộc sống này với những giấc mơ tinh khiết.

 

Với đám đông của thơ hôm nay, vẫn còn đó một câu hỏi ngớ ngẩn là thơ về đâu, và dành cho ai! Thơ không phải một bệnh viện với bác sĩ và thuốc chăm sóc cho những bệnh chứng điên rồ của đám đông. Thơ mãi mãi là âm - nhạc - ngôn - ngữ - cá nhân, không ngừng, luôn luôn làm lành vết thương cảm xúc dù chỉ trong tíc tắc. Một cá nhân thi sĩ liệu có thể làm gì hơn! Nếu đám đông tìm tới thơ như công dụng của một miếng gạc băng bó cho nỗi sợ thất lạc cảm xúc con người, ý nghĩa của điều đó chỉ ra: những phiền muộn mà thi sĩ được ban thưởng khi nỗ lực tạo ra thơ, và thơ trở thành những miếng ghép Hình Đám Cỏ giữa thực tại và giấc mơ.

 

Lay gọi anh bằng câu quen thuộc

Ngày đến rồi!

 

Và như thế sau triền miên trên đường thời gian, sau nối nối - tiếp tiếp những ngày những đêm, sau người tình thành bà già chờ giờ làm đám cưới với bọt biển, sau bạn bè chờ thời điểm hư vô làm cách mạng với giun dế, thì thi sĩ và chỉ có thi sĩ mới có đủ tầng cao và vực thẳm cảm xúc mở riêng một cõi để luôn luôn nghe tiếng gọi: Ngày đến rồi !

 

Từ toàn thể điều mà thi sĩ gọi: Ngày đến rồi! Đó không phải thông điệp của bậc Thánh, đó cũng không phải tiếng ngớ ngẩn đáng yêu nhất trần đời của một đứa trẻ, cũng chẳng phải là trí thức hay kinh nghiệm sống mà đơn giản ngày đến rồi chỉ là thời gian và không gian xuất hiện từ bên trong của mỗi thi sĩ. Một ngày bên trong với quốc gia và dinh thự mê cuồng…, với đô thị quen thuộc, căn nhà thân thiết,  thức ăn và công việc, rượu và người tình… Một ngày bên trong cõi thơ muộn phiền lấp lánh cô đơn.

 

T.T.D

(Nhà thơ Trần Tiến Dũng gửi qua email)

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị