Cội mầm bình dị mà thăng sáng (phê bình) - Đinh Thanh Huyền

CỘI MẦM BÌNH DỊ MÀ THĂNG SÁNG

(Đọc liên khúc "Hình đám cỏ" trong tập thơ “Bầu trời không mái che” (Nxb. Hội Nhà văn, 2010)

 

 

 


Tác giả Đinh Thanh Huyền

 

 



Đinh Thanh Huyền

 

 

Xin được bắt đầu bài viết này bằng hai mặc định kì cục

Mặc định 1: Tình yêu trong sáng.

 

Bất chấp người ta gán cho tình yêu những thuộc tính gì thì tình yêu, như vốn dĩ, không trong sáng hoặc không đen tối. Nó bao gồm cả hai thứ đó và chẳng bao gồm gì hết. Nghĩa là nó sẽ không nhàm chán và đạo đức giả như phát ngôn của bất kì kẻ nào muốn khoác cho nó những yếu tính nằm ngoài cứu cánh tự thân của nó. Vậy một tình yêu bình thường thì phải có tình dục dù chỉ là trong ý nghĩ.

Mặc định 2: Thơ tình trong sáng.

 

Ai là người có thẩm quyền quyết định sự trong sáng hoặc đen tối của một bài thơ tình? Không ai hết, kể cả tác giả. Trường hợp nhà thơ viết với tâm nguyện dạy cho người đọc một bài học đạo đức yêu đương thì anh ta sẽ đẻ ra một cái bát hương chứ không phải thơ tình. Một bài thơ  không có chữ nào động đến tình dục vẫn có thể bỉ lậu vô cùng, ngược lại một bài thơ tưng bừng dục tính vẫn hoàn toàn trong veo vẻo như nước khe đá.

 

Mai Văn Phấn là một thi sĩ kì cục, bởi mỗi bài thơ của ông, dù viết về bất cứ điều gì đều khiến tôi hình dung ra có một nụ cười tinh quái sau đó, nụ cười thách thức và nhạo báng tất cả sự cố công của người đọc, nụ cười phơi bày nỗi thống khổ của ngôn từ và mối thù hận không thể nguôi ngoai của tiếp nhận đối với văn bản. Nụ cười ấy rõ rệt nhất ở cái không khí tình dục lồng lộng trong thơ tình Mai Văn Phấn.

 

Ở bài viết này, tôi chỉ nhắc đến một bài thơ dài: “Hình đám cỏ” ra đời năm 2009. Trong một bài phỏng vấn, Mai Văn Phấn đã tuyên bố “Thơ là thanh âm của tự nhiên: gió gào, chim hót, núi lửa phun trào, sóng gầm, đá lở… là lúc động tình, con Đực chồm lên con Cái… Lúc làm thơ tôi chẳng nghĩ phải cần trách nhiệm hay sứ mạng gì cả”.

 

Không sứ mạng, đó có phải là sự vô ý của kẻ làm thơ? Hay là trang sức của lời? dù thế nào, dứt khoát thơ không mang vác gì ngoài nó. Thi sĩ là kẻ ngu ngốc thứ nhất khi dám hồn nhiên mà viết. Người đọc là kẻ ngu ngốc thứ hai khi mất cảnh giác với thơ. Nhất là thơ có yếu tố tình dục.

“Hình đám cỏ” với tôi  là câu chuyện về một cuộc ái ân miên viễn, nơi mà những tình nhân dìu nhau đi trong nhịp điệu của riêng họ, không giống ai, không cần giống ai, kể cả tạo hóa.

 

Mở đầu bài thơ là “bước sơn dương gõ trên mặt đất”, kết thúc bài thơ là “những con sơn dương tràn xuống đồng bằng” và “bầu trời vỡ tiếng gọi đàn khoái cảm đêm đen/bước bước sơn dương”. Ai chẳng biết sơn dương là linh thú của tình dục, bước sơn dương gõ  giống như tiếng gõ đầu tiên đánh thức ái tình. Và cũng bước sơn dương ấy hân hoan chiến thắng trên nét vạch chân trời rạng rỡ của cuộc yêu đương viên mãn.

 

Bài thơ như một cuốn phim chậm mà mỗi phân cảnh dường như chẳng ăn nhập gì với nhau, nhưng nó diễn đạt một cách không thể khác về nhịp điệu sống của một con người. Ta tưởng thời gian là liên tục, ta ngỡ sự sống là dòng chảy, nhưng sự thật sự sống là những sat-na không nối kết. Sự đứt gãy của kết cấu bị chúng ta chối bỏ, chúng ta thích cảm giác về sự liên tục bởi nó đem lại ảo tưởng bền vững. Mai Văn Phấn đã khước từ sự tự lừa dối đó bằng cách đem những hằng hà sa số mảnh sống tãi vào nhau, càng rời rã bao nhiêu thì càng gần sự thật bấy nhiêu. Và trong đám hỗn độn ấy, có một thứ mỗi lúc một hiện rõ nét, nó là thứ duy nhất vẹn nguyên hình hài, nó là những kinh mạch khiến cho đời sống kia trở nên có lý. Nó là ái tình.

 

Nếu nói: “Hình đám cỏ” là một cuốn bí kíp ái tình trá hình liệu có quá không?

 

Không quá, bởi khó mà nghi ngờ sự gợi tình ngay từ câu thơ vô hại này:“Hơi thở truyền nóng qua điện thoại giây lát, hỏi anh ăn sáng chưa?”

 

Không quá, bởi sự ám gợi từ những biểu tượng cá nhân riêng tư. Biểu tượng thứ nhất: chuỗi hạt


Choàng vai em như đeo chuỗi hạt…

… Chuỗi hạt lặng yên chờ em ngủ

Lại xô đi lạo xạo quay tròn

…          

Lăn trơn anh chuỗi hạt xổ tung

 

Biểu tượng cá nhân trong thơ hiện đại thú vị bởi nó là liên tưởng đặc dị, chỉ xuất hiện ở một chủ thể sáng tạo. Còn biểu tượng đó ở đâu ra thì chịu. Tôi đoán đây là nụ cười tinh quái Mai Văn Phấn, bởi ông chắc chắn không kẻ nào giải mã nổi biểu tượng ấy. Freud đã từng liệt kê ra những biểu tượng của bộ phận sinh dục thông qua những vật có hình thức giống nó. Nhưng mọi thứ tổng kết đều chết cứng, thực tế luôn sinh động. Những kẻ yêu nhau luôn có những mã riêng. Biểu tượng “chuỗi hạt” trong “Hình đám cỏ” chính là một mã kiểu ấy. Hãy đọc lại những câu thơ trên, ta sẽ thấy người đàn ông kiêu hãnh phô diễn nam tính của mình trong bầu khí quyển ngây ngất dục tình bao bọc người đàn bà của anh ta. Chuỗi hạt như một phần không thể thiếu của nghi lễ, ái tình lập tức trở thành tôn giáo. Những kẻ yêu nhau đã tự lập ra thánh địa của mình.

 

Biểu tượng thứ hai: Nước

 

Biểu tượng nước trong “Hình đám cỏ” rõ ràng đến nỗi ngay cả những người đọc thờ ơ nhất cũng nhận ra sự ám gợi của nó:

 

Nước là đường dẫn của nối kết hai cực âm dương

 

Tiếng nước từ đỉnh thác êm

 đang nối hai đầu thế giới

Nước mở đầu cho một cuộc hành lễ trang nghiêm

 

 Nước ấm nóng mở đầu nghi lễ thanh tẩy

 

Nước là chất đốt, là nguồn năng lượng của lò luyện kim rực cháy

 

Nước reo sôi con gấu hực lửa

Tiết mật tổ ong

Từng ngón chân thon

 

Nước là một miền êm dịu khi bão tan, chớp lặng, khi cuộc tình dịu dàng buông xuống:

 

Mình thiếp đi bên nhau

Mơ cánh đồng có giếng sâu

Tay nối tay kéo từng gàu nước

Tiếng đất reo

Rễ cây duỗi mềm mại

Hoa trổ bông nơi mình vừa tưới

Tưới thật lâu cho khắp cánh đồng

Nghĩ và kéo nhanh hơn không biết mệt

Mạch nước khai thông dòng thác

Ướt bì bõm

Len qua hàng lúa trĩu bông

 

Nước reo múa trong mọi hình hài của nó, mà những hình hài ấy đều là sự biến thiên bất tận của ái tình.


Là mưa lai láng trên thân thể tình yêu

 

Mưa cơ thể em sáng láng…


Mưa mồ hôi tóc bết xanh bất tận


Từng hạt mưa rây rây xuống cỏ

Đọt măng non căng mặt đất mềm


Hơi thở mưa bay lất phất


Sấm sét mắt nhìn đổ trận mưa rào

Là bão lũ dại cuồng không kiểm soát:

 

Con đê vỡ toang tràn lũ đồng bằng

Là biển:

 

Biển xô con đập mong manh

 

Là sóng:

 

Anh u mê không chân em  tay anh

Hơi thở lạc trong làn tóc rối

Tung lên bọt sóng quay tròn

 

Và “sóng”:

 

Miết sóng cơ thể

Bấu vào lưng, cào xiết bờ vai

 

Nước, kì diệu thay mang con người đến bến bờ của sự sinh thành:

 

Giữa em là anh

một con hoẵng vừa sinh trên cỏ ướt

một bát nước ngùn ngụt bốc hơi

một thế giới đang vội vàng hoàn hảo

 

Sự sinh nở bao giờ cũng được biểu hiện bằng một hành động có nước. Ở những câu thơ trên, người đàn ông được người tình của mình sinh ra. Đó là cuộc sinh thành thứ bao nhiêu trong đời anh ta, không thể biết. Điều tuyệt vời ở chỗ mỗi lần được sinh ra, anh ta trở thành con người mới, trở lại làm một sinh linh thơ dại, bắt đầu đời sống với tất cả sự yếu ớt và sinh lực của một khởi đầu. Và những khởi đầu bất tận cứ thế xảy ra sau mỗi lần ân ái. Còn gì cao quý hơn khi người đàn ông tôn thờ người phụ nữ của mình như một đấng sinh thành. Nhưng hãy đọc những câu thơ ấy thật nhiều lần, đọc để vứt bỏ hết mọi ý nghĩa, chỉ còn cảm giác rã rời mãn nguyện và kiêu hãnh tột độ sau một lần sự sống lên ngôi. Nước trong “Hình đám cỏ” là biểu tượng hai mặt: vừa là chân mệnh đàn bà vừa là vận số đàn ông.

 

Kẻ đàn ông được sinh ra lần nữa bắt đầu học cách cảm nhận thế giới trong sự dìu dắt trìu mến của người đàn bà của anh ta:

 

Đặt tay lên anh

Rễ mềm trong đất ẩm

Mặt lá ngây thơ

Dậy anh cách đánh vần đồ vật:

đây bát đũa

nền nhà, giày dép

mặt trời

rất nhiều tiếng nước

 

Ngọt ngào thay kẻ đàn ông tự xem mình là đứa trẻ, nhận ân huệ của người đàn bà anh yêu. Tình yêu ấy như tình yêu Thiên chúa

 

Chú bê non dụi vào lòng mẹ

Cún con quẩn quanh luồn lách chân người.

 

Có những biểu tượng mà ý nghĩa của nó rất quen thuộc:

 

Quyền trượng rắn đanh vươn chiếm đoạt

Đất quanh đây chuyển động

Núi đồi, mặt nước nhấp nhô

Trên cao em con cá trúng xiên, con chim trúng đạn

Vũ điệu nhịp nhàng nở đóa hoa


Tôi yêu những vần thơ này, chúng không bị khắc chế bởi bất cứ rào cản nào. Chúng phô diễn đến tận độ một cuộc ái ân đắm say. Ân ái là địa hạt của hồn nhiên, của tự do và những bí mật dễ thương nhất. Những câu thơ mang màu sắc tính dục của Mai Văn Phấn “nguy hiểm” ở chỗ dễ biến người đọc thành đồng lõa. Nếu bạn cảm nhận được những gì Mai Văn Phấn viết, bạn đồng lõa với thi sĩ. Nếu bạn bị kích thích bởi những dòng thơ ấy, bạn là đồng lõa với chính mình. Nếu bạn yêu những dòng thơ ấy, bạn đồng lõa với duyên phận. Cách gì cũng vẫn là đồng lõa. Nhưng khó mà từ chối được cuộc gây án bí ẩn và đầy tiềm năng này, một khi nó buộc ta phải nhìn mình bằng con mắt của người khác, trong một thâm cung rắc rối và ngọt ngào của chính những khao khát bản thể. Những câu thơ đẩy người đọc vào nỗi hoang mang, giống như lạc vào một động thuốc phiện, choáng váng bởi mùi thơm và sự tăm tối mê hoặc. Muốn thoát ra nhưng chân không nhấc nổi. Tình dục  trong thơ phải đạt đến trình độ đó. Có lẽ không nhiều nhà thơ viết được như Mai Văn Phấn ở địa hạt này.

 

Khi bắt đầu bài viết này, tôi nghĩ mọi sự sẽ nhẹ nhàng, sự chủ quan mất cảnh giác đã đánh gục tôi. Càng dấn sâu vào “Hình đám cỏ”, tôi càng cảm thấy bất lực. Cả bài thơ như một hành trình qua quá nhiều địa hình, khí hậu, những câu thơ tưởng giản đơn mà hóa ra là bẫy sập. Tôi mắc kẹt trong bài thơ, bị lôi cuốn bởi những bí mật của thi sĩ ngập tràn trong ấy. Tuy vậy, phải khẳng định ngay  tình dục trong thơ Mai Văn Phấn không phải là ẩn ức. Không có bất kì ham muốn bị dồn nén nào, chỉ có ham muốn đã thăng hoa. Đó là sự giãi bày, đơm hoa kết trái, là khoe ra một cách kiêu hãnh. Bởi thế, tình dục trong  “Hình đám cỏ” không phải là sản phẩm của trí tượng tượng, nó có thật. Những bí mật trong bài thơ chính là kho báu mà số phận trao cho thi sĩ. May mắn thay cho kẻ nào biết được điều ấy.  

 

Mai Văn Phấn mô tả những cuộc ân ái mãn nguyện tột cùng. Nơi ấy, đôi tình nhân tận hiến:

Lùa cơ thể vào nhau
Ném từng thanh củi lửa
Em và anh cùng phát sáng bóng tối

Làn tóc, bờ vai, vòm ngực
Lưỡi xoắn lại trong cơn hủy diệt

Sắt thép nung chảy vào khuôn
Đem tôi trong nước nổ vang
Tiếng leng keng cày lên mặt đất

Nơi ấy họ điên cuồng:

 

Lời tra hỏi yêu anh không

Chợt gió thốc lên khắp phía

Thân đung đưa tóc bay xào xạc.

Cuộc ái ân khi như một hơi thở dịu dàng

 

dìu em êm đềm thở dốc xuống bất

chợt rung vang nhau từng thanh chuông gió

Lúc là cuồng phong, và vòi rồng, là hỗn mang trời đất

 

mặt đất lồng lộng đỉnh đầu tâm xoáy

lưỡi gió miết thân lả tả càng bám

chặt càng lay giật mạnh khản đặc hú

gào hối thúc nghiêng ngả ngậm chặt lá

khô giãy giụa càng lảm nhảm bóng đè

thập thõm con đường mải hôn càng căng

mơn mởn dìu anh miệng vực lẩm bẩm

không thể rời nhau sợ sâu toát vã

mồ hôi lộn ngược dính chặt

đơm hoa kết nụ lá rủ vỗ về

che chở cành khô đung đưa trêu ngươi

sấm sét mắt nhìn đổ trận mưa rào

Câu bất chấp quy tắc ngữ pháp, hình ảnh bất chấp quy luật liên tưởng, lời bất chấp quy ước hành ngôn. Nhưng chỉ có cái vô lối đến khó tin của diễn đạt mới đủ sức biểu thị được năng lượng ngang tầm vũ trụ của một cuộc ái ân. Đích đáng vô cùng!

 

Đích đáng hơn nữa là hình tượng người đàn ông trong bài thơ này. Anh ta là kẻ phụng sự, tôn  thờ và nâng niu vị nữ hoàng của mình. Ngay khi ấy anh ta lại chính là hoàng đế của nàng. Mang nàng đi trên đôi cánh của loài thiên điểu, người đàn ông chiếm hữu nàng bằng tất cả đam mê:

 

Anh nhai, hàm răng ghì chặt

Con chim ưng chộp bằng móng vuốt

Hổ báo vặn mình hùng dũng bật lên

Loài rắn độc ngậm con mồi truyền nọc

Thân cây lớn bật tung bờ cát

Trong tay kẻ bạo chúa ngọt ngào, người đàn bà  bị nghiền nát bởi ái tình mê đắm:

 

Uống trọn mùi hương

Em bé nhỏ trong nanh vuốt sắc

Kêu cứu, gọi tên anh

Con thú hoang đói khát

Gọng kìm mở kẹp chặt

Xé ngón tay. Miệng nhai

Đôi môi đua nanh thú dữ

Đếm trong nhịp điệu giật cục

Một... Hai... Ba... Lú lẫn…

Và số Năm từ vô tận ngân lên

 

Có cả những dòng thơ như bí kíp ái tình, dạy người ta yêu nhau phải thật là trìu mến, thật là đam mê:

 

Hôn và cầm tay anh!

Tiếng chuông gió phủ dầy

Lá cây không dừng được

Gió thốc ngược cây rơm, mái rạ

Giật tóc, rách áo anh

Ngả đầu bồng em lên!

 

Viết về tình dục là thời thượng khi người ta muốn bứt khỏi những thiết chế thép từng trói buộc tâm thức. Thật lạ khi nhiều nhà thơ xem tình dục là bản năng, là phần con trong con người, là tội lỗi nhưng lúc muốn khai phóng, muốn làm mới, người ta lại bắt đầu từ tình dục. Bởi thế họ trượt từ cực đoan nọ đến cực đoan kia. Từ chỗ bưng bít xấu hổ đến chỗ tòe hoe thô thiển bày ra, cả hai thái cực đó đều phá hỏng vẻ đẹp căn cốt của tình dục trong nghệ thuật. Mai Văn Phấn là một trong những nhà thơ đã làm ra được một thế giới tình ái  trong thơ đạt đến độ hài hòa của dục tình nguyên thủy và văn hóa tình dục. “Thơ tình dung tục khi nó chưa có cảm xúc và bị viết ra từ tâm thuật bệnh hoạn dung tục. Còn một khi nó được đặt trong ngôi đền thiêng thì tất cả bỗng thánh hóa” (Mai Văn Phấn). Ngôi đền thiêng đó không dành để thờ phụng, nó là nơi thi sĩ tìm thấy mình trong khao khát vẹn nguyên, trân trọng từng chi tiết nhỏ bé của tình yêu và dâng hiến trọn vẹn cho người yêu. Ở ngôi đền thiêng đó, khi con người trần trụi nhất cũng là lúc được bảo bọc tốt nhất. Bởi tình dục là thiêng liêng nên khi nghi lễ kết thúc, tín đồ đạt đến sự tinh tấn thuần khiết:

 

Bên nhau lặng im nghe bông sen trắng

đang nhói sáng

vươn trong huệ tưởng

Những dẫu sao, nếu chỉ có dục tình, hoan lạc chỉ là trò chơi có thưởng. Tình dục trong ““Hình đám cỏ”” là đóa hoa vươn lên từ gốc cây tình yêu ân cần:

Lo em phải mang quá sức

Anh đã chạy theo

Lúc kiễng chân, lúc bám tay tay hờ

Tà áo bay nắng sớm

Nhạt hoa văn chiếc túi da nâu

Có vài câu thơ tưởng như hơi nhạt, thấp thoáng một cái gì quen thuộc:

Dặn chiếc túi nhỏ anh mang

Có đồ ăn và chai nước uống

Trên cao tít từng bầy đóm đóm

Ngôi sao gần hơn vẽ mắt em

(yêu nhau thường khi không nhớ mặt)


Nhưng khi đọc những vần thơ này trong dòng mạch của cả bài, tôi bỗng nhận ra điều gì khiến cho tình dục trong thơ Mai Văn Phấn thăng hoa đến thế: có một tình yêu kín đáo mà sâu nặng vô cùng ẩn sau đó. Không có tình yêu này, mọi thứ tình dục đều vô nghĩa. Bởi tình yêu ấy, “cỏ non kinh động, càng chồi lên mở lại những chân trời”. Rốt cuộc, không có điều thiêng nào lại không thăng sáng từ một cội mầm bình dị nhất. Tôi nghĩ vậy! 

                                                           

Đ.T.H

 

 







BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị