Cảm nhận về con tò vò và giọt mưa (phê bình) - Ko Hyung-ryul (Hàn Quốc). Phương Anh dịch từ tiếng Hàn

CẢM NHẬN VỀ CON TÒ VÒ VÀ GIỌT MƯA

(Đọc trường ca “Thời tái chế” của Mai Văn Phấn, do GS. Ahn Kyong-hwan dịch từ Việt sang Hàn ngữ. Nxb Dohun, Hàn Quốc, 2020)

 

Giọng đọc của Mai Hương trên Youtube

 

 

 

 

 

 

 

 

Ko Hyung-ryul (Hàn Quốc)

Phương Anh dịch từ tiếng Hàn

 

 

 

Tái chế có ý nghĩa ban đầu là công nghệ cốt lõi của khoa học hiện đại, giúp xử lý vật liệu, đồ dùng đã cũ, qua sử dụng thành năng lượng, vật liệu mới. Thế giới không thể quay lại tinh thần và vật chất trước khi tái chế. Con người bị ép phải giải tỏa, trốn thoát liên tục không có điểm dừng, và ngày càng trở nên kiểu cách với tinh thần suy đồi. Thiên nhiên và nhân loại sau ba mươi năm toàn cầu hóa đã quá già cỗi, tựa như những cơ thể không còn năng lượng. Cho đến khi thế hệ chúng ta qua đi, tuyết vạn niên sẽ tan chảy, tất cả những con gấu Bắc Cực sẽ chết. Một loại virus vô hình không mùi, không màu đầu thế kỷ này đang làm chững lại hệ thống toàn cầu hóa và quỹ đạo mà nền văn minh đã đạt được, khiến nhân loại nếm phải trái đắng. Trí tuệ và đạo đức của nền văn minh mà nhân loại tích lũy được đã chạm đến giới hạn.

 

Trường ca “Thời tái chế” của Mai Văn Phấn mang gốc rễ của ngôn ngữ chạm vào nỗi sợ hãi và bóng tối mà chiến tranh Việt Nam mang lại. Nó ghi lại nỗi đau không thể giải thích và chữa trị trong không gian tự do của tâm trí, nơi lưu đầy ký ức cùng khát vọng đi kèm. Trong một xã hội dẫn đến sự cạnh tranh không giới hạn, vấn đề bất bình đẳng, cơ hội, bỏ mặc, cô lập, đoạn tuyệt có tính đào thải trở nên nghiêm trọng hơn; đề tài về nỗi buồn và cái chết đậm tính sử thi bị bỏ lại trong kho thời gian bị lãng quên hoặc trở thành những thứ bỏ đi.

 

Trong thời đại tái chế không thể biết trước, chúng ta được nhập vào và cố gắng hát lên khúc nhạc đó một cách muộn màng, tìm kiếm kỹ thuật và ngôn ngữ phê phán, từ đó đánh mất bản ngã hoặc đổi mới một lần nữa. Dù bất kể trường hợp nào cũng không thể tránh khỏi việc khơi dậy những giằng xé, bi ai, nỗi buồn, nhưng tất cả chúng ta đều quen với việc tin tưởng vào bản ngã xa lạ và tiếp tục sống.

 

Nhà thơ không thể nào quên được hình bóng của cái chết mà cuộc chiến tranh tàn khốc đã hằn sâu trong tâm khảm, quên đi quê hương của mình từng trở thành đống đổ nát. Việc dừng tình huống nào đó lại không phải là xóa bỏ mọi vấn đề, mà là kết thúc để tạo ra nội lực mới. Tại trường ca này, nhà thơ muốn nén giấc mơ lại thành “hạt giống”, nhân rộng và ghi nhớ chúng.

 

Từng có nhân duyên

 

Ko Hyung-ryul sinh năm 1954, sau khi chiến tranh Hàn Quốc chấm dứt, còn Mai Văn Phấn sinh năm 1955, khi chiến tranh Việt Nam nổ ra. Hai cuộc chiến tranh ở châu Á đã để lại dòng sông phân chia thời đại, phân chia ký ức, cái chết và sự sống. Chiến tranh đã để lại vết sẹo không thể chữa lành hằn sâu trong tâm hồn hai nhà thơ.

 

Mười năm trước, khi tổ chức “Lễ hội Văn học Nhà thơ Hàn Quốc-Châu Á (Korea-ASEAN Poets Literature Festival)” tại Seoul và Sokcho, tôi đã mời Mai Văn Phấn tham dự, giới thiệu với ông về dãy núi Seorak và đường ranh giới quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Nhân duyên đó đã cho ra đời tập thơ in chung của tôi với ông vào năm 2018, mang tên “Sinh đôi trong đại dương”[1].

 

Mùa thu năm 2019, nhà thơ đã đến xứ Kim Chi theo lời mời của Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc, và đọc Chương II “Thẫm đỏ” trích trong trường ca “Thời tái chế” tại trung tâm Văn hóa thủ đô Seoul. Tuy được nghe ông từng viết một bài thơ dài, nhưng lúc ấy tôi mới biết rằng bài thơ mình đã đọc là một phần của trường ca đó. Âm hưởng thi ca của ông vang lên làm cho không gian và thời gian vốn luôn ồn ào nhộn nhịp của Hàn Quốc trở nên tĩnh lặng. Nghiêm túc, thẳng thắn và nhanh nhẹn. Khuôn mặt điềm tĩnh, cương nghị với dáng vẻ khiêm cung của ông đủ để khắc ghi chân dung một thi sĩ. Giọng ông trầm lặng và sắc bén đã bùng nổ với lời mở đầu: “Tôi là nhà thơ Việt Nam”.

 

Không lâu sau khi ông trở về nước, trường ca song ngữ Việt - Anh “Thời tái chế” xuất bản tại Việt Nam đã đến tay tôi. Tôi lập tức chuyển bản tiếng Việt và bản dịch tiếng Hàn của Giáo sư Ahn Kyong-hwan cho nhà xuất bản Dohun, Hàn Quốc. Trường ca này đã khơi dậy cho tôi câu chuyện huyền thoại tinh thần của một nhà thơ sống ở vùng châu thổ phía Bắc Việt Nam. Nỗi đau đã được truyền tải tựa thể xác và tâm hồn Mai Văn Phấn được đúc kết thành tác phẩm, tựa phép thuật chứa đựng linh hồn ông. Tôi có thể nhanh chóng cảm nhận được rằng dòng máu tâm hồn ông đã được vắt kiệt qua trường ca này.

 

Tác phẩm mang lại ấn tượng giống như ông đang đứng một mình dưới chân dòng thác lớn, nơi sự mất mát, hối hận, lãng quên và ký ức đan xen. Nó tựa như những chú chim cất tiếng hót vào ban mai bởi bất ngờ ánh mặt trời bỗng dưng hiện lên từ phía cánh rừng. Toàn bộ trường ca này phải chăng là tiếng khóc xanh thẳm, là nỗi đau và giấc mơ của ông. Kỳ lạ thay, âm thanh ấy không lan rộng mà quy tụ vào tâm can, làm tăng thêm nỗi bất an và nỗi buồn mới khi bước trên con đường không thể lường trước.

 

Ngôn ngữ của ông bén nhậy như đôi cánh, mềm mại và trong suốt như nước, tự do như mặt hồ rộng có ngọn gió thổi qua thật nhẹ nhàng. Tập thơ tựa một câu chuyện của chàng trai trẻ tiều tụy đến gần tôi, lặng lẽ trút bầu tâm sự về nỗi đau và giấc mơ của cuộc đời chàng.

 

Ngôn ngữ và cấu trúc của tác phẩm cần phải phân tích từ nhiều góc độ, vì trường ca này giống như những ánh lửa phản chiếu từ tương lai vậy. Từ đây, tôi sẽ giới thiệu toàn bộ các phần liên kết chặt chẽ như người giữ trọn một trái chín không thể phá vỡ, từ đó trình hiện thái độ, nội dung, ý nghĩa chứa đựng trong tác phẩm. Tôi tin rằng phải như vậy thì nội tại ngôn ngữ thơ Mai Văn Phấn mới tái chế trở lại mãnh liệt hơn trong bóng tối. Nói cách khác, sự linh hoạt của tư duy vừa căng thẳng một cách kín đáo bên trong vừa trải rộng ra bên ngoài vô cùng ấn tượng. Thơ ông thể hiện khát vọng mãnh liệt để đối mặt và khắc phục những yếu tố tiêu cực như mệt mỏi, vô ích, sự lặp lại, v.v... mà chủ nghĩa hiện đại bị mắc kẹt. Đặc biệt, nhà thơ được rèn luyện tinh thần, trải nghiệm giới hạn của thế giới bị nhốt trong cuộc sống thường nhật, thói quen hàng ngày của cuộc sống chứa đầy tiếc nuối, đồng thời mơ ước về một dịch chuyển khác. Sự rèn luyện đó đang chứng minh rằng ông suy xét mọi việc ở trọng tâm của tư duy lâu bền.

 

Tuy nhiên, trường ca này tái hiện lại tinh thần và thái độ quý giá như châm ngôn đẹp, ẩn dụ, sự dí dỏm, gọn gàng v.v... mà thơ hiện đại đã đánh mất, và chủ đề ẩn giấu của tác phẩm thực tế nằm ở niềm hy vọng khác về tái chế. Một nhà giả kim tìm kiếm vật chất mới (ngôn ngữ) thông qua việc lắp ráp và bóc tách bắt buộc phải tự tái chế lại bản thân. Đó là sự mở rộng tầm nhìn của văn học khác với việc tái chế hóa học. Mai Văn Phấn đã khởi hành trước tiên trên con đường ngôn ngữ cô độc mà không ai đi.

 

Lời hứa đến thời gian khác

 

Hai người lính ở hai chiến tuyến đối lập. Một người thuộc Sư đoàn 25, là lính miền Nam Việt Nam cộng hòa, tử thương ngày 28/4/1975 tại căn cứ Đồng Dù (cách Sài Gòn 60km ở phía tây bắc). Người còn lại thuộc C5, Sư đoàn 320A, Quân đội Nhân dân Việt Nam bị trúng đạn khi lái chiếc xe tăng T54 tiến vào mở cửa căn cứ. Hai nhân vật tuy thuộc hai chế độ khác nhau, nhưng khi thống nhất, hai linh hồn đều thuộc về nước Việt Nam hiện tại. “Thời tái chế” nhắc đến hai nhân vật này, đồng thời cũng gợi nhớ lại cuộc đối đầu của một thời đại 45 năm trước. Nhà thơ ám chỉ mạnh mẽ đến cái chết của viên hạ sỹ nhất vào năm 1975 (năm thống nhất) khi chiến tranh kết thúc. Tác giả cũng để lại đây giai thoại về chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979 diễn ra sau đó.

 

Mai Văn Phấn đặt lý do tồn tại của mình vào ảo mộng của quá khứ và lịch sử. Do đó, tôi nghĩ nhà thơ vẫn còn đang nghe bài giảng chính trị nhàm chán của ai đó. Ngay cả người dậy khi ấy cũng đánh mất bản sắc và niềm hy vọng của bản thân, quên mất bản thân mình đang ở đâu. “Vẫn biết ai đó trong các vị chưa kịp siêu thoát, hay còn đang dò dẫm phương nào. Hoặc tất cả vẫn nguyên ở đó?”, đây là câu thơ đáng lưu ý. “Tôi bước lên, hít thở. Máu từ khóe miệng tôi xuống đất mẹ ròng ròng”, sự ám chỉ này chính là tuyến đường ray xuyên qua toàn bộ tác phẩm. Những người “vẫn nguyên ở đó”, và tất cả “tôi” “bước lên, hít thở” đều là một, là những hy vọng của ngôn ngữ mới. Ở đây có thể nghe thấy giọng nói bồn chồn của một nhà thơ bị mắc kẹt trong thực tế của thế giới hoặc của Việt Nam.

 

Có thể gọi đó là tiếng hét. Chi tiết máu thấm đẫm mặt đất chính là những mảnh vỡ của ngôn ngữ chảy qua miệng nhà thơ. Dòng máu đó là thứ dễ dàng định nghĩa và không thể cưỡng chế, dòng máu mong muốn sự thay đổi bản thân không ngừng nghỉ. Khúc ca dòng máu đẹp đẽ của nhà thơ bị cuốn đi trong cơn sóng dữ đó và vang vọng trong tim.

 

Người kể chuyện và nhà thơ là những bản ngã riêng biệt, trình bày khá phức tạp quá trình trưởng thành của bản thân. Không chỉ mình ông tồn tại trong nỗi đau, do đó những lời trình bày, thú nhận, tự kiểm điểm và định hướng này không chỉ xuất hiện trong cuộc sống của ông. Ở đây cần ghi nhớ lời của một thầy giáo mà nhân vật xưng “tôi” nghe được tại lớp học. “Phải biết kìm nén cảm xúc”.

 

Dù bất kỳ ở đâu, giống như một xã hội mở thì lại khép kín, và giống như khép kín lại là xã hội mở. Nhà thơ đã truyền đạt sự khát khao của bản thân hiện đang bị mắc kẹt trong một mạch kín nghiêm trọng. Việc tim ngừng đập và lắng tai nghe ở đây vì tất cả chúng ta cần phải sống tiếp với đạo đức và tinh thần mới. “Đi đâu tôi cũng gặp người mang vũ khí chặn lại tra hỏi giấy tờ. Tôi lục túi, bới tung cả mớ những giấy phép hết hạn. Tôi hóc khóa, cùng đường. Bị cấm phát ngôn.../ Bế tắc quá nên tôi tỉnh dậy. Ngoài kia đang mưa, có hơi nước mát bay vào cửa sổ. Tôi nằm xuống đợi giấc mơ khác”. Ít nhất, tôi đã phải đọc phần này trong cơn run rẩy. Câu thơ xuất hiện trong căn phòng sáng tạo tại Hải Phòng xa xôi ấy không chỉ giới hạn ở Việt Nam, mà còn tạo nên ngọn sóng tràn đến tinh thần tôi. Nỗi sợ hãi về “giấc mơ khác” có thể dẫn đến sự bất an tồn tại trong thực tế, nhưng ngay tại đây cũng có thể thấy hình ảnh một nhà thơ đứng ở chân trời và những ranh giới.

 

Chương rà soát

 

Từ Chương I “Điểm nhìn” đến phần kết thúc, tính trừu tượng và cụ thể của ngôn ngữ được kết hợp đầy kịch tính. Những cuộc đối thoại đẹp đẽ của trường ca này vẫn sẽ được ghi nhớ và lưu lại vào ngày mai, chúng trở thành tấm gương cho những người bước trên con đường đi tìm lại niềm đam mê hiện tại. Tuy nhiên, xã hội hay thời của ông chỉ sợ hãi sự kiểm soát, mệt mỏi, và rập khuôn của ý thức. Vì vậy, trong Chương II “Thẫm đỏ” ông đã nói rằng “Ký ức đã đến, chiếm lại không gian dĩ vãng”. Việc nhớ lại ký ức này trở thành tọa độ, thành niềm an ủi như ngọn hải đăng trong sóng lớn.

 

Trong Chương 3 “Sân khấu”, Cảnh 1 mở cánh cửa vào khoảng thời gian khác: “Vẫn cơn mơ ấy”, sau đó Cảnh 3 công bố sân khấu bí mật của nhà thơ: “Tưởng đơn giản vậy thôi…/, ngay lúc ấy nhiều khán giả đã bật khóc. Họ thương những con cá chưa kịp lớn đã cắn câu, con chim vừa ra ràng đã sa lưới”. Câu thơ này đạt đến cao trào đỉnh điểm của tập thơ. Câu thơ của sự tuyệt vọng này còn sáng sủa hơn niềm hy vọng đen tối, là chi tiết sáng chói phản chiếu tâm trạng tinh tế. 

 

- Đã xa dần nanh vuốt của cái ác, em ơi đừng sợ!

- Có ai đuổi theo ta không?

- Mình đang đi trên con đường của máu đã chọn.

- Mọi thứ đều bị biến dạng, bóp méo trong một cái khuôn.

- Phải tìm cách phá hủy nó.

- Anh tin có lẽ phải không?

(Chương IV “Lối rẽ)

 

Cuộc trò chuyện giữa một cô gái và chàng trai nhắc đến “cách phá hủy” và “lẽ phải”, chứa đựng nhiều ý nghĩa vào thời điểm hiện tại. Ở mọi ngóc ngách của thời đại, mọi người sẽ nhắc nhở câu nói mà nó là cuộc sống và trở thành lịch sử này, đi theo con đường cố định mà họ được giao phó. Thời gian đi theo chúng ta sẽ biến mất và những chàng trai khác sẽ nối tiếp con đường, bước đi trên con đường đó như tự sự về một quá khứ xa xăm.

 

Chương VI: Đối thoại (của khát vọng)

 

“[...] xông thẳng vào nơi tôi ở. Vội giật lấy cuốn sách trên tay tôi đang mở và túm tóc tôi lật ngược ra sau. Mặt tôi ngửa lên để hắn cúi sát nhìn cho rõ. Sau đó hắn nhìn kỹ bìa cuốn sách rồi chầm chậm buông tôi ra. Hình như có sự nhầm lẫn? Rõ ràng tên đồ tể đang muốn truy nã, bắt cóc một ai.”

 

Qua tinh thần Chương V “Đồ tể” trên, dưới đây sẽ chuyển sang Chương VI “Đối thoại”.

 

- Giờ ông còn tin điều đó?

- Mãi tin.

- Tôi có thể thấy niềm tin đó không?

- Kìa đất thẫm nâu và cỏ đang xanh.

- Để tôi kéo một ngọn cỏ lại gần.

(Chương VI “Đối thoại 1”)

 

Tại đây, “ngọn cỏ” được kéo lại gần với “đất thẫm nâu và cỏ đang xanh”, khắc và nhuộm vào trong tâm trí. Hình ảnh đó tựa như nốt nhạc lưu giữ tiếng khóc khoan sâu làm vậy. Câu trả lời đậm chất thơ của họ khi phát hiện ra một vài sinh mệnh yếu ớt này vô cùng ấn tượng và mang tính cộng hưởng. Chúng nghe như lời tiên tri và di ngôn nên thơ cuối cùng ném vào xã hội đương thời.

 

Tại đây, nghĩa rộng mà trường ca của Mai Văn Phấn theo đuổi được cảm nhận một cách tích cực, cố gắng làm cho đóa hoa của ngôn ngữ khác nở rộ. Mong manh, nhưng đầy sự tận tụy. Phần “Đối thoại” của khát vọng này được đặt trong mối quan hệ đối nghịch với việc tái chế.

 

- Tôi bị thủ tiêu vào cuối năm 1941.

- Ở đâu?

- Ngay gốc cây bưởi này.

- Ai giết ông?

- Mật thám Pháp cùng chánh tổng.

- Lúc ấy ông mang theo gì?

- Lá cờ.

- Ông muốn trao cho ai lúc đó?

(Chương VIĐối thoại 1)

 

Cái chết luôn để lại câu hỏi cho nhà thơ và giúp mang lại câu thơ sau. Tuy muốn nghe lời nói của cái chết, nhưng chỉ có thời gian mới biết nơi đó ở đâu.

 

- Mỗi giọt nước đều có quyền cất tiếng.

- Tôi trân trọng mọi sự lựa chọn!

(Chương VI “Đối thoại 5”)

 

Tại đây, thơ của ông chiếu sáng ánh đèn của ngôn ngữ trong bóng tối, rằng mình trân trọng những cá tính, những lựa chọn của mọi sinh mệnh và định hướng chúng. Độc giả sẽ nhìn vào ánh sáng biểu tượng gìn giữ những điều thuộc về bản chất, từ đó trở nên đồng cảm. Tuy nhiên, xã hội “trân trọng mọi sự lựa chọn”, “mỗi giọt nước đều có quyền cất tiếng” chưa bao giờ có thực cả, dù vậy nó vẫn tồn tại ở thời điểm này trong ngôn ngữ của nhà thơ.

 

Một số cá nhân nào đó chỉ cần một ánh sáng chân thật mờ mịt nhưng tĩnh lặng này là có thể bước đi trên đường, vì vậy có lẽ những người ở xa sẽ nhớ đến chùm dây tóc bóng đèn nhỏ tựa những tia hồng ngoại tỏa ra ánh sáng trong ánh đèn đó.

   

Vấn đề của Chương VII “Mô hình”

 

“Mô hình” 3 cho thấy nhà thơ trở nên tuyệt vọng. “Tôi có trách nhiệm theo dõi một người hàng xóm. Buổi sáng ông ấy thường đi xe máy đến chỗ làm, đến chiều thì ngược lại. Tôi đã bám theo ông ta và ghi chép từng cử động nhỏ”. Chuỗi theo dõi này là dư ảnh tồn tại trong ký ức một thời, trong một xã hội đặc biệt… Đôi khi xã hội có vẻ vững chắc còn bất an hơn một chiếc thuyền trôi nổi trong gió.

 

Giờ đây, nhà thơ nhìn ra hào quang của giấc mơ xa xăm và quyết định đi đến “nơi đó” thông qua cánh cửa bùng lửa khác, nhưng toàn bộ cơ thể đã bị lửa thiêu cháy và chẳng còn râu tóc. Phía sau ánh hào quang chỉ là một vùng đất hoang. Những con chuột bị thiêu chết, một vài con may mắn sống sót thì chạy ra chào đón “tôi”. Từ đó “tôi” trở thành vua của vương quốc chuột. Nhưng những “tôi” đó lại trở thành con chuột dưới tầng hầm và lòng đất.

 

Để có thể đạt được nhiều trái ngọt khác nhau từ một cái cây, người ta nghiên cứu khoa học viễn tưởng về việc lai giống quýt, nhãn, chanh, mơ, v.v... ở miền Bắc và mận, xoài, chôm chôm, mít, v.v... ở miền Nam. Tuy nhiên vẫn có những lời bất mãn rằng không ai có thể nghĩ được cách thay đổi màu vỏ cho phù hợp với tố chất bên trong.

 

Tinh thần thơ Mai Văn Phấn đã đánh thức mọi cảm giác và cho thấy sự hồi sinh nhanh chóng. Ông nói rằng cần phải học cách "đọc một câu cho tròn vành rõ chữ, biết viết hoa tên Tổ quốc, tên mình". Ông tư duy, tìm hiểu và cảm nhận sắc bén, như đi xuyên qua thời điểm hiện tại của Việt Nam. Có lẽ ông là một nhà thơ đã từng đến được với tương lai.

 

Niềm hi vọng (?) của con tò vò và giọt mưa

 

Cuối cùng, trong Chương IX “Kết nối”, ông “chọn lại những giá trị khác. Con đường khác. Triết thuyết khác. Lối rẽ khác. Thần tượng khác. Mô hình khác. Độc lập khác. Tự do khác. Hạnh phúc khác. Ý chí khác. Cảm xúc khác” và đạt đến khát vọng. Ở đây, từ chủ đề “tái chế” đã xuất hiện: “Bông cỏ may im lặng đã lâu, nay bỗng nhiên xuất hiện ở góc trái màn hình. Nó cất tiếng ngân dài giống tín hiệu cảnh báo máy tính đã bị nhiễm virus: Chúng ta đã qua một thời tái chế!” Đây là một phát ngôn gây sốc. “Tín hiệu ấy không làm mọi người tức giận hay choáng váng, bởi giờ đây ai cũng biết mình không phải vật liệu cơ bản, nguyên liệu thô”. Ông không thể ngừng nói được vì có rất nhiều điều phải nói. Khi tái chế nguyên liệu thô nhiều lần, vật chất và linh hồn con người đã được tách biệt hoàn toàn. Chất liệu kỳ dị sau khi tái chế là chất phản bền vững, phản thi ca.

 

Họ bảo vệ linh hồn, nhưng linh hồn tàn phế đã tái chế thành vật chất thì trở thành nơi ở tạm vô hồn, thành khuôn đúc mà họ không thể nhớ được bản thân. Không rõ từ bao giờ, bên trong con người đã tràn đầy những thứ hoàn toàn khác mà không thể nhận thức được vật chất. “Tự nhận mình là [...] chiếc hộp nhựa lâu năm dính đầy bụi bẩn. Giờ tất cả đang tự giác đến nơi tập kết để được phân loại, bị tiêu hủy, hoặc đợi tái sinh”.

 

Ở đây, trường ca mở ra cánh cửa lớn xoay chuyển và hướng đến kết thúc tác phẩm. Hoặc là ông sẽ dừng lại ở trào phúng với ẩn dụ khép kín, hoặc là ông sẽ hướng đến châm biếm mang tính chính trị trong sự tuyệt vọng. Tuy nhiên, đây là vấn đề của thời gian và sự việc, không phải là vấn đề của người trong cuộc. “Con tò vò trong ấy vừa bất chợt hiện trên các giao diện màn hình, mở cánh cửa vào kho trí nhớ, có thể đọc được nhiều tài liệu quý hiếm chưa được giải mã. Con tò vò bây giờ là đầu mối, tử huyệt, là chìa khóa vạn năng”. Chúng đã chiếm được quyền thống trị của mọi tâm hồn và lương tâm con người.

 

Nhà thơ để lại đây niềm hy vọng nhưng không phải chỉ nói đến con người. Thứ đã giải quyết vấn đề của thế giới chính là con tò vò! Từ đó xảy ra sự hỗn loạn trong chốc lát, tựa như bắt đầu sự phun trào và nổ tung của nền văn minh. “Những vong linh nhọ nhem vừa khó nhọc chui qua ống khói đài hóa thân hoàn vũ, lò sát sinh, những nhà máy xử lý rác thải. Họ mang theo cả lý tưởng dở dang, mơ ước dở dang. Gặp cơn mưa đầu mùa đổ xuống. Những vong linh lao xao hòa vào từng giọt nước trong lành tưới lên đất mẹ”. Tuy nhiên, họ chỉ là những vong linh mà thôi. “Một sớm mai gặp con cá bơi ngược dòng, một vì sao chờ đợi ban mai không nhắm mắt”. Đó là giấc mơ còn dang dở mà ông vẫn còn giữ lại thời còn đi học. Nếu giấc mơ trở thành hiện thực thì bất cứ khi nào sự mệt mỏi trong cuộc sống thường nhật cũng sẽ tìm đến, chế độ lười biếng sẽ chiếm lĩnh tất cả và ngôn ngữ của linh hồn sẽ bắt đầu suy đồi.

 

Quả nhiên chỉ khi nó đến, chỉ khi nó đi qua bên trong chúng ta thì chúng ta mới đón nhận được sự tuyệt vọng và hy vọng mới. Tuy nhiên, từ “tái chế” ở đây là ngôn ngữ của nỗi sợ hãi và là kỹ thuật của sự quên lãng.

 

Những sự vật đã qua tái chế là những sự vật hoàn toàn khác. Chúng ta đã không còn là chúng ta nữa. Không thể thực hiện chủ thể hóa trong bất kỳ cấu trúc tư tưởng hay thể chế văn minh nào. Thời đại chỉ để chúng ta lại trong lịch sử và trôi qua luôn. Bản thân chúng ta, những người bị bỏ rơi và còn tồn tại chính là một chủ đề.

 

Ở đây có thể thấy những giọt sương và ngọn cỏ. Trường ca của ông nêu lên kết cục của việc cứu rỗi sinh thái trên thế giới, đối phó với những hoang tưởng, khao khát niềm vĩnh cửu và tái chế vật chất vĩnh viễn.

 

Ngôn ngữ cuối cùng đánh thức linh hồn tôi là âm thanh của “cơn mưa đầu mùa”. Lời chữa trị còn lưu lại trong tôi không phải là con tò vò của nền văn minh xuất hiện trên màn hình, mà là tấm lòng của những giọt mưa.

 

Xin trích dẫn bức thư của Mai Văn Phấn gửi cho tôi (Ko Hyung-ryul) vào cuối năm 2019: “Khi viết trường ca thơ văn xuôi này, tôi đã nhìn thấy dòng sông máu chảy từ Chương I đến hết Chương IX của tác phẩm. Cũng chỉ có duy nhất dòng sông này xuất hiện trong tâm trí tôi khi ấy. Dòng sông chảy đến đâu đã đánh thức các sự kiện lịch sử của đất nước tôi đến đó.”

 

Lý thuyết giao thoa của vật lý học năng lượng cao có mục đích thay đổi không ngừng nghỉ bản chất và hiện tượng của vật chất và năng lượng. Vậy liệu lý thuyết giao thoa này có giống như âm thanh của giọt mưa và hình bóng con tò vò kia không? Liệu linh hồn trong vật chất bị hủy hoại của chúng ta sẽ được xử lý và cứu rỗi thế nào ngay cả khi tư duy khoa học nhằm đạt đến vật chất quark[2] chỉ là mục tiêu hư vô?

 

Tôi muốn cùng Mai Văn Phấn ngắm nhìn mưa rơi qua tổ con tò vò từ căn phòng ở tạm không có cửa sổ tại vịnh Hạ Long đến trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.

 

Seoul, 20/7/2020

H.R. Ko





___________________
[1] Tập thơ 대양의 쌍둥이 (Sinh đôi trong đại dương). Thơ tiếng Hàn của Ko Hyung-Ryul và Mai Văn Phấn do Bae Yang Soo dịch từ Việt sang Hàn ngữ. Nhà xuất bản 시와 표현 (Poetry & Expression) của Hàn Quốc, 2018 - ND.


[2] Vật chất quark hoặc vật chất QCD (Quantum chromodynamics - sắc động học lượng tử) đề cập đến bất kỳ giai đoạn nào của vật chất có mức độ tự do bao gồm quark và gluon. (ND)


 





BẢN TIẾNG HÀN


『재처리시대, THỜI TÁI CHẾ』애대한에세이














TIỂU SỬ NHÀ THƠ KO HYUNG-RYUL

 

 

Ko Hyung-Ryul (高炯烈) sinh ra ở Sokcho, một vùng biển thuộc tỉnh Kangwondo vào tháng 11 năm 1954, thời điểm một năm sau khi cuộc chiến tranh Hàn Quốc bước vào giai đoạn đình chiến (停戰). Những năm thiếu thời, ông bỏ nhà đi lang thang tìm việc làm, nhưng sau khi bố ông mất, Ko Hyung-Ryul đã quay trở lại quê nhà. Năm 1974, ông bắt đầu công việc của một công chức ở địa phương, khu vực nơi có đường ranh giới quân sự Nam Bắc cắt ngang qua. Năm 1979, ông đã công bố tác phẩm “Trang Tử (莊子)” đăng trong tạp chí Văn học hiện đại và bắt đầu đời sống sáng tác. Năm 1985, ông phát hành tập thơ đầu tiên với tiêu đề “Cánh đồng dưa hấu ở đỉnh Daecheong-bong (大靑峯)”, rồi tiếp đó là các tác phẩm “Haecheong (海靑)”, “Ánh mắt hoa sương”, “Nhớ bữa cơm ở hiên nhà”, “Đại thuyết chân lý sử”, “Ngọn đồi Misi-Ryung”, “Thông qua thủy tinh thể”, “Liệu có nên gọi địa cầu này là cõi đời này chăng?”, “Chiếc gương chẳng có ai tìm đến” v.v... Ông cũng đã cho ra mắt các tác phẩm bao gồm trường thi có tên gọi “Little Boy” trong đó tái hiện lên thảm họa trận bom nguyên tử Hiroshima, “Chim phượng hoàng” trong đó vẽ nên sự phi thường của cánh chim phượng hoàng, tác phẩm tản văn dài tập có tên gọi “Con cá ánh bạc” trong đó vẽ nên hình ảnh nhất sinh nhất noãn (一生一卵) của chú cá hồi, hay thơ thiếu nhi với tiêu đề “Chị gái ôm bánh mì ngủ” và hợp tuyển văn học của 11 nhà thơ Châu Á mang tên “Liệu những tồn tại bé nhỏ rõ ràng đến mức nào”. Năm 2018 Ko Hyung-Ryul có tập thơ in chung với Mai văn Phấn (Việt Nam), mang tên “Sinh đôi trong đại dương”, do Nhà xuất bản 시와 표현 (Poetry & Expression) của Hàn Quốc ấn hành. Ngoài ra, ông cũng xuất bản bài tự luận “Suy ngẫm về gió” hay tự luận tự truyện “Ngọn hải đăng và chiếc sừng” v.v... Năm 2000, ông phát hành số đầu tiên tạp chí Sipyung (詩評) Châu Á, và lập nên thi đàn Châu Á trong đó giới thiệu với Hàn Quốc gần 340 nhà thơ Châu Á đến từ Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ v.v... Ông cũng đã tổ chức các diễn đàn ngâm thơ trong đó mời nhiều nhà thơ Châu Á tới Hàn Quốc tham dự như Lễ hội văn học thi nhân Hàn Quốc - Châu Á tại Seoul. Gần đây, ông cùng với 15 nhà thơ Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã cho ra mắt tạp chí “Gió mùa” trong đó quy tụy nhiều văn sĩ cùng chí hướng ở khu vực Đông Bắc Á. Ko Hyung-Ryul đã nhận được nhiều giải thưởng văn hóa nghệ thuật cũng như giải thưởng văn học hiện đại Hàn Quốc. Ông đang giữ vai trò điều hành biên tập Tạp chí Thi học hiện đại ra hai tháng một lần. Hiện nhà thơ sống ở khu vực ngoại ô Seoul.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị