Bí mật của khoảnh khắc (phê bình) - Lê Hồ Quang

 Bí mật của khoảnh khắc

(Đọc tập thơ “từ tháng giêng” của MVP)

 

 

 

Nhà phê bình văn học – Ts. Lê Hồ Quang

 

 

 

 

maivanphan.com: Bài viết “Bí mật của khoảnh khắc” của Nhà phê bình văn học – Ts. Lê Hồ Quang nằm trong cuốn sách "Âm thanh của tưởng tượng", do Nxb Đại học Vinh vừa ấn hành, 9/2015. Cuốn sách tập hợp các bài nghiên cứu, phê bình thơ Việt Nam hiện đại, từ các tác giả trong phong trào Thơ mới đến thơ đương đại. Theo PGS.TS. Lưu Khánh Thơ: “Tuy số lượng tác giả được lựa chọn không nhiều (khoảng 20 người), nhưng đều là những gương mặt tiêu biểu, có phong cách riêng đáng chú ý của từng thời kỳ. Mỗi người một vẻ, họ đã góp phần làm nên diện mạo thơ Việt trong thế kỷ qua. Từ Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Lưu Quang Vũ, Thi Hoàng, Hoàng Hưng, Lê Văn Ngăn, Ý Nhi,... cho tới các nhà thơ thế hệ sau này như Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Mai Văn Phấn, Trương Đăng Dung, Nguyễn Bình Phương, Phan Thị Vàng Anh..., họ đều được phân tích, lý giải dưới khá nhiều góc độ.”. Ts. Lê Hồ Quang là một trong số rất ít Nhà phê bình văn học (viết hoa) với đúng nghĩa hiện nay. Chị có lối viết trầm tĩnh, đa giọng điệu, lập luận khoa học, chặt chẽ, đánh giá đúng mức tác phẩm theo cách nhìn riêng của chị; đặc biệt, những cảm nhận về thơ của chị rất tinh tế và sắc sảo, “tiên tri” được những vỉa ngầm theo hướng vận động của từng tác giả. Đây là cuốn sách phê bình văn học quý hiếm và bổ ích trong thời điểm hiện nay! Xin trân trọng cảm ơn và chúc mừng Nhà phê bình văn học – Ts. Lê Hồ Quang!

Xin được nói thêm về cơ duyên bài viết “Bí mật của khoảnh khắc” cho tập thơ “từ tháng giêng” của tôi. Đầu năm 2015, tôi nhận được lời mời cộng tác xuất bản của Nxb Đại học Richland, Dallas thuộc bang Texas (Hoa Kỳ). 5/2015 tôi đã hoàn thành bản thảo Việt ngữ tập thơ 3 câu gồm 369 bài để chuyển cho 2 nhóm dịch giả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Hiện công việc đang được tiến hành. Theo yêu cầu của Nxb Đại học Richland, chúng tôi đã trân trọng mời Nhà phê bình văn học – Ts. Lê Hồ Quang viết Lời bạt cho tập thơ này và được chị nhận lời. Xin trân trọng giới thiệu với Quý Bạn đọc bài viết này.

 

 

 

 





Lê Hồ Quang

 


1. Thoạt nhìn, tiêu đề từ tháng giêng(*) có vẻ khá đơn giản. Điều này hơi khác so với tên các tác phẩm trước đó của Mai Văn Phấn, thường khá đặc biệt, đôi khi như những “mật ngữ”: Gọi xanh, Vách nước, Bầu trời không mái che, và đột nhiên gió thổi, hoa giấu mặt, Vừa sinh ra ở đó… (tên các tập thơ từ tháng giêng, và đột nhiên gió thổi, hoa giấu mặt, Mai Văn Phấn không viết hoa. LHQ). Liệu đấy có phải là một sự lựa chọn ngẫu nhiên? Tôi không nghĩ vậy. Tác giả này vốn là người cẩn trọng câu chữ. Mặt khác, xét trong chỉnh thể, cái tên là một yếu tố khá quan trọng, nó thường là một tín hiệu chỉ dẫn đáng chú ý về tác phẩm. Quả thực, trong tập thơ, tháng giêng là một xuất phát điểm đầy ý nghĩa. Nó là cái thời khắc hiện tại xác thực, cụ thể và tươi ròng sự sống mà mỗi một cá nhân đang sống, đang trải nghiệm. Song, cùng với sự diễn tiến không ngừng của thời gian, thời khắc ấy nhanh chóng bị vùi lấp trên vòng quay miên viễn, bất tận, vô thủy vô chung của vũ trụ. Từ đây, có thể hiểu từ tháng giêng như là một ám thị về thời gian theo kiểu Mai Văn Phấn – thời gian của những khoảnh khắc. Và đồng thời, từ tháng giêng còn là khởi điểm của một hành trình nhằm dấn sâu hơn vào cõi mơ hồ thăm thẳm của tâm linh và sáng tạo, nhằm kiếm tìm và khơi mở bí mật của những khoảnh khắc ấy.

 

2. Tương ứng với cảm hứng về thời gian, tập thơ được tổ chức chủ yếu theo trật tự tuyến tính, theo thứ tự chảy trôi của các mùa, bắt đầu từ mùa xuân (và cũng chủ yếu về mùa xuân, mùa hạ, những mùa đẹp nhất trong năm theo con mắt thi nhân). Ở đó, mùa xuân gắn liền với tết Nguyên Đán, với lễ tảo mộ ngày thanh minh, hành trình đi lễ chùa, gắn với hoa đào, hoa mận, những hạt giống ngâm trong bùn sinh thành sự sống; mùa hè gắn liền với hình ảnh Biển cả tự do và khoáng đạt, nắng, gió và những cơn mưa nồng nhiệt, mạnh mẽ như chính tâm hồn người xứ biển… Đấy là hành trình của thời gian mà cũng là hành trình của nội tâm con người trong mọi biểu hiện đa dạng từ Đời thường đến Tâm linh và Sáng tạo. Vì vậy, nếu quan sát kỹ, bên cạnh trật tự thời gian, sẽ thấy tập thơ còn được tổ chức thành nhiều “cụm” bài, theo từng “vệt” chủ đề/ hình tượng. Có vệt bài về ngày xuân, vệt bài về hoa, vệt bài về mưa, về sương, về tiếng chuông, về biển… Có thể nói, cùng một hiện tượng, sự vật nhưng nhà thơ không dừng lại ở những đường nét ổn định, tĩnh tại. Ông muốn soi ngắm chúng từ nhiều góc độ, trong mọi chiều kích, sắc thái và những vẻ sống động riêng và với một hình thức diễn đạt ngắn gọn nhất, nhằm lưu giữ tối đa vẻ đẹp của thiên nhiên cũng như tâm hồn con người. Bởi vậy, có đến 20 bài về ngày xuân, 20 bài về mưa, 23 bài về hoa, riêng về Biển có đến 52 bài. Chỉ cần nhìn tên một số bài viết về biển, cũng thấy khá rõ chủ ý tác giả nhằm ghi dấu vẻ đẹp chân thực của đời sống: Sáng trên biển, Biển tối dần, Biển lẫn vào đêm, Biển lặng, Biển động, Mưa biển, Gió biển, Nhà bên bờ biển, Uống trà bên bờ biển, Bãi tắm đông người, Chờ con sóng đến, Thủy triều lên, Áp má vào cát, Chong đèn câu mực… Rất tự nhiên, thủ pháp mô tả này khiến tôi nghĩ đến bộ tranh Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sỹ của Katsushika Hokusai (Nhật Bản). Xa hơn một là Claude Monet (Pháp) với hơn 250 bức tranh về những cây hoa súng. Chỉ về một sự vật, nhưng trong những những thời khắc khác nhau, chúng sẽ bộc lộ những vẻ đẹp khác nhau. Và đẹp trong từng khoảnh khắc. Tuy nhiên, nếu trong những tập thơ trước, những hiện tượng, sự vật này thường được Mai Văn Phấn mô tả theo kiểu tượng trưng thì dường như ở đây, ông chỉ muốn “bảo lưu” tất cả những khoảnh khắc, dáng nét đời thường ấy trong vẻ đẹp giản đơn, trong trẻo và tự nhiên nhất. Tính “ghi chép”, tính hiện tại, tính tự nhiên là những đặc tính nổi bật của tập thơ này.

 

3. Đẩy sự kiện lên bề mặt văn bản, hạn chế tối đa việc dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, điều này tạo nên vẻ khách quan dễ nhận thấy của thế giới hình tượng thơ từ tháng giêng. Dẫu vậy, ta vẫn nhận thấy khá rõ chân dung cái tôi chủ thể đằng sau bức tranh đời sống ấy. Đấy là cái tôi chủ yếu biểu hiện qua các hành động nhận biết thể chất trực tiếp. Chẳng hạn, bằng tay: chậu đỗ quyên, nhặt được/ chiếc tất trẻ con, cầm ngọn nến/ soi về phía biển, ngắt ngọn cỏ khô, bẻ củi khô…; bằng chân: Tôi kiễng chân, dấn bước/ lặn sâu vào ánh sáng, tôi vừa đi vừa đếm/ bước chân… ; bằng miệng: miệng còn ngậm cà phê; cắn từng miếng, cắn dọc/rồi cắn ngang, uống một nửa/ chờ gió…; bằng tai: Nghe tiếng sóng, nghe gió/ miết từng đợt…; bằng mắt: Mải nhìn mưa phùn, mải nhìn cành ổi/ tụ quả, nhìn lên đồi/ cây táo bắt đầu ra nụ… Giác quan thể chất bén nhạy cho phép cái tôi nhà thơ có thể thụ cảm đời sống một cách hết sức nhanh chóng, mãnh liệt và tinh tế. Điều ấy giải thích vì sao đời sống luôn được tái hiện tươi tắn và giàu cảm giác đến thế trong thơ Mai Văn Phấn. Mặt khác, cũng bởi đấy còn là cái tôi hết sức nhạy cảm với Cái đẹp, nhất là Cái đẹp của hiện tại, trong cuộc sống đời thường, quanh mỗi chúng ta. Đặc biệt, cái tôi ấy luôn có ý thức tìm kiếm và hướng đến những khoảnh khắc mà ở đó con người tồn tại trong sự cảm thông, hòa hợp sâu sắc với thiên nhiên, với mọi biểu hiện trần tục mà tinh khôi nhất và ở đó, cái hiện tại, cái nhất thời cũng đồng thời đánh thức xúc cảm hướng về cái Vô cùng, cái Vĩnh cửu. Có thể thấy rõ điều này ngay trong những bài thơ tưởng chừng chỉ đơn thuần tái hiện cảnh tượng, chẳng hạn:

 

Mưa

 

Nước ngập vườn

Bông hoa đào trôi

Như chạy

 

Ở đây, cái cảm giác của bông hoa chạy mưa dường như cũng chính là cái cảm giác của nhà thơ. Sự tương thông ấy đặc biệt rõ khi ông viết về thiên nhiên, về cỏ cây, về hoa, những con vật bé nhỏ hay tiếng chuông chùa… Nhưng ngay cả khi ông viết về những sinh hoạt đời thường của cá nhân, cảm giác tương thông, hòa hợp ấy vẫn hiện diện rất rõ.

 

Bằng một thái độ cẩn trọng song đồng thời cũng hết sức nhẹ nhõm, nhà thơ lật tìm những nếp gấp của đời sống, đánh thức bí mật ẩn chứa ở trong đó – cái Đẹp hồn nhiên của sự sống. Đó hoàn toàn không phải là cái đẹp khách thể, đối lập và tách rời chủ thể, ngược lại, đó là cái đẹp nẩy sinh trong sự giao hòa gần gũi giữa tâm hồn chủ thể với vạn vật xung quanh. Giống như tiếng chuông chùa có thể lay/ bụi thủy trúc/ bất động suốt mùa xuân và tạo nên sức cảm thông kì lạ giữa vạn vật, đó có lẽ cũng chính là cái đẹp và sức mạnh của một tâm hồn đạt Đạo. Tuy nhiên, dù luôn tin và hướng tới tìm kiếm vẻ kỳ diệu trong mọi khoảnh khắc của tồn tại, xem đó như một điều thiêng liêng và có khả năng lớn lao trong việc cải biến và thanh lọc đời sống con người, song ông cũng không thần bí hóa hay thiêng hóa chúng một cách cực đoan. Ở nhà thơ này, tồn tại một thái độ sống và sáng tạo khá duy mĩ song cũng khá cởi mở và thực tiễn. 

 

4. Về mặt tổ chức văn bản, mỗi bài trong tập từ tháng giêng có ba câu (chính xác hơn là ba dòng). Mỗi dòng thơ thường tương ứng với mỗi ý tượng độc lập, tạo nên những khoảng trống liên tưởng khá rộng rãi. Nhưng đồng thời, tác giả thường xuyên tổ chức hình ảnh, câu chữ theo một hình thức diễn đạt và trình bày tự nhiên nhất. Sự “liền hơi, liền mạch” ấy thể hiện trước hết trong trật tự cú pháp của các dòng thơ, các dòng thường nối liền nhau về mặt ngữ pháp và ngữ nghĩa, do đó nhiều bài có thể đọc liên tục từ tiêu đề đến dòng cuối cùng. Trong những trường hợp đó, cách ngắt nhịp chủ yếu bị quy định bởi cách ngắt dòng. Tên bài hiện diện như một phần không thể tách rời, thậm chí như một bộ phận cú pháp của dòng đầu tiên tách ra và đẩy lên thành tên bài, chẳng hạn trong Cụ già, Mùa, Cây tầm xuân, Đêm đầu năm, Cuối tháng giêng, Sáng mùa xuân, Nửa đêm tỉnh dậy, Từ vũng nước đục, Trong vườn… Dẫu vậy, tên bài vẫn có tính độc lập tương đối của nó. Thường đó là những từ ngữ/ hình ảnh đóng vai trò “chìa khóa” của thi phẩm. Từ góc độ nào đó, có thể thấy sự gắn kết đặc biệt về mặt hình thức giữa tiêu đề và bài thơ này cũng thể hiện cái quan niệm về thế giới như một cơ thể sống với sự liên kết hữu cơ của mọi yếu tố tạo thành. Đọc nhiều bài trong ấn tượng liền mạch tự nhiên ấy quả thực thú vị.

 

Dĩ nhiên, áp lực của “loại hình” thơ ba câu đòi hỏi nhà thơ phải có “kỹ thuật” xử lý riêng về mặt cấu tứ, ngôn từ, hình ảnh…, bởi nếu không, rất có thể thay vì một cấu trúc thẩm mĩ, bài thơ chỉ là một câu trần thuật bị bẻ gãy thành ba dòng theo kiểu cơ học. Xin lấy bài thơ Sáng mồng một để phân tích cụ thể hơn điều này:

 

Sáng mồng một

 

Nhặt được chiếc tất trẻ con

Mềm

Như trái chín

 

Bài thơ kể về một sự việc rất đơn giản: Sáng mồng một tết, (tác giả) nhặt được một chiếc tất trẻ con, rất thơm mềm. Chiếc tất gợi sự hiện diện của em bé và đánh thức dậy những xúc cảm gắn bó âu yếm. Sự việc xảy ra vào ngày khởi đầu của một năm mới và đó là một “sự kiện” tốt lành trong trái tim nhà thơ. Thực ra, trước đó, văn bản bài thơ được tổ chức có khác so với bản đang phân tích. Bản cũ được ngắt dòng như sau: Nhặt được/ Chiếc tất trẻ con/ Mềm như trái chín. Ba sự việc, sự vật được đặt liền nhau, không có điểm nhấn nào đáng kể, thông tin sự việc át thông tin nội tâm. Nhưng hãy chú ý tới văn bản hiện tại, ở đó tính từ “mềm” được tách ra thành một dòng độc lập, trọng tâm của bài thơ, do vậy, dồn vào đây. Chữ “mềm” trở thành “từ khóa” của bài thơ, là điểm son ấn tượng và cảm giác.

 

Rõ ràng trong thơ không thể coi thường cách tổ chức cấu trúc văn bản, có khi thay đổi một yếu tố là làm thay đổi cả tổng thể. Riêng ở phương diện này, có thể thấy rõ ý thức cũng như sự dụng công tìm tòi của tác giả. Điều đáng nói là trong nhiều bài thơ ba câu, bức tranh đời sống hiện lên hết sức tươi tắn, như chính sự “lên tiếng” hồn nhiên của hiện thực, như không hề có dấu vết của sự “dụng công” nào và đó chính là một thành công xét về mặt thi pháp. Tuy vậy, ở một số trường hợp, tính lệ thuộc quá rõ của tiêu đề với dòng thơ đầu khiến một số bài vẫn chưa thực sự là “thơ ba câu”. Về mặt văn bản, vẫn có thể rút gọn hơn nữa để tạo nên tính độc lập cao độ của câu (dòng) thơ, nhằm khai thác triệt để hơn về ý tưởng và có thể kích thích sự “bùng nổ” mạnh mẽ trong liên tưởng, tưởng tượng của độc giả. 

 

5. Nhận thức và lý giải đời sống nhân sinh và vũ trụ trong chiều sâu khái quát đã trở thành một kiểu tư duy thẩm mĩ quen thuộc của tác giả, và điều này chi phối khá rõ đến cách cấu tứ bài thơ. Theo đó, tác giả thường tổ chức hình ảnh, ngôn từ trong tác phẩm theo một trường liên tưởng khá tập trung. Trung tâm bài thơ thường là một hình ảnh thoạt nhìn rất cụ thể, cảm tính, song theo một cách tổ chức nào đó, nó nhanh chóng trở thành một “cấu trúc phát nghĩa” năng sản. Bài thơ sau đây là một dẫn chứng tiêu biểu:

 

Hạt giống

 

Gieo vào bùn ngấu

Mới đi được mươi bước

Cánh đồng đã mọc đầy sương mù

 

Bài thơ nói về việc gieo giống, với ba hành động liên tiếp: gieo – đi – mọc, cho thấy sức sinh sôi nhanh chóng lạ lùng của mùa màng, tạo vật. Đối tượng mô tả, đồng thời cũng là chủ thể “gieo vào bùn ngấu là “hạt giống”, nhưng cũng có thể là nhà thơ, sự không/ khó phân định này gây nên độ nhòe về nghĩa đồng thời cũng đem lại cảm giác tương thông, gần gũi giữa con người và tự nhiên. Hạt giống sinh sôi trong bùn ngấu cũng như tâm hồn con người nẩy nở tốt tươi giữa thiên nhiên. Nói cách khác, con người cũng là một hạt giống mẩy giữa mùa màng vũ trụ. Bài thơ, như vậy, là một cấu trúc ẩn dụ, nó dựa trên sự tương đồng về cảm giác và sự vật để hướng tới một nhận thức tượng trưng về mối quan hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên, một motip chủ đề khá quen thuộc trong thơ Mai Văn Phấn. Nhiều bài thơ khác cũng được xây dựng trên cơ chế liên tưởng tương đồng ấy, nhưng giản dị và trực tiếp hơn, chẳng hạn Leo núi, Nửa đêm tỉnh dậy, Nhìn, Nguồn cội…

 

Bên cạnh đó, cũng khá nhiều bài thơ được cấu tứ dựa trên trường liên tưởng tương phản, chẳng hạn: Bông chen bông, Từ vũng nước đục, Hạt bụi vương trên mũ, Qua ngõ hàng xóm, Tiếng sét, Hạt đậu… Bông chen bông, thoạt nhìn, dường như chỉ thuần túy thuật lại sự việc:

 

Bông chen bông

 

Chi chít

Có người nói

Hoa mai giả

 

Nhưng nghịch lý đã ẩn chứa ngay trong cách mô tả chừng như lạnh lùng và khách quan ấy. Khi hoa thì “bông chen bông”, “chi chít” dâng hiến vẻ đẹp cho con người thì con người lại thơ ơ - “hoa mai giả”. Là vì con người đã bội thực trước cái màu mè của hoa giả đến mức mù quáng trước cái đẹp thực sự? Hay là vì cái thật và cái giả bây giờ quá giống nhau, khó lòng phân biệt? Dù gì, ở đây thiệt thòi không phải là hoa mà chính là con người.

 

Nhiều bài thơ của Mai Văn Phấn có sự phối kết hợp từ nhiều điểm nhìn và tương quan mô tả, lý giải khác nhau. Đặc biệt, trong cách quan sát và mô tả hiện thực, không hiếm những khoảnh khắc nhà thơ để lộ cái nhìn hài hước, hóm hỉnh rất đỗi tự nhiên: Tiếng khoan tường, Xem tivi ngủ quên, Cây và bóng cây, Dừng chân trong chùa, Miếng dưa hấu, Qua ngõ hàng xóm… Đôi khi thơ ông còn là sự giễu nhại kín đáo: cái “phân vân” trước miếng dưa hấu “nên cắn từ trong hay ngoài” (Miếng dưa hấu), hoặc âm thanh tiếng chổi quét đường gợi nhắc tiếng quạ chiều thu (Tiếng chổi tre), hay tiếng chày giã giò gợi nhắc âm thanh tiếng ếch nhảy vào ao hoang (Nghe tiếng chày giã giò)… là những ví dụ tiêu biểu. Dù những bài viết theo lối này không nhiều, song chúng thực sự đã đem lại màu sắc cá tính cũng như vẻ đẹp hiện đại trong thơ ba câu của Mai Văn Phấn. 

 

6. Nhận thức về vũ trụ và nhân sinh trong những mối quan hệ bản chất, trong sự tương thông, hài hòa, rút tỉa tận lõi ngôn từ, khách thể hóa cao độ hình tượng… đó là những điểm nổi bật trong kết cấu thơ ba câu của Mai Văn Phấn. Tất nhiên, để tạo nên cấu trúc chặt chẽ của thơ ba câu, không đơn thuần chỉ là chuyện kỹ thuật. Việc cắt bỏ/ giữ lại chữ nào, hay cắt ở đâu, xuống dòng chỗ nào luôn cần đến sự chỉ dẫn của trực giác và sự mẫn cảm ngôn từ, điểm cốt tử phân biệt một “thợ thơ” và một thi sỹ.

 

Với hình thức thơ ba câu ngắn gọn; sự chi phối, bao bọc của cảm thức thiên nhiên, cấu tứ theo “nguyên lý mùa” và tương quan hai hình ảnh, từ tháng giêng của Mai Văn Phấn rất dễ gợi người đọc liên hệ tới thơ Haiku Nhật Bản. Tuy nhiên, với tác giả này, việc học tập, kế thừa luôn đi cùng một ý thức sáng tạo, cách tân mạnh mẽ, nhằm hướng tới một lối viết riêng (đó là lý do vì sao ông gọi thơ mình là “thơ ba câu” chứ không phải là thơ Haiku Việt Nam). Ngay cả những thi liệu cổ điển, khi “qua tay” nhà thơ Việt, đã mang những sắc thái và ý vị thẩm mĩ hiện đại khác lạ, độc đáo. Ta hãy đọc lại bài thơ sau:

                          

Nghe tiếng giã giò

 

Con ếch lớn

Vọt khỏi miệng hang

Đã chật

 

Tiếng ếch là một hình ảnh quá quen thuộc trong thơ Haiku với bài thơ nổi tiếng của thiền sư thi sỹ Matsuo Basho: Ao xưa/ Con ếch nhảy vào/ Tiếng nước xao… Thơ Mai Văn Phấn cũng đặc tả hành động con ếch vọt khỏi miệng hang và sự gần gũi có chủ ý này đã tạo nên tính liên văn bản rất rõ. Nhưng “sự đọc” chỉ đặc biệt trở nên thú vị khi “kiểm tra” lại tiêu đề, độc giả chợt phát hiện ra rằng thực chất ở đây không phải con ếch cổ điển của Matsuo Basho mà là tiếng chày giã giò mới là cái đối tượng đích thực được mô tả. Như vậy là, bằng mối liên hệ liên văn bản, nhà thơ đã đặt một món ăn “bình dân” của quê hương ngang với những mĩ vị của thơ ca thế giới một cách đầy sinh động, hóm hỉnh mà cũng không kém phần tao nhã! Cũng có thể nhận thấy sự khác biệt trong hai lối tư duy, một lối nghiêng về cái thâm thúy, u nhã, bí ẩn (thường thấy trong thơ cổ điển phương Đông) và cả một lối tư duy đời thường khá cụ thể, thực tiễn, sinh động (vốn có của người Việt chăng?). Cùng với điều đó là sự xuất hiện của hàng loạt tương quan đối lập giữa cái thi vị/ cái đời thường; cái nên thơ/ cái phi thơ; cái truyền thống/ cái hiện đại… Ấn tượng thú vị về mối liên hệ bất ngờ giữa âm thanh con ếch lớn nhảy khỏi miệng hang chật với âm thanh của tiếng chày giã giò, do đó, như càng được nhân lên. Có thể thấy trong cách xử lý đối với thi liệu cổ điển này một quan niệm quen thuộc của Mai Văn Phấn về việc tiếp nhận những giá trị nghệ thuật bên ngoài – tiếp nhận là để sáng tạo, nhằm tạo nên những giá trị thẩm mĩ nội sinh chứ không lệ thuộc vào những hình thức “ngoại nhập”. 

 

7. Tinh, Tĩnh và Nhã dường như là sắc thái thẩm mĩ bao trùm từ tháng giêng. Ở đây, tôi muốn nói đến cái Tinh trong sự quan sát, cái Tĩnh trong trạng thái, tâm thế sáng tạo và cái Nhã trong cách thể hiện ngôn từ. Con mắt quan sát tinh tường, khả năng phát hiện mối quan hệ ngầm giữa các sự vật, năng lực khái quát hóa, sự cẩn trọng ngôn từ... là những gì dễ nhận thấy trên văn bản. Song cái yếu tố thật sự nối kết tất cả các yếu tố kể trên vẫn là cái bản năng thơ dồi dào, sung mãn và sự hồn hậu nội tâm của kẻ tìm thấy mình trong sự cảm thông với cỏ cây, mùa màng, tạo vật, người sống và kẻ chết, ngay trong hiện tại và cả ở những cõi xa xăm mơ hồ, nó làm mờ đi cái cảm giác duy lý "nhọn sắc" trong một số tập khác, đem lại cảm giác ấm áp - về mặt cảm xúc; đồng thời, đem lại sắc thái tượng trưng tự nhiên - về mặt thi pháp. từ tháng giêng cho thấy một năng lực tâm hồn đặc biệt phong phú, mẫn cảm, tinh nhạy, dẫu đôi khi vẫn còn dấu vết kỹ thuật và phần nào hơi duy mĩ. Bởi vậy, không phải bài thơ nào trong tập cũng đã đạt đến vẻ đẹp cách tân trên nền truyền thống như cái đích nhà thơ hướng tới. Bên cạnh đó, tính khách quan, hàm súc và ám gợi của thơ ba câu ở đây vừa là một giá trị, một vẻ đẹp sáng tạo đáng ghi nhận, nhưng mặt khác, cũng là một “thách thức” không nhỏ với độc giả: nó đòi hỏi người đọc phải thực sự đồng sáng tạo.

 

Như vậy, khoảnh khắc chính là một triết lý nhân sinh và nghệ thuật của Mai Văn Phấn. Khoảnh khắc có thể cho con người nhìn thấu bí mật của vũ trụ và tâm linh. Trong khoảnh khắc, ta có thể thấy cả Vô cùng. Sống và sáng tạo trong từng khoảnh khắc ấy đâu phải dễ, nó buộc nghệ sỹ phải không ngừng Lấy mũi giày/ Hất cát/ Về phía trước. Nhưng có lẽ, thách đố đó mới chính là điều làm nên vẻ đẹp và ý nghĩa thực sự của tồn tại và sáng tạo.


Vinh, 5/5/2015

L.H.Q

__________
(*) Sau này, tác giả Mai Văn Phấn cho biết, cái tên từ tháng giêng là do bạn ông - thi sỹ Phạm Long Quận, gợi ý. Điều này cũng giải thích vì sao có sự khác biệt nhất định giữa tên của tập này so với những tập trước của Mai Văn Phấn. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng gì đến tính chỉnh thể của từ tháng giêng, ngược lại, như đã phân tích trên, cái tên này là một yếu tố hoàn toàn tương thích với cấu trúc nội dung thi phẩm.

 

 

 

 

 


Bìa 1 và 4 cuốn sách "Âm thanh của tưởng tượng"

Tranh bìa 1 của Nguyễn Quang Thiều. Thiết kế: Lê Đức Lợi

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị