Khúc dạo đầu của thơ (phê bình) - Đỗ Trọng Khơi

Khúc dạo đầu của thơ

(Đọc hai tập thơ “Giọt nắng” - Nxb. Hải Phòng, 1992 và “Gọi xanh” – Nxb, Hội Nhà văn, 1995)

 

 

 

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi

 

 

 

 

maivanphan.com. Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi vừa gửi lại tôi bài viết “Khúc dạo đầu của thơ” qua e-mail. Tôi nhớ hơn 20 năm trước, nhà thơ đã gửi bài viết này cho tôi qua đường bưu điện. Ngoài bì thư có ghi địa chỉ của ông lúc đó: Thôn Trần Xá, xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Tôi vẫn lưu giữ trong tâm trí nét chữ rắn rỏi, lên xuống bấp bênh qua dòng kẻ ô-li, bởi lúc ấy ông phải nằm ngửa để viết. Giờ đây, ông đã ngồi được, tìm lại bài viết trong đống bản thảo cũ và gõ lại trên máy vi tính. Tôi rất xúc động, xin được gửi tới Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi lời cảm ơn trân trọng nhất!

 

 

 

 

Đỗ Trọng Khơi

 

 

Làm thơ thì phải sử dụng chữ viết nhưng thơ lại là một loại hình đòi hỏi sự tinh giản câu chữ bậc nhất, đòi được kiệm lời. Ngôn tại ý ngoại. Người xưa làm thơ còn nhắc nhở điều cao siêu thâm hậu, đề cập tới ba trạng thái ngôn ngữ là Tinh - Khí - Thần. Nghĩa là trước cần đạt được Tinh, tinh tế, tinh giản; qua đó mới mong chữ hóa Khí, là hóa sự sống, sức sống; để cuối cùng chữ nghĩa sẽ hóa Thần. Quỷ khóc thần sầu! Khó thay!

 

Vào đề như thế khi viết về thơ Mai Văn Phấn không phải tôi có ý nói thơ anh đã đạt những điểm trên. Song cùng lời dẫn ấy nhập vào thế giới thơ anh, xét kỹ là có dòng mạch, có dư vị.

 

Ta hãy đọc:

 

Tiếng thu như ong về

Để biến tôi thành mật…

Môi mềm nghe gió quệt…

(Thu về - Giọt nắng)

 

Ong mùa thu, rõ là không thuận mùa hoa. Bởi thế nên hình ảnh ấy, âm thanh ấy nó mới gợi, mới vẽ ra vẻ mơ hồ. Lại làn gió nữa, phải là đôi môi mềm ấm thế nào mới cảm được sự va "quệt" của cánh gió thu kia? Thật tinh tế!

 

Từ mạch cảm thơ Giọt nắng – 1992, một bước dài sang Gọi xanh – 1995, lại gặp: "Hồn lá rơi loạng choạng…" (Bạn). Và, "Màu hoa chừng rất vội…" (Nghi tàm). "Từ miệng mình he hé ánh sáng bồng bế nhau thong thả tràn vào" (Viết cho cây sáo). Những hình ảnh vốn chỉ có trong cảm giác như đã trồi lên sống động một cách có hình thể.

 

Biến điều hư thành như cái thực, và ngược lại, thấy cái thực trong bóng của điều hư, như:

 

Hư không trên ngón tay vừa đi qua

(Qua hoàng hônGọi xanh)

 

Hay như:

Dấu chân em lún xuống thon mềm

(Chiều Trà Cổ - Gọi xanh)

 

Và,

Bao rễ non tơ luồn qua chân tóc

(Chơi với con - Gọi xanh)

 

Cách cảm và lý giải này có trong thơ và trong minh triết Lão Trang từng nói đến. Rõ ràng nhà thơ Mai Văn Phấn đang bước đi những bước ban đầu trên con đường này và anh có ý thức khám phá, kiến giải với "giọng" của riêng mình.

 

Và tất nhiên không chỉ có thế. Là nhà thơ của thời đại, Mai Văn Phấn cũng như bất cứ cây bút có trách nhiệm nào khác, anh không chỉ lấy mấy điều "ái ái, ưu ưu…" mà rong chơi trong những nổi chìm thân phận, giữa cái "Trái đất ba phần tư nước mắt" (chữ Xuân Diệu). Mai Văn Phấn không chỉ có thế.

 

Bình minh lên chiếu sáng nửa đời

Còn nửa kia chìm vào bóng tối

(Màu xanh - Gọi xanh)

 

Rồi:

Đem nước mắt làm mưa

Tưới trái đất khô khốc

Nghiệp văn chương cực nhọc

Chở bao nhiêu kiếp người…

(Nguyên Hồng vào nhà thờ - Giọt nắng)

 

Bài "Người ở người đi", cảm thức nhân tình được đẩy lên cụ thể, xa xót:

                            

Đồng tiền lạnh ngắt

Buốt tận mồ sâu…

(Giọt nắng)

 

Cảm thức về thế thái khiến anh có lúc phải kêu lên sau những mơ tưởng:

                            

Rồi cố gọi lên bằng tiếng loài người…

(Ngủ quên trong rừng - Giọt nắng)

 

Sau "mơ tưởng" dường nhà thơ còn cậy vào "hoang tưởng", để rồi anh đã lưu lạc rất sâu, tận cõi trời vô sắc, chốn Địa đàng xa xưa mờ thẳm:

                            

Nước mắt thành đầu còn cỗ xe thành chân trẻ nhỏ

Khi gửi xiêm y vào gió

Họ ôm chầm lấy nhau…

(Hoang tưởng năm 2000 - Giọt nắng)

 

“Họ" ở đây là Chúa Giê Su, Phật Thích Ca và là cả người yêu của anh. Niềm tâm sự thời cuộc có khi lại được nhà thơ thể hiện "kín nhẹm" (chữ Thi Hoàng), như:

                             

Dấu chân xin cát chớ vùi

Cho ta niệm chắc ban mai lại về…

(Qua hoàng hônGọi xanh)

 

Cuộc sống dù còn bóng tối, khi điều chân thiện còn thì ta còn hy vọng vào những ban mai trong lành, rực rỡ. Và cuộc sống xã hội hôm nay đang trong sự chuyển mình, còn nhiều trăn trở tìm đường: "Nỗi đau tận cùng bỗng nhiên thánh hóa…", nỗi đau sinh ly tử biệt của những người mẹ, người vợ liệt sỹ cho hi vọng "thánh hóa" như hồn thơ nhận cảm thì lẽ nào đây đó con người lại thiếu niềm tin cậy vào con người, vào thời đại mình đang sống?

 

Đọc Mai Văn Phấn có thể nói, thơ anh đang bước qua khúc dạo đầu để tìm vào cõi phần đích thực của nghệ thuật thơ. Với các giải thưởng khá sang trọng: Giải nhì thơ (không có giải nhất), báo Người Hà Nội; giải nhì Nguyễn Bỉnh Khiêm - Hội văn nghệ Hải Phòng, và gần đây giải nhì thơ (không có giải nhất) báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam là những chứng chỉ xác nhận thuyết phục.

 

Đã có thể khẳng định Mai Văn Phấn là một hồn thơ tế vi mà sức vóc. Anh đang trên đường và con đường ấy sẽ mở rộng dài trước bước chân anh. Người viết bài này là một bạn đọc trung thành, hàng ngày bên cửa nhà mình vẫn thầm chờ đợi tiếng gõ cửa thơ anh.

 

1995

Đ.T.K

 

 

 

 

 

Gia đình nhà thơ Đỗ Trọng Khơi trong ngày cưới, 14/6/2009. Hàng ngồi từ phải qua: Mẫu thân nhà thơ, chú rể cô dâu. Hàng đứng: các con cháu. Nguồn ảnh: lucbat.com

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị