Mai Văn Phấn và trò chơi xúc xắc (chân dung) - Nông Hồng Diệu

Mai Văn Phấn và trò chơi xúc xắc



Nhà văn Nông Hồng Diệu

 

 

Nông Hồng Diệu

 

 

 

Nguyễn Vỹ từng than một câu nổi tiếng: “Nhà văn An Nam khổ như chó”, bởi hì hục viết, “rụng bao nhiêu mớ tóc xanh” mà “kiết vẫn kiết”. Còn Mai Văn Phấn hôm nay, con người giản dị và khiêm nhường ấy, lại tự tin: “Tôi sống được bằng thơ”. Thì ai được như anh, thơ bay ra khỏi bờ cõi và bán bằng đô- la.

 

Thi sĩ quan niệm rất đỗi nhẹ nhàng: Làm thơ cũng giống như tham gia một trò chơi. Nhưng gương mặt thi ca lại phải đa sắc, giống như viên xúc xắc, để “thượng đế” thích màu sắc nào, tự chỉnh. Có thể nói Mai Văn Phấn là kẻ bán hàng đầy tự tin, kiêu hãnh, thích gì cũng chiều, nói như quần chúng, nhạc nào cũng nhảy.

 

Người ta ca ngợi thơ Mai Văn Phấn thanh khiết, đẹp đẽ như được sinh ra từ ánh sáng. Nhưng Mai Văn Phấn chắc gì đã biết thơ anh sinh ra từ đâu. Hãy nghe anh nói về những phút thăng hoa của mình: “Đôi khi tôi viết ra từ vô thức. Tôi nghĩ có một thế giới khác nữa song hành với thế giới chúng ta đang sống. Khi tôi thấy thế giới đặc biệt ấy cuốn hút tôi thì tôi mới viết. Lúc đó dưới mắt tôi, lọ mực, cái bàn, cái tủ… không còn thực mà thuộc về thế giới riêng biệt kia, tôi đuổi theo nó đến tận cùng để ghi lại”. Nhưng anh nhập vào thế giới thứ hai không hề thụ động: “Tôi phải chuẩn bị vật liệu như một kiến trúc sư và chờ cái quan trọng nhất là cảm xúc. Đôi khi cảm xúc tuôn chảy, căng lên khiến tôi tức ngực. Có những lúc 5, 6 hình ảnh cùng xuất hiện buộc tôi vồ lấy máy tính để ghi mới hết được. Nếu không vồ nhanh, nó sẽ trôi nhanh. Những lúc ấy tôi quên thế giới thực, qua ngõ nhà mình mà còn không nhớ ra, cứ đi thẳng”. Từng nghe chuyện nhà thơ quên cả tên con, nên chuyện Mai Văn Phấn quên ngõ vào nhà cũng là thường. Thật là sung sướng cho những người có những giây phút lãng quên cuộc sống thực để bồng bềnh trôi trong một “bầu trời không mái che”, tự do và khoáng đạt.

 

Bài thơ như ngôi nhà

 

Đến nay thi sĩ đất Cảng sở hữu gia tài thi ca đáng nể: Gọi nắng, Gọi xanh, Cầu nguyện ban mai, Nghi lễ nhận tên, Và đột nhiên gió thổi, Bầu trời không mái che, Hoa giấu mặt, Vừa sinh ra ở đó… Mỗi một tập thơ của anh ra đời đều gây chú ý, thậm chí Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều không ngại ngần viết: Mỗi một tập thơ của Mai Văn Phấn ra đời “giống như con tàu dựng trên đỉnh của con sóng mới”. Nhận xét đó hoàn toàn xác đáng, bởi thi sĩ của “Bầu trời không mái che” là một người hết mình với công cuộc đổi mới thi ca mà đổi mới nào cũng là một thách thức, với người sáng tạo lẫn người thưởng thức. Để tự tin đứng trên đỉnh sóng, Mai Văn Phấn  rèn luyện khắc nghiệt. Bài thơ đầu tiên của thi sĩ được đăng trên báo Phụ nữ Việt Nam, bài “Hoa xoan”, khi đó anh 21 tuổi, đang trong quân ngũ. Bẵng đi 16 năm, anh mới tái xuất. Suốt thời gian im hơi lặng tiếng ấy nghe nói, anh dành để bồi bổ văn hóa, ngoại ngữ… (Mai Văn Phấn có bằng đại học ngoại ngữ, giỏi tiếng Nga, đọc hiểu tiếng Anh). Anh có câu thơ “con rùa hay thỏi mực mài trong lòng hồ lặng lẽ sủi tăm”, dù anh nói, câu thơ được viết vô thức nhưng vẫn khiến nhiều người liên tưởng đến quá trình sáng tạo của nhà thơ. Anh ôm tham vọng lớn: “Thơ ca ngoài mục đích tải đạo, tuyên truyền, mô phỏng, diễn tả… nó còn tìm cách đăt tên lại sự vật, định hình lại thế giới”. Cái đích Mai Văn Phấn hướng đến là “giọng thơ hiện đại thuần Việt” khác với quan niệm thơ cũ nhưng cũng chẳng giống những trường phái thơ ca nhân loại đã băng qua. Để làm được điều đó, anh đổ mồ hôi nghiên cứu thơ ta lẫn thơ tây: “Con đường chúng ta đi ở cuối chân trời. Cuối chân trời ấy là phong cách thơ Việt hiện đại. Tôi đã dày công tìm hiểu những thủ pháp của phương tây, hàng ngày tụng những phương pháp đó như tụng kinh. Cuối cùng tôi thấy phải để cho mạch nước đó chảy qua vào cánh đồng thơ Việt và chỉ để lại phù sa thôi, nhất định dòng nước ấy phải đi”.  

 

Mai Văn Phấn nói về sự xuất ngoại của thơ mình chỉ như một sự tình cờ, may mắn, một chữ duyên: “Thơ tôi vô tình ra nước ngoài thôi. Tập “Bầu trời không mái che” được anh Trần Hoàng Nghi, nhà thơ, dịch giả đã sống hơn 30 năm ở Hoa Kỳ và giáo sư Frederick Turner, người sáng lập Chủ nghĩa tự nhiên cổ điển thích. Sau khi dịch xong tập sách, tôi in ở NXB Hội Nhà văn. Đến năm 2012, nó vô tình lọt vào mắt một nhà xuất bản của Anh, họ đề nghị kinh doanh tập thơ của tôi và cam kết: Không làm phiền bất cứ điều gì, nói trước sẽ trả nhuận bút 10 phần trăm giá bìa. Do vậy mà tôi đồng ý và họ đã kinh doanh tập đó”. Cuối tháng 12 năm 2012, tập thơ song ngữ “Bầu trời không mái che” (Firmament without roof cover) đã lọt  vào danh sách 1 trong 100 cuốn sách bán chạy nhất trên Amazon. Phía đối tác đã đòi hỏi ở Mai Văn Phấn: Một người viết như ông, không chỉ viết về tình yêu mà nên viết nhiều đề tài khác. Thi sĩ Việt Nam tự tin đáp: “Tôi viết rất nhiều đề tài. Bởi tôi quan niệm thơ phải đa diện, giống như con xúc xắc, ai thích màu gì thì quay”. Mai Văn Phấn luôn có ý thức khẳng định cội nguồn trong từng chi tiết nhỏ. Nếu để ý sẽ thấy tất cả những tập thơ song ngữ của anh đều đặt tiếng mẹ đẻ lên đầu: Song ngữ Việt-Anh, song ngữ Việt- Pháp, mới đây thơ của anh đã bay đến Albani, một đất nước còn lạ lẫm với đa phần độc giả Việt Nam về văn chương. Với hai dạng phát hành: Bản in giấy và bản điện tử (e-book), nhuận bút từ thơ của Mai Văn Phấn đủ để anh nuôi bản thân và gia đình. Anh thật thà khoe: “Nhuận bút rất là tốt đấy” và cởi mở chia sẻ: Trung bình một cuốn sách được bán với giá 6-9 đô la Mỹ.

 

Người ta khen Mai Văn Phấn cũng nhiều và chê cũng có. Ai đó kêu thơ anh khó hiểu, rối rắm v.v… Nhưng khen hay chê thì thi nhân cũng bình tĩnh tiếp nhận. Anh không coi mình là người nổi tiếng, để hễ ai đụng vào cũng khó chịu: “Tôi không để nhiều cảm xúc vào việc khen chê. Bài thơ của tôi giống như ngôi nhà, thường là đóng, mỗi người tự tìm chìa khóa để vào. Người đi bằng cửa chính, người vào cửa sau. Có người chui cửa sổ cũng có người dỡ mái vào”.

 

Tôi vẫn đang rất trẻ

 

Mai Văn Phấn sinh năm 1955, quê gốc ở Ninh Bình. Chẳng còn bao lâu nữa anh thôi làm công chức mẫn cán. Nhưng con người này chưa bao giờ nhận mình già: Tôi rất trẻ, từ hình thức tới nội dung. Hình thức thì tùy người cảm thấy, còn nội dung dễ cảm hơn. Các chàng trai cô gái đang yêu có lẽ cũng khó nghĩ ra hình ảnh: “Nuốt ngụm môi em” như Mai Văn Phấn. Anh viết về thú nhắn tin của người trẻ mới duyên làm sao: “Mang hình hạt mưa/ Cơn mưa tin nhắn/ Ký tự bay trong đêm đen/ Ngũ quả chuyển vần/ Lòng sớ/ Đèn nhang/ Anh bấm phím gửi/ Vụ mùa bội thu qua tay anh/ Nơi màn mưa trong veo, ấm áp”. Thi sĩ có hai cô con gái, cô lớn sinh năm 1987, cô nhỏ sinh năm 1993 và ba bố con (anh gọi vui là ba bạn) có chung “gu” âm nhạc. Ngay như cách anh nhìn nhận về xu hướng giới trẻ ham mê âm nhạc phim ảnh của Hàn quốc cũng rất nhẹ nhàng, không nặng phê phán: “Âm nhạc, thời trang, phim ảnh Hàn Quốc lôi cuốn vì đã kết hợp cái hiện đại của phương Tây với tính dân tộc của họ”. Theo Mai Văn Phấn: “Thế hệ già phải vươn lên để tiếp cận giới trẻ”.

 

Thơ Mai Văn Phấn được không ít người trẻ chọn làm luận văn tốt nghiệp. Chẳng mấy nhà thơ lại chuyên nghiệp như anh trong việc giới thiệu mình. Thi sĩ có website riêng, tại đó độc giả yêu mến anh có thể biết tất cả về Mai Văn Phấn, với tư cách một nhà thơ. Khá ngạc nhiên khi anh bật mí: Hàng ngày website trung bình có khoảng một nghìn người ghé thăm. Thơ Mai Văn Phấn hấp dẫn âm thầm mà mãnh liệt. Ai bảo độc giả thời nay quay lưng lại với thơ? Phải chăng đã đến lúc chủ thể sáng tạo phải nhìn lại chính mình?

 


Tranh hí họa chân dung MVP: Nguyễn Xuân Hoàng.




Chu đáo với bạn bè một cách khó tả

 

Trong cuộc đời, có những khuôn mặt thoạt nhìn đã khó ưa, như Nam Cao ví von “cái mặt không chơi được”. Nhưng có những gương mặt vừa nhìn đã thấy mến, thấy thương. Ấy là gương mặt Mai Văn Phấn. Khi sắm vai  công chức, Mai Văn Phấn chẳng cần mượn chiếc áo khoác sang trọng như nhân vật Akaky trong truyện ngắn “Chiếc áo khoác” của Gogol mới được anh em nơi công sở niềm nở, ân cần. Anh nói về cơ quan với niềm tin yêu, biết ơn: “Cơ quan quan tâm, tạo mọi điều kiện để tôi viết”. Cán bộ hải quan Mai Văn Phấn khai tội: “Cơ quan xếp cho tôi làm hành chính, nhiều khi tôi tận dụng giờ hành chính để đọc thơ, trao đổi với bạn bè…”. Ở cơ quan làm việc riêng công khai mà vẫn được yêu mến, chắc cũng một phần nhờ trời phú cho khuôn mặt không thể ghét? Theo lời nhà văn “dị nghị luận” Đặng Thân thì Nguyễn Quang Thiều từng ước, giá như mượn được cái mặt của Mai Văn Phấn thì hay biết mấy. Mượn rồi không trả lại nữa.

 

Mai Văn Phấn thân thiết với Nguyễn Quang Thiều đã 20 năm nay. Tác giả “Sự mất ngủ của lửa” lúng túng vẽ chân dung bạn mình: “Tôi thấy mình có lỗi với bạn bè quá. Mai Văn Phấn là người chu đáo với bạn bè một cách khó tả. Anh ấy chỉn chu, chu đáo, cẩn trọng, quí trọng bạn bè. Tình cảm rất lặng lẽ, tinh tế. Với tôi, có lẽ Mai Văn Phấn là người tìm mọi cách để chiều Nguyễn Quang Thiều, gửi thuốc men cho bạn, chăm sóc từng viên thuốc, dặn dò cẩn thận… mặc dù mỗi năm chúng tôi chỉ gặp nhau 1, 2 lần. Mai Văn Phấn là người sống trong cuộc đời này. Anh ấy rất coi trọng cá nhân. Chính vì thế mà anh coi trọng người khác”.

 

Trong gia đình Mai Văn Phấn là người đàn ông như Nguyễn Quang Thiều tả: Có thể tỉnh giấc vì tiếng thở dài mơ hồ của vợ và tiếng ho nhẹ của con. Thi sĩ từng viết cho con: “Cơn sốt thiêu con trên giàn lửa/Cha cũng có thể thành tro nữa”.

 
Hà Nội, 22/11/2014

N.H.D

 


 

Từ trái sang: Họa sỹ Bruce Blanshard, Mai Ngọc Quỳnh - con gái MVP, nhà thơ Susan Blanshard, MVP


(http://www.tienphong.vn/van-nghe)


BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị