Nghĩa của ‘phán rơm’ và ông phán rơm Trần Mạnh Hảo (trao đổi) - Liêu Thái

Nghĩa của ‘phán rơm’ và ông phán rơm Trần Mạnh Hảo



 

Liêu Thái

 

Vì đã hứa, mà cũng vì cái cảm hứng được khơi gợi từ nhà thơ – nhà phê bình văn học Trần Mạnh Hảo, tôi xin viết thêm bài này. Có lẽ dung lượng từ của bài này rất dài, nhưng luận điểm thì có hai luận điểm ngắn: Giải thích nghĩa của “phán rơm”; Công thức phê bình Trần Mạnh Hảo và chú giải vì sao tôi gán ông với “phán rơm”.

 

Nghĩa của ‘phán rơm’

 

Khái niệm này xuất hiện ở miền Trung, trong thời kinh tế bao cấp, nông nghiệp tập thể. Thời đó, công chức nhà nước thì nhận thực phẩm, nhu yếu phẩm bằng tem phiếu, còn nông dân thì được hưởng thành quả lao động thông qua công điểm do ông đội trưởng đội sản xuất nông nghiệp chấm. Đương nhiên, với giới công chức, bà lương thực là một thứ gì đó vừa ghê gớm đáng sợ, vừa quá quắt, làm chi phối cả bữa ăn và an ninh lương thực của gia đình họ (ý này tôi nói không quá đáng đâu, vì lúc tôi còn nhỏ, mẹ tôi từng dắt tôi theo coi xe để bà xếp hàng chờ nhận thịt heo, nhận gạo tem phiếu, có khi 4h sáng hai mẹ con đã lên đường, ra tới kho lương thực thì thấy người ta đã đông nghẹt, chờ tới 10h vẫn chưa thấy chi, mấy bà, mấy mệ cán bộ lương thực thì mặt mày hống hách, sưng sỉa, nhìn kinh khủng lắm!) còn với nông dân chân lấm tay bùn, ông đội trưởng sản xuất cũng là một thứ gì đó rất đáng sợ, làm chi phối cả sinh mệnh gia đình họ. Mỗi khi họ đang cấy hay đang nhổ mạ, nếu lỡ mệt quá nghỉ tay đôi phút, thấy ông xuất hiện là cuống cuồng, chúi mũi chúi lái làm việc, vì chỉ cần ông đội trưởng phán một câu chê trách thì xem như bị trừ điểm, có khi cả ngày công lao động chỉ được chấm tương đương với vài lạng lúa. Nỗi ám ảnh về ông đội trưởng cứ theo thời gian mà nhân lên, hình ảnh của ông ta cũng theo thời gian mà được nông dân định dạng, xếp hạng, xếp loại. Đến những năm đầu thập niên 1980, cái chức đội trưởng hầu như nông dân không gọi nữa, mà thay vào đó là chữ “ông phán”, chữ này tùy thuộc vào tính cách và đặc điểm xã hội của mỗi người mà gắn thêm với những chữ:thịt heo, nếp, gò, chữ và rơm.

 

Chung qui là có năm loại phán cơ bản:

 

Phán thịt heo: Chỉ ông đội trưởng có cái chữ nhưng lại quá tham lam, miếng ngon thì tính cho mình, thứ bỏ đi thì dành cho thiên hạ. Chữ “thịt heo” còn ám chỉ gương mặt mập mạp, láng, hum húp của ông đội trưởng này giống như một miếng thịt heo.

 

Phán gò: Chỉ ông đội trưởng có thể là có cái chữ, kiến thức, cũng có thể là không có cái chữ, nhưng có tính ham mê đất đai của thiên hạ, ngay cả cái gò dùng làm nghĩa trang xóm ông cũng cố mà di dời, lấn chiếm, biến thành đất nhà, kết cục của loại phán gò cũng chẳng có gì hay ho, khi dân nghèo nói về nghĩa địa di dời thường mang chữ “phán gò” ra mà dùng.

 

Phán nếp: Đây là loại đội trưởng thiếu tư chất, tư cách, ưa nịnh cấp trên (cấp xã), hèn nhát và điêu ngoa, uốn ba tất lưỡi lừa dân đen thật thà. Chữ nếp ngụ ý “chuột sa hủ nếp”, ngậm miệng mà ăn… Ở đây, ông đội trưởng ngậm miệng chịu nhục với cấp trên, với thiên hạ để mà nịnh hót, kiếm ăn.

 

Phán chữ: Chỉ ông đội trưởng liêm chính, làm việc vì mọi người. Nhưng cũng vì quá liêm chính, ý thức được trọng trách của một người làm quản lý của mình mà ông hay bị đồng nghiệp ganh ghét, chơi xỏ, cuối cùng thì rớt chức, về vườn, tiếc nuối và uất hận mà đâm ra tuyệt vọng, điên loạn… Mỗi khi nói về người có chữ nhưng cuồng tín vào đảng Cộng sản, để rồi thất vọng, rối loạn, người ta hay dùng “phán chữ” để chỉ.

 

Phán rơm: Chỉ ông đội trưởng sản xuất nông nghiệp ưa ức hiếp người khác, tính tình ưa xét nét, bẻ hạt gạo làm đôi, đến cọng rơm cũng không tha… Cái chữ thì không có nhiều, không hơn ai nhưng lại ưa hơn thua, tranh ăn cho nhiều mà cuối đời, thứ còn lại chẳng được bao nhiêu, đôi khi nghèo khổ, rách rưới và mang miệng tiếng người đời, sống trong cô đơn, chết trong tủi khổ như rơm… Có một đặc điểm chung của những ông đội trưởng phán rơm là ông ta luôn làm cho mọi chuyện rối như nhau rơm và nguy cơ cháy có thể diễn ra bất cứ lúc nào bởi tính giảo hoạt và nhiều chuyện.

 

Vì sao lại có khái niệm ‘phê bình phán rơm’?

 

Thật ra, giữa chức danh đội trưởng đội sản xuất nông nghiệp và ông phán hoàn toàn không có nghĩa gần nhau, nhưng chính vì thái độ làm việc, cách cư xử của những ông cán bộ cấp đội này có nét na ná những ông phán thời xưa mà người nông dân liên tưởng đến và gọi mấy ông đội trưởng này bằng cái danh ‘phán’ cộng thêm tính cách mà họ nhận biết được từ những ông đội trưởng sản xuất này và gắn thêm xôirơmnếpthịt heo hay chữ. Chung qui, các ông phán thời kinh tế nông nghiệp tập trung này không liên quan gì đến mấy nhà phê bình văn học một khi xét từ đặc trưng công việc đến tầng lớp xã hội, giới/đẳng hoạt động đều không có liên can gì với nhau. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào bản chất và hành xử thì lại có nét tương đồng đáng sợ. Nhất là trong cái xã hội mà câu chuyện văn chương luôn gắn liền với câu chuyện kinh tế, miếng ăn, cái ghế, và sự hơn thua về phe cánh, quyền lực, sự phân rã về đường hướng và sự man trá tiềm ẩn, thì giữa họ có nét rất giống nhau.

 

Nói về câu chuyện văn chương gắn liền với miếng ăn, với quyền lợi kinh tế, hơn thua về phe cánh thì thiên hình vạn trạng, từ chuyện bồi bút, viết nịnh bợ cho được việc cho đến viết thuê – thuê viết giữa những người có khả năng văn chương với mấy ông hưu trí, mấy ông có lắm tiền nhiều của hoặc kẻ có quyền thế nhưng lại không có khả năng viết lách mà có tham vọng nổi tiếng, làm nghệ sĩ. Rồi viết lách nịnh chế độ hầu tìm chỗ đứng, thang bậc chính trị… Tất cả những thứ này thuộc về một thứ gì đó tưởng là lao động nghệ thuật, tưởng là văn chương, nhưng trọng tâm, cốt lõi của nó lại là thứ ung bệnh của văn chương, nghệ thuật.

 

Thêm vào đó, sự phân rã về đường hướng và sự man trá tiềm ẩn là một vấn đề nổi cộm trong hoạt động nghệ thuật, văn chương hiện nay. Sự phân luồng, chia lề có tính chất tranh tối tranh sáng, thiếu minh bạch và có thể nói là phi khoa học. Ở khái niệm lề trái, lề phải, trung tâm, ngoại vi, thiết nghĩ không cần nhắc lại, vì nó đã được bàn khá kĩ. Vấn đề cần bàn trong bài viết này là sự ngộ nhận và khiên cưỡng trong phân luồng, chia lề, trung tâm – ngoại vi, trái – phải… Hệ quả của nó là mang lại những hiểu nhầm và đánh tráo.

 

Đâu là biên giới giữa lề trái – lề phải? Câu trả lời là rất khó để phân định, không có một tiêu chí rõ ràng nào để nhận biết, nếu dựa vào chính kiến, quan điểm chính trị, quan điểm văn nghệ, sự chối bỏ “chính thống” hoặc không chấp nhận đại tự sự, không chấp nhận trung tâm mà xếp nhóm này vào lề trái (theo nguyên tắc giao thông Việt Nam, lưu hành chiều tới theo lề bên phải là đúng luật), và nhóm văn nghệ nhà nước hoặc văn nghệ có yếu tố hội, đoàn trực thuộc nhà nước là lề phải. E rằng cách phân chia như thế này rơi vào ngộ nhận và hết sức vô lý. Vì nếu đặt tiếp một câu hỏi: Vậy lộ trình của cả hai lề là đi như thế nào, và đích nằm ở đâu? Giả sử nếu xét lộ trình của cả hai lề là nghệ thuật, thi ca, và đích đến của hai lề là nghệ thuật đỉnh cao/bộc phát/độc sáng/dấu ấn thời đại, sự tiến bộ tư tưởng và độ bứt phá trong thi pháp, kĩ thuật… E rằng, lúc này, khó mà xếp văn nghệ nhà nước vào lề phải (theo luật)!

 

Và đi sâu hơn chút nữa, xét về tỉ lệ phá cách giữa văn nghệ nhà nước và văn nghệ phi nhà nước, chắc chắn là tỉ lệ của văn nghệ nhà nước rất thấp so với văn nghệ phi nhà nước. Đương nhiên, vấn đề trọng tâm vẫn nằm ở chỗ những nhân tố phá cách trong văn nghệ nhà nước thường bị công kích, thọc gậy bánh xe, bị chụp mũ chính trị, thậm chí bị tùng xẻo… Nếu như ở văn nghệ phi nhà nước, sự bứt phá về mặt thi pháp, kĩ thuật và tư tưởng được xem như là tiêu chí bảo chứng cho hiện hữu của nghệ sĩ, thì bên cạnh đó, vẫn có không ít những thành phần tự nhận mình là văn nghệ phi nhà nước, là người phản tư, chối bỏ đại tự sự… để công kích nước đôi vừa văn nghệ nhà nước, vừa văn nghệ phi nhà nước.

 

Sở dĩ xãy ra sự bất cân bằng về “an ninh nghệ thuật” như vậy vì trong tiến trình phát triển của nghệ thuật, thi ca, đã phát sinh từ phía phi nhà nước và nhà nước những nhân tố tương đối đặc biệt: Những người tìm tòi, phá cách, phá thể và sáng tạo trong văn nghệ nhà nước; Và những kẻ mượn danh văn nghệ phi nhà nước để đả kích, thọc gậy bánh xe, chụp mũ những người sáng tạo, những người có ý hướng cách tân.

 

Hiện tại, trong làng văn nghệ nhà nước, có không ít những nghệ sĩ vừa sáng tác theo một số tiêu chí đề ra của hội, của cơ quan, lại vừa sáng tác phá cách theo chí hướng cá nhân, việc sáng tác này không mang tính dấm dúi, giấu giếm mà nó được công khai, minh bạch. Xin lấy ví dụ: Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Phùng Tấn Đông, Lê Vĩnh Tài, Đinh Thị Như Thúy, Đỗ Thượng Thế, Trần Tuấn, Nguyễn Lãm Thắng, Lê Minh Phong và một số người khác cùng là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, hội văn nghệ các tỉnh thành, hoặc làm việc tại các cơ quan văn nghệ nhà nước. Nhưng, nhìn suốt quá trình sáng tạo/tác của họ, thì ở họ lại có mối liên hệ rất chặt chẽ với văn nghệ phi nhà nước. Bằng chứng là những tác giả vừa nêu tên đều có số lượng tác phẩm tương đối lớn, có tiểu sử đầy đủ trên trang mạng Tiền Vệ, Da Màu, Tạp Chí Thơ – những trang mạng được xem là “không đội trời chung” với Hội nhà văn Việt Nam.

 

Sự xuất hiện đều đặn với mật độ dày đặt và cường độ bứt phá mạnh mẽ của họ từ bút pháp cho đến tinh thần phản tư, ý niệm vượt thoát và cách thế sáng tạo của họ trên Tiền Vệ, Da Màu, Tạp Chí Thơ cũng là minh chứng tương đối đầy đủ cho sự ngộ nhận, đánh tráo, cũng như sự nhầm lẫn trong khái niệm trong luồng – ngoài luồng, lề phải – lề trái, chính thống – phi chính thống… Và càng phác họa rõ nét hơn tinh thần tự do, chủ trương lấy Nghệ Thuật và Sáng Tạo làm đích đến của Tiền Vệ, Da Màu, Tạp Chí Thơ và cũng không có sự phân biệt “lý lịch văn nghệ” ở những người sáng lập cũng như ban biên tập của các trang này. Vì, nếu như có sự phân biệt lề phải hay lề tráiphi chính thống hay chính thống ở đây thì sẽ không có mặt của những cây bút trên. Và, ngược lại, đây là điều không thể có được trên trang mạng của Hội nhà văn Việt Nam.

 

Tuy nhiên, trong giới cầm bút nhà nước thì có khác, nguy cơ phân rẽ thành nhiều chiến tuyến vì những mục đích không nằm trong địa hạt văn chương, văn nghệ là có thật và cũng chính nguyên nhân này làm phát sinh ra những loại văn nghệ “phán rơm”.

 

Trở lại với vấn đề phán rơm. Có một đặc điểm chung của những ông đội trưởng phán rơm là ông ta luôn làm cho mọi chuyện rối như nhau rơm và nguy cơ cháy có thể diễn ra bất cứ lúc nào bởi tính giảo hoạt và nhiều chuyện của ông ta. Chẳng hạn như với nông dân, ông thường tỏ ra thương hại họ sống trong một chế độ (ông ngầm ra hiệu) mất tự do, khốn khổ, làm nhiều ăn ít, bị bóc lột sức lao động… Nhưng, với cấp trên của ông ta thì lúc nào những người nông dân cũng bị bêu riếu là thứ dân ngu khu đen, không làm nên trò trống gì, nói một đường làm một nẻo, gian xảo… Và cứ thế, một mặt mị dân bằng ba tấc lưỡi, một mặt lấy lòng, nịnh bợ cấp trên cũng bằng ba tấc lưỡi để được ăn trên ngồi trốc, được hưởng miếng béo mà nông dân vẫn thấy ông ta công tâm, bởi đôi khi ông ta nhắm vào một vài nông dân có tính ngổ ngáo hoặc có cá tính nào đó, nện một gậy đích đáng bằng cách mang ra giữa tập thể, nêu những “tính xấu”, ví như: “Trong lúc nhà nhà lo cống hiến cho sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, tại sao anh/chị/ông/bà… lại làm thịt gà ăn nhậu, như vậy là phản động, là hậu phong kiến, hậu thực dân, là tiếp tay cho tư bản...” để nông dân sợ mình, nể mình, thấy mình là người liêm chính, công tâm…

 

Xét trên khía cạnh bản chất, những nhà phê bình văn học mạo nhận phi nhà nước, phi chính thống (để đánh vào những người cách tân) hoặc có hoạt động và đường hướng na ná như vậy lại có nét rất gần với những ông phán rơm. Diện này trong phê bình văn học Việt Nam hiện nay, chắc chắn không ít, nhưng tôi chỉ xin đơn cử ông Trần Mạnh Hảo cùng những tương tác của ông làm một điển hình với hai lý do: Tôi đã xếp ông Hảo vào diện phê bình phán rơm mà chưa giải thích, chứng minh; Ông Trần Mạnh Hảo có những nét rất đặc trưng của phê bình phán rơm.

 

Tôi xin phân tích và chứng minh:

 

Trong vòng mười năm từ 1997 – 2007, thi ca (nhà nước) Việt Nam gần như giẫm chân tại chỗ, quanh quẩn trong cái chuẩn Chân – Thiện – Mỹ trên cơ sở hình tượng, ngôn ngữ, cấu tứ, cấu trúc cần phải đẹp, chuẩn. Cụ thể là những mỹ từ được xem như tiêu chuẩn để đánh giá đầu tiên cho tác phẩm, thứ đến là cấu tứ, thậm chí vần điệu, nghe phải có nhạc tính, du dương, nhịp nhàng, dễ chịu và về tư tưởng thì phải hồng, đỏ một chút, nếu hồng, đỏ càng nhiều thì càng tốt, nếu không được như thế thì có thể thay thế bằng trữ tình lãng mạn. Những tác phẩm có dấu hiệu vượt ra ngoài tiêu chuẩn này bị xem như phản động, phi nghệ thuật, phi cấu trúc, phi cấu tứ, phi tư tưởng… Cũng trong thời điểm này, khởi sự phía Nam (xin nhấn mạnh: ranh giới Nam – Bắc ở đây được mặc định là vĩ tuyến 17) xuất hiện những thi sĩ Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, Inrasara, Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy, Nguyễn Quán, Phan Bá Thọ, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Vũ Trọng Quang, Lê Vĩnh Tài, Đinh Thị Như Thúy, Phùng Tấn Đông, Nguyễn Trung Bình, Nguyễn Lãm Thắng… phía Bắc xuất hiện Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, muộn hơn một chút là Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Nguyễn Vĩnh Tiến, Đỗ Doãn Phương… với phong cách, thủ pháp mới mẽ, ngay cả trong cách nhìn sự vật cùng những tương quan của nó với/trong xã hội con người cho đến tư tưởng cũng hoàn toàn mới, có chiều hướng phá vỡ quan niệm về Chân – Thiện – Mỹ trước đó. Đương nhiên, những tác phẩm của các tác giả này vẫn đầy đủ các yếu tố Chân – Thiện – Mỹ, nhưng đã được đặt trong một hệ qui chiếu khác, hoàn toàn mới so với hệ qui chiếu cũ vốn bị chi phối bởi nền kinh tế Hậu Bao Cấp, Hậu Đổi Mới, tư tưởng “Cộng Sản Xã Hội Chủ Nghĩa”. Những tác phẩm: Bầu trời lông gà lông vịt – Trần Tiến Dũng, Của căn cước ẩn dụ - Nguyễn Quốc Chánh, Vòng tròn sáu mặt – Mở Miệng, Sự mất ngủ của lửa – Nguyễn Quang Thiều, Vách nước – Mai Văn Phấn … là những cú châm ngòi cho trào lưu mạnh mẽ sau này. Khái niệm Tân Hình Thức, Hậu Hiện Đại, Phản Tư, Đại Tự Sự, Trung Tâm, Ngoại Vi… cũng xuất hiện với tầng suất mỗi lúc mỗi cao.

 

Về mảng phê bình văn học, những tác giả mà phương pháp luận và học thuật của họ có tác động mạnh mẽ đến nền thi ca Việt Nam có lẽ không thể không nhắc đến hai tác giả người Việt hải ngoại: Hoàng Ngọc Tuấn và Nguyễn Hưng Quốc (Xin mời quí vị vào tienve.org để đọc hai tác giả này!), trong nước có Inrasara, nhóm Mở Miệng, Trần Tiễn Cao Đăng – những người/nhóm này có công giới thiệu và nhận định văn học trên tinh thần/cảm thức đã thay đổi, cách tân… Trong một ý nghĩa và chừng mực nào đó, những tác phẩm của họ như một người dẫn đường, kim chỉ nam về mặt lý luận để các nhà thơ cách tân mạnh bước sáng tác và sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm lẫn nguy hiểm trước hành vi sáng tác/tạo của mình.

 

Ông phán rơm Trần Mạnh Hảo

 

Và, cũng đồng thời với những sự kiện trên, nền lý luận – phê bình văn học trong nước nổi lên một Trần Mạnh Hảo chinh Nam phạt Bắc, dương Đông kích Tây, đánh tứ phía, làm náo động cả một không gian thơ vốn chầm chậm, trì trì, đèm đẹp mấy mươi năm nay của Hội nhà văn Việt Nam. Đòn đầu tiên đánh vào những người cách tân, ông Hảo chọn ngay một cao thủ trong làng thơ nhà nước – Nguyễn Quang Thiều, đánh ngay vào tập thơ Sự mất ngủ của lửa, tập thơ được xem là điển hình cho công phu cách tân của thi ca phía Bắc nói riêng và thơ Việt nói chung. Với bài Sự mất ngủ của lửa – hay là căn bệnh ngủ chết người của thơ, tiếp sau đó là hàng loạt bài viết khác nhằm cố gắng chứng minh Nguyễn Quang Thiều đã “xây dựng” nên trường phái thơ Tân – Con – Cóc. Tiếp đến, ông tha hồ công kích những nhà thơ cách tân khác như Mai Văn Phấn, Đinh Thị Như Thúy, Từ Quốc Hoài, Đỗ Doãn Phương, Trần Tuấn, Phùng Tấn Đông (nhận định thơ Trần Tuấn)… Mà, theo thứ tự thời gian và công phu dành cho thơ, những người này đều là những người có công tìm tòi, đổi mới thơ Việt.

 

Đặc biệt, trong tất cả những bài viết công kích các tác giả này, ông có một giọng chung, vừa giễu cợt ác ý lại vừa bông phèng, thọc gậy, nhưng lý lẽ và hàm lượng học thuật thấp, tôi xin trích dẫn:

 

“Lạy Chúa tôi, thơ của trạng nguyên thơ Làng Chùa dài quá, làm một người già kém mắt như chúng tôi ( TMH) đọc chưa hết đã mệt quá ngất xỉu. Cảm giác của tôi là trạng nguyên thơ Làng Chùa viết quá dễ dãi, quá tùy tiện, quá linh tinh. Trạng nguyên thơ mà viết như thế này, sức hèn tài mọn như chúng tôi, xin lỗi, một ngày có thể ngoáy tới vài chục trường ca là ít. Biết đâu kẻ viết bài này, sau khi học lối viết “chuột chạy cùng sào” của các trạng nguyên thơ mà cắm cúi viết loại thơ phi thơ này trong một tháng, chắc chắn sẽ hiện NGUYÊN HÌNH LÀ TRẠNG NGUYÊN THƠ SỐ MỘT QUỐC GIA như chơi…” (Trích: Trạng nguyên thơ hay là trạng… nguyên hình).

 

“Là người chủ soái của trường thơ “Tân con cóc”, tất nhiên Nguyễn Quang Thiều hằng làm gương sáng cho các thi hữu noi theo. Chúng tôi xin dẫn ra mấy bài thơ theo trường phái “Tân con cóc” của ông Thiều để bạn đọc kiểm chứng:

 

Trích bài thơ “H. đang về nhà” của Nguyễn Quang Thiều:

 

Phía trên những vòm lá bất ổn

Treo một bầu trời

Những con chim vừa bay

Vừa xé rách những lông vũ

 

Và một con khóc

Và một con không đập cánh

Trôi tựa đám mây theo chiều gió

Và một con khác ngủ

Và con bay cuối đàn

Không nói gì

 

Các từ ngữ (sáo) hay motif (cải lương) được lặp đi lặp lại trong thơ Nguyễn Quang Thiều:

 

“em ung thư vú”, “thân xác em”, “điên dại”, “da thịt”, (khóc: con mèo khóc, anh khóc, em khóc, chiếc gối khóc, cái chăn khóc, con voi khóc, con kiến khóc, con rệp khóc, giời khóc, chim khóc, bướm khóc, một tỉ cái cùng khóc trong thơ NQT)

 

“chiếc giường”, “bộ phận sinh dục”,”loạn luân”, “con chó đái”, “thủ dâm”, bán dâm”, “trần truồng”, “khỏa thân trong giường”, “làm tình ban ngày”, “kỳ vĩ”, “tinh khiết”, “ngập tràn”, chuyển động”, mộng du”, “miên man”, “người đàn bà tội lỗi”, “ác mộng”, “vô vọng”, “trống rỗng”…

 

Một nhà “Thiều học” là ông Nguyễn Chí Hoan, hiện phụ trách ban lý luận phê bình báo Văn Nghệ, đã viết một bài giải mã thơ Nguyễn Quang Thiều có tên: “Lịch sử tấm thảm Thổ nhĩ kỳ”- “THƠ KHÔNG ĐỂ HIỂU” in trên báo Văn Nghệ tết Canh Dần, như một chìa khóa siêu đẳng giúp mọi người biết cách thưởng ngoạn thơ của vị chủ soái trường thơ “Tân…con cóc” này. Rằng Nguyễn Quang Thiều làm thơ bằng vô thức nên không dùng sự hiểu để tiếp cận được. Hãy nhắm tít tìn tịt mắt lại, ngồi co người vào mà tưởng tượng, may ra mới thưởng thức được siêu thơ “Lịch sử tấm thảm Thổ Nhĩ kỳ” trên.

 

Chúng tôi đã viết bài phê phán quan điểm tầm phào này của Nguyễn Chí Hoan, một nhà lý luận phê bình giỏi nhất của Hội nhà văn, còn giỏi hơn ông đại tá  Lê Thành Nghị hiện là Chủ tịch hội đồng lí luận phê bình Hội nhà văn VN. Xin các bạn vào trang mạng này:

http://dohoang.vnweblogs.com/post/3360/365172

 

Hoặc đánh vào công cụ tìm kiếm http://google.com tiêu đề: “Tấm thảm Thổ nhĩ kỳ”- Thơ không thể hiểu” sẽ đọc được bài của chúng tôi phê bình quan điểm tào lao của Nguyễn Chí Hoan.

 

Nhân việc công bố trường thơ “tân con cóc” của Nguyễn Quang Thiều, chúng tôi cũng muốn ăn theo mà làm ngay lập tức một bài thơ theo trường thơ “Tân… con cóc”, ngõ hầu tranh đua tài cán với chủ soái thi đàn Nguyễn Quang Thiều :

 

Bài thơ ứng tác : NGƯỜI ĐÀN BÀ ÔM NỖI BUỒN CỐ HƯƠNG MÀ NGỦ

Người đàn bà Làng Chiền mang một âm hộ cũ từ dưới sông lên

Những con cá khỏa thân quẫy trắng sông đành đạch vỗ tay đưa tiễn nàng tiên cá lên bờ u uẩn

Bà đi vào Làng Chiền thu không cả buổi chiều quên mặc yếm

Hai bầu vú của bà thõng xuống làm bọn mướp sắp hái trên giàn xấu hổ trốn sạch

Làng Chiền của tôi khóc bằng con mắt chó con ngồi tứa nước bọt xem bà mẹ rán mỡ

Bà nghe Làng Chiền thơm khen khét mùi lông cháy từ những căn bếp bồ hóng đang âm mưu đen

 

Rồi người đàn bà trút hết quần áo vào hoàng hôn

Bà trút cả guốc dép vào con đường giun dế đang mưng mủ vì cơn sốt tư tưởng

Người đàn bà ôm chiếc gối làm chồng, ôm cái chăn làm tình nhân bà rưng rức đau thương
Người đàn bà nghe chiếc bình vôi khóc miếng trầu vừa tự sát

 

Bà hổn hển mơ thấy mình hổn hển

Than ôi quê hương tôi- tôi ôm vào lòng cả nỗi buồn của con nhái bén

Những con dế tỉ tê với bà vì chuyện ông trời góa vợ

Và mặt trăng Làng Chiền là cái muôi lâu ngày không được múc canh

Cái thìa của quê hương tôi nằm ngửa lên mà khoe bụng rỗng

 

Người đàn bà ôm khói bếp Làng Chiền ngủ vùi cho sao đêm tiết canh

Nhưng khói bếp đã bay rồi chỉ còn con mèo mướp trong lòng bà gào đòi làm tình

Người đàn bà ôm cả nỗi buồn cố hương mà ngủ

Ngủ như khi nằm mơ bà vẫn thấy mình ngủ

 

Ngủ như giun dế trong đất thi thoảng thức bằng giấc mơ

Ôi cát đổ một ban mai Làng Chiền tương tư quá khứ

Bà ôm những hồn ma ngủ vùi cho đến khi ngày xưa xuất hiện

Ngày xưa đến đập cửa gọi người đàn bà có bầu vú dài như sông Đáy:

Dậy nào, bà ơi, cố hương không còn chỉ còn nỗi buồn tím chiều hoa xoan tang lễ

(hết mô phỏng trường thơ “Tân …con cóc”)

 

Cứ đà ngoáy bút nhanh hơn sóc chạy này,  trong hai ngày hai đêm, có lẽ tín đồ mới (TMH) của trường thơ “Tân…con cóc” này sẽ đuổi kịp ba mươi năm làm thơ “Tân …con cóc” của Nguyễn Quang Thiều chăng ?

 

Trong bài: ViệtNamlà một cường quốc thơ in trên báo văn hóa thể thao ngày 01/02/2012, Nguyễn Quang Thiều tuyên bố với thế giới :

 

“Tôi có thể nói không ngần ngại rằng VN là một cường quốc về thơ, ít nhất là trong khuôn khổ châu Á”.

http://thethaovanhoa.vn/173N20120201084338836T133/nguyen-quang-thieu-vn-la-mot-cuong-quoc-ve-tho.htm

 

Ôi cường quốc thơ “tân… con cóc”: cường quốc thơ dễ dãi miên man, cường quốc thơ ngô ngọng, cường quốc thơ giả cầy, cường quốc thơ tào lao xích bột… muôn năm…”. (Trích: Tham luận của Trần Mạnh Hảo gửi hội thảo thơ Nguyễn Quang Thiều – TT).

 

“Chúng tôi xin được trao đổi với tác giả Dương Kiều Minh về bài tụng ca Mai Văn Phấn để đẩy ông nhà thơ này vào cõi Phật khí sớm khi đã đạt được đỉnh của tu thiền là TÂM KHÔNG.

 

Thưa, TÂM KHÔNG là một khái niệm của nhà Phật. Phật tử hay tăng ni tu thân tích đức, ăn chay niệm Phật cốt để đạt TÂM KHÔNG. Lời Phật dạy : “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.

 

Theo nhà Phật :Tâm: lòng dạ. Không: rỗng, không có gì hết.

 

Tâm không là cái tâm ở trạng thái trống không, không ham muốn, không lo buồn, không giận hờn, không thương ghét, không bị ngoại cảnh chi phối, không không....

 

Giữ được tâm không thì an lạc tự tại, tức là đắc đạo.

 

Theo Kinh Phật : TÂM KHÔNG là điều kiện cần thiết để đắc A La Hán. Thực ra, đắc TÂM KHÔNG thì đã đi được 90% đoạn đường. Đắc TÂM KHÔNG nghĩa là đã đạt được ba thực tại Niết Bàn : THÂN KHÔNG, TÁNH KHÔNG, PHÁP KHÔNG. Kinh Phật dạy tu được TÂM KHÔNG là THÀNH PHẬT…

 

Nếu Dương Kiều Minh viết đúng sự thật, thì chúng ta cần phải nhiệt liệt hoan nghênh đã có một vị Phật sống gần 60 tuổi vừa xuất hiện tại Việt Nam là nhà thơ Mai Văn Phấn.

 

Chúng ta thử xem vị Phật sống Mai Văn Phấn viết thơ ra sao mà đạt được TÂM KHÔNG, theo sự trích dẫn và lời bình ngút ngát tụng ca của Dương Kiều Minh :

 

Lay giật tả tơi cho đã cơn hưng phấn điên cuồng
Cơn ức chế thèm khát
(Đỉnh gió)

Co quắp con ngủ trong gió lạnh
Mơ thành bào thai
Cuống nhau nối mặt trời

 

Mô Phật ! Phật gì kỳ vậy ta ?” (Trích: Nhân dịp nhà thơMai Văn Phấn Hốt nhiên thành Phật).

 

“Lạy Chúa tôi, thơ của trạng nguyên thơ Làng Chùa dài quá, làm một người già kém mắt như chúng tôi ( TMH) đọc chưa hết đã mệt quá ngất xỉu. Cảm giác của tôi là trạng nguyên thơ Làng Chùa viết quá dễ dãi, quá tùy tiện, quá linh tinh. Trạng nguyên thơ mà viết như thế này, sức hèn tài mọn như chúng tôi, xin lỗi, một ngày có thể ngoáy tới vài chục trường ca là ít. Biết đâu kẻ viết bài này, sau khi học lối viết “chuột chạy cùng sào” của các trạng nguyên thơ mà cắm cúi viết loại thơ phi thơ này trong một tháng, chắc chắn sẽ hiện NGUYÊN HÌNH LÀ TRẠNG NGUYÊN THƠ SỐ MỘT QUỐC GIA như chơi.

 

Thế mà một vị PGS.TS. Viện trưởng viện văn học đương chức là ông Nguyễn Đăng Điệp đã hết lời ca ngợi “ Nơi ngày đông gió thổi” như sau :

 

“Nơi ngày đông gió thổi”; theo PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp- Viện trưởng Viện văn học thì trong thơ Đinh Thị Như Thúy có sự kết hợp hài hòa giữa thực và ảo, giữa hơi thở thao thiết của tình yêu và hạnh phúc, cô đơn và đau khổ...Hấp lực thơ Đinh Thị Như Thúy không nằm ở những cách tân táo bạo, những cách nói gây sốc mà là sự trường sức và phóng khoáng của một trường liên tưởng mạnh với nhiều hình ảnh đẹp, gợi cảm và đầy nữ tính...

http://tapchinhavan.vn/news/Tin-tuc-Su-kien/Trao-gia-cuoc-thi-Tho-ca-va-nguon-coi-lan-thu-II-1117/

 

Có lẽ PGS.TS. Viện trưởng Viện văn học Nguyễn Đăng Điệp cũng là một trạng nguyên phê bình nên mới thưởng thức được thơ của vị trạng nguyên thơ Làng Chùa trên chăng ?” (Trích: Trạng nguyên thơ hay là trạng… nguyên hình).

 

Và, hình như, trong công cuộc đả phá những nhà thơ cách tân, ông Trần Mạnh Hảo không nhắc gì đến các tác giả phía Nam mặc dù họ cũng cách tân, thậm chí cách tân triệt để! Phải chăng vì những người phía Nam không thuộc hội nhà văn Việt Nam và những cơ quan trực thuộc nên có đánh hay không đánh họ cũng không ảnh hưởng gì được cho “truyền thống thi ca của hội” mà còn rước vạ vào thân? Vì ông sợ học thuật và tính quyết liệt của những cây bút phía Nam? Và, một giả thuyết khác được đặt ra: Ông Trần Mạnh Hảo mượn đầu heo nấu cháo, ông chỉ cần đánh riêng các cây bút cách tân của Hội nhà văn thì độc giả (và một số người mà ông Hảo cần họ hiểu) cũng đủ hiểu là ông phản đối cách tân, chống đối cách mạng thi ca, hơn nữa, ông đánh người có khuynh hướng cách tân, nhưng phải là người của Hội nhà văn Việt Nam, để qua đó, thấy rằng ông “ngoài luồng” ông thuộc diện phi nhà nước, không động chạm, gây hấn đến văn nghệ phi nhà nước… Nhưng thật ra, ông đánh văn nghệ nhà nước cũng có nghĩa là ông dẹp bỏ luôn văn nghệ phi nhà nước, vì ông đánh sự cách tân chứ ông đâu có đánh gì chính kiến, chính trị “truyền thống”!?

 

 

Hiện tại, nếu ông Trần Mạnh Hảo không giải quyết được những nghi vấn trên đây, thì tất cả mọi hoạt động phê bình của ông từ trước tới nay nhằm đánh vào nhóm cách tân trong Hội nhà văn Việt Nam không có mục đích nào ngoài mục đích bảo vệ cái “truyền thống thi ca” đã tồn tại mấy chục năm nay của hội. Và cũng là cách công kích vào thơ cách tân thông qua những người trong hội để khỏi đụng chạm đến giới văn nghệ phi nhà nước – mà ở đó, thế mạnh và đặc trưng của họ là cách tân, giải trừ trung tâm.

 

Đó là gì nếu không gọi là phê bình phán rơm, một kiểu nấp bóng để đánh một đòn mà được lợi cả bên này lẫn bên kia?!

 

Tôi cũng xin nhắc thêm, lối viết phê bình cũng như phản biện của ông Trần Mạnh Hảo thường là không đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, đi lòng vòng, cà kê dê ngỗng… Cuối cùng, vấn đề cần bàn thì không thấy nhắc đến, cả bài viết của ông toàn giọng giễu cợt, bỡn cợt mông lung, lạc đề, cố tình hoặc vô tình nhầm lẫn…

 

Chính vì vậy, lần này tôi kính mong ông nếu có phản biện thì đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, đừng hỏi/dẫn lung tung, chẳng hạn như ông phản biện theo kiểu giễu nhại “phán rơm” rồi cố chứng minh đây là khái niệm không có thật, bịa đặt gì đó… Thì e rằng cách tranh luận này còn quá thô sơ, không đáng để tiếp tục bàn với nhau. Vài lời kính mong ông hiểu cho!

 

L.T

 

(tienve.org)

BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị