“Sự thật khóc òa…” trong bài thơ “Thuốc đắng” (bình thơ) - Vũ Thị Huyền

Vũ Thị Huyền



Tranh của Rafal Olbinski

 

 “Sự thật khóc òa…” trong bài thơ “Thuốc đắng”

 

 

Thuốc đắng

               

(Cho Ngọc Trâm)

 

 

Cơn sốt thiêu con trên giàn lửa

Cha cũng có thể thành tro nữa

Thuốc đắng không chờ được rồi

Giữ tay con

                     Cha đổ

Ngậm ngùi thả lòng chén vơi…

 

Con ơi! Tí tách sương rơi

Nhọc nhằn vắt qua đêm lạnh

Và những cánh hoa mỏng mảnh

Đưa hương phải nhờ rễ cay.

 

Mồ hôi keo thành chai tay

Mùa xuân tràn vào chén đắng

Tuổi cha nước mắt lặng lặng

Sự thật khóc òa vu vơ

 

Con đang ăn gì trong mơ

Cha để chén lên cửa sổ

Khi lớn bằng cha bây giờ

Đáy chén chắc còn bão tố./.

 

Mai Văn Phấn

 

 

Lời bình của nhà thơ Vũ Thị Huyền:

 

Không hiểu sao mỗi khi gặp những lời nói thật, những việc làm tốt mà lại bị “đời” mất lòng, giận dỗi, thậm chí còn bị “cạch” mặt, bị gièm pha, tôi lại nhớ bài thơ “Thuốc đắng” của nhà thơ Mai Văn Phấn (MVP). Càng không hiểu sao, thơ MVP có nhiều bài mà ngữ nghĩa rộng, vượt “khổ” rất nhiều, mang tầm bao quát thời đại…, nhưng tôi luôn tìm về “thuốc đắng”. Lẳng lặng một chiêm nghiệm cuộc đời và cho chính cả riêng mình.

 

“Cơn sốt thiêu con trên giàn lửa/Cha cũng có thể thành tro nữa”. Xin đừng ai đọc hai câu thơ này bằng đôi mắt sinh học. “Cơn sốt” đã ở “thì quá khứ”. Rất có thể… rất có thể… nếu không có “thuốc đắng”… Câu thơ… xuống dòng như hai hàng nước mắt: “Giữ tay con/Cha đổ/Ngậm ngùi thả lòng chén vơi”.

 

Ai nuôi con đầu lòng, ít nhiều từng trải nghiệm phút cam go của những “cơn sốt” ập đến với người con non nớt, bé bỏng của mình. Đọc khổ thơ này đã ngấn lệ mà nhớ lại cái trạng thức xúc cảm xa xót con như nhà thơ MVP. Hạnh phúc thay, hơn những ông bố, bà mẹ khác, anh ghi lại cái khoảnh khắc đó bằng thơ. Nói với con mà như nhủ với lòng mình: “Con ơi! Tí tách sương rơi/Nhọc nhằn vắt qua đêm lạnh/Và những cánh hoa mỏng mảnh/Đưa hương phải nhờ rễ cay”.

 

Bài thơ có bốn khổ. Hai khổ đầu và cuối là xuyên suốt một “chủ đề”. Khổ thứ ba, dường như “tách cành”. Tựa như cây thế mang tình phụ tử mà cành phụ cứ vồng lên che chở cành con. Toát lên cái “tinh thần cha” trong lời trần thuật: “Mồ hôi keo thành chai tay/Mùa xuân tràn vào chén đắng/Tuổi cha nước mắt lẳng lặng/Sự thật khóc òa vu vơ”.

 

Để đọc một văn bản thơ, người yêu thơ đã phải cần nỗ lực để cảm. Tôi đọc “Thuốc đắng” 22 năm qua. Những đứa trẻ “uống thuốc” của hơn 2 thập kỷ trước giờ đã trưởng thành lại sắp trở thành cha, thành mẹ. Thấy nỗ lực mình “bỏ ra” để “thẩm thấu” một bài thơ đã cho lại mình một bình tĩnh, tự tin. Thấy vững vàng hơn trước “Thuốc đắng”, bởi đã biết rằng, sau thuốc là tình yêu vô bờ bến giữa người với người. Tình phụ tử thiêng liêng “ruột đứt con xót” mà có lúc vẫn phải cần… thuốc đắng. Toa thuốc đặc trị cứu rỗi cuộc đời mỗi con người hay “sự thật khóc òa” trong “nước mắt lẳng lặng” như dự cảm của chính nhà thơ về “hai mươi năm sau” trong khổ thơ cuối cùng? Được ghi nhận bằng giải Nhì – Giải Nguyễn Bỉnh Khiêm danh giá do thành phố Hải Phòng trao tặng năm 1991. “Thuốc đắng” còn là sự ghi nhận tính nhân văn sâu nặng ẩn giấu trong mỗi ý thơ – hàm chứa một giáo nghĩa mà cổ nhân đã đúc kết tựa câu thành ngữ “Thuốc đắng dã thật/Sự thật mất lòng”.

 

Và đó chính là lý do bài thơ nằm trong trí nhớ người đọc như một lý lẽ về sự sinh tồn trong đời sống chúng ta cùng với lời tiên tri “đã đúng” ở hai câu thơ cuối cùng: “Khi lớn bằng cha bây giờ/Đáy chén chắc còn bão tố”./.

 

V.T.H

(Báo Hải Phòng cuối tuần 7/9/2012)

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị