Đọc “Ghi ở Vạn Lý Trường Thành” của Mai Văn Phấn (bình thơ) - Trần Đức Lộc

Trần Đức Lộc

 

 

 

 Điêu khắc của Tom Eckert 

 

Đọc “Ghi ở Vạn Lý Trường Thành” của Mai Văn Phấn

 

 

 

 

 

GHI Ở VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH

 

Mây xếp lên vai từng tảng đá nặng

nhòe mắt cát

thở đầy ngực cát

 

Vạn lý Trường Thành còn xây dở?

Trên không tiếng hoạn quan truyền chỉ

Bắt được kẻ nào vừa vác đá vừa làm thơ

đánh hộc máu mồm

Khâm thử!

 

Ngước lên gặp một khuôn mặt bì bì

tay lạnh, mắt chì, giọng mỡ

Mái Phong hỏa đài* màu huyết dụ

hình thanh long đao dính máu đang kề cổ

 

Còng lưng đẩy nắng đi

Chồn chân đẩy gió đi

Miễn sao gần được bông hoa

đang mởn mơ trong gió lớn.

 

Tâu Hoàng thượng/ thưa ngài/ báo cáo đồng chí....

Bỉ chức/ thảo dân/ em…

sẽ làm trọn bổn phận

  

Đây là đỉnh trời

hay đáy vực sâu

chỉ thấy trên lưng lằn roi bỏng rát

 

Mồ hôi du khách trên đá xám

nở thành hoa phù dung.

 

________
* Phong hỏa đài: Điếm canh trên Vạn lý Trường Thành.

M.V.P

 

 

 

LỜI BÌNH:

 

Trong nhóm bạn thơ văn của tôi thường hay bàn luận về thơ Mai Văn Phấn – một trong những nhà cách tân thơ hàng đầu hiện nay. Nhiều ý kiến ủng hộ, nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại anh đã đánh mất độc giả, và cũng không ít người lừng chừng ở giữa. Đã có những ý kiến cho rằng, thơ Mai Văn Phấn xa rời hiện thực của đời sống, đôi khi đưa người đọc đến một miền “không đầu không cuối”, thậm chí vô định... Tôi đã lắng nghe mọi ý kiến và bình tĩnh đọc kỹ thơ anh. 

 

Thưa các bạn yêu thơ, hãy cùng tôi đọc lại bài “Ghi ở Vạn Lý Trường Thành”, một trong những bài thơ của Mai Văn Phấn gây được ấn tượng trong dư luận.

 

Mở đầu bài thơ, tác giả đã mở “cánh cửa” vào quá khứ cho ta thấy:  

           

“Mây xếp lên vai từng tảng đá nặng

nhòe mắt cát

thở đầy ngực cát”

 

Không gian hiện thực buổi xây Vạn Lý Trường Thành vừa mở, những dân phu bị đày ải bỗng chốc hiện ra.

 

”Vạn Lý Trường Thành còn xây dở?”

 

Đúng, nó đang xây dở. Đây đó vang tiếng truyền chỉ và ta nghe tiếng hoạn quan truyền lệnh “đánh hộc máu mồm” những ai “vừa vác đá vừa làm thơ”. Và, tiếng “Khâm thử!” vang lên cuối khổ thơ như kết thúc một màn kịch.

 

Chỉ bằng những câu thơ ngắn, sắc lạnh, dứt khoát, nhưng không khí nồng nặc của đòn roi cưỡng bức và chết chóc đã hiện lên trước mắt người đọc. Ta như nghe rõ tiếng đá lăn, tiếng quát thét, thấy máu chảy, những thân người gục xuống... Và ngạo nghễ vượt lên trên tất cả là tiếng của thơ vắt ra từ gan ruột trong những manh áo vải tả tươm. Dưới mái Phong hỏa đài hình thanh long đao huyết dụ là những khôn mặt bì bì, mắt đục màu chì, giọng sệt mỡ đang làm mưa làm gió trên thân xác, trên số phận con người. Đó là quyền uy và sự nhẫn tâm của bạo chúa.

 

Lại trở về với Mai Văn Phấn để đọc tiếp những câu thơ, nói đúng hơn là cùng tác giả hóa thân làm người dân phu buổi xây Vạn Lý:

 

“Còng lưng đẩy nắng đi

Chồn chân đẩy gió đi

Miễn sao gần được bông hoa

đang mởn mơ trong gió lớn.”

 

Một bông hoa bỗng xuất hiện giữa khung cảnh khắc nghiệt, đang “mởn mơ trong gió lớn” mới tuyệt làm sao. Sự hiển hiện của “bông hoa” ở đây cho ta thấy ranh giới giữa thiện và ác, chính và tà, thiên đường và địa ngục... “Bông hoa” ấy chính là cổng trời, để từ đáy vực sâu, ta có thể nhìn thấy mây trắng, thấy chim bay và nắng mới... Nó chính là cái đẹp để cứu rỗi nhân thế, như đại văn hào Nga Dostoievsky đã từng nói.

 

Chính nhờ cái đẹp ấy mà người ta thấy được Vạn Lý Trường Thành kỳ vĩ thế nào. Quyền lực không sinh ra được cái đẹp. Sức mạnh bạo chúa không đẻ ra được cái đẹp. Cái đẹp sinh ra từ những con người bị đày ải, bị cướp mất tự do.  

 

Tôi giật mình trước những câu thơ:

 

“Tâu Hoàng thượng/ thưa ngài/ báo cáo đồng chí....

Bỉ chức/ thảo dân/ em…”

 

Mai Văn Phấn đã đưa ta cùng hành trình suốt mấy ngàn năm, từ thời Tần Thủy Hoàng đến thời chúng ta gọi nhau bằng đồng chí, một danh xưng quá quen thuộc với bất cứ ai hôm nay. Phải chăng, Vạn Lý Trường Thành vẫn đang được xây tiếp ngay ở thời chúng ta đang sống. Đọc đến đây, ta không còn ngỡ ngàng với câu thơ ở khổ trên “Vạn Lý Trường Thành còn xây dở?”. Lời cảnh báo vang lên trước sự sống còn của nhân loại nhân quyền. Hãy chặn đứng bàn tay của quyền lực bạo chúa, của mưu mô và dã tâm.

 

Bài thơ cho thấy, thơ Mai Văn Phấn luôn gắn kết với lịch sử và đau những nỗi đau của con người. Bài thơ đã thành công khi đưa bạn đọc cùng lúc được nhận diện và chiêm nghiệm chân tướng của lịch sử, đồng thời gợi nhiều liên tưởng về những diễn tiến trong thời đại hôm nay.

 

Với dung lượng câu chữ không nhiều trong một bài thơ, nhưng Mai Văn Phấn đã đề cập được một vấn đề rất lớn, nóng bỏng và có khả năng khái quát cao thông qua nghệ thuật ngôn ngữ thi ca. Và tôi nghĩ, mục đích của thơ anh là làm rõ được trách nhiệm của chính nó trước cộng đồng, trước sự chân xác của lịch sử.

   

Câu kết của bài thơ đưa chúng ta trở về đời sống hiện thực, bằng cách viết nhẹ nhàng, ngôn ngữ thơ hồn nhiên và độc đáo:

 

“Mồ hôi du khách trên đá xám

Nở thành hoa phù dung .”

 

Vâng, nó đang nở thành hoa phù dung!

 

Hải Phòng 11/2013

T.Đ.L

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị