Sự tĩnh lặng thăng sáng (bình thơ) - Bùi Đức Ba

Bùi Đức Ba




Tranh của Tom Eckert


Sự tĩnh lặng thăng sáng

(Cảm nhận bài thơ “Đá trong lòng suối” của nhà thơ Mai Văn Phấn)

 

 

Đá trong lòng suối

 

Lặng yên cho nước chảy

Xối xả lâu lạnh toát mình đá

 

Mùa Xuân đấy sao?

Dây hoa leo đường mòn

Tiếng chim dội xuống róc rách

 

Bóng cây xao động tảng đá lúc râm lúc nắng 

Sắc hoa dại kia sao bình yên mãi được

Đá nhắm mắt an nhiên nước cuốn

 

Mấy con voọc chà vá chân xám

Lại làm bóng cây dâng cao dập dềnh

Mưa bụi bay lung tung

Thấm ướt nơi sâu kín nhất

 

Mây dừng nơi mây

Mùi ổi chín thơm len lỏi trong rừng

Một con nhím xù lông bất động

 

Hơn hết lúc này

Ai hãy ở yên chỗ đó.

 

Mai Văn Phấn

 


Lời bình của Bùi Đức Ba:

 

Khác với thơ Đường, bài thơ "Đá trong lòng suối" của Mai Văn Phấn viết theo thể tự do, tuy rằng thiên nhiên cảnh vật vẫn là thi liệu, là cảm hứng nhưng nó không phải đề tài ngâm vịnh. Bài thơ không cần chấm câu (nói chính xác là có một dấu chấm), không vần, không cần đăng đối, chỉ tuân thủ nhạc điệu tâm hồn và dụng công vào chữ để trình bày ý tưởng thẩm mỹ của nhà thơ, mang đặc điểm phong cách ngôn ngữ thơ của Mai Văn Phấn. Thi pháp của "Đá trong lòng suối" thể hiện một hướng tìm tòi cách tân thơ, điều mà các nhà thơ đương đại Việt Nam với khuynh hướng khác nhau, không mệt mỏi trên bước đường thể nghiệm đổi mới, sáng tạo nghệ thuật.

 

Mở đầu thi phẩm và là xuất phát của cảm hứng, thơ hướng về hiện tượng thiên nhiên vô thức với liên tưởng khá mới mẻ về "đá trong lòng suối":

 

Lặng yên cho nước chảy

Xối xả lâu lạnh toát mình đá

 

Và rồi, qua cảm nhận trực giác, sau câu hỏi tu từ "Mùa xuân đấy sao?", cảm hứng được đẩy tới, thơ tuôn trào tự do như trần thuật ngẫu hứng. Bức tranh thiên nhiên mùa xuân nơi rừng sâu hiện lên, lôi kéo mọi giác quan của người đọc tiếp nhận cảnh vật trong không gian đa chiều sống động, từ thấp đến cao, từ gần đến xa và cả "nơi sâu kín nhất". Điều cần nói là nhà thơ Mai Văn Phấn khi miêu tả mùa xuân đã thoát ly những hình ảnh công thức sáo mòn (hoa đào, hoa mai nở...) của thơ cổ để chiếm lĩnh vẻ đẹp tự nhiên, mộc mạc, đa sắc màu. Và nữa, một chùm hình ảnh sống động, nói tiếp nhau về hoa rừng, tiếng chim, mưa bụi bay, thơm thơm mùi ổi... đều hoà quyện trong trường nghĩa mùa xuân nơi núi rừng, làm cho bức tranh thơ hiện hình trong vẻ nguyên sơ tinh khiết, không trộn lẫn.

 

Hình ảnh đá trong lòng suối lần thứ hai được đặc tả bằng phép nhân hoá giàu suy tưởng: "Đá nhắm mắt an nhiên". Mấy chữ "nhắm mắt an nhiên" mang nghĩa ẩn dụ, gợi tư thế "thiền", tịnh tâm, thảnh thơi, bình lặng với tâm thế an nhiên tự tại. Cái tâm thế mà đá trong lòng suối mặc cho "nước cuốn" là cùng dòng mạch với ý thơ của câu đầu bài "Lặng yên cho nước chảy" và hoàn toàn tương ứng với lời nhắn nhủ bình dị của thi nhân, cũng là lời của đá làm cho cấu tứ của bài thơ chặt chẽ, tô đậm chủ đề:

 

Hơn hết lúc này

Ai hãy ở yên chỗ đó.

 

"Ở yên chỗ đó" như đá "an nhiên" kia để không phá vỡ cảnh quan của thiên nhiên tạo vật, của rừng xuân, của đời sống và cái đẹp. Cảnh quan ấy như đời sống đa dạng của con người, xã hội vô cùng phong phú. Hãy để cho vạn vật tồn tại với dáng vẻ hồn nhiên, xin đừng can thiệp. Làm như thế cũng là để nâng niu, bảo vệ và chiếm lĩnh cái đẹp. Tứ thơ của "Đá trong lòng suối" như vậy khá mới mẻ, bộc lộ tư tưởng giàu ý nghĩa nhân sinh, toả sáng một vẻ đẹp của tinh thần Việt Nam thật đáng trân trọng.

 

B.Đ.B

(Báo Người Hà Nội số 25 + 26, ra ngày 22/6/2012)

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị