Lời bình bài thơ Tĩnh lặng của bạn thơ Sấu Mã trên Facebook

Lời bình bài thơ Tĩnh lặng của bạn thơ Sấu Mã trên Facebook

 



Tranh "Sấu mã đồ" của HS. Cung Khai (1221-c1307) đời Nguyên - Avata Facebook Sấu Mã 

 

 

Maivanphan.com: Ngay sau khi website maivanphan.com công bố loạt bài của TS. Ramesh Chandra Mukhopadhyaya (Ấn Độ) chú giải những bài thơ Tĩnh Lặng của tôi, bạn yêu thơ đã nhận được khá nhiều lời bình luận (comment) thú vị trên Facebook. Trong đó, có ý kiến của bạn thơ Sấu Mã, người đã gợi mở cho tôi nhiều điều mới lạ, về những ẩn giấu vô tình và cả cố ý trong những hiện tượng biểu kiến, về những lối rẽ bất ngờ vượt ra ngoài đặc trưng thi pháp của tác giả... Đặc biệt, Sấu Mã đã đưa ra cách giải mã riêng thần thái một bài thơ, mà các nhà thơ phương Tây hay gọi đó là ánh sáng của văn bản. Cái nhãn quan/ lực đặc biệt này hầu như chỉ những "người đọc tinh hoa” mới có thể có được. Xin trân trọng cảm ơn sự đồng cảm, chia sẻ sâu sắc của bạn thơ Sấu Mã! Website maivanphan.com sẽ tiếp tục cập nhật lời bình của Sấu Mã dành cho những bài thơ Tĩnh lặng tiếp theo. 

 

 


Về bài thơ Tĩnh lặng 26:

 

Sấu Mã: Bài thơ thật hay và lời phẩm bình cũng thật thú vị. Nhà thơ, tiếp đó là người đọc thơ, đuổi theo cái bóng của một cái bóng - một cuộc rượt đuổi nhẫn nại và đam mê, mong tiếp cận cái đẹp tuyệt đối. Bất lực mà vẫn hân hoan - hân hoan do không còn quá để tâm tới việc tự thể hiện mình, ngắm mình, mà do ý thức rõ mình đang bước vào một cuộc hòa nhập lớn để có thể nhận được nhiều ân sủng thiêng liêng. Đọc bài thơ càng hiểu cái lý của những cách thể hiện trừu tượng (như MVP chọn ở đây) - một phương án hóa giải những nghịch lý của sáng tạo, khi nhà thơ bị muôn vàn hình tướng cụ thể làm cho phân tâm. Có một sự châu tuần rất đẹp giữa các văn bản liên đới, ấy là tôi đang nói tới cách trình bày trang của tác giả. Xin mách người làm SGK mới hiện nay một ví dụ hay về kiểu lựa chọn và trình bày hệ thống văn bản nhằm phát triển năng lực giao tiếp đa phương thức cho học sinh.

Kể ra, để viết cho rõ ý thì quá dài. Đọc bài thơ, tôi nghĩ tới thuyết của Plato về sự phản ánh. Hoàn toàn có thể lấy bài thơ để minh họa (phần nào) cho thuyết này, không cần biết (hoặc vờ không biết) tác giả đã nghĩ như thế nào, đã viết với tâm thế nào. Như vậy, đã có sự tương tác giữa chủ ý của tác giả, chủ ý của tác phẩm và chủ ý của người đọc. Một bài thơ hay (như chính bài thơ này) không giới hạn sự diễn giải, dù người diễn giải phải chịu những buộc ràng nhất định từ cấu trúc văn bản và hình tượng. Xin tặng anh một bức khắc gỗ của Hiroshige nằm trong loạt tranh 53 chặng Tokaido - một bức nằm trong vùng liên tưởng của tôi khi đọc bài thơ anh viết.

 

 

 

 Tranh khắc gỗ của HS. Utagawa Hiroshige, Nhật bản

 

 

 

Về bài thơ Tĩnh lặng 27:

 

Sấu Mã: Có thể hình dung “tôi” đang ngồi thiền (hoặc gần như vậy). Do một sắp đặt tình cờ nào đó mà nguồn sáng chỉ chiếu vào đôi bàn tay, gây chú ý với chính “tôi”. Trong suy tưởng, mọi tình huống, chi tiết ngẫu nhiên không bị gạt ra ngoài (như ta thường nghĩ/ quan niệm), mà được kéo vào như một “dữ kiện” quy nạp cần thiết, mang đầy tính chủ ý. Liên tưởng thơ bắt đầu được khởi động, xui “tôi” bất giác ngửa hai lòng bàn tay, để rồi những liên tưởng mới trùng trùng kéo đến, khiến “tôi” nhận ra rõ rệt sự tương đồng giữa hai bàn tay đặt ngửa với “hai mặt hồ”, “hai chiếc bát để ngửa”, “hai cửa hang mùa đông”, “hố trũng hai ngôi sao”, “miệng hai con cá”. Ở đây có sự tương tác giữa chiều hướng suy tưởng tập trung với cái phóng túng, ngẫu hứng của liên tưởng. Do vậy, dẫu đi xa bao nhiêu, liên tưởng cũng bị kéo về, đưa tới cho suy tưởng những “tư liệu” mới, và ngược lại, chính liên tưởng đã phần nào làm mềm suy tưởng thuần lý, khiến nó bỗng mang vẻ tươi tắn của thơ.

 Có một mẫu số chung, bản chất chung cho muôn vật tồn tại trong vũ trụ. Việc biết hay hiểu ra điều ấy vẫn không ngừng làm “tôi” thắc mắc, với câu hỏi mang tính bản thể: Con người là gì? Nó có hoàn toàn bị lẫn vào hay mất tăm tích trong cái “ta” choáng ngợp và gây hoang mang kia không? Câu trả lời mang tính khẳng quyết, là “Không”, vì “Không thể tìm trong vũ trụ/ Những cặp song trùng/ Tựa đôi bàn tay/ Khép lại”. Khi đôi bàn tay khép lại, ta được chứng kiến một diện mạo mới của nó (chúng), mang hình thái của sự nguyện cầu hoặc sự kết nối thống nhất, hàm chứa một sức mạnh tinh thần riêng biệt. Dĩ nhiên, đôi bàn tay chỉ là phần “lộ sáng” ít ỏi của chỉnh thể con người đang “lẫn vào bóng tối”. Chính phần khuất lấp kia đã mang đến hay quy định giá trị đặc thù cho nó (chúng) – một giá trị mà bao sự vật khác được kể ra như “ngôi sao”, “chiếc bát”, “con cá”, “hang sâu”, “hồ nước” không có được. Bởi một lẽ giản dị, phần được kết nối với các sự vật kia (cũng chìm trong bóng tối), không phải là “tôi” – một con người. Với câu cuối nói về bóng tối, được hiểu như cái “riêng”, cái bản chất của từng sự vật, tứ của bài thơ đã hiển lộ, rất độc đáo.

 Từ chuyện đôi bàn tay rất “không đâu”, bài thơ đã lật mở trước bạn đọc những trang nhận thức mới, mang âm hưởng lạc quan, về tồn tại, về vị thế nổi bật của con người giữa trăm vạn vật thể, sinh thể đang/ từng hiện hữu.

 

 

 

Tĩnh lặng, 27

 

Cơ thể tôi lẫn vào bóng tối

Chỉ sáng đôi bàn tay

 

Lòng tay lật lên

 Tựa hai mặt hồ

Hai chiếc bát để ngửa

Hai cửa hang mùa đông

Hố trũng hai ngôi sao

Miệng hai con cá...

 

Không thể tìm trong vũ trụ

Những cặp song trùng

Tựa đôi bàn tay

Khép lại

 

Bởi mỗi ngôi sao, chiếc bát

Con cá, hang sâu, hồ nước...

Nối với từng bóng tối khác nhau.

 

 

 


Về bài thơ Tĩnh lặng 29:

 

Sấu MãBài thơ thật giàu yếu tố tạo hình, gồm ít nhất ba bức tranh được vẽ từ những góc nhìn khác nhau. Bức thứ nhất (khổ 1) – nhìn từ ngoài biển vào bờ; có hình tượng nổi bật là những vỏ sò “cúi đầu trong [tiếng] sóng vỗ”. Bức thứ hai (khổ 2) – nhìn từ bờ ra biển; có “dáng hải âu bay” nhấp nhô, tựa nét gợn tấm lưng người nằm sấp, làm sống động cả đường chân trời vốn kéo một đường thẳng căng hay phác ra một vòng cung nhẹ. Bức thứ ba (hai khổ cuối) – “tôi” phân thân để xoay vòng tự quan sát mình, ngắm mình từ các hướng, rồi thấy mình (cơ thể + vạt áo) như một cánh buồm căng phồng hay như một “trái ương” giữa lồng lộng biển trời. Mỗi bức tranh có thể tồn tại trong tư cách độc lập, nhưng ở đây, cả ba đã liên kết với nhau rất đẹp trong cái nhìn hứng khởi và phóng khoáng của “tôi”. Nhờ sự châu tuần của những hình ảnh, chi tiết như doi cát, vỏ sò và dáng hải âu bay (được vẽ ra ở hai bức 1 & 2), “tôi” (được tạo hình trực tiếp trong bức thứ ba) bỗng hình dung được rõ rệt vị trí “lõi”, “ở giữa” của cơ thể mình, để rồi thuận theo đà liên tưởng, “thấy” nó là “hạt đắng” của một “trái ương”. Bài thơ thấm đượm ý vị tự tôn một cách tự nhiên, hiền hòa, vì sự thật “tôi” chỉ có thể thấy rõ mình hơn trong cuộc hòa nhập lớn với vạn vật và vũ trụ. Có một niềm hạnh phúc toát ra từ tâm thế lắng nghe những gì đang chuyển hóa trong mình và trong cái không gian ôm mình vào giữa. Phải là “hạt đắng” và “trái ương” thì ý niệm về sự chuyển hóa, về hành trình chưa hoàn tất mới được làm nổi bật. Thử thay thế chúng bằng “hạt thơm” và “trái chín” chẳng hạn, nỗi thôi thúc dào dạt của cả bài thơ sẽ bị giảm đi đáng kể, dù phương án thay thế này không phải không có ý vị riêng. Huy Cận trong bài “Anh viết bài thơ” có hai câu: “Bát ngát lòng anh giữa trái đời/ Hai ta đôi hạt giữa nghìn đôi”. Rất có thể Mai Văn Phấn (MVP) đã nhớ đến chúng khi làm bài thơ này. Nhưng hình ảnh phảng phất gần nhau mà tứ lại khác. Một bên hướng tới xác định vị trí của cá nhân giữa nhân quần, tìm sự hài hòa giữa hai phạm trù “riêng”, “chung”, phù hợp với thế giới quan được gọi là “mới” thuở ấy. Một bên (MVP) hướng tới giải phóng cái tôi, bằng cách đặt nó vào những tương quan rộng hơn, mang tính vĩnh cửu, để nó không phải gò mình cho nhỏ bé lại, trong một dáng dấp “khiêm tốn” nhân danh sự “hòa đồng”. Từ một “chi tiết” nhỏ như thế, người đọc đã có thể nhận ra sự khác biệt trong thi pháp thơ từng thời kỳ, chưa nói đến nét độc đáo thuộc thi pháp sáng tác của riêng một tác giả cụ thể, như MVP.

 Đó là đọc đi. Khi đọc lại bài thơ, chậm hơn, tôi chú ý đến những “dáng” riêng biệt mà tương đồng với nhau của các sự vật/ hình tượng chính: vỏ sò cúi đầu, cánh hải âu bay tựa lưng người nằm sấp, cơ thể “tôi” giống một trụ buồm… Tất cả đều gợi lên ý niệm về sự tồn tại có tính chất điểm tựa của những gì thuộc phạm trù vật chất, hoặc thái độ lựa chọn một thế đứng bám chặt vào cuộc đời. Chọn thế đứng ấy, “tôi” thấy tràn trề sinh lực khi mở lòng với bao la…

 

 

 

Tĩnh lặng, 29

 

Lối lên bờ

Doi cát

Những vỏ sò

Cúi đầu trong sóng vỗ

 

Dáng hải âu bay

Hay vừa đậu

Tựa chân trời gợn tấm lưng

Người nằm sấp

 

Gió biển thổi

Dính tôi vào vạt áo

Rồi căng phồng

 

Cơ thể tôi ở giữa

Là chiếc lõi

Hạt đắng

Của một trái ương.

 



Về bài thơ Tĩnh lặng 30:

 

Sấu Mã: Giữa lặng im, con bướm vẽ một đường chuyển động kết nối. Khi bướm đậu, tất cả về một. Tâm tĩnh, một nét phác vu vơ (ngỡ là ngu ngơ) cũng hàm chứa ý niệm sâu xa.

 

 

 

Tĩnh lặng, 30

 

Vườn cây

Dòng mương

Khoảng không lặng im

Trong suốt

 

Con bướm màu đỏ

Lạc lõng

Bay tung tăng

La đà

 

Đậu xuống đỉnh cây

 

Không

Nó không lạc lõng

 

Cánh bướm là bông hoa

Của khoảng không, dòng mương, vườn cây...

 

Đậu xuống

Khép lại thời gian

Cho bông hoa thành nụ.

 

 

 

 

Về bài thơ Tĩnh lặng 31:

 

Sấu MãMột "hình tượng vũ trụ" nhưng khác biệt với những hình tượng từng gặp trong thơ trung đại. Không toát lên vẻ ngông nghênh, cô ngạo thường thấy đâu đó, bởi ở đây, nhà thơ muốn phát biểu về một sự gắn kết mà kẻ hành thiền đạt tới khi "Tâm hướng đích/ Nén khí xuống đan điền". Do được thấy" bằng nội tâm, cảnh giới kỳ vĩ không mang vẻ hù dọa mà hiện ra như một khích lệ đối với bản ngã mỗi người. "Tôi và mũi tên bay song song mặt đất" - bay song song chứ không vút lên xa lìa mặt đất (theo đà liên hệ dựa vào những ngữ liệu đã có). Thật oái oăm, chính sự cân bằng ở giữa mặt đất và bầu trời này (cũng là điều kiện cần thiết của "tĩnh lặng" - tên bài thơ), lại là cội nguồn của những liên tưởng phấn khích: tôi là mũi tên, đặt giữa dây cung mặt đất và cánh cung bầu trời, chờ khoảnh khắc vụt đi.


 

Tĩnh lặng, 31

 

Bầu trời cánh cung

Tôi ở giữa

 

Gió hú

Từ đỉnh đầu

Xuyên qua bàn chân

 

Khoan hòa khí đất

Tôi thở sâu lòng biển

 

Giương cánh cung

Cho cây lá ép vào dáng núi

Nén chặt bình minh vào đêm

 

Tựa cây tùng    

Bám đất

Vươn cành lên bầu trời

 

Tâm hướng đích

Nén khí xuống đan điền

 

Buông cung

Tôi và mũi tên bay song song mặt đất.

 

 

 

 

Về bài thơ Tĩnh lặng 32:

 

Sấu MãPhiến đá, cánh chim, lửa chỉ là những hiện tượng biểu kiến. Người ta dễ chỉ nhìn thấy chúng, và những trầm trồ cũng chỉ xoay quanh điều được thấy mà thôi. Trong tĩnh lặng, tia chớp đốn ngộ đã cho được thấy phần chìm của những quan hệ. Câu chuyện về thế giới hình như lúc này mới bắt đầu... Lạ thay, sự liên hệ oái oăm tới hình ảnh "võ sĩ rút kiếm khỏi vỏ" lại tự nhiên như không thể khác, đang khi nhà thơ nói về vai trò/ sứ mệnh/ chức năng của thi nhân trong việc giúp người ta (độc giả) vỡ lẽ về bản chất của tồn tại, vốn là cái ẩn bên trong hay dưới đáy những hiện tượng biểu kiến kia. Bài thơ như ánh lòe của đường kiếm nhận thức.

 

 

 

Tĩnh lặng, 32

 

Một phiến đá nhô lên

Thân vùi trong hố

 

Cánh chim

Bầu trời cất giấu đường bay

 

Lửa

Sáng lên mắt nhớ

 

Võ sỹ rút kiếm khỏi vỏ

Khi cánh chim vẽ hết bầu trời

Lòng đất thấm sâu phiến đá

Người biến thành than khi nhớ nhung.

 

 

 

 

Về bài thơ Tĩnh lặng 33:

 

Sấu Mã: Ngỡ nhà thơ vô tình mắc lỗi chữ khi viết "Bàn tay cha" (câu đầu tiên). Cứ logic bình thường, phải là "bóng dáng cha" hay "hình dáng/ hình bóng cha" mới phải.  Ấy mà không. Hoàn toàn không phải tác giả sợ lặp lời nên mới viết thế. Pha trà và rót chén trà thơm dâng cha, "tôi" hồi tưởng, thực chất là duyệt lại con đường hình thành cốt cách văn hóa [của mình] dưới ảnh hưởng và sự dìu dắt của người cha. Thật nhiều ân tình, thật nhiều yêu thương ở tâm thế lắng nghe trong tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng cho ta được sống thực sự với những mối liên kết vô hình mà bền chặt, cũng để ta cảm nhận được cái "khô ráp" rất thực của điều không thấy, đang vây bọc ta bằng một trìu mến che chở dịu dàng. Khổ cuối, lời thơ "khô", chi tiết "khô" mà gieo vô hạn bồi hồi...

 

 

 

Tĩnh lặng, 33

 

Bàn tay cha

Trong bóng dáng

Tôi đang pha trà

 

Nước sôi

Khói bếp

Cọng trà ngấm trong ấm sành

 

Dâng cha

Hương trà thơm đậm

Hương hoa ngâu ngoài vườn

Mồ hôi cha bay ngang

 

Nâng chén sành

Tay cha khô ráp

Trong lòng tay tôi.

 




Về bài thơ Tĩnh lặng 34:

 

 Sấu Mã"Câu chuyện" được "kể" trong bài thơ thật bình thường, ai cũng biết, ai cũng thấy, nhưng nhà thơ đã tìm cách lạ hóa nó, bằng giọng điệu ngả sang chiều tha thiết (Đêm về/ Nước lại dâng lên rửa sạch) hay thấm đượm một thứ cảm xúc hòa trộn giữa ái ngại, thương xót và ân hận (Biển/ Nhẫn nại như vậy/ Nhiều năm). Ngày mới lên, sóng rút đi rồi, còn lại phiến đá sạch, như bao giờ cũng sạch. Còn lại thoáng trầm tư. Và thơ...

 

 

 

Tĩnh lặng, 34

Ngày mới ven biển

Sóng rút đi

Để lại phiến đá sạch

 

Ai đến ngồi

Bước lên

Cùng phân chim

Cát bụi tấp vào

 

Đêm về

Nước lại dâng lên rửa sạch

 

Biển

Nhẫn nại như vậy

Nhiều năm.

 

 



Về bài thơ Tĩnh lặng 35:

 
Sấu MãRất thích chút giỡn đùa ở hai câu cuối. Kỳ thực, nhà thơ có định manh động gì đâu! Anh tự giam mình, chứ nào phải chiếc lá (với tư cách là công cụ của gió xuân) giam anh! Một sự tự nguyện tuyệt đối của người ưa chiêm nghiệm, muốn lắng nghe và thấu hiểu tạo vật quanh mình, dù có thể nó chỉ là một chiếc lá tình cờ lọt vào tầm mắt. Anh muốn đọc những chuyển động của nó, qua đường nét của gân lá, qua đốm vàng và khoảng xanh diệp lục... Tĩnh lặng mà xôn xao, xôn xao mà tĩnh lặng. Đã hiểu nhau, giỡn một chút, can gì... Ai chẳng mong, như nhà thơ, được mê mải trong phòng biệt giam của mùa xuân.



Tĩnh lặng, 35

Gió ra đi

Giam tôi ở đây

Bằng chiếc lá

 

Nhìn khung cửa và chắn song

Tôi biết không thể bẻ gãy

Những đường gân lá

 

Chỉ mong những đốm vàng

Trên đó lan nhanh

Nhưng hơi ẩm đang phà hơi

Vào khoảng xanh diệp lục

 

Mình không manh động

Vào mùa xuân.

 

 



 
Về bài thơ Tĩnh lặng 36:

 

Sấu MãVật trang trí sẽ chỉ là vật trang trí đơn thuần, nếu việc chế tạo nó cũng chỉ đơn thuần được thực hiện bằng các thao tác quen tay như "kết", "uốn cong", "đính"... Nhưng, nó sẽ thành một vật có linh hồn, một sinh thể sống, như lá mầm đang lớn nhanh, nếu được "tắm" bằng những rung động của bàn tay, của tâm hồn người chế tác. Ôi, diễn ý thế này thô thiển quá. Hãy để cho thoáng bối rối/ nghi ngờ/ tự vấn trong mấy câu tưởng không thể đơn giản hơn "Chỉ vì yêu/ Hay giận/ Mà uốn cong" dẫn ta vào cõi thơ. Một rung rinh tơ non trên nền tảng duy lý, trên những cảm nghiệm rất sâu về phép màu của tâm hồn!

 

 

 



Tĩnh lặng, 36

 

Tôi làm vật trang trí

 

Bằng thanh sắt kết lại

Uốn cong

Trên đầu đính từng mẩu giấy

 

Chỉ vì yêu

Hay giận

Mà uốn cong

 

Đêm qua trong giấc mơ

Vật trang trí ấy

Lớn nhanh như một lá mầm.

 




Về bài thơ Tĩnh lặng 37:

 

 Sấu Mã: “Khôn khéo” là một phẩm chất, một kiểu ứng xử cần có, khi chúng ta sống trong đời và đi giữa muôn vàn cá tính khác biệt. Nhiều người không thích, không đánh giá cao sự “khôn khéo”, thậm chí dị ứng với nó. Chả sao, đó cũng là một lựa chọn cần được tôn trọng. Chủ thể trữ tình của bài thơ thì khác. Anh có quan niệm của mình: mỗi cá tính, mỗi con người cá nhân, dù chỉ có một “màu” chủ đạo (giả định thế), thì cũng là một thế giới không dễ hiểu thấu, như cuộn vải, nếu dành cho ta, cả đời ta cũng mặc không hết. Chính vì vậy, anh chỉ lo làm chúng bị tổn thương, như lo lỡ tay làm đổ ly nước lên các cuộn vải không thuộc sở hữu của mình. Một sự dè dặt, thận trọng thái quá chăng? Có thể. Nhưng đằng sau chúng là thái độ trân trọng con người, trân trọng cái riêng! Với bài thơ này, tác giả tiếp tục theo đuổi mạch suy tư về cái phổ quát, từ tâm thế và ứng xử của con người sống trong môi trường đô thị - nơi không gian bị đóng hộp như một “cửa hàng bán vải” mà trong đó các cá nhân, cá thể giống những cuộn vải được xếp chồng lên nhau tựa “đống gỗ”. Ở chốn ấy, không “khôn khéo” mà được à? Có một sự giễu cợt kín đáo, với người, và với mình, qua cách liên tưởng khác thường tới những sự vật, hình ảnh vốn ít chất thơ, nếu nhìn theo lối tư duy truyền thống. Nói điều này cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận bài thơ có một dáng dấp hiện đại thú vị.




Tĩnh lặng, 37


Lạc vào cửa hàng bán vải

Nhiều cuộn chồng lên như đống gỗ

Phải khôn khéo mới len qua

 

Đây màu nâu trầm

Xanh dương

Kia màu da cam

Trắng nõn

Đỏ boóc – đô...

 

Màu nào

Một người

Cũng mặc cả đời không hết

 

Tôi đi

Tay cầm ly nước

Chỉ lo

Lỡ làm đổ lên cuộn vải nào.


 

Về bài thơ Tĩnh lặng 38:

 

Sấu MãMột “cây cỏ” (với tư cách một cá thể, chứ không phải một chủng loại) được vẽ lên tấm toan trắng đang “chờ sợi rễ đâm ngang” để bước vòng sinh hóa bất tận. Nó chính là “tôi”. “Tôi” chợt thấy mình như cái cây – cây cỏ. Một thái độ thật khiêm nhường. Một tâm thế sẵn sàng (sẵn sàng trong thanh thản) do nhận thức được “lẽ thường” của tồn tại: “Từng lụi tàn/ Từng tươi tốt”, cứ thế mãi mãi. Khi cây cỏ (hay “tôi”) “bất động” tĩnh lự “trong tầng bẹ lá” là khi nó (và “tôi”) đang thực hiện một sự hợp nhất với “ánh sáng này” của hiện tại, cũng là “ánh sáng kiếp trước”. Ánh sáng phi thời gian bao bọc anh nhưng cũng chính là anh. Cánh cửa đã mở, anh bước vào, thuần khiết, vô ưu. Một bài thơ giàu triết lý mà nhẹ nhõm, như không!



Tĩnh lặng, 38

Tôi là cây cỏ

Ánh sáng kiếp trước

Vẽ trên toan trắng

 

Thân bất động

Trong tầng bẹ lá

Chờ sợi rễ đâm ngang

 

Từng lụi tàn

Từng tươi tốt

Lẽ thường trong ánh sáng này.




Về bài thơ Tĩnh lặng 39:

 

Sấu Mã: “Tôi” trong bài thơ bỗng nhiên thấy ân hận vì một trò chơi vô ý của mình. Không, dù là trò chơi, muốn hay không, tự ta cũng đã kiến tạo một luật lệ mới, và luật lệ đó ràng buộc các sự vật có liên quan. Luật lệ ta đặt ra, suy cho cùng, đã phá vỡ luật của tự nhiên, vốn gợi ra vô vàn khả năng vận động, chuyển động hay kết nối khác nhau, được biểu diễn thành “những đường thẳng tắp”, vô định mà cuốn hút. Ở tình huống được nhắc tới trong bài thơ, “chồng” hay “xếp chồng”, sau khi “tôi” đã vỡ lẽ, đều mang dáng dấp của một sự áp đặt, áp chế, dù ban đầu, “tôi” chỉ muốn nắn nót tạo ra một sản phẩm đẹp. Hóa ra, cái đẹp nhân tạo, kết quả của một cái nhìn hạn hẹp và hành vi chứa đầy ngộ nhận, chẳng là gì khi đem so với những cái đẹp mà cuộc sống mở ra, theo những nẻo lối bất ngờ. Hãy gạt bằng những “xếp chồng” quá trật tự, gò bó để tầm nhìn được thoáng đãng hơn – phải chăng đó chính là lời tự hứa của tác giả, khi bước chân trên con đường thơ giục giã cách tân? Từ nhận thức này, độc giả bỗng nhận ra tính hữu lý của thái độ “nghiêm trọng” mà “tôi” - nhà thơ đã bộc lộ, khi anh nhìn lại những trò chơi sáng tạo đã qua bằng ánh mắt phán xét. Bài thơ, tự nó, đã cung cấp một ví dụ không thể thú vị hơn, cho chính điều tác giả tâm niệm và khát khao đạt tới.

 

 

 

Tĩnh lặng, 39

 

Tôi chồng năm hòn cuội

Vẽ xung quanh những vòng sóng

 

Hôm nay tôi biết

Mình đã nhầm

 

Từ năm hòn cuội

Đang mở ra những đường thẳng tắp

 

Tôi sẽ không xếp

Bất kỳ vật gì chồng lên nhau nữa

Trong tầm nhìn.




Về bài thơ Tĩnh lặng 40:

 

Sấu Mã: Bài thơ gồm hai cặp câu (thực ra chỉ là hai câu ngữ pháp) quá dễ hiểu, chừng như không có ẩn ý gì. Thơ ở đâu, trong đó?

Xem ra, tác giả đã học được các chiêu thức không tưởng của những bậc thầy thơ tuyệt cú (TQ) và thơ haiku (Nhật), để biến vài ba hiện tượng/ sự kiện hiển nhiên tưởng chừng rời rạc, trở thành đầu mối của những liên hệ hướng tới một chỉnh thể hài hòa, vốn là bản chất của sự sống lớn do tạo hóa dựng nên.

Hai câu đầu mới chỉ có sự tường thuật thuần túy. Đến câu thứ ba, tính cấu trúc của bài bắt đầu được hé lộ, đưa sự chú ý của độc giả đi vào những giả định mập mờ. Sang câu cuối (như một nửa của câu trên bị bẻ xuống dòng), thơ thực sự hiện diện, với một suy luận được đặt trên nền tảng phấp phỏng, kéo tất cả các chi tiết về một “trường” thống nhất, mà ở đó có đủ ba thì của thời gian với các dạng thức tồn tại khác nhau của tự nhiên tuân theo vòng luân chuyển bất tận, lại có các loại cảm giác tương ứng của con người như bình thản vô tư, dè dặt e ngại, băn khoăn nghi hoặc…

Không, vấn đề không chỉ là chiêu thức. Nếu không thực sống (sống đủ đầy) với từng khoảnh khắc của đời mình, hẳn thi nhân sẽ không nhìn ra được tính toàn vẹn của tự nhiên trong mọi lúc mọi nơi, như thế.

Do một liên tưởng “không đâu”, đọc bài thơ, tôi bỗng dưng nhớ tới bức tranh dưới đây của Hiroshige Ando, với niềm ngạc nhiên: tại sao chỉ bằng mấy nét khắc đơn giản, rạch ròi, tuân thủ luật viễn cận Tây phương một cách nghiêm chỉnh, danh họa lại có thể gợi ra được bao nhiêu chất thơ hàm chứa trong lòng tạo vật đến vậy?

 

 

 

 

Tranh của Họa sỹ Hiroshige Ando, Nhật bản

 

 

 

Tĩnh lặng, 40

Nước kiệt

Mình đi qua lòng sông

 

Bao giờ nước lên

Chắc sẽ được báo trước.



Về bài thơ Tĩnh lặng 41:

 

Sấu Mã: Một số họa sĩ phương Tây thời cận đại, lúc mới tiếp cận với quốc họa Trung Hoa, đặc biệt là những bức thủy mặc với chất liệu mực Tàu trên giấy xuyến (hoặc lụa), từng dè bỉu rằng người Trung Hoa không biết vẽ. Kỳ thực, họ đã không hiểu cái triết lý của thủy mặc. Chỉ với hai màu đen trắng cùng những sắc độ đậm nhạt khác nhau, các họa gia đã/ vẫn diễn tả được sự phong phú, biến hóa vô tận của sự sống, lại làm nổi bật được nhận thức sâu xa về tính nhất thể của vạn vật. Lại nữa, trong “Lục pháp luận”, Tạ Hách đời Nam Tề đề cao hàng đầu cái được gọi là “khí vận sinh động”. Một bức tranh không thể hiện được sự xoay vần của khí - cái vô hình, có mạch đi ngầm ẩn trong sự cân bằng âm dương, trong quan hệ tương sinh tương khắc của ngũ hành -, thì chỉ là một bức sao chép đờ đẫn hình tướng của sự vật. Đó là những điều tôi nghĩ tới, liên tưởng tới, khi đọc bài thơ này của Mai Văn Phấn. 

 Lá [thường] màu xanh, hoa đủ màu trắng, hồng, tím đỏ… - tất cả, chỉ một “nét chì mảnh” (màu đen), lạ thay, cũng có thể tạo ra được. Sự sống, hay ấn tượng, cảm giác về sự vật, một khi đã đầy ắp trong người, lại được bộc lộ thuận theo quy luật tự nhiên một cách nhịp nhàng (Nét rủ xuống làm lá/ Đưa lên là hoa), sẽ là cái làm nên nền tảng thâm sâu cho một bức họa thoạt nhìn có vẻ giản đơn mà thâu tóm được thần thái của đối tượng. Nắm được nguyên lý của sự sống và biết cách dụng bút nương theo đà lưu chuyển thanh thoát của khí, họa sĩ sẽ tạo ra được một tác phẩm nghệ thuật thực sự sinh động, chứa đựng trong nó những đường nét vận hành cơ bản của tự nhiên, vũ trụ.

 Mượn chuyện phác họa đường nét của một bông hoa trên giấy, nhà thơ đã dẫn dụ người đọc đi vào vùng những cảm nhận, suy tư về cái bản nguyên của thế giới này. Nhưng dù giàu suy tư, ấn tượng để lại của bài thơ vẫn là một cái gì đó nhẹ nhõm và tươi tắn. “Đưa lên là hoa” – một câu kết không thể đẹp hơn!

 

 

 

 “Ỷ lan đồ” - Tranh của Họa sỹ Trịnh Bản Kiều (1693-1765)

 

 

 

Tĩnh lặng, 41

 

Phác lên giấy

Từng nét chì mảnh

Nét rủ xuống làm lá

Đưa lên là hoa.



Về bài thơ Tĩnh lặng 44:

 

Sấu Mã: Bài thơ có đưa đến được cảm giác “Tĩnh lặng”, như nội hàm của nhan đề chùm bài mà nó thuộc về hay không? Tôi ngờ là không. Có một cái gì đó chất chứa và trĩu nặng trong lòng nhà thơ, khiến anh nhìn thấy “Một con mắt đỏ rực”, bỏng cháy, tham lam đang hướng lên trời, khi anh đứng từ đỉnh đồi nhìn xuống, nhìn sâu vào khoảng tối thẳm, âm u phía dưới. Dĩ nhiên, chuyện leo lên đồi nhìn xuống có thể chỉ là một “tình huống thơ”, không nhất thiết phải là sự thật, theo đó, “con mắt đỏ rực” kia cũng có thể không phải là sự thật, mà chỉ là biểu tượng của một điều vừa được phát hiện bằng tâm linh, bằng trực giác. Điều được phát hiện ấy là gì? Tư duy luận lý chưa kịp trả lời thì một liên tưởng khác phóng ra, khiến trái đất bỗng được hình dung như một con mắt “Đỏ rực/ Trôi đi/ Trôi…” trong cái vô tận của vũ trụ. Trái đất đang tự đánh mất mình với tư cách là một hành tinh xanh, vì cái màu - đỏ - rực - thiêu - đốt không kiểm soát được (đang trôi tự do) của dục vọng con người. Vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, Xuân Diệu từng viết trong bài “Lệ”: “Trái đất ba phần tư nước mắt/ Đi như giọt lệ giữa không trung”. Cắt rời khỏi bài, hai câu thơ này có phần yếm thế, phản ánh vừa mặc cảm thân phận, vừa nỗi cảm thương chung cho cả cuộc đời. Ở đây, thơ Mai Văn Phấn mang giọng điệu, âm hưởng khác: một nỗi sợ, một nỗi lo lắng hoang mang đầy chất hiện sinh. Ta có thể nghe thấy từ đó một lời cảnh báo.

 Thì ra, “Tĩnh lặng” không phải là một trạng thái tự nhiên có, hay như một món quà được ban thưởng dễ dàng. Nó có khi là kết quả của những nỗ lực của nhận thức, mong đạt tới sự thấu hiểu bản chất đời sống, bản chất tồn tại. Nó là tặng phẩm của GIÁC NGỘ. Hiểu như vậy, có thể nói, bài thứ 44 này vẫn là một bài “Tĩnh lặng” đúng nghĩa, với tất cả những nghịch lý mà nó chứa đựng.

 

 

 

Tĩnh lặng, 44

 

Từ đỉnh đồi

Thấy trong đất

Một con mắt đỏ rực

Nhìn trời

 

Trái đất

Hình con mắt

 

Đỏ rực

Trôi đi...

Trôi...


M.V.P

 


  


 

Tranh khắc gỗ của HS. Utagawa Hiroshige, Nhật bản

 

 

 

 














BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị