Đọc bài thơ “Giấc mơ đi qua" của Mai Văn Phấn (bình thơ) - Tuệ Mỹ

Tuệ Mỹ

 

 

 

Tác giả Tuệ Mỹ

 

 

 

 

Đọc bài thơ “Giấc mơ đi qua” của Mai Văn Phấn

 

 

 

 

Giấc mơ đi qua

 

Giấc mơ đêm qua cuốn ào ra ngõ

Sóng tung bờm trên ngọn cây

Những dòng chảy cuộn sôi lối phố

Gót đêm còn vương lưới ban ngày.

 

Tấm lưới nghìn năm dằng dặc miệt mài

Ai đã kéo sau mỗi cơn binh lửa

Suốt đời mẹ đan những sợi ban mai âm thầm bên khung cửa

Khi đón cha đêm đã nhạt cuối vườn.

 

Ta kéo lưới lên từ cánh cửa vẹt mòn

Từ tiếng chân người quờ tìm giày dép

Những ngái ngủ, mơ hồ, ngơ ngác

Đang lặng chìm xuống đáy bình minh.

 

Dưới những mái nhà còn ôm nửa bóng đêm

Ta hay đám rêu phong ẩm mốc

Rùng mình... Héo khô... Xanh thêm... Hoảng hốt...

Trái chín thay áo hồng trút lại nửa vành trăng.

 

(Rút từ tập thơ "Cầu nguyện ban mai", Nxb Hải Phòng, 1997)

 

Mai Văn Phấn

 

 

 

 

Lời bình của tác giả Tuệ Mỹ:

          

Nhận xét về thơ Mai Văn Phấn, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên có nói: "Giọng điệu thơ Mai Văn Phấn trầm lắng, vật vã trong câu chữ dồn nén lo âu trước sự tha hóa của nhân sinh hiện thời". Bài thơ "Giấc mơ đi qua" được rút từ tập thơ "Cầu nguyện ban mai" (xuất bản năm 1997) của Mai Văn Phấn  là một trong nhiều bài thơ đã thể hiện rất rõ nhận định trên.

            

Có ai trong đời mà không từng ấp ủ một giấc mơ nào. Mai Văn Phấn cũng thế, ông đã từng ôm ấp một giấc mơ. Không biết là giấc mơ gì mà ngay câu thơ đầu tiên nhà thơ đã viết: "Giấc mơ đêm qua cuốn ào ra ngõ". Điều gì đã khiến cho giấc mơ ấy bị "cuốn ào ra ngõ"? Để hiểu rõ điều này, chúng ta tiếp tục với dòng cảm xúc của nhà thơ:

                                   

Sóng tung bờm trên ngọn cây

 

Câu thơ này gợi cho người đọc nhớ đến một câu thơ trong một bài thơ khác của chính tác giả: "Sóng trên cây thầm thĩ mỗi hiên nhà". "Sóng trên cây" hay "sóng tung bờm trên ngọn cây" có phải là hình ảnh của sự sống trào dâng mãnh liệt. Làn sóng ấy tất yếu tạo thành "những dòng chảy cuộn sôi lối phố" Đúng vậy, mạch sống "cuộn sôi", "tung bờm" dữ dội, mãnh liệt lan tỏa khắp nơi từ thôn quê đến phố phường thành thị. Nhưng sự sống ấy đâu phải ngẫu nhiên mà có. Nó phải do bàn tay con người săn tìm, đánh bắt, lao động miệt mài ngày đêm mới có được. Điều này được nhà thơ khái quát bằng một hình ảnh thơ:  

                                                                                                                                                                 

Gót đêm còn vương lưới ban ngày

 

"Tấm lưới", hình ảnh biểu trưng cho sự săn tìm, đánh bắt xuất hiện ở khổ thơ đầu như một thông tin về nguyên nhân của sự sinh tồn. Muốn sinh tồn, con người phải "đan lưới", 'giăng lưới" rồi "kéo lưới". Nên thật tự nhiên, hình ảnh "tấm lưới" lại tiếp tục xuất hiện ở khổ thơ sau mang sức nặng của  chiều dài lịch sử:

                                 

Tấm lưới nghìn năm dằng dặc miệt mài

Ai đã kéo sau mỗi cơn binh lửa

 

"Tấm lưới nghìn năm", tấm lưới có từ khi dân tộc mình mới khai mở. Có con người là có sự sống. Sự sống ấy được duy trì và phát triển từ sâu trong quá khứ "nghìn năm" cho mãi đến bây giờ "dằng dặc, miệt mài". Tấm lưới này phải dày lắm bởi nó không chỉ được đo bằng độ dài của thời gian "nghìn năm" mà còn bằng sức nặng của mồ hôi và nước mắt, thậm chí bằng xương máu của con người trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước. Câu thơ như dựng lại cả trang sử Viêt Nam "Trang sử này còn nặng máu cha ông" (Chế Lan Viên). Phải, máu đã đổ xuống cho sự sống hồi sinh. Tấm lưới ấy còn được đan bằng máu của con người. "Ai đã kéo sau mỗi cơn binh lửa". Câu thơ làm đau đáu lòng người về cái giá đắt phải trả cho độc lập, tự do của dân tộc. "Ai", còn ai nữa ngoài những con người đầu trần, chân đất, quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời". "Ai", còn ai nữa ngoài mẹ ta:

                           

Suốt đời mẹ đan những sợi ban mai âm thầm bên khung cửa

 

Mẹ! Dáng mẹ mang hình đất nước suốt "nghìn năm" "dằng dặc miệt mài", luôn vươn ngực mình hứng lấy bão giông và "đan những sợi ban mai" cho cuộc đời. "Những sợi ban mai" đó được mẹ đan bằng thân cò lặn lội ở bãi mía, nương dâu, sông sâu, ruộng cạn; bằng nước mắt "ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ" (Phạm Minh Tuấn); bằng những "Khi  đón cha đêm đã nhạt cuối vườn". Câu thơ làm nhớ đến hình ảnh người phụ nữ đợi chồng trong truyện ngắn "Ngậm ngải tìm trầm" của nhà văn Thanh Tịnh "Đêm nào bác cũng ra ngoài sân thẫn thờ nhìn về dãy núi, rồi đến đêm khuya bác mới vào nhà ngồi khóc rấm rức", "Ngày tháng cứ lặng lẽ trôi trong lòng người mong đợi". Cũng như thế, người mẹ trong bài thơ này hằng đêm đợi đón cha (có lẽ từ chiến trận trở về) mòn mỏi đến tận tàn đêm "đêm đã nhạt " mới thôi. Ôi, cái giá phải trả cho "những sợi ban mai" cho sự sống mẹ dệt nên thật quá đắt! Cái giá của sự hy sinh lặng thầm đời mẹ !

                            

Ta kéo lưới lên từ cánh cửa vẹt mòn

Từ tiếng chân người quờ tìm giày dép

Những ngái ngủ, mơ hồ, ngơ ngác

Đang lặng chìm xuống đáy bình minh

 

Đến đoạn thơ này, không phải "ai kéo" mà là "ta kéo". "Ta" là nhà thơ mà cũng là lớp người của hôm nay, của thời đại mới. Người sau phải tiếp nối người đi trước "kéo lưới" lên, tiếp tục xây dựng cơ đồ mà người đi trước đã giành được "sau mỗi cơn binh lửa". Nhưng tấm lưới hôm nay sao mà nặng nề gian khó! Vì Ta kéo nó lên từ đạo đức  bị xói mòn "cánh cửa vẹt mòn", từ thói chây lười, trì trệ "tiếng chân người quờ tìm giày dép", từ tư tưởng mu mơ mù mờ, lúng túng "ngái ngủ, mơ hồ, ngơ ngác". Tất cả những cái đó “Đang lặng chìm xuống đáy bình minh". Sau cơn binh lửa, cả nước chung tay thắp bình minh cho cuộc sống. Nhưng những cái lạc hậu lỗi thời cùng với những tư tưởng tiêu cực, đạo đức, lối sống suy đồi, tha hóa "đang lặng chìm xuống đáy" cuộc sống trì níu không cho ánh bình minh thoát bay lên tỏa rạng. Ta kéo tấm lưới hôm nay mà lòng nặng trĩu ưu tư. Máu và nước mắt của cha ta, mẹ ta và của lớp người đi trước đã đổ xuống trong cơn binh lửa không phải ai của hôm nay cũng khắc nhớ, thậm chí có người còn ngoảnh mặt quay lưng. Chính vì thế mà:

                               

Dưới những mái nhà còn ôm nửa bóng đêm

 

Đất nước đã đi qua chiến tranh, lẽ ra "dưới những mái nhà" kia phải chan hòa ánh bình minh của cuộc sống chứ sao lại "còn ôm nửa bóng đêm". "Bóng đêm" ở đây có phải là cõi Ta bà? Là sự tha hóa, u mê của con người trong cuộc sống thực tại? Có phải là "cánh cửa vẹt mòn", "tiếng chân người quờ tìm giày dép" "những ngái ngủ, mơ hồ, ngơ ngác" tác giả đã nói ở trên? Có lẽ thế nên Ta phải thảng thốt tự hỏi mình:

                              

Ta hay đám rêu phong ẩm mốc

 

"Đám rêu phong ẩm mốc", có phải là cái bỏ đi? Phải chăng Ta cho rằng mình là người vô tích sự, không làm được gì để cứu vãn "nửa bóng đêm" kia? Rồi "Rùng mình... Héo khô... Xanh thêm... Hoảng hốt...". Hàng loạt cảm xúc liên tiếp nối nhau diễn ra trong Ta. Hết "rùng mình" sợ hãi lại "khô héo" niềm tin. Cũng có lúc lóe lên niềm hi vọng "xanh thêm" nhưng rồi trởlại cảm giác "hoảng hốt" hoang mang. Một nỗi bất an, lo âu, sợ hãi xâm chiếm tâm hồn Ta khiến Ta mãi khắc khoải, băn khoăn về hiện thực cuộc sống, về "tấm lưới" mà Ta cố kéo lên từ thực tại này. Nỗi niềm này còn được nhà thơ thể hiện ở các bài thơ khác:

                                   

Những đêm không sao còn đây

Tôi bị kéo căng giữa những tiếng của bà và mẹ

Chuyện áo cơm leo lét dầu đèn...

Thời bom đạn bình minh như bát vỡ

Tôi ôm chiếc bát của bóng đêm ăn dở

Thành lực điền đối diện với hoàng hôn

(Hát giữa hai mùa)

 

Tôi thổi vào lòng ống sáo tối đen địa ngục để tìm ra bảy lối tới thiên đường: đồ, rê, mi, fa, son, la, si. (Viết cho cây sáo).

          

Qua đó, người đọc thấy trong thơ Mai Văn Phấn thường xuất hiện hai hình ảnh song hành: bình minh và bóng đêm. Ông vui mừng đón nhận ánh bình mình mà dân tộc ta đã thắp lên từ sau "những cơn binh lửa" và "bình minh' cũng là khát vọng của nhà thơ về cuộc sống ngày mai. Nhưng bên cạnh đó nhà thơ vẫn luôn khắc khoải, băn khoăn về "bóng đêm" của "sự tha hóa của nhân sinh hiện thời" (Phạm Xuân Nguyên). Có phải đây là nỗi đau thời thế? Và phải chăng chỉ có ai nặng lòng với đời thì mới có nỗi đau này?                      

 

Bài thơ được kết thúc bằng hình ảnh: Trái chín thay áo hồng trút lại nửa vành trăng. "Trái chín" thì phải "khoác" áo hồng chứ sao lại "thay"? Nếu thay "áo hồng" thì trái chín sẽ mặc áo gì ?Có phải mặc áo trăng? Có lẽ vậy "trút lại nửa vành trăng". Không phải là chiếc áo trăng lành lặn đâu mà chỉ có "nửa vành trăng" thôi. Còn một nửa kia mang màu của "nửa bóng đêm". Đến đây thì người đọc đoán được giấc mơ của Ta là gì. Có phải là giấc mơ "Trái chín" khoác hoàn toàn "áo hồng", giấc mơ về cuộc sống hoàn toàn tốt đẹp không có "bóng đêm". Nhưng hỡi ơi, "giấc mơ đêm qua cuốn ào ra ngõ", "giấc mơ" của nhà thơ đã "đi qua"! "Giấc mơ đi qua" làm cho trái tim Ta đau đáu.

            

Thường thì người ta tìm đến giấc mơ để thoát ly hiện thực buồn đau.Còn nhớ nhà thơ Tản Đà vì muốn thoat ly cái u uất tù hãm của xã hội ta những năm 1925-1935 mà nuôi giấc mộng "Muốn làm thằng Cuội" thoát trần lên tiên. Mai Văn Phấn cũng mơ nhưng không phải mơ lên tiên để thoát ly hiện thực mà ngược lại ông bám hiện thực để thực hiện giấc mơ của mình. Ông bộc bạch điều nay ở một bài thơ khác:

                                 

Tôi cùng với mọi người họa theo

Cùng đi lên rừng!

Cùng đi xuống biển!

Bước chân chạm vào vỏ trứng ban mai

 

.......

 

Để bàn chân ta sáng lên ngọn lửa

Thắp lên phần cháy dở đêm qua

(Trường ca Người cùng thời, Chương I - Nhóm lủa)

 

Phải, nhà thơ sẽ cùng mọi người nhóm lửa để thắp bình minh cho cuộc sống. Mỗi người có cách nhóm lửa khác nhau. Riêng Mai Văn Phấn nhóm lửa cho đời bằng vần thơ của mình. Lửa từ trang thơ của ông sẽ nhóm lên trong tim người đọc, để rồi:                                                  

                                      

Nhân gian người vịn tay người

Nối vào ngọn bấc lửa đời thắp lên

(Trường ca Người cùng thời, Chương V - Đằm thắm mặt người)

           

Vì thế "Giấc mơ đêm qua" không gieo vào lòng người đọc cảm giác tuyệt vọng. Người đọc cảm nhận từ bài thơ một chút buồn, một chút nuối tiếc nhưng trên hết là nỗi niềm khắc khoải lo âu của nhà thơ về thực tại xã hội ta ở cuối những năm chín mươi của thế kỷ XX. Phải là người có tâm huyết với cuộc đời, cùng hòa nhịp đập tim mình với nhịp thời đại thì mới có nỗi niềm như thế. Thật đáng trân trọng!

 

22/11/2015

T.M

 

 

 

 

 

Tác giả Tuệ Mỹ

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị