Đọc bài thơ “Về làng" của Mai Văn Phấn (bình thơ) - Tuệ Mỹ

Tuệ Mỹ

 

 

 

Tác giả Tuệ Mỹ

 

 

 

 

Đọc bài thơ “Về làng” của Mai Văn Phấn

 

 

 

 

Về làng

 

Tiếng dệt chiếu

Trăng trên sông

Nhạt dần 

 

(Rút từ tập thơ "hoa giấu mặt", Nxb Hội nhà văn, 2012)

Mai Văn Phấn

              

 

 

 

Lời bình của tác giả Tuệ Mỹ:

 

Có ai xa quê mà không mong muốn “về làng”, về với cội nguồn sinh dưỡng của mình. Có người nào sống kiếp tha hương mà không nhớ nhung về quê cũ. Chàng trai trong ca dao “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”. Còn người tha hương trong bài thơ này nhớ về làng quê mình là nhớ “Tiếng dệt chiếu”, tức nhớ làng nghề truyền thống đáng tự hào của quê mình. Không khí lao động cần mẫn của bà con làng nghề dệt chiếu luôn được diễn ra trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng có ánh trăng trong soi chiếu. Giống như cảnh trong bức tranh này “Ánh trăng trải chiếu hai hàng/ Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ” (Ca dao). Thường thì trong nỗi nhớ của người xa quê, cố hương càng trở nên đẹp đẽ lạ thường. Vậy nên trước lúc “về làng”, chắc hẳn hình bóng quê hương hiện lên đầm ấm và tuyệt đẹp trong lòng người con xa xứ. Và tâm trạng của người về làng lúc này chắc là vui lắm. Thực tế khi đã đặt chân lên mảnh đất cố hương thì:

 

Tiếng dệt chiếu

Trăng trên sông

Nhạt dần 

 

Bài thơ này gợi cho tôi hai luồng tư duy và cảm xúc, thật lạ! Luồng tư duy thứ nhất, tôi suy xét thuần lý trên thủ pháp nghệ thuật. Tác giả “Về làng” vào một buổi đêm. Trong màn không tĩnh mịch của làng quê chỉ vọng ra tiếng dệt chiếu đơn lẻ và cần mẫn. Khi nghe tiếng của khung dệt trong khung cảnh làng, Mai Văn Phấn nhìn thấy trăng trên sông. Ừ, mà lạ, sao nhà thơ không nhìn thấy hình ảnh khác mà lại trăng nhỉ? Trăng ở đây trải ra trên mặt nước sông quê, hình như không có sóng, hình như lặng lẽ… Ở đây ta thấy hai hình ảnh “Tiếng dệt chiếu” và “Trăng trên sông” đều ở xa nhau, như chẳng có mối liên hệ nào nếu chúng đứng độc lập. Nhưng tác giả lại sắp đặt chúng trong một bài thơ, nên đã tạo ra hàm nghĩa mới, rất đẹp và lạ. Tiếng dệt chiếu là âm vọng từ chiếc khung dệt, từ tay người dệt, một hình thức lao động thủ công. Còn ánh trăng là sản phẩm tự nhiên của tạo hóa, là bước chân của thời gian. Sự đồng hóa hai hình ảnh này cho ta thấy, trăng đang vang lên tiếng của khung dệt, và tiếng dệt chiếu cũng đang dệt nên hình bóng của trăng. Ý độc đáo và cũng là điểm nhấn trong bài thơ nằm ở câu thơ thứ 3, “Nhạt dần”. Vậy là lúc này, chiếc chiếu dần hình thành nên khoảng trăng, và trăng đang đi gần đến đoạn cuối hành trình của mình.

 

Tôi xin tiếp tục với luồng tư duy thứ hai và cũng nghiêng về cách cảm nhận này. Vẫn còn nghe “tiếng dệt chiếu”, vẫn còn thấy “trăng” nhưng giờ đã “nhạt dần”. Buồn thật! Bởi “dệt chiếu” là nghề cổ truyền làm nên nét văn hóa truyền thống của dân tộc. “Tiếng dệt chiếu” “nhạt dần” có phải đó là dấu hiệu dần mai một của làng nghề truyền thống. Còn “trăng” bao đời vẫn là trăng, vẫn là hình ảnh thiên nhiên trong sáng vĩnh hằng. Trăng “nhạt dần”, phải chăng đây là vầng trăng tâm trạng. Không còn nhìn thấy vầng trăng sáng tỏ trải chiếu trên sân nhà hòa với “tiếng dệt chiếu”, hòa với không khí lao động cần mẫn nhưng đầy chất thơ của con người như trước đây, người hồi hương đành tìm đến “Trăng trên sông”. Lòng vốn không vui trước thực tế đáng buồn về làng nghề dần bị lãng quên nên “trăng trên sông” cũng không còn đậm đà chất thơ nữa mà nó đã “nhạt dần” đồng cảm với nỗi buồn của con người trước sự phôi pha của những giá trị văn hóa truyền thống. Viết về một nét văn hóa ở làng quê sắp đi vào quên lãng, nhà thơ cũng không quên đưa vào yếu tố thiên nhiên (trăng). Có phải thiên nhiên cũng là một phần đời của con người ở làng quê. Cũng như văn hóa truyền thống là phần hồn của con người vậy.

           

Bức tranh “Về làng” được tác giả vẽ nên bằng những hình ảnh (con người, vầng trăng, dòng sông), bằng âm thanh (tiếng dệt chiếu) và bằng sắc màu (nhợt nhạt màu trăng). Quả là một bức tranh ảm đạm, đìu hiu! Trung tâm của bức tranh vẫn là hình ảnh con người “về làng”. Lúc này chắc anh đang ở tâm thế háo hức lắng nghe âm thanh “tiếng dệt chiếu” rộn rã như ngày xưa đã từng nghe. Nhưng rồi anh rơi vào hụt hẫng ngay vì âm thanh ấy giờ đã thưa thớt “nhạt dần”. Lòng anh lúc này se buồn và dâng lên một niềm nuối tiếc thời “vàng son” của quá vãng. Phải, không buồn, không nuối tiếc sao được khi những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc dần bị mai một. Vui mừng đón nhận cái mới của đời sống công nghiệp hiện đại nhưng có người Việt nào mà không mong muốn lưu giữ tâm hồn Việt, giữ gìn bản sắc dân tộc mình? Đó có phải là nỗi niềm mà nhà thơ Mai Văn Phấn muốn gửi gắm qua bài thơ nhỏ này?

         

Bài thơ “Về làng” gợi nhớ đến truyện ngắn “Cố hương” của nhà văn Lỗ Tấn (Trung Quốc). Sau hai mươi năm xa quê, nhân vật “Tôi” trong truyện ngắn về thăm cố hương, lòng không khỏi buồn đau trước hiện thực cố hương bị “xuống cấp” thê lương về cảnh vật và con người. “Tôi” lại tiếp tục rời quê để tìm “con đường” đổi mới cố hương. Ở bài thơ này, nhà thơ Mai Văn Phấn không hé lộ việc “tìm đường” nhưng thấp thoáng sau bức tranh “Về làng”, người đọc vẫn cảm nhận được việc “ tìm đường” hồi sinh những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Việc tìm đường đâu phải chỉ dành riêng cho tác giả mà là cho bất kỳ ai có tâm huyết với việc gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc mình.    

 

Bình Định 24/4/2016

T.M

 

 

 

 

 


Tranh của Họa sỹ Đào Hải Phong






 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 







BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị