Chiếc nỏ thần Haiku (bình thơ) - Nguyễn Thánh Ngã

Chiếc nỏ thần Haiku*

 

 

 

 

Nguyễn Thánh Ngã

 

 

 

Nguyễn Thánh Ngã

 

 

 

Chim sẻ

 

Mùa xuân

Tắm

Cả nơi không có nước

(Rút từ tập thơ "thả", NXB Hội Nhà văn, 2015 của Mai Văn Phấn)

 

Các bậc Nho gia Trung Hoa xem chim sẻ là loài tiểu nhân. Khi Mạc Đĩnh Chi đi sứ, xé toang bức tranh thêu chim sẻ trên cành trúc, vì tưởng nhầm là chim sẻ thật. Ông liền biện hộ: "Chim sẻ là loài tiểu nhân, không thể đậu trên cành trúc tượng trưng cho người quân tử được!" Trước lời ứng đối khôn ngoan, minh triết, họ không thể bắt lỗi.

 

Chim sẻ là loài ăn thóc lúa, cào cào châu chấu, có thể ở một không gian nào đó, nó vô tình "phá hoại" những cọng lúa vàng trên đồng. Nhưng người Việt hồn nhiên không cho chim sẻ là "tiểu nhân" như người Tàu. Vì vậy, chim sẻ vô tư làm tổ trên mái tranh, mái ngói. Tiếng kêu của nó thân thương, trìu mến. Có thể nói, chim sẻ, cọng rơm vàng, là hình ảnh mộc mạc của thôn quê Việt Nam.

 

Chim sẻ mà nhà thơ Mai Văn Phấn nói đến chính là trong ngữ cảnh ấy.

 

Mùa xuân miền Bắc, mưa phùn gió bấc. Rét buốt căm căm.

 

Chim sẻ là ám chỉ tầng lớp nông dân nghèo khổ, tay cày, tay cuốc trong giá rét để kiếm miếng cơm. Chiếc áo nâu dân dã mà chim sẻ đang mặc, là chiếc áo bùn đen, chiếc áo màu cháo lòng của người dân thường, tầng lớp thấp trong xã hội...

  

Tắm ư? Ở dòng thứ hai này chỉ có duy nhất một từ "tắm".

Vỏn vẹn. Đơn độc. Đau đáu. Xoáy vào tâm tư người đọc.

  

Tắm tức là rủ bỏ, gội sạch đi thứ bùn phèn tanh tưởi bám vào da thịt dân cày. Đây chính là thâm ý cao vời của nhà thơ Haiku, để hạ bút câu kết rất đanh: "tắm /không cần nước"...

  

Tại sao "tắm/ không cần nước"!? Bởi họ đã tắm bằng chính mồ hôi, nước mắt của mình để làm nên hạt ngọc dẻo thơm mà nuôi sống xã hội.

   

Nhờ bất chợt ngắm chim sẻ tắm bằng cách rỉa lông, rỉa cánh, nhà thơ của chúng ta mới nói tắm không cần nước, tức là "tắm khô". Kiểu "tắm khô" mà ta gán vào thơ cũng là cách gởi gắm thông điệp: "hãy như chim sẻ kia không hề rủ bỏ thân phận mình làm nông gia nước Việt".

     

Đây là lời nhắn nhủ sâu sắc nhất trước thế kỷ 21, người nông dân Việt Nam và nông dân nhiều nước trên thế giới đang dần rời xa đồng ruộng. Thật ra, người Việt ai không bước ra từ gốc rạ? Ai không lớn lên từ làng? Vậy mà người ta thi nhau bán ruộng, bỏ trồng lúa để chạy theo đồng tiền trước mắt! Nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã viết rất hay bài hát "À í a" có câu:"đất bán hết hết rồi, đàn trâu về đâu", là nói quy hoạch đô thị như con trăn khổng lồ nuốt chửng làng quê Bắc bộ. Thơ Haiku cũng vậy, hãy tắm không cần nước để giữ chất bùn đen thấm vào da thịt nông phu.

  

Thơ hay chính là nỗi đau đời.

 

Thơ Haiku là cánh cửa hẹp, đã rộng mở một chân trời. Các Haijin Việt thỏa sức tung bút. Nhà thơ Mai Văn Phấn dùng tài năng hiếm có này để lạ hóa câu thơ một cách hữu hiệu. Người ấy là mặc khách của làng thơ...

 

Đắm chìm trong chất men thơ Haiku, tôi yêu quá cách lạ hóa đầy hình tượng này.

  

Kín đáo và thâm trầm lạ.

 

Nếu là ngày xưa, các cụ đã xông trầm trước khi đọc thơ. Tôi bắt chước xông tứ thơ vào hồn mình, thơm ray rứt.

  

Sau hết là "tắm" để chào đón một mùa xuân mới, hay một thời đại mới mà không cần rủ bỏ, không cần gội sạch chất ruộng đồng... Đây mới là mấu chốt của vấn đề, nếu không để ý người đọc rất dễ bỏ qua, và cho rằng bài thơ không có gì như nước đổ lá khoai...

  

Theo tôi, bài thơ nhỏ nhắn, viết như không. Nhưng để cài được ý thơ vào chốt của chiếc nỏ thần haiku, nhà thơ không hề dụng công mà như dụng công từ muôn kiếp. Để bây giờ bật nỏ, thì muôn ngàn ý thơ siêu việt bay ra...

  

Đà Lạt tháng 4/2017

N.T.N

 

 

 

 

___________

(*) Nhà thơ Mai Văn Phấn chỉ gọi là thơ ba câu, nhưng tôi đoan chắc không thể tránh né được bầu khí quyển haiku Nhật. Và hiển nhiên, nó là thơ Haiku Việt.

 

 

 

 

Ghi chú của maivanphan.com:

 

“Thơ 3 câu là một trong những vỉa tầng độc đáo của thơ Mai Văn Phấn. Nó có hình thức gần với thơ Haiku Nhật bản. Thơ Haiku truyền thống thường không mô tả cảm xúc và bắt buộc phải có kigo (季語, quí ngữ) nghĩa là một bài thơ Haiku phải có từ miêu tả một mùa nào đó trong năm. Thơ Haiku thường chỉ "gợi" chứ không "tả", và kết thúc thường không rõ ràng… Thơ 3 câu của Nhà thơ Mai Văn Phấn không tuân theo thủ pháp đó. Mỗi bài thơ 3 câu của ông, trước hết là một bài thơ hoàn chỉnh, ví như một “sinh linh” (chữ của ông dùng khi nói về thơ) và mang số phận riêng. Bạn đọc sẽ nhìn thấy từ sự “khởi duyên” của một bài thơ, rồi theo suốt hành trình của nó đến khi kết thúc. Ba câu thơ trong một bài thơ của ông tựa như 3 ngọn đèn, 3 tiếng động, 3 mảng màu… đủ “dữ liệu” cho bạn đọc liên tưởng, nhận biết không gian trước mặt. Thơ 3 câu của Nhà thơ Mai Văn Phấn là thơ tối giản, đa nghĩa, gần với nghệ thuật sắp đặt hiện đại.”

 

(Trích từ bài viết "Duyên kì ngộ của vị ẩn sĩ và bông hoa giấu mặt" của Dịch giả Phạm Văn Bình - Lời giới thiệu cuốn sách “Giải mã hoa giấu mặt / Decoding the Hidden Face Flower”, Chú giải & Tiểu luận của Nhà thơ - TS. Ramesh Chandra Mukhopadhyaya, Ấn Độ. Sách song ngữ Việt - Anh. Nxb. Hội Nhà văn, 2015).

 

 

 

 

 



 





 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị