Joseph Brodsky nhà dự cảm thấu thị - Mai Văn Phấn giới thiệu

Joseph Brodsky nhà dự cảm thấu thị

 

 


Nhà thơ Joseph Brodsky

 

 

Mai Văn Phấn giới thiệu

 

Joseph Brodsky làm thơ từ năm 16 tuổi, vào tuổi 17 công bố tập thơ đầu tay Vĩnh biệt, hãy quên, đừng trách cứ gì nhau…, bắt đầu gây sóng gió trên thi đàn nước Nga và cho chính số phn ông từ đó. Ngay thời điểm ấy, nhà thơ Anna Akhmatova đã tiên đoán: J. Brodsky sẽ có một số phận vinh quang và một cuộc sống nặng nề. Thơ J. Brodsky có nhiều vỉa tầng và đa cung bậc, nhưng tôi chọn Con ngựa đen (bản dịch của nhà thơ, dịch giả Hoàng Ngọc Biên), một trong nhiều bài thơ tiêu biểu của ông mang dự cảm thấu thị để giới thiệu với bạn đọc. Con ngựa đen (Hồng Thanh Quang dịch là Ngựa ô) là cách nhìn của J. Brodsky về thời tương lai gần của nhân loại. Bài thơ viết năm 1961, nhưng bóng dáng thế kỷ XXI đã hiện lên trong linh cảm, hình dung của nhà thơ, nó “đứng thẳng trên móng guốc đen như nỗi sợ”, một hình ảnh vừa kiêu hãnh vừa đáng sợ... Phải chăng, nhà thơ đã nhìn thấy những điều kỳ diệu và cả những hiểm họa của thế kỷ tới như chính Con ngựa đen đang đứng cạnh “bếp lửa chúng ta”. Đó là thế kỷ mới với những tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật và công nghệ, hình thành những nền văn minh “nút bấm”, văn minh tâm học, nhưng đồng thời, ông như dự cảm được bức tranh ảm đạm của nước Nga cũng như của toàn nhân loại đang đến rất gần, như chiến tranh sắc tộc, chiến tranh giữa các tôn giáo, các nền văn hoá…, dịch hạch, bệnh tật, thảm hoạ thiên nhiên đe dọa con người v.v... Trong bài thơ, bạn đọc như nghe rõ từng nhịp đập, từng hơi thở nén sâu của J. Brodsky trên ranh giới giữa Thiện và Ác, ánh sáng và bóng tối, âu lo và hy vọng... Tuy vậy câu kết bài thơ vẫn mở ra trước mắt chúng ta một con đường, dù mịt mờ tăm tối, nhưng ánh sáng của niềm tin và khát vọng một tương lai tốt đẹp đã loé lên trong tâm thức mỗi con người kiên định và hành động. Nó kêu gọi khẩn thiết, thôi thúc ý chí vươn dậy của thế hệ dũng cảm kế tiếp, dám đứng lên làm chủ thời đại hung hãn, và "điên rồ" đang đến: "Nó chờ đợi trong chúng ta một kỵ sĩ đứng dậy". Lời tiên tri của J. Brodskyđến nay đã thành sự thật. Con tuấn mã Nga đã bật dậy và băng qua đêm tối. Trải qua bao biến cố thăng trầm, sức mạnh dân tộc Nga từ nền văn hoá Nga vĩ đại và độc đáo đã được hồi sinh. Như lịch sử dân tộc Nga, nhà thơ J. Brodsky đã mang một số phận đặc biệt khắc nghiệt nhưng đầy vinh quang. Ông sinh năm 1940, tại Leningrad (Nga), trong một gia đình trí thức bậc trung gốc Do Thái. Năm 20 tuổi, ông được các nhà thơ lớn công nhận tài năng và được các nhóm văn chương ở Maxcơva, Leningrad biết đến với tư cách là nhà thơ và dịch giả. Năm 1963, do một bài viết đăng trên báo Leningrad buổi chiều, J. Brodsky bị kết tội “ăn bám xã hội” và bị buộc cải tạo 5 năm tại vùng Arkhangelsk (miền Bắc nước Nga). Hai năm sau đó, ông được trở về Leningrad. Năm 1972, ông lại bị trục xuất khỏi Nga, phải sang Vienna, London và cuối cùng là Hoa Kỳ. Ở đây ông viết văn, làm thơ bằng hai thứ tiếng Nga và Anh, đồng thời làm giáo sư thỉnh giảng cho một số trường đại học và cao đẳng. Năm 1977, ông nhập quốc tịch Hoa kỳ và làm giáo sư văn học cho trường Cao đẳng Five College ở Mount Holyoke, bang Massachusetts. J. Brodsky nhận giải Nobel của Viện Hàn lâm Thụy Điển, năm 1987. Ông để lại 13 tập thơ và một số tập tiểu luận và phê bình văn học. J. Brodsky mất ở Mỹ lúc mới 56 tuổi và di chúc được chôn cất ở Venice. Trong lời tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển đã viết: J. Brodsky, một tài năng thơ ca kiệt xuất kết hợp với vẻ đẹp trí tuệ lẫn sự điêu luyện của ngôn từ…/ Người có khả năng sử dụng cả hai ngôn ngữ cũng giống như ngồi trên đỉnh một ngọn đồi hữu thể, nhìn rõ được cả hai bên triền dốc, hai khuynh hướng khác nhau của nhân loại…. Khi còn sinh thời, ở thời điểm bút lực sung mãn nhất, cũng chính là lúc J. Brodsky bị đẩy xuống đáy của hố thẳm lịch sử, thế nhưng, bạn đọc khó có thể tìm thấy một thái độ hằn học hay ý nguyện báo thù trong tác phẩm của ông. Đó là tầm vóc thi sỹ và vẻ đẹp rạng ngời tâm hồn Nga của J. Brodsky. Bạn đọc sẽ nhớ mãi câu nói nổi tiếng của ông: Nếu như nghệ thuật có dạy được một điều gì đó (và trước hết là cho người nghệ sĩ), thì đấy là tính cá nhân của sự tồn tại của con người.

 

 

Joseph Brodsky

 

Hoàng Ngọc Biên dịch

 

 

Con ngựa đen

 

Bầu trời đen sáng hơn cả những chân kia

và không thể chìm trong bóng đêm.

Cạnh bếp lửa chúng ta, tối hôm nọ

Ta đã nhìn thấy con ngựa đen.

 

Tôi không nhớ có cái gì đen hơn.

Đứng trên chân đen như những trụ

than, con ngựa đen như đêm tối,

như hư vô, đen từ bờm đến đuôi,

và lưng nó ánh lên một màu đen khác

cái lưng không hề biết đến yên cương.

Nó chờ bất động và có vẻ đang ngủ

đứng thẳng trên móng guốc đen như nỗi sợ.

 

Nó đen đến nỗi đã xua tan bóng tối,

đen như thế gian u tối nhất,

đen như sương mù nửa đêm,

đen như cái lỗ của cây kim,

đen như những rừng cây cao mất hút,

giống như khoảng không giữa sườn và ngực,

giống như cái lỗ có hạt giống nằm yên trong đất,

giống như bóng đêm đang xuống trong lòng ta.

 

Tuy thế dưới mắt ta nó còn đen lên nữa.

Đồng hồ chúng ta chỉ đúng nửa đêm.

Nó không đi về phía chúng ta,

bóng tối kỳ diệu đã nhận chìm hai cạnh sườn của nó

và cái lưng nó biến mất trong đêm.

Mọi vệt sáng đều tan biến,

mắt nó ngả trắng như một cái búng tay,

con ngươi chiếu sáng còn ghê sợ hơn nữa.

 

Nó giống như âm bản của một người lạ.

Thế thì tại sao, chạy đến chỗ này,

nó dừng lại bên chúng ta đến tận bình minh?

Tại sao nó không bỏ bếp lửa ra đi?

Tại sao nó hít thở không khí đen

trong tiếng xào xạc của cành lá bị giẫm?

Tại sao trong mắt nó chập chờn ánh sáng tối mù?

 

Nó chờ đợi trong chúng ta một kỵ sĩ đứng dậy.

 __________
(Rút từ tập thơ "Tĩnh vật" và những bài thơ khác, thơ Joseph Brodsky do Hoàng Ngọc Biên tuyển dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa - Huế, 1991)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị