TRẢ LÍU LO VỀ LẠI TRONG XANH
(Phân tích bài thơ “Con chào mào” của Mai Văn Phấn)
Thầy giáo Nguyễn Phước Bảo Khôi
Nguyễn Phước Bảo Khôi(1)
CON CHÀO MÀO
Con chào mào đốm trắng mũ đỏ
Hót trên cây cao chót vót
triu…
uýt… huýt… tu hìu…
Tôi vội
vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ
Sợ chim
bay đi
Vừa vẽ
xong nó cất cánh
Tôi ôm khung nắng, khung gió
Nhành cây xanh hối hả đuổi theo
Trong vô tăm tích tôi nghĩ
Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu
Trái cây chín đỏ
Từng giọt nước
Thanh sạch của tôi
triu… uýt… huýt… tu hìu…
Chẳng cần chim lại bay về
Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.
M.V.P
(Rút từ tập thơ “Bầu trời không mái che” của Mai Văn
Phấn, Nxb Hội Nhà văn, 2010)
Lời bình của Nguyễn Phước Bảo Khôi
Trong tập phê bình – tiểu luận Không gian khác, Mai
Văn Phấn khiến ta hơi ngần ngại khi cho rằng: “Thơ tôi là ngôi nhà
của riêng tôi, ai muốn vào xin hãy gõ cửa và tuân theo những nghi thức nhất
định”. Thôi thì đến với ngôi nhà thơ này, ta hãy dùng chính
nhịp đậm tim mình thay tiếng gõ cửa, cũng hãy tạm quên những kiến văn sâu sắc với
một bài thơ được chọn dạy ở lớp 6; hơn thế, ngôn từ thơ hiện đại có đâu “nghi
thức” khe khắt bao giờ. Khi cánh cửa mở, quả bất ngờ, cả thiên nhiên mời gọi ta
đến với cõi riêng thơ Mai Văn Phấn, nơi một góc nhỏ, con chào mào “đốm
trắng mũ đỏ” đang hót trên cây.
Gốc của thơ là biểu cảm, nên gắn với tự sự là một bước
đi thử thách – làm sao cho câu chuyện ấy dù là một mẩu hay một lát cắt của cuộc
sống vẫn phải có hàm lượng trữ tình mênh mông. Mẩu chuyện mà Mai Văn Phấn kể đậu lại trên một cây cao, nơi ta và tác giả
lần đầu nghe thấy tiếng chim chào mào. Tiếng hót “triu... uýt...
huýt... tu hìu...” khép lại phần đầu như để haiku hóa đoạn thơ – đó là thanh
âm làm đẹp hơn cho chim chào mào vốn
đã xinh xắn (đốm trắng mũ đỏ), làm
rộng thêm cho bầu trời vốn đã “chót vót”
với cây cao, làm phá vỡ sự tĩnh lặng của không gian thơ vừa mới mở. Nhưng ta
đừng vội đánh đồng thanh âm này với tiếng
nước xao khi hôm nao con ếch nhảy vào
làm rung động một miền cảm xúc(2). Sau tiếng vang vang ấy là cả một
vũ trụ mở ra vô tận với những vòng sóng nước lan tỏa không cùng. Còn tiếng chào
mào vang lên, khá lạ lẫm, như là từ ngữ phải cố đuổi theo để nắm bắt cho trúng
thanh âm bất chợt ấy, để rồi sau khoảnh khắc ngôn từ cộng hưởng cùng âm thanh
cuộc sống, vũ trụ chợt thu bé lại trong nhu cầu chiếm hữu riêng tư.
Sau bao thanh thoát rộng mở, chiếc lồng mà ý nghĩ vội
vẽ ra đã thu khép lại tất cả. Khoảng không bao la thu vào diện tích bé nhỏ của
lòng ham muốn, cảm xúc cũng không còn miên man mà giới hạn trong chữ “sợ” – dẫu “sợ” chỉ là vỏ ngữ âm khó thể bọc kĩ cái tiếc, giấu đi cái muốn.
Không hiển hiện thành một chiếc lồng nan, nhưng ý nghĩ ấy còn đáng sợ hơn cảm
giác khi thấy chiếc lồng thật. Chỉ là “vẽ
trong ý nghĩ”, nhưng chiếc lồng ý tưởng ấy đã cho cả mênh mông vào trong
hẹp hòi, đã nhốt thanh âm vào trong im tiếng, đã khiến chào mào đốm trắng mũ đỏ
giã từ tự nhiên, đã khiến khoảnh khắc thi
nhân của kẻ đang ngắm bầu trời nghe tiếng chim bớt dần thi để rất là nhân.
Bất ngờ sao, “vừa
vẽ xong nó cất cánh”. Hối hả sao, chủ
thể trữ tình “ôm khung nắng, khung gió” và
cả “nhành cây xanh” đuổi theo. Biện pháp tu từ liệt kê cũng đã góp
phần tăng thêm sự vô vọng việc gắng đua theo cái “cất cánh” đúng lúc của chim. Nếu để ý kĩ, ta chợt nhận ra nắng, gió
cũng có “khung” và dù vẫn xanh nhưng
cây đã mất đi cao mà chỉ còn “nhành”. Chiếc lồng trên kia đã là một giới hạn,
nay “khung – nhành” lại càng thu khép
hơn những điều ngỡ không thể nắm bắt. Khung
buộc nắng, níu gió, nhành thêm xanh cho một bức tranh thiên nhiên với trung tâm
là con chim chào mào đang cất cao tiếng hót. Không gì khác, chính khao khát
chiếm hữu là chiếc đinh đóng cố định bao nhiêu tự do, bao nhiêu âm vang, bao
nhiêu miên man cảm xúc. May thay, cũng lại là ý nghĩ lóe lên, chào mào không
phải là của riêng, chào mào là của qui luật thiên nhiên muôn thuở, của chức
năng làm đẹp cuộc đời. Trái cây mọng đỏ, nước ngọt mát lành – chào mào mang đến
cho ta đâu chỉ có tiếng hót kia. Biết đâu, “trái
cây chín đỏ”, “giọt nước thanh sạch” cũng chẳng phải chỉ là thiên nhiên
tươi tắn, đó là ẩn dụ cho tâm hồn đang đậu mùa quả ngọt, là
hành trình ta tìm lại ta với “thanh sạch”, hồn nhiên.
Lúc nãy, khi “tôi”
muốn giữ lại tiếng chim cho mình, lạ thay, ngay trong khoảnh khắc ấy, chim cũng
ngừng tiếng hót, thậm chí bay đi. Giờ đây, khi ý nghĩ trong tôi chuyển dòng, “triu... uýt... huýt... tu hìu...” lại
vang lên, vui đậu giữa trang thơ. Chim đã bay xa mà tiếng còn vọng lại, hình
bóng đã nhòe mờ mà thanh âm vẫn vang vang. Tự bao giờ, sự “chẳng cần” trong “tôi”
lại mang đến cho “tôi” và cho đời bao
vọng âm hồn hậu. Trong bài phỏng vấn mà Kiều Bích Hậu thực hiện, Mai Văn Phấn
từng nói: “Đến giai đoạn viết được dễ dàng, (...), tôi cảm thấy như
mình đang nhìn đời sống bằng đôi mắt của một bé thơ, biết run rẩy và ngỡ ngàng
trước mọi hiện hữu trong đời sống.” Riêng tôi, với bài thơ này, tôi
tin ông không chỉ “nhìn đời sống bằng đôi mắt của một
bé thơ” mà đã thực sự trải nghiệm từng giây phút
trong bầu khí quyền trẻ thơ, nơi tiếng chim hồn nhiên cất lên, nơi đầy gió mát
nắng vàng, nơi xanh xanh chót vót bao cây, nơi chín đỏ bao hoa trái, nơi thanh
sạch ngọt ngào bao mạch nước.
Cũng lấy thiên
nhiên để khơi nguồn sáng tạo, Mai Văn Phấn bỗng khiến ta nhớ lại Basho:
“Tên trộm đi rồi
Bên cửa sổ
Một vầng trăng
soi”
Basho có mất gì không hay đã được rất nhiều? Sau phút
hoảng sợ có thể phải chăng là khoảng lặng không cùng của thức nhận về chân giá
trị? Trở lại với cõi thơ Mai Văn
Phấn, mất mà lại được, muốn bắt rồi phải buông, từ hạn hữu đến vô cùng, bỏ
riêng tư hòa vào tất cả. Để rồi đến cuối bài, tiếng chim chào mào cùng tiếng
lòng người thăng hoa, điệp khúc “triu... uýt... huýt... tu hìu...” như chắp thêm cảm xúc cho bản tụng ca cõi sống “cất
cánh”!
PGS. Nguyễn Đăng Điệp từng đánh giá: “(...) Trong hành
trình sáng tạo nghệ thuật của mình, Mai Văn Phấn đã nỗ lực khám phá ngôn ngữ
như một phương cách thiết yếu để thấu nhập vào thế giới tự nhiên và từ đó, tạo
dựng khí quyển thơ riêng của mình, một bầu khí quyển kết nối cá thể người và
thế giới, linh hồn người và linh hồn tạo vật trong sự bình đẳng và quấn bện của
tình yêu thuần giản.” (3) Chắc
không nhiều người sẽ phản đối nếu tôi muốn riêng dành nhận xét này cho Con chào mào, có phải?
N.P.B.K
Chú thích:
(1) Nguyễn
Phước Bảo Khôi – Giảng viên Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
(2): Ý trong bài
thơ haiku Ao cũ của Basho:
Ao cũ
Con ếch nhảy vào
Vang tiếng nước xao
(Nhật Chiêu
dịch)
(3): Thơ Việt Nam sau 1975 – Từ cái nhìn toàn
cảnh, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 11, 2006.
(Nguồn: Tạp chí Văn học và
Tuổi trẻ, số tháng 5 năm 2021)
