Lời nói đầu tập thơ "Nhịp mùa thu" - Erik Bergqvist và Maja Thrane. Mimmi Diệu Hường Bergström dịch từ tiếng Thụy Điển

LỜI NÓI ĐẦU

(Tập thơ "Nhịp mùa thu" của Mai Văn Phấn, Nxb Tranan - Thụy Điển, 2017)

 

 

 

 

 

 

 

 

Erik Bergqvist Maja Thrane

Mimmi Diệu Hường Bergström dịch từ tiếng Thụy Điển

 

 

Mai Văn Phấn sinh năm 1955, tại một ngôi làng tỉnh Ninh Bình thuộc châu thổ sông Hồng. Ông lớn lên ở nông thôn trong chiến tranh như những người cùng thế hệ, thời ”trẻ em già trước tuổi”. Năm 1974, khi tròn mười chín tuổi, ông được kêu gọi nhập ngũ, phục vụ trong quân đội suốt tám năm. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông bắt đầu học tiếng Nga, một ngôn ngữ thứ hai quan trọng nhất ở Việt Nam thời đó. Những năm đầu ông học trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, sau đó ở Minsk, thủ đô nước cộng hòa Belorussia. Vào cuối thập kỷ tám mươi, Mai Văn Phấn chuyển về sinh sống tại thành phố Hải Phòng, nơi đây ông làm phiên dịch tiếng Nga tới khi nghỉ hưu.

 

Mai Văn Phấn là nhà thơ uy tín, được nhiều bạn đọc yêu thích. Tác phẩm của ông rất phong phú, hơn hai mươi tuyển tập tính từ tập thơ đầu tiên xuất bản năm 1992. Thời thơ ấu ông được ảnh hưởng nhiều từ ca dao, dân ca đồng bằng Bắc Bộ, tiếp đến thơ của đại thi hào Hồ Xuân Hương. Sau này tiếp cận với thơ phương Tây, ông yêu thích Joseph Brosky, Tomas Tranströmer, Ted Hughes và một số nhà thơ khác. Ở Việt Nam sau thời kỳ thời Đổi mới, văn học cũng như việc xuất bản đã khởi sắc, tạo sinh khí, sức sống mới cho đời sống tinh thần.

 

Thơ Mai Văn Phấn đa dạng phong cách với nhiều thử nghiệm phong phú. Ông viết nhanh, chớp bắt được những biến đổi của sắc màu đời sống bằng cảm xúc đột khởi mạnh mẽ. Thơ ông thường mang tính truyện, giọng điệu tự sự, khám phá những điều tưởng chừng bông lơn, ngớ ngẩn mang tính trào lộng, châm biếm, đôi khi biểu đạt sự huyền bí và thơ mộng. Thơ ông gần đây ảnh hưởng rõ nét từ Đạo Phật. Ông được sinh ra trong một gia đình Thiên Chúa Giáo, sau đó ông tìm hiểu và mê Đạo Phật khi gặp được người yêu và trở thành người bạn đời của ông bây giờ.

 

Thơ ca của ông chính là đời sống thường nhật ở đất nước ông, người ta phải học cách ”múa tay trong bị”, hay nói một điều gì đó để ngụ đến một ý khác; những hành vi vô tư, ngây thơ cũng có thể đem lại hậu quả khôn lường... Ông đã diễn tả sự phồn tạp, muôn màu ấy bằng ngôn ngữ thơ phong phú, tinh tế, giàu ẩn ý. Vì thế, chắc bạn đọc Việt Nam cũng không ngỡ ngàng khi đọc những bài thơ của ông, như “Còn cậu hãy đứng đằng kia”, ” Đến trong ý nghĩ ”, ”Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ”. Trong khi bạn đọc Thụy điển sẽ thấy xa lạ với những tình huống mà tác giả đặt ra trong bài thơ, dẫn đến đánh mất thần thái, thất thoát ý tứ, không chạm tới được những mạch ngầm của tác phẩm. Ví dụ trong một số bài thơ tác giả đã gợi nhắc tới những thân phận chua xót, bị dập vùi trong xã hội, họ có thể bị tra vấn bất cứ lúc nào. Bài thơ “Mộng du” tặng nhà văn Bùi Ngọc Tấn là một ví dụ (chưa được dịch sang tiếng Thụy điển). Do vậy, trong phần cuối tập thơ, chúng tôi có thêm phần bình chú để giải thích rõ một số hiện tượng cũng như khái niệm, đồng thời chú thích một số phương ngữ và địa danh ở Việt Nam.

 

Chúng tôi tuyển chọn các bài thơ từ các tuyển tập “Những hạt giống của đêm và ngày/ Seeds of Night and Day” (Nxb. Page Addie Press, 2013), “Buông tay cho trời rạng/ Out of the Dark” (Nxb. Page Addie Press, 2013), “Ra vườn chùa xem cắt cỏ/ Grass Cutting in a Temple Garden” (Nxb. Page Addie Press, 2014). Những bài thơ ba câu rút từ tuyển tập thơ tiếng Anh “The Selected Poems of Mai Văn Phấn” (Nxb. Hội Nhà văn, 2015).

 

Dịch thơ từ một ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ thứ ba quả rất khó khăn, và gặp rất nhiều ”cạm bẫy”. Thơ tiếng Việt thường ẩn giấu các đại từ, nếu đọc lướt, có thể có lúc bạn sẽ không biết nhân vật chính là ai nếu không quen với các ”mật mã” của nhà thơ. Trong khi tiếng Thụy điển, trong các câu thơ, ý thơ nhất thiết phải có đại từ, mặt khác, việc sử dụng thời thì động từ và giới từ lại rất dè dặt. Tuy vậy, chúng tôi vẫn luôn đặt ra mục đích chuyển tải được giọng điệu thơ giàu bản sắc Việt này. Dù đã nỗ lực nhưng bản dịch khó có thể diễn tả hết tinh thần của nguyên tác, hy vọng phần chú giải sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm.

 

Chúng tôi sử dụng các bản dịch tiếng Anh như một sự khởi đầu, sau đó đã làm việc trực tiếp, chi tiết với Mai Văn Phấn ở Hà Nội. Ông đã diễn giải từng bài thơ từ nguyên tác, nói rõ những ẩn dụ, hoàn cảnh cụ thể ra đời bài thơ đó, đồng thời giải thích thêm một số phong tục tập quán Việt Nam trong tác phẩm của ông. Chúng tôi biết ơn Lê Thị Sớm Mai đã cần mẫn đối chiếu bản dịch tiếng Thụy điển với nguyên tác tiếng Việt để có được kết quả ưng ý nhất có thể. Xin cảm ơn sự giúp đỡ nỗ lực của Tobias Theander và Mimmi Diệu Hường Bergström đã đóng góp thời gian và tâm huyết cho bản dịch này.

 

(Stockholm November 2017)

 

 
(Nguồn: Facebook Dịch giả Mimmi Diệu Hường Bergström)


 

 

 

 Trụ sở Nxb Tranan

 

 

 

 

 Nhà văn Styrbjörn Gustafsson, Giám đốc Nxb Tranan

 

 

 

 

 Dịch giả Mimmi Diệu Hường Bergström và MVP tại Hà Nội, 10/2017

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị