Xuất bản sách văn học thời Cách mạng Công nghiệp 4.0 - Mai Văn Phấn

Xuất bản sách văn học thời Cách mạng Công nghiệp 4.0

 

 

 

 

 

Mai Văn Phấn

 

Cụm từ Cách mạng Công nghiệp 4.0 (tiếng Anh: The Fourth Industrial Revolution), khởi nguồn từ thuật ngữ Industrie 4.0 của các nhà khoa học người Đức năm 2011[1], nay đã thành phổ biến đến mức đi vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta, và nội hàm của nó giờ đây không chỉ bó hẹp trong việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào sản xuất, mà mở rộng thành Thời đại 4.0”, thời đại mà chúng ta đang sống.

 

Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã và đang tạo ra những ảnh hưởng vô cùng to lớn lên đời sống nhân loại về mọi mặt. Trước khi bàn về ảnh hưởng của nó tới ngành xuất bản văn học, xin có đôi nét tóm lược về cuộc Cách mạng này. Theo Giáo sư Klaus Schwab[2], “Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất dùng nước và hơi nước để cơ khí hóa sản xuất. Cách mạng lần thứ hai sử dụng điện năng phục vụ cho sản xuất hàng loạt. Cách mạng lần thứ ba sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Và giờ đây Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư dựa trên nền tảng cuộc Cách mạng lần thứ ba, cuộc cách mạng số khởi nguồn từ giữa thế kỷ trước. Đặc trưng của cuộc cách mạng lần này là việc hợp nhất các công nghệ giúp xóa mờ ranh giới giữa các lĩnh vực vật chất, kỹ thuật số và sinh học.[3]” Định nghĩa một cách rộng hơn, đặc trưng của IR 4.0 [CMCN 4.0] là sự cải tiến công nghệ một cách nhanh chóng thông qua việc tăng cường sử dụng truyền thông di động và kết nối internet (“internet vạn vật”), dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ robot, phương tiện tự điều khiển, công nghệ in 3D, nano và công nghệ sinh học, công nghệ điện toán v.v…[4]

 

CMCN 4.0 đã thay đổi về căn bản mọi lĩnh vực sống của chúng ta với tốc độ rất nhanh, và, như một lẽ tất yếu, hoạt động xuất bản sách trên toàn thế giới cũng thay đổi nhanh chóng, nhất là hai lĩnh vực quảng bá và xuất bản sách văn học. CMCN 4.0 thực sự đã làm gia tăng hiệu quả của các hình thức công bố đa phương tiện bằng cách ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin linh hoạt và hiện đại.

 

Vài chục năm trước đây, việc xuất hiện sách điện tử (ebook) đã là một bước tiến đáng kể của ngành xuất bản và phát hành sách. Nhưng đó là kết quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba. Sách thời CN 4.0 được xuất bản linh hoạt tùy theo nhu cầu của thị trường tiêu thụ, thậm chí có thể chiều theo thị hiếu và nhu cầu của từng người đọc. Trong lĩnh vực sách điện tử đã xuất hiện định dạng ePub, một loại định dạng mới linh hoạt, tiện ích nhất hiện nay được thiết kế từng dòng, từng trang, giống như từng trang sách in giấy. Định dạng này phù hợp với tất cả các thiết bị kỹ thuật số di động hiện đại nhất như Sony Reader, Nook của Barnes & Noble, Kobo Reader... và điện thoại thông minh, máy tính bảng. Sau khi ePub ra đời, hãng Apple đã nhanh chóng đồng bộ hóa các file ePub trên ứng dụng Iphone và Ipad của họ. Sách ePub có tính năng kết nối rất cao, tiện lợi cho các nhà xuất bản phát hành, quảng bá sản phẩm, mở các chương trình khuyến mãi v.v... Mỗi cuốn sách ePub hoạt động như một cổng thông tin, giúp bạn đọc nhanh chóng biết được thông tin về tác giả, dư luận về tác phẩm và tất cả các cuốn sách khác mà tác giả ấy đã xuất bản.

 

Vào cuối năm 2012, tôi có dịp làm việc với Nhà xuất bản Page Addie Press (Anh Quốc) để xuất bản phần Anh ngữ tập thơ “Firmament Without Roof Cover” (“Bầu trời không mái che”), lần đầu tiên mới biết loại sách có định dạng ePub này. Cũng nhờ sách định dạng ePub, mà tập thơ của tôi trên hệ thống phát hành sách toàn cầu Amazon đã tự động kết nối với các hệ thống phát hành sách của châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… Tháng 12/2012 tập thơ “Firmament Without Roof Cover” đã lọt vào danh sách 100 tập thơ bán chạy nhất của Amazon.

 

Điểm nhấn của CMCN 4.0 trong lĩnh vực xuất bản là các nhà xuất bản, các nhà phân phối sách sẽ xuất bản và cung cấp sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng, chứ không phải in ấn hàng loạt chờ người hỏi mua như trước đây và cả bây giờ. Việc xuất bản tại các nước tiên tiến như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Hàn Quốc… đều đáp ứng theo đa dạng các loại hình của khách hàng. Cùng nội dung một cuốn sách, nhà cung cấp có thể phát hành đồng thời sách in giấy, sách nói và sách điện tử. Sách in giấy có thể tùy biến theo yêu cầu của khách hàng. Ví dụ, trên một trang sách bất kỳ, khách hàng có thể yêu cầu nhà xuất bản in tên người mua sách, ngày tháng, hoặc có thể in thêm một lời đề tặng ai đó mang tính riêng tư… Những cuốn sách có nhiều chương, người mua có thể chỉ đặt mua những chương cần thiết. Hiện nay, nhà xuất bản Lonely Planet (Anh Quốc) chuyên ấn hành những cuốn sách hướng dẫn du lịch lớn nhất thế giới, trực thuộc BBC Worldwide, đã tận dụng triệt để CMCN 4.0 để phát hành sách theo nhu cầu và đã thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ. Người mua có thể đặt hàng của Lonely Planet những chương chuyên viết về một vùng đất mà họ sắp đặt chân tới, hoặc sách in mới nhất để có thể cập nhật tối đa mọi thông tin. Tương tự như vậy, hiện nay các sách văn học, cũng như sách khoa học kỹ thuật đã đạt tới trình độ công nghệ này. Độc giả có thể đặt mua một tập truyện ngắn của một tác giả nào đó, hoặc yêu cầu cuốn sách chỉ gồm những truyện mà người đó yêu thích v.v... Xin dẫn chứng những cuốn sách của tôi được bán trên hệ thống phát hành sách toàn cầu Amazon. Ví dụ cuốn “Firmament Without Roof Cover”, mỗi lần đặt mua qua mạng, thì trang xi-nhê cuối sách lại ghi ngày in ấn phù hợp với ngày tháng tôi đã đặt hàng, mặc dù chỉ mua duy nhất một cuốn sách.

 

Trước mắt, CMCN 4.0 trong lĩnh vực xuất bản đang được áp dụng một phần ở Việt Nam. Các tác giả, cũng như các nhà sách vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định của luật xuất bản, nhưng có thể áp dụng CMCN 4.0 để kết nối, quảng bá văn học. Nhờ CN 4.0 mà bài thơ liên khúc “Tĩnh lặng” của tôi in trong tập thơ song ngữ “Ra vườn chùa xem cắt cỏGrass Cutting in a Temple Garden” phát hành trên mạng Amazon đã đến được bạn đọc quốc tế. Đặc biệt, nó đã may mắn đến tay TS. Ramesh Chandra Mukhopadhyaya – một học giả Ấn Độ. Ông đã đọc bản dịch tiếng Anh của nhà thơ Lê Đình Nhất-Lang bài thơ này và viết bình chú cho nó, và sau này ông đã viết bình chú cho từng bài trong cả thi tập “Tĩnh lặng – Silence” của tôi, là thi tập vừa được nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2018 bằng ba ngôn ngữ, Việt, Anh và Pháp ngữ. Nhà thơ Susan Blanshard (Anh quốc) đã biên tập bản tiếng Anh của TS. Ramesh. Song hành với TS. Ramesh, họa sỹ Dominique de Miscault (Pháp) đã dịch những bài bình chú từ bản tiếng Anh của TS. Ramesh và bản dịch thơ của Lê Đình Nhất-Lang (Hoa Kỳ) sang tiếng Pháp. Hai dịch giả Takya Đỗ và Phạm Minh Đăng đã dịch những bài bình chú từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Có thể nói, “Tĩnh lặng – Silence” là cuốn sách đã quy tụ rất nhiều đóng góp của bạn bè từ nhiều quốc gia nhờ CMCN 4.0 hiện nay.

 

Việc áp dụng CMCN 4.0 trong lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam hiện nay, theo tôi sẽ mắc một số rào cản pháp lý. Hiện nay Luật Xuất bản Việt Nam chỉ cho xuất bản sách hoặc phát hành bản điện tử đúng như bản lưu chiểu tại nhà xuất bản, quy định cả số lượng sách được in ra. Nếu tác giả cuốn sách muốn xuất bản thêm, hoặc thay đổi nội dung, dù một vài ký tự, vẫn bắt buộc phải xin giấy phép tái bản và ghi rõ nội dung có sửa chữa hoặc xin giấy phép mới.

 

Mastering the Fourth Industrial Revolution” (tạm dịch: “Làm chủ Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0) là chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2016[5], cho thấy sự phát triển của CMCN 4.0 đã nhanh chóng trở thành vấn đề được quan tâm trên toàn cầu. Để thực sự làm chủ cuộc CMCN 4.0 trong lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam, Nhà nước cần sớm sửa đổi Luật Xuất bản cho phù hợp. Đây dĩ nhiên là thách thức không nhỏ nhưng cũng là cơ hội và xu thế tất yếu của sự phát triển cuộc cách mạng công nghệ hiện nay. Song song với vấn đề này, sự lỏng lẻo khi áp dụng luật Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam để bảo vệ quyền tác giả cũng là một thách thức thực sự đối với ngành xuất bản.

 

Dù còn khó khăn và dù sao đi nữa, độc giả cũng nên sớm sử dụng những sản phẩm của CMCN 4.0 để có thể thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận thông tin hữu ích, đặc biệt các tác giả văn học nên sớm tiếp cận và vận dụng những ưu thế của CMCN 4.0 để mở rộng kiến thức, tầm nhìn và quảng bá văn học Việt Nam thời hội nhập.

 

10/6/2018

 

 

_________________

[1] Thuật ngữ “Industrie 4.0” (tạm dịch: “Công nghiệp 4.0”) phát sinh từ một dự án trong chiến lược công nghệ cao của Chính phủ Đức, dự án này xúc tiến việc điện toán hóa trong lĩnh vực sản xuất. GS. Klaus Schwab đã giới thiệu cụm thuật ngữ này trong bài tiểu luận  “The Fourth Industrial Revolution – What It Means and How to Respond” (tạm dịch: Cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ tư – Ý nghĩa của nó là gì và Phản ứng thế nào” của ông đăng trên tạp chí Foreign Affairs của Mỹ ngày 12/12/2015.
(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Fourth_Industrial_Revolution).

[2] Klaus Schwab (1938 – ): Giáo sư, nhà kinh tế học người Đức, là nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tác giả của các cuốn sách bán chạy được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới là “The Fourth Industrial Revolution” (“Cuộc Cách  mạng Công nghiệp 4.0” – 2016) và “Shaping the Fourth Industrial Revolution” (tạm dịch: “Định hình Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0” – 2018).

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Klaus_Schwab).

[3] Nguồn: https://www.weforum.org/agenda/2016/01/the-fourth-industrial-revolution-what-it-means-and-how-to-respond/.

[4] Theo Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam – Hàm ý đối với thị trường lao động của International Laobour Organization

https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---asia/---ro-bangkok/---ilo-hanoi/documents/publication/wcms_630855.pdf

[5] Diễn đàn Kinh tế Thế giới là một tổ chức phi chính phủ do GS. Klaus Schwab sáng lập ngày 24/1/1971, có trụ sở tại ColognyGenevaThụy Sĩ. Diễn đàn tổ chức hội nghị thường niên vào cuối tháng Giêng hàng năm tại Davos, Thụy Sĩ.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/World_Economic_Forum).


 

















BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị