... Như cởi bỏ giày dép trước khi vào nhà - Nhà báo Hiến Văn thực hiện PV

... Như cởi bỏ giày dép trước khi vào nhà
(Nhà báo 
Hiến Văn thực hiện)

 

 


Tranh của Họa sỹ Rafal Olbinski (Ba Lan)

 

 

- Anh nghĩ thế nào về mối quan hệ giữa nhà thơ và công chúng? Ở ta bây giờ ai lệ thuộc ai?

 

- Mai Văn Phấn (MVP): Nhà thơ cùng với công chúng là hoàn thiện một đời sống thơ ca.  Có người quan niệm nghệ thuật là cuộc chơi đơn lẻ, mục đích tối thượng là khám phá những bí ẩn, khao khát cá biệt. Nói như vậy mới đúng một phần, còn lại rơi vào cực đoan, phiến diện... Khi viết, nhà thơ duy nhất đối diện với những điều kỳ diệu mà Thi ca ban tặng. Nhà thơ hồi hộp thấy tứ thơ xuất hiện giống con tàu vũ trụ đang tìm cách tiếp đất. Nó mang trong mình nhiều dữ liệu bí mật vừa khám phá. Thi sĩ dụng chữ như điều khiển những con “âm binh” để gọi đúng tên, tạo lập sống động thần thái của sự vật mới lạ. Sáng tạo đồng nghĩa với khai sinh một thế giới riêng/ biệt. Người viết lúc đó cảm giác không ai ở bên mình. Mọi kinh nghiệm, vốn liếng tích lũy được đều ở rất xa. Nhà thơ khi viết còn giống như bà mẹ lâm bồn. Lúc vượt cạn, không ai muốn mời hàng xóm đến ngay nhìn đứa con mình ra đời thế nào. Nhưng qua những giây phút khó nhọc, mọi người mẹ đều muốn con mình được tự tin trong trời rộng, được đắm mình cùng thiên nhiên cùng với mọi người. Cái nửa không đúng kia là khi không sáng tác, hay tạm gọi là phải đi qua những bóng tối, thì công chúng sẽ làm phong phú thêm cho những chiêm nghiệm của nhà thơ. Dù bất kỳ lời nhận xét nào của công chúng cũng đem đến một nhận thức thú vị, mở những cánh cửa vào không gian vô tận. Đã đến lúc, những người cầm bút, người đọc cần bình tĩnh nhìn lại cách đánh giá tác phẩm nghệ thuật, không nên lấy sở thích của đám đông làm thước đo cho những tài năng. Chúng ta hãy nhìn những tác giả được giải Nô-ben văn học, khá nhiều trong số họ có rất ít bạn đọc, nhưng tác phẩm của họ là những cột mốc, bước ngoặt quan trọng trong lộ trình văn học nhân loại.

 

- Anh đánh giá về công chúng thơ ta bây giờ?

 

- MVP: Lịch sử đã khép lại những giai đoạn bi hùng: cả dân tộc làm thơ và đánh giặc. Cuộc sống đương đại làm khởi sắc những diện mạo đa văn hóa, đã phân định ranh giới trong công chúng yêu thơ hiện nay. Những giá trị đồng nhất đã thành đa diện và phần mảnh, thành khu biệt và giải khu biệt, đa phương và lắp ghép, xóa nhòa giữa trung tâm và ngoại biên... Thơ ca được khởi sắc, hiển lộ trong nhiều khuynh hướng sáng tác, hòa quyện giữa hình thức và cảm xúc trong từng cá thể riêng biệt. Những nhà thơ không có thi pháp thay đổi vẫn phù hợp với phần đông người đọc đã quen với tư duy thẩm mỹ “ổn định”. Còn những người đọc trẻ, có lối tư duy phổ quát, mạch lạc, tốc độ... họ luôn khao khát những giá trị mới lạ phù hợp với đời sống hiện đại.

 

- Thơ đổi mới quá khó hiểu, ngày càng đánh mất độc giả. Như vậy các nhà thơ đổi mới để làm gì?

 

- MVP: Đổi mới thi pháp trước hết nhằm chống lại sự thoái hóa, trơ mòn thẩm mỹ của người viết và cả người đọc, tạo những không gian thơ đa dạng, thiết lập hệ quy chiếu mới trong cách tiếp cận tác phẩm. Sáng tạo là quá trình sản sinh những nhân tố mới, không mô phỏng hay phát triển những giá trị đã định hình, mà tạo sự khác hẳn, biệt lập (đôi khi đối lập) với cái đã được định giá. Người đọc thường mang thói quen tiếp cận tác phẩm, lục soát những gì gần gũi với mình mà ít lắng nghe, khám phá, cầu thị, vươn lên cùng kẻ sáng tạo. Những “gần gũi” ấy chính là những khuôn mẫu được đúc sẵn từ trong trường học, những tích lũy chủ quan, những trải nghiệm văn chương nặng tính truyền miệng, hoặc qua những phương tiện truyền thông một chiều. Hầu như bất kỳ nhà thơ nào cũng biết được thị hiếu của đám đông. Nhưng những ai chỉ để tâm ve vuốt sở thích của đám đông tất sẽ làm nghèo đi sự phong phú của khu vườn thi ca rất nên sinh động và đa dạng. Mọi người cầm bút đều mong muốn được nhiều bạn đọc chia sẻ, nhưng đấy không phải là cứu cánh của những thi sĩ chân chính. Nhà thơ tạo ra tác phẩm giống như nhà khoa học tạo ra giống cây quý hiếm, phải chờ “thiên thời  – địa lợi – nhân hòa” mới gieo hạt được. Ước gì sự ngưng đọng của chờ đợi sẽ xóa hết những quan niệm nhàm chán trong lòng người đọc và tạo sự bất an, thậm chí hoảng loạn để nhà thơ tỉnh ngộ, vượt thoát, sinh ra những giá trị sáng tạo theo đúng nghĩa của nó.

 

- Đổi mới thi ca là việc khó khăn. Nhiều nhà thơ có khuynh hướng cách tân đã chìm dần vào quên lãng. Anh nhìn nhận việc đó như thế nào?

 

- MVP: Nhân danh đổi mới thi pháp, gần đây nhiều bạn viết công bố những thứ phi thơ, phản thơ, tạo cảnh vàng thau lẫn lộn. Đấy cũng là điều dễ hiểu trong mọi cuộc cách mạng thi ca. Người đọc cần có thái độ bình tĩnh để sàng lọc, cũng như các biên tập viên, báo chí và các nhà xuất bản cần sáng suốt, có bản lĩnh trước nhân tố mới lạ. Và bản lĩnh của nhà thơ trước hết là biết chấp nhận sự im lặng tạm thời từ phía người đọc. Bóng tối của im lặng chính là ngọn lửa siêu nhiệt, giúp nhà thơ tạo ra những tác phẩm có phẩm có tư chất "vàng mười", đủ sức vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của thời gian.

 

- Các tập thơ "Người cùng thời", "Nghi lễ nhận tên", "Vách nước"... và những bài thơ mới viết. Tôi thấy anh luôn khác. Có gọi là luôn đổi mới được không? Hình như mỗi nhà thơ phải định hình một phong cách. Anh đã định hình phong cách cho mình chưa? Cách đọc thơ anh?

 

- MVP: Từ tập thơ đầu tay “Giọt nắng” đến những bài thơ mới viết... đó là cách tôi đi từ thói quen truyền thống đến hiện đại. Nói rằng “thói quen”, vì chính những giá trị nghệ thuật mới lạ hôm nay đang dần trầm tích thành truyền thống. Sáng tạo chính là cuộc vong thân, là quá trình phủ định bản ngã. Tôi không có thói quen chiêm bái những con đường cũ mà mình đã đi. Nỗi ám ảnh tôi ghê gớm nhất là lúc nào đó không còn đủ ý chí và nghị lực để tự phủ định. Với tôi, phong cách của nhà thơ không nên đơn điệu, nó giống như Ru-bích, một trò chơi của trẻ con, anh muốn xem màu gì xin hãy quay. Nhưng chắc chắn quay chiều nào, cách nào anh vẫn nhận ra diện mạo tinh thần của thi sĩ. Anh hỏi cách đọc thơ tôi? Xin anh vui lòng bỏ lại những quan niệm cũ và mọi thói quen thẩm mỹ trước khi đọc, giống như cởi bỏ giày dép trước khi vào nhà.

 

- Có cái gọi là “Thơ cũ” và “Thơ đổi mới” không? Anh xếp mình vào loại nhà thơ nào?

 

- MVP: Cũ và mới là khái niệm khởi đầu và chuyển động của sáng tác văn học. Bài thơ tôi vừa viết xong là bài thơ cũ. Tôi là người luôn tìm đến những giá trị mới mẻ.

 

- Các tác giả thơ trong những năm qua ra sức đổi mới. Nhưng dường như những nỗ lự ấy chưa được công nhận. Bởi công chúng? Bởi các nhà phê bình? Hay bởi những lý do khác? Thơ đổi mới sẽ đi đến đích nào?

 

- MVP: Rất tiếc công chúng không đủ thông tin về những diện mạo của thơ ca đổi mới hiện nay. Thơ đổi mới sẽ đi đến đích nào? Tôi hiểu câu hỏi không chỉ hướng đến cá nhân nhà thơ mà cả những người quan tâm, yêu mến thi ca. Chúng ta có quyền hy vọng một nền thơ Việt nam trong tương lai vừa đa dạng về khuynh hướng, vừa đặc trưng về phong cách. Đã đến lúc chúng ta không thể đọc thơ theo lối cũ, không thể lấy nhà thơ này làm tiêu chuẩn để đánh giá những nhà thơ khác. Nghệ thuật luôn là khái niệm về sự độc sáng, cá biệt và tự do tuyệt đối. Hiện nay trừ một số nhà thơ có khuynh hướng cách tân triệt để, thơ chúng ta chậm so với bên ngoài gần một thế kỷ. Nếu so sánh với một số nước châu Á như  Thái Lan, Hàn Quốc... tư duy thi ca của họ vẫn còn xa lạ với khá nhiều người đọc Việt Nam. Chúng ta hiện đang hòa nhập với khu vực và thế giới về kinh tế, còn thơ ca nói chung thì chưa, trừ một vài tác giả đã vượt thoát. Đời sống văn học đang chờ đợi một khuynh hướng thơ mới. Nó đòi hỏi sự nỗ lực của những nhà thơ tiên phong dám dũng cảm mở đường.

 

(Nguồn: Báo Người Hà Nội, Tạp chí Phố Hiến, 2005)


 

 

Tranh của Rafal Olbinski (Ba Lan)


 

 

 





BÀI KHÁC

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị