Người đọc và đổi mới thi ca - Mai Văn Phấn

Người đọc và đổi mới thi ca




Tranh của Rafal Olbinski, Ba Lan



Mai Văn Phấn

 

Vấn đề đặt ra không mới, thậm chí bị liệt vào những chuyện “khổ lắm nói mãi!”. Rằng, người đọc đã chán những quan niệm thẩm mỹ cũ. Các nhà thơ cần đổi mới thi pháp... Đã nhiều cuộc hội thảo thơ ca với những thuật ngữ quen tai như: cách tân, chuyển động, khép lại, bứt phá, định hướng, thay đổi, chôn vùi, biệt lập, cứu thơ, mở đường, v.v... Nhưng rút cuộc, con tàu thi ca đương đại của ta vẫn ì ạch. Phải chăng báo chí văn học hiện nay không phản ảnh đúng thực trạng thơ ca đương đại? Có hay không sự tăng tốc đâu đó nhưng mang tính đơn lẻ? Từ những tăng tốc đơn lẻ ấy, ta vẫn thấy người đọc không bắt nhịp được vào sự đổi mới thi ca hiện nay.

 

Người đọc Việt Nam khác biệt người đọc các nước ở chỗ thị hiếu thẩm mỹ khá ổn định. Tính ổn định được định hình khi họ còn trên ghế nhà trường. Đã từng có giai đoạn văn học, mọi người chăm lo cổ xúy cho những giá trị giống nhau, khiến những sáng tạo mang dấu ấn cá biệt bị lu mờ. Điều đó càng củng cố thêm tính “ổn định” trong thẩm định giá trị nghệ thuật, nhất là thơ ca. Cách so sánh máy móc hàm nghĩa câu thơ sao cho trùng khít với ý nghĩa đời sống, cách tư duy hình ảnh thơ theo lối đơn tuyến, và thái độ chờ sẵn những nhịp điệu quen tai, đã làm nhiều người lầm tưởng những quan niệm ổn định kia mang đậm bản sắc dân tộc. Bản sắc dân tộc dĩ nhiên không xuất phát từ thói quen mà là quá trình tích luỹ những biến thiên tích cực của lịch sử, kết hợp với những giá trị tiêu biểu đã qua và hướng tới những lý tưởng thẩm mỹ chưa định hình nhưng mang những đặc trưng tiêu biểu cho tâm lý người Việt Nam.

 

Đổi mới thi pháp trước hết là từ chối ve vuốt những sở thích của người đọc, nhằm tạo những sóng từ khác, những mã số khác trong không gian thơ vừa được khám phá. Lý tưởng thi ca của sự cách tân nhằm gọi đúng bản chất của sự vật trong nhịp điệu đời sống hiện đại. Đó là tiếng nói thi ca trực tiếp, khách quan, mang tính hài trước những hiện thực phong phú và tinh tế, sống động và khắc nghiệt. Tiếng nói trực tiếp của nhà thơ là thái độ từ chối những thủ pháp nghệ thuật cũ như nấp vào vỏ bọc hào nhoáng của ngôn ngữ thị dân, hay dùng phép ẩn dụ, ngoa dụ, so sánh, siêu hình... Tính khách quan tạo nên sự bình đẳng giữa người đọc và nhà thơ trước một tác phẩm thơ cụ thể. Một bài thơ viết xong hầu như tồn tại độc lập với người làm ra nó. Người đọc không còn gặp thái độ chủ quan của nhà thơ như trước nữa, đặc biệt là tác phẩm đã giảm thiểu tối đa những mạch tự sự đa cảm, thiếu lý trí, thay thế những cách nghĩ quanh quẩn, manh mún, mụ mẫm… bằng kiểu tư duy mang tính phổ quát, đa chiều. Bằng những trải nghiệm, sở thích, tình cảm riêng biệt, mỗi người đọc tự tìm cho mình tiếng nói tri âm, mà kết quả thu được có thể khác biệt với những người đọc khác. Họ không bắt buộc phải theo đuổi ý chí hay tình cảm của nhà thơ, nói khác đi là không bị áp đặt, định hướng, hay bị dạy dỗ điều gì. Trong những trường hợp cụ thể, tác phẩm thơ chỉ nhằm gợi ý để người đọc tự đi đến cái đích của riêng họ. Người đọc lúc này được đồng sáng tạo với nhà thơ, được tự do đọc theo cách của mình, tự tìm lấy chìa khóa để bước vào ngôi nhà thi ca. Đó là một thế giới riêng biệt, một miền đất lạ cần khám phá. Nhà thơ mở cho người đọc một chân trời tự do tuyệt đối, tùy thuộc vào sự trải nghiệm, mà mỗi người tự quyết định phương tiện, cũng như độ dài con đường để đến mục đích. Mỗi bài thơ thường hàm chứa một kinh nghiệm thẩm mỹ riêng biệt. Tứ thơ xuất hiện khiến bài thơ giống như bông hoa một lần đăng quang giữa thiên nhiên rộng lớn, sau đó tự biến mất mà không để lại kinh nghiệm gì. Những nhà thơ lấy kinh nghiệm từ cái đã được khẳng định rất khó đi đến thành công. Không có kinh nghiệm thi ca cho nhà thơ chuyên nghiệp, cũng như không nên đưa ra những khuôn mẫu thẩm mỹ cho người đọc thơ, người yêu thơ trong thời đại ngày nay.

 

Đổi mới thi pháp luôn là con đường khó khăn và đầy trắc trở. Trong quá khứ có nhiều khuynh hướng thi ca đã chết yểu, tàn lụi. Trong số những nhà thơ mang tinh thần cách tân, tiên phong hôm nay, có không ít người đã sớm sa vào những phong cách như cầu kỳ, bí hiểm, làm phức rối cảm xúc… Tôi tin rằng, với thời gian, họ có thể học hỏi được nhiều thêm và thay đổi. Những chuyển động lệch nhịp giữa người đọc và sự đổi mới thi ca hiện nay phải chăng là  tất yếu của lịch sử văn học nước nhà? Xin mỗi người hãy đưa ra một cách lý giải phù hợp. Mỗi nhà thơ cần tạo cho mình những cuộc tự vấn sòng phẳng, quyết liệt để vươn tới sự đổi khác. Trong bóng tối, kể cả trong bóng đen ghê sợ của im lặng, họ được chứng kiến sự đổ vỡ những giá trị cũ kỹ. Quá trình sáng tạo chính là những cuộc cách mạng liên tiếp xẩy ra trong mỗi nhà thơ. Nhân tố mới thường sinh ra trong sự khốc liệt, nhiều khi phải chấp nhận những thất bại cay đắng. Quá trình vượt thoát khỏi những quan niệm cũ không chỉ đặt ra cho các nhà thơ mà cho cả người đọc. Đổi mới cách tiếp cận thơ từ phía người đọc và đổi mới thi pháp của nhà thơ là cuộc song hành cần thiết để làm thay đổi diện mạo thơ Việt đương đại.

 

4/2005

M.V.P

 

- Đã đăng: Tạp chí Nhà Văn số 4/2005

 - Rút từ cuốn sách “Không gian khác”, NXB. Hội Nhà văn, 2016

 

 


Tranh "Trưa hè" của HS. Lê Văn Đệ


 








BÀI KHÁC

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị