“Thuốc đắng” khai mở thế giới thơ tôi - Mai Văn Phấn

“Thuốc đắng” khai mở thế giới thơ tôi

 

 

 

 

Mai Văn Phấn


Tôi viết bài thơ “Thuốc đắng” vào một chiều mùa hè năm 1990 cho Ngọc Trâm, lúc ấy mới ba tuổi. Con gái tôi bị sốt cao nhưng không chịu uống thuốc. Thương con, nhưng tôi buộc phải ép con uống hết chén thuốc mới mong khỏi bệnh. Sau đấy vài giờ con tôi ngủ yên, nhìn chiếc chén đã cạn thuốc đặt trên cửa sổ, tôi vội viết bài thơ này. Nguyên văn bài thơ như sau:

 

Thuốc đắng

           (Cho Ngọc Trâm)

 

Cơn sốt thiêu con trên giàn lửa

Cha cũng có thể thành tro nữa

Thuốc đắng không chờ được rồi

Giữ tay con

                    Cha đổ

Ngậm ngùi thả lòng chén vơi...

 

Con ơi! Tí tách sương rơi

Nhọc nhằn vắt qua đêm lạnh

Và những cánh hoa mỏng mảnh

Đưa hương phải nhờ rễ cay.

 

Mồ hôi keo thành chai tay

Mùa xuân tràn vào chén đắng

Tuổi cha nước mắt lặng lặng

Sự thật khóc òa vu vơ.

 

Con đang ăn gì trong mơ

Cha để chén lên cửa sổ

Khi lớn bằng cha bây giờ

Đáy chén chắc còn bão tố.

 

(Hải Phòng, 7/1990)

 

Trước năm 1990 tôi có làm thơ, một số bài viết khi còn học phổ thông và sau đó là trong quân ngũ. Song ngày ấy, thơ tôi chủ yếu vẫn dưới hình thức mô phỏng thơ của thế hệ đàn anh nên mờ nhạt, chưa thật với cảm xúc của mình. Cũng may, tôi sớm nhận ra điều đó. Vì vậy, một thời gian dài tôi không làm thơ nữa, nhưng vẫn theo sát đời sống văn chương.

 

Bài thơ “Thuốc đắng” đến với tôi, tựa như một viên sỏi rơi vào lòng hồ lâu nay vốn đang yên lặng, tạo nên những vòng tròn đồng tâm, từng làn sóng nhỏ lan trên mặt nước. Nó khiến lòng hồ không còn như cũ. Khi ấy, tôi nhận thấy, bài thơ này đã khai mở cho tôi một thế giới mới lạ. Nói đúng hơn với tôi, cảm giác vừa quen vừa lạ, là vậy nhưng lại không phải như vậy… Sau này nhờ những trải nghiệm sáng tác tôi mới biết, đó chính là thế giới kỳ lạ và bí ẩn của thơ.

 

Những năm gần đây tôi có hành thiền. Lúc nhớ lại khoảnh khắc mình viết bài thơ “Thuốc đắng”, bỗng liên tưởng tới việc khai mở các luân xa[1] trong cơ thể con người. Đối với những người không tu tập, các luân xa thường đóng, không quay. Nhưng sau thời gian thiền định, các luân xa đó sẽ quay. Các luân xa chính là các huyệt đạo mở ra những con mắt đặc biệt dẫn ánh sáng vào cơ thể và cũng thải sạch thán khí ra ngoài qua các huyệt Lao cung và Dũng tuyền (gan bàn chân, bàn tay). Đặc biệt, có một số người dù không hành thiền, nhưng khi họ gặp những xung chấn về tâm lý hoặc vật lý, các luân xa trên cơ thể họ có thể tự mở.  

 

Vậy phải chăng, nỗi lo sợ, bồn chồn của tôi khi nhìn thấy con mình trong cơn sốt cao, lúc tự tay tôi ép con phải uống thuốc, và, nhiều suy tư trăn trở lúc đó đã dẫn tôi tới “xung chấn”. Nó kích hoạt nguồn năng lượng tiềm ẩn trong con người tôi, khai mở nhãn quan đặc biệt để tôi nhìn thấy những điều vi diệu mà trước đây chưa được biết. Phải chăng đó là không gian thơ? Tôi nhớ rõ lúc ấy mình đã viết trọn vẹn bài thơ đó trong thoáng chốc. Tôi đã ghi lại vội vàng từng câu thơ vì cảm thấy những hình ảnh đang hiện về kia có thể nhanh chóng biến mất, từng con chữ cũng có thể sẽ bay đi tức khắc. Giờ nhớ lại khoảnh khắc viết bài thơ đó, tôi biết bản năng thi sĩ trong tôi đã thức dậy, mở lối và đẩy tôi vào cuộc lữ. Vài câu thơ trong bài sau này được bạn đọc nhắc tới và có hỏi tôi tại sao lúc ấy lại viết: 

 

 những cánh hoa mỏng mảnh

 Đưa hương phải nhờ rễ cay”.

 

Thú thật cho đến giờ tôi cũng không thể giải thích tường tận được. Có lẽ, khoảnh khắc ấy có sự vô thức nào đó mách bảo tôi chăng! Nay, dù đã viết hàng ngàn bài thơ, tôi vẫn ngỡ ngàng không hiểu sao lúc ấy mình nghĩ ra được từ cay trong câu thơ trên (gần đây có biên tập viên còn chữa chữ cay thành cây khi đăng báo vì tưởng tôi viết sai!).

 

Hoặc trong khổ kết của bài thơ: 

 

Con đang ăn gì trong mơ

Cha để chén lên cửa sổ

Khi lớn bằng cha bây giờ

Đáy chén chắc còn bão tố”.

 

Lúc ấy, một số người đã phản đối nó quyết liệt, thậm chí còn quy cho tôi có ngầm ý ám chỉ gì điều đó. Sau này chuyện ồn ào lắng xuống, họ đã bình tĩnh hiểu ra ý đoạn thơ trên. Xin được phép thưa lại với bạn đọc rằng, tôi đơn thuần được bản năng, vô thức mách bảo, không phải lao tâm khổ tứ nhiều để viết câu kết. Những hình ảnh và câu chữ cứ ùa đến với tôi như một cơn lũ, bất chợt dâng lên trong tôi lúc ấy. Và khi viết xong khổ thơ đó, tôi cảm thấy đủ để đặt dấu chấm hết cho cả bài thơ.

 

Tôi viết bài thơ “Thuốc đắng” khi ba mươi sáu tuổi, chạm ngưỡng của tuổi biết phân biệt điều phải trái, đã nếm trải nhiều cung bậc của thế thái nhân tình và đời sống xã hội lúc đó. Đến năm 2011, cố nhà văn Cao Năm[2] đã có bài viết về bài thơ này của tôi, trong đó có đoạn: “Hai mươi năm trôi qua, bây giờ nhìn lại có thể nói giải thưởng văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm của thành phố Hải Phòng năm ấy trao giải cao nhất cho bài thơ “Thuốc đắng” của Mai Văn Phấn là chính xác. Nhưng buồn thay, sau khi báo Hải Phòng đăng trên trang nhất bài thơ này, ngay hôm sau Ban Biên tập chúng tôi đã nhận được thư bạn đọc gửi đến phê phán khá gay gắt và đậm chất quy chụp, không chỉ tác giả, mà cả người chọn thơ. Nhớ lại hồi ấy, có đến hàng tháng trời sau cuộc trao giải thưởng văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm, không khí văn chương đất Cảng vẫn nóng lên về bài thơ “Thuốc đắng[3]

 

Cảm nhận tác phẩm như thế nào là quyền của bạn đọc, dĩ nhiên vậy. Nhưng tôi muốn chia sẻ cách mà bài thơ này đến với tôi. Những “xung chấn” thực sự đã mở ra một “cơ duyên”. Và tôi đã viết bài thơ này với cảm xúc chân thành, được soi rọi bằng ánh sáng trong suốt của thi ca. Tôi thẳng thắn và chân thật với những gì mà vốn sống và kiến thức đã kết thành thành máu thịt và tinh thần mình. Nhà thơ Vũ Thị Huyền đã viết về bài thơ này như sau: “Những đứa trẻ “uống thuốc” của hơn hai thập kỷ trước giờ đã trưởng thành lại sắp trở thành cha, thành mẹ. Thấy nỗ lực mình “bỏ ra” để “thẩm thấu” một bài thơ đã cho lại mình một bình tĩnh, tự tin. Thấy vững vàng hơn trước “Thuốc đắng”, bởi đã biết rằng, sau thuốc là tình yêu vô bờ bến giữa người với người. Tình phụ tử thiêng liêng “ruột đứt con xót” mà có lúc vẫn phải cần… thuốc đắng. Toa thuốc đặc trị cứu rỗi cuộc đời mỗi con người hay “sự thật khóc oà” trong “nước mắt lặng lặng” như dự cảm của chính nhà thơ về “hai mươi năm sau” trong khổ thơ cuối cùng?”[4]

 

Sau “Thuốc đắng” tôi đã viết liên tục, càng viết không gian thơ mở ra càng rộng với nhiều màu sắc và cung bậc. Trong quá trình đó, tôi cũng phải loại bỏ một số bài vì đọc lại thấy chúng chưa thật... thơ. Những trải nghiệm này cũng cho tôi bài học về cách kiếm tìm, dồn nén ý tưởng và cảm xúc để có được những bài thơ hoàn chỉnh tiếp theo. Làm được điều đó phần lớn do “Thuốc đắng”, tôi biết tựa vào bài thơ ấy để đi tiếp.  Bài thơ đã cho tôi hiểu được thế nào là hồn cốt của một tác phẩm. Nó ẩn hiện từ lúc chớm nở trong ý nghĩ đến khi hiển lộ sừng sững trước người viết. Thời gian trôi đi, tôi càng thêm kinh nghiệm để dẫn dụ, nắm bắt lấy những hồn cốt khác trong các tác phẩm mới đến với mình.

 

Mấy năm gần đây, thơ tôi được dịch ra một số ngôn ngữ khác. “Thuốc đắng” cũng là một trong những bài thơ được các nhà thơ, dịch giả quốc tế chú ý và trao đổi với tôi về những quan niệm thơ ca, về mối quan hệ giữa cái tôi người sáng tác với cộng đồng, xã hội, rộng hơn là với dân tộc, lịch sử... Khi bàn bạc về chất lượng bản dịch, nhà thơ Susan Blanshard[5] đã lấy bài thơ “Thuốc đắng”, qua bản dịch của nhà thơ Lê Đình Nhất-Lang (Nxb Page Addie Press của Anh Quốc), để nói với tôi về “ánh sáng” của tác phẩm thơ. Bà quan niệm mỗi bài thơ có ánh sáng riêng của nó,  dịch giả không chỉ là người chuyển ngữ nghĩa của văn bản, mà quan trọng nhất, phải truyền tải được “ánh sáng” của tác phẩm ấy. Theo ý bà thì bài thơ “Thuốc đắng” được phát sáng từ tình cảm cha con: người cha luôn muốn bao bọc, che chở cho con khôn lớn; nỗi lo lắng, bất an của người cha khi con bị ốm đã phát ra nguồn sáng từ những ưu tư, những di biến mà người cha đã nếm trải trong cuộc đời; và bản dịch quả đã truyền tải được thứ ánh sáng đó của bài thơ.

 

Có bạn đọc từng hỏi tôi, khi đã có lộ trình cách tân thơ, liệu tôi có còn “chằm bặp” bài thơ “Thuốc đắng” như hai mươi lăm năm trước. Xin thưa, ý thức hệ đang dần thay đổi, những quan niệm thẩm mỹ hiện cũng phong phú, đa tạp hơn trước đây. Tôi đã khởi hành từ những giá trị truyền thống, sau đó mạnh dạn đổi mới và tìm cho mình phong cách riêng. Tôi cũng biết “tu luyện” từ một cây bút nghiệp dư thành tác giả chuyên nghiệp, chuyển hóa cái vô thức thành ý thức, tự biến bản năng thành khả năng của mình để có thể đi xa, trường sức. Để làm được điều đó, tôi đã bình tĩnh nhìn lại những bài thơ của mình đã được bạn đọc bình xét, lắng lọc qua thời gian.  

 

Đến nay, tôi đã đi được chặng đường dài, hướng tới sự cách tân thi pháp, đã có thêm những bài thơ được bạn đọc yêu thích. Khi viết bài thơ Thuốc đắng”, tôi chưa có ý thức về kiến tạo hình ảnh hay thiết lập ngôn ngữ thơ theo khuynh hướng nào, mà đơn giản là để ý thơ và cảm xúc dẫn dụ mình đi. Nhưng tôi nhớ khi ấy mình có một tâm trạng lớn và nguồn cảm xúc mạnh mẽ để từng câu chữ như bật ra từ đầu ngọn bút. “Thuốc đắng” đã vô thức hội tụ đủ điều kiện và nội lực để khai mở cho thơ tôi một thế giới.

 

10/2015


 

____________________

[1] Luân xa (tiếng Phạn: chakra): bánh xe, hay vòng tròn chỉ các huyệt đạo trên cơ thể người; thuật ngữ này thường được sử dụng trong nhiều phương pháp hành thiền truyền thống.

[2] Cao Năm (1940 – 2015): nhà văn, nhà báo của Đất cảng Hải Phòng, tác giả của nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết và phê bình, đoạt nhiều giải thưởng văn học trong nước .  

[3] Cao Năm: “Nhà thơ Mai Văn Phấn: hiện thân của sự sáng tạo”. Báo Văn Nghệ số, 47 - 2011.

[4] Vũ Thị Huyền: “Sự thật khóc oà… trong bài thơ Thuốc đắng”. Báo Hải Phòng cuối tuần, ra ngày 7/9/2012.

[5] Susan Blanshard (1954 – ): nữ thi sĩ, nhà viết tiểu luận, nhà biên tập thơ cho những tác phẩm được dịch ra tiếng Anh. Bà sinh ra ở Anh, song lớn lên và hiện đang sống tại Úc.

(Nguồn: https://www.pw.org/directory/writers/susan_blanshard)

 


- Đã đăng: Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 831, cuối tháng 10/2015

- Rút từ cuốn sách “Không gian khác”, NXB Hội Nhà văn, 2016

 

 

 


Mẹ con Ngọc Trâm, 8/2015




 

 

 

BÀI KHÁC

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị