Giấc chiêm bao trong thơ Nguyễn Đình Di (phê bình) - Mai Văn Phấn

Giấc chiêm bao trong thơ Nguyễn Đình Di




Nhà thơ Nguyễn Đình Di



Mai Văn Phấn

 

 

Ở nơi ấy

Cái hạt mở ra hai bàn tay

Nguyễn Đình Di

 

Có tiếng rì rầm dưới trăng

Lời của người được đất ru

Ai đấy

Hát chậm cho tôi học lời.

 

Đó là khổ thơ được nhà thơ Nguyễn Đình Di viết riêng làm đề từ tập thơ đầu tay của ông, mang tên “Giấc mơ cây (Nxb Hải Phòng, 2001). Những câu thơ thật tự nhiên nhi nhiên, như miên mộng. Đến độ, nếu khi ấy có ai đến bên ông đánh thức hoặc lay gọi, thì nhà thơ cũng khó mà thoát ra khỏi giấc chiêm bao. Những giấc chiêm bao như vậy đã nâng đỡ, che chở ông trên hành trình đến xứ thơ.

 

Sau “Giấc mơ cây”, nhà thơ Nguyễn Đình Di xuất bản thêm bốn tập thơ: “Cỏ khát (Nxb Hải Phòng, 2006), Trường ca Lộ trình” (Nxb Hải Phòng, 2008), “Tín chấp(Nxb Hải Phòng, 2011), “Vườn gió mặn (Nxb Hải Phòng, 2015). Tôi không muốn gọi những tập thơ này là cuộc hành trình của nhà thơ. Bởi hành trình là một quá trình có điểm xuất phát, rồi có thể gặp những khúc cua, lúc tăng tốc, và đích đến. Tôi đọc thơ Nguyễn Đình Di và cảm nhận các tập thơ của ông, tuy viết trong các thời điểm khác nhau, nhưng có cùng một đời sống, cùng một tâm trạng, một thân phận trong một cảnh giới, và chủ yếu, cùng một thi pháp.

 

Thơ Nguyễn Đình Di trước sau vẫn trung thành với hệ hình thi pháp truyền thống, nền tảng là hiện thực và lãng mạn. Đây là một khuynh hướng sáng tác mà gần như cả thế hệ ông chịu ảnh hưởng đến tận bây giờ. Sau mỗi tập thơ, cảnh giới thơ Nguyễn Đình Di được mở rộng, thêm phong phú. Nhưng những sự kiện, sự vật, những ước mơ, khao khát trong đó thường được lặp đi lặp lại trong những tình huống, tâm trạng khá giống nhau ở nhiều thời điểm. Người đọc gần như quen thuộc từng bóng dáng thi ảnh, nhịp điệu, ngôn ngữ thơ của ông. Từ vầng trăng, con sóng, cái cây, con cá, con công cống, vạt cỏ, cái chợ, giọt mưa, con thuyền, bình rượu…, đến bàn tay, đôi mắt, lời ru, tiếng khóc, sợi tóc, trái tim, hồn mình... Những hành động của con người, như đi câu, hát, vung rìu, rũ bụi, buột mồm, nhập đồng… Những tâm trạng, như nhớ, sự đa mang, thương đồng đội, lẩn thẩn, lỡ thì… Hầu như những hiện hữu, chuyển động trong đời sống thường nhật kia, tựa những con lắc đơn, cứ trở đi trở lại trong thơ ông như ngày tiếp ngày, mùa nối mùa. Ấy vậy mà đọc thơ Nguyễn Đình Di vẫn thấy hấp dẫn và bị mê dụ. Bí quyết sự hấp dẫn ấy nằm ở những giấc chiêm bao trong thơ của ông. 

 

Phải nói thêm về chiêm bao để rõ hơn trạng thái này trong thơ Nguyễn Đình Di. Từng có nhiều nhà khoa học, triết gia đã lý giải những hiện tượng chiêm bao bí ẩn và diễn ra ngẫu nhiên này. Trang Tử[1] có giấc mộng hồ điệp, khi tỉnh dậy không biết mình nằm mộng hóa bướm hay bướm nằm mộng hóa thành mình. Còn theo thuyết Phân tâm học của Sigmund Freud[2], những  tưởng tượng, ẩn ức, khát vọng chính là những nguyên nhân dẫn đến những xung đột vô thức để nảy sinh những giấc mơ. Với thơ của Nguyễn Đình Di, tôi gọi một số bài thơ của ông là những giấc chiêm bao có thật. Người đọc có thể nhìn thấy giấc chiêm bao ấy của nhà thơ, rồi nhanh chóng bị chúng lôi cuốn, mê dụ. Và trong tâm thế đồng sáng tạo, những câu thơ của Nguyễn Đình Di vẫy gọi, dẫn dụ người đọc tới cảnh giới mà nhà thơ đã thăng hoa khi viết.

 

Sống, trải nghiệm và sáng tác trong những giấc mơ là lẽ đương nhiên, và khá dễ dàng với nhà thơ Nguyễn Đình Di. Dễ dàng, bởi lúc ấy ông viết như vui chơi, như say, như hít thở… Tôi linh cảm rằng, dường như nhà thơ có được con mắt thứ ba để nhìn thấy cái vong cái vía của vạn vật mà trò chuyện, tỏ bầy: 

 

Ở miền không còn đêm

Thấy ban ngày ngồi khóc

Triền sông hoang gió mọc

Cỏ se vàng chân mây”.  (Nỗi chiêm bao);

 

 “Em trốn ở đâu mà thơm quá

Chiếc lá bùa mê ơi

Những câu thơ ngẩn ngơ tôi chôn dưới móng nhà

Như chiếc neo đang đòi được nhổ

Để ngôi nhà trôi”. (Lãng du).

 

Cái vong cái vía ấy có lúc ông thấy nó “mờ mờ nhân ảnh” và nhiều khi cũng chỉ thấy được một phần. Do vậy, nếu tác giả không dồn đẩy được cảm xúc tới ngưỡng cần thiết, thì những hình ảnh đặt lên mặt giấy kia chỉ là những cái xác không hồn. Nhà thơ đã neo giữ những hình ảnh chân chất, quen thuộc vào thi giới chiêm bao mộng mị của mình.

 

“Đêm đêm khi em đã ngủ

Bàn tay giấu em ủ những câu thơ

Thay lời hát ru

Vỗ về giấc ngủ của em thật sâu

Và sau đấy giấc ngủ của anh cũng sâu”. (Nói hộ bàn tay chai).

 

Sự chân thành của câu thơ Và sau đấy giấc ngủ của anh cũng sâu đã bỏ qua mọi thủ pháp, thi pháp. Chữ cũng sâu được tác giả lặp lại chữ thật sâu nằm ở ngay cuối câu thơ trên. Thường thì, trong thơ, đây là những từ đồng âm đồng nghĩa mà nhà thơ tránh dùng lại, bởi nó gây cảm giác tác giả bí từ. Nhưng trong trường hợp này, Nguyễn Đình Di đã cố ý dùng lại một chữ mà ông vừa dùng. Sự lặp lại này phù hợp với chuyển động chậm dần đều của giấc ngủ. Nó giống như một viên sỏi rơi vào miệng giếng, rồi lặng chìm xuống đáy sâu. Nếu không có câu thơ này, cả bài thơ “Nói hộ bàn tay chai” sẽ khiến người đọc rơi vào cảm giác nhàm chán, cũ mòn (cliché). Câu thơ độc đáo trên có thể ví như cái huyệt trên “thân thể thơ” đang ủ rũ, ngái ngủ…, bất ngờ được tác giả điểm vào thật đúng lúc, khiến “toàn thân” bài thơ trở nên ấm nóng và chuyển động một cách khỏe khoắn.

 

Sự nồng mặn, thổn thức của tình yêu luôn là mạch sữa nguồn nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Đình Di. Chỉ có tình yêu thương mãnh liệt và trọn vẹn mới đủ lực kéo ông khỏi sự trần trụi, thô nhám của thực tại về với thi giới chiêm bao lung linh, u mặc của riêng mình. 

 

Tôi lạy hoa trặc trìu đừng thơm day dứt nữa

Anh sẽ nói được lời chưa kịp nói em nghe

Trong hương trặc trìu tóc bạc đã như mê” (Hoa trặc trìu).

 

Thế giới huyền hoặc và tuyệt đẹp ấy không xa vời, khó tìm kiếm, mà chính là những điều bình dị và rất gần gũi với mỗi con người:

 

Chỉ có mỗi điều giản dị

Cỏ xanh… mình cũng xanh đi”  (Cỏ ở phố).

 

Vẻ đẹp thơ Nguyễn Đình Di trong cõi chiêm bao khá đa dạng. Lúc tinh tế, mỏng manh như cánh ong bay: 

 

Sau gương

Có tiếng cánh vỗ

Có tiếng gọi nhỏ”  (Gương thu).

 

Khi sâu lắng, quấn quyện, rồi vụt sáng ở cuối bài thơ như ngọn nến: 

 

Câu thơ váng vất nguồn cơn

Đắng vào rễ cỏ cuối đường gọi hoa” (Bâng quơ chiều).

 

Lại có bài, ông chọn cách nói hồn nhiên như trẻ thơ:

 

Hào hển vít gió khoe

Nghe hạt hát đây này” (Tiếng cây).

 

Tôi đọc liền mạch năm tập thơ của Nguyễn Đình Di một cách mê mải, để thấy mình bị mê dụ vào những giấc chiêm bao. Trong năm tập thơ ấy, tôi ấn tượng nhất với bài thơ “Khấn gọi cây”. Bài thơ này in trong tập thơ “Giấc mơ cây”.

 

Khấn gọi cây

 

Cây quéo cửa nhà tôi

Của ông nội tôi trồng

Tôi đã đeo khăn tang cho nó ngày bố tôi mất

Bây giờ tôi nói gì khi phải chặt nó đây

 

Cây ơi!

Mày bằng tuổi em tao

Mày đã cho tao tiếng chim trong phố

Cho tao bóng xanh dịu đi nắng lửa

Cho tao quả ngọt để đẩy cái đắng khỏi lưỡi

Cho tao thao thức nghe lá rụng và

                   gửi được vào trong trang thơ một loài lá

                   chỉ chịu rơi khi nõn đã xanh đầy

 

Cây ơi

Ta bầy lễ ra đây

Thắp hương

Khấn gọi

 

Mày hãy về mọc trong trang thơ này

Hãy tỏa bóng mày che mát vết bỏng đêm của tao

Hãy gọi chim về hát trong nỗi nhớ của tao

Và mang quả chín của mày đặt vào tay ông nội

Cây ơi

Tao bẻ lưỡi cưa rồi vì sợ sẽ ngã cùng với mày

Khi nghe hồn cây đang nói lời của người sắp bị chặt.

 

Bài thơ “Khấn gọi cây” cùng với hai bài thơ “Lãng du” và “Những con chữ” đã đoạt Giải thưởng thơ hay tháng 11/2011 của tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam). Nét độc đáo ở đây là, tác giả dành hẳn hai khổ thơ đầu chỉ để liệt kê “lịch sử” của cây đã gắn với “lịch sử” người viết – nhân vật xưng tao – ra sao. Với giọng điệu bông lơn nhưng thân thiết và gần gũi, ông nói cho cây nghe thấy: mày bằng tuổi em tao; mày đã cho…; cho tao.... Và, đây là câu thơ đặc sắc, mang thần khí vực dậy hồn vía của tất cả những sự kiện tưởng chừng khô khan, đơn điệu vừa kể: gửi được vào trong trang thơ một loài lá/ chỉ chịu rơi khi nõn đã xanh đầy”. Khổ thơ tiếp theo là những khát vọng của cây xanh, của diệp lục, khát vọng sống của mọi sinh linh trên mặt đất. Câu kết bài thơ là sự hóa thân, đổi ngôi…, nói khác đi, chính là sự thức tỉnh của con người trước thiên nhiên: khi nghe hồn cây đang nói lời của người sắp bị chặt. Bài thơ “Khấn gọi cây” của Nguyễn Đình Di là một gợi ý cho chúng ta liên tưởng tới mối quan hệ sống còn giữa sinh thể và môi trường sống quanh ta.

 

Từ sự xuất hiện được đánh dấu với tập thơ đầu tay “Giấc mơ cây (2001), Nguyễn Đình Di đã đem đến cho thơ Hải Phòng và rộng hơn là thơ Việt Nam đương đại một giọng thơ đằm mặn và ám gợi. Chỉ tiếc rằng, những bài thơ có nền tảng vững chắc, có vỉa tầng chồng lấn, có ngôn ngữ tự sự hồn nhiên như “Khấn gọi cây” lại không nhiều. Thêm vào đó, về sau này, thơ ông có phần nào phai nhạt sự đắm mê, ngơ ngẩn và hồn hậu so với tập thơ trình làng. Tuy cấu tứ bài thơ và câu chữ một số tập thơ gần đây có chặt chẽ hơn trước, nhưng chính điều đó lại làm thưa vắng cái khờ khạo, vụng dại rất đáng yêu trong thuở sáng tạo ban đầu.

 

Những bài thơ hay trong năm tập thơ đã đến với nhà thơ Nguyễn Đình Di bằng nhiều nẻo của tư duy và cảm xúc, đôi khi bằng tiềm thức, vô thức trong quá trình sáng tạo. 

 

Chắc gì thơ tôi biết nghĩ

Chắc gì hồn tôi biết nhìn” (Khiếm thị).

 

Đó là lời tác giả nói với một bé gái mù. Cách ông luôn cật vấn, phản tỉnh, chính là thái độ sống của ông, với tư cách người cầm bút trước cuộc đời đầy âu lo, thổn thức chờ đợi này. Ông cũng đã nhìn thấy con đường xa tít trước mặt mà quỹ thời gian có thể không còn nhiều. 

 

Gánh số phận mình

Con chữ mơ mọc cánh bay giữa khoảng đặc giữa trời và đất” (Những con chữ).

 

Hình ảnh con chữ mơ mọc cánh bay giữa khoảng đặc giữa trời và đất khiến giấc mơ cứ bay mãi giữa mông lung thiên địa, không có điểm dừng. Tôi viết những dòng cuối của bài viết nhỏ này khi biết nhà thơ Nguyễn Đình Di đang phải vật lộn với căn bệnh hiểm nghèo. Cầu mong cho ông mau bình phục. Độc giả cũng đang lần theo từng câu thơ còn in dấu vân tay nhà thơ để chúc phúc an lành cho ông.

 

Trong mỗi ngón tay

Có một trái tim đang dịu dàng nói”  (Nói hộ bàn tay chai).

 

Cõi chiêm bao trong thơ Nguyễn Đình Di dẫn người đọc đến những miền trong veo tuyệt đẹp và níu giữ chúng ta ở đó mãi. Nơi ấy là cõi sống thật, cõi yêu thương và đắm mê.  

 

01/2016

 

__________________
[1] Trang Tử (369 – 286 trước CN): triết gia và tác gia Đạo Lão thời Chiến Quốc (Trung Quốc), tác giả bộ Nam Hoa kinh nổi tiếng, trong thiên “Tề vật luận” của kinh này có thuật lại giấc mơ Trang Tử hóa bướm, sau này được gọi là “Trang Chu mộng hồ điệp”.

(Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Nam_Hoa_kinh)

[2] Sigmund Schlomo Freud (1856 – 1939): nhà thần kinh học và phân tâm học người Áo, ông là người sáng lập ra ngành Phân tâm học.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Sigmund_Freud#Dreams).

 









 

 

 








BÀI KHÁC
1 2 3 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị