Thơ Mai Văn Phấn, một cách đi để đổi mới (phê bình) - Đình Kính

Thơ Mai Văn Phấn , một cách đi để đổi mới


 

Đình Kính

 

 

Thơ Mai Văn Phấn không dễ đọc. Nó không có chỗ cho sự ù lỳ, dễ dãi. Đọc Mai Văn Phấn, trước hết cần đồng cảm và sau đó là sự động não. Mang tâm lý cố chấp, tư duy một chiều và thói quen dị ứng trước cái mới khó tiếp cận thơ anh. Hành trình thơ Mai Văn Phấn là quá trình nhận thức và đổi mới phương cách thể hiện. Nếu ở Giọt Nắng (Hội văn nghệ Hải Phòng - 1992), Gọi xanh (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 1995) còn vấn vương với lối thể hiện một chiều, bộc lộ tự nhiên cái khả năng ban đầu trời phú, thiên về bản năng (điều đương nhiên và cần có ở một nhà thơ) thì đến Cầu nguyện ban mai (nhà xuất bản Hải Phòng - 1997) đã nhận ra sự manh nha trở mình trong thi pháp. Nó là sự giao thoa giữa mới. Tới Nghi lễ nhận tên và trường ca Người cùng thời (nhà xuất bản Hải Phòng - 1999) cùng với những sáng tác gần đây, ta bắt gặp Mai Văn Phấn trong một tư duy mới. Mới ở cách cảm cách nghĩ và cách thể hiện. Anh đã biết tự ý thức để nhanh chóng bứt khỏi giai đoạn bản năng, điều rất khó vượt qua, là cái ngưỡng dễ đánh lừa, là cái bẫy mị không ít người, để trở thành một nhà thơ đúng nghĩa. Nhưng quan trọng hơn lại ở chỗ, anh đã và đang gắng tạo cho mình một giọng riêng trong dàn hợp xướng khá đông đảo mang nhiều vẻ không gian phẳng hiện nay. Điều này đáng quý, bởi rằng có như vậy mới góp được cái gì đó, dù nhỏ, làm dồi dào nguồn lực và làm phong phú dòng chảy thi ca. Cái cần có và sự đóng góp ở mỗi nhà thơ chính là chỗ ấy. Thơ Mai Văn Phấn là sự bung mở trong dồn nén cảm xúc, nhưng không chỉ thế, nó là sự dồn nén cảm xúc có ý thức. Bởi vậy thơ anh là sự hòa trộn giữa cảm, giữa tình, giữa lý, văn hóa và học vấn.

Cách thể hiện của Mai Văn Phấn là khát vọng trong ý thức đi tìm cái mới, hay đúng hơn, anh muốn phản ánh, gọi tên các hiện tượng trong cuộc sống như nó vốn có. Cuộc sống đa chiều, thơ phải được gợi mở trong cấu trúc không gian đa chiều. Điều này không mới, như­ng hình như thi ca của ta vốn thiên về sự phẳng lặng, khúc triết, mạch lạc, lại chưa quen với lối tư duy này. vọng trong cơn mơ thành tiếng sét/ trên giường cũ/ cánh đồng rộng lại về/ mùi đất ải dâng mưa mù mịt/ quện vào mồ hôi chiếu chăn/ ... Tiếng kẹt cửa réo vang/ mở  một con đường (Tiếng kẹt cửa).

Từ tiếng kẹt cửa, có thể cùng lúc mở ra nhiều cảm xúc, nhiều liên tưởng lắm chứ!. Đó là lối tư duy "lộn xộn", đa phương, nhưng là tư duy thực, tư duy đời sống. Ký ức, những hình ảnh quá khứ, hiện tại, tư­ơng lai... có thể cùng lúc kết phối, ùa về và nhà thơ nắm bắt, thể hiện cùng lúc.

Thế giới và sự vật đâu đứng yên, nó chuyển động triền miên, chuyển động xoáy ốc, dâng cao, xiết vào, nhưng vẫn tuân theo một quy luật, một lô gích nhất định. Trong cái thế giới động đó, Mai Văn Phấn như thể bị ngợp, song anh vẫn tỉnh táo vùng ra, vùng ra trong nỗi đam mê hưng phấn cùng ý thức phải nhìn cho thấu, phải lý giải cho đúng và gọi đích danh sự vật. Đây là cuộc vận lộn không dễ dàng với chính mình và không phải không chịu thách thức. Mai Văn Phấn chấp nhận điều đó. Bằng nội lực ngôn từ mà anh biết điều khiển một cách dè kiệm, Mai Văn Phấn đang gắng khám phá cuộc sống, theo một vỉa riêng, bằng một lối riêng. Bởi thế cũng có nghĩa là "càng lên cao, đỉnh của nó càng gần với hình chóp. Nh­ư vậy diện tiếp xúc của nó sẽ ít đi" (MVP - Báo Văn Nghệ).

Thơ Mai Văn Phấn cũng như thơ của phần lớn tác giả thời đổi mới hình như không bị ràng buộc, lệ thuộc, không bị bó chặt, đóng băng trong một quan niệm nào đó. Nên thơ họ khoáng đạt, trí tuệ, cởi mở trong một không gian rộng thênh. Để đạt được điều ấy là cuộc hành trình không hẳn lúc nào cũng may mắn, nhưng là sự phô diễn cần thiết của ý thức, nhằm tạo ra nguồn mạch mới cho thi ca, trên cả hai phương diện, nội dung và hình thức: có không gian phẳng và cả không gian đa chiều. Trong một lần trả lời phỏng vấn về mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, Mai Văn Phấn nói: "Tôi không quan niệm quan hệ giữa nội dunghình thức như  rượu với bình, cơ thể với áo quần... Trong nghệ thuật, cụ thể là thơ ca, một hiện thực đời sống, một chớp sáng của quá vãng... được viết đi viết lại nhiều lần nhưng vẫn không làm sai lệch  nội dung, thì nó mới ở dạng chất liệu chứ chưa phải nội dung mang tính nghệ thuật đích thực. Thực ra, nội dung là cái chất liệu đã mang một hình thức đ­ược xác định và  hình thức không bao giờ tồn tại độc lập với nội dung của chính nó. Hình thức đích thực là khi thay đổi hình thức khiến nội dung cũng phải thay đổi theo, còn ngược lại là ngụy hình thức. Nội dung chính là quá trình hoán chuyển của hình thức vào nội dung".

Với quan niệm ấy, thơ Mai Văn Phấn chỉ chịu sức ép duy nhất: cảm xúc. Và tôi thích lối liên tưởng, không gò dây cương mà rượt đuổi, mở rộng biên độ cảm xúc nơi anh: Khai sinh/ Sau tiếng quạ kêu/ Ra đi không cưỡng lại/ Gói bọc được mở ra/ Sự băng hoại không thể cất giấu/ Thày lang đốt sách cuối vườn/ Tân dược trong kho đều quá hạn sử dụng/ Những phù thủy chịu hình phạt/ miệng bị đóng bởi những móc sắt/ ... / Khai sinh Mực đổ dưới chân và máu/ vón cục ở yết hầu, phế quản / Viết một nét lên trang đầu/ thấm suốt cả ngàn trang sách... (Biến tấu con quạ).

Cuộc sống không đứng lặng. Cảm xúc không đứng lặng. Tại sao câu chữ biểu kết cảm xúc ấy phải đứng lặng? Mai Văn Phấn, bằng lối viết của mình đã thiết lập được không gian cảm xúc trong thơ. Không gian ấy là trường lực, nhà thơ tạo ra nhằm "gây một áp lực", "một sự quyến rũ" đối với ng­ười đọc. Khuấy động trí nhớ/ Nơi bóng râm chôn chặt bóng râm/ Và mục nát khát cơn hỏa hoạn/ B­ước mộng du các vì sao/ Còn đó sương thưa bập bõm/ Lá đắng trườn qua than bỏng/ Trong hơi thở lá thông khâm liệm quả thông/ Ai đang cất hành trang khăn gói... (Nhịp điệu vẽ lối đi)… /... Võng nhện sương tan xé rách/ Lưỡi cỏ mềm tự do/ Mây trôi đi lấp vội/ Chân trời vừa mai táng bóng đêm/ Trong đất máu đã phục sinh/ Hoá nhựa non rưng rưng lá rụng/ ... (Linh hồn đã bay...)

Một nét đặc trư­ng của thơ Mai Văn Phấn là anh viết rất bạo. Trung thực với nhận thức và quan điểm của mình là phẩm chất đáng trân trọng ở người viết. Những con trâu gồng mình ngập đất/ Dây chão thời gian kéo căng/ Nổ tung nền đất cứng/ Lửa bốc cao từ những đám mây/ Vong linh được hỏa thiêu lần cuối/ Ai đang dang tay/ Nói mãi không thành tiếng/ ( Mùa hạ rất gần). hoặc: ... Trái chín bay chậm buông thõng/ hút lên sạch bụi rì rào/ Anh nhai lá khô ngấu nghiến/ l­ưng tròn khép lại vòng tay/ thảng thốt  nỗi sợ/ lỡ hi sinh bởi đốm lửa tàn/ Mọi góc tối đều linh thiêng/ Lời xưng tụng biết bao giờ đầy/ Tiếng ai lạ dễ thành ma quỷ... ( Hát từ đất)

Thơ anh không chỉ bạo, trung thực, có tình mà còn rất đời: ...chảy qua miệng anh/ mềm mại em/ sữa thơm hay cỏ non vừa  mọc... (Được quyền nghĩ những điều đã ước).

Nhiều câu kín đáo mà tế nhị: Chạm âm thanh em, môi anh vỡ trăm nghìn quả chuông khác nữa. Không gian mở ra những nếp gấp rộng thênh/ Con chim xoải cánh trong m­ưa, không ảo giác lao đầu xuống nước (Vòng cung thời gian).

Đọc Mai Văn Phấn ta bắt gặp cảm xúc thực. Thơ anh có nỗi đau, niềm trăn trở, sự ngẫm ngợi; và thơ anh là tâm trạng của một ý thức, một trách nhiệm. Tôi vẫn quan niệm rằng tính phản kháng là đặc thù của văn học. Phản kháng để con người thiện hơn, đẹp hơn. Thơ Mai Văn Phấn có điều ấy. Nhưng anh không rơi vào sự phản kháng vụn vặt. ý tưởng trong thơ anh đã vượt qua những bất cập nhức nhối thường nhật để có cái nhìn bao trùm, khái quát. Đó là thế mạnh. Có điều, giá như anh bình tĩnh, biết điều tiết để thơ mình mềm hơn, dịu hơn ! Phô bày những bức xúc, những cảm nhận là phải lẽ, là nhân cách. Song thơ ca, dẫu viết gì, viết thế nào cũng là viết về con ngư­ời và viết vì con ng­ười. 

Sự cách tân thi ca đầu những năm 30 của thế kỷ XX, thơ mới, đến nay đã trên 70 năm. Với lịch sử, thời gian đó chưa dài, nhng so với sự phát triển trên nhiều lĩnh vực, kể cả văn học, là quãng thời gian không ngắn, vậy mà đã ai qua được Thế Lữ, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu...? Đổi mới là nhu cầu tự thân của thơ. Cũng là xu thế và đòi hỏi bức bách của nhận thức ở từng giai đoạn. Đã đến lúc thơ cần có những giá trị mới, lành mạnh, phù hợp và hữu ích.  Vậy nên khuyến khích và cứ để cho thơ thời đổi mới phát triển tự nhiên, thiết nghĩ cũng là điều cần thiết. Không ai khác, thời gian sẽ là người làm vườn mẫn cán, công minh và sòng phẳng, biết đốn tỉa những gì không phù hợp.

Giới thiệu thơ Mai Văn Phấn không đồng nghĩa với việc phủ nhận lối viết khác mà chỉ với quan niệm rằng, dòng chảy thi ca chỉ có thể đa dạng, phong phú khi có nhiều nguồn mạch.

Đ.K

(Báo Người Hà Nội số 9, ra ngày 28/2/2003)

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị