Lộ trình thơ Mai Văn Phấn (phê bình) - Dương Kiều Minh

Lộ trình thơ Mai Văn Phấn


 

Dương Kiều Minh

 

Trước khi bước vào lộ trình thơ Mai Văn Phấn, ta không thể không nhận thấy áp lực từ bầu không khí văn chương vốn đã định hình, từng đẩy lùi những khái niệm cách tân vào những góc tối chỉ còn tồn tại dưới dạng tiềm ẩn, khiến cho cả những người ít ham muốn không thể cầm lòng trước những đổi mới của thơ Việt Nam đương đại.

Thơ của các nhà thơ xuất hiện sau năm 1975 (theo tên gọi của các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam) thảng hoặc có một vài ý kiến nhắc đến những khởi sắc, đổi mới... nhưng rồi bị chìm đi bởi những làn sóng ào ập của những quan niệm văn chương định sẵn. Trong bối cảnh đó, ta hãy đọc Mai Văn Phấn để cảm nhận một lộ trình cách tân trong thơ anh.

Mai Văn Phấn được bạn đọc và đông đảo giới làm thơ thực sự quan tâm, có lẽ phải lấy mốc là giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi thơ Tuần báo Văn nghệ năm 1995 (Hội nhà văn Việt Nam) mà anh đã giành vương miện. Nhưng thực tế sáng tạo, cách tân thơ của Mai Văn Phấn lại khác. Chính những bài thơ được trao giải lại không đại diện cho thơ Mai Văn Phấn trong thời điểm này. Và thực tế, giải thưởng mà Mai Văn Phấn nhận, đã làm nhiều người hướng đến thơ anh theo đặc điểm những bài thơ được giải, chứ không theo thực trạng sáng tạo của anh. Điều này là một trong những nguyên nhân tạo ra sự nghi ngại của người trong giới đối với sự cách tân thơ của Mai Văn Phấn, đặc biệt là đối với những sáng tác của anh trong những năm đầu thế kỷ XXI. Không ai có quyền trách cứ bạn đọc, nhưng sự thờ ơ lãnh đạm và lười nhác của những người cùng giới đối với sáng tác của nhau là không thể chấp nhận được. Đối với sự cách tân thì họ lại tăng cường thái độ gần như thù địch, hoặc khả dĩ hơn, là họ coi như một thứ dịch bệnh cần phải lánh xa.

Sự cách tân vốn nằm ở nhiều chiều kích của nghệ thuật thơ ca. Bất kể lộ trình của một nghệ thuật nào nếu không có sự cách tân tiếp nối thì đó là một nghệ thuật chết. Thơ của lớp nhà thơ xuất hiện sau 1975 (được xuất bản hoặc đăng tải trên báo chí...) thực sự chưa được đánh giá đúng với thực trạng sáng tác, đặc biệt chưa từng được thừa nhận như những giá trị mang tính cách tân. Nếu có sự đánh giá nào đó thì còn quá mờ thoảng, hoặc lại rơi vào phiến diện; và, nguy hiểm hơn có khi nhầm đối tượng... Và, cuộc cách tân thơ của  Mai Văn Phấn vẫn chỉ tồn tại ở dạng “hòn than cháy dở” như một hình ảnh trong thơ anh.

Dù có thể bất cập, nhưng tôi vẫn phân lộ trình thơ Mai Văn Phấn làm ba giai đoạn. Lý do bởi hình thức thể hiện thơ của Mai Văn Phấn có sự chuyển biến rõ rệt qua các thời kỳ. Nếu không tìm hiểu kỹ thời kỳ đầu, sẽ cảm thấy hụt hẫng và rời rạc khi tiếp xúc với thơ Mai Văn Phấn giai đoạn sau, đặc biệt là các sáng tác 5 năm trở lại đây.

Giai đoạn thứ nhất gồm những sáng tác thơ được xuất bản từ năm 1990 đến 1998; giai đoạn thứ hai là những sáng tác xuất bản năm 1999, nổi bật là trường ca Người cùng thời; giai đoạn thứ ba gồm những sáng tác từ năm 2000 với tập thơ Vách nước (xuất bản năm 2003) và những bài thơ gần đây.

Giai đoạn thứ nhất: đây là thời kỳ mở đầu của thơ Mai Văn Phấn, gồm những bài viết trong thập kỷ cuối của thế kỷ XX. Hình thức thể hiện trong giai đoạn này, từ nhịp điệu, kết cấu bài thơ... chưa vượt ngoài những hình thức giá trị ổn định của thơ Việt Nam nửa sau thế kỷ XX. Nhưng, Mai Văn Phấn đã chủ động, độc lập tìm tòi những ý tưởng, hình ảnh lạ, tạo nên sự độc đáo nhất định. Ngay những bài thơ lục bát đã bắt đầu hiển lộ:

“Cầm tay gió dắt vào đêm
Mà hồn xanh lỡ để quên cuối trời
Dấu chân xin cát chớ vùi
Cho ta niệm chắc ban mai lại về”
(Qua hoàng hôn)

Sự gửi gắm, tái sinh của tâm thức tiếp tục trường tồn qua thời gian, đó là gợi ý mà ta đón nhận từ những câu thơ này.

“Hương hoa giăng với tơ tằm
Ta hay con kén đang nằm trên nong
Bầu trời tựa cái chén không
Đem hồn ta rót cho hồng chân mây”
(Rượu xuân)

“Hồn mình dựa chốn mong manh
Rồi hư danh ấy cũng thành hư không”
(Kinh cầu ban mai)

Mai Văn Phấn đưa những hình ảnh mang tính biểu tượng “Ta hay con kén đang nằm trên nong ” rồi “bầu trời tựa cái chén không”, rồi “hồn mình dựa chốn mong manh”.... Những ý tưởng mang tính triết học đã trỗi lên trong những vần thơ lục bát du dương và rất uyển chuyển. Điểm này chúng ta không thể không lưu ý, khi đặt thơ Mai Văn Phấn trong thơ Việt Nam giai đoạn đó và kể cả sau này.

“Tán lá hiện ngôi nhà bình yên
Phía sau nằm úp một con thuyền
Lá rụng khi dòng xanh tưởng cạn
Con thuyền phía ấy lật mình lên”
(Chiếc lá)

Chiếc lá hay con thuyền? Con thuyền hay chiếc lá? Chiếc lá hay sức sống quật khởi? Bốn câu thơ của bài thơ 4 câu đã gợi lên một ý tưởng mở về một sự sống được trỗi dậy trong bài thơ này.

“Bất chợt vệt cánh chim bay qua
Hay quanh quất bóng mình sót lại
Cánh chim tựa que diêm quệt vào ngây dại
Ngọn lửa thiên thần nào có thể bén vào tôi”
(Cánh chim bay qua)

Kỳ lạ quá ! Một vệt cánh chim bay qua mà lại nghĩ là “bóng mình sót lại”. Không chỉ thế, sự liên tưởng tiếp theo càng độc đáo “cánh chim tựa que diêm quệt vào ngây dại”. Cánh chim và tuổi thơ là những hình ảnh thơ nhiều nhà thơ đã sử dụng; điểm sáng tạo ở đây là cánh chim như que diêm thổi bùng tâm hồn của tuổi thơ đầy ước ao bay bổng và cháy bỏng.

“Nỗi nhớ biến thành sương khói
Lá khô thoát xác bay lên
Tôi thì nồng nàn như đất
Để em linh ẩn chùa chiền”
(Thoáng thu)

Những chiếc lá khô trong thơ mang hình bóng của nỗi nhớ. Những làn khói bốc lên từ những đám lá khô gợi hình ảnh về đất. Nhà thơ ước mình như đất, còn em là chùa chiền linh ẩn trên đó. Tứ thơ không kém sự lạ. Cuối giai đoạn này, Mai Văn Phấn không thật ngoan ngoãn hài lòng với những cái đã định sẵn. Anh đã cắn toạc cái vỏ kén bao bọc và những bài thơ với hình thức mới mẻ, tự do, phóng khoáng đã ra đời. Những ý tưởng, hình ảnh thơ và sự tưởng tượng như con kỵ mã tung vó trên thảo nguyên mênh mông.

“Trái đất – căn nhà hộ sinh
Tiếng trẻ con chào đời truyền trong không gian xanh những dòng mật mã...”
(Màu xanh) “Ngoài vườn gió thu đang xéo lên tán lá
Phải tĩnh tâm để bàn tay hoang dã
Cúi nhặt từng chiếc lá rơi”
(Mơ thực)

“Gieo mình xuống phù sa
Bàng hoàng nghe tách vỏ
Ủ chân thật vào giữa
Chờ mùa xuân nảy mầm
(Chân thật)

Trái đất là nơi nương náu che chở cho sự sống. Một đứa trẻ mới ra đời, sự sống mới như tin mừngđược truyền vào không gian vô tận. Gió thu với những chiếc lá là dấu hiệu già nua, sự trở về cội rễ... Đó chính là ý nghĩa nhân văn nằm ngoài câu thơ. Sự tái sinh của sự sống thật hiếm qúy, chúng được hiện lên trong nín thở chờ đợi nâng niu. Để có sự tái sinh của sự sống cũng như của nghệ thuật thơ ca “mùa xuân nảy mầm” thì điều cốt tủy là phải “Ủ chân thật vào giữa ”. Sự “chân thật” là hạt nhân, nền tảng làm nên sự phong phú sống động của trái đất và của nghệ thuật.

Mai Văn Phấn luôn khát vọng mở toang cánh cửa vào thế giới con người. Anh đã trực cảm xây dựng những hình ảnh thơ với nhiều sắc độ cung bậc khác nhau hướng tới những cánh cửa hữu hình và vô hình.

“Giờ tôi đứng lên bằng đôi chân con dế
Trên ngọn cỏ mềm lướt đi nhè nhẹ
Cố gọi lên bằng tiếng loài người
Lỡ qua cửa rừng không ai nhận ra tôi”
(Ngủ quên trong rừng)

“Đến lượt những ý tưởng của tôi giữa đầm lầy khắc khoải
Thèm một nắm đất ai ném trước mặt
Để choảng tỉnh thấy mình thành  con vịt ngẩn ngơ”
(Lẩn thẩn lúc chăn vịt)

“Ký ức tuổi thơ hun hút xa như chiếc vòi rồng
(...)
Giờ nỗi cô đơn lại sà xuống vần xoay tựa chiếc vòi rồng
Đang muốn hóa thân tôi thành cát bụi
Mặt trời chiều hay  trái cây chín vội
Rụng xuống lòng mình
                               Trĩu nặng
                                            Trần gian”
                                                      (Cát bụi và tôi)

Khát vọng dâng hiến, khát vọng sáng tạo thường trực trong mỗi bài thơ, đã làm xuất hiện nhiều hình ảnh khác lạ, sống động trong những không gian thơ đa chiều, riêng biệt. Hình như ẩn giấu một điều gì đó, ở đâu đó qua các thời đại, cứ mãi mãi kiềm giữ, có lúc đã từng hủy hoại những khát vọng muốn được bày tỏ, hiến dâng cùng sáng tạo của những con người nhiệt huyết, ôm bầu nhiệt huyết băng qua sa mạc của người đời; ở đấy chúng được lật lên bằng những hình ảnh mùa vụ và đất đai. Sự gieo vãi những hạt giống luôn luôn là biểu tượng của khát vọng loài người về sự sống sinh sôi xuyên từ Đông sang Tây, từng được thể hiện không chỉ trong nghệ thuật mà cả các tôn giáo lớn trên thế giới hàng mấy ngàn năm nay. Biểu tượng của khát vọng này được tái sinh trong những đoạn thơ sau:

“Đất đai - người đàn ông nằm ngủ
Mắt khép một vùng cửa sông
Hạt hạt phù sa mê man bên gốc rạ.Da thịt râm ran từng cơn trút lá
Heo may! Heo may! Heo may!
Phía sau giấc mơ bồi hồi tàn lửa.Những đám cháy bò lan bùng lên điệu múa
Thức dậy người đàn ông
Trên ngực còn vương tro than của mùa đốt đồng.”
(Sau mùa gặt)

“Tôi chếnh choáng rỗng không chiếc hũ
Đợi những mùa vàng rạo rực hiến dâng”
(Tự thú trước cánh đồng) “Tôi hay con cá vừa trườn qua khe đá
Vội hớp lấy những bọt mưa phùn giăng kín mặt sông
(Dấu hiệu mùa xuân)

“Cùng góp với ai ngọn lửa
Dẫu là mình thành lá khô”
(Anh về)

“Ta thèm một lần nhân danh đất đai”
(Khúc phóng túng)

Và đây là hình tượng phóng dụ khát vọng, một trong những hình tượng có tính toàn mỹ về cách tân thi ca của Mai Văn Phấn, khi nhà thơ phóng chiếu tâm tưởng vào vũ trụ:

“Tôi thổi vào lòng ống sáo tối đen địa ngục, để tìm ra bảy lối tới thiên đường: Đồ-RÊ-MI-FA-SON-LA-SI”  (Viết cho cây sáo).

*

Đặc trưng thơ Mai Văn Phấn ở giai đoạn thứ hai tập trung ở trường ca Người cùng thời. Trường ca này chứa đựng tất cả các hình thức thơ anh đã sáng tác trước đó, đồng thời cũng xuất hiện ở một số chương những hình thức thơ mới, những cấu trúc câu, nhịp điệu, ý tưởng khác biệt, những kết cấu mảng khối bị phá vỡ... Có những chương mà hình thức thơ là những từ nối tiếp không có dấu chấm, phảy, xuống hàng, duy nhất còn lại là những ký tự vang lên như những câu hỏi mang theo thách thức. Trường ca gồm 10 chương, chương I: Nhóm lửa, đến Chương X: Phía trước bàn chân. Phần giữa có 3 chương với tiêu đề: Cộng hưởng I, Cộng hưởng IICộng hưởng III làm thành những trụ cột của ngôi nhà Người cùng thời. Đây là một ý đồ mới mẻ của tác giả trong trường ca này. Trong chương cuối của trường ca, nhà thơ đã dựng lên những ý tưởng chủ đạo:

“Ở giữa thiên nhiên ngỡ trong lòng mẹ, giây phút bình yên cho ta thêm lặng lẽ, tạm biệt những sắc nhọn tinh khôn để cảm nhận mình đẹp như bào thai, mới như phôi thai.
Khi đôi môi ngậm vào bầu diệp lục hít thở non tươi thanh sạch, ánh sáng tràn qua những hốc sâu. Nghe rân rân những mạch sông Mê Kông, sông Hồng, sông Mã... Lịch sử cùng cuộn chảy với bao mạch ngầm tha thiết ngàn sau... Nối vào ta tựa những cuống nhau, những chùm rễ cái.

Những bờ vai thức dậy và bắt đầu chuyển động. Nghe thầm thĩ tiếng phù sa vỗ về dẫn dắt từng con nước, hay lòng tay các vua Hùng giản dị dưới lòng sông.
Tiếng sét trong cơn mưa đóng dấu bàn chân hay nghi lễ cho ta nhận mặt. Mây êm ái bay qua khoảng không thơ ngây vừa được cắt rốn. Xin thấm đẫm ơn sâu các dòng sông đã đem ta vào thế kỷ sau!

Từng cung bậc trong các Cộng hưởng đang mở những bàn tay vào không gian phía trước. Cùng thời với cả những người chưa kịp sinh ra mà gương mặt đã hiển hiện trong vòm cây, bóng nước. Cùng thời với cả những người đã chết bởi những từ ngữ hằng ngày ta vẫn thường gọi đến tên nhau.

(...)
Khắp nẻo không gian đã giãn ra cho tiếng trẻ con đồng thanh trong lớp:

Muôn năm con người! Muôn năm thiên nhiên!”

Cũng không sai khi nói rằng đó là tuyên ngôn thơ Mai Văn Phấn. Sáng tạo của anh xuyên suốt với tinh thần cao ngất “Muôn năm con người! Muôn năm thiên nhiên!”. Cùng tư tưởng lớn này, một loạt hình ảnh truyền tải những suy tưởng về cội nguồn, về dân tộc, về Tổ quốc thông qua hình tượng Trống đồng và những biểu tượng quen thuộc của quá khứ đã được tấu lên trong một bản hoà tấu hùng vĩ, lúc vang dội, khi hiện hình, khi thúc gọi:

- “Mỏ nhọn con chim nào vừa mổ vào ban mai
Lại lặng lẽ nằm yên trên mặt trống
Bao bình minh sinh ra có hình bọc trứng
Hoàng hôn nào mang khuôn mặt Âu Cơ ?”

- “Hình bóng tổ tiên bén vào rơm rạ”

- “Mỗi miền đất đều căng thành mặt trống”

- “Hình Tổ quốc ngàn năm đóng đinh vào ký ức, mang nét  vẽ dáng tổ tiên ta đội nón đứng bên trời. Giờ Tổ quốc cùng tôi mỗi buổi sớm lại tưng bừng tái hiện...”

- “Biển tựa mặt chiếc trống đồng vừa mới đào lên”.

- “Tiếng thở dài bay đi lớp bụi thời gian, ta sửng sốt thấy hồn vía tổ tiên trong nét hoa văn đình làng, trống đồng, ngọn tháp...  Những thân phận khóc cười đêm ngày làm kén ở hồn ta. ”

- “Ra triền sông ngắm hồn tổ tiên
 Thả xuống nước tro than, áo tơi, nón mê cùng gạo muối.
Nước biển dâng lên đón nước nguồn chảy tới
Tương lai đến tìm ta bằng con sóng vồ vập oà lên”

- “Tiếng chuông mùa xuân ấp lên vòm ngực âm u hang động, vọng tiếng tổ tiên khàn đặc gọi tên mình”.

- “Bàn tay săn bắt và hái lượm tìm đường lên vì sao và xuống các đại dương”.

Những dẫn chứng trên cho thấy hình tượng về cội nguồn, về tổ tiên giống nòi của người Việt Nam chúng ta được nhà thơ liên tưởng với nhiều hình ảnh thơ, với những trường đoạn và những cảnh tượng khác nhau, chúng khẳng định sự truyền nối sức sống bất diệt của giống nòi. Khát vọng của tổ tiên vẫn còn hắt sáng đến hôm nay; và, khát vọng của người thời nay vang dội lại cội nguồn. “Trong tiếng dội âm thanh đô thị, trái tim lại tru lên tiếng gọi đơn âm thời hồng hoang tiền sử, biến thân xác ta thành đảo xa, vách đá, rừng hoang... ” hoặc “Hạt giống để dành được gieo vãi. Ta cũng gieo vãi vầng trán ta vào chân mây hy vọng”, “Những mặt người thắp trên mặt sóng”, “Muôn mép chân trời có bàn tay người xưa và người nay níu giữ”. Trường ca Người cùng thời được kết cấu bởi 10 chương, với dung lượng lớn. Mỗi chương của trường ca được nhà thơ triển khai theo những mạch vỉa trong không gian và thời gian được dịch chuyển biên độ rộng lớn. Những vỉa mạch nổi bật như tôi vừa nêu được nhà thơ chú tâm dùng những hình ảnh và liên tưởng khoáng đạt, ý tưởng hướng tới một tương lai khả định dựng lên một cảnh tượng mang tính hiện thực hoành tráng, lý tưởng đã khép lại trường ca này.

Khắp nẻo không gian đã giãn ra cho tiếng trẻ con đồng thanh trong lớp:

Muôn năm con người! Muôn năm thiên nhiên!”

Hình ảnh lý tưởng cuối cùng đã đẩy bản trường ca mở cửa sang một đời sống mới, một thế giới lý tưởng khác. Và thực tế, đang ngân vang một bản trường ca mới tiếp theo.

*

Theo sự quán tưởng của tôi, những bài thơ được sáng tác từ năm 2000 đến nay, đây là thời kỳ sáng tạo đầy tự tin của Mai Văn Phấn. Lộ trình sáng tạo thơ ca của anh ở giai đoạn này đang cuộn chảy xối xiết. Những hình thức thơ đã được ấn định trước đây giờ bị dỡ bỏ không ngần ngại. Có cảm giác như không còn một dấu vết nhỏ, từ việc cấu tứ, hình ảnh, liên tưởng, kết cấu cho tới việc dùng từ vựng. Ta hình dung thấy một miền đất mới hoàn toàn, với những quy hoạch, kiến trúc và vật liệu mới. Cái đập mạnh gây ấn tượng là những ý tưởng, liên tưởng, tưởng tượng và hệ thống ngôn ngữ cách biệt và có lúc trái nghịch với lối thơ đang chế ngự trên diễn đàn hiện nay của nước ta. Quả thật, thực hiện cuộc cách tân này của Mai Văn Phấn trong bối cảnh sáng tác thơ ca của nước ta như hiện nay, là một hành động dũng mãnh phi thường. Tôi mường tượng thấy thơ ca Mai Văn Phấn như con tuấn mã đang lao đi vun vút như tên bắn, hai bên sườn gió thổi ù ù. Phía trước là chân trời, là đồng cỏ và trời xanh vô tận. Cuộc kiếm tìm hay là sự rượt đuổi ráo riết? Số phận ư? Khát vọng ư? Và những câu hỏi cứ được sinh ra tiếp nối sau những câu thơ của Mai Văn Phấn.

“Nỗi khắc khoải không còn ý nghĩa
Sự đổi thay vượt quá sức mình
Chưa kịp đắn đo, chưa kịp tưởng tượng
Đã chìm trong mưa, đã cuốn theo mưa”
(Từ hạt mưa)

“Từ tưởng tượng
Và niềm khát vọng
Tôi rút những mũi tên
Ra đi tìm đích cho ngày
(…)
Khi cúi xuống dưới chân hoàng hôn
Thấy bóng tối đã xếp dày hơn trước
Chợt phát hiện thấy rất nhiều lỗ thủng
Những ngọn đèn vừa thắp trên sông”
(Mũi tên bóng tối)

Những sáng tác mang tính cách tân cao độ của giai đoạn này được phát triển theo sự định hướng của lý trí “tỉnh táo tột cùng” đúng như tiêu đề một bài thơ mà tác giả đã gọi. Mai Văn Phấn hoàn toàn chủ động với cương lĩnh thơ ca cụ thể của mình.  Nhà thơ ý thức rõ rệt  được điều gì sẽ xảy đến, sẽ tiến triển như thế nào.

“Chỉ khi  một cánh chim hay tia sáng ngôi sao vô tình nào bỗng xuyên thủng lớp vỏ kia bí ẩn, hay hạt giống được chạm vào dịu nhẹ ngón tay của mưa xuân, mọi trật tự và quan niệm sẽ khác.” (Giải pháp)

Đoạn thơ này không thuần tuý nói về sinh trưởng của hạt mầm thành cây, mà chính là  quan niệm về nghệ thuật thi ca của Mai Văn Phấn. Sự thay đổi mãnh liệt, cơ bản về quan niệm thẩm mỹ đã tạo cho thơ ca một tinh thần mới, gây nhiều bất ngờ, thú vị...

“Từ một điểm bất kỳ tới chỗ con mèo chơi với miếng giẻ lau là đường chân trời. Mặt đất đang dần co lại. Vòm thời gian cong quá sẽ vỡ (…). Nơi mũi tên rơi, mặt đất rung lên đẩy ta tới một đích khác” (Vòng cung thời gian)

Hoặc quan niệm nói trên được đẩy cao hơn với tốc độ nhanh chóng mặt “Biết ai  vừa nảy ra ý định xếp tất cả những suy tư kia thành đồ chơi” (Những ý nghĩ không sắp đặt).

“Cánh bướm nặng nhọc nâng mặt đất trầm mặc sũng ướt lên cao (…) vọng lên mặt cỏ rân rân tiếng động mùa xuân nơi nơi mù khói nứt nẻ dưới gót giày trẻ con mở viện bảo tàng khổng lồ (…)”.”Đó là thời khắc rất khó phân định rạch ròi giao mùa trên vai người lái đò tự đẩy mùa xuân lại phía sau mà không biết”(Mười bài tập mùa xuân).

Song hành với tỉnh táo tột cùng ở đời sống thực, người đọc còn được chiêm nghiệm một đời sống khác nữa trong những giấc mơ dài của Mai văn Phấn. “Cứ thương anh sao mơ nhiều, mơ lâu quá” (Bây giờ mưa phùn). Những giấc mơ ấy là thế giới ảo, âm bản, suy niệm... Phía sau chúng hiện rõ vời vợi khát vọng đổi thay, sự hưng vượng, một thế giới nghệ thuật đạt đến toàn bích, trong đó con người với đời sống của nó và thiên nhiên được hoà quyện và phát khởi.

“Bóng những chiếc ghế, hàng cây, ngọn tháp…
Trốn màn đêm đi tìm ước mơ
(…)
Những giấc mơ cố vùng vẫy đến tận cùng sự thật”
(Phía sau ánh sáng)

‘Đang tan vỡ bao giấc mơ lộn ngược
Trong nước mưa mát lành – phồng nở – rền vang”
(Biến tấu đêm mưa)

“Đây ngó sen vời vợi đáy hồ
Kia lũ trẻ trần truồng chạy vào tôi hơn bốn mươi năm trước”
(Mũi tên bóng tối)

“Những mái rạ chồng lên nhau thở dốc
Mặt đất nôn nao mở miệng sông hồ
Mùa thu chạy vào nỗi niềm thâm căn cố đế
Hơi nóng râm ran truyền lên thịt da
 (…)
Khi mùa thu thoát ra qua mắt sâm cầm”
(Quyền lực mùa thu)

Sự liên tưởng phóng khoáng của tưởng tượng tạo nên sức quyến rũ và ngoạn mục của hình ảnh và ngôn từ, biên giới của những không gian và thời gian thơ nới đẩy hết kích cỡ. Câu thơ và bài thơ không bị trói buộc cầm tù trong bùn lầy nước đọng rêu mốc của các thói quen sáng tạo hiện thời, thoát ra khỏi sự gò gẫm rập khuôn đã từng tạo nên sự sáo rỗng nhàm chán một thời. Bằng sự cách tân của mình, thơ Mai Văn Phấn là sự tuyên cáo về cái “khô chết” của các nhà thơ đang tự ngâm vịnh gặm nhấm sự còi cọc của mình. Thơ Mai Văn Phấn là cuộc tổng diễn tập lớn với những bài thơ phóng ra những ý tưởng, hình ảnh khoáng hoạt, cường tráng và mạnh mẽ. Sự mạnh mẽ của nội lực các câu thơ đã xé rách, lướt qua những tấm mạng vô hình của những thói quen cũ.

- “Mùa hè vẫn còn ngự trên ngọn cây, trong các xó xỉnh
Chiếc bình gốm đã ngồi luyến tiếc mùa sen
(…)
Chỉ chiếc lá chưa vàng vẫn một mực khăng khăng:

 - Những gì chưa đến thì đừng có nói!” 
(Đầu thu)

- “Anh thu mình bay vào vô tận
Ngọn tháp dâng cao giác quan nhiều chiều
(…)
Thoáng bóng ông bà trong khói cơm thơm làm ta bật khóc
(…)
Sự thật làm con chữ nhảy ra không thể thu về
Càng tự tin tỉnh dậy nhìn biểu tượng ngập trong miệng lửa
(Nơi trời rộng)

- “Những giọt rượu vẽ lại hạt giống
(…)
Quanh hạt cơm vô tình rơi vãi
Mang lỗi lầm hình trái chín”
(Đối thoại với thời gian)

-“Những bức ảnh thiếu sáng, những trái cây chín ép và giấc mơ rụng cánh trước cơn mưa, chầm chậm trôi ngược dòng ký ức.
(..)
Những linh hồn đứng vào góc mở ánh sáng khác, trong tiếng rên của giọt sương mới, dè dặt vụng về gõ cửa những nguyên âm”
(Bức ảnh, trái cây và giấc mơ)

Để biểu đạt nhịp sống sôi động, phong phú, phức hợp của đời sống hiện đại, Mai Văn Phấn đã sớm khai thác có chọn lọc những hình thức nghệ thuật thi ca tiên tiến. Do vậy đời sống phồn tạp hiện lên trong thơ anh với nhiều góc nhìn, giúp ta nhận chân sự thật đầy đủ nhất, ngoài ra còn mang giá trị tiên tri, dự báo.

-“Không gian đặc tiếng sấm câm mọi chuyển động bây giờ vô nghĩa sự sống khác bắt đầu nhú khỏi bề mặt cứng vô cảm”
(Niệm khúc số 18)  

-‘Đâu đó thật gần. Những tấm gương lớn vừa được dựng lên phản chiếu mọi chuyển động của thành phố”
(Những tiếng nổ nhỏ)

- “Những thửa ruộng kia đang vươn lên che chở những ngôi nhà”
(Cấu trúc tạm thời)

- “Cánh đồng trên đầu vừa mở cho tiếng vọng
    (…)
Có ai đặt vào tay khoảng lặng im vụn rời như nắm thóc

    Lời ca chống những cặp môi lên ẩm ướt cả không gian”
(Thời vụ)

- “Dòng sông vừa chảy vừa sinh nở”
(Đất mở)

- “Vọng trong cơn mơ thành tiếng sét
trên giường cũ
mặt đất rộng lại về
mùi ruộng ải dâng mưa mù mịt
Quyện vào mồ hôi chiếu chăn”
(Tiếng kẹt cửa)

-“Thấy nghĩa địa lặn đi thành vết sẹo
Thấp thoáng người xưa tỉnh lại cấy cày
(…)
Tôi gượng dậy giữa cánh đồng rộng lớn
Có con nước cường chảy dọc sống lưng”
(Hồi sinh)

“Nơi mắt em nhìn đang mở ra những chiếc hài
Cho tuổi thơ chân đất của anh”
(Gương mặt em)

- “E ngại bàn chân giẫm phải hoàng hôn (…) trên cỏ xanh kia ta được sinh ra và ủ ẵm bằng nhiều quan niệm (…) cỏ lừng lững dựng lên trước ta uy hiếp (…) giờ chỉ còn ngữ nghĩa mới điều khiển được chúng, nhưng mọi khái niệm đã bị lu mờ (…)

Người ta nói, dòng sông kia đã được tiệt trùng. Tôi thận trọng thanh tẩy bằng những hương liệu quý. Lội xuống, nước đến đâu cơ thể tôi bầm đen đến đó, rồi mọc ra những sợi lông vũ. Thế là nửa người trong nước hoá thành chim. Nhưng tiếng hót phải thoát qua vòm họng và lưỡi. Từ đấy, miệng tôi luôn chống lại quán tính của phần bầm đen trong nước đã ngập chìm” (Di chứng)

- “Thoáng khuôn mặt vợ con trong khoảng lặng những  quảng cáo thương hiệu (...). Nhiều hình nhân cử động trong ký ức không rõ mặt, hắn cho tôi tùy nhận, không cần bắt thăm” (Đến trong ý nghĩ)

Hình thức thơ mới này đã tiếp cận đời sống và sự vật bằng một trực giác vô cùng mạnh mẽ. Nó trực tiếp xuyên thấu sự vật hiện tượng gọi ra đúng bản chất và tên gọi. Nó chống lại những thói quen lười nhác đã tạo thành quán tính mang tính di truyền trong tư duy thi ca và trong đời sống của chúng ta.

“Đừng gượng dậy nói về lòng tin và niềm hy vọng
khi qua khe cửa hẹp
gió biển đang bắn vào từng mũi tên mát rượi”
(Tỉnh táo tột cùng)

“ Đám mây tự do ngùn ngụt bốc hơi từ lồng ngực. Tràn qua con sông vắt ngang thành phố. Sông cuộn chảy quanh co rồi duỗi lòng thẳng tắp”.
(Em ngồi trong phòng)

Đọc những sáng tác mới của Mai Văn Phấn quãng thời gian dăm năm trở lại đây, tôi cho rằng độ chín trong tìm tòi sáng tạo thơ của anh đã đến mùa tụ quả. Đặc trưng rõ nét nhất thơ Mai Văn Phấn là trong những sáng tác khoảng vài ba năm gần đây. Chúng hội tụ được toàn bộ những phẩm chất mạnh mẽ trong năng lực sáng tạo của anh như sức tưởng tượng phong phú, ý tưởng và hình ảnh lạ, sự quả cảm trong việc phá vỡ kết cấu bài thơ và câu thơ đã từng được ổn định trong phần lớn những tác phẩm đương thời. Điểm cốt tử trong thơ Mai Văn Phấn là đẩy đến tận cùng, thậm chí cực đoan và tạo ra sự trái nghịch trong cách nhìn và trong cảm thụ nghệ thuật.  Cả những hệ thống ngôn ngữ từng bị né tránh cũng được anh sử dụng như một phương tiện hữu hiệu. Tính phóng đại quá kích của trí tưởng tượng với những hình ảnh âm bản và kết cấu lệch đã tạo ra lối cảm thụ hoàn toàn mới mẻ. Dưới hình thức thơ mới này, Mai Văn Phấn đã cho phép chuyển tải toàn bộ những gì xảy đến trong đời sống hôm nay đang cuộn xiết với một cường độ cao đang diễn ra 24/24 giờ mỗi ngày. Do vậy, nhiều khi ta thấy từ mỗi bài thơ hằn lên những vết bầm tím của thời đại. Tác động tổng lực của mỗi bài thơ đến với người đọc, đằng sau nó là cả một giấc mơ dài. Giấc mơ hay là sự phiêu du của những ý tưởng trong thế giới tưởng tượng của thi sĩ. Chúng hòa quyện  làm một trong một thể thống nhất.

“Tôi ngước lên dòng thác màu tím nhạt từ bông hoa đang dội xuống ngực mình. Không phải ai đi qua mùa hè cũng được vô tình tắm gội.
   Vực thẳm của bóng cây khi chiều xuống càng hun hút và rợn ngợp. Biết có ai dìu những bông bằng lăng bé bỏng đi đâu.
(...)
 Khi mưa xuân đem theo bao hứa hẹn để lấp đầy miệng vực, tôi sẽ thay những bông hoa kia làm nhân chứng hôm nay.
(Hoa bằng lăng).

*

Dù không tự tin lắm, tôi đã tạm thời phân định ba giai đoạn sáng tác thơ của Mai Văn Phấn. Giai đoạn đầu, những ý tưởng, hình ảnh lạ và táo bạo còn bị chìm khuất trong cách thức những bài thơ sáng tác theo lối thơ đã được ấn định sẵn. Mặc dù, theo tôi những ý tưởng đặc sắc nhất, bao trùm nhất của thơ Mai Văn Phấn giai đoạn sau này, đã được khởi lên từ những sáng tác giai đoạn đầu, như: sự tái sinh, tái sinh (qua biểu tượng gieo hạt và mùa vụ), sự hòa nhập giữa con người và thiên nhiên, cuộc rượt đuổi số phận và nghệ thuật, trí tưởng tượng phong phú nhiều chiều với những ý tưởng hình ảnh lạ... Giai đoạn thứ hai, nổi bật là trường ca Người cùng thời  như tôi đã đề cập ở trên. Nhưng, những phần thơ theo lỗi cũ còn chiếm dung lượng quá nhiều làm giảm đáng kể hiệu quả của trường ca này với những vấn đề của thời đại vô cùng lớn lao và mới mẻ như chương cuối đã nêu bật. ở chương một, tôi thấy thoáng xuất hiện dấu hiệu đối thoại thơ, nhưng rồi mất hút không thấy tái hiện nữa. Chính hình thức đối thoại thơ sẽ nâng trường ca này lên một tầm mức khác, và nhất quán với phong cách thơ Mai Văn Phấn ở giai đoạn sau.

Gần đây, nhân một lần đàm đạo thơ với Mai Văn Phấn, tôi hỏi anh: nếu nói một câu về quan niệm sáng tác hiện thời của mình, anh nói gì? Anh trả lời: Tính khách quan và tính hài. Quan niệm này của anh được thể hiện rõ rệt và đậm đặc trong những sáng tác mới.

Phải nói rằng, năng lực tưởng tượng đã đẩy thơ Mai Văn Phấn phá bung những rào cản định kiến trong sáng tác của người đương thời, sự tưởng tượng này được phương trưởng trên  nền tảng của lý trí “tỉnh táo tột cùng” (tiêu đề một bài thơ của MVP). Do vậy khuynh hướng nghệ thuật những sáng tác thơ mới của anh đã quán chiếu toàn bộ những ý tưởng, hình ảnh, cho đến sự quan sát, cảm nghiệm, chiêm nghiệm đời sống bằng ánh sáng của lý trí. Đây là điểm mạnh, trội vượt trong sáng tạo thi ca của anh. Còn sự nghi ngờ của người đọc, của đồng nghiệp thì thật chẳng đáng kể gì đối với những cuộc vượt đuổi trong lộ trình cách tân nghệ thuật thơ ca.

”Đó là thời khắc rất khó phân định rạch ròi giao mùa trên vai người lái đò tự đẩy mùa xuân lại phía sau mà không biết” (Mười bài tập mùa xuân).

“Khi mưa xuân đem theo bao hứa hẹn để lấp đầy miệng vực, tôi sẽ thay những bông hoa kia làm nhân chứng hôm nay.” (Hoa bằng lăng).

Hà Đông, cuối Xuân Bính Tuất 2006

D.K.M

(Tạp chí Cửa Biển 5/2006/ (Báo Văn Nghệ số 34, 26/8/2006)

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị