Thơ sinh ra để nói về niềm hy vọng của con người (phê bình) - Văn Giá

Thơ sinh ra để nói về niềm hy vọng của con người



PGS.TS.Văn Giá tại Hội thảo thơ Hải Phòng, 2011

 

Văn Giá

 

 

Tôi muốn nói về thơ Mai Văn Phấn. Có những điều do nói quá nhiều dễ trở nên sáo ngữ. Với Mai Văn Phấn, tôi thấy điều mà tôi đang nói: “Thơ sinh ra để nói về niềm hy vọng của con người” bỗng hiện lên thật sống động, có hồn vía, hình hài rõ rệt. Trong tính toàn thể, nhất quán, thơ Mai Văn Phấn đã cất lên những niềm hy vọng mãnh liệt và cảm động của con người. Hy vọng làm nên sự sống, thăng hoa sự sống. Tắt hy vọng, nghĩa là sự sống cũng lụi tàn. Và hy vọng cũng chính là sự sống. Biểu hiện thì đa dạng, nhưng đích đến quy chụm. Mai Văn Phấn đã thi triển tư tưởng này một cách nhất quán, nồng nhiệt, càng về sau càng sáng tỏ.

 

1. Cái Đẹp là sự sống phồn sinh và hóa sinh bất định

 

Thế giới thơ Mai Văn Phấn khá bề bộn. Bề bộn về số lượng: 370 bài (Thơ tuyển Mai Văn Phấn, NXB HNV, 2011). Bề bộn về ý tưởng. Bề bộn về thi ảnh. Bề bộn cả về thể điệu: lục bát, đường luật, tự do, thơ văn xuôi, trường ca. Lại đi qua ba quãng tính từ những bài thơ đầu tiên cho đến hôm nay. Thế nên, để gọi ra được “khuôn mặt” nhà thơ Mai Văn Phấn với tất cả những nét đặc sắc riêng quả là một thử thách đối với bất cứ ai. Riêng tôi, nhiệm vụ của bài viết này sẽ cố gắng đi trả lời mấy câu hỏi: Thứ nhất, quan niệm thẩm mỹ của Mai Văn Phấn là gì? Thứ hai, những hình ảnh nổi bật trong thế giới thơ Mai Văn Phấn thể hiện sắc nét nhất cái quan niệm thẩm mỹ đó? Và cuối cùng, những ngón nghề đặc sắc nhất trong cách làm thơ của nhà thơ? Đặt ra những câu hỏi ấy, tức là đặt ra một logic về tư duy sáng tạo ở nhà nghệ sĩ mà người làm công việc nghiên cứu phê bình không thể né tránh. Bởi vì, mỗi một nghệ sĩ sáng tác phải có được một quan niệm xác định về Cái Đẹp để dựa vào. Nếu không có quan niệm này, mọi cái viết của anh sẽ tản mạn, phát tán, không có khả năng định hình, được chăng hay chớ, nghĩa là không có tính thống nhất. Tiếp nữa, vậy khi đã có được một quan niệm thẩm mỹ rồi thì nó chi phối hệ thống thi tứ, thi ảnh của nhà thơ như thế nào, anh bén nhạy với những gì, lựa chọn những gì để làm nên cái riêng đặc sắc trong sáng tạo của anh. Và cuối cùng, tất cả những sáng tạo đó được biểu đạt qua một/hơn một thủ pháp nghệ thuật nào làm chủ đạo? Logic này cho phép chỉ ra được những nét riêng độc đáo trong sáng tạo của mỗi nhà thơ. Cái “khuôn mặt” riêng của nhà nghệ sĩ, nhờ vậy sẽ hiện lên một cách độc lập, không lẫn. Cũng nhờ vậy, đóng góp của mỗi nhà thơ sẽ là, và chỉ là những cái riêng độc đáo đó trong/vào đời sống nghệ thuật chung của dân tộc.

 

Toàn bộ thơ Mai Văn Phấn đã dựng lên một thế giới phồn sinh hóa sinh bất định.

 

Biểu hiện đầu tiên của nó là thế giới phồn sinh, được tập trung vào hai khía cạnh: phì nhiêu sinh nở.

 

Trước hết, đó là một thế giới phì nhiêu, nhiều tầng, nhiều cá thể cộng sinh chen chúc đầy hoan lạc, tựa như cánh rừng nhiệt đới vậy. Đọc thơ Mai Văn Phấn thấy sự có mặt của rất nhiều không gian. Phấn chơi không gian. Đó là không gian cánh đồng. Không gian phố phường. Không gian dòng sông. Không gian căn phòng. Cụ thể hơn, đó là các phối cảnh với cơ man những dòng sông, cơn mưa, ban mai, bóng tối, ánh trăng, cây cối, hoa cỏ, đất đai, con đường, bầu trời, đám mây, trẻ con, người tình… Kể cả những không gian giấc mơ, không gian ảo giác đầy mộng mị, hư biến, kỳ ảo, siêu thực với những bóng người, bóng ma, nội thất, đồ vật, con vật… nhiều loại. Từ loạt bài thơ đầu tiên, Mai Văn Phấn đã có những câu thơ tôn vinh thế giới phì nhiêu này: Ghé môi vào miệng thời gian/ Cho hơi thở mọc vô vàn cỏ non (Tản mạn về cỏ); Chỉ còn ta lại với ta/ Cỏ run đầu ngõ như đà cắn câu (Lơ lửng); Mắt vừa mở với rạng đông/ Chân trời hổn hển phập phồng ngón chân (Kinh cầu ban mai)… Đặc biệt, nhà thơ đã dựng lên những không gian thiên nhiên bát ngát, nơi đó có đôi người yêu nhau theo cái cách tan biến vào thiên nhiên, hòa lẫn với thiên nhiên: Yêu nhau/ Là những nghi thức dâng tụng trời đất (…) Đất rùng mình/ Sông chảy/ Ngàn vạn đọt mầm từ thân thể nở bung (Anh anh em em). Ở nhiều bài thơ, Mai Văn Phấn thường rất thích để cho thiên nhiên và con người hòa thấm trong nhau, trên tinh thần nhất thể hóa: thiên nhiên và con người là/trong một: Anh mơ được em gieo trồng trên ngực/ Bàn tay dịu dàng vun vào da thịt/ Hôn lên tai anh lời chăm bón thì thào/ Anh cựa mình nồng nàn tươi xốp (Bài ca buổi sớm)… Bài thơ Hải Phòng trước năm 2000 cũng vậy, một thế giới trẻ trung, phồn tạp, toàn cảnh khoáng hoạt mà lại cụ thể trong từng nét vẽ, rất đỗi thân thương, thiên nhiên hiền lành dan díu với đời sống thường nhật của con người. Nhà thơ đã trở về với nguyên lý bản nguyên vũ trụ: Thiên Nhân hợp nhất - trời với người là một. Điều này không chỉ được nhà thơ quán tưởng như một ý niệm triết học, mà quan trọng hơn, còn được hiện lên như một ứng xử văn hóa. Đây là điều mà con người hiện đại ngày hôm nay để mất một cách nghiêm trọng. Càng gắn bó trân quý thiên nhiên, con người càng lành tính, càng mẫn cảm trước Cái Đẹp, sinh sôi Cái Đẹp.

 

Không chỉ dừng lại ở trạng thái phì nhiêu của sự sống, nhà thơ còn mở vào trạng thái sinh nở của sự sống. Ở Mai Văn Phấn, trạng thái sinh nở, mang thai, thậm chí làm tình là những biểu hiện đẹp đẽ nhất của sự sống nơi trần thế. Bài thơ Tiếng gọi từ cánh đồng nằm trong vệt thơ đầu tay, thế mà Mai Văn Phấn đã sớm tìm đến những hình ảnh này: Qua vỏ trấu của mùa gặt trước/ Đã nảy những đọt mầm tia nắng tinh khôi. Từ bấy, thơ anh có rất nhiều những hình ảnh sinh sôi của vạn vật và con người. Này đây: Kìa thửa ruộng đang vươn lên che chở những ngôi nhà/ Và bóng cây cối hiện thân thành mái tóc/ Cơn hạn hán réo sôi trong bàn chân chim chóc/ Tia nắng cuối chiều mơ mộng kéo thành tơ (Cấu trúc tạm thời). Đây nữa: dòng sông vừa chả/ vừa sinh nở (Đất mở). Nhiều khi cả thiên nhiên và con người cùng lúc đang cất lên bài ca sinh nở ngàn đời: Lá sen và ngó sen/ Tỉnh dậy trong vòng tay của nước/ Bờ vai em trong mịn nhô lên/ Lại tan theo sóng lăn tăn…(Sáng mùa hè). Bài thơ khiến người đọc liên tưởng đến những bức tranh thiên nhiên của Levitan, nơi mà thiên nhiên hiện lên thật yên tĩnh và trong sạch. Khi viết về thiên nhiên, Mai Văn Phấn rất hay miêu tả ban mai. Điều này sẽ được trở lại ở phần sau của bài viết. Nhưng người đọc hẳn dễ dàng nhận thấy điều này: ban mai là khởi đầu của một ngày, khởi đầu sự sống, đánh thức và bừng tỉnh, vạn vật và con người được hoàn nguyên trong trạng thái khởi đầu, thanh khiết, tinh khôi. Quy luật này cũng được xem như là biểu hiện trạng thái sinh sôi của sự sống, làm mới, làm giầu sự sống. Ở những bài thơ Từ một đường bay, Dấu vết bình minh, Giọng nói… và nhiều bài khác, nhà thơ đã biểu đạt thật tinh tế trạng thái sinh nở hân hoan của vũ trụ. Cũng trong âm hưởng ấy, nhà thơ viết về người yêu bằng một câu thơ thật quyến rũ: Nơi mắt em nhìn đang nở ra những chiếc hài/ Cho tuổi thơ chân đất của anh (Gương mặt em). Do tìm thấy cái đẹp trong sự sinh nở, nên Mai Văn Phấn đã nhìn thấy khung cảnh người phụ nữ thật lung linh trong dáng điệu mang thai ánh sáng bồng bềnh bụng mang dạ chửa (Tắm đầu năm), hay một vẻ đẹp căng tràn sự sống phì nhiêu, rất mực thiêng liêng khi người phụ nữ đang cho con bú: Căn phòng mình chẳng còn những bức tường bao quanh và không gian thành thời gian thánh thiện, khi anh mải mê nhìn vầng ngực em dâng đầy như biển, cứ thu mình tìm vào miệng con be bé xinh xinh…(Em cho con bú). Quen đấy mà lạ đấy, sự sinh nở của cõi sống này đã được nhà thơ tụng ca nồng nhiệt với những vần thơ thật bình dị mà đẹp đẽ.

 

Sau khi tiếp cận với thế giới phồn sinh, nhà thơ tiến thêm một bước nữa, nhìn vào cực bên kia của phồn sinh là sự hóa hóa sinh sinh. Ban đầu anh miêu tả một thế giới bị rình rập, hủy diệt, tàn tạ, phân rã: Chim chóc nghe lách cách giữa thân cây tiếng viên đạn lên nòng, nấp vào đám mây bị quay vàng trong hoàng hôn chảo lửa/ Con hà sặc khói hun mở miệng luận bàn về sự bất tử của nước và thoáng chốc con thuyền/ Con gấu ôm trọn tổ ong buông mình từ đỉnh cây xuống nơi giăng bẫy… (Mùa hạ rất gần), hoặc: Chưa khiếp sợ bằng ngón tay tỉa sen/ đang teo lại trong áo khăn trong suốt (Sen)… Thỉnh thoảng Mai Văn Phấn nói về cái chết, cái chết của thiên nhiên, của con người. Có những câu thơ đọc gai người, và tê tái buồn: Gió lùa về/ làm khăn trắng cuốn quanh gốc sú/ trên đỉnh trời linh cữu nhấp nhô (Giấc mơ vô tận). Nhưng nếu nói về cái chết chỉ như vậy không thôi, có thể ấn tượng đấy, cũng sẽ không mấy ý nghĩa. Bởi đã có nhiều thi sĩ cổ kim đông tây nói về cái chết rất ám ảnh. Điều quan trọng là: Mai Văn Phấn xem cái chết như một sự khởi đầu, mở ra sự sống mới, rồi cứ thế hóa hóa sinh sinh, vô cùng vô tận, miên viễn. Ý thức hóa sinh này bắt nguồn từ một cảm niệm có ý nghĩa triết học: chết chưa phải đã chấm dứt, chết có thể là một sự khởi đầu của một quá trình mới. Điều này bắt gặp tinh thần Phật giáo. Phật học cho rằng cái chết là sự luân hồi (1). Có thể Mai Văn Phấn không suy tư theo hướng Phật giáo. Nhưng với một nhân sinh quan khỏe khoắn, cộng với bản tính tự nhiên, hồn thơ này luôn hướng về sự sống tái sinh, phục sinh, hồi sinh, sinh lại, khai sinh, phôi thai - những chữ được nhà thơ sử dụng nhiều lần, với tần suất cao. Nhà thơ có những hình ảnh về sự thảm bại của cái chết, hoặc về tư thế vươn lên quyết giành giật sự sống, làm cuộc tái sinh mầu nhiệm: Chân trời vừa mai táng bóng đêm (Linh hồn đã bay); Con quạ khật khừ xuyên đêm/ Thảng thốt kêu/ Lần đầu tiên tiếng động ra đi không vọng lại (Biến tấu con quạ); Trồng khóm hoa nơi gốc cây đã mục/ Hương thơm rình nấp phía chân trời (Ngày đẹp trời) Và đỉnh cao là vẻ đẹp của bông sen: Bên nhau lặng im nghe bông sen trắng /đang nhói sáng/ vươn trong huệ tưởng (Hình đám cỏ). Thơ Mai Văn Phấn khuyến dụ con người hy vọng vào sự sống bất tử nhờ lẽ hóa sinh mầu nhiệm - một nguyên lý tinh thần nằm ngoài tầm kiểm soát của lý trí/ ý chí con người.

 

Vào những năm sau này, Mai Văn Phấn đẩy ý niệm hóa sinh luân chuyển tiến thêm một bước nữa: ảo giác về sự tồn sinh - lẽ sống chết của kiếp người, sự biến hóa của muôn vật. Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ chính là ảo giác về một kiếp người vô định. Không thể tin là ảo giác về nguyên ủy của các con vật sống. Quay theo mái nhà lại là ảo giác về trật tự không gian nội thất. Đúng vậy phải chăng là ảo giác về chính sự hiện hữu của con người… Những bài thơ này đã diễn tả một cách thật tinh tế những ảo giác kỳ lạ đến mức kỳ bí của con người. Trạng thái hóa sinh của hiện tồn được đẩy ở mức tới hạn, nằm ngoài trí năng, bất khả giải.

 

Đến đây có thể hình dung được cách nhìn thế giới của nhà thơ Mai Văn Phấn. Một thế giới phồn sinh động cựa và luân chuyển hóa hóa sinh sinh vô hồi vô hạn với tất cả vẻ đẹp bí ẩn và mầu nhiệm nhất đã tràn vào thơ anh, thống ngự thơ anh, chiếm ngôi trị vì, không nhượng bộ. Bằng một cách tự nhiên nhất, thơ Phấn đã biểu đạt thế giới này trong trạng thái đó, và coi đó là hiện thân của Cái Đẹp.

 

Quan niệm mỹ học này đã chi phối toàn bộ những tìm kiếm và lựa chọn của nhà thơ để có được một thế giới nghệ thuật riêng không lẫn.

 

2. Đất đai, Ánh sáng và Em

 

Như trên đã nói, quan niệm thẩm mỹ như thế nào sẽ có cách lựa chọn và biểu đạt đối tượng thẩm mỹ tương ứng. Trong rất nhiều thi ảnh bề bộn ở thơ Mai Văn Phấn, có ba hình ảnh cô đọng nhất, chụm nhất, nên trở thành tiêu biểu nhất: Đất đai, Ánh sáng Người tình (được gọi là Em). Cả ba hình ảnh này đều nằm trong sự quy chiếu của lẽ phồn sinh và hóa sinh bất định với tất cả sự sống động của chúng.

 

Xin nói trước về hình ảnh đất đai. Trong thơ Phấn, không một hình ảnh nào lại có mặt với một mật độ dầy đặc như hình ảnh đất đai. Vốn trong tâm thức dân gian, đất được hình dung như là Mẹ, mang tính Mẫu (Cha trời, mẹ đất) gắn liền với sự bình yên, che chở, sinh sôi (khác với nước, vừa dung dưỡng vừa hủy diệt). Nhưng trong thi cảm nhà thơ Mai Văn Phấn, thì đất lại được ví với người đàn ông, nhất thể hóa với người đàn ông: Đất đai- người đàn ông nằm ngủ/ (…)Trên ngực còn vương tro than của mùa đốt đồng (Sau mùa gặt); Anh mơ được em gieo trồng trên ngực/ (…)Anh cựa mình nồng nàn tươi xốp (Bài ca buổi sớm). Hóa ra, nhà thơ đã nuôi nấng trong mình một nỗi khao khát thật lạ: Ta thèm một lần nhân danh đất đai (Khúc phóng túng). Đây là điều thực sự độc đáo ở thơ Phấn. Tôi chưa thấy nhà thơ đàn ông nào lại ví bản thân mình với đất. Hẳn phải có lý do gì đó. Tôi cho rằng, do tôn thờ tột bậc sự phồn sinh và hóa sinh bất định, nên nhà thơ đã nhất thể hóa bản thân và hóa sinh bất định đó. Một câu thơ thật trìu mến: Đồng đất quê ta hao hao giống những mặt người/ Một sớm dậy nhìn ta thân thiết thế…/ Đất vạm vỡ dưới bầu trời tươi tốt (Tiếng gọi từ cánh đồng). Đất cũng mang vóc dáng suy tư của phận người: Mẹ ơi mẹ! Giờ con thấy bóng râm từ bùn đất/ Đất ở dưới chân mà cao hơn những suy nghĩ của mình (Nhật ký đô thị hóa). Một khía cạnh nữa về hình ảnh đất: đất luôn luôn trong trạng thái che chở, dung dưỡng, sinh sôi; và chỉ có như vậy đất mới hiện lên như một biểu hiện thuộc về Cái Đẹp. Hãy dừng lại với những câu thơ này: Kìa thửa ruộng đang vươn lên che chở những ngôi nhà (Cấu trúc tạm thời); Lao vào đất những ngón chân khát nước/ Chiếc lá mới nhô lên đặt lại ca từ (Sáng mùa hè); Trên ngực bùn nâu đã linh thiêng ban lộc/Máu hồi sinh rần rật chạy qua (Hồi sinh). Với câu thơ Đất mỡ màu quyện rạng đông dâng lên khuôn mặt/ dâng lên cỏ cây phồn thực bời bời (Bài hát mùa màng) lại một lần nữa chứng thực một cách chắc nịch tinh thần phồn thực sinh nở như hiện thân của Cái Đẹp trong thơ Mai Văn Phấn.

 

Tiếp đến là hình ảnh Ánh sáng. Tương tự như đất, hình ảnh ánh sáng cũng có mặt tràn lan trong thơ Phấn. Ở nơi nào có ánh sáng, ở nơi đó có giã từ bóng tối, chết chóc, hủy diệt. Và hơn thế nữa, nơi nào có ánh sáng, nơi đó đồng nghĩa với sự phì nhiêu, sinh nở, hóa sinh. Thật nhất quán trong thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn.

 

Đó là những thời khắc tạo sinh lộng lẫy và màu nhiệm của vũ trụ trong hào quang ánh sáng, mà chủ yếu là ánh sáng ban mai: Như vừa mở được chiếc hũ nút/ Bóng tối tràn tím rạng đông (Tự thú trước cánh đồng); Lá sen và ngó sen/ Tỉnh dậy trong vòng tay của nước (Sáng mùa hè); Sông rất sáng/ Một ngày dài rất đẹp (Ngày đẹp trời); Có giọt sương đêm qua đang cựa mình thăng hoa dưới ánh mặt trời (Hải Phòng trước năm 2000); Ấy là dấu hiệu tái sinh/ Hay bắt đầu những điều trọng đại/ Chưa kịp xúc động/ Mới mơ hồ nhận ra/ Ban mai đã cuốn lấy ta những vòng tã lót (Khúc dạo đầu)Đó còn là ánh sáng trong những phút giây chan chứa tình yêu tuổi trẻ: Anh bước lên vạt nắng/ Một con thuyền ban mai/ Em bảo hãy chờ để khóa chặt cổng (Vườn em). Bài thơ Dấu vết bình minhcăng mọng” một bầu trời sắc dục ái ân: Da thịt anh rộn ràng mang dấu chân em/ Làm những móng tay trên đất càng vang vọng/ Mỗi đốt xương muốn rời ra ngân lên bộ hơi/ Ngỡ có đôi môi trên đỉnh đầu đang thổi. Mai Văn Phấn cũng là người công khai sử dụng các yếu tố dục tính. Tuy nhiên ở Phấn, dục tính hiện lên trong sự hướng đạo của ánh sáng tình yêu và tính thiêng liêng, nên về cơ bản là mang tính duy mỹ. Vượt lên nhục cảm để trở thành Cái Đẹp. Ở những bài thơ sau này hoặc gần đây nhất, Mai Văn Phấn vẫn không thôi ám ảnh về ánh sáng. Bài Tắm đầu năm lại tìm về ánh sáng của ngọn đèn, thứ ánh sáng của không gian gia đình, của tâm linh, của yêu thương. Bài thơ thật xuất sắc trong một ẩn dụ thân thuộc, khơi gợi, sâu lắng, mang chiều sâu của văn hóa nguồn cội. Trong bài thơ Ở Sokcho cũng vậy, một thứ ánh sáng thanh khiết, trìu mến, thuộc về ban mai: Cửa sổ mặt hồ yên tĩnh/ Giọng nói thân tình bỡ ngỡ ban mai.

 

Phải công bằng mà nói, hình ảnh ánh sáng không có gì xa lạ trong thi ảnh của các nhà thơ. Nhưng đến lượt thi sĩ họ Mai, ánh sáng bừng lên đồng nghĩa với sự sống ngời hiện. Có lần, nhà thơ ví lòng ống sáo là bóng tối của địa ngục, mỗi khi giai điệu cất lên là mỗi lần tìm lối tới thiên đường, và với người thổi sáo thì: Mỗi góc tối trong tôi đang ngậm lấy âm thanh như ngậm vào vú mẹ, từ miệng mình he hé ánh sáng bồng bế nhau thong thả tràn vào. Đó chính là sự lên tiếng của sự sống phồn sinh và hóa sinh kỳ diệu.

 

Sẽ là không đầy đủ nếu không nói đến hình ảnh Người tình, nhân vật được gọi là Em với nhiều dáng vẻ trong thơ Mai Văn Phấn.

 

Thứ nhất, người tình hiện ra qua khuôn hình của kẻ đang yêu vô cùng tình tứ: Con sâu đo em đu lên người anh/ thì thầm gặm hết những xanh non (Gió thổi). Thứ đến, người tình như một thứ quyền năng mầu nhiệm: Em đã nghe/ Nên gốc cây vừa mới tưới ngấm nhanh đến thế/ Vòm phượng vĩ đẫm sương sáng nay bốc cháy/ Những quả ngô đồng khô nỏ khua vang (Sáng mùa hè). Và sau nữa là hình ảnh Em trong vẻ đẹp sinh nở, hoài thai: Khẽ nhắm mắt, khẽ ngậm vào tóc em/ Đang chết đi và đang sinh sản/ Dù có lả đi thành âm u bóng tối/ Lại thấy huy hoàng chạm những môi hôn (Anh đã rơi)Nói về thơ tình, Mai Văn Phấn có không ít những bài thơ thật quyến rũ trong vóc dáng thanh tân hiện đại: Sáng mùa hè, Gương mặt em, Gió thổi, Nghe em qua điện thoại, Vườn em. Những bóng hình Em trong các bài thơ ưu tú ấy đều mang tư thế của kẻ đem cho, che chở, dâng hiến, tạo dựng giá trị. Nữ tính và mẫu tính hài hòa trong mỗi giai nhân. Nhà thơ trong vai Anh hiện ra như kẻ được ân hưởng, được “rửa tội”, được “ban phép lành thánh thể” như một tín đồ trong tính thiêng liêng mầu nhiệm của Đạo Yêu.

 

Tuy nhiên, cả ba hình ảnh Đất đai, Ánh sáng và Người tình trong nhiều trường hợp cùng hiện lên phối thuộc lẫn nhau, hòa quyện trong nhau, tương tác và tôn vinh nhau: Yêu nhau. Là những nghi thức dâng tụng trời đất. Bây giờ là mùa xuân. Anh mệnh Kim và em mệnh Hỏa. Từ lửa làm ra Thổ, ra Mộc, ra Thủy. Đất rùng mình. Sông chảy. Ngàn vạn đọt mầm từ thân thể nở bung (Anh anh em em…); Hôn em trời đổ mưa/ đất đai hồi sinh tươi tốt/ Hạt giống nẩy mầm rồi bỏ đi xa (Những bông hoa mùa thu) Đó là những biểu hiện toàn vẹn, sung mãn nhất về hiện thân của Cái Đẹp phồn sinh và hóa sinh bất định. Nói theo cách nói của thi pháp học, đó chính là thế giới nghệ thuật đặc sắc của thơ Mai Văn Phấn.

 

3. Mỗi bài thơ là một câu chuyện nhỏ

 

Nhìn lại các chặng thơ Mai Văn Phấn thấy có sự thay đổi. Từ khởi đầu đến 1995 (chặng 1) là thơ của tự tình. Từ 1995 đến năm 2000 (chặng 2) là thơ của ý tưởng. Và từ 2000 đến nay (chặng 3) thơ tìm về ảo giác.

Ở chặng 1, thơ nghiêng về truyền thống: thể điệu lục bát, thơ Đường, tự do có khổ có vần, diễn tả cảm xúc, tâm tình, thi tứ thi ảnh đôi chỗ hơi lẫn với người khác, chưa có nhiều chất riêng. Chặng thứ 2 là cả một nỗ lực bứt phá: giờ đây không trọng tự tình nữa, mà trọng xác lập ý; hình ảnh hóa, cảm xúc hóa ý. Ở chặng này cũng đã xuất hiện chất ảo như là sự manh nha, để rồi phát huy rõ rệt ở chặng 3. Sang chặng sau cùng này, Mai Văn Phấn đã có được một mùa màng nặng hạt. Nhiều bài thơ được coi là đỉnh cao của chính Mai Văn Phấn, đồng thời cũng là những thi phẩm sáng giá trong nền thơ ca đương đại: Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ, Nghe em qua điện thoại, Tắm đầu năm, Gió thổi Và còn có không ít những bài thơ khá ấn tượng, độc đáo: Bưng chậu nước lên cao, Cốm hương, Vườn em, Khuôn mặt tôi ở Ansan Có người cho rằng thơ ở chặng này của Phấn mang tinh thần thơ siêu thực. Tôi không phải là người xúng xính khái niệm, lạm dụng khái niệm, nhưng quả là tinh thần siêu thực ở Mai Văn Phấn đã có ít nhiều. Đó là những cách biểu đạt có tính vô thức, tìm kiếm giấc mơ, ảo giác, những mê sảng, những hình ảnh mang màu sắc huyền bí; hệ thống thi ảnh phi logic, đầy những nghịch lý, bất ngờ; đặt sáp nhau những hình ảnh vốn rất xa nhau… Tuy nhiên, đích đến cuối cùng của mỗi tìm kiếm phải là những bài thơ hay. Nếu quả thực Mai Văn Phấn có ứng dụng siêu thực, và không chỉ siêu thực, hay việc phối kết giữa siêu thực và khung cảnh thực tại để có được những bài thơ đặc sắc như trên thì đó chính là thành công trong nỗ lực cách tân của nhà thơ. Tôi lại nghĩ thêm: cái mà ta gọi là siêu thực ở thơ Mai Văn Phấn chắc hẳn cũng đã được nhà thơ chiêm nghiệm và phát huy từ truyền thống văn hóa phương Đông, đặc biệt ở Việt Nam. Nơi đây có cả một thế giới truyền kỳ, hư ảo, ma quái trong truyện cổ, trong thần tích thần phả, trong tín ngưỡng đa thần giáo dân gian… Mai Văn Phấn vẫn có thể đi tiếp con đường kiếm tìm này, bởi vì trữ lượng của nó có thể nói là vô tận.

 

Tôi muốn nói điều này: Những bài thơ thành công nhất của Mai Văn Phấn đều được cấu trúc theo những câu chuyện nhỏ, có thể  gọi là những truyện ngắn mini bằng thơ. Đã gọi là truyện ngắn đều phải có tích truyện, có nhân vật, có chi tiết nghệ thuật độc đáo. Nhìn vào thơ của Phấn, thấy có cả ba yếu tố này. Ở chặng đầu, chưa rõ. Càng về sau, tính truyện càng hiển lộ. Ví dụ 1: Bài thơ Gương mặt em  là câu chuyện về nhỏ về nỗi nhớ của nhân vật anh đang ở xa em- người tình, khi nhớ nhung, nhân vật có nhu cầu phải nói lên, thậm chí hát lên như một đứa trẻ cốt để cho vợi đi nỗi nhớ, ai dè nỗi nhớ lại càng cháy bỏng, và kết thúc câu chuyện là một chi tiết thật đẹp, tài hoa: Nơi mắt em nhìn đang nở ra những chiếc hài/ Cho tuổi thơ chân đất của anh. Ví dụ 2: Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ. Nhân vật xưng “mình” trong câu chuyện này kể về một buổi sáng tiếp một ông khách, khi pha xong ấm trà, quay ra không nhìn thấy ông khách đâu nữa; thế rồi nhân vật rơi vào tình trạng mất tỉnh táo, mất trí nhớ, hoang mang về chính bản mình; rồi đột nhiên bước vào một hành vi có tính vô thức: đẩy chén trà về phía ông khách, tự nhiên thấy: Luồng tử khí cao chừng một mét sáu dựng đứng trước mặt/ Chốc lại cúi gập. Câu chuyện có lớp lang cốt truyện (4 lớp: gặp gỡ - mất trí nhớ - kiểm tra lại trí nhớ của mình - gặp lại hình hài tử khí của vị khách), có tình huống kỳ ảo, có tâm lý nhân vật, có chi tiết đặc sắc, có kết thúc bất ngờ. Nghĩa là bài thơ có đầy đủ tính cách của một truyện ngắn mini mang hình thức thơ. Nói cách khác, đó là một kiểu thơ - truyện rất ngắn (không phải truyện ngắn thông thường hoặc truyện dài). Gần đây, một số nhà lý luận phê bình đặt ra vấn đề: điểm gặp gỡ giữa thơ và truyện ngắn (2). Tôi cho rằng, một số bài thơ thành công nhất của Mai Văn Phấn là những minh chứng nghệ thuật sống động cho sự giao thoa, gặp gỡ giữa hai thể loại tưởng như rất xa nhau này.

 

***

 

Mai Văn Phấn đã đi qua một chặng đường thơ 20 năm có lẻ.

 

Với người nghệ sĩ này, một xác tín hiện lên thật nhất quán: Còn sự sống là còn phồn sinh và hóa sinh bất định; và còn phồn sinh hóa sinh bất định là còn khiến con người có quyền hy vọng vào những gì đẹp đẽ và nhân bản nhất. Thơ Mai Văn Phấn hát ca niềm hy vọng không bao giờ ngơi nghỉ ở con người.

 

Ngoài những gì đã thành, thơ anh cũng có những điều còn dang dở. Tôi nghĩ rằng anh chưa khẳng định được mình trong thể loại trường ca và thơ văn xuôi. Với trường ca thì đã rõ. Riêng với thơ văn xuôi, anh viết khá nhiều. Đây là một thể loại cũng đã có lịch sử khá dài trong thơ Việt Nam hiện đại, mà người thành công sớm nhất có lẽ là Hàn Mặc Tử (3). Từ bấy trở đi, có không ít nhà thơ thể nghiệm nó. Nhưng phải thành thật với nhau rằng, số các thi phẩm thành công là không nhiều. Và các tác giả định vị một các chói sáng ở thể thơ này là vô cùng ít ỏi. Trong số này chưa có tên Mai Văn Phấn. Những bài thơ đỉnh cao của Phấn lại ở những bài thơ tự do như đã nhắc tới trên kia. Mỗi lần đọc thơ văn xuôi của Phấn tôi đều phải tự nhủ cần cố gắng mới đi hết được. Không biết có ai cùng cảm giác giống tôi về thơ văn xuôi của Phấn: bộn và kềnh càng, cho dù nếu chịu khó đọc vào cũng vẫn bắt gặp đây đó những câu hay, những hình ảnh độc?

 

Thế hệ thơ cùng thời với Mai Văn Phấn được gọi là thế hệ hậu chiến, trưởng thành sau 1975, dần khẳng định mình từ sau 1986, thực sự định vị vào thập niên cuối của thế kỷ XX. Trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại/đương đại, thế hệ này đã có được vị trí xứng đáng.

 

Mai Văn Phấn đã khiến người ta buộc phải kể tên mỗi khi nhắc đến thế hệ của mình.

 

Hà Nội vào hè 2011

V.G

(Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, khác biệt và thành công - Kỷ yếu hội thảo thơ tại Hải Phòng, 15/ 5/ 2011, NXB Hội Nhà văn, 2011).






________________

 (1) Khi bàn về nguyên lý tất định và bất định trong Tinh hoa triết học Phật giáo (NXB Phương Đông, 2008, bản dịch Tuệ Sỹ), Junjiro Takakusu cho rằng: “Theo đạo Phật, tất cả mọi loài chúng sinh đã nhận đời sống hiện tại như là kết quả tự tạo, và ngay ở hiện tại chúng cũng đang tự tạo lấy. Nói cách khác, mỗi loài là một giai đoạn của dòng biến hành sinh động. Mặc dù đẳng cấp và hình thái của sự sống biến thiên trong mỗi lớp thọ sinh, nhưng đừng tưởng có sự phân biệt chặt chẽ của thời gian như quá khứ hay vị lai. Sự thực chỉ có hiện tại là duy nhất. Nghĩa là chúng ta có một diễn trình hiện hữu lâu dài, mà sống và chết chỉ là những đợt sóng lên hay chìm xuống trong một đại dương của đời sống. Sống và chết không phải là số phận định trước cho một chúng sinh, mà là một “hậu thân của hành động (nghiệp)”, như một số người thường gọi. Ai hành động, phải nhận lấy hậu quả, hoặc sớm hay muộn. Khi cảm nghiệm một hậu quả, người ta đang gieo trồng những hạt giống mới, như thế tạo ra đợt sóng kế tiếp của đời sống cao hay thấp tùy theo bản chất của các hành động trước kia của mình” (tr. 59).

(2) Những điểm gặp gỡ tương đồng giữa thơ và truyện ngắn đó là: tính cô đúc, tính gợi, tình huống nghệ thuật (tứ), nhân vật tâm trạng, coi trọng chi tiết nghệ thuật, kết mở. Xem thêm các bài:

-“Truyện cực ngắn” của PGS.TS. Đặng Anh Đào, Tạp chí Văn học và tuổi trẻ, số tháng 2/2005

-“Thể loại truyện rất ngắn trong đời sống văn học đương đại” của TS. Lê Dục Tú -http://www.vienvanhoc.org.vn/reader/?id=58&menu=106

-“Về những tiểu thuyết ngắn” [1/2]-Kristjana Gunnars (Hải Ngọc dịch) -evan.vnexpress.net/News/phe-binh/nghien-cuu/2004/07/3B9AD364

-“Thử nhận diện loại tiểu thuyết ngắn ở Việt Nam những năm gần đây” của Văn Giá -evan.vnexpress.net/News/phe-binh/phe-binh/2004/12/3B9AD44A, đăng trong cuốn Đời sống và đời viết (Văn Giá, NXB Hội Nhà văn - TT Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây, 2005).

(3) Xem thi phẩm thơ văn xuôi “Chơi giữa mùa trăng” của Hàn Mặc Tử.

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị