Không gian và hành trình thơ Mai Văn Phấn (phê bình) - Phạm Quang Trung

Không gian và hành trình thơ Mai Văn Phấn

 

 

PGS.TS. Phạm Quang Trung

 

 

Phạm Quang Trung

 

 

Trách nhiệm của mỗi nhà thơ phải khám phá cho được không gian nghệ thuật của chính mình… Không gian ấy là dung lượng cảm xúc, độ mở trí tuệ mà nhà thơ bao quát, chế ngự được - MVP.

 

Trên thi đàn Việt chừng mươi năm trở lại đây, cái tên Mai Văn Phấn đã trở nên quen thuộc, nhưng theo ý nghĩa không mấy quen thuộc của từ này. Ý tôi muốn nói, anh không phải là nhà thơ của công chúng rộng rãi mà dứt khoát thuộc về thứ công chúng tinh hoa - tinh hoa theo nghĩa riêng, không chỉ có học một cách thông thường, nghĩa là luôn tự bồi bổ từ nhiều nguồn khác nhau những tri thức thi ca - nghệ thuật đích thực, mà theo nghĩa đặc biệt, ở chỗ luôn vươn tới kiểu tư duy cùng dạng tư tưởng thi ca - nghệ thuật mới lạ, kể cả khác lạ, bằng mọi cách và bằng mọi giá. Thuộc về họ, anh là kiểu người thơ không chịu nổi sự ngưng nghỉ dẫn đến sự ngưng trệ, dẫu chỉ là trong chốc lát. Vong thân, tự đổi mới và tự tái tạo liên tục là mệnh lệnh thường trực của thi nhân. Chẳng phải đây từng là lời tuyên bố dứt khoát của anh: “Không có kinh nghiệm thi ca cho nhà thơ chuyên nghiệp”(1). Vậy nên, mỗi bài thơ, nhất là mỗi tập thơ mang tên Mai Văn Phấn lúc mới xuất hiện đều gây nên những hiệu ứng thẩm mỹ lạ lẫm tạo ra sự ngạc nhiên, cả sự sửng sốt, ở những mức độ và phạm vi khác nhau. Bởi, trong từng sản phẩm tinh thần linh diệu của anh luôn tồn tại cái dị biệt trong sự sáng tạo đúng nghĩaKhông chỉ dừng ở ngôn từ mà vươn tới chiều sâu nguyên lý căn cốt. Nằm ở sự đối sánh với mình, nhất là với người. Cùng thế hệ, trong một nước, cố nhiên, mà phần nào còn vươn tới nhân loại “cùng thời”. Nên biết thơ Mai Văn Phấn từng vang lên bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau tại nhiều nơi trên thế giới, được giới thiệu tại Thụy Điển, New Zealand, Anh quốc, Hoa Kỳ, Hàn quốc, Indonesia…

 

Chợt nhớ tới lời tự thú độc đáo của Đức Khổng Tử khi ngài nghĩ về người đệ tử yêu Nhan Uyên của mình: Ngô kiến kỳ tiến dã, vị kiến kỳ chỉ dã. [Tạm dịch: “Ta chỉ thấy trò Hồi (tức Nhan Uyên) không ngừng tiến lên, chứ chưa bao giờ thấy trò ấy ngừng phấn đấu”] - (Luận ngữ, Tử Hãn. 21). Chỉ nhờ không “ngừng phấn đấu” mới mong nghĩ tới “không ngừng tiến lên” trong sự nghiệp. Logic ở đây là vậy. Là người có dịp dõi theo thơ Mai Văn Phấn từ nhiều năm nay, tôi luôn dành cho anh niềm chân quý chủ yếu là vì lẽ đó. Một lần, anh nói về thơ ở cõi khác của Diễm Châu mà như nói về và với chính mình. Thế nên mới bật lên những lời thổ lộ thành thật này: “Tôi cũng đôi lần cầm được tứ thơ mà lòng muốn tạ ơn đến nhói buốt một vong linh không rõ mặt”. Nhớ hơn cả có lẽ là lời tự bạch sâu nặng ý tưởng sau của anh: “Viết để khai sáng chính mình”. Đã rõ là Mai Văn Phấn dụng tâm nhấn mạnh tới việc thẩm thấu và thực thi tinh thần khai sáng được khởi nguồn từ nhà triết học Đức lỗi lạc thế kỷ XVIII I. Kant. Khai sáng để dẫn tới những cuộc nội chiến thật sự trong bản thân từng người nghệ sỹ đích thực. Đúng như phương châm thẩm mỹ mà trong một lần đã được Mai Văn Phấn điềm tĩnh thốt lên: “Quá trình sáng tạo chính là những cuộc cách mạng liên tiếp xẩy ra trong mỗi nhà thơ”(1). Bởi thế, tôi xin phép được sử dụng mối tương quan giữa hai phạm trù thẩm mỹ cái cao cả và cái đẹp trong chính sự soi sáng của I. Kant nhằm góp phần nhận diện không gian thơ và lý giải con đường thơ kéo dài hơn hai mươi năm qua của anh.

 

á

 

Cho đến năm 2011 này, ngoài hai tập thơ công bố trên website riêng là Anhanhemem, Quay theo mái nhà ra, Mai Văn Phấn đã cho in 9 tập thơ và trường ca, gồm: Giọt nắng (1992), Gọi xanh (1995), Cầu nguyện ban mai (1997), Người cùng thời (1999), Nghi lễ nhận tên (1999), Vách nước (2003), Hôm sau (2009), Và đột nhiên gió thổi (2009), gần đây là Bầu trời không mái che (2010). Tôi đặc biệt lưu tâm tới tập thứ 5 có ý nghĩa như tấm bản lề của thơ anh mang tựa đề Nghi lễ nhận tên. Dẫu xuất hiện trong cùng một thời gian - vào năm 1999, với trường ca Người cùng thời, nhưng tập thơ này mang một phẩm chất khác hẳn, cả hồn lẫn xác, đánh dấu bước chuyển rõ rệt trong thơ Mai Văn Phấn từ lãnh địa thân thuộc của cái đẹp bước hẳn sang khoảng không diệu vợi của cái cao cả. Đúng như chủ định của nhà thơ: “Mỗi đơn vị, hay tạm gọi tế bào trong cơ thể ấy kết dính và chịu lực tương tác lẫn nhau theo quy luật riêng. Nó chuyển động không ngừng với vận tốc lớn, đôi khi tưởng chừng phi lý. Nhưng dung tải của nó lớn hơn những quan niệm thông thường”(2).

 

Nương theo tư tưởng của I. Kant, sự khác biệt “quan trọng và nổi bật” của hai phạm trù thẩm mỹ cơ bản ấy nằm ở ba điểm cơ bản sau. Trước hết, theo I. Kant, “cái đẹp gắn liền với biểu tượng về chất, còn cái cao cả với biểu tượng về lượng” [Những chỗ in nghiêng trong trích dẫn các trước tác của I. Kant ở bài viết này do tôi chủ tâm nhấn mạnh.]

 

Cụ thể hơn, ông dẫn giải: “Cái đẹp ở trong Tự nhiên liên quan đến hình thức của đối tượng trong tính hữu hạn, còn ngược lại, cái cao cả được nhận ra ngay cả nơi một đối tượng vô-hình thức, trong chừng mực tính không bị giới hạn được hình dung ra nơi nó hoặc do nó gợi nên, cộng thêm sự suy tưởng về tính toàn thể của tính chất này nữa” (3, tr. 147 & 148). Kế theo là sự khác biệt về loại. I. Kant chỉ rõ: “Nếu cái trước [cái đẹp] trực tiếp mang theo một cảm xúc bổ trợ cho sự sống và vì thế, có thể hợp nhất được với các kích thích hấp dẫn và với một trí tưởng tượng “chơi đùa”, thì cái sau [cái cao cả] là một sự vui sướng chỉ nảy sinh gián tiếp, nghĩa là, sự vui sướng được tạo ra bởi một xúc cảm kìm hãm sự sống trong phút giây rồi mới lập tức để cho sức sống tuôn trào càng mạnh mẽ hơn nữa; và như thế là một sự kích động dường như không phải để “chơi đùa” mà là cái gì nghiêm trọng trong công việc của trí tưởng tượng. Vì thế, cái cao cả cũng không hợp nhất được với các kích thích hấp dẫn” (3, tr. 148). Cuối cùng, theo I. Kant, “sự khác biệt nội tại và quan trọng nhất” của cái cao cả so với cái đẹp chắc chắn là điều sau đây: “Trong khi vẻ đẹp tự nhiên mang theo mình một tính hợp mục đích trong hình thức của nó, nhờ đó đối tượng có vẻ hầu như được xác định sẵn [được chấp nhận từ trước] đối với năng lực phán đoán của ta, và cũng nhờ thế, tự mình tạo nên đối tượng cho sự hài lòng; thì, ngược lại, điều tạo ra trong ta xúc cảm về cái cao cả… lại tỏ ra trái ngược với tính hợp mục đích xét về mặt hình thức đối với quan năng phán đoán của ta, vừa không thích hợp với quan năng diễn tả [trí tưởng tượng] và hầu như càng bạo hành với trí tưởng tượng, lại càng đánh giá là cao cả hơn do chính các đặc điểm ấy” (3, tr. 149).

 

Như vậy, khác cái cao cả, cái đẹp luôn vừa tầm, hấp dẫn và dễ tiếp nhận với người đọc đương thời. Xin được minh họa đặc trưng thơ Mai Văn Phấn ở chặng đầu mà về căn bản tôi xác định là nằm trong phạm trù cái đẹp.

 

Đây là phép ẩn dụ nghệ thuật quen thuộc: Hồn tôi lung linh hạt nắng/ Rơi xuống đồng xanh không cùng (Hồn nhiên). Hay: Trái đất - Căn nhà hộ sinh/ Tiếng trẻ con chào đời truyền trong không gian xanh những dòng/ mật mã... Và: Khi mỗi chúng ta là chiếc lá/ Thì rừng hoang bỗng hóa nhà mình (Màu xanh). Rồi: Lịch sử vặn mình trên cỏ/ Năm cũ đông thành phù điêu (Giao thừa). Còn đây là lối cảm xúc hóa ngoại cảnh cũng chẳng có gì là xa lạ với thói quen cảm thụ của số đông trước nay: Mưa bụi áo quần ngây ngất (Giao thừa) - Gió vẫn ru xanh mướt ở trên đầu/ Trời rót xuống từng cơn mưa đằm thắm (Hồn nhiên) - Bao lối cỏ cứ xanh vội vội/ Thấm lên bàn chân ai qua (Màu xanh). Ấy là bởi tình trong thơ bao đời nay thường gắn với sự, với cảnh ở bên ngoài: Nỗi niềm đem thả trong cây/ Qua sương giá đến rạng ngày trổ hoa (Gom nhặt cuối mùa). Tình trong thơ anh nhiều khi đi cùng với ý thơ thẳm sâu đến quặn thắt: Tuổi cha nước mắt lặng lặng/ Sự thật khóc òa vu vơ; Khi lớn bằng cha bây giờ/ Đáy chén chắc còn bão tố (Thuốc đắng). Cố nhiên, như cuộc đời kia, lắm khi niềm vui và hạnh phúc ập đến ngập tràn. Trong tình ruột rà: Tâm hồn cha bỗng thấy ngút ngàn xanh/ Bao rễ non tơ luồn qua chân tóc/ Trái tim cha bồi hồi bật khóc/ Run từ ngày biếc đến đêm nhung (Chơi với con). Và, trong tình bằng hữu thân thương: Mùa thu trên tay gày/ Nâng chén trà lẻ bạn/ Bóng mình trong lòng chén/ Mà hồn ngoài chân mây (Bạn). Cũng nhiều khi rộng dài trong tình yêu Tổ quốc gần gũi đến nghẹn ngào: Hà Nội ơi! Một cánh diều/ Thả bằng sợi dây thương nhớ (Nhớ Hà Nội).

 

Thơ Mai Văn Phấn thời này có thể nói luôn gắn với đời sống theo yêu cầu nghiêm nhặt của thứ mỹ học hiện thực cổ điển: Đất miên man tìm đến chân trời/ Hơi thở đằm của bờ xôi ruộng mật; Trong mơ thấy ban mai thành lúa vàng ươm/ Và dấu chân người gieo thành hạt thóc; Những hạt mưa đang thầm thĩ trên đầu/ Đất vạm vỡ dưới bầu trời tươi tốt/ Qua vỏ trấu của mùa gặt trước/ Đã nảy những đọt mầm tia nắng tinh khôi (Tiếng gọi từ những cánh đồng 1). Đặc biệt, cuộc đời ào vào thơ anh khi có dịp bung nở duỗi dài theo kiểu thơ văn xuôi như trong bài Hải Phòng trước năm 2000 này: Hải Phòng trước năm 2000, trái tim mỗi người hay hạt giống đang ươm, cánh đồng biển phì nhiêu bên cửa sổ. Những con tàu tựa đôi hài cổ, tiếng ai cười gieo xuống khơi xa. Thủy triều thức dậy cùng cây lau cây sậy. Tiếng sóng râm ran gõ cửa mỗi căn nhà. Gốc phượng vĩ vừa đọng thêm phù sa, đường phố rì rào ngỡ từng con sông nhỏ… Gió ùa đến đu cây làm sóng, trong giấc mơ những đàn chim bay về thanh khiết hót ta nghe. Bước chân ban mai hay em đến bên hè, qua lối ngỏ hồn ta như cỏ ướt... Có giọt sương đêm qua đang cựa mình thăng hoa dưới ánh mặt trời. Mặt đất căng cánh buồm no gió, ta lại nghiêng mình trước ngôi đền ký ức lúc ra khơi.

 

Không lấy làm lạ khi vào thời ấy thấy Mai Văn Phấn thi thoảng cũng ưa đánh đu cùng thể lục bát truyền thống: Vẫn nghe tiếng gọi ê a/ Chồn chân tóc lại mở ra làm buồm (Du ca)Rồi: Bàn tay đã đẫm hương thơm/ Dìu em về lại con đường rung cây (Du ca). Như đã thấy, anh nào có kém cạnh gì với những bậc thầy lục bát thời hiện đại. Nếu còn nghi hoặc ư, xin đọc tiếp những vần thơ sau: Gọi tìm tôi thuở dại khờ/ Về thương tôi của bây giờ tinh khôn (Không đề 1). Hay: Đem thời gian bắc cầu vồng/ Gieo cơn mưa xuống cánh đồng tuổi thơ (Mưa cuối hạ). Vậy là anh vẫn nhất quán với lối viết quen thuộc như từng được thổ lộ trong bài Một lần thi pháp: Chọn màu áo em/ Làm bìa tập thơ/ Những đốm bóng/ Theo tay người dệt lụa/ Miệng tằm/ Bờ bãi/  Bóng dâu... Có điều, sự cựa quậy trăn trở đã có thể cảm nhận thấy ở đây đó: Nhưng em ở đâu?/ Người mặc chiếc áo ấy/ Khi tắt nắng/ Và bóng đen thức dậy/ Anh đi vòng quanh con chữ/ Gọi ơi hời! Sự khác lạ lộ rõ hơn cả có lẽ nằm ở thi phẩm Bài ca buổi sớm trong tập thứ 4 Cầu nguyện ban mai: Anh mơ được em gieo trồng trên ngực

 

Bàn tay dịu dàng vun vào da thịt

Hôn lên tai anh lời chăm bón thì thào

Anh cựa mình nồng nàn tơi xốp.

           

Gió sẽ đến vỗ về từng chiếc lá

Lật phía bên kia che cơn bão đang về

Rồi mùa đông em phủ lá vàng lên mặt

Nỗi ưu phiền mục ra trong lấm chấm mưa xuân.

 

Từng giọt mát lành thấm nhuần trong đất

Tươi từ môi anh đến gót chân em

Anh ngỡ mình được phép lành thánh thể

Đêm vừa qua hay đã mấy nghìn năm.

           

Không khó nhận ra bước chuyển động có thể xem là tự nhiên đến mức thành tất yếu đó. Lại trở về với I. Kant. Ông từng nhấn mạnh: “Cần lưu ý rằng cái đẹp mà ta phải đi tìm một lý tưởng cho nó không phải là một cái đẹp tự do mà phải là cái đẹp được cố định hóa thông qua một khái niệm về tính hợp mục đích khách quan, do đó, không thuộc về một đối tượng của phán đoán sở thích hoàn toàn thuần túy mà của phán đoán sở thích đã phần nào trí tuệ hóa” (3, tr. 110). Nghĩa là, việc hướng tới cái đẹp đỉnh cao, cái đẹp toàn thiện, cái đẹp “lý tưởng” tất sẽ đưa tới cái cao cả. Con đường dẫn những nhà thơ luôn có ý thức cách tân như Mai Văn Phấn đến với cái cao cả, do vậy, là khó tránh khỏi nếu không muốn nói là không thể tránh khỏi. Xin được nhấn mạnh, với I. Kant, cái cao cả chính là lý tưởng của cái đẹp” - một lý tưởng “dù ta không sở hữu được, song luôn nỗ lực để tạo ra nó trong ta”. Vì: “thật ra, Ý niệm [môi trường sống của cái cao cả] là một khái niệm của lý tính, và Lý tưởng [thế giới hoàn mỹ mà cái đẹp khát khao vươn tới] là biểu tượng về một cá thể như là hữu thể tương ứng trọn vẹn với một Ý niệm”, cho nên “cái nguyên mẫu nói trên của sở thích” hướng tới cái đẹp “lý tưởng” chính là “dựa trên Ý niệm bất định của lý tính về một cái tối đa” (3, tr. 110). Từ đó, con người đeo đuổi “lý tưởng của cái đẹp” ở vào “trạng thái an tĩnh của chính tâm thức, và do đó, thấy mình đứng cao hơn bản tính tự nhiên ở trong ta, lẫn giới Tự nhiên ở bên ngoài ta…” (3, tr. 184). Hơn thế, cũng theo I. Kant, việc hướng tới cái cao cả trong trạng thái “lý tưởng” của cái đẹp còn là sinh mệnh dành cho những con người viết hoa. Ông giới hạn: “Chỉ có cái gì có mục đích của sự hiện hữu của mình ở trong chính bản thân mình, chỉ có CON NGƯỜI có năng lực tự xác định những mục đích của mình bằng lý tính, hoặc, nếu phải rút các mục đích này ra từ tri giác bên ngoài thì vẫn có thể so sánh chúng với những mục đích cơ bản và phổ biến để rồi cũng có thể đánh giá một cách thẩm mỹ về sự hòa hợp của chúng với những mục đích ấy” (3, tr. 111). Nói khác đi, không nhiều CON NGƯỜI “trong số mọi đối tượng của thế gian” với “tư cách” biểu hiện tập trung “trí tuệ” của nhân loại, mới có thể vươn tới “tính hoàn hảo” trong những biểu hiện cao vợi của cái cao cả (3, tr. 111). Có thể xem những nghệ sỹ không chịu dừng lại mà luôn trăn trở tìm tòi đổi mới như Mai Văn Phấn nằm trong số ít ỏi những con người mang sứ mệnh đặc biệt ấy.

 

Sau đây, tôi xin đi vào tìm hiểu sự chuyển mình trong thơ Mai Văn Phấn từ phạm trù cái đẹp sang phạm trù cái cao cả bắt đầu từ tập Nghi lễ nhận tên. Như mọi sự vận động khác, sự khởi đầu dễ nhận ra lại từ những biểu hiện đến từ bên ngoài. Bài thơ mở cho cả tập có tên Từ hạt mưa là một minh chứng. Hãy cùng đọc, để cùng chứng kiến và cùng xác nhận:

 

Xuyên qua tầng không quá nhiều tầm nhìn

Những hạt mưa rơi xuống sắc nhọn

 

Từ “tầm nhìn” đa diện và đa phương ấy, sự biến đổi bề ngoài đã hiện ra:

 

Bầu trời xanh lơ vừa bị hoen thẫm

Phút chốc xóa mờ ước lệ chân mây

 

Nhưng căn bản vẫn là sự chuyển mình, tự biến đổi ở bên trong:

 

Không chịu tan hạt mưa rơi vào ta

Thành sạn sỏi chạy khắp cơ thể

Tiếng máu gào trong bàn tay thủy ngân

Là thịt xương hay đá vôi âm ỉ

 

Từ đấy, một cuộc cách mạng thật sự đã diễn ra mà lãnh địa chính là tâm hồn con người - tâm hồn thi nhân:

 

Sủi bọt. Rạn nổ. Vụn nát

Hơi nóng bốc cao ngùn ngụt giữa trời

 

Sự đổi thay triệt để ngoài sức tưởng tượng:

 

Nỗi khắc khoải không còn ý nghĩa

Sự đổi thay vượt quá sức mình

 

Để tạo nên sự chuyển lay ngoài ý muốn:

 

Chưa kịp đắn đo, chưa kịp tưởng tượng

Đã chìm trong mưa, đã cuốn theo mưa

 

Rồi cuối cùng chợt nhận ra con người khác trong ta:

 

Bỗng nhận ra mình trong tiếng kêu người khác

Những khẩu hình tựa phôi thai, miệng hạt, nhụy hoa...

 

Tôi hiểu vì lẽ gì mà tiếng kêu người khác lại ba động trong thơ anh. Không phải vô cớ mà nhà thơ đương đại nổi tiếng Trung Quốc Bắc Đảo đã viết: “Ở đời có rất nhiều nguyên tắc, và trong số này nhiều nguyên tắc mâu thuẫn nhau. Chấp nhận sự tồn tại những nguyên tắc của người khác là nền tảng cho sự tồn tại của chính chúng ta” (tienve.org).

 

Có thể thấy trong quá trình đổi thay kéo dài mà quyết liệt ấy, cái cũ dần dần biến mất một cách tự nhiên: Con đò cũ không nặng mà vẫn chìmBiệt tăm tích bóng người chết yểuĐã tắt hẳn ngọn đèn leo létDường như chẳng còn vương vấn điều gì. Và, cái mới bắt đầu hé nở: Tất cả đang dần trở lạiNụ hôn, nắng mới, tiếng gàNước sông sẽ liền mạchKhát vọng sẽ liền mạch... Điều này có nghĩa: Ấy là dấu hiệu tái sinh. Xem ra, nó hầu như dám trực diện đương đầu với tất cả: Chưa kịp xúc động/ Mới mơ hồ nhận ra/ Ban mai đã cuốn lấy ta những vòng tã lót (Khúc dạo đầu). Người đọc am tường đã kịp nhận ra ý định cách tân thơ trong Mai Văn Phấn như mũi tên kia lao đi bất chấp mọi ngáng trở của bóng đêm: Từ tưởng tượng/ Và niềm khát vọng/ Tôi rút những mũi tên/ Ra đi tìm đích cho ngày…/ Từng mũi tên vạch đường bay vun vút/ Xuyên táo chiều không gian thời gian/ Xuyên táo nhân sinh quan và thế giới quan/ Và tôi tin mình bắn trúng đích (Mũi tên bóng tối). Quả quyết quá! Để rồi từ đó, Nghe Nana Mouskousri, thi sỹ cảm nhận rõ rệt điều này: Tiếng hát tung lưới quét ta về ánh sáng. Và, trước Bức ảnh, trái cây và giấc mơ, rất tự nhiên nhà thơ của chúng ta cảm thấy: Những bức ảnh thiếu sáng, những trái cây chín ép và giấc mơ rụng cánh trước cơn mưa, chầm chậm trôi ngược dòng ký ức. Có thể nói chủ thể sáng tạo ở đây không hề có cảm giác thỏa mãn, mà cứ thấy hẫng hụt, chơi vơi... Với bất cứ điều gì và ở bất kỳ trạng thái nào.

 

Như vậy, chỉ có thể thừa nhận Thời vụ mới trong thơ Mai Văn Phấn đã thật sự bắt đầu: Cánh đồng trên đầu vừa mở cho tiếng vọng/ Cởi bỏ những phiền/ Cởi bỏ hoàng hôn. Để từ đó Mạch nước chảy về trong sự hồi sinh trong trẻo: Mỗi giọt đều được lau chùi từ thăm thẳm, với hướng vận động khác hẳn: Nhằm nơi ta bay ngược cánh cò, cùng lời ca và những âm thanh khác hẳn: Lại vỡ bài ca gieo hạt/ Tiếng trầm hùng qua thanh đới tổ tiên.../ Lời ca chống những cặp môi lên làm ẩm ướt cả không gian. Bạn đọc có cơ sở để hiểu thêm câu kết của bài Thời vụ: Có ai đặt vào tay ta khoảng lặng im vụn rời như nắm thóc. Hiểu để tin hơn vào mùa gặt bội thu sắp tới của thơ anh. Mặc dầu mọi thứ vì là khởi đầu nên còn nằm trong những Cấu trúc tạm thời: Những thửa ruộng, nóc nhà, bóng cây, mái tóc…/ Chuyển động lặng im, vụn rời, không quy luật. Dẫu vậy, sự chuyển động ấy thậm chí đã không hề đoái hoài xem Nơi công cộng tiếng hỏi chào vồn vã/ Như chẳng hề có gì xảy ra. Lời kết của bài thơ Cấu trúc tạm thời là bức tranh lắm mộng mơ mặc dù chưa hết những thao thức: Cơn hạn hán réo sôi trong bàn chân chim chóc/ Tia nắng cuối chiều mơ mộng kéo thành tơ.

 

Thế là từ đây thơ Mai Văn Phấn như được đà tung tẩy tưởng đến tận cùng trong niềm tin và lòng say tương hợp tưởng đến vô tận. Bài Trong căn phòng là một dẫn dụ điển hình. Lời tuyên bố vang lên thật dõng dạc: Đèn bật sáng/ Mọi vật nhìn rất rõ. Sáng rõ từ ngoài vào trong, đúng hơn là vì bên trong sáng nên mọi thứ bên ngoài mới tỏ tường đến thế: Ý tưởng mới hiện hình/ Những điều chưa kịp giải thích/ Cũng nằm yên trong ánh sáng chan hòa. Mong mỏi của nhà thơ có điều kiện thực thi bất chấp mọi cản ngăn vô lý vô cớ đến từ mọi hướng: Gọi tên sự tù mù lẫn cả sự sáng lên. Phải chăng đó chính là một trong những đích đến của thơ anh theo tinh thần canh tân sáng tạo. Đúng như ý nguyện được Mai Văn Phấn thể hiện trong bài Bây giờ mưa phùn: Những ý nghĩ lung tung chạy cùng sóng lá. Hay trong bài Phía sau ánh sáng, với ý thức có phần tỏ tường hơn: Bóng những chiếc ghế, hàng cây, ngọn tháp.../ Trốn màn đêm đi tìm ước mơ.../ Cả  quả chuông cố rung lên mà không thành tiếng. Đâu là ranh giới giấc mơ? Còn đâu là ranh giới chân trời? Thật khó đoán định vì dường như mọi giới hạn đều như bị xóa nhòa. Bởi: Những giấc mơ cố vùng vẫy đến tận cùng sự thật/ Nhưng bóng ghế, bóng những hàng cây, ngọn tháp.../ Ngã sõng xoài về phía sắp bình minh.

 

Như vậy, có thể nói đến lúc này Mai Văn Phấn đã tìm được những Giải pháp đổi mới thi ca thỏa đáng, chí ít là cho riêng mình. Để rồi anh có thể tự tin xác nhận: Vẫn thói quen hào hứng và lạc quan xưa cũ, ta ngẫu hứng một giai điệu gì quen lắm, sao thấy không hào sảng và lôi cuốn như xưa. Càng ở những bài thơ cuối tập Nghi lễ nhận tên, bạn đọc càng có dịp đón nhận những đứa con tinh thần như được sinh ra từ những tế bào mới mẻ đến tinh khôi. Tôi đọc đoạn thơ sau của bài Sáng mùa hè trong ngập tràn hứng khởi ấy:

 

Lao vào đất những ngón chân khát nước

Chiếc lá mới nhô lên đặt lại ca từ

Lửa đã bén trong không gian lặng lẽ

Từ nỗi niềm vừa rơi xuống vỡ tan

 

Rồi cả những câu này trong bài Quyền lực mùa thu của anh:

 

Mùa thu chảy vào nỗi niềm thâm căn cố đế

Hơi nóng rân rân truyền lên thịt da

… Nơi thánh đường không ai thờ phụng

Phi lý lỗi thời mọi toan tính suy tư

Mọi bền chặt đã đến giờ tan loãng

Nung nấu réo sôi từng vật thể tế bào

 

Trong bài Đầu thu, Mai Văn Phấn dè dặt tỏ bày: Chỉ chiếc lá chưa vàng vẫn một mực khăng khăng: - Những gì chưa đến thì đừng có nói! Tôi nghĩ có lẽ anh đã quá thận trọng chăng, bởi vì có thể nói bắt đầu từ tập Nghi lễ nhận tên (1999) với những chuyển biến mới lạ như vừa được dẫn giải, cái đích anh chọn lựa đã rõ rệt mà ý tưởng chung cũng đã hiện thành hình hài, thậm chí có thể sờ mó, ngắm nghía nữa kia!

 

Vậy là, được xây nền đắp móng có thể xem là vững chãi ở Nghi lễ nhận tên, từ tập Vách nước trở đithơ Mai Văn Phấn như cứ thế mà thẳng tiến. Ở tập thơ này, người đọc còn lập tức nhận ra ý thức làm mới thi ca ngay ở cách thức trình bày rất riêng và rất lạ. Như một thứ tuyên ngôn không lời! Chẳng phải trong lịch sử thi ca của nhân loại chữ viết và sau là chữ in cũng từng góp phần tạo ra những cảm thức thẩm mỹ độc đáo là gì? Nhưng cố nhiên, khi nào anh cũng dành cho ý tưởng trong thơ vị trí chủ âm. Tôi thích bài Mùa hạ rất gần. Mọi vật kể cả những vong linh cũng đều vật vã đòi tái sinh. Trong trạng thái chuyển động sinh sôi nảy nở khôn cùng: Chim chóc nghe lách cách giữa thân cây tiếng viên đạn lên nòng…Con hà sặc khói hun mở miệng luận bàn về sự bất tử của nước và thoáng chốc con thuyềnCon gấu ôm trọn tổ ong buông mình từ đỉnh cây xuống nơi giăng bẫy. Quả đúng là: Dây chão thời gian kéo căng/ Nổ tung nền đất cứng. Hình ảnh cuối thật ấn tượng: Ai đang dang tay/ Nói mãi không thành tiếng. Suy cho cùng, mọi lời mà con người có thể nói ra đều tỏ ra bất lực trước đời sống luôn biến hóa trong sự trôi chảy không ngừng của dòng sông Heraclit. Thơ gắng diễn tả cái vô hình, vô thanh trong sự biến hóa thật khó diễn tả ấy! Để: ý tứ trong thơ chợt trở nên căng phồng, dập dồn, cuồn cuộn đến khó ngờ. Như hình ảnh chất chồng ý nghĩa trong khổ thơ này: Đu cành caoChạm ngực em trái chínThân bỏng rátAnh sấm rền gót chân (Hát từ đất). Nhiều vần thơ, thậm chí nhiều bài thơ của Mai Văn Phấn quả như Dòng sông ấy vừa chảy/ vừa sinh nở (Đất mở). Nói một cách khác: Chữ trong sổ tay vừa mơ thấy lửaSắp thành tro lại chợt hoàn hồn (Linh hồn đã bay...). Bí quyết của những vần thơ ẩn mật, thâm trầm nảy ra từ bàn tay như có hồn này là ở chỗ: Trong hốc lặng/ tôi/ im trôi với bao người (Im trôi). Hơn thế, sáng tạo với anh quả như một thứ Mộng du: Chăn trên đồng trắng/ Chữ nghĩa làm đất mang thai/ Qua thác loạn... Chợt thấy lặng thinh trước vẻ lung linh của bông sen hơn một lần được thăng hoa trong thơ anh: Bên nhau lặng im nghe bông sen trắng/ đang nhói sáng/ vươn trong huệ tưởng.

 

Có thể dễ nhận ra những phẩm chất thi ca mới mẻ từ tinh thần tới ngoại hiện ở hầu hết các bài trong những tập thơ sau của Mai Văn Phấn: Hôm sau (2009), Và đột nhiên gió thổi (2009), Bầu trời không mái che (2010). Cố nhiên đôi lúc anh vẫn có ý định trở về với những vần thơ chân chất buổi đầu, nhưng hầu như với những biểu hiện không còn như cũ nữa. Ở Nhịp IX  trong tập Bầu trời không mái che (2010), nhà thơ thổ lộ: Muốn viết câu thơ tự nhiên/ Như đi trên đất. Ta có thể nhận thấy các bài thơ như Giai điệu xuân, Cốm hương, Thu đến… thật sự đi theo hướng này. Hãy cùng đọc toàn văn bài Cốm hương sẽ rõ:

 

Thu về e ấp

Cốm non lãng đãng sương giăng

 

Khăn áo ấy mịn màng da thịt

Dâng heo may lên trời

 

Nhịp cốm giã rộn mùa thóc nếp

Thúng mủng dần sàng vỏ trấu hây hây

 

Trái bưởi thơm dịu nắng hanh

Thanh khiết chùm hoa mộc

 

Giữa đất trời ngó sen sau mưa

Da diết nhớ từng vòng cuộn xiết

 

Lá sen xanh ủ cốm em anh

Chín nẫu chân mây mùa hạ

 

Đêm ái ân lặng phắc ngọn đèn

Trái hồng đượm trong hương cốm nõn.

 

Tôi nhớ, ngay lập tức, anh cảm thấy trở về ngôi nhà xưa hoàn toàn là không dễ. Cho nên, cứ bị ám ảnh hoài bởi những câu kết nhọc nhằn mà đầy hứng khởi này trong Nhịp IXNhững móng vuốt tì chân cỏ bật căng/ Cỏ non kinh động/ Càng chồi lên mở lại những chân trời. Ngẫm kỹ vẫn không ra khỏi quy luật chung mà lạ thay chính nhà triết học thiên tài I. Kant cũng đã phát hiện ra. Ông bảo rằng: “Tính đơn điệu (tính hợp mục đích một cách không màu mè) hầu như là phong cách của Tự nhiên ở trong cái cao cả” (3, tr. 192).

 

á

 

Con đường và không gian thơ cho đến giờ của Mai Văn Phấn nhìn đại thể là vậy. Phía trước vẫn còn đó: Một khoảng không rộng mở… Cùng một khát vọng da diết… Có điều, ngay giữa lúc này, tôi vẫn tha thiết mong mỏi đông đảo bạn đọc chúng ta hãy mở rộng lòng đón nhận sự cách tân đầy ý thức mà cũng đầy hiệu quả của thơ anh. Tôi biết vì lẽ gì mà Mai Văn Phấn từng tâm niệm: “Đổi mới thi pháp trước hết là từ chối ve vuốt những sở thích của người đọc, nhằm tạo những sóng từ khác, những mã số khác trong không gian thơ vừa được khám phá. Lý tưởng thi ca của sự cách tân nhằm gọi đúng bản chất của sự vật trong nhịp điệu đời sống hiện đại”(1). Sự cách biệt giữa khát vọng sáng tạo của người nghệ sỹ đích thực và thực tế cảm thụ của công chúng nghệ thuật rộng rãi là có thật. Bởi vậy, với những ai luôn mong muốn sự tiến bộ thật sự trong nghệ thuật không thể không có nhu cầu xóa bỏ sự cách biệt vô lối và vô lý ấy. Nhất là giữa lúc này, khi nền nghệ thuật dân tộc ta đang đứng trước những thách thức cùng những đòi hỏi ngày một cao và lớn hơn nhiều. Nên nhớ, dẫu thế nào đi chăng nữa thì sự hài lòng nơi cái đẹp cũng như nơi cái cao cả, theo ý I. Kant, “không chỉ phân biệt với những phán đoán thẩm mỹ khác ở tính có thể thông báo được một cách phổ biến mà còn thông qua đặc điểm là có một sự quan tâm trong quan hệ với xã hội (trong đó sự hài lòng ấy được thông báo)” (3, tr. 196). Như thế, vẫn theo I. Kant, “nếu phán đoán sở thích không muốn có tính chất ‘vị kỷ’ [hay tự quy], nếu ta trọng thị nó như một phán đoán đồng thời có quyền đòi hỏi bất cứ ai cũng phải tán đồng, nghĩa là dựa theo bản tính nội tại của nó, vì chính bản thân nó, chứ không phải vì những trường hợp do những người khác [ngẫu nhiên] mang lại từ sở thích của họ, thì nó tất yếu phải có giá trị một cách liên-chủ thể và ta phải đặt nó trên nền tảng một nguyên tắc tiên nghiệm nào đó (dù là khách quan hay chủ quan) mà việc dò tìm những quy luật thường nghiệm về những trạng thái biến đối của tâm thức không bao giờ có thể đạt đến được” (3, tr. 196).

 

Đặc trưng của sự tiếp nhận cái đẹp và cái cao cả khác biệt chủ yếu ở chỗ, với cái sau tâm thức cảm thấy “được đặt vào trong trạng thái vận động”, trong khi phán đoán thẩm mỹ ở cái trước lại “để yên tâm thức trong trạng thái tĩnh quan”. Sự tác động trong tiếp nhận cái cao cả, nhất là trong giai đoạn đầu, “có thể so sánh với một sự chấn động, nghĩa là, với trạng thái thay đổi nhanh chóng giữa ‘sức hút’ và ‘sức đẩy’ của cùng một đối tượng khiến người tiếp nhận vừa thấy lôi cuốn vừa thấy ghê sợ”.  Bởi vậy, I. Kant không quên lưu ý chúng ta cần luôn thấy rõ vai trò của cả hai phạm trù cơ bản này trong nhận thức và giáo dục thẩm mỹ của con người và xã hội. Đặc biệt là vai trò của cái cao cả. Ông luôn xác định rất rành rọt: “Cái đẹp chuẩn bị để ta yêu một cái gì…, còn cái cao cả đánh giá cao một cái gì cho dù nó đối lập lại với sự quan tâm (cảm tính) của chúng ta” (3, tr. 182). Như thường diễn ra, cái khó làm nên bao trở ngại trước nay hay nằm ở sự tiếp nhận đối với cái cao cả hơn là đối với cái đẹp. Trong cuộc đời đã thế! Trong nghệ thuật càng thế! Đặc biệt là trong sự tiếp nhận thứ nghệ thuật linh diệu vào bậc nhất mà con người, lịch sử và xã hội từng tạo ra như thi ca.

 

Để giải quyết vấn đề trên thực tế không dễ giải quyết đó, tôi nghĩ cần chú tâm tháo gỡ từ cả hai phía. Thứ nhất là từ thói quen thẩm mỹ. Ở đây, tôi xin được nhắc lại một tư tưởng rất thâm thúy của I. Kant. Ông cho rằng: “Trong bản tính con người có một nết xấu” là “có xu hướng che dấu những tình cảm và suy nghĩ thật của mình và chỉ phô bày ra bên ngoài những gì được dư luận chung chấp nhận và cho là tốt đẹp đáng khen”.  Mà trên thực tế, “giống như tất cả những gì đến từ Tự nhiên, nết xấu ấy ẩn chứa tố chất cho các mục đích tốt đẹp nào đấy”. Theo ý I. Kant, điều này biểu hiện tập trung ở chỗ: nó “góp phần văn minh hóa”, hơn thế, “còn dần dần và trong những mức độ nhất định, đạo đức hóa con người chúng ta”. Bởi lẽ, ông giải thích:  “Chính những tấm gương tưởng là tốt lành biểu lộ ra bên ngoài mà ta tiếp cận hàng ngày là một trường học làm tăng tiến nền đạo đức cho ta”. Tuy nhiên, I. Kant không quên cảnh báo: “Thiên hướng tự khoe mình là tốt đẹp hơn những gì đúng là mình trên thực tế, và biểu lộ những cảm nghĩ mà mình thực sự không có” ấy chỉ nên xem là “một cách ứng xử tạm thời để dẫn dắt con người ra khỏi trạng thái thô lậu bằng cách dạy ta ít nhất cũng biết học đòi được phong cách bề ngoài tốt đẹp của những người chung quanh”. Song, ông nhấn mạnh, “một khi các nguyên tắc đích thực đã được phát triển và trở thành nền móng vững chắc cho thói quen và lề lối tư duy của ta, thói xu thời và thiếu trung thực này phải không ngừng bị đấu tranh mạnh mẽ để dần dần dẹp bỏ, nếu không, nó sẽ làm bại hoại tâm hồn, và những tình cảm, suy nghĩ tốt đẹp không thể bén rễ trên mảnh đất đầy rẫy cỏ dại độc hại của vẻ bề ngoài đẹp đẽ này” (4, tr. 1096). Sự khuyến cáo của I. Kant từ trên 200 năm trước rõ ràng vẫn còn mang ý nghĩa nóng hổi đối với chúng ta hôm nay.

 

Và, thứ hai là từ giáo dục thẩm mỹ. Vẫn là tư tưởng của I. Kant. Ông khẳng định: “Bảo rằng sự đào luyện văn hóa là điều kiện cần có để phán đoán về cái cao cả của Tự nhiên (nhiều hơn so với phán đoán về cái đẹp) không có nghĩa rằng cái cao cả là sản phẩm do văn hóa tạo ra và được đưa vào xã hội theo kiểu đơn thuần quy ước, trái lại, cái cao cả có cơ sở của nó ở trong bản tính tự nhiên của con người, và là cái mà, cùng với tâm trí lành mạnh của con người, ta có thể hy vọng và đòi hỏi rằng ai ai cũng có ở trong tố chất bẩm sinh của mình đối với xúc cảm về những Ý niệm”. Tuy nhiên, chỉ với một sự khác biệt sau: “Trong trường hợp trước [với cái đẹp], bởi năng lực phán đoán chỉ liên hệ trí tưởng tượng với giác tính - như quan năng của khái niệm -, ta đòi hỏi điều này như một việc đương nhiên; còn ở trường hợp sau [với cái cao cả], vì ở đây năng lực phán đoán liên hệ trí tưởng tượng với lý tính, như là quan năng của những Ý niệm, nên ta chỉ đòi hỏi với một tiền-giả định chủ quan (mặc dầu ta tin rằng mình rất có quyền đòi hỏi), đó là tiền-giả định về tính cảm luân lý [gắn với ham muốn] ở trong con người. Và với tiền-giả định này, ta cũng gắn tính tất yếu vào cho phán đoán thẩm mỹ về cái cao cả” (3, tr.1 78 & 179). Không thể thụ động trông chờ vào sự đổi thay tuần tự, tự nhiên nơi bản tính của con người. Với cái cao cả trong nghệ thuật, thái độ tích cực nhất là cần kiên tâm tăng cường giảng giải và thuyết phúc bằng mọi cách và bằng mọi giá. Cái gì cần tất sẽ phải đến. Đó là quy luật. Nhưng khi con người tác động mạnh mẽ đầy ý thức, thì ai cũng biết, cái mà con người cần tất sẽ đến nhanh hơn. Và khi đó, tôi xin được định danh trạng thái này là đại cát, đại phúc. Không chỉ cho mỗi cá nhân. Và cũng không chỉ cho dân tộc ta. Cố  nhiên.

 

Hy vọng rằng, với sự chuyển biến từ nhiều phía cùng sự quan tâm của nhiều người, nhất là trong giới văn chương - văn học, những cách tân thi ca đúng hướng và đúng nghĩa như Mai Văn Phấn đã thực thi sẽ dần dà được thừa nhận rộng rãi như đối với khí quyển con người hít thở hàng ngày. Chợt nhớ tới tác động của bản nhạc được phổ từ một bài thơ trong Kinh thi mà có lần Khổng Tử đã nói tới: “Sư Chí chi thỉ Quan thư chi loạn, dương dương hồ doanh nhĩ tai” [Tạm dịch: “Nhạc sư Chí vừa phổ nhạc bài Quan thư mới nghe ồn ào, sau thấy dào dạt vui thích thuận tai lắm”]. Cần lắm thay! Mà cũng mong lắm thay!

                                              

á

 

Vào thời nối mạng chưa từng thấy như hôm nay, khi “con sam cái khổng lồ bao trùm mặt đất” (MVP), cả thế giới đột nhiên trở thành một cái làng quá ư bé nhỏ. Thông tin dồn dập và tràn lan… Thế mà người đọc mọi chân trời đã đến với thơ Mai Văn Phấn như tìm đến một sự kết lắng tinh thần của dân tộc và thời đại trong một hình thái lao động phải nói là nặng nề và cực nhọc. Lại diễn ra một cách triền miên, kéo dài hàng chục năm trời. Của trí tuệ ư? Không hẳn chỉ có thế. Đúng hơn có lẽ là sự trải nghiệm dồn nén, căng tràn trên mọi bình diện, với mọi mức độ có thể có của Con-Người-Tại-Thế mà người nghệ sỹ của chúng ta ở đây chỉ là một hiện thân sống động nhất. Bởi vậy, thế giới nghệ thuật mang tên Mai Văn Phấn xem ra như nổi trội hẳn lên trong tầng tầng lớp lớp những “người cùng thời”. Lại nhớ tới những nhận xét thấu lý của Khổng Tử: “Khả dự cộng học, khả dự đích đạo; Khả dự đích đạo, vị khả dự lập; Khả dự lập, vị khả dự quyền”. [Tạm dịch: “Có thể cùng học với nhau song chưa hẳn cùng đắc đạo như nhau; Có thể cùng đắc đạo như nhau song chưa chắc kiên định đạo lý như nhau; Có thể cùng kiên định như nhau song chưa phải đã hành xử phù hợp hoàn cảnh như nhau” - (Luận ngữ, Tử Hãn. 30). Và cả những lời sau của I. Kant nữa. Ông bảo: “Ở đâu không có tố chất nội tâm nào vượt trội hơn tỉ lệ trung bình cần thiết để tạo nên một con người không có khiếm khuyết thì ở đó khó chờ đợi một cái gì thường được gọi là tố chất thiên tài, tức là nơi Tự nhiên dường như muốn rời bỏ các mối quan hệ bình thường giữa các năng lực tâm hồn để dành ưu tiên cho một vài tố chất đặc biệt nào đó” (3, tr. 114). Tôi rất biết “mỹ trung” trong trường hợp Mai Văn Phấn hiển nhiên còn “bất túc”. Nhưng, xin được học theo cách nói và lối tư duy trên của I. Kant để công khai biện hộ cho những “khiếm khuyết” trong thơ anh như là sự biểu hiện không tránh khỏi của những “tố chất nội tâm” có phần “vượt trội” mà người mẹ Tự nhiên đã “dành ưu tiên” ban cho không nhiều người trong số chúng ta.

 

Xin được ngừng lời ở đây.

 

Cảm ơn các anh, các chị và các bạn đã chăm chú lắng nghe.

 

Đà Lạt, những ngày tháng Tư năm 2011

 

P.Q.T

 

_________________

TÀI LIỆU CHÚ THÍCH :

1) Tạp chí Nhà văn, số 4-2005.

2) Tham luận của Mai Văn Phấn tại Hội thảo thơ do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức, 9/2002.

3) I. Kant, Phê phán năng lực phán đoán - Nxb Tri thức, H., 2007.

4) I. Kant, Phê phán lý tính thần túy – Nxb Văn học, H., 2004. 

 

 

(Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, khác biệt và thành công - Kỷ yếu hội thảo thơ tại Hải Phòng, 15/ 5/ 2011, NXB Hội Nhà văn, 2011)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị