Xóa nhòa ranh giới giữa thơ ca và văn xuôi trong thơ văn xuôi của Mai Văn Phấn (phê bình) - Nguyễn Ngọc Thiện

Xóa nhòa ranh giới giữa thơ ca và văn xuôi trong thơ văn xuôi của Mai Văn Phấn

 




 

 

Nguyễn Ngọc Thiện

 

Trong buổi đầu cách tân thơ Việt Nam hiện đại viết bằng chữ quốc ngữ nửa đầu thế kỷ XX, song song với sự ra đời của thơ trữ tình viết theo lối mới, có khuôn khổ tự do – còn gọi là Thơ mới – (không bị ràng buộc về số từ trong một dòng, về vần điệu và nhịp thơ, về phô bày cảm xúc của chủ thể...) là sự xuất hiện của thể thơ tự do khá đặc biệt, gọi là Thơ văn xuôi.

Thơ văn xuôi là một hướng cách tân cả về hình thức biểu hiện lẫn tư duy nghệ thuật của thơ hiện đại, nhằm xóa nhòa ranh giới giữa thơ ca và văn xuôi xét về đặc trưng chất liệu ngôn từ và cấu trúc văn bản.

Năm 1997, khi cùng nhà thơ, TS. Nguyễn Văn Hoa lần đầu tiên biên soạn Tuyển tập Thơ văn xuôi Việt Nam và nước ngoài (Nxb. Văn học, H., 688 tr.), chúng tôi đã chọn những tác giả thơ đi đầu trong việc thử nghiệm làm thơ văn xuôi (chủ yếu thuộc trào lưu văn học lãng mạn) kể từ những năm 20 của thế kỷ XX là: Tản Đà, Phan Khôi, Đông Hồ, Tương Phố, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Xuân Sanh... Thơ văn xuôi trong buổi đầu thử nghiệm vẫn lấy cốt trữ tình cá nhân làm chính, không câu nệ vần điệu của câu chữ mà chú trọng diễn tả nhịp chuyển động bên trong của tâm hồn. Tuy cái hồn của thơ văn xuôi vẫn lấy trữ tình làm chính, nhưng mạch trữ tình vẫn còn ít nhiều gắn với mạch tự sự về sự kiện, câu chuyện của đời sống con người. Nói cách khác, thơ văn xuôi thời kỳ đầu vẫn triển khai trên một cấu trúc lưỡng phân thơ trữ tình – tự sự.

Cũng trong cuốn sách nói trên, chúng tôi có tuyển hai bài thơ xuất hiện trong thời kỳ sáng tác vào năm 1995 của Mai Văn Phấn có nhan đề Lúc mặt trời mọc Hải Phòng trước năm 2000. Thuộc thế hệ các tác giả thơ xuất hiện trong thời kỳ Đổi mới vào thập kỷ cuối của thế kỷ trước, thơ văn xuôi của Mai Văn Phấn đã có những nét khác biệt so với các bậc cha anh nửa đầu thế kỷ XX. Thơ văn xuôi của anh được tổ chức chặt chẽ hơn, không dàn trải trên cái khung sự kiện được kể lan man theo trục tuyến tính, mà là những cơn xoáy lốc của niềm cảm xúc ám ảnh, dòng tâm tư tranh biện, diễn giải về một ý tưởng đột khởi, hiện hữu trong ấn tượng mãnh mẽ nơi thi nhân. Trong đó đan xen giữa thời hiện tại và thời quá khứ, dự báo về ngày mai; giữa cái ý thức và cái tiềm thức, vô thức; giữa cái hữu hình và cái vô hình; giữa cái thực và cái hư thực, biểu tượng, tượng trưng. Với thủ pháp đồng hiện; văn bản thơ văn xuôi chồng chất các liên tưởng, hình ảnh thơ theo kiểu hiện đại và hậu hiện đại. Nhà thơ khổ công với chất liệu ngôn từ: những con chữ, hình ảnh, hình tượng thơ được diễn đạt mới, theo một ngữ pháp riêng, với cách diễn ngôn riêng của mình. Nói cách khác, từ chữ đến lời, ngôn ngữ thơ và tư duy thơ văn xuôi của Mai Văn Phấn nhằm thể hiện khát vọng quyền lực tối thượng của nhà thơ đi tìm một cấu trúc văn bản thơ mới lạ, với cách dụng ngữ riêng, in đậm cá tính sáng tạo nghệ thuật của tác giả, tích hợp đặc sắc, ưu thế của các thủ pháp: truyền thống, tượng trưng, siêu thực, hiện đại, hậu hiện đại. Văn bản thơ văn xuôi Mai Văn Phấn đầy tiềm năng nghĩa ẩn chứa trong đó, nó là một “kết cấu vẫy gọi” sự mở, sự khám phá của người đọc tri âm, đồng điệu, đồng cảm.

Hành trình thơ văn xuôi của Mai Văn Phấn đã được hơn 15 năm có lẻ. Từ những bài thơ văn xuôi độc lập, cụm lại thành chùm (như 8 bài Lúc mặt trời mọc, Viết cho cây sáo, Nước mắt, Em cho con bú, Đêm ở Thuỵ Khuê, Bừng tình trên tàu, Ký sự mùa thu, Hải Phòng trước năm 2000), Mai Văn Phấn mở rộng khuôn khổ thơ văn xuôi thành từng chương trong trường ca (như chương III: Cộng hưởng I; chương VI: Cộng hưởng II; chương X: Phía trước bàn chân trong trường ca Người cùng thời) hoặc tổ hợp thành liên khúc, biến tấu theo chủ đề (Mười bài tập mùa xuân – 10 khúc; Những bông hoa mùa thu 13/27 đoạn).

Về mặt cấu trúc, đơn vị câu thơ cũng có những biến đổi. Nếu trước đây câu thơ văn xuôi dài nhất của anh chỉ trên dưới 30 từ thì nay câu thơ được kéo dài thành một khúc gồm từ 20 dòng – như khúc 24, 25 và 26 của Những bông hoa mùa thu, chẳng hạn. Người đọc đọc những câu – khúc thơ này phải xem đọc liền mạch, không có chỗ ngừng nghỉ bởi dấu phảy, dấu chấm. Không viết hoa chữ đầu câu, đầu dòng, không có dấu chấm lúc cuối câu, cuối đoạn. Ta có thể hình dung viết văn bản thơ văn xuôi như vậy chẳng khác gì việc đổ bê tông, phải trộn vữa đều, thuần chất liệu, đổ liên tục không để ngắt quãng, đứt đoạn, để khi kết thức thành một khối tạo hình vững chắc, nhuyễn kết trong một chỉnh thể không hề có chỗ ráp nối.

Trong một bài viết trước đây, tôi từng so sánh tác phẩm thơ văn xuôi hay như một cuộc bắn pháo hoa trí tuệ ngoạn mục làm người đọc sững sờ, choáng ngợp vì vẻ đẹp thăng hoa của nó. Nay tôi còn thấy thơ văn xuôi viết theo lối hiện đại và hậu hiện đại mà Mai Văn Phấn ham viết gần đây có thể gọi là một lối thơ ngẫu hứng ghi kịp những tâm trạng vụt hiện, những nỗi niềm như tự động được khơi mở, tuôn trào...

Không phải bài thơ văn xuôi nào của Mai Văn Phấn cũng được người đọc tán thưởng, chia sẻ. Không khỏi có những bài, những khúc còn khó hiểu, không quen với loại người đọc tiếp nhận thơ theo kiểu truyền thống đòi hỏi ý tứ sâu xa nhưng cần rành mạch, nắm bắt được. Nhưng biết đâu, đây lại là một dụng ý của tác giả: Anh muốn dành quyền chủ động tiếp nhận thơ, đối thoại với tác giả từ phía người đọc không dễ tính?

Mai Văn Phấn, trong một trả lời phỏng vấn gần đây, đã xác quyết rằng anh đi theo khuynh hướng cách tân thơ, mà đặc điểm nổi bật là xóa nhòa ranh giới giữa thơ ca và văn xuôi.

Nhìn lại thơ văn xuôi của anh từ năm 1995 đến nay, với hơn 50 bài (độc lập, hoặc là chương, đoạn của liên khúc) có hình thức văn xuôi viết liền mạch. Nhưng đó chỉ là mặt ngoài của văn bản. Từ nội lực của nó, thơ văn xuôi của Mai Văn Phấn ở phần thành công đáng kể, đã ghi nhận tâm huyết và nỗ lực không mệt mỏi của nhà thơ, vừa làm phong phú gia tài thơ của mình, vừa đem lại những văn bản tác phẩm mở ra và nâng cao “chân trời chờ đợi” trong tiếp nhận thơ hiện đại của người độc hôm nay.

 

Hà Nội, 7/5/2011

N.N.T

 

(Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, khác biệt và thành công - Kỷ yếu hội thảo thơ tại Hải Phòng, 15/ 5/ 2011, NXB Hội Nhà văn, 2011).

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị