Tản mạn vô thức mặt người (phê bình) - Đà Linh

Tản mạn vô thức mặt người



 

Đà Linh

 

Mỗi lần nhận được tập thơ của chàng từ xa gửi đến, tôi đều xúc động. Âm thầm, với một cảm giác khó tả, như là đang sống những giây phút được thanh lọc. Điều này, có thể từ một cái duyên gặp gỡ ở Hội nghị Nhà văn trẻ lần IV. Và rất có thể, từ những điều khác, dù lắng đi, nhưng vẫn còn đó.


Mới đây, thật tình cờ, được nhà văn Đặng Thân cho mượn tập tuyển của chàng. Thật trang trọng, bề thế. Đúng như chàng nói: để trả nghĩa cho Thơ. Và thế là tôi lên tàu, trôi về phương Nam, trong hành trang có tập tuyển thơ của chàng.


Có những bài đã đọc, có những bài chưa, còn nhiều bài đọc song chéo với nhiều tập thơ người khác (do cái nghiệp “đỡ đẻ” chưa dứt), và tôi lật giở... trước đèn. Lật lần đầu, gặp “thằng Đạo mạo”. Bật bật ít trang : “gặp một khuôn mặt bì bì... mắt chì, giọng mỡ” (“Ghi ở Vạn Lý Trường Thành”). Thấy cách thơ lạ, có chất văn xuôi (hay là biểu hiện của Hậu hiện đại?). Lật ngược về những trang đầu: “mặt mình đơm hoa”! Phải thế chứ. Chàng thi sĩ họ Mai, sáng sủa, thông minh, có tài lại tinh tế. Lại ngược tiếp, “Mặt người viên cuội chơ vơ” (“Kinh cầu ban mai”), tôi đã dừng lại khá lâu, tôi phải lòng 2 chữ “chơ vơ”. Và viên sỏi đầu đời của chàng đã dẫn lối tôi ùa vào. Tiếp theo: “Khuôn mặt em vừa hiện trong vòm cây sót lại, tán lá đong đưa như bát nước đầy” (“Đêm ở Thụy Khuê”). Chẳng rõ tại sao, lại nhớ Hàn Mặc Tử... Rồi từ Mặt chữ điền, vô thức như bật dậy, kéo theo bao Mặt người.


Tất nhiên, chàng thi sĩ bạn tôi có khuôn mặt thanh tú (không phải chữ điền), lành hiền, nhưng từ vô thức của chàng, tôi đã dò thấy “Đồng đất quê ta hao hao những mặt người” (“Tiếng gọi từ những cánh đồng”), “Những hốc mắt kiếp người lầm lũi” (“Hải Phòng trước năm 2000”), “Tổ quốc ...., mang khuôn mặt mình thời mọc tóc thay răng” (Trường ca “Người cùng thời”). Ở đó còn có cả 

“những khuôn mặt bịt kín
những vỏ đạn rỉ hoen mở mắt”
,

“lũ gian thần
lấp lênh khuôn mặt
nơi phòng the từng thu xếp thế gian”
... 

 

và ai đó, phải chăng chàng chính là

 

“một người để nước mắt rơi
mặn mòi lăn khắp mặt người yêu thương”
 
[lặp 3 lần]

             (Trường ca “Người cùng thời”).

Làm sao mà chàng không rơi lệ, khi “mặt người thân nhọc nhằn nấp sau bát mẻ” (Trường ca “Người cùng thời”), hay hình ảnh quê hương “...con đường cổ lỗ chôn nông khuôn mặt hạn hán”, lại nữa “khuôn mặt méo lệch đọng nước mắt rắn đanh” (“10 bài tập mùa xuân”).

Khác với thi sĩ Hoàng Hưng, chàng không phải “Người đi tìm mặt”, mà Mặt tự đến, đó là vô thức, tưởng đã được lèn chặt, nhưng nó lẻn vào trong thơ chàng thật mãnh liệt. Chàng chỉ nhận ra, khi đã vượt qua một hành trình khá dài, để có thể gọi tên của nó, một cái tên cho cả một chương, như khuôn mặt thanh tú của chàng: Đằm thắm mặt người (Chương V, Trường ca “Người cùng thời”)... với hơn 100 dòng “thanh minh”, chàng đã cho nó một cái họ: 

chân lý cũng giản đơn
tựa mặt người tốt bụng”
.

Tôi bỗng nhớ đến nhà văn Bùi Ngọc Tấn “cười hằn mặt đá” (“Mộng du”).

Vậy là MẶT NGƯỜI đã có đủ họ và tên. Đã được nhập tịch, có chứng minh thư, và nó đã, đang, sẽ đồng hành cùng chàng. Nếu diễn đạt không mù mờ, thì chính nó sẽ truy vấn và minh giải chàng. Thì đó: Lục bát cổ điển? Tự do hiện đại? Hậu hiện đại? Tân cổ điển? Tân hiện thực? Hiện thực XHCN? Có yếu tố tự nhiên? Thì cứ xem cái cách Mặt người hiện diện. Và chàng đã bước đi những bước tiếp. Tôi lại nhớ đến những câu thơ của thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo

“trong giấc ngủ ta thấy lang thang thế giới
mặt nạ bày bán khắp nơi
trên sân bay trên xe con trên bàn tròn bàn vuông bàn chữ U bàn chữ nhật
trên đạn bom lợi nhuận
trên âm mưu mong cứu rỗi con người”
 

             (“Mộng du” – “Đồng dao cho người lớn”).

Tôi hiểu mặt nạ ở đây thi sĩ không nói đến hát bội, đến tuồng. Mà đang nói đến một thế giới của những Mặt Người giả ảo. Vậy là có sự “Mộng du” với chàng, thời khắc

“Nhà mình
mọi sự đảo lộn
không nhớ bức chân dung hạ xuống bao giờ”
 

             (“Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ”).

Mọi sự đã thay đổi. “Đồng đất quê ta hao hao những mặt người” nay giá đã tăng vài chục ngàn lần. Thật hay ảo những giá trị? Chàng thi sĩ giờ mới thực sự vỡ òa - Mặt người không còn, đến cả “gương mặt vợ con” cũng lẫn “trong khoảng lặng những quảng cáo thương hiệu” (“Đến trong ý nghĩ”), rồi “vài gương mặt trôi đi làm nhầm lẫn cảm quan, ý nghĩ, nhầm lẫn thứ tự trang sách...” (“Vòng cung thời gian”)... không dừng được: “Một số người trỗi dậy từ đám đông, khoác áo đen, mang mặt nạ đen”(“Biến tấu con quạ”), “vẻ mặt quan trọng của người hàng xóm giờ mủn bục” (“Di chứng”), rồi “quanh quẩn ngõ tối bao gương mặt quảng trường đúc từ xương quai hàm luôn tư thế hô hoán...” (“Niệm khúc số 18”)... Chắc lúc này, chàng có nghĩ đến “Các vị La Hán chùa Tây Phương”, gần địa danh nơi chàng chào đời, chàng cảm thấu lời thơ thi sĩ họ Cù

“Mặt cúi, mặt nghiêng mặt ngoảnh sau
quay theo tám hướng hỏi trời sâu
một câu hỏi lớn không lời đáp
cho đến bây giờ mặt vẫn chau”
.

Cảm phục thay, chàng đã xông lên, chàng gọi thằng MẶT NGƯỜI lại, tuyên bố: Bây giờ trở đi, sẽ gọi theo tên riêng, bất cứ tên gì, miễn hiểu tên khai sinh MẶT NGƯỜI là được. Theo vậy, “Đạo mạo”, “Cái Miệng”, “Đừng... Nhớ”, “Cái bóng”, “Cái áo khoác”... những xê-ri Mặt Người phấp phới được chàng đưa ra Supermarchés Face.

Khi tôi gấp tập thơ lại, tàu vẫn chạy với tốc độ 60 km/h. Nhớ lời cảnh báo của thi sĩ Hoàng Hưng

“tất cả qua đi
trên mặt kính tàu”


nên tôi đã kịp ghi lại mã số Mặt Người.

Tôi đã quyết định mua.

Và... trả bằng rượu!

Hà Nội – Đà Nẵng, 12/5/2011

Đ.L

(Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, khác biệt và thành công - Kỷ yếu hội thảo thơ tại Hải Phòng, 15/ 5/ 2011, NXB Hội Nhà văn, 2011/ Báo Tiền Phong 6/2011)

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị