Mai Văn Phấn một hướng tìm - Vũ Quần Phương
Mai Văn Phấn một hướng tìm
(Đọc tập thơ Giọt nắng, Hội LH Văn học - Nghệ thuật Hải Phòng, xuất bản 1992)




 
Vũ Quần Phương 


Từ những năm chống Mỹ, dư luận người yêu thơ thường chú ý đến giọng thơ nhiều nét lạ của Hải Phòng, khác với những phẩm chất đã ổn định của thơ Việt Nam. Người ta chú ý tới cách nói xốc vác, thô mộc, giàu nội lực của các cây bút trẻ, hồi ấy thường là công nhân. Đã có ý kiến cho rằng đấy là dấu tích của đời sống công nghiệp.


Một phần tư thế kỷ đã đi qua. Hải Phòng đã có một lớp nhà thơ trẻ khác, trưởng thành trong hoà bình với nhiều biến động về lối sống về giá trị đạo đức. Lớp trẻ bây giờ của Hải Phòng vẫn giữ truyền thống tìm tòi của xứ thơ đất cảng. Người đọc vẫn phải nói nhiều đến yếu tố lạ của họ. Mấy năm trước, Dư Thị Hoàn. Bây giờ, Vũ Thị Huyền - giải nhất thơ Tuổi xanh báo Tiền Phong, Mai Văn Phấn - giải Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hải Phòng. Nét riêng của các cây bút này là thiên về trí tuệ. Thơ họ đựng nhiều tư tưởng, nhiều triết lý nhân sinh mang màu sắc những phát hiện cá thể. Bài viết này chỉ muốn nói về một trường hợp: Mai Văn Phấn với tập thơ
Giọt nắng.


Hội Văn nghệ Hải Phòng chọn Mai Văn Phấn để trao giải Nguyễn Bỉnh Khiêm, theo tôi, cũng là một mạnh dạn, bộc lộ ý định hướng thơ Hải Phòng tới cách nghĩ mới, cách diễn đạt mới.


Mai Văn Phấn không đi vào những việc cụ thể, không khai thác sự kiện mà ưa phát hiện vấn đề, nghĩ ngợi và triết luận thế sự.


Anh ít miêu tả lại không hay dãi bày vui buồn trực tiếp. Anh thích suy nghĩ bằng những hình ảnh có tính ấn tượng nên thơ anh không dễ đến với đông đảo. Hơn nữa, những vấn đề anh chạm tới lại không phải những việc thời sự trực tiếp nẩy sinh từ đời sống cụ thể. Nó cách bức với cuộc đời bằng một sự nghiền ngẫm, đôi khi tư biện. Độc giả của anh thường là người nghĩ ngợi trìu tượng, thích phát hiện những sự kiện nội tâm, những quy luật xã hội lẩn khuất. Mối tương quan những ý thơ trong bài nhiều khi rất lỏng lẻo, nhưng đặt vào một hướng cảm xúc nó sẽ chụm. Giữa con chim bay vút lên để lại cánh đồng rộng với tuổi thơ dại khờ trôi đi để lại xót thương cho sự tinh khôn bây giờ (bài
Không đề 1) là một mối tương quan phối ý, tương quan của hình thức diễn đạt hơn là tương quan về nội dung theo kiểu tam đoạn luận. Bài Thoáng thu là những thoáng cảm giác xa nhau trong một không gian thu. Sức chụm lại của các chi tiết rời nhau ấy là ở tâm trạng, tâm trạng ấy người đọc cảm nhận được, tạo nên cái có lý của bài thơ. Bài Em xa, tám câu lục bát biến thể cũng là một ấn tượng của tâm trạng, nó rất cá thể nhưng lại quy luật nên có sức cảm thông. Cá thể diễn đạt bằng ấn tượng riêng. Nhưng cái hiện tượng nhấn chìm anh thoắt đã không còn gì trong tình yêu thì không phải của riêng ai. Bài thơ này không cần hai câu văn xuôi ở đầu và kết thúc. Nó cầu kỳ, ngoại lai, vả lại, làm bài thơ bị cố định như đóng hai cái đinh vào đầu và đuôi con cá, nó biết bơi, làm một cái ánh chơi vơi lóng lánh của tám câu thân bài. Ở tập thơ đầu tay mỏng mảnh này, Mai Văn Phấn có ý định tiến tới những ngọn nguồn cảm xúc chưa bị ô nhiễm thiên kiến của hồn người. Đó là phút Ngủ quên trong rừng: Thân tôi như ngây/ Hồn là hoa dại. Ở đây thú dữ cũng nằm mơ thấy mẹ như người và người thì lướt trên cỏ mềm bằng đôi chân con dế. Đó là lúc mình lẫn vào thiên nhiên, không lý trí, chỉ tồn tại bằng cảm thụ: Bao ngờ vực của người/ Thu sẽ mang đi hết Tôi làm sao biết được/ Hôm nay là hôm nào. Anh ca ngợi sự hồn nhiên - sự hồn nhiên chỉ có khi người ta ly khai ý thức hồn thoát ra ngoài thân xác cát bụi để lang thang trong gió xanh và mưa thắm. Con người được tái sinh sau những phút hồn nhiên như vậy. Mai Văn Phấn thích dò tìm tâm linh. Anh bàng hoàng khi chợp mắt mười lăm phút mà mơ về dằng dặc mấy mươi năm. Tỉnh mộng, nhìn bàn tay thấy nó hoang dã, phải đợi hoàn hồn tay với trở về công cụ của tay: nhặt được những chiếc lá rơi. Cái lối cảm xúc này dễ dẫn tác giả vào ảo giác và hoang tưởng (ở ta, Hàn Mặc Tử là bậc thầy của dòng thơ này). Quả vậy, anh đã thấy Giê-su, Phật Thích Ca và người mình yêu cùng trên một cỗ xe về cõi Hoàn nguyên, khóc cười như trẻ nhỏ.


Mai Văn Phấn đã có một hướng đi, một hướng tìm và đôi lúc anh đã tìm được. Ở đấy cảm và nghĩ đã đến đích, cách diễn đạt có sự hài hòa giữa ý và tứ:
Thoáng thu, Thu về, Không đề 2, Tạ ơn bông lau, Ngủ quên trong rừng…  Mai Văn Phấn cần quan tâm đến mối giao lưu với người đọc. Trong mạch tư duy của anh có những bước nhảy – chính ở những bước nhảy này nhà thơ bộc lộ những cách tân về biểu hiện và cả phẩm chất của sức khái quát – nhưng nếu thiếu tính lô gíc ẩn giấu trong cốt lõi của chủ đề, bài thơ dễ bị gãy vụn. Sự khó hiểu của hình tượng không gây kích thích cho trí tuệ, hững thú cho khám phá mà chỉ cắt đứt giao lưu tác phẩm - bạn đọc. Ở nhiều bài có cảm giác tác giả chưa xác định rõ điều anh muốn nói. Bài thơ chưa có chỗ đến. Tứ không rõ, chỉ có các ý đặt cạnh nhau mà thôi, thiếu hô ứng. Lối thơ thiên về tư duy dễ sa vào nhược điểm này. Muốn khắc phục lại phải tìm về phía tình cảm. Những vấn đề đã chín trong lòng tác giả, đã là nỗi khắc khoả trong tâm sự anh, thì dù có thể hiện bằng bút pháp siêu thực nó vẫn là hiên thực của tâm trạng. Và tác giả cũng sẽ sẵn sàng tước đi những ý thừa, rậm rạp không có ích cho sự kiến tạo chủ đề. Thơ Mai Văn Phấn còn thiếu một sự hàm xúc, thoáng, trong cảm thụ mà lại thâm trầm về trí tuệ. Đây là chỗ thống nhất của thơ Đường với thơ hiện đại Châu Âu (B. Brech, J Prévert…) dù bút pháp họ hoàn toàn khác nhau. Hoan nghênh Mai Văn Phấn và nhiều bạn trẻ đang có khuynh hướng nâng cao tính trí tuệ của thơ, nhưng cũng đòi hỏi anh không được xa độc giả. Đấy là tiêu chí để phân biệt thơ và triết học. Sự tự do vô bờ bến của nhà thơ trong cảm nghĩ và thể hiện phải tuân thủ một điều và chỉ một điều thôi: phải đến được độc giả. Thơ không thể là trò chơi đơn độc. Chủ nghĩa lãng mạn trong thời kỳ bùng nổ tự do sau cách mạng tư sản Pháp 1789, kéo dài suốt thế kỷ 19 với các biến dị của nó cho ta nhiều bài học về quá trình hình thành thi pháp mới. Nó xuất phát từ chỗ chống mọi quy phạm nhưng chính nó lại tạo ra mẫu mực mới mà cốt lõi là tạo những kênh giao lưu mới giữa tác giả - bạn đọc. Phẩm chất dân tộc là một từ trường có ý nghĩa cho mọi cách tân. Nhà thơ hiện đại hoá tính dân tộc chứ không thủ tiêu nó.


Để đi tới đích con đường mà mình tự vạch cho mình, Mai Văn Phấn còn nhiều việc phải làm, anh đang rất lỗ lực. Nghĩ rất sâu, rất xa, rất nhân loại, nhưng vẫn là những vấn đề thiết thực của chúng ta của hôm nay. Thích thú với mọi người và có ích cho họ. Việc đó khó, và cũng do vậy chúng ta mến yêu thơ Mai Văn Phấn.

 

 V.Q.P

(Báo Văn Nghệ só 37, 1993)

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị