Mai Văn Phấn & công nghệ cách tân thơ (phê bình) - Đặng Thân

Mai Văn Phấn & công nghệ cách tân thơ

(Giới thiệu/đọc/nghe/nhìn tập thơ Hôm sau của Mai Văn Phấn, Nxb Hội Nhà Văn - Hà Nội 2009)


Nhà văn Đặng Thân và MVP

 

Đặng Thân

 

 

“Người, bến đỗ của thi ca”

- M. Heidegger

 

Thời đại “hậu công nghiệp” trên toàn thế giới.

 

“Cả nước đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa…” trong không khí… hủ hóa toàn diện và “toàn vẹn lãnh thổ”.

 

Một thành phố cảng, cửa ngõ Bắc Bộ (hay Bắc Hà). Tôi đã phải đưa nó vào tiểu thuyết (chưa xuất bản):

 

Hải Phòng là một nơi đặc sắc của Việt Nam. Vừa là đô thị vừa là nông thôn; vừa có bản khí của đồng bằng Bắc Bộ vừa là nơi địa đầu “hải tần phòng thủ”; vừa là nơi có nhiều ngành nghề vừa là thương cảng quốc tế; vừa trọng văn hóa vừa dung tục; vừa nồng nàn vừa hung bạo; vừa cam chịu vừa bán giời không văn tự. Nó tiêu biểu cho khí Việt hơn cả Hà Nội (…), Sài Gòn (…), Huế (…), Đà Nẵng (…)…

 

Anh – một stereotype của thời đại, đáng nhẽ.

 

Đã thu xếp cho mình trở thành một con ốc, một cái bu-lông to nhớn của cỗ máy công nghiệp nặng.

 

Đã tự mình chế ra những con robot.

 

Đã dàn cảnh cho những kịch bản gọn gàng, trôi chẩy của cuộc đời.

 

Cứ thế…

 

Nhưng mà… vẫn còn dư năng lượng.

 

Mà…

 

Thế giới nội tâm nó luôn luôn không chịu thỏa hiệp với guồng máy.

 

Nó mới chính là NGƯỜI THẬT? Hay nó là QUÁI VẬT?

 

Khổ nữa, nó lại “hay chữ”.

 

Và Mai Văn Phấn đã trở thành tác giả của những tập thơ Giọt nắng (1992), Gọi xanh (1995), Cầu nguyện ban mai (1997), Nghi lễ nhận tên (1999), trường ca Người cùng thời (1999), Vách nước (2003)…

 

Phải chăng có một bài học ở đây: tại sao một bu-lông hay đinh ốc cũng cần nhiều chữ?

 

Phải chăng có một SỰ THẬT: con người không là máy bao giờ hay con người là một siêu máy?

 

Nhưng con người đã làm ra máy móc ấy. Máy móc ấy lại cứ quay ra kiểm soát con người. Chả thế mà có những bộ phim đưa ra viễn tượng một ngày kia máy còn siêu đẳng hơn cả con người về mọi mặt, rồi làm chủ cả hành tinh này, bắt loài người làm nô lệ.

 

Chẳng phải viễn tượng đâu, máy đang đàn áp, cùm xiết con người đấy thôi.

 

CON NGƯỜI của tôi đâu?

 

Anh – một ông chủ của phòng thí nghiệm ngôn từ.

 

Trước đó, như đã biết, loài người đã tạo ra nhiều robot. Bọn robot rất đa năng và hữu dụng. Bọn robot tất nhiên không có nhân tính. Tất nhiên bọn chúng không cảm xúc. Dĩ nhiên bọn chúng không “tư duy”. Ắt nhiên bọn chúng không cần LÀM NGƯỜI, một hành vi xa xỉ. Hẳn nhiên, bọn chúng ngồi xổm lên văn hóa. Tuy nhiên, chúng đông như kiến. Đã thế, chúng lại còn có những robot chúa quyền uy áp chúng sinh ra trên mọi góc hành tinh. Nhưng mà, hình như… chúng cũng có một tố chất mạnh mẽ: cực tham.

 

Rất tiếc, cho đến nay, bọn robot khắp nơi khả năng biểu đạt ngôn ngữ đều kém. Chúng chỉ lầm lũi “ăn” và “làm”, “làm” và “ăn”… vì chúng là robot.

 

Xin mở ngoặc, đây không phải là một kịch bản phim.

 

Anh lẳng lặng triển khai ý đồ nhồi ngôn từ cho robot, bắt chúng LÀM THƠ cho ra dáng con người.

 

Quý vị thử bước vào cuộc chơi rất mới bằng việc đọc bài thơ này:

 

Cuộc sống, như nước xuân

Khi mùa đông qua đi

Ngày hồng mới rạng

Cùng với con thuyền nhỏ trên biển lớn kia

Chòng chành giữa vịnh cuộc đời

Như hoa sen hướng về ánh nắng mặt trời

Thổ lộ.

Chẳng phải hồ đang dềnh sóng

Mà là giấc mộng của thuyền nhỏ kia

Say rồi

Trái tim của loài người say

Cùng với muôn đóa mây trắng

trôi đến đây

Con thuyền nhỏ của cuộc sống.

 

Sao? Quý vị thấy thế nào? Đây là bài “Con thuyền cuộc sống” do một cái máy tính làm ra đó. Có điều nó nhảm, nhạt, đầy những cliché, déjà vu và sặc mùi “văn nô”… vì: “thầy nào tớ nấy”, “cha nào con nấy”. Tất nhiên cái máy ấy không có lỗi gì, như có người đã nói: “Cái khiến cho thi ca bị sỉ nhục, bị khinh mạn, không phải là cái máy làm thơ, mà là sự xuống cấp của bản thân thi ca”.[1]

Những robot-thơ của Mai Văn Phấn, thật lạ kỳ, nhưng, tất nhiên, hoàn toàn khác.

 

Phòng thí nghiệm của anh có nhiều robot, toàn những con tiêu biểu, con nào ra con nấy. Xin được đưa ra đây 6 con robot cùng những tác phẩm của chúng, như thể cho đủ bộ “lục súc” của thời đại (cũng là tạm chia ra như thế thôi).

 

ROBOT “ÔNG CHỦ”

 

Tên robot này khệnh khạng nhất trong đám robot của anh. Sau khi nhồi cho hắn cả kho từ điển kiểu Lạc Việt với cả Eva hắn vẫn kiệm lời. Sản phẩm chữ nghĩa đầu tiên của hắn đầy lẫn lộn như người nguyên thủy hay trẻ em, mang vác hơi hướng của cái mà siêu học giả Pháp Lucien Lévy-Brühl (1857–1939) gọi là “tiền logic”. Đã thế “đầu óc” nó lại lẫn lộn nửa người nửa ma. Bài “thơ” khai cuộc của nó có tên “Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ”, một cái tên đầy tính “nguyên thủy” vì nó gợi mở khủng khiếp, như “ngôn ngữ hang động”!

 

Pha xong ấm trà

Quay ra

Ông khách không còn ở đó

Gọi điện thoại

Người nhà bảo ông mất đã bảy năm

 

Robot “Ông chủ” đã mở đầu bài thơ như thế. Thơ này người không thể nghĩ ra. Sau khi đưa ra “mọi sự đảo lộn” trong ngôi nhà rồi lại còn “ghé sang hàng xóm” hỏi han giá cả thị trường đầy biến động, quay về, thì

 

Trong nhà

Trà vẫn nóng

Đẩy chén nước về phía ông khách đã ngồi.

 

Luồng tử khí cao chừng một mét sáu dựng đứng trước mặt

Chốc lại cúi gập.

 

Kinh hãi! Không biết là hắn đang tả “khách” hay là đang tả chính hắn?? Thật là khốn khổ đời loài robot! Thế giới chúng đang “sống”, đang tồn tại, nào khác gì những con ma lặng lẽ. Tuy không phải là “vô ngôn vô lời” mang khí vị minh triết phương Đông mà cũng là vô ngôn vô lời vậy. Đại nghệ sỹ Anh David Bowie (1947~) bên trời Tây cũng đã phải thốt lên rằng đó là thế giới của những “dead man walking”[2].

 

Chắc không phải ngẫu nhiên mà Mai Văn Phấn để cho robot “Ông chủ” mở đầu thi tập cực lạ mang hơi thở của thời đại hậu công nghiệp, thời đại giẫy giụa của chủ nghĩa tư bản đang ngạo mạn tàn phá trái đất. Chính đương kim tổng thống Mỹ, chúa trùm của thế giới tư bản, Barack Obama (1961~), cũng đã nhận ra vấn đề:

 

Càng ngày càng có thêm bằng chứng cho thấy cách chúng ta sử dụng năng lượng càng khiến kẻ thù của chúng ta mạnh thêm trong lúc trái đất càng bị đe dọa thêm.[3]

 

ROBOT “NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI”

 

Tên robot này làm thơ “nhăng nhít” nhưng khá “tởn”. Trong bài “Không thể tin” hắn đưa ra nhận xét “tinh vi”:

 

Nhưng hình như

mọi con vật trong nhà

vẫn chế tác từ đồ phế thải

 

Dẫu là máy mà hắn cũng đủ khả năng nhận thức ra một sự thật xuyên suốt thời đại. Thế là xứng đáng hơn đứt con người rồi chăng?

Tên này còn làm ra các thi phẩm “dị mọ”: “Quay theo mái nhà”, “Bài học”, “Dậy trẻ con”, “Hội chứng từ một tin đồn…” và “Nhìn kỹ”.

 

Với “Quay theo mái nhà” tên này tiếp tục thực hiện sứ mệnh “thư ký của thời đại” của thi ca:

Những đồ vật không thể dừng lại. Thùng rác quay mắc phải khung ảnh, quạt trần, dây điện thoại. Chiếc quần lót mắc kẹt giữa tủ bát đĩa và máy tập thể hình. Chổi cùn, bình diệt muỗi, đĩa CD chui vào tủ lạnh. Con cá tắt thở trên đường gần đến cửa sổ. Lũ chuột nhắt chết đuối bơi qua chảo mỡ. Bột giặt vừa quay vừa rắc lên hoa quả, dao thớt, bàn thờ. Bát nước chấm quay cùng bìa đậu phụ. Lọ tương ớt lao đi trong tư thế lộn ngược. Và kim giây quay chậm hơn hẳn kim giờ...

 

Sứ mệnh ấy lại tiếp tục trong “Bài học” với chân dung “tả chân” một “người-đạo-mạo-đương-thời”:

 

Đạo mạo giết một con muỗi

Đạo mạo phát biểu chung chung

Đạo mạo nghiêng mình trống rỗng

Đạo mạo lấy trộm áo mưa

Đạo mạo thở mùi hôi vào miệng người khác

Đạo mạo bọc nhầm một chiếc răng sâu

Đạo mạo tiểu tiện nơi công cộng

Đạo mạo xụt xịt trong khăn mùi xoa

Đạo mạo chỉnh lại con c... trong túi quần nơi hội họp

Đạo mạo xỉ mũi vào cửa kính

Đạo mạo moi tiền của gã ăn mày

Đạo mạo nghe trộm điện thoại

Đạo mạo nhìn ngực chị em trong đám tang

Đạo mạo ký tên vào công trình khoa học

Đạo mạo làm thơ tình khi đã liệt dương

Đạo mạo thả virus vào e-mail người khác

Đạo mạo đánh tráo bài thi

Đạo mạo tiêu tiền âm phủ

 

Quá đủ.

 

“Hội chứng từ một tin đồn…” và nhất là “Nhìn kỹ” đã hoàn thiện khuôn mặt người-đương-thời.

 

ROBOT “TAY MƠ”

 

Tên “dreamer” này đã làm những bài thơ sau: “Chỉ là giấc mơ”, “Ở những đỉnh cột”, “Giấc mơ vô tận”, “Kể lại giấc mơ”.

 

Trong “Chỉ là giấc mơ” hắn mơ những giấc mơ kinh tởm:

 

Chúng bịt miệng

trấn lột mọi thứ

và xin tôi bộ phận sinh dục.

 

Nói rằng xin

bởi nếu tôi không đồng ý

của quý kia phải liệng xuống hố phân

(chúng biết cả bí quyết và những câu thần chú).

 

Một thời đại mà cứ phải sống chung với bọn phù thủy dã man tràn lan khắp nơi. Thôi cũng đành chăng:

 

Tôi bảo:

các ông có thể lấy hết

nhưng cho tôi giữ lại chút riêng

xin tự nguyện làm đồ chơi, giẻ lau, trâu chó...

Thảm cảnh “Ở những đỉnh cột” lại càng kinh hãi:

Lưỡi tôi bị thắt

treo lên đỉnh cột

mỗi lần nói

chiếc lưỡi phải co rút

kéo thân thể béo ị lên cao

Tôi giẫy giụa tựa mảnh vải quẫy trong gió mạnh.

 

Trong “Giấc mơ vô tận”, dù để tặng một con người vừa mất, nhưng cái sự thảm mới là đệ nhất trần gian:

 

Gió mùa về

làm khăn trắng cuốn quanh gốc sú

trên đỉnh trời linh cữu nhấp nhô...

Các giấc mơ nơi đây đều hãi hùng. Đến robot cũng “thấm đẫm hồn thời đại” đến thế kia sao?

 

ROBOT “VẼ CHÂN DUNG”

 

Tên robot nghệ sỹ này quả thật có tài. Hắn vẽ được cả ngoài lẫn trong con-người-ta. Các chân dung gồm: “Anh tôi”, “Nghe tin bạn bị mất trộm”, “Đúng vậy”, “Hắn”.

 

Đây là chân dung “Anh tôi”:

 

Lúc gần đất xa trời, anh nhờ tôi giữ hộ ký ức. Anh dặn đây là dữ liệu quý. Nhưng kho ký ức tôi đã đầy ứ, cả mốc meo, thối rữa. Tôi khuyên anh nên vẽ tranh hoặc viết sách. Nhưng anh đâu phải nhà văn, hoạ sỹ. Tôi nêu nhiều giải pháp khác: cắt rời, khởi động lại, thu nhỏ, dừng đột ngột, ninh nhừ, nghiền thành bụi...

 

Anh nhìn tôi buồn lắm!

Tôi nhìn nước sông thay màu lướt qua bờ cỏ rũ rượi. Phù sa láng mịn. Trăng mọc sớm, thơ ngây và thoảng mùi rơm rạ. Nhớ người yêu vô cùng.

 

Anh nhìn tôi buồn lắm!

Chiếc áo vừa giặt nhàu nhĩ, lặng lẽ bốc hơi tôi đâu có biết. Rồi những sợi vải mỏng manh lại phẳng phiu dưới bàn là nóng bỏng. Giặt–là, giặt–là... Đời sống đôi khi giống quả lắc chiếc đồng hồ quá cũ... Tôi tập nghĩ vẩn vơ để có thể nghĩ tiếp.

 

Anh nhìn tôi buồn lắm!

Anh chờ tôi rửa tay. Vòi nước xối mạnh, rất sạch, mát mẻ vô cùng. Thương anh. Tôi nhìn bọt xà phòng ngầu lên trên da trơn ướt thật dễ chịu.

 

Đúng là một siêu phẩm tầm cỡ… robot. Nhưng, bất cứ con người nào làm thơ chắc cũng mơ viết được một bài như thế này. Tôi xin được thốt lên: bài thơ đẹp quá. Cái “đẹp” này thật “hiện đại” và “công nghiệp”… “hóa” – tinh thần thời đại lại hiển hiện lừng lững bật lên từ những con chữ. Bài thơ đầy khí vị của đời sống trần trụi, vụn nát, lạnh lùng, trơ tráo đấy mà cũng chẳng kém phần “à ơi” với “Anh nhìn tôi buồn lắm!”

 

Chân dung “một tên trộm” lại đưa ra một vẻ tài tình khác, cái chân dung này sắc sảo như sự phân tích của các thám tử lừng danh đâu đó:

 

Kìa đám mây hình người vừa lọt vào bầu trời xanh lơ. Biết đâu tên trộm cũng vào nhà bằng tư thế ấy. Giờ hắn đã cải trang thành người tử tế, còn đám mây kia vẫn nhởn nhơ bay.

 

Chân dung một người đàn ông trong “Đúng vậy” mới thật là “vừa truyền thống (ca/đồng dao) vừa hiện đại”, tả rõ ràng đó mà chẳng ai biết đó là ai, chỉ biết có lẽ đó là nhân vật đại diện cho cả thời cuộc:

 

Lúc đi

ông mặc áo len màu cổ vịt, quần rộng đũng

tóc cắt ngắn

tay cầm cuốn sách

 

ra gần cửa còn lẩm bẩm:

sáng rồi tối... thối rồi thơm... bơm rồi xì... đi rồi ngã... vả rồi thương... ương rồi chín... nín rồi thét... kẹt rồi lơi... xơi rồi hóc... bóc rồi che... đe rồi chừa... đưa rồi quỵt... bịt rồi hở... lỡ rồi toi... moi rồi thấy...

 

chốt cửa gỗ

kéo cửa sắt

ông bấm năm chiếc khóa

rồi ném chìa vào trong nhà...

 

Lật đống chăn nơi ông vẫn nằm

thấy mẩu giấy với nét chữ nguệch ngoạc:

"Ai tìm thấy tôi ở đâu, gọi về số...

Xin cảm ơn và hậu tạ".

 

sau mẩu giấy vẫn văng vẳng:

quấy rồi đục... nhục rồi than... tan rồi huề... mê rồi tỉnh... thỉnh rồi buông...

 

“Đèn cù” và điên loạn. Chân dung “người anh hùng thời đại” này được hoàn thiện với bức “Hắn”:

Nơi bóng tối ăn thịt bóng tối

hắn ngồi lẩm bẩm...

 

... lầm rầm âm thanh tiếp diễn

của bóng tối chưa thành

của bóng tối nuốt dần bóng tối

của màu đen không thể đen hơn.

 

Hắn là nơi hoàn thiện:

của gương đã lành/ sâu đã nở/ trinh đã mất/ cáp đã đứt/ cống đã thông...

 

là bãi phế thải của giẻ rách/ mảnh thủy tinh/ băng vệ sinh/ giày dép lạc mốt...

 

là viên đạn bay đi chạm đích/ những vòng kinh hồi sinh/ dòng sông gặp biển...

 

Lần mò leo tận cây cao

hắn hô:

Ê, chiếu ánh sáng vào đây!

 

ROBOT “THẾ THÁI”

 

Tên robot “hủ nho” này đã than thở ra những bài sau: “Ghi ở Vạn Lý Trường Thành”, “Đêm lập xuân”, “Biết thì sống”, “Cái miệng bất tử”, “Sống hồn nhiên”.

 

“Ghi ở Vạn Lý Trường Thành” có vẻ không cần phải đưa ra cái gì mới với những:

 

Mây xếp lên vai từng tảng đá nặng

nhoè mắt cát

thở đầy ngực cát

và:

Đây là đỉnh trời

hay đáy vực sâu

chỉ thấy trên lưng lằn roi bỏng rát

Thế nhưng, quý vị hãy đọc đi sẽ thấy những ý tứ “thế thái” mới, không đùa.

“Đêm lập xuân” mang cái “thế thái” bàng bạc:

Những chuyện bông lơn

Vô tình vận vào trời đất

Đồ vật tự chuyển dịch

Lắt lay bóng núi

Chim kêu gió thay mùa

 

Nhưng những chuyện trong “Biết thì sống” thì tưởng bình dị mà lại độc đáo vô cùng.

“Cái miệng bất tử” thì độc đáo ngay từ “giây phút đầu tiên”:

 

Cái miệng đang trôi kia chắc của người đã chết

lúc trên cao

lúc chạm vào mặt đất.

 

Bộ xương của cái miệng giờ tan vào cát bụi?

vẫn vàng ươm?

hay đã xỉn đen trong chiếc tiểu sành?

 

Nhưng cái miệng vẫn mấp máy sống động

khi mím chặt

khi nhoẻn cười độ lượng.

 

“Sống hồn nhiên” thì đã đạt đến thượng thừa của “ngôn ngữ robot”:

 

- Vợ tôi bảo muốn chữa bệnh đau đầu

- Vợ lại bảo dù trí tuệ uyên bác

- Vợ chồng thay nhau ngủ

- Muốn thoát ra ngoài phải cắn vỡ tiếng chim

- Tôi pha trà đem dâng cho cây

Tuy khá đồng motif với các tên robot “Người đương thời” và “Vẽ chân dung” nhưng robot “Thế thái” có một giọng thơ khác biệt. Những lời thơ thở ra cứ như cát bụi ngàn năm, như thể thế gian này ngàn năm không đổi, chỉ có cát bụi dơ dáy là cứ dầy thêm, dầy thêm mãi…

 

Thèm được thấy một mái tóc dài và dầy…

 

nhưng tuyệt nhiên không thấy đâu. Bọn robot thời đại quả thật vô tình.

 

Tôi mê những mái tóc dầy

Vì tôi luôn muốn sự đủ đầy!

 

Bọn robot! Sao chúng bay cứ tùy tiện quá đi. Tước đoạt hết cả. Chúng dẫm nát của ta trái tim. Chúng chà đạp lên tình yêu. Chúng thiêu đốt đến tàn rụi mọi cảm xúc của ta. Chúng cưỡng chế ta thành một loài với chúng. Chúng biến ta thành mớ sắt đồng nát.

 

Tôi không muốn đến Ô Chợ Dừa[4]

Vì chả ai muốn thành đồ thừa

 

Thôi chết! Hình như tôi cũng đã bắt đầu làm thơ robot? Hay là tôi đã thành robot? Hay tên robot nào đã nhập vào tôi?

 

ROBOT “CHẬP CHENG”

 

May thay còn có tên này.

 

Trong thế giới của những tên tỉnh rụi, bọn chập cheng là những anh hùng cứu nhân độ thế!

Tên này thật đáng kể! Hắn đẻ ra những bài sau: “Biến tấu con quạ”, “Còn cậu hãy đứng đằng kia”, “Đến trong ý nghĩ”, “Tỉnh táo tột cùng”, “Nếu”, “Chuyện còn dài” và “Giả thiết cho buổi sáng hôm sau”.

 

“Biến tấu con quạ” cho chúng ta lần đầu tiên cảm nhận được hơi thở mạnh mẽ của sinh linh trong toàn tập thơ này.

 

“Con quạ” đến như một tiên tri, một thiên khải:

Tử khí kéo ngọn bấc tới đỉnh trời

Con quạ rực sáng.

 

Linh thần thi ca này đã phải chịu “khai sinh” đến tận 4 lần. Đến lần cuối thì nó hiển hiện như một Ngôi Lời:

 

Khai sinh

Mực đổ dưới chân và máu

vón cục ở yết hầu, phế quản

Viết một nét lên trang đầu

thấm suốt cả ngàn trang sách.

 

Tôi ngay lập tức bị quyến rũ bởi sự khai sinh, thiên khải ấy.

 

Robot của Mai Văn Phấn đã vụt dậy, ngang với mọi mặt-trời-thơ với “con quạ” này. Quạ là “ác là”, “kim ô”, là mặt trời. Điềm trời đã tỏ.

 

Con-quạ-thơ bừng nổ ngôn từ:

 

Móc từ hốc mắt

những nhãn quan

Di ảnh là vật chứng

Mổ vào lưỡi

và kéo dài

Phơi dưới trời bài học khẩu ngữ

Bóc từng mảng thịt

Tháo rời tứ chi

Sổ tung lục phủ ngũ tạng

Và cuối cùng, cú “ra đi” mới tuyệt làm sao:

Con quạ khật khừ xuyên đêm

Thảng thốt kêu

 

Lần đầu tiên tiếng động ra đi không vọng lại

 

“Không vọng lại”! Dứt được luân hồi là loài tiên thánh. Thơ cũng vậy!

 

Những ý thơ “chập cheng” cứ dồn lên như sóng, trong “Còn cậu hãy đứng đằng kia”:

 

Có ai bên tai thều thào:

Hãy thức chờ xem rêu phủ bầu trời

Mặt nước ăn những vì sao cuối cùng.

 

Đêm nay

Rắn rết, bọ cạp tràn vào thành phố

Nhưng đừng sợ!

Nhà nào bây giờ cũng thiết kế kiểu lô cốt

Trời tối không ai ra đường.

 

trong “Đến trong ý nghĩ”:

 

Đôi mắt tấm liếp khoét thủng, cánh tay buồm chão, những bàn chân lá khô cong vênh lê trên mặt đất. Và miệng hắn, sâu hoắm, mở rộng, vỡ ra từng mảng để nung vôi.

 

trong “Tỉnh táo tột cùng”:

 

Ý nghĩ tôi muốn điều khiển con chuột chui ra từ cống hẹp

từ tốn bò vào thùng rác và nằm chết ngay ngắn

Xe chở rác đem những con chuột đi chôn

vĩnh viễn trong thành phố không còn chuột.

 

cùng những điều “liên thiên” khác trong “Nếu” (cũng nên ghi chú, bài “Nếu” này tuy cùng tên với một siêu thi phẩm của Nobel văn học 1907 Rudyard Kipling [1865–1936] nhưng mà khác nhau như Thiên đàng và Địa ngục):

 

Tôi ngủ trên giường

Con chó dưới sàn

cách tôi ba mét bảy mươi lăm xăng-ti.

Sau này vợ tôi đo và bảo thế.

trong “Chuyện còn dài”:

Con gián bò quanh tôi và nói

vừa đầu thai được 3 tháng tuổi

kiếp trước từng là người đàng hoàng.

và bài kết của cả tập “Giả thiết cho buổi sáng hôm sau”:

Về già ông ít nói

không buồn, không giận

suốt đêm ngồi câu bên vũng bùn

để di dưỡng tinh thần?

…..

 

Và, nên nhớ, có thi sỹ nước Anh đương đại, nhờ toàn làm thơ “chập cheng” kiểu như thế mà trở thành Thi Bá (King of Poets) của cả vương quốc oanh liệt ấy.

 

Vương quốc của thi ca đích thực, với tầm các thi bá, dường như không có chỗ cho một sợi nhỏ lý trí bình thường nào. Nói như nhà nhân học người Pháp lừng danh thế giới Claude Lévi-Strauss (1908~) là họ có một logic khác!

 

*

 

Lần đầu tiên người đọc Việt Nam được đọc thơ robot, điều đặc biệt là ngôn ngữ của chúng rất nghiêm trang. Robot đâu biết đùa, một đặc sản của người.

Những ý và tứ thơ có khả năng kích động cực mạnh.

 

Thơ Mai Văn Phấn chan chứa cả trời vô thức.

 

Ngôn từ mà Mai Văn Phấn đã ghi lại ấy xứng đáng được đi vào thơ ca Việt, vào văn học sử như một dòng thơ cách tân mãnh liệt nhất. Ngôn ngữ thơ ấy chưa ai từng viết. Nó mới lạ đến từng từ.

“Khuyến cáo của chính phủ”[5]: Những ai chưa chịu điên và đã chịu điên đều không nên đọc Hôm sau./.

 

4-5/10/2009

Đ.T

(http://vietimes.com.vn/ http://www.talawas.org)

 

 


[1] Nhuệ Anh, “Khi máy tính làm thơ”.

[2] Bài hát nổi tiếng của D. Bowie viết cùng Reeves Gabrels, ra đời năm 1997.

[3] Diễn văn nhậm chức của Tổng thống Hoa Kỳ Obama.

[4] Nơi tập trung các hàng bán sắt vụn và đồng nát của Hà Nội.

[5] Khẩu hiệu này có trên phần lớn các vỏ bao thuốc lá hiện nay để cảnh báo mọi người đừng hút thuốc. Thế nhưng…

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị