Những ảnh hưởng khuynh hướng siêu thực trong tập thơ “Hôm sau” của Mai Văn Phấn (phê bình) - Vũ Thị Thảo

Những ảnh hưởng khuynh hướng siêu thực
 trong tập thơ “Hôm sau” của Mai Văn Phấn

 

Thị Thảo

 

 

                                                                                

Đọc thơ Mai Văn Phấn, đặc biệt ở giai đoạn sau, cảm nhận đầu tiên của tôi là nhà thơ luôn nỗ lực cách tân bởi cái cách viết mã khóa kết hợp với một số khuynh hướng thơ ca, như siêu thực, tượng trưng, hậu hiện đại, tân cổ điển... Với cách viết này, chắc chắn thơ Mai Văn Phấn không có nhiều độc giả. Nhưng một điều ngạc nhiên là mỗi lần đọc lại thơ ông, tôi lại nhận biết thêm những tín hiệu thẩm mĩ mới, những khám phá mới lạ, thú vị.

 

Nhà thơ Mai Văn Phấn đã xuất bản khá nhiều tập thơ, nhưng chỉ đến các tập thơ Hôm sau (NXB Hội Nhà văn, 2009), và đột nhiên gió thổi (NXB Văn học, 2009), Bầu trời không mái che (NXB Hội Nhà văn, 2010) ông mới thực sự khẳng định được vị thế một trong những nhà thơ cách tân hàng đầu của nền văn học hiện đại Việt Nam sau năm 1975. Kể từ đó, Mai Văn Phấn dần đi đến xác lập cho thơ mình một phong cách, một thi pháp riêng.

 

Từ khi ba tập thơ nêu trên được xuất bản đến nay, theo thống kê của chúng tôi, đã có hơn 20 bài viết của giới nghiên cứu, phê bình văn học, của các nhà thơ thẩm bình, đánh giá trên nhiều khía cạnh, góc độ, phương diện. Cũng bởi ba tập thơ trên thể hiện được “độ chín” trong ngòi bút sáng tạo thơ ông. Những tưởng như thế bạn đọc chẳng còn gì để khám phá, tìm tòi nữa, rằng mọi giá trị của ba tập thơ ấy đều đã được các bậc tiền bối đào xới công phu, kĩ càng. Nhưng không, điều lạ là thơ Mai Văn Phấn vẫn luôn được độc giả tiếp nhận từ nhiều góc nhìn, từ những tâm thế mới. Trên thực tế, mỗi người đọc chúng ta đều tìm thấy ở thơ ông những điều mới lạ, những giá trị khác so với những giá trị đã được ấn định trước đó. Vì thế, nhân dịp hội thảo thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, tôi xin được bày tỏ cảm nhận của mình về vấn đề: ảnh hưởng của khuynh hướng siêu thực trong tập thơ Hôm sau của Mai Văn Phấn.

 

Hôm sau là tập thơ kết hợp uyển chuyển của ít nhất ba phong cách: tân cổ điển, hậu hiện đại và siêu thực, trong đó tính chất hậu hiện đại tỏ ra lấn át hơn cả, nhưng theo chúng tôi, những hình ảnh siêu thực trong Hôm sau cũng góp phần không nhỏ vào sự thành công của tập thơ.

 

Chủ nghĩa siêu thực là trào lưu văn nghệ xuất hiện vào khoảng sau chiến tranh thế giới thứ nhất ở Pháp do André Breton và P. Soupault đề xướng với sự tham gia của L. Aragon và P. Éluard. Quan điểm và thi pháp của họ chống lại sự sùng bái các trào lưu văn học hiện thực và lãng mạn thế kỷ XIX, đưa ra một phương pháp sáng tác mà họ gọi là “lối viết tự động”, tức là ghi lại những ảo giác tự phát theo “trạng thái của những người bị thôi miên”... Nói tóm lại, là theo chủ quan của người nghệ sĩ thoát ly mọi liên hệ với thực tế xã hội. Họ chủ trương “giải phóng” thơ khỏi những qui cách, lề lối gò bó trước đó mà họ cho là khuôn sáo, hàn lâm, chủ trương dùng những từ ngữ kiểu cách, kỳ lạ, âm luật và cú pháp thất thường. Đề tài của họ là những mơ tưởng huyền ảo quái dị, là sự đau khổ nhớ nhung quá khứ, là tình yêu. Họ cho rằng chỉ với lối sáng tác ấy người ta mới đạt đến một hiện thực cao hơn hiện thực tầm thường hằng ngày, một “siêu hiện thực”, chữ mà A. Breton đặt ra. (Bách khoa toàn thư Việt Nam)

 

Văn chương siêu thực có ở Việt Nam không? Theo nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy, trong văn học Việt Nam thế kỷ XX, tuy không có chủ nghĩa siêu thực, nhưng bút pháp hoặc thi pháp siêu thực thì đã được các nhà thơ sử dụng và đạt được những thành công nhất định. Người ta có thể thấy được điều đó đậm nhạt ở Hàn Mặc Tử trong tập Thơ điên, ở Nguyễn Xuân Sanh trong Xuân Thu Nhã Tập, ở Nguyễn Đình Thi với những bài thơ không vần, ở Hoàng Cầm trong Về Kinh Bắc, ở thơ Ngô Kha và đặc biệt trong ca từ Trịnh Công Sơn... (Trích Lời giới thiệu của Đỗ Lai Thúy cho chuyên đề về Chủ nghĩa siêu thực, tạp chí Văn học nước ngoài, số 5, tháng 9-10/2004.). Nhưng theo chúng tôi, thơ ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu thực ở Việt Nam còn được tìm thấy ở một số tác giả khác như Thanh Thảo, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Thận Nhiên, Văn Cầm Hải, Phan Huyền Thư, Vương Huy, Trần Tiến Dũng, Phan Nhiên Hạo… và tất nhiên cả Mai Văn Phấn – tác giả của tập thơ Hôm sau.

 

Trước đây, do quá đề cao chủ nghĩa hiện thực như một giá trị duy nhất, nên chúng ta có phần hạ thấp, thậm chí hiểu sai lệch về chủ nghĩa siêu thực, cũng như một số khuynh hướng thơ ca hiện đại khác. Đã đến lúc bạn đọc, nhất là các nhà làm văn học nên thức nhận lại các khuynh hướng thơ ca hiện đại, đi tìm hiểu và cần khẳng định nó. Bởi, tuy không còn tồn tại nữa, nhưng chủ nghĩa siêu thực là một chặng đường tự nhận thức quan trọng của văn học với những bài học lịch sử quý giá của nó. Hơn nữa, siêu thực tuy không tồn tại như một chủ nghĩa, nhưng văn học hiện đại không thể thiếu nó với tư cách là những yếu tố để tạo nên một hướng đi mới cho thơ ca.

 

Trong tập thơ Hôm sau, 27 bài thơ là 27 câu chuyện của Mai Văn Phấn. Điều đặc biệt là nhà thơ không kể chuyện mà tạo ra những khả thể về những câu chuyện và mỗi độc giả có thể dựa vào những khả thể ấy để kể chuyện theo cách riêng của mình.

 

Trong bài Vẫn trấn tĩnh tiến khách ra ngõ, ta thấy nhà thơ Mai Văn Phấn đã tìm về miền vô thức, những ám ảnh mơ hồ nhưng rất chân thực của con người:

 

Nhà mình

Mọi sự đảo lộn

Không nhớ bức chân dung hạ xuống từ bao giờ

Đâu rồi chiếc đồng hồ chạy bằng dây cót?

Bộ ấm chén giả cổ ai cho?

 

Rõ ràng, trước sự biến động dữ dội của cuộc sống, sự đảo lộn của mọi trật tự xã hội trong cuộc sống hiện đại này thì việc con người tồn tại, “sống” như một bóng ma có thể xảy ra, và do đó, việc anh ta vô tình hay hữu ý đánh mất đi trí nhớ để rồi tồn tại một cách vô thức giữa cuộc đời cũng là điều thật dễ hiểu.

 

Nhà thơ Đặng Thân trong một bài viết có tên Mai Văn Phấn và công nghệ cách tân thơ đã từng nhận xét: “Thơ Mai Văn Phấn chan chứa cả trời vô thức”. Không chỉ tìm về với miền vô thức của con người, thơ Mai Văn Phấn với ảnh hưởng của khuynh hướng siêu thực còn đề cao cái ngẫu hứng, chú trọng việc ghi chép những cái xuất hiện lướt qua trong đầu không qua sự kiểm soát của lí trí.

 

Ta có thể bắt gặp điều này trong bài thơ Không thể tin:

 

Nhưng hình như

mọi con vật trong nhà

vẫn chế tác từ đồ phế thải:

con mèo tam thể được sinh ra từ mớ giẻ rách?

con cá bơi trong bể được gò hàn từ vỏ lon beer?

chim họa mi hót trong lồng là chiếc ấm vỡ?

con chó giụi đầu vào tay mình là cuộn báo cũ?

đàn kiến đang nhẫn nại tha mồi là đống mạt cưa?

 

Tác giả từ một sự ngẫu hứng đã đề ra những khả thể cho sự vật: Tại sao lại gọi đó là con mèo mà không phải là mớ giẻ rách? Tại sao lại gọi đó là con cá mà không phải là vỏ lon beer? Hàng loạt câu hỏi kiểu như thế được cất lên có vẻ như ngây ngô, buồn cười nhưng thực ra nó lại mang một triết lí sâu sắc. Như một lời phản biện với quan niệm thông thường, những hình dung mới của nhà thơ đã làm thay đổi ý niệm về những cái đã mặc định. Sự thống ngự của chủ thể quan sát hiện lên ở đây để thách thức và đòi thay đổi.

 

Ở bài Anh tôi, ý tưởng nhờ người khác giữ hộ kí ức của nhân vật anh là một ý tưởng lạ. Nhưng còn lạ hơn khi: Tôi khuyên anh nên vẽ tranh hoặc viết sách. Nhưng anh đâu phải nhà văn, họa sĩ. Tôi nêu nhiều giải pháp khác: cắt rời, khởi động lại, thu nhỏ, dừng đột ngột, ninh nhừ, nghiền thành bụi... Lời khuyên ấy của nhân vật tôi quả thật xuất phát từ sự ngẫu hứng và là một sự phi lí hết sức so với logic thông thường. Nhưng chính sự phi lí ấy đã mang đến cho người đọc một thông điệp, một lời cảnh báo, đồng thời cũng có thể là lời thức tỉnh: con người ngày nay dưới ảnh hưởng của môi sinh đang phải hứng chịu một sự hủy diệt dần ở cả thể xác lẫn tâm hồn, trí tuệ.

 

Nhà văn Đặng Văn Sinh trong bài viết Mai Văn Phấn và khúc biến tấu “Hôm sau” đã chỉ ra rằng: Nhân vật “Hắn” trong bài thơ cùng tên là bóng ma của xã hội hậu hiện đại với thứ trật tự... phi trật tự, tư duy logic... phản logic. Núp trong bóng đêm “Hắn” thể hiện sức mạnh bản năng ngu xuẩn khi chơi trò đấm đối phương qua lỗ thủng tấm bìa. Đó là hành vi tự kỷ ám thị hoàn toàn ngẫu hứng nhưng chưa chắc đã mắc chứng tâm thần phân liệt cho dù đã được ai đó vinh danh là “nhà vô địch”. Và ở cuối bài viết, ông cũng đã khẳng định: “Hôm sau thực chất là bản giao hưởng với những biến tấu đầy ngẫu hứng”.

 

Ở một bài thơ khác, những ý nghĩ ngẫu hứng giàu tính giễu nhại của trạng thái Tỉnh táo tột cùng làm cho người đọc ngạc nhiên, thú vị:

 

Ý nghĩ tôi muốn điều khiển con chuột chui từ cống hẹp

từ tốn bò vào thùng rác nằm chết ngay ngắn

Xe chở rác đem những con chuột đi chôn

vĩnh viễn trong thành phố không còn chuột.

             

Một cách nghĩ khác:

Múc nước ở cảng Hải Phòng

nước tự biến thành tinh khiết

tự đóng chai lăn đến các nhà hàng, khách sạn

Người nghèo đến đó mà thu tiền.

 

Nhiều bài thơ trong tập Hôm sau, Mai Văn Phấn đã vứt bỏ sự phân tích logic, đập tan các gông cùm của lí trí, đạo đức, tôn giáo và chỉ tin cậy ở trực giác, giấc mơ, ảo giác, ở những linh cảm bản năng và sự tiên tri. Với bài thơ duy nhất trong Hôm sau được viết trong một bầu không khí liêu trai, nhà thơ đã mang đến cho người đọc trạng thái kinh hãi, rùng rợn khi kể về một ông khách xuất hiện trong ngôi nhà của mình, đang trò chuyện với mình thực chất là một bóng ma:

 

Pha xong ấm trà

Quay ra

Ông khách không còn ở đó

Gọi điện thoại

Người nhà bảo ông ấy mất đã bảy năm

 

Chủ nhà tưởng mình nhầm lẫn, nhưng không phải, sau khi đi anh ta ra ngoài và về lại nhà thì:

 

Trong nhà

Trà vẫn nóng

Đẩy chén nước về phía ông khách đã ngồi.

Luồng tử khí cao chừng một mét sáu dựng đứng trước mặt

Chốc lại cúi gập.

(Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ)

 

Điều đó chứng tỏ Mai Văn Phấn đặc biệt tin ở trực giác và linh cảm của mình. Không chỉ có vậy, nhà thơ còn thể hiện niềm tin ở sự tiên tri trong bài Biến tấu con quạ. Hình ảnh “con quạ” xuất hiện ở đầu bài thơ như một dự báo, một thiên khải:

 

Tử khí kéo ngọn bấc tới đỉnh trời

Con quạ rực sáng

 

Vị linh thần này của nhà thơ Mai Văn Phấn đã phải khai sinh đến tận bốn lần. Để rồi đến lần cuối, nó hiện diện như một Ngôi Lời:

 

Khai sinh

Mực đổ dưới chân và máu

vón cục ở yết hầu, phế quản

Viết một nét lên trang đầu

thấm suốt cả ngàn trang sách.

Hình ảnh “con quạ” ở cuối bài thơ đã tạo cho độc giả sự liên tưởng tới một vị chân tu đã đắc đạo, hoàn toàn dứt bỏ được mọi hệ luỵ để bắt đầu một đời sống khác:

 

Con quạ khật khừ xuyên đêm

Thảng thốt kêu

Lần đầu tiên tiếng động ra đi không vọng lại.

 

Bên cạnh đó, ta còn thấy trong Hôm sau một Mai Văn Phấn tin mãnh liệt vào những giấc mơ với hàng loạt bài thơ như: Chỉ là giấc mơ, Ở những đỉnh cột, Giấc mơ vô tận, Kể lại giấc mơ... Nếu như các nhà siêu thực ở châu Âu thời kì trước tìm đến với giấc mộng và xem nó như một phương tiện có sức mạnh toàn năng, có thể thay thế cho tư duy duy lý, giúp con người đi hết chiều sâu của chính mình, tự bộc lộ tính chất toàn vẹn trong một thực tại siêu đẳng ở đó hành động và mộng mơ, cái bên trong và cái bên ngoài, cái vĩnh cửu và khoảnh khắc... - tất cả trộn lẫn, gắn kết với nhau, thì nhà thơ Mai Văn Phấn đã sử dụng huyễn tưởng và giấc mơ trong thơ mình để biểu đạt những u uất của sự sống mà con người đang từng ngày bươn trải trong thế giới phẳng này.

 

Ở bài Chỉ là giấc mơ, Mai Văn Phấn hình như đang phiêu lưu trong một ảo giác khủng khiếp, ở đó đầy rẫy những bất công, lừa lọc, hèn hạ, xấu xa, đê tiện, ác độc... mà đỉnh cao là sự tha hóa của con người đến mức trở nên ngang hàng với thế giới loài vật, đồ vật.

 

Và rồi Mai Văn Phấn lại có thêm một Giấc mơ vô tận mang tính chất dự báo cho những bất trắc, sóng gió của cuộc sống con người ngay từ khi họ mới chào đời:

 

Mưa thôi làm anh lạnh

đổ vào giấc mơ gần sáng

những con sóng đục ngầu

vỗ vào bãi sú lúc sinh anh.

 

Đồng thời giấc mơ ấy còn mang theo dự báo về sự chết chóc thê thảm của loài người như đặt một dấu chấm hết cho những chuỗi ngày dài con người sống khổ đau trên trần thế:

 

Gió lùa về

làm khăn trắng quấn quanh gốc sú

trên đỉnh trời linh cữu nhấp nhô.

 

Đọc Ở những đỉnh cột, chúng ta thấy Mai Văn Phấn luôn sống trong sự trăn trở, bất an trước sự tha hóa của con người, sự phi trật tự của xã hội. Trong cuộc hành xác ấy, bằng những vần thơ của mình, nhà thơ đã thể hiện một niềm ước mong thường trực: ông mong mỗi con người có thể tìm thấy cho mình một chỗ dựa tinh thần, một bến đỗ bình yên, một động lực sống mạnh mẽ giữa cuộc đời đầy bất trắc này. Và cũng với những vần thơ ấy, có lẽ ông còn muốn đánh thức những phẩm chất tốt đẹp nơi con người, muốn chỉ cho họ thấy rằng: con người muốn sống thực sự có ý nghĩa thì trong mọi hoàn cảnh họ phải đấu tranh một cách kiên cường từng phút, từng giây với cái ác, cái xấu, cái giả dối, cái thấp hèn ... dù cho cái giá phải trả là những thương tích, mất mát, đớn đau:

 

Những linh hồn thoát xác tìm cách quay về chiến đấu với loài quạ dữ. Sau những loạt đạn không gây sát thương, khói hương căng thành bảng, viết những con chữ đầu tiên của bài học mới. (Biến tấu con quạ)

 

Và với những giấc mơ như trong bài Kể lại giấc mơ, Nếu... tác giả được tự do thả mình trong tưởng tượng, giả định. Đó là những câu chuyện phi logic, hoang tưởng, nhưng chúng ta nhận ra trong những câu chuyện ấy sự hoảng loạn tinh thần, sự hoài nghi của nhà thơ trước hiện thực cuộc sống của con người trong xã hội hiện đại và bộc lộ những khát khao thường trực hết sức chính đáng và giàu tính nhân văn cao cả.

 

Thơ Mai Văn Phấn có nhiều bài mang hơi thở tự do, ít khi sử dụng những dấu chấm câu, không cần tuân thủ trật tự cú pháp, đề cao sự liên tưởng cá nhân (hay còn gọi là lối viết tự động và sự tùy tiện của ký hiệu). Để biểu đạt giấc mơ và đời sống vô thức, lối viết tự động được xem là phương thức hữu hiệu. “Nó cho phép tìm lại quyền năng đã mất của trí tưởng tượng và cho phép hiểu rõ hơn cơ chế của tư duy được xác lập như thế nào” (Véronique Bartoli-Anglard, sđd, tr. 44 - dẫn theo tài liệu [7]). Đó là một cách để thoát khỏi mọi định kiến của xã hội và luân lý, để biểu lộ niềm tin vào tính dân chủ của ngôn ngữ, để tự do suy ngẫm về chức năng của nghệ thuật và bản chất của quá trình sáng tạo. Ta có thể tìm thấy trong Hôm sau những cách diễn đạt khá mới lạ:

 

Con gián và tôi từ giờ sòng phẳng

Nó chui ra. Tôi vô cảm.

Nó gặm nhấm. Tôi ngập chìm.

Nó leo tường. Tôi thù vặt.

Nó bài tiết. Tôi ăn gian.

Nó hôi xì. Tôi lì lợm.

Nó dò xét. Tôi mở đường.

Nó nghênh ngang. Tôi u muội.

(Chuyện còn dài)

 

Biến tấu con quạ, ngôn ngữ thơ được sắp xếp, bố trí một cách lạ hóa không theo một qui tắc nào:

 

Trông

Sự vật

Trừng trừng

Bởi chớp mắt

Bóng quạ

Ập tới.

 

Bóng mình

Không cất tiếng

Sợ biến thành gà con.

 

Nhà văn Văn Chinh đã nhận xét: “Như Mai Văn Phấn đã không còn phải loay hoay với vần điệu, tu từ và thật thú vị, thoát được là tự do. Cảm giác tự do ở lối nói tung tẩy, nói như không ngụ ý gì, như bất chợt”. Phần lớn các bài thơ của Mai Văn Phấn cứ tuôn trào một cách tự nhiên như một lời tâm sự, một câu chuyện kể rất hồn nhiên. Nhiều bài thơ trong Hôm sau được viết dưới dạng văn xuôi như: Quay theo mái nhà, Nghe tin bạn mất trộm, Dạy trẻ con, Đến trong ý nghĩ, Kể lại giấc mơ; hoặc thơ xen lẫn văn xuôi như: Anh tôi, Biến tấu con quạ, Hắn.

 

Còn nhà thơ Đặng Thân trong bài viết Mai Văn Phấn và công nghệ cách tân thơ thì cho rằng: “Ngôn từ mà Mai Văn Phấn ghi lại ấy xứng đáng được đi vào thơ ca Việt, vào văn học sử như một dòng thơ cách tân mãnh liệt nhất. Ngôn ngữ thơ ấy chưa ai từng viết. Nó mới lạ đến từng từ”.

 

Với nhà thơ Nguyễn Việt Chiến thì “Mai Văn Phấn đã biết cách giữ được những đặc thù của ngôn ngữ thơ trong chuyển động đổi mới của những con chữ. Đây chính là sự khác biệt giữa một số cây bút cách tân đã nhân danh cái mới để “lạ hóa” thơ đến mức phản thơ với những tác giả có xu hướng tìm tòi nhằm nâng cao vẻ đẹp ngôn ngữ - thơ bằng những ý tưởng mới”.

 

Cũng như hầu hết các nhà thơ vận dụng thủ pháp siêu thực, thơ Mai Văn Phấn khêu gợi nỗi kinh ngạc bằng cách phá vỡ thói quen sử dụng từ ngữ sáo mòn và khai mở các dáng vẻ phong phú của thế giới bằng những hình ảnh chói sáng. Bởi hình ảnh chính là một phương tiện giải phóng cái nhìn, gắn kết tưởng tượng với tự nhiên, biến các khả năng thành hiện thực. Thơ Mai Văn Phấn cũng xuất hiện nhiều hình ảnh lạ và bất ngờ, kiểu như:

 

Ngọn lửa lùa qua cửa sổ, ổ khóa, lỗ thông hơi… như người căm giận cầm những thỏi bạc ném vào đêm tối hay tua tủa ngón tay giơ lên bấm vào một huyệt đạo khổng lồ.

(Nghe tin bạn mất trộm)

 

Mỗi lần lao qua miệng lỗ thủng, bàn tay hắn lại xòe rộng. Tấm bìa giống con sứa đang bơi mắc phải lưỡi câu chùm.

(Hắn)

 

Tôi đặt vào cái miệng những ngữ âm

như gõ lên ô Search một website tìm kiếm

(Cái miệng bất tử)

 

Nếu như ở thời kì trước của thơ mới Việt Nam, Trường thơ loạn trong sự ảnh hưởng của quan niệm về cái đẹp của Baudelaire, các nhà thơ đã mở rộng nội hàm cái đẹp để tiệm cận với cái kinh dị, cái ghê rợn, cái xấu và đem những cái ấy làm thi liệu cho thơ, đẩy thơ đến bờ chủ nghĩa siêu thực với các tác giả tiêu biểu như Chế Lan Viên và Hàn Mặc Tử, thì hôm nay, người đọc cũng bắt gặp trong Hôm sau của Mai Văn Phấn những hình ảnh thơ cũng không kém phần kinh dị, ghê rợn:

 

Cái miệng đang trôi kia chắc của người đã chết

lúc trên cao

lúc chạm vào mặt đất.

 

Bộ xương của cái miệng giờ tan vào cát bụi

vẫn vàng ươm

hay đã xỉn đen trong chiếc tiểu sành?

(Cái miệng bất tử)

 

Hoặc ở bài thơ Ở những đỉnh cột:

Lưỡi tôi bị thắt

treo lên đỉnh cột

mỗi lần nói

chiếc lưỡi phải co rút

kéo thân thể béo ị lên cao

Tôi giẫy giụa tựa mảnh vải quẫy trong gió mạnh.

 

Và trong một giấc mơ khủng khiếp:

 

Chúng bịt miệng

trấn lột mọi thứ

và xin tôi bộ phận sinh dục.

 

Nói rằng xin

bởi nếu tôi không đồng ý

của quý kia phải liệng xuống hố phân

(chúng biết cả bí quyết thần chú).

(Chỉ là giấc mơ)

 

Ta cũng bắt gặp trong Biến tấu con quạ những hình ảnh ám ảnh, ma mị khiến người đọc không khỏi kinh ngạc:

 

Bổ nhào từ đỉnh

Bằng đôi cánh sắc

Lấy tâm điểm xác chết

Chém toác bầu không

Gió hấp tấp không kịp băng bó.

 

Móc từ hốc mắt

Những nhãn quan

Di ảnh là vật chứng

Mổ vào lưỡi

và kéo dài

Phơi dưới trời bài học khẩu ngữ

Bóc từng mảng thịt

Tháo rời tứ chi

Sổ tung lục phủ ngũ tạng

 

Hộp sọ vừa được dựng lên

Rêu đã phủ đầy

Không viết nổi những dòng bi ký.

 

Trong thơ Mai Văn Phấn, các cách diễn đạt của ngôn ngữ siêu thực chỉ là một phương tiện biểu hiện những nội hàm rất khác của thơ ông so với chủ nghĩa siêu thực thời kì trước. Thơ Mai Văn Phấn không thoát ly mọi liên hệ với thực tế xã hội, nó bám rễ rất chắc vào đời sống, luôn theo sát mọi diễn biến của đời sống con người và phản ánh nó với các dạng thức mới lạ. Cách viết của nhà thơ Mai Văn Phấn làm tôi nhớ đến một quan điểm nổi tiếng về nghề văn của một tác giả văn xuôi hiện thực trong nền văn học Việt Nam hiện đại, đó là Nam Cao: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có” (Đời thừa).

 

Với 10 tập thơ đã được xuất bản, đặc biệt là ba tập thơ Hôm sau, và đột nhiên gió thổiBầu trời không mái che xuất bản gần đây, có thể nói, nhà thơ Mai Văn Phấn đã cùng các nhà thơ của thế hệ mình làm nên diện mạo riêng cho thơ Việt sau năm 1975, như các nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Inrasara, Trần Quang Quý, Đặng Huy Giang, Dương Kiều Minh, Tuyết Nga, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Việt Chiến, Phan Huyền Thư, v.v… Với nhiệt huyết và sức viết sung mãn, tôi tin nhà thơ Mai Văn Phấn sẽ mang đến cho độc giả nhiều điều bất ngờ, thú vị hơn nữa.

                                                  

Đà Nẵng, ngày 7/5/2011

V.T.T

(Tạp chí Non Nước số 169, 2011/ Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, khác biệt và thành công - Kỷ yếu hội thảo thơ tại Hải Phòng, 15/ 5/ 2011, NXB Hội Nhà văn, 2011)

 

 

_______________________

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

 [1] Nguyễn Việt Chiến, Mai Văn Phấn với những bài thơ hướng đến một trường – thẩm – mỹ mới, Báo Người Hà Nội số 42, ra ngày 16/10/2009.

[2] Văn Chinh, Độc hành Mai Văn Phấn (Lời giới thiệu trên website Hội Nhà văn Việt Nam).

[3] Mai Văn Phấn, Hôm sau, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội 2009.

[4] Đặng Văn Sinh, Mai Văn Phấn và khúc biến tấu “Hôm sau”.

[5] Đặng Thân, Mai Văn Phấn và công nghệ cách tân thơ (Giới thiệu/ đọc/ nghe/ nhìn tập thơ Hôm sau của Mai Văn Phấn, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội 2009).

[6] Đỗ Lai Thúy, André Breton & chủ nghĩa siêu thực (Lời giới thiệu cho chuyên đề về Chủ nghĩa siêu thực), tạp chí Văn học nước ngoài, số 5, tháng 9-10/2004, evan.vnexpress.net, truy cập lần cuối 05/5/2011.

[7]://www.tienve.org/home/viethttp, Dấu ấn của chủ nghĩa siêu thực trong Thiên Đường Chuông Giấy, truy cập lần cuối 05/5/2011.

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị