“Bầu trời không mái che”, sự thể nghiệm của thi pháp mới (phê bình) - Lý Hoài Xuân

“Bầu trời không mái che”, sự thể nghiệm của thi pháp mới

(Nhân đọc “Bầu trời không mái che”, thơ Mai Văn Phấn, NXB Hội Nhà văn, 2010)

 

 

Lý Hoài Xuân

 

Với ý nghĩa vừa là chủ thể vừa là sản phẩm của thời đại, mỗi nhà thơ đều có quá trình hình thành, vận động và biến đổi theo quy luật phát triển. Nếu ai quan tâm theo dõi nhà thơ Mai Văn Phấn sẽ thấy rõ điều đó. Mặc dù quan điểm đổi mới thi pháp thơ của anh không thể giống với đổi mới mốt áo quần, nhưng có lúc (như lúc này, sau khi đọc xong tập thơ “Bầu trời không mái che” của anh) tôi có cảm giác anh muốn lột bỏ những gì anh tự coi là cũ của thơ mình. Đến nỗi anh không muốn nhắc lại tên những tập thơ trước của mình để bạn đọc khỏi bận tâm những tháng năm trước đó. Nói như thế không có nghĩa anh muốn phủ định mình hoàn toàn, mà những gì là bản chất, sự tốt đẹp của thơ anh vẫn được anh gìn giữ.

 

“Bầu trời không mái che” cứ dào dạt tuôn chảy một cách tự nhiên, bất chấp thời gian, chướng ngại. Tất cả các bài thơ, đoạn thơ không phân biệt có đầu đề hay không đầu đề liên kết với nhau tưởng rời rạc mà lôgic qua nhiều tầng liên tưởng. Câu thơ ngắn, dài tuỳ ý; vần, nhịp không mang tính hình thức, tự nó tạo ra từ nhịp điệu của hồn và ngoại cảnh tương ứng. Thơ Mai Văn Phấn cứ thế, dần dần hiện ra bằng sinh linh của mình, trải qua sự trưởng thành đầy biến động để khẳng định mình.

Hãy nghe anh thổ lộ: “Mẫu nâng niu con ánh trăng/ …Da thịt con yêu trải sâu đêm tối/ …. Con sơ sinh trên đất/ Bơi qua sông con nòng nọc đứt đuôi” (Trang 7, 8 )

Sự liên hệ phức tạp của muôn vật trong vũ trụ mà con người cũng chỉ là một hạt nhỏ có khi là bụi, có khi là ánh sáng, có khi là không khí,… buộc con người phải biết chấp nhận mọi thử thách để tồn tại. Mai Văn Phấn nhận ra đá: lặng yên cho nước chảy/ xối xả lâu lạnh toát mình đá”; nhận ra gió: “nhoài lên mỏm đá sắc/ thân thể gió trầy xước”; nhận ra mưa: “máu của gió là mưa” v.v… Bằng tình yêu không thể thiếu được với con người, Mai Văn Phấn cảm được “mơ hồ em qua cơ thể anh” từ “những huyệt đạo thắp ngọn nến”. Bảo rằng nhà thơ đang mộng du cũng đúng thôi! Những mảnh ghép tâm hồn nhà thơ là từng đoạn thơ, bài thơ. Nó cũng như gió, như mây, như nắng, như dòng suối, như mầm cây, hòn đá… Thế giới muôn màu của con người hơn những con khác chẳng qua là nhờ trí tưởng tượng của con người phong phú. Không phải cái gì cũng cần nhớ! Không dễ cái gì cũng quên! Buổi chiều mà con chim bồ cầu vẫn không quên: “Con bồ câu đã về/ Mang cả buổi chiều/ Kẹp trong đôi cánh” (Trang 39)

 

Huống nữa là con người: “Thân dâng/ Hương thơm ngon ngọt/ Con chào mào em/ Khoét rỗng môi anh/ Và vỗ cánh/ Ngậm anh đi gieo hạt” (Trang 67)

 

Lang thang trong giấc mơ bỗng gặp thực tại; đang giữa đời thực lại ngỡ mình mơ! Sự cô đơn của con người không phải là không có ích: “Thầm thì lời vô nghĩa/ Luôn thấu hiểu, nghe rõ/ Trời xanh chân cỏ” (Trang 58)

 

Mai Văn Phấn thả hồn mình bay lượn tự do giữa vũ trụ, tương tác với từng sự vật quanh mình, tự cảm, tự nghĩ, tự chiêm nghiệm bằng con mắt nhìn khúc xạ vừa lãng mạn vừa hiện sinh. Từ nhịp này đến nhịp khác, anh “đi về phía cuối đường/ nơi bắt đầu cơn giông/ dọn lòng thanh sạch”.

 

Với quan niệm nhà thơ như đứa trẻ thì đứa trẻ trong thơ Mai Văn Phấn là đứa trẻ thông minh, giàu lý trí; đương nhiên là vẫn hồn nhiên theo thuộc tính, luôn luôn thích khám phá. So sánh với một số nhà thơ tích cực đổi mới hiện nay, thi pháp thơ Mai Văn Phấn thiên về cảm.

 

Xuyên suốt “Bầu trời không mái che” là sự giãi bày, phân thân, tự giải phẫu tâm trạng… Tác giả có khi ở gần, có khi đứng xa sự vật, hiện tượng để suy ngẫm. Mạch tư duy đan cài, không theo một chiều nhất định. Phải đọc hết cả tập thơ mới cảm nhận đầy đủ nhà thơ!

 

Đọc tập thơ này của Mai Văn Phấn khó vào hơn những tập thơ trước nhưng không phải vì thế mà nhà thơ mất độc giả của mình.

 

Quảng Bình, 4/01/2011

L.H.X

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị