Một giọng thơ thuở còn “Gọi xanh” (phê bình) - Phạm Khải

Một giọng thơ thuở còn “Gọi xanh”



 

Phạm Khải

 

Ngày 15/5, tại TP Cảng, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng đã phối hợp với Hội Nhà văn Hải Phòng tổ chức Hội thảo thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, hai tác giả đại diện cho hai phong cách thơ khác nhau đã có những đóng góp đáng kể cho nền thơ đương đại Việt Nam.

Đã có trên một trăm nhà văn, nhà thơ từ nhiều vùng miền trong cả nước về dự. Nhân dịp này, chúng tôi xin trình bày một đôi suy nghĩ, cảm nhận của mình về thơ Mai Văn Phấn ở giai đoạn đầu cầm bút, khi thơ anh còn mang nét đẹp dịu dàng, e ấp (hầu hết các bài được nhắc tới đều trích từ tập "Gọi xanh" - tập thơ thứ hai của Mai Văn Phấn do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 1995), qua đó, muốn bạn đọc quen thưởng thức mùi vị thi ca truyền thống có thể thấy, Mai Văn Phấn thời ấy khác với Mai Văn Phấn hiện thời như thế nào, từ đó có thể rút ra cho mình những suy nghĩ, nhận xét riêng về một chặng hành trình thơ nhiều quẫy cựa, bứt phá của anh...

Phát biểu trong lễ nhận giải cuộc thi thơ của tuần báo Người Hà Nội (năm 1994), Mai Văn Phấn đã đưa ra một quan điểm khá thuyết phục: Thơ cần quyến rũ chứ không nên đuổi bắt. Theo ý tác giả (người được giải nhì cuộc thi thơ với bài "Nghi Tàm" - cuộc thi không có giải nhất), thì thơ nên quyến rũ người đọc, như bông hoa đẹp để người đọc tìm đến bằng màu sắc, hương thơm của mình. Không nên "truy bắt" thơ và càng không nên bắt người đọc đến với thơ bằng khua chiêng gõ mõ và các thủ pháp gây ấn tượng lập dị này khác. Đọc tập thơ "Gọi xanh" của Mai Văn Phấn, ta thấy anh phần nhiều đã thực hiện được quan niệm kể trên.

Đúng như cái tên "Gọi xanh" - tập thơ đã "gọi" về cho chúng ta khá nhiều sắc màu, hương vị của cỏ cây. Nhiều nỗi tâm tình của tác giả đã được hòa hợp với thiên nhiên thông qua cái nhìn trẻ trung, đôn hậu. Mai Văn Phấn đã biết chắt lọc từ thiên nhiên những hình ảnh rất đỗi thi vị. Ngay như một thứ "cây trên đảo" tác giả cũng hình dung ra được:

Cây mọc vô tình bên mép đá/ Tán xanh như múa, gốc như quỳ

(Cây trên đảo)

Nhìn ngọn cỏ gió đùa, lơ thơ trước ngưỡng cửa mùa thu, tác giả liên tưởng ngay tới những chiếc lưỡi câu "dử" tâm hồn con người hướng tới miền cao xa nào (Bài "Lơ lửng"). Tác giả tỏ ra là một người nhạy cảm, vì chỉ có nhạy cảm mới có cái "cảm giác mùa thu" như thế này:

Một sớm hồn ta trong ngục tối/ Tiếng lá khô như khóa động trên đầu/ Thân xác bỗng thôi làm cai ngục/ Hồn theo heo may không biết về đâu

Không dừng lại ở những cảm nhận, dù là tinh tế và là đặc trưng của thi sĩ, Mai Văn Phấn đã nâng lên, đúc kết thành những biểu tượng, khiến bài thơ ngắn mà không cụt, trở thành thi phẩm có cấu tứ với nhiều liên tưởng giàu  sáng tạo:

Em thở êm như biển lặng tờ/ Hay đâu có bão ở trong mơ/ Tay em anh khẽ nâng trên ngực/ Như kéo con thuyền lên cát khô

Tác giả ví mình như "cát khô", nhưng bằng cách dàn dựng biểu tượng như vậy, bài thơ của anh đâu có khô?

Như trên đã nói, tác giả biết để tâm tình của mình hòa nhập với thiên nhiên và qua thiên nhiên, tiếng thơ của anh càng trở nên thanh thoát. Minh chứng rõ rệt nhất trong tập thơ này là bài "Nghi Tàm", thi phẩm đã đưa tác giả của nó chiếm lĩnh giải cao trong cuộc thi thơ của đất đế đô. Tác giả đã nói lên được sự ngỡ ngàng, mê đắm của mình khi đặt chân lên miền đất thiêng liêng, cổ kính. Và anh cảm nghe rất rõ:

Tiếng thời gian khoan nhặt/ Bên thềm rêu gọi hè/ Không gian như phủ chúa/ Hoa cười vang cung mê

Những câu thơ rất ảo. Và chỉ có ảo đến vậy mới nói hết được tâm trạng sâu lắng của tác giả, cái tâm trạng bần thần, bảng lảng trước một khoảng không gian đầy dấu ấn lịch sử và huyền tích:

Ai đang dẫn ta về/ Thành Thăng Long mây khói/ Nền xưa và dấu xe…

Bài thơ đã tập trung được khá nhiều ưu điểm thơ Mai Văn Phấn: Đó là sự nhuần nhuyễn trong ngôn ngữ, uyển chuyển về giai điệu, gợi một cốt cách thanh cao, một cái nhìn trong trẻo, thơ mộng.

Nhưng nói thế không có nghĩa là thơ Mai Văn Phấn chỉ có mấy đặc điểm như vậy. Là một tác giả trẻ, như nhiều cây bút khác, anh cũng cố gắng mở thơ mình ra nhiều hướng, với những cách cấu trúc câu khác lạ, thậm chí tác giả còn dùng đến cả thơ tự do. Tuy nhiên, ngoại trừ bài "Viết cho cây sáo" (thật ra, gọi bài thơ này là thơ văn xuôi vì câu nọ xếp liền câu kia, thành dòng dài dặc, chứ tách riêng ra thành từng câu, thì thấy nó cũng có vần nối chân như nhiều bài thơ khác) khá thành công, còn lại đều ở dạng thể nghiệm, chưa thật đạt.

Kể ra, điều này cũng không lấy gì là lạ. Có những loài chim bay rất điệu nghệ ở trên trời, nhưng lại loạng choạng khi nhảy lò cò dưới đất. Cũng là hoa là lá, nhưng hoa lá ở trong câu thơ: "Màu hoa chừng rất vội/ Hồn ta cứ la đà/ Chắp tay làm chiếc lá?/ Ngỡ mặt mình đơm hoa" (bài "Nghi Tàm") hẳn rất khác so với "Khuôn mặt em vừa hiện trong vòm cây sót lại, tán lá đung đưa như bát nước đầy" hoặc "Mặt hồ Tây xanh như vòm lá" (bài "Đêm ở Thụy Khuê"). Tổ chức câu chữ chặt chẽ đủ khiến cho câu thơ trong bài "Nghi Tàm" của Mai Văn Phấn được thanh lọc, tinh tế, nhuần nhị hơn.

Ngoài ra, trong tập còn một đôi bài tác giả muốn gửi gắm ý tưởng qua cách lập luận khác lạ. Tôi đọc bài "Lẩn thẩn lúc chăn vịt" đến dăm bảy lần mà vẫn không hiểu tác giả nói vậy là thế nào. Có lẽ cứ quanh quẩn day đi day lại thế thì cả tôi lẫn tác giả đều trở thành lẩn thẩn mất. Thì ra, vì muốn tạo nên một tứ thơ thật đặc biệt, tác giả đã quên mất rằng "những ý tưởng… giữa đầm lầy khắc khoải" ấy của anh chưa đủ cơ sở để anh có thể "phất" dậy thành một cái tứ cơ hồ để anh gửi gắm một tư tưởng nào đó. Cái cách chuyển ý và kết bài như vậy - bởi thế mà trở nên gượng ép.

Sau tập "Giọt nắng" xuất bản ở Hội Văn nghệ Hải Phòng trước đó mấy năm, "Gọi xanh" là một bước tiến đáng kể trong hành trình thơ Mai Văn Phấn. Tập thơ tràn trề hình ảnh, giai điệu và dần dần rộng mở một gương mặt nhà thơ.

 

P.K

(Báo Công An Nhân Dân, 2011)

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị