Mai Văn Phấn tìm về ngọn nguồn thi ca (phê bình) - Đặng Văn Sinh

Mai Văn Phấn tìm về ngọn nguồn thi ca


 

Đặng Văn Sinh

                                                         

“Bầu trời không mái che” là tập thơ của Mai Văn Phấn được xuất bản cuối năm 2010. Cũng như các tập thơ “Vách nước”, “Hôm sau”, “Và đột nhiên gió thổi”… tác giả luôn làm cho bạn đọc bất ngờ bởi cách đặt tên rất khác người cho những thi phẩm của mình.

 

Xét về thi pháp, cả ba chủ đề trong tập thơ: “Cửa mẫu”, “Mùa trăng” và “Hình đám cỏ” gần như cùng một phong cách nhưng phương pháp diễn đạt cũng như đối tượng được đề cập đến không hoàn toàn giống nhau. Nói khác đi, “Bầu trời không mái che” mang nội hàm tổng quát chi phối ba chủ đề kia.

 

“Bầu trời không mái che” là tập thơ khó đọc nhất trong những tập khó đọc của Mai Văn Phấn. Hơn thế, ở thi phẩm này, dường như anh đã thoát ly hoàn toàn với những vấn đề “nhạy cảm” xã hội, bỏ ngoài tai mọi cám dỗ chính trị, loại khỏi bộ nhớ đủ thứ màu sắc chủ nghĩa cùng những hệ lụy của nó để tìm đến ngọn nguồn của cảm hứng sáng tạo, cho dù đó là cảm hứng cô đơn trên miền đất hoang vu như cánh rừng tiền sử vừa trải qua cơn đại hồng thủy.

 

Cảm hứng chủ đạo của “Bầu trời không mái che” là vũ trụ, nhân sinh và những dạng thức khác nhau của tình yêu được phát triển trên nền cổ điển thông qua ngôn ngữ siêu thực. Ngôn ngữ siêu thực là một đặc trưng của bút pháp Mai Văn Phấn. Nó biểu hiện ở dạng thức thơ không vần, không nhịp điệu, không đăng đối và thường đảo ngược cấu trúc ngữ pháp. Đúng như phát hiện của nhà thơ Lê Đạt, “chữ bầu nên thơ”, hiệu ứng của những dòng thơ cấu trúc ngôn ngữ bị thay đổi hay chuyển dịch vị trí cú pháp dẫn đến thay đổi cả về nội dung ngữ nghĩa lẫn giá trị biểu cảm. Tuy nhiên chất siêu thực của “Bầu trời không mái che” không phủ nhận mà tiệm cận thế giới khách quan, vì thế, nó luôn song hành với hiện thực cuộc sống nhưng thường đưa ra những cách giải thích của riêng mình.

 

“Bầu trời không mái che” lấy con số 9 làm tiêu chí dẫn dắt mạch tư duy hình tượng. Số 9 trong tín ngưỡng dân gian được xem như con số thiêng, thường ẩn giấu những bí mật vũ trụ. Chính vì thế, nó luôn hấp dẫn các nhà chiêm tinh, tướng số, thậm chí cả các nhà khoa học đương đại nghiên cứu về khoa ngoại cảm. Từ ý tưởng này, Mai Văn Phấn khai triển các bài thơ của mình dưới hình thức 9 khúc, 9 đoạn hay 9 nhịp tạo thành sự tương hợp với cấu trúc tự nhiên của vũ trụ theo thuyết Âm Dương và Ngũ Hành. Có thể nói, tập thơ dường như đã thoát khỏi ràng buộc có tính quy phạm của của những định chế xã hội. Những đối tượng mà chủ thể “trần thuật” hoặc hồi ức trong đời sống tự nhiên đều vận hành theo tinh thần tự do, an nhiên trong một thế giới không có bạo lực, không chiến tranh, không chủ trương các triết thuyết dựa trên tinh thần độc tài.

 

Chẳng những thế, nó còn thoát ly được cả thứ đạo đức giả rất dễ bị cám dỗ bằng đủ thứ danh xưng mỹ miều, mà xác lập cho mình một thang giá trị mới qua nhận xét khá chính xác của nhà thơ Dương Kiều Minh :"Bầu trời không mái che" là sự dâng đặt cái hứng khởi về cuộc tái sinh đầu tiên của sự sống. Một cuộc tái sinh được nhà thơ thể nhập trong cảm nhận trực giác của cái toàn thể và cái nhất thể, một cái cá thể không phân chia, không tách rời. Đó có lẽ là cuộc giải phóng và từ quy của nhà thơ"[i]. Còn tác giả Đỗ Quyên, người từng viết hẳn một tiểu luận công phu về thi pháp Mai Văn Phấn, đã đưa ra nhận định sắc sảo: "Bầu trời không mái che" là ẩn dụ văn chương về từng thời kỳ thành người và làm người của cuộc đời người-nữ-Việt. Chương cuối "Hình đám cỏ" là một cuộc liên hồi các đợt làm tình, để quay vòng về chương đầu "Cửa mẫu"[ii].

 

“Bầu trời không mái che” là một vũ trụ mà trong đó, thiên nhiên trong trẻo, thoáng đãng, tinh khiết được nhận thức dưới góc nhìn tân cổ điển. Thiên nhiên ấy, lúc là mùa xuân trăm hoa đua nở, lúc là mùa thu vàng phai màu lá, chim kêu vượn hót. Tình yêu nảy nở trong trong một không gian sinh tồn lý tưởng như thế với đủ mọi cung bậc. Tuy vậy diễn biến của các “nhịp tình yêu” trong “Bầu trời không mái che” chưa bao giờ đi trọn vẹn một vòng theo phương pháp sáng tác cổ điển. Nó luôn chỉ là một lát cắt bất chợt mang tính biểu tượng bởi tinh thần siêu thực được khai triển trong không gian bốn chiều, vừa hiển lộ vừa thần bí dưới dạng thức ngôn ngữ đã được mã hóa.

 

Một trong những yếu tố quan trọng làm nên nét đặc thù của tập thơ này là, tác giả đã vận dụng tối đa hiệu quả ngôn ngữ diễn đạt. Hệ thống từ vựng tuy không mới nhưng bí quyết thành công của nó nằm ở khả năng liên kết trong trường ngữ nghĩa tạo nên phản ứng dây chuyền: Hơi nước bến sông / Không gian đặc thời gian nhầm lẫn / Ngọn khói lên cao / Biết mình bơi trong biển sương (Cửa Mẫu – I); Thu về e ấp / Cốm non lãng đãng sương giăng / Khăn áo ấy mịn màng da thịt / Dâng heo may lên trời (Mùa trăng – Cốm hương); Bên em hành lễ mặt trời / Ngọn thác, bờ sông lớn / Bóng anh trong tiếng nước chảy… / Lưỡi gươm sáng / Thèm tiếng nổ lớn, tiếng đổ vỡ / Những dây cáp trì níu đứt phựt / Con đê vỡ toang tràn lũ đồng bằng (Nhịp VIII – Hình đám cỏ); Đây trời cỏ / Đại dương cỏ / Phơi phới sông hồ (Nhịp IX – Hình đám cỏ).

 

Việc trù hoạch ý tưởng là quan trọng, nhưng với thơ siêu thực hoặc tân cổ điển, ngôn ngữ diễn đạt mới là điều tiên quyết để tác phẩm thành công. Nói cách khác, cái tài của người viết chính là ở nghệ thuật sắp đặt ngôn từ sau khi đã có được phác thảo bố cục. Cũng với một số lượng từ vựng nhất định, những người có tay nghề cao sẽ dễ dàng sử dụng chúng trong nhiều dạng thức kết hợp, như kết hợp song phương, đa phương theo mặt phẳng, rồi kết hợp đa chiều trong không gian, làm các con chữ nhảy múa tác động lẫn nhau như một phản ứng nhiệt hạch, tạo nên sự bùng nổ bất ngờ vượt khỏi sự kiểm soát.

 

“Cửa Mẫu” là một ví dụ. “Mẫu” là khởi nguồn của mọi sự sống trên thế gian, là Đấng Sáng Thế đầy quyền năng, là nguyên nhân của quy luật sinh tồn. Hình tượng “Mẫu” là biểu trưng của cảnh khai thiên lập địa. Vũ trụ lúc ấy tối tăm mù mịt, là một khối hỗn độn vô hướng của nước, lửa và những sinh vật bán khai. Giữa buổi hồng hoang ấy, bà mẹ hoài thai sinh ra đứa con mang dáng dấp Con Người. Hình tượng “con” ở đây còn bao hàm cả khái niệm vũ trụ (ánh trăng, mây mù, mưa nguồn chớp bể, bóng đêm, vầng mặt trời, đáy nước, đàn chim, con nòng nọc, lá mầm…). “Cửa Mẫu” không có thời gian, không gian cụ thể mà là những khái niệm giả định, được đo đếm bằng những đại lượng “ảo” do chính “Mẫu”, một thứ totem siêu hình không thể cắt nghĩa rõ ràng được, quy định. “Cửa Mẫu” có 9 khúc, mỗi khúc đều được gắn với những hiện tượng, những quy luật trong nhận thức vạn vật tương thông. Mỗi khúc vừa hé mở lại vừa khép kín những bí mật của vũ trụ, lúc như giải thích, lúc lại như những câu sấm truyền tối nghĩa bằng thủ pháp ẩn dụ. Có thể nói, “Cửa Mẫu” là một cố gắng tự khám phá thế giới tâm hồn, tìm vào tầng vô thức khám phá bí mật của Tạo Hóa. “Cửa Mẫu” không giải thích mà chỉ nêu hiện tượng cùng mối quan hệ rất bình thường của các quan hệ ấy. Có vẻ như, khi viết “Cửa Mẫu”, Mai Văn Phấn đang trong trạng thái “lên đồng”. Tác giả sau khi được Mẫu “nhập” vào đã biến thành một chủ thể hoàn toàn khác, có khả năng cảm thấy, nhìn thấy những thứ mà người trần mắt thịt bất lực. Ngôn ngữ “Cửa Mẫu” dồn nén, trơn tru, kéo dài thành những trường đoạn với hàng loạt câu ngắn phảng phất loại ca từ chầu văn, diễn tả thế giới mông lung nửa thần thánh nửa trần tục. Yếu tố triết lý được loại bỏ ngay từ đầu, thay vào đó là những nghiệm sinh được đúc rút qua quá trình sống của các thế hệ được di truyền lại. Như vậy, “Mẫu” được tôn vinh như là thủy tổ của muôn loài, Cửa mẫu chính là khởi nguồn của sự sống trên Hành Tinh Xanh. Hình tượng “Con” ẩn dụ vạn vật trong cuộc đấu tranh sinh tồn trong lịch sử tiến hóa. “Mẫu” là đấng toàn năng, khi sinh thành ra “Con” cũng là lúc Người trao cho nó cẩm nang thoát hiểm. Hình ảnh “Con” vừa có tính cá thể, vừa mang tính quần thể, là hiện thân của sức quật cường trong hành trình tự khám phá mình để đến tương lai. Đây là những vần thơ cảm nhận sự huyền vi của Tạo hóa khi vạn vật đang sinh thành: Da thịt con yêu trải sâu đêm tối / Dựng tầng mây mưa nguồn / Con lặng lẽ đi qua vầng mặt trời đáy nước / Nhìn hướng bầu trời mở đôi cánh... Và sự sống nguyên thủy qua hình ảnh đảo ngược gây hiệu ứng siêu thực: Ngọn cây vươn mỏ con chim / Đang cúi xuống mớm vào miệng con từng hớp gió... Vượt lên trên hết là quy luật sinh diệt của vạn vật do “Mẫu” tạo nên cho thế giới tự nhiên, dạy “Con” thích ứng với hoàn cảnh: Tiếng hạt vỡ trong ngực / Bơi qua sông con nòng nọc đứt đuôi / Tập vỗ cánh, quạt gió vào lòng tổ / Bật lá mầm bay đi thênh thang... “Mẫu” vừa là vũ trụ vĩ mô vừa là vũ trụ vi mô được nhận thức như là một ý niệm vô thủy vô chung. Nơi sinh ra cũng là nơi kết thúc của mỗi cá thể bởi phương thức cộng sinh. Phương pháp siêu thực kết hợp với biện pháp đảo trang, hòa đồng một cách ngẫu hứng côn trùng, thảo mộc, muông thú và con người trong trật tự khá hỗn loạn: Đặt con lên đất / Lòng sông đau xé thân đêm / …/ Con bật khóc cuốn đi lưới nhện / Tiếng con vạc khàn khàn / Tàng tro lóe sáng / Mặt trăng run... Biện pháp xen kẽ tư duy trực cảm của con người thời hiện tại với hành vi mang tính di truyền đẩy thời gian về trục quá khứ, nén chặt không gian sinh tồn, làm cho người và vật thay đổi vị trí của nhau. Đó chính là không gian hiện sinh, thời gian siêu thực được biểu đạt bằng ngôn ngữ thơ.

 

Cùng một phong cách diễn đạt, nhưng “Mùa trăng”, đặc điểm siêu thực lại được phát triển trên cái nền cảm hứng khá là lãng mạn. 9 bài thơ từ “Đá trong lòng suối”, “Giai điệu xuân”, “Con chào mào”, “Cốm hương”… đến “Mùa trăng” đều phảng phất một giai điệu dân gian  trữ tình, nồng nàn, tươi trẻ. Lấy “trăng” làm cảm hứng chủ đạo, tác giả mở rộng biên độ, quy chiếu vào quỹ đạo “trăng” một tinh thần liên đới hết sức nhân văn. Câu thơ “Đá nhắm mắt an nhiên nước cuốn” là ẩn dụ một trạng thái thiền định trong một không gian sinh động với tiếng chim hót, lũ voọc chuyền cành, mùi ổi chín và đám mây trên trời dừng lại. Đây là sự vô vi trong không gian hữu cảm. Triết lý của đá bị hiện thực của dòng nước phủ nhận: Lặng im cho nước chảy / Xối xả lâu lạnh toát mình đá... Danh xưng "đá" mặc nhiên đã trở nên mơ hồ bởi cách ẩn dụ nhiều tầng. Nói như Dương Kiều Minh, "Đá chính là bản thể của nhà thơ thể nhập trong trải nghiệm qua dòng xối của thời gian và của thế tục đang cuộc trở về tĩnh lặng"[iii]

 

Cũng như thế, con chào mào là giống “chim siêu thực”. Tiếng hót được nhốt trong cái lồng tưởng tượng. Đây chính là thông điệp của nhà thơ khi anh ta nghĩ đến bầu trời tự do không giới hạn, không gian rộng lớn đủ để muôn loài cùng chung sống hòa bình. Chiếc lồng vẽ là một hình ảnh ẩn dụ về khát vọng của người nghệ sĩ muốn chiếm lĩnh cái đẹp: Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ / Sợ chim bay đi / Vừa vẽ xong nó cất cánh / Tôi ôm khung nắng khung gió/ Nhành cây xanh hối hả đuổi theo/ … / Chẳng cần chim bay về / Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.

 

Cốm hương là biểu tượng mùa thu được diễn đạt bằng một loạt hình ảnh gợi cảm làm rung động nhịp điệu tâm hồn: Cốm non lãng đãng sương giăng / … Khăn áo ấy mịn màng da thịt / Dâng heo may lên trời… Logic hình thức của thi pháp cổ điển bị phá vỡ. Không phải mùa thu làm nên hương cốm mà chính là hương cốm làm nên mùa thu. Đấy là mùa thu của tâm trạng với “hương cốm” bị đảo ngược tạo cảm giác “lãng đãng sương giăng”.

 

“Mùa trăng” còn bao quát đến cả “Đỉnh gió”. Thực chất “Đỉnh gió” là một ngọn núi cao chót vót, quanh năm bị những luồng gió mạnh từ bốn phương thổi tới. Trên đỉnh cao chênh vênh, cô đơn đó, nhà thơ dường như nhìn thấy những hình thái gió thổi tạo nên cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ tựa như “Độc tọa Kính Đình san” của thi tiên họ Lý nhưng không dừng ở đó mà liên tưởng ngay đến cuộc sống hữu hạn của đời người. Ngọn núi trở thành chủ thể sinh động, còn gió, tuy mang sức mạnh vô tri nhưng bỗng chốc rơi vào thế hạ phong: Nhoài lên mỏm đá sắc / Thân thể gió trầy xước. Cấu trúc ngữ pháp của “Đỉnh gió” rất hay bị phá vỡ bởi hiện tượng đảo ngược từ, ngữ nhằm lạ hóa câu thơ: Tìm miệng anh gieo hạt / Gió níu chân tay đất dịu dàng / Lao xuống vực / … / Chớp sáng nứt vỏ / Mùa xuân tràn miệng hạt. “Mùa trăng” còn là những phác thảo dưới dạng ký họa, đem đến cho người đọc một cách nhìn khác, của riêng Mai Văn Phấn về các dạng thức siêu thực của trăng, khác hẳn với quan niệm truyền thống của Lý Bạch, Hàn Mặc Tử. Ở đây, anh đã tìm ra thi pháp của riêng mình khi vị trí của các thực thể bị hoán cải, cấu trúc ngữ pháp đảo lộn: Bờ đá nằm im nghe mồ hôi lạ / Giọt giọt trăng khuya / … / Bàn tay em tìm trăng / Từng ngón đêm lóe sáng / … / Men theo trăng, cười nói trăng / Nghẹn thở một màu trong suốt / … / Màu óng ả trên lưng chim bói cá / Cho anh thành vạt trăng / … / Hôn em, ngón tay út/ Nâng em lên trăng / … / Mùa xuân gió hòa gót chân / Trái tim rộn ràng ngực đất / Dòng trăng cuồn cuộn thân cây / … / Cổ và đỉnh đầu khoang trắng / Cùng móng chân bé xíu bước lên trăng… Có thể thấy, diện mạo trăng, hình hài trăng, tâm hồn trăng đều là những hình ảnh ẩn dụ phi truyền thống tạo nên sự chuyển dịch từ nhận thức lý tính sang nhận thức cảm tính. Cách miêu tả trăng ở đây không hẳn chỉ là siêu thực mà còn mang dấu ấn của hiện sinh. Nói như thế, không có nghĩa “Mùa trăng” không còn gì đáng bàn. Sự bất cập của “Mùa trăng” trước hết là ở chỗ, tác giả tự làm khó mình bằng việc mở rộng nội hàm của “trăng” đến độ bắt độc giả phải thừa nhận những thứ có vẻ như không phải là trăng: Thông thốc lên mỏm dốc / Mở mắt nhìn xuống / ... / Đóng chặt cửa gió càng thổi / Điều chợt nhớ tới cũng bạt hơi, tức ngực (Đỉnh gió); Cả phố phường, triền dốc, cửa sông / Cùng ngô lúa đang tập cười, tập hát…(Mùa trăng).

 

Mọi sự liên tưởng đều có giới hạn. Trí tưởng tượng thái quá sẽ giống như con dao hai lưỡi, hẳn có lúc quay lại “phản chủ”. Đành rằng, “Mùa trăng” ở đây chỉ là một ý niệm làm điểm tựa cho dòng cảm xúc, nhưng nếu đẩy ý tưởng đi quá xa bằng những câu thơ cắt khúc, không nhạc điệu, hình ảnh lộn ngược sẽ làm giảm sức hấp dẫn.

 

Với “Hình đám cỏ”, thật khó có thể định danh đó là trường ca, sử thi hay liên đoản khúc, cũng như hình thức biểu đạt của nó liệu có phải là siêu thực, tân cổ điển thậm chí hậu hiện đại, hay thi sĩ họ Mai muốn xác lập hẳn cho mình một “trường phái”? Có thể thấy, các hình ảnh, sự vật cùng các quy luật vận động đều thuộc “thế giới cổ điển”. Mặt trời, mặt trăng, đỉnh núi, con sơn dương vẫn như hàng triệu triệu năm trước, nhưng cái cách tác giả miêu tả thì lại hoàn toàn mới. Thi pháp cổ điển bị loại bỏ, nhà thơ đem đến cho người đọc một cảm hứng nghệ thuật mà ở đó, người ta có thể nhìn nhận sự vật trong không gian đa chiều.

 

“Hình đám cỏ” chính là cách nhìn siêu thực thông qua hình thức tân cổ điển. Cũng như “Mùa trăng”, ngôn ngữ diễn đạt của “Hình đám cỏ” thoát khỏi cấu trúc mô hình truyền thống, triệt để sử dụng loại câu không chủ ngữ, đảo ngược chức năng cú pháp, đưa ngôn ngữ thơ vào đời thường, hạ phóng thơ từ tháp ngà đến với quảng đại công chúng.

 

Bố cục “Hình đám cỏ” cũng chia làm 9 phần, nhưng ở đây tác giả gọi là “nhịp”. Mỗi một “nhịp” như thế được phát triển trên cái nền cảm hứng bất tận về Thiên, Địa, Nhân. Những sự kiện, hiện tượng xuất hiện với tần suất cao trong mỗi nhịp thơ đều nằm trong một tổng thể là thế giới tự nhiên được quy chiếu vào đó qua lăng kính siêu thực. Nghĩa là, nội dung cổ điển nhưng được nhìn nhận dưới nhãn quan mới. Bước sơn dương, cỏ cây, núi cao, con cá dưới sông động dục, tổ chim, bức tường… tất cả cùng đồng hiện trong bức tranh siêu thực với những đường nét, mảng khối vô cùng hấp dẫn nhưng khó hiểu: Góc phố lặng yên nép vào hơi thở / Đất chuyển mùa / … / Thôi miên làn gió chợt qua / … / Tiếng chim âm u / Lập lòe sáng từng phần cơ thể / … / Con chim nào mới bị thương / Cả bìa rừng đập cánh. Từ những câu thơ trên, có thể thấy, cấu trúc câu văn cổ điển không còn nguyên vẹn, trật tự cú pháp bị đảo lộn, bởi vậy, nội hàm của câu thơ đương nhiên chuyển dịch. Hình ảnh thơ trong “Hình đám cỏ” là khá đa dạng. Mỗi hiện tượng, sự vật không chỉ biểu thị một khái niệm, mà tùy vào hoàn cảnh cụ thể, chúng biến đổi theo thời gian, không gian trong những mối quan hệ hết sức đa dạng. Mặt trời, mỏm đá, bông hoa ở nhịp I khác hẳn với mặt trời, mỏm đá, bông hoa ở nhịp III, nhịp IV. Cũng như vậy, lá khô rụng và cơn giông cuối chiều ở nhịp II khác với nhịp VII. Tính không đồng nhất về khái niệm là nét phổ quát trong tư duy thơ “Hình đám cỏ”. Mỗi một nhịp thơ, tác giả đều có cách làm mới những khái niệm cũ, hình ảnh cũ, không gian, thời gian và các mối tương tác cũ. Tuy nhiên, có lẽ vì quá say sưa với mạch cảm hứng, nhà thơ vô tình dẫn dắt người đọc vào một mê cung ngôn từ gần như không tìm được lối ra. “Hình đám cỏ” bỗng trở thành một “bát trận đồ” với những nhịp càng về cuối càng rối rắm. Câu thơ không “nén” lại mà mở bung ra, phát tán như hỏa mù tạo cảm giác trùng lặp, loãng và bí hiểm hơn cả những bức tranh siêu thực lập thể: Cơ thể anh miền ghềnh thác / Tâm xoáy reo vang / Ngâm trong nước mặt trời không còn nóng / Vỡ òa bọt sóng lân tinh / Nổi nênh trôi theo dòng nước / … / Nghiêng sang trái / Nhắm mắt xoay phải mấy vòng / Anh là vận động viên kiện tướng / Hạt giống số một / … / Bắt chước người mẫu, hoa hậu / Chữ Nhất dễ ngã / Còn chữ Bát?/ Đi ra chữ xấu lắm, em chê / Muốn tự nhiên không dễ…                             

 

Ở nhịp II, Nhịp III, nhịp V, những hình ảnh và sự kiện gần như đồng hiện, thậm chí đan xen vào nhau trong một không gian được mở rộng vùng ngoại biên. Thấp thoáng giữa những câu thơ giống như vài nét ký họa nguệch ngoạc, người đọc còn nhận ra cả đặc trưng của lý thuyết tiếp nhận. Không ít câu thơ lửng lơ như bị “treo” chẳng khác gì một dãy ký hiệu thông báo. Các hình ảnh lần lượt xuất hiện với dạng thức khác nhau nhưng thực chất lại có cùng một mục đích phản ánh hiện thực khách quan qua cái nhìn chủ quan của nhà thơ về vũ trụ, nhân sinh.

 

Một đặc điểm nữa của “Hình đám cỏ” là sự thâm nhập lẫn nhau giữa các khái niệm, hòa đồng các sự kiện tự nhiên thông qua nhận thức cảm tính của người viết, với tham vọng sáng tạo nên những hình tượng mới thông qua các biện pháp tu từ như ẩn dụ nhiều tầng, đảo ngữ, so sánh. Không gian, thời gian, trời mây, mưa nắng, lá khô, đôi mắt em và tình yêu của anh đều là những hiện tượng đời sống được ẩn dụ nhưng lại quy chiếu vào mặt phẳng ảo trong miền vô thức: Thời khắc đầu ngày / Vẽ chân trời rẻ quạt / Mỗi vệt sáng ghi nhớ một việc / Em ẩn sau chiếc quạt khổng lồ… Thực ra, thi pháp “Hình đám cỏ” không đơn giản chỉ là siêu thực, tân cổ điển hay hiện sinh, bởi “Hình đám cỏ” không ít chỗ còn tạo ra mảng, khối khá u ám. Hành trình “Hình đám cỏ” là hành trình khúc đoạn. Những khúc, đoạn điển hình thường được “kể” khá tỷ mỷ bằng ngôn ngữ thông tấn ít thấy ở thơ truyền thống. Đoạn nói về việc uống trà ở nhịp I là dẫn chứng khá thú vị: Mở không gian hương trà thơm / Từ cánh tay ngấn cổ / móng chân sơn đậm màu trà / … / Búp trà ngon anh thêm minh mẫn / Dù đã uống cả làn mây trắng / Vẫn móng chân màu trà ẩn hiện bay qua. Có thể xem, xuyên suốt 9 nhịp của bài thơ là những khúc đoạn “trần thuật” về đủ thứ trên đời. Không ít đoạn, hoặc câu thơ, ý trùng lặp nhau, nhưng cách diễn đạt thì thiên hình vạn trạng, chứng tỏ khả năng tưởng tượng, mức độ cảm xúc, trình độ vận dụng ngôn ngữ và vốn từ của Mai Văn Phấn vô cùng phong phú. Từ đó, hành trình của mỗi nhịp thơ đều là quá trình biến hóa không ngừng nghỉ: Giọt nước buồn bay lên đám mây / Nghe quả trứng ấm nóng lăn qua cơ thể / Đôi sẻ nâu vội vàng giao hoan trong chớp mắt / … / Màu rạng đông chìm vào đất / Tan trong sóng lớn / Hắt vòm lá xanh / Con vành khuyên xóa mọi dấu vết / … / Tay này, đúng tay trái / Mỏi mệt mở cổng từ sớm / Vung nhẹ lúc phân chim rơi vô tình / Còn tay kia / Giơ lên cách đây một giờ / Lúc mọi người biểu quyết / Có việc phải vào biên bản…

 

Cấu trúc từng nhịp thơ có cái gì đó đồng điệu với nhịp thời gian, nhịp vũ trụ và nhịp tâm hồn. Tuy nhiên loại hình “nhịp” thường xuyên xuất hiện nhất sau mỗi sự kiện lại chính là nhịp tình yêu luôn gắn với “em”. Gương mặt “em” ít khi hiển lộ mà luôn lẩn khuất như một ám ảnh 9 nhịp “Hình đám cỏ”. “Em” ở đây không phải là một hình hài cụ thể, một tình cảm cụ thể mà là một ý niệm trong tư duy siêu thực xuyên suốt hành trình thơ cho dù tác giả đôi khi miêu tả rất chi tiết về móng chân màu cà phê, làn tóc mây hay giọng nói thánh thót. “Em” lẫn vào hành trình “Hình đám cỏ”, vô hình, vô ảnh nhưng lại là điểm tựa cần thiết cho sáng tạo nghệ thuật. Tư tưởng “Hình đám cỏ” là thứ tư tưởng “không tư tưởng”. Nói cách khác, “Hình đám cỏ” phát triển trên nền cảm hứng vô thủy vô chung, lấy thiên nhiên và tình yêu làm đối tượng miêu tả. Khung cảnh thiên nhiên cùng vạn vật trong không gian thanh bình là động lực thúc đẩy nhịp thơ vận hành theo những vòng tuần hoàn vũ trụ: Thân dâng / Hương thơm ngọt / Con chào mào em / khoét rỗng môi anh / Và vỗ cánh / Ngậm anh đi gieo hạt / … / Chợt tổ chim / Những cọng rơm khô / Tiếng hót treo anh lên

 

“Bầu trời không mái che” thực chất là một liên hoàn đoản thi trình bày ý tưởng thẩm mỹ của Mai Văn Phấn về tình yêu và thế giới tự nhiên được thể nghiệm bằng chính thi pháp Mai Văn Phấn. Thi pháp này không xa lạ mà chỉ là sự tiếp nối một cách sáng tạo truyền thống thi ca của cha ông ta từ cả ngàn năm trước. Từ cách nhìn của tác giả, người đọc nhận thức thêm được một điều, thiên nhiên thật hào phóng, tình yêu thật diệu kỳ một khi con người hiểu được tiếng nói của nó bằng trái tim mình.

 

Đ.V.S

(Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, khác biệt và thành công - Kỷ yếu hội thảo thơ tại Hải Phòng, 15/ 5/ 2011, NXB Hội Nhà văn, 2011)

(Báo Văn Nghệ, 3/2012)

____________________

Ghi chú:

1 -  Cuộc trở về tâm không trong tập "Bầu trời không mái che" của nhà thơ Mai Văn Phấn

2 - Thơ Mai Văn Phấn trong dòng thơ cần giải thích giá trị

3 - Cuộc trở về tâm không trong tập "Bầu trời không mái che" của nhà thơ Mai Văn Phấn



 

 

 

 

CẢM THỨC HIỆN SINH TRONG TẬP THƠ “HOA GIẤU MẶT” CỦA MAI VĂN PHẤN

                                                                                     Nguyễn Thị Bích Phụng

 

Lời mở

Tác giả Mai Văn Phấn xuất hiện vào đầu giai đoạn Đổi mới, cùng thế hệ với một số nhà thơ như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Inrasara, Trần Quang Quý, Nguyễn Bình Phương,… tạo nên dòng thơ cách tân sau 1975. Mỗi tác giả đều có cách bứt phá riêng. Với Mai Văn Phấn, ông đã ra đi từ truyền thống, tiếp thu có chọn lọc khi “qua các sa mạc khuynh hướng” (Mai Văn Phấn) để cách tân, tìm về cội nguồn thơ Việt trong tâm thế và cách biểu hiện như nhiên, tự nhiên thuần Việt hiện đại như hiện nay. Theo lộ trình thơ Mai Văn Phấn, với 11 tập thơ đã xuất bản (2013), chúng tôi cho rằng, ngay từ hai tập thơ (Nghi lễ nhận tênNgười cùng thời), xuất bản năm 1999, đã đánh dấu quá trình đổi mới, giai đoạn khởi đầu “vong thân” của ông. Từ thời điểm đó, cảm thức hiện sinh (cả ý thức và vô thức) đã xuất hiện trong thơ MVP, và được biểu hiện rõ nét nhất trong tập thơ “hoa giấu mặt” (Nxb. Hội Nhà văn, 2013).

Thuyết hiện sinh được khởi nguồn từ Đức, sau du nhập vào Pháp và ảnh hưởng khắp châu Âu từ cuối thế kỷ 19, với các triết gia tiêu biểu: Friedrich Nietzsche (1844-1900), Soren Kierkeggard (1813-1855), Martin Heidegger (1889-1976), Karl Jasper (1883-1969), Maurice Merleau-Ponty (1908-1961)… Nó ảnh hưởng lớn, trực tiếp vào đời sống văn học, làm hình thành hai trường phái văn chương; phái hữu thần gồm hai nhà văn tiêu biểu: Gabriel Marcel và Jacques Maritain); phái vô thần: Jean-Paul Sartre, Albert Camus, Simone de Beauvoir… Dù theo vô thần hay hữu thần, chủ nghĩa hiện sinh luôn “nhấn mạnh rằng, đời sống nhân loại chỉ có thể hiểu được thông qua sự hiện sinh của cá nhân, tức là thông qua kinh nghiệm riêng biệt của anh ta về cuộc đời” (Gordon E. Bigelow). Nó “phá vỡ tính logic của sự kiện thời gian - con người hoàn toàn mù lẫn trong thời gian, hoàn toàn mất phương hướng, lạc loài, vô vọng cả không gian và thời gian, trật tự tuyến tính của tất cả các sự kiện không chỉ bị đảo lộn mà còn hoàn toàn bị phá vỡ”[06]; Và, qua các tác phẩm văn học cho thấy, mỗi nhà văn đều có cách biểu hiện riêng về chủ nghĩa hiện sinh và những thuyết giải về nó.

Về trường hợp Mai Văn Phấn, những dấu ấn về hiện sinh thể hiện đậm nét trong những tác phẩm của ông thời kỳ đổi mới cũng như giai đoạn gần đây. Nhìn bên ngoài, con người chỉ là một sinh linh như mọi sinh linh khác; nhưng nhìn từ bên trong, anh ta là cả một vũ trụ, là trung tâm của cái vô cùng; lý trí luôn bất lực khi đề cập đến chiều sâu của đời sống con người. Thơ Mai Văn Phấn thường mang nội hàm những xung đột/ xung khắc giữa cá thể với những điều kiện hiện tồn, cả ký ức và những linh giác, những tâm trạng âu lo trong mọi chuyển động của vạn hữu, mơ hồ, hư vô và bất định… để vươn tới khát vọng tự do, vươn tới lý tưởng thi ca mà ông theo đuổi. Những cảm thức hiện sinh này đã được Mai Văn Phấn thể hiện rõ nét trong tập thơ “hoa giấu mặt”. Qua đó cho thấy, tâm thức hiện sinh là một phạm trù giàu có tiềm lực để nhà thơ có thể ẩn dật cái tôi cá nhân, cái tôi tiểu vũ trụ để tung hoành sáng tạo mà không lực cản nào có thể cưỡng lại được. Cảm thức hiện sinh là những cảm giác mang tính trực cảm có ý thức và vô thức trước sự vật, hiện tượng, trước quy luật tạo hóa tự nhiên, trước muôn màu biến ảo của cõi ta bà, và, cả những bất cập, lệch chuẩn của giá trị đạo đức trong hiện thực đời sống.

Thơ 3 câu “hoa giấu mặt” của Mai Văn Phấn có hình thức gần với thơ haiku của Nhật, nhưng mang nội hàm, hồn cốt thuần phác thơ Việt và đã tạo những cảm thức hiện sinh đậm nét. Mỗi bài thơ 3 câu của ông là ánh chớp trong đêm tối, vừa đủ lóe sáng cho người đi nhận biết đoạn đường phía trước mà dấn bước; hoặc như vài ba đồ vật xếp lại gần nhau để gợi những liên tưởng về nhân sinh, nhân thế, về thiên nhiên, vũ trụ...

 

1.Cảm thức không gian thơ, thế giới sáng tạo của nhà thơ

Mai Văn Phấn từng cho rằng: “Điều quan trọng trước hết trong sáng tạo là thiết lập không gian, không phải cho một bài thơ cụ thể, mà dành cho cả giai đoạn sáng tạo nhà thơ vươn tới; nó giống như việc phải chuẩn bị mặt bằng rộng, không gian lớn, cảnh quan đẹp cho một quần thể kiến trúc quy mô, đồ sộ. Không gian ấy hàm chứa những vấn đề lớn tạo nên từ trường ảnh hưởng cho những bài thơ cụ thể sau này. Đó là những ám ảnh cốt lõi về thời đại, thời cuộc, những quan chiếu, hệ lụy trong xã hội, thái độ sống, thái độ chính trị của thi sỹ;  một cõi riêng của cảm giác hay linh giác mà người ngoài không thể dụng ý chạm tới, và cả những vấn đề muôn thuở của văn chương, như khuynh hướng, giọng điệu, thể loại, tính nhân bản .v.v.”[18 ]. Quan niệm đó cho thấy, con người là một thực thể quan trọng khi sáng tạo, ở đó xuất hiện và kéo theo nhiều hệ quả khác như quan niệm về bản thể, đạo đức, nhân sinh, thế sự…, về thế giới tự nhiên, môi trường sống của anh ta.v.v... Điều đó, đã tạo nên không gian thơ, làm nên một không gian riêng biệt độc lập và đầy cá tính sáng tạo của nhà thơ, một “mô hình thế giới độc lập có tính chủ quan và mang ý nghĩa tượng trưng của tác giả” [02,tr.116] hay gọi đó là thế giới sáng tạo của nhà thơ. MVP là người đã làm nên một mô hình thế giới không gian độc lập bằng những khoảng khắc bất chợt và sự khắc khoải của cảm thức hiện sinh có trong “hoa giấu mặt”.

Nếu như Nguyễn Quang Thiều chìm đắm vào thế giới không gian thâm u trầm tịch của tâm thức cội nguồn thì Mai Văn Phấn lại dẫn ta lẩn khuất vào thế giới hiện sinh cô độc, đa tạp trong “hoa giấu mặt”. Chúng ta dường như cảm thức được đâu đây một làn hương thoảng, một hơi thở nhẹ, một bước chân người đẹp với hài đỏ lướt qua, một gợn mây mềm biết “giữ hai ta lại”, một cuống rễ bé nhỏ biết “đẩy quả” lên trời, một chiếc gai thu mình bên gọt sương, một lưỡi câu buông vào ánh trăng, một con cá và tiếng gõ phàng... Tất cả những thi ảnh dân dã, tưởng như vụn vặt ấy đã gợi ra một không gian làng quê Việt thanh sạch, tĩnh tại; một không gian Thiền giản dị, tao nhã và huyền tịch.

Không gian của đêm trăng là không gian được nhắc nhiều trong thơ ông. Có 12 bài nhắc đến trăng với nhiều cung bậc, nhiều góc nhìn, nhiều cách cảm khác nhau: Trăng mỏng tang - Đêm trăng, 18 - Con mắt nghiêng, trăng huyễn hoặc - Bóng trăng, trăng rụng xuống - Bào mòn…  Đó là một dạng không gian tĩnh, tơ vương đến mơ hồ, khiến ta lặng đi, như phải nín thở mới có thể cảm nhận hết được. Một trạng thái cảm thức sự rỗng không, chỉ có nụ hôn tự tình xoắn riết, chỉ có hơi hướng của dục tình thánh thiện chiếm lĩnh, lan tỏa:

Anh là đám cỏ lan ra lối đi/Em đi hài đỏ/ Giẫm lên anh phải không? (Kiếp trước).

Hoặc:

Hôn em/ Hồi tù và song đôi/ Bay đi rất chậm (54 - Con mắt nghiêng)

Không gian và thời gian lúc này như dừng lại, đan xen, nhẹ hẫng để “bay đi rất chậm”. Khác với những nụ hôn tan loãng, bén lửa, dìu nhau, sinh ra… (của Mai Văn Phấn) trong những bài thơ khác, hình ảnh Hồi tù và song đôi như  được rúc lên trầm vang, như hai con đại bàng sóng đôi bay sát mặt đất. 11 chữ mở ra nhiều liên tưởng, nhiều miền không gian khác nữa, chồng chất lên nhau: không gian của hiện tại (Hôn em), không gian của quá khứ (không gian quen và yêu nhau), không gian tương lai (bay đi rất chậm). Đâu biết rằng, nụ hôn đê mê ấy sẽ đưa họ đi đến đâu, những miền không gian còn bỏ ngỏ ở phía trước.

Một dạng không gian tĩnh nữa được phát hiện ở mức có thể cảm thức được những dự cảm lo âu muộn phiền từ cuộc sống phồn tạp, ẩn mật trong “hoa giấu mặt”: (Nước ròng, Đời đầy hiểm họa, Lưỡi câu vô hình, 48, 53, 56 - Con mắt nghiêng).

            Với những dạng thức riêng lẻ và cá biệt đến thảng thốt, không gian trong “hoa giấu mặt” tĩnh lặng và trong suốt, làm người đọc có thể cảm thức được mọi điều. Nó dung chứa và hứng đựng, trì níu và chứng nhân cho mọi sự vật biến chuyển để hướng tới tự do, tới miền vị lai trong tâm thức.

 

2. Cảm thức thời gian đa chiều, phi tuyến tính

Thời gian nghệ thuật có thể kéo dài vô tận hay dừng lại trong một khoảng khắc để chúng ta chiêm nghiệm được sự hữu hạn, mong manh của đời người. Theo J.P. Sartre nhận xét “Phần đông các nhà văn hiện đại - Proust, Joyce, … mỗi người đều hủy hoại thời gian theo cách riêng. Có người cắt bỏ quá khứ và tương lai, rút gọn thời gian vào khoảng khắc trực giác, có người lại biến thời gian thành một ký ức hạn chế và máy móc” [05.tr.209]. Với Mai Văn Phấn, thời gian trong “hoa giấu mặt” chuyển động đa chiều, phi tuyến tính. Thời gian ở đây bị ông đảo nguợc, rút ngắn, hay kéo dãn, thậm chí đan lồng vào nhau làm nên sự hoán chuyển, hoán vị (đời người - Thanh minh,  mùa - Hai mùa, năm - Trồng cây nêu trước nhà). Có khi ông tính thời gian bằng một sát-na (đơn vị đo lường của nhà Phật), khoảng khắc của Hoàng hôn, khoảnh khắc của sự Ngăn cách. Những thi ảnh mỏng manh, dịu nhẹ được phát hiện trong mỗi khoảnh khắc đốn ngộ ấy đều là sự tương giao của ánh sáng, âm thanh, đường nét.

Nắng/ Lơ lửng chờ/ Bông cúc khép cánh trắng (Hoàng hôn)

Xuân /Ngấm đất /Đào xuống gặp toàn năm cũ (Trồng cây nêu trước nhà)

Chưa kịp cất lời kinh/ Con chim sâu/ Vội chuyền cành (Sát-na)

Thời gian đôi khi được mặc định bằng mùa. Mỗi mùa với những ngắt quãng vô ngôn bằng trường liên tưởng khá xa của sự việc này với sự việc kia: mùa xuân (tiếng chim ríu rít, khói hương, và lá non - Giờ tụng niệm), mùa hạ (gió, hương sen - Đỉnh núi cao), mùa thu (trái hồng vừa chín, tiếng chuông- Thu đầy), mùa đông (đắp chăn, đám lá run rẩy ngoài cửa sổ - Trời rét).

Tôi đứng giữa/Tiếng ve /Bông cúc (Hai mùa), nhắc đến thời gian “mùa” trong ba câu thơ, với 7 chữ tinh chắt, bài thơ cho chúng ta một cảm thức thời gian vừa hữu hạn vừa vô tận. Đó là thứ thời gian được phân định giữa lằn ranh của tiếng vebông cúc, một ranh giới/ đường biên của mùa mà con người có thể cảm nhận được bằng trực giác.

Nhiều lúc Mai Văn Phấn thể hiện sự lo âu đến nỗi cái khoảnh khắc ấy có thể hi hữu vận vào mình như sự mắc câu (Ai đang câu tôi - Lưỡi câu vô hình). Dớ dẩn và ngu muội có lẽ bắt đầu bằng sự có ý thức nào đó hay sự đốn ngộ và vong thân vô thức, để có thể cảm thức được khoảnh khắc thời gian không đếm được, không phân định được cả thì hiện tại, quá khứ và tương lai: đó là lúc thời gian sự sống và cái chết kề cận giao tiếp với nhau, giành giật nhau từng tích tắc:

Bà nội rất muốn gặp tôi/ Nhưng những người chết/ Ngăn lại (Thanh minh)

Thời gian và không gian nghệ thuật trong “hoa giấu mặt” là tiểu vũ trụ biệt lập mang trạng thái tĩnh tại của Thiền, mong manh đến từng sát-na làm nên những cảm thức hiện sinh. Những cảm thức tự do buông rơi, tự do đi/ về từ trực giác của nhà thơ để đi tìm cái đẹp hiện tồn.

 

3. Cảm thức cái đẹp hiển ngôn và vô ngôn

Cái đẹp hiển ngôn và vô ngôn thường xuất hiện trong “hoa giấu mặt” như những linh hồn, thoắt ẩn thoắt hiện, có lúc bạn đọc ngỡ như nắm bắt được, rồi bất chợt tan biến, như một viu vật cụ thể vừa rời khỏi tay rơi vào vùng mơ hồ của cảm thức/ nhận thức. Cái đẹp được biến ảo/ quang phổ từ một hình ảnh, thanh âm, chớp lóe, hay bóng dáng ảo mờ một nhân ảnh nào đó: trong “hoa giấu mặt” có 3 lần nhắc đến quả chuông, 30 lần tiếng chuông, 13 lần hình ảnh , trăng 12 lần, hoa 35 lần, hương nhắc đến 8 lần, song, cái đẹp hiện tồn trong mỗi khoảnh khắc đều khác nhau, sắc diện cũng rất phong phú, đa dạng. Khái niệm cái đẹp thường mang tính hoàn hảo, toàn mỹ, song với Mai Văn Phấn và thơ ba câu, cái đẹp dường như được tích tụ dồn nén và chưng cất từ những thời khắc linh thiêng nhất (Tạ ơn, tr.31), tổn thương nhất (Tìm hoa, tr.20, Phân vân, tr.44), và vô tình nhất (Vô tình, tr.30)... Cụ thể như vậy để nói rằng, sáng tạo nghệ thuật thi ca trong cái nhìn của Mai Văn Phấn vừa ý thức và vô thức, vừa hiển ngôn và vô ngôn, nhưng đều tạo hiệu ứng tích cực, khơi gợi quá trình đồng sáng tạo cho người đọc. Nó có thể được trình bày ở đâu đó, hay thoát thai từ phương cách vô ngôn và tinh thần Thiền tự; hay là những khoảng lặng trắng liên tưởng đa chiều mong manh dễ vỡ nhất, dễ sinh ra và cũng dễ đánh mất nhất mà con người thi nhân luôn muốn níu giữ:

Bông cúc ấy sắp tàn/Nhớ lấy màu hoa /Đan áo (Dặn em)

Hoa có lẽ là hình ảnh hiển ngôn được tác giả nhắc đến nhiều trong tập thơ (sen, cúc, mẫu đơn, huệ, hoa đại, hoa đào, hoa táo, hoa bưởi, cẩm quỳ, phượng vĩ, trạng nguyên, hoàng yến…). Chúng mang những đặc tính, trạng thái khác nhau (hoa nở, đơm hoa, trổ hoa, vầng hoa, nửa cánh hoa, nhụy hoa, nụ hoa, màu hoa, hoa chảy máu, hoa không còn hương)… để làm nên cái đẹp ảo huyền, thấm đẫm nhân văn. Lấy vật để nói người, ngụ ý và tả tình, hàm ngôn và ẩn ngôn, Mai Văn Phấn là người đi nhặt/ trao những triết lý từ trải nghiệm của mình, những cảm thức của mình cho cái đẹp đến vong thân.

 Trú dưới hoa đại trắng/ Mưa/ Sạch bụi trần (52 - Con mắt nghiêng)

Vẻ đẹp của hoa được nhà thơ biểu hiện tối giản, dồn nén trong ngôn ngữ, chính là nét đẹp của người con gái mà thơ ba câu vô ngôn muốn nói. Những loài hoa xuất hiện cùng bóng dáng “Em” như một quan niệm thẩm mỹ về người đẹp được tác giả thể hiện tương xứng trong thơ (hoa cẩm quỳ, hoàng yến, yến thảo, hoa trạng nguyên).

 

4. Cảm thức tự do có ý thức và vô thức sinh ra từ trực giác

Trực giác vốn giúp ta nhận chân được cảm thức. Trực giác mạnh sẽ nảy sinh cảm thức lớn và tạo ấn tượng. Luồng trực giác xuất hiện cùng cảm xúc mạnh trong “hoa giấu mặt” được truyền tới bạn đọc như cái rùng mình, lắc lư, cái chao nghiêng của một sinh thể  trong trạng thái bất ổn… Cảm thức ấy được sinh ra mang tinh thần tự do, biên độ của nó không giới hạn, thể tài không hạn định, trải nghiệm và triết luận không hạn hẹp, cảm thức về cá thể và vũ trụ, về chung và riêng từ những mặc nhiên của ý thức và vô thức.

Những hình ảnh chủ đạo trong “hoa giấu mặt”, như bình minh nham nhở, Mây đen trùm đầu, Nỗi cô đơn hình lục giác, Con nhặng đột nhiên cất tiếng, thanh kiếm gỉ, Giấc mơ con nhện, Tiếng ngân mồ hôi người, Bông hoa chảy máu… được sinh ra từ cảm thức tự do có ý thức và vô thức. Miền cảm thức mong manh dự báo những bất thường, những trạng huống âu lo, hoang mang dường như được sinh ra từ “hoa giấu mặt”:

Tiếng khàn đục như mắc nạn/ Cầm cây nến nhỏ/ Soi vào đêm (Chim kêu trên cao).

Đâu đó, tiếng khàn đục rơi vô tình rồi mắc cạn trong đêm tối. Bài thơ là nỗi lo lắng âu buồn từ trực giác một cách vô thức. Nó là căn bệnh “trầm kha” của con người hay là tất nhiên của quy luật sinh - diệt của đời sống, mà đời người đến một lúc nào đó phải lãnh chịu.

Khát vọng tự do đôi khi lại có ý thức để đặt câu hỏi cật vấn cuộc đời như tiếng kêu thảng thốt (Con diệc /Non/Mẹ đâu? - Đời đầy hiểm hoạ), đánh động vào không gian vốn yên tĩnh, trầm lắng và có phần vô cảm của con người. Sự tự do cật vấn không dành cho một cá thể mà dành cho cả một thế hệ sống, thời đại hiện tồn. Những mảnh vỡ tự do của cảm thức về giá trị nhân bản, nhân văn về cái đẹp, cuộc sống, lương tri và cả những gồ ghề chai sạn nhất của hiện thực. Nó như “tiếng hú” động vọng, những biến thiên, chìm nổi giữa dòng chảy xiết và hung dữ của đời sống đương đại mà Mai Văn Phấn đã ý thức và cả vô thức tri nhận được.

Trong “hoa giấu mặt”, bên cạnh thành tựu, những nỗ lực đổi mới, theo tôi, tác giả vẫn còn để lại những “tì vết”. Điều này có thể ví như những hạt cát sót lại chưa đến độ hóa thân chăng? Trong một số bài thơ, tôi có cảm giác tên bài và câu đầu tiên của bài khi đọc lên, ngỡ như một câu thơ được ngắt ra làm hai nhịp, như các bài Tôi (tr.20), Thế đấy, Thầy cúng (tr.38), Đi câu (tr.39), Nhiều người nhìn thấy (tr.40). Cũng không loại trừ đây là ý đồ của tác giả! Hay, trong một vài bài khác, như Bất lực (tr.21), Tự do (tr.48), nhà thơ đã quá nhanh nhạy chạy theo dụng ý triết lý mà làm giảm bớt quá trình liên tưởng, rút ngắn sự lắng đọng cần thiết làm bạn đọc không đủ thời gian cảm nhận, chiêm nghiệm. Có lẽ Mai Văn Phấn đã mải đuổi theo trực giác dự báo, những linh cảm về thế sự/ thời sự mà xa rời không gian thơ vốn được mở ra từ đầu bài thơ. Lộ trình sáng tạo “hậu” tập thơ “hoa giấu mặt” của Mai Văn Phấn, theo tôi, đang bày đặt ngổn ngang trước mắt nhà thơ với nhiều lối rẽ. Nhà thơ có còn xoải những bước thong dong với thơ ba câu, mặc tình với những triết lý sâu xa, phổ quát tình yêu cho tất cả các thể tài mà độc giả chờ đợi?

Lời kết:

            Tập thơ “hoa giấu mặt” đánh dấu một giai đoạn đổi mới trong lộ trình thơ Mai Văn Phấn, là cách ông tìm về nguồn cội tinh thần thơ Việt, nhưng được biểu hiện tối giản, hồn nhiên và tự nhiên. Thơ ngắn vốn ít xuất hiện trong thơ Mai Văn Phấn ở giai đoạn trước, ông vốn sở trường về thơ tự do và thơ-văn-xuôi. Phải chăng, đây là cách nhà thơ luyện “đoản đao” để mạnh mẽ và sắc bén hơn khi trở lại “trường đao”?

Những gương mặt nào được ẩn giấu trong “hoa giấu mặt”? Nhiều người đã đi tìm và phân định nó: là cuộc đối thoại vô ngôn (Lê Vũ), là đóa vô thường trong tim (Nguyễn Thanh Tâm), là hương sắc từ những nụ… (Lương Kim Phương), và cả  Đồng sáng tạo để giải mã văn bản thơ “hoa giấu mặt” (Hoàng Kim Ngọc)… Với chúng tôi, “hoa giấu mặt” là tiểu vũ trụ thứ hai được sinh ra từ cảm thức hiện sinh mà tác giả là người thiết kế và tạo lập.

Trong “hoa giấu mặt”, nhà thơ như hiện thân thành “con chim sơn ca ngồi trong bóng tối hát lên những tiếng êm dịu để làm vui cho sự cô độc của chính mình”? ( B. Shelly). Sự êm dịu và tĩnh lặng đến cô độc ấy đã làm nên những miền cảm thức mang màu sắc hiện sinh. Đâu đó, một yên lặng vô ngôn, một mờ tỏ bản chất hiện sinh với đủ cung bậc, tâm trạng, dạng thức, bóng vía và hồn cốt… Mai Văn Phấn trở về tĩnh tại với thơ ba câu, chợt nhòa chợt hiện trong “hoa giấu mặt”. Và, nhiều điều tác giả còn ẩn “giấu” trong tập thơ này, đúng như một nhà thơ Pháp đã nói: “Tôi viết một nửa, nửa còn lại tôi dành cho mọi người”. Văn bản thơ “hoa giấu mặt” là một tác phẩm mở (Eco), một cửa ải cho những ai muốn bước qua ngưỡng của chân trời chờ đợi

 

TP. Hồ Chí Minh, 30/8/2013

N.T.B.P

______________________________


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Nguyễn Việt Chiến (2012), Mai Văn Phấn với 3 tập thơ hậu hiện đại, http://.baomoi.com/mai-van-phan-voi-3-tap-tho-hau-hien-dai/152/6256430.epi
  2. Nguyễn Đăng Điệp (1998), Dẫn luận thi pháp học, Trần Đình Sử tuyển tập (Tập 2), Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
  3. Nguyễn Đăng Điệp (2003), Vọng từ con chữ, Nxb. Văn hoc, Hà Nội
  4. Trần Đình Sử (1993), Những thế giới nghệ thuật thơ, Nxb Giáo dục, Hà Nội
  5. Đỗ Ngọc Thạch (2011), Biện luận Sartre và văn học 1, http://newvietart.com/index
  6. Mai Văn Phấn (2012), Hoa giấu mặt, Nxb. Hội Nhà văn
  7. Huỳnh Như Phương (2011), Chủ nghĩa hiện sinh ở miền Nam Việt Nam 1945-1975 http://www.aai.uni-hamburgde/euroviet/Huynh%20Nhu%20Phuong.
  8. Nguyễn Thành Thi (2010), Ám ảnh hiện sinh trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Nghiên cứu văn học, số 5 (459)
  1. Mai Văn Phấn (1999), Nghi lễ nhận tên, Nxb. Hải Phòng
  2. Mai Văn Phấn (19999), Trường ca Người cùng thời, Nxb. Hải Phòng
  3. Mai Văn Phấn (2011), Thơ tuyển Mai Văn Phấn (thơ cùng tiểu luận và trả lời phỏng vấn, Nxb. Hội Nhà văn
  4. Mai Văn Phấn (2012), Firmament without roof cover (Bầu trời không mái che, thơ, Nxb. Page Addie Press của Anh quốc
  5. Mai Văn Phấn (2011), Không gian thơ, Tài liệu do tác giả cung cấp
  1. Nguyễn Thành Thi (2012), “ Không chỉ là gió và đêm…”(đọc tập thơ “ Đêm dịu dàng thế kia, và gió…” của Nguyễn Man Nhiên), Nxb. Trẻ TP HCM
  2. Nguyễn Thành Thi (2012), “ Không chỉ là gió và đêm…”(đọc tập thơ “ Đêm dịu dàng thế kia, và gió…” của Nguyễn Man Nhiên), Niên giám bình luận văn học, Hội nghiên cứu và Giáo dục văn học TP HCM, Đại học Sài Gòn.
  3. Lộc Phương Thủy (2007), Lý luận - phê bình văn học thế giới thế kỉ XX (tập1&2)

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị