“thả” vào thanh tịnh (phê bình) - Hoàng Thụy Anh

“thả” vào thanh tịnh

(Đọc tập thơ “thả” của Mai Văn Phấn, Nxb Hội Nhà văn, 2015)

 

 

 

Nhà phê bình văn học Hoàng Thụy Anh

 

 

 

 

Hoàng Thụy Anh

 

 

 

Với “thả”, dường như nhà thơ Mai Văn Phấn không muốn bỏ sót thời khắc, thời điểm trôi qua của sự vật hiện tượng nào. “thả” là buông bỏ/ rũ bỏ mọi hỉ, nộ, ái, ố của cõi phù du, hòa vào thiên nhiên với cỏ cây hoa lá, núi sông, nhật nguyệt, nắng gió,... hòa vào từng sát-na, khoảnh khắc nhẹ nhàng, lắng đọng, vi diệu của vạn vật, đón nhận mọi đổi thay của vũ trụ. Từng khoảnh khắc đốn ngộ tạo nên nét riêng, cái bất ngờ, ngạc nhiên, giàu liên tưởng, mang đến những khoảng lặng vô giá nuôi dưỡng tâm hồn con người.

 

Mỗi bài thơ trong “thả” là một bức họa, chỉ vài nét phác thảo mà ghi lại, chụp lại nhịp sống, khoảnh khắc luân chuyển nguyên sơ, tự nhiên, trong khiết, tươi ròng của thiên nhiên bốn mùa cũng như vẻ đẹp tâm hồn thánh thiện, nồng hậu của con người. Bức tranh xuân, hạ, thu, đông tuyệt đẹp, không điểm trang, tô vẽ của “thả” vừa cụ thể, vừa hư ảo, linh diệu. Tất cả phối hợp, bồi đắp, gắn kết tạo nên một bức tranh sống động, không ngừng chuyển vận, chảy trôi. Hội tụ những hình ảnh, âm thanh, màu sắc đẹp, ngát hương, “thả” toát ra cái tơ non, nguyên sinh, tinh khôi trong sự giao hòa tuyệt đối. Sương giăng mắc, phủ kín thân gỗ mục thôi mà thần thái trong ngần, tinh khôi của bức tranh xuân đã được nhà thơ gọi tên: Giăng/ Gỗ mục/ Đơm hoa (Sương mù - 16). Thì ra, trong sự đối lập sinh tử, đôi khi, cái chết, hết sức sống vẫn là bản lề cho cái đẹp nảy nở, thăng hoa.

 

Chu kỳ sinh, trụ, hủy, diệt là định luật muôn đời, tuần hoàn, không ngưng nghỉ của tạo hóa, cho nên, nhà thơ phát giác cái đẹp vô cùng diễn ra ngay trong từng giây, từng phút của thiên nhiên chứ không phải luận bàn về cái đẹp vĩnh cữu, bất diệt.

 

Thả bầu vú

Đọt mầm

Nhú

(Nắng xuân - 12)

 

Nắng mùa xuân như một bầu sữa tươi rót sức sống xuống cho muôn loài. Những đọt mầm mơn mởn chìa các ngón tay vén bức màn khô cứng sần sùi bước ra ngoài đón nhận sự sống mới. Cả đất trời nhú lên, bừng bừng nhựa sống.

 

Đêm thu, những con nhái bén thường rủ nhau ngồi chễm chệ trên lá sen kêu ộp oạp gọi trăng. Con nhái bén trong thơ Mai Văn Phấn không tạo âm thanh khuấy động như con ếch nổi tiếng trong thơ Matsuo Basho mà ung dung liếm trăng:

 

Con nhái bén

Thè lưỡi

Liếm trăng

(Ngồi giữa lá sen - 120)

 

Hình ảnh trừu tượng (trăng), hình ảnh thực (con nhái bén) và địa điểm cụ thể (ngồi giữa lá sen) hòa vào nhau, gần gũi xóa nhòa ranh giới giữa cái tao nhã với cái bình thường. Khoảng cách không gian huyền ảo, vời vợi trên cao (trăng) và không gian dưới thấp (ao) cũng được rút ngắn bởi hành động “thè lưỡi” “liếm trăng” rất đẹp, nên thơ, giàu liên tưởng.

 

Âm thanh trong “thả” vừa rất thực vừa rất mơ hồ:

 

Râm ran

Như kêu cả

Năm sau

(Những con ve - 82)

 

Âm thanh râm ran không ngớt, ồn ả liên hồi của tiếng ve như đẩy không gian ngày hè vời vợi càng vời vợi hơn, vút đến chân trời xa xăm. Từ tiếng ve của hiện tại mà nghe râm ran, xuyên qua đến mùa sau thì trạng thái tâm hồn chủ thể trữ tình phải đạt đến sự tĩnh lặng tuyệt đích mới có thể vượt lên trên cái động để tĩnh, để thâm sâu vào cái vô cùng của vạn vật. Tiếng ve sôi động nối kết cả vũ trụ, xóa mọi khoảng cách về không gian và thời gian. Đâu chỉ nghe được âm thanh tiếng ve “năm sau” mà nhà thơ còn nghe được âm thanh khác lạ của hạt sương:

 

Lơ lửng

Tiếng chuông

Rơi

(Hạt sương)

 

Ở đây, hạt sương như tiếng chuông rơi là hiện thực, do liên tưởng mang đến chứ không phải là cảm giác. Sự liên tưởng ấy thể hiện vẻ đẹp lung linh, không nhuốm màu tục lụy của thiên nhiên. Mai Văn Phấn còn thấy được, cảm được âm thanh của những đối tượng vô hình:

 

Nắng sớm

Xuyên qua cửa

Rọi từng hạt bụi

(Nghe tiếng đóng đinh - 261)

 

Thoạt tiên, nếu đọc nhanh, giữa nhan đề và bài thơ không ăn khớp. Tiếng đóng đinh đâu liên quan gì đến nắng ban mai. Quả là một sự liên tưởng thú vị. Tia nắng trở thành chủ thể tác động, nó xuyên qua, soi rọi từng hạt bụi trong không gian khiến nhà thơ như nghe được tiếng đóng đinh đâu đây. Hoặc, có lúc thanh âm không phải là mấu chốt, chỉ làm nền cho màu mới, ngày mới: Mưa/ Rửa sạch đống củi/ Nắng lên (Nghi lễ). Cơn mưa trút xuống rửa sạch bụi bặm của cõi thế, vạn vật được thanh tẩy, trả lại những tia nắng ấm áp tinh khôi như chuẩn bị nghi lễ cho một khởi đầu mới, cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

 

Giọt sương, tia nắng, cơn mưa, con nhái bén, con nhện, con giun,... tất thảy là cái đẹp sơ khai, nguyên thủy mà cuộc đời mang đến. Nó không bị vẩn đục, bị tác động bởi ngoại cảnh, gieo vào lòng người cảm giác bình yên, an lành. Vì thế, dường như không có khoảng cách nào giữa nhà thơ với thiên nhiên, vạn vật trong cuộc sống. Mưa - quà tặng tinh khiết, trong lành của thiên nhiên cũng được chia đều, không phân biệt:

 

Chia đều từng hạt

Con ngựa

Và tôi

(Mưa - 28)

 

Đâu chỉ ở thực tại mà ngay cả giấc mơ, con người và hạt mầm đều cùng chung chí hướng, vươn lên, thoát ra khỏi cái vỏ bọc của chính mình: Hạt mầm/ Tôi/ Chung giấc mơ tách vỏ (Nhờ trận mưa - 29). Mối tương giao, gắn bó giữa con người và thiên nhiên cũng thể hiện trong từng thời khắc. Nhà thơ nhận ra bước đi của thời gian, sự dịch chuyển của mùa qua hành động rũ chiếc gối:

 

Ẩm

Rũ chiếc gối

Mùa qua

(Cuối xuân - 38)

 

Hay khoảnh khắc chạm vào làn khói xuân mỏng:

 

Tôi đuổi không kịp

Chỉ chạm

Làn khói mỏng

(Xuân đi - 39)

 

Đó là cái duyên hạnh ngộ. Từ hành động rũ gối đến hành động chạm vào làn khói xuân cũng đủ nói lên cái tình gắn bó giữa nhà thơ và xuân. Nhưng từ hành động chạm khói xuân đến hành động chạm tiếng chim là cả một sự nhập cuộc cao độ:

 

Ngã lưng

Chạm tiếng chim

Vội co chân lại

(Mắc võng trong vườn - 89)

 

Hoặc tư thế lui vào một góc nhường chỗ cho hương hoa lan hỏa:

 

Nửa đêm

Lan vào phòng

Tôi lui góc giường

(Hương mộc lan - 283)

 

Nghiêng mình trước cái đẹp, cúi mình để được giao hòa, cả hai tư thế đều thể hiện lòng ngưỡng mộ, trân quý, nâng niu, khao khát giữ lại khoảnh khắc diệu huyền vạn vật của thi sĩ. Cái dáng vẻ ngần ngại, ngập ngừng của nhà thơ cũng bộc lộ điều đó: Ngập ngừng chưa hái/ Như có người đẩy/ Sau lưng (Quả chín - 124); Trắng ngần/ Rửa tay sạch/ Vẫn ngần ngại (Gọt củ đậu - 124). Lực đẩy ấy đâu đơn giản là chịu sự tác động của bên ngoài mà đó có thể là lực đẩy tự bên trong của một tâm hồn không cưỡng lại được trước vẻ đẹp tinh khôi của thiên nhiên.

 

“thả” của Mai Văn Phấn đơn sơ, bình dị, đắm say cùng thiên nhiên, con người và cuộc sống. Người đọc đón nhận “thả” cũng phải đứng ở tâm thế đó, phải để lòng thanh tịnh, bình yên, không vướng bận, thả hồn mình lắng sâu vào thiên nhiên và cuộc sống. Lắng nghe được âm thanh của hạt sương rơi như tiếng chuông chùa trong trẻo ngân nga, tiếng lá cây xào xạc suốt đêm thu, vẻ đẹp khi thời khắc giao mùa, hay việc đọc sách, uống trà, dỗ cháu ngủ, đi tảo mộ,... thôi cũng làm chúng ta ngộ ra bao điều khó có thể cảm nhận được trong cuộc sống xô bồ, nhốn nháo. Và phải có một tâm thế thư thái, tĩnh lặng, tự tại, đúng với tinh thần của Thiền mới lắng nghe, nắm bắt, tan hòa vào khoảnh khắc tuyệt mỹ, diệu kì ấy. Tâm thế trôi thong thả, hòa nhịp, để được lắng nghe, được tan chảy và trải lòng với thế giới thiên nhiên là một sự giao hòa trọn vẹn nhất: Tràn/ Tôi/ Trôi (Nghe tiếng nước - 450). Và phải cùng một xuất phát điểm, bình đẳng, không phân biệt vị thế mới cảm hết cái đẹp mỏng manh, dịu dàng kia của đất trời, thiên nhiên: Cúi xuống/ Con ốc sên và tôi/ Chạm vạch xuất phát (Mải nhìn mưa phùn - 14).

 

Cái đẹp trong trẻo của thế giới tự nhiên và cái đẹp ở cách nâng niu, trân trọng thiên nhiên, vạn vật của chủ thể thẩm mỹ vẽ nên bức tranh đẹp, thực mộng đan xen đầy ấn tượng, ám ảnh.

 

Cái đẹp hiện hữu trong từng khoảnh khắc buồn, vui, hội ngộ, chia ly, sinh tử... hàm chứa những vẻ đẹp riêng, hướng chúng ta về cõi trong, thanh tịnh để tự hoàn thiện mình. Ẩn sau đó là cả một thế giới chiêm nghiệm, triết lý sâu sắc về cõi vô thường. Bên cạnh một tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết, chúng ta còn bắt gặp tấm lòng thơm thảo, thánh thiện của nhà thơ với người với đời trong những bài thơ như Giỗ ông nội (276), Con ếch trên mộ cha (278), Ngày thanh minh (296), Tảo mộ (296), Thanh minh ngày nắng (297), Hái hoa vườn nhà (298),... Nhà thơ thấy vẻ đẹp nhân cách tỏa sáng của người dân làng chài hiền hậu, chân chất, mặc cuộc đời ngoài kia còn nhiều sóng gió, bất an luôn rình rập (Chợ làng biển - 497; Mồ hôi dân chài - 503); thấy được vẻ hồn nhiên, đáng yêu trong đôi mắt con trẻ (Trẻ con chơi đồ hàng - 273); nỗi buồn nhân tình thế thái giăng mắc khi thấy tình người, sợi dây kết nối, đã bị chia cắt bởi cái xô bồ, loạn nhịp của cuộc sống (Bên bàn trà - 272; Bữa tiệc lịch sử - 389; Hàng xóm tốt bụng - 391; Xử lý nghiêm - 405; Nghe chuyện xích mích hàng xóm - 177; Chuông giờ nguyện - 331; Đám cưới ở quê - 180)... Với mảng màu này, bức tranh của “thả”  phong phú, đa dạng hơn, gần gũi hơn, có chiều sâu hơn.

 

Sự hồn nhiên, tinh nghịch của những đứa trẻ bao giờ cũng lay động, đánh thức lòng người về thuở ấu thơ: Thằng bé nghịch đất/ Mặt mũi nhọ nhem/ Đừng lau nhé (Yêu quá - 271). Chỉ một giây lát thôi, nhưng đây quả là bức tranh đẹp, tươi rói, mang màu của đất đai, con người, quê hương.

 

Trong bài thơ Nhìn người đàn bà mang thai đi qua (242), sự liên tưởng tương đồng giữa hình ảnh cây chuối đang mang một buồng quả và người đàn bà mang thai gợi nhiều suy nghĩ:

 

Vội tìm chiếc cọc

Đỡ buồng chuối chín cây

Trĩu nặng

 

Câu thơ cuối có sức dung chứa lớn đúng như tinh thần của nó: Trĩu nặng. Nghĩa là, cần điểm tựa, chở che. Nhưng hơn cả, nó thể hiện sự hi sinh, lòng dâng hiến, trao trọn tình yêu thương cho những đứa con của phận giống cái. Và, Trĩu nặng còn là cái tình sâu kín, đẹp đẽ, đầy tính nhân văn mà nhà thơ gửi gắm.

 

Ngôn ngữ, cảm xúc thơ gói gọn trong ba câu thơ ngắn, cô động, hàm súc, bởi vậy, giữa các con chữ bao giờ cũng hàm chứa những khoảng lặng, khoảng trống đòi hỏi sự tinh nhạy, sự đốn ngộ cao ở người đọc. Đằng sau thanh âm vui/buồn, sinh/tử, chân thật/giả dối, cao cả/nhỏ nhen,... của cõi phù sinh gợi biết bao ngẫm suy, day dứt về tình người. “thả” vẽ nên một cách thế sống giản dị, hài hòa với cỏ cây hoa lá, vạn vật bên cạnh cõi thế chính là cách để hướng lòng về miền nhân ái, thánh thiện, nhân thêm niềm tin yêu cuộc sống.

 

Đọc “thả”, người đọc được tận hưởng những khoảnh khắc, phút giây đổi thay tuyệt diệu của trời đất, của thiên nhiên. Tính chất tương giao, hòa hợp, quấn quýt lan tỏa cả không gian mênh mông. Mỗi sự vật hiện tượng đều hướng bản thể của mình vươn đến cái vũ trụ chung của sự sống để đạt đến sự hòa hợp tuyệt diệu nhất. “thả” tái hiện được hình ảnh chủ thể trữ tình thảnh thơi, an nhàn với thú vui độc ẩm, ngắm hoa, thả/mở rộng hồn mình giao hòa với vạn vật trong vũ trụ nhưng vẫn đầy trở trăn khôn nguôi với cõi nhân sinh. “thả” của Mai Văn Phấn là một bức tranh nhiều mảng màu khá ấn tượng, hấp dẫn người đọc. Sâu thẳm hơn cả, vẫn là tình người tình đời dạt dào của thi sĩ.

 

Mùa cải vàng tháng ba 2016

H.T.A

 

 

 

 

 

 



 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị