Người mang thương hiệu thơ Việt ra thế giới (chân dung) - Nhật Lam

Người mang thương hiệu thơ Việt ra thế giới



Nhà báo Nhật lam

 


Nhật Lam

 


Tôi gặp nhà thơ Mai Văn Phấn một buổi sớm xuân khi anh vẫn đang bận rộn với công việc ở công sở. Không hề giống với những cảm nhận ban đầu của tôi về các nhà thơ, có vẻ như là lãng mạn đến… “lãng đãng”, mà tôi lại nhận thấy ở anh một sư kiên định trong nghiệp viết với những “quy hoạch” khá rõ ràng được anh dành cho “con đường thơ ca” của mình.

 

Có lẽ, đây là một trong những “bí quyết” để Mai Văn Phấn trở thành một “hiện tượng” của thi đàn Việt Nam đương đại với 21 đầu tuyển tập thơ dày dạn. Thơ của anh được dịch ra 11 thứ tiếng và trở thành tác giả Việt Nam đầu tiên có tác phẩm lọt vào top ten bán chạy nhất trên mạng lưới bán hàng quốc tế Amazon. Cuộc trò chuyện với nhà thơ đã để lại trong lòng tôi nhiều xúc cảm và thêm tin tưởng vào sự lớn mạnh của nền thi ca nước nhà thời kỳ mới…

 

Tự chọn con đường thơ cho riêng mình

 

Giới thiệu về bản thân mình, anh chỉ nói đơn giản với tôi một câu, “bạn có thể vào website của tôi, maivanphan.com hoặc maivanphan.vn có tương đối đủ thông tin”. Quả nhiên, chỉ sau một cú kích chuột, toàn bộ thông tin liên quan đến “thế giới thơ” của Mai Văn Phấn được hiển thị: các tác phẩm của anh; các nghiên cứu; phê bình của nhiều tác giả, học giả viết, một số luận văn thạc sỹ, khóa luận nghiên cứu về thơ anh, các bài báo viết về chân dung cũng như các cuộc phỏng vấn, thậm chí cả các cuộc tranh luận văn chương về “hiện tượng thơ” Mai Văn Phấn…

 

Sau khi đề tặng tôi ba tuyển tập thơ mới xuất bản gần đây của mình, anh tâm sự: “Khi đọc các tác phẩm gần đây của tôi, có thể bạn sẽ cảm thấy… khó đọc”. Theo Mai Văn Phấn, anh chia “hành trình thơ” của mình thành nhiều giai đoạn, đánh dấu bước đi từ truyền thống đến cách tân, hiện đại... Anh kể, ngay từ bé, anh đam mê đọc sách, đặc biệt là sách văn học. Trong thế giới tinh thần của mình, anh bắt gặp những nhân vật, số phận và bắt đầu cảm thấy sự hấp dẫn, quyến rũ của vẻ đẹp văn chương và mong muốn được sáng tác. Tuy nhiên, ham muốn là một chuyện, song để trở thành nhà thơ thì phải đến năm 37 tuổi, anh mới thực sự xác định, thơ là “cái nghiệp” của mình.

 

Theo anh, “lúc này mình dường như đã đủ độ chín về kiến thức văn hóa, xã hội, có một khao khát mãnh liệt để thể hiện những xúc cảm mãnh liệt trong lòng mình trở thành những vần thơ…”. Giai đoạn đầu sáng tác, không ít bài thơ của Mai Văn Phấn đạt đến vẻ đẹp chuẩn mực, như bài thơ “Thuốc đắng”, “Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc”, “Em gái đi lấy chồng”… Nhưng ở thời đoạn này, Mai Văn Phấn đã nhận thức, nếu cứ theo phong cách định hình, anh sẽ không thể đi xa được.

 

Một trong những trăn trở của Mai Văn Phấn là phải tìm ra hướng đi cho mình trong “nghiệp thơ”. Anh bắt đầu công cuộc cách tân thực sự thông qua việc tích lũy kiến thức, kinh nghiệm. Mai Văn Phấn tâm sự, anh đã nghiên cứu các trường phái thơ phương Tây, học hỏi ở họ cách thể hiện mới, những trào lưu, khuynh hướng thi ca hiện đại. Nếu đọc những bài thơ trong thời đoạn thơ của Mai Văn Phấn từ năm 1995 đến 2000, chúng ta có thể nhận thấy một sự cách tân thi pháp mạnh mẽ.

 

Vượt ra khỏi các rào cản của việc xây dựng hình ảnh, nhịp điệu, vần điệu câu thơ, cả sự mượt mà, ngơ ngẩn của thơ lục bát…, những câu chữ trong thơ Mai Văn Phấn ở giai đoạn này chồng lấn, bề bộn, dường như phá vỡ ranh giới giữa thơ và văn xuôi. Có bài không còn sự tồn tại của dấu câu, ngôn từ dường như phi logic, có cảm giác như những tiếng nói vang lên từ tâm linh, tạo sự huyền ảo, đa chiều trong thơ anh.

 

Cập nhật những khuynh hướng sáng tạo mới mẻ của thế giới, những sáng tác của Mai Văn Phấn từ năm 2000 đến nay có một cách tiếp cận sự vật mới mẻ. Một số tuyển tập: “Hôm sau” - (thơ, 2009); “Và đột nhiên gió thổi” - (thơ, 2009); “Bầu trời không mái che” - (thơ, 2010)… ngôn ngữ thơ mang tính tượng trưng, siêu thực. Thay cho cách nhìn “nhất phiến” là một cách nhìn “đa cực” đầy hoang mang và bất an, “sản phẩm” của một thời đại cũng đầy bất an và biến động. Đặc biệt, tập thơ “Bầu trời không mái che” của anh đã được trao tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 là một sự kết tinh cho sự chuyển mình, một sự thay đổi rõ nét trong cả cách tiếp cận và thể hiện trong thơ Mai Văn Phấn.

 

Sự trở về với đời sống tâm linh phương Đông, với hồn cốt Việt

 

Cách tân, liên tục đổi mới là cách đi của thơ Mai Văn Phấn. Mặc dù sử dụng hình thức thể hiện mới song trong những vần thơ anh luôn luôn thấm đẫm văn hóa của vùng đất, con người cửa biển, nơi anh được sinh ra và trưởng thành. Triết lý Phương Đông thấm đẫm trong nhân sinh quan, thế giới quan của thơ Mai Văn Phấn. Đọc một sáng tác mới ngày 26-1-2015 của Mai Văn Phấn - “Cơm văn phòng có đoạn: “Suy luận quanh quẩn/ Bông hoa tô điểm cho gai/ Hay gai đang tôn vinh bông hoa”, tôi bất chợt liên tưởng đến “Trang Sinh nằm mơ thấy bướm hay bướm nằm mơ thấy Trang Sinh” - một điển cố về hoài nghi thực tại trong tư tưởng Đạo gia; đồng thời cũng thấy ở đây một cách nhìn hai chiều trong quan điểm triết học biện chứng hiện đại.

 

Tín ngưỡng “phồn thực” của người Việt cũng như “Triết lý Âm - Dương” của phương Đông được Mai Văn Phấn vận dụng nhuần nhuyễn trong thơ, tạo nên không gian thơ tuyệt đẹp, biến ảo và lãng mạn, một thế giới tình yêu tràn đầy đam mê, nhục cảm...

 

Có thể thấy rõ nét qua tập thơ thứ 11 - tập thơ mới nhất của anh “Vừa sinh ra ở đó” gồm 18 bài, trong đó có những bài khá dài, gồm nhiều phần hợp thành như: “Tỉnh dậy trong mưa”; “Tĩnh lặng”… Tập thơ xuất hiện khá dày các biểu tượng về mùa màng, kết hạt, sinh sôi... Hình ảnh đất đai, sông suối, núi non... trong thơ anh được xem như biểu trưng cho cơ thể nữ giới, thể hiện sự phồn thực mỡ màu, luôn sẵn sàng cho cuộc hoài thai, sinh nở: “Đất ải tơi/ Vạt cỏ đầm sương; Cỏ cây láng ướt bầu trời/ Mưa quần tụ mái nhà gõ nhịp/ Mặt đất mềm hơi thở lan nhanh”…

 

Cùng với đó là hình ảnh của nước: “Từng mưa to, mưa rất to/ Tắm táp cho viên cuội nhỏ; Mưa xuân se lạnh…/ Hơi lạnh và gió nhẹ phủ đều; Mở cửa trong ngày mù trời/ Mưa bụi ùa vào ẩm ướt; Mùa diệp lục/ Sinh từ hạt nước”; của Hạt giống, Mầm, Nụ - những biểu tượng khởi đầu của sự sống: “Từ hốc đen tra hạt/ Đọt mầm bật dậy; Ngày lên thăm thẳm/ Lá mầm che mặt đất sum suê…”.

Bằng những nỗ lực cách tân cũng như sự không hề xa rời đối với bản sắc văn hóa Việt trong hành trình thơ của mình, Mai Văn Phấn đã được ghi nhận cho đến thời điểm này với nhiều giải thưởng văn học danh giá của thành phố và cả nước: Giải thưởng cuộc thi thơ tuần báo Người Hà Nội (1994); Giải thưởng cuộc thi thơ tuần báo Văn Nghệ (1995); Giải thưởng Văn học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng) các năm 1991, 1993, 1994, 1995; đặc biệt là Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 cho tập thơ “Bầu trời không mái che”.

 

“Tôi tin tưởng vào một mùa bội thu của thi ca Việt Nam”

 

Trong cuộc trò chuyện, Mai Văn Phấn cho tôi vào các đường link mà các NXB nước ngoài cho phép anh dẫn qua website của mình, đó là các tác phẩm đã được dịch ra 11 thứ tiếng. Anh cho biết, hiện anh đã có 7 tập thơ được xuất bản ở nước ngoài (4 tập thơ tiếng Anh, 1 tiếng Pháp, 1 tiếng Anbani và 1 tập thơ tiếng Thái lan).

 

Để đưa được thơ mình đến với thế giới, theo Mai Văn Phấn, có lẽ bởi chữ “Duyên”. Cách đây hơn 10 năm, bắt đầu từ lời mời gửi bài của hai nhà thơ Katia Kapovich và Philip Nokolayev (Hoa Kỳ gốc Nga) - Tổng biên tập tạp chí Fulcrum (Hoa Kỳ) dành cho anh. Được cố dịch giả, nhạc sỹ Xuân Oanh dịch hộ 10 bài thơ gửi sang, tạp chí Fulcrum đăng và anh đã được một số tờ báo, tạp chí nước ngoài mời cộng tác.

 

Đầu năm 2010, Mai Văn Phấn gặp dịch giả - nhà thơ Trần Nghi Hoàng, người đã sống ở Hoa Kỳ hơn 30 năm. Dịch giả Trần Nghi Hoàng đã dịch bài thơ "Cửa Mẫu", sau đó chuyển cho người bạn thân của ông là nhà thơ Frederick Turner ở Hoa Kỳ hiệu đính. Sau khi tập thơ song ngữ Việt - Anh "Bầu trời không mái che - Firmament without roof cover" được NXB Hội Nhà văn tái bản hồi tháng 7-2012, Mai Văn Phấn được NXB Page Addie Press của Anh ký hợp đồng xuất bản phần Anh ngữ tập thơ "Firmament without roof cover".

 

Theo hợp đồng, tập thơ được Page Addie Press xuất bản ở 2 dạng, bản in giấy và bản điện tử (e-book) trên trang mạng Amazon. Mọi chi phí cho việc xuất bản, từ khâu trình bày, vẽ bìa, in ấn đến quảng bá, phát hành đều do phía bạn đảm nhiệm. Tác giả được hưởng 10% số tiền sách bán được tính theo giá bìa. Bản in giấy được phát hành tại các nước Hoa Kỳ, Canada, Australia, Anh và một số nước châu Âu. Cuối tháng 12-2012, "Firmament Without Roof Cover" là 1 trong 100 tập thơ bán chạy nhất của Amazon. Vào tháng 6-2004, ba tác phẩm của anh gồm: 2 tập thơ song ngữ Việt - Anh (Ra vườn chùa xem cắt cỏ/ Grass Cutting in a Temple Garden; Những hạt giống của Ngày và đêm/ Seeds of Night and Day) và 1 tập thơ song ngữ Việt - Pháp (Bầu trời không mái che/ A Ciel Ouvert) đã lọt vào top 10 trong 100 tập thơ châu Á bán chạy nhất của Amazon (ảnh dưới)…

 

Nói về mong mỏi của anh đối với nền thi ca nước nhà, Mai Văn Phấn cho rằng, thơ ca Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập, đòi hỏi sự đổi mới không ngừng, thoát ra khỏi địa giới hành chính, có thể ví như con tầu đi ra với đại dương để đón những vận hội mới. “Tôi mong muốn tạo một trường phái thơ Việt hiện đại. Tôi cũng tin tưởng rằng, với một sự chuyển mình mạnh mẽ như hiện nay, trong tương lai gần, chúng ta cũng sẽ có một mùa bội thu cho nền thi ca nước nhà”…

 

Chúc cho niềm tin của anh trở thành sự thật, đó cũng là khuynh hướng tất yếu cần phải hướng đến của thi ca hiện nay.

 

N. L

 

(Nguồn: http://www.anhp.vn/van-hoa)

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị