Nghĩ từ "Những ngón tay dị dạng"... (trao đổi) - Phạm Quang Trung

Nghĩ từ "Những ngón tay dị dạng"...


 
Điêu khắc của Tom Eckert 



 Phạm Quang Trung

 

 

 

LTS. báo Người Hà Nội: Báo Người Hà Nội số 34 (ra ngày 25/8/2001) có đăng bài “Những ngón tay dị dạng" của Đặng Huy Giang viết về tập thơ “Viết” của nhiều tác giả. Sau khi bài báo được in ra, nhiều bạn đọc đã yêu cầu thông tin về tập thơ này; nhiều nhà thơ, nhà phê bình cũng yêu cầu trao đổi thêm về tập thơ. Nhận thấy đây là một vấn đề có ý nghĩa đối với tình hình sáng tác thơ hiện nay, Người Hà Nội sẽ tổ chức thảo luận trên báo về tập thơ “Viết”. Tòa soạn mong nhận được sự hưởng ứng của các nhà lý luận phê bình văn học, các nhà thơ và bạn đọc. Trong số này Người Hà Nội đăng nguyên văn bài viết của tác giả Phạm Quang Trung với ý kiến trái ngược tác giả Đặng Huy Giang. Xin lưu ý các tác giả giữ phong cách thanh lịch của người Hà Nội trong khi trao đổi, tranh luận.

 

Tôi có trong tay tập thơ “Viết” – đối tượng phê phán nặng nề, không, đúng hơn phải nói là cay nghiệt, độc địa của Đặng Huy Giang – từ khá sớm, gần như nó vừa được phép phát hành. Bạn văn ngoài Bắc gửi cho tôi ngay, chắc là biết tôi thường quan tâm đến thi ca đương đại vốn đang trăn trở tìm tòi để tự  đổi mới. Tôi đọc gần như một mạch, mặc dầu phải thú nhận là rất khó đọc – khó đọc không phải với nghĩa “ một thứ ngoại ngữ tiếng Việt vừa thiếu dấu vừa ngô ngọng” như cảm giác của Đặng Huy  Giang, mà đơn giản vì vừa đọc lại phải vừa động não, đúng như một thứ lao động cực nhọc mà hứng thú. Chính thứ lao động tích cực này chứ không phải thứ lao động nhẹ nhàng nào khác là động lực tạo nên sự tiến bộ của nhân loại trong sự hoàn thiện không ngừng về tri thức và về nhân cách.

 

Đứng tên trong tập thơ cùng chung ý hướng sáng tạo, có không ít những cây bút đã thành danh như Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn… Lại có những bậc đại gia như T.S. Eliot (1888 –1965), từng đoạt giải Nobel về văn chương (1948); hay như Ted Hughes ( 1939 – 1998 ) mà thơ ông được nhiều người xem như là tấm gương soi xã hội và văn hóa Anh của thế kỷ XX vừa đi qua. Đánh giá một tập sách như thế quả không dễ dàng, cho nên tôi nhận  ra ngay sự chông chênh trong “cảm tưởng chính” của Đặng Huy Giang khi đọc xong tập thơ “Viết”: nào là “ một trò chơi hình thức đang được phơi bày ra”; nào là “ không cần ai hiểu, cũng không cần hiểu ai”; nào là “ Các người nghĩ gì? Mặc. Khó nghe và khó hiểu ư? Tốt. Không giống ai ư? Càng tốt”, vân vân … và vân vân. Nhốt chung tất cả vào một rọ để phán xét, tôi e là không thể thuyết phục những đầu óc tỉnh táo cho được. Trong tập thơ không ít những bài có giá trị bị đánh giá một cách tùy tiện như vậy.

 

Anh cũng thiếu chứng lý khi lớn tiếng chê trách  một nhà thơ “hạ thấp mình nghe mới thảm hại làm sao” trong câu: Nằm chung chỗ với chuột chết – Chúng tôi thò đầu như loài giun… Con nguời, như chúng ta thường nói, vừa là thiên thần, vừa là ác quỷ, có gì lạ đâu! Chính T.S.Eliot  lừng danh kia cũng từng viết trong “Một ván cờ” rằng:

 

Tôi nghĩ chúng ta là đồng bọn của chuột

Nơi những người chết không còn hài cốt

 

Tôi chả thấy có gì là hèn kém ở đây cả. Thân phận người, lúc “lên voi” lúc “xuống chó”là sự thường. Hầu như khi Chúa đã an bài thì khó ai tránh cho nổi.

 

Tôi cũng không thể tán đồng với ý nghĩ của Đặng Huy Giang khi anh cho rằng, 133 tiếng trong “Bài tập mùa xuân” thứ 4 của Mai Văn Phấn “cũng chỉ để chốt lại ở … tiếng sấm nổ gọi mùa hoa gạo”. Thơ là một sinh thể, như con người, có xương và có thịt, thế mới sinh động và mới cuốn hút người đọc. Cứ diễn tả trần trần như quan niệm quy nạp khô cứng của Đặng Huy Giang thì tính toàn vẹn của hình ảnh, hình tượng thi ca sẽ không có lý do tồn tại. Thi ca với tính cách là một thứ nghệ thuật linh diệu của con người cũng không cánh mà bay vậy!

 

Sự thiếu logic trong tư duy của Đặng Huy Giang có gốc gác sâu sa từ  cái nhìn đã quá lỗi thời của anh. Ở những thập niên cuối của thế kỷ XX, chúng ta đã may mắn chứng kiến sự mở rộng biên độ của văn chương, cả ở nội dung lẫn cách thức thể hiện. Biết bao điều từng bị dè bửu  (nếu không nói là bị cấm kỵ) trong con mắt khe khắt một thời, nay được tự do phát lộ. Có cái được và có cái chưa được. Cũng có cái chưa tới, thậm chí có cái lầm lẫn, sai đường. Hãy thẳng thắn góp ý trên tinh thần đồng nghiệp, đồng thời hãy kiên nhẫn chờ đợi. Có sự lột xác nào lại không đớn đau! Chớ nên ngăn cản, cấm đoán mọi sự thể nghiệm trong nghệ thuật như  Đặng Huy Giang : “Có thể đây chỉ là thơ thể nghiệm. Hoan hô. Vậy sao không ngâm cứu kỹ trong phòng thí nghiệm, mà lại ném chúng ra ngoài đời vội vã đến vậy?” Giọng chì chiết, báng bổ của anh quả không mấy thích hợp. Tệ nhất là anh can dự một cách vô lối vào quyền cấp giấy phép xuất bản của Nxb Thanh niên trong sự chế nhạo về cái anh gọi là” quyền tự do phát ngôn trong thơ”. Tôi muốn nói, khác với khoa học và công nghệ, trong nghệ thuật mọi thể nghiệm chín muồi đều cần được khuyến khích công bố. Nếu không, thì sẽ biết công chúng nghĩ gì? phản ứng ra sao? Tôi khâm phục lòng quả cảm đi liền với thiện ý, thiện tâm của các cơ quan báo chí, xuất bản này. Thiết tưởng, ở đây phải kể công cho họ. Nếu không có họ, ta làm sao có thể nghe được tiếng sóng vỗ ngày một dồn dập của thi ca đương đại – chỉ có những kẻ dửng dưng như một người ngoài cuộc mới không muốn nghe những tiếng sóng âm vang đêm ngày ấy!     

 

Với những người hiểu biết, trước cái mới, bao giờ họ cũng rất thận trọng. Trong nghệ thuật lại càng cần phải thận trọng. Ngoài khoảng trời vốn quen thuộc với ta, còn nhiều khoảng trời khác mà ta chưa từng biết tới. Đặng Huy Giang có lẽ chưa có được tâm thế này. Tác giả chê trách một cách vô căn cứ: “ Mở sách ra, chủ yếu ta gặp những câu thơ viết dài, viết ngắn, ngắt nhịp hay không ngắt nhịp tùy… Có câu dài 200 từ có câu cụt lủn chỉ một từ”. Văn chương, nhất là thi ca, là lời nói nhưng là lời nói đặc biệt, giống mà lại không giống với lời nói thông thường. Tất cả phụ thuộc vào chủ ý sáng tạo của người viết. Câu dài hay ngắn, có nhịp hay không có nhịp, với người có ý thức, không phải và không thể là chuyện vô tình. Mọi cái tồn tại trong nghệ thuật đều có lý của chúng, ta phải nghiêm túc tìm hiểu. Cái đích là nhằm gây ấn tượng mạnh, khi thì nhờ tách một từ thành một dòng thơ, khi lại kéo dài dòng thơ tới hàng trăm từ. Thế giới người ta từng làm lâu rồi, chẳng có gì lạ cả! Hiệu quả thẩm mỹ nhiều khi dồi dào lắm đấy, chớ nên nhắm mắt xem thường. Chúng không “rối rắm”, “hổ lốn”, “vô nghĩa”, “không làm chủ được câu chữ” như nhận xét của Đặng Huy Giang đâu. Ơ đây can hệ đến cái sự hiểu trong văn chương, không hoàn toàn giống cái sự hiểu trong giao tiếp thường ngày. Điều  cốt yếu trong nghệ thuật không ở thông tin mà ở sự cảm nhận về đời sống, nên đôi khi mờ ảo, lung linh, ít rõ ràng, rành mạch.

 

Tác giả “Những ngón tay dị dạng” tiếp tục chênh vênh trong sự thiếu hụt tri thức văn chương tối thiểu của mình : “ Rồi những từ, những tập hợp từ, hoặc những tên bài thơ… thoạt nghe đã thấy ù tai chóng mặt : chết tươi, kênh rãnh giác quan, ý thức rách, tận đáy chìm xuống, hoang giữa hai vách, trước cổng đóng gió … “ Tuyệt nhiên không tồn tại từ hay từ dở, cách nói giàu chất thơ cách nói ít chất thơ độc lập, tách rời khỏi văn cảnh đâu. Nếu Đặng Huy Giang chưa thể chấp nhận cách nói mới mẻ như “ý thức rách” (Bài “ Trước cổng đóng gió” của Trần Tiến Dũng), hay “kênh rãnh giác quan” (Bài “ Chuyển động trốn chạy” của Phan Bá Thọ) thì cũng chớ nên cảm thấy “ ù tai chóng mặt” làm gì. Mỗi cách diễn đạt đi liền với một sứ mệnh riêng, đừng bất công trong phân biệt đối xử. Không thế ,ta sao chấp nhận được sự phá bỏ nhiều lề luật ngôn từ thi ca cổ điển của “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương!

 

Cũng thật đáng phàn nàn về cái lối cảm nhận thơ thô thiển đến mức không thể chấp nhận nổi của Đặng Huy Giang. Hãy nghe anh “giải mã” (từ của tác giả) câu thơ  Lưỡi cày va nhau chập nổ mồ hôi nóng  trong bài “ Đợi mùa” của Mai Văn Phấn như thế này: “Chắc là hai bác nông dân vác cày đánh nhau to đây. Một bên như âm, một bên như dương, nên mới nổ. Lưu ý: Nổ thường đi liền với khô khốc và nóng, nhưng nổ ở đây rất đặc biệt, tuy nóng nhưng lại ẩm ướt (mồ hôi)”. Đọc đến đây, tôi không nín được cười. Nhưng liền sau đó, lại cảm thấy nhói đau ở trong tim. Ôi ! Người ta đã không một chút e ngại vác con dao lạnh lùng của lý trí nông cạn để giải phẫu thơ như vậy đấy. Mà nếu có chỉ ra chắc gì Đặng Huy Giang cảm thông được. Kênh thẩm mỹ khác nhau, khó tìm nổi sự đồng điệu. Trong cảm thụ nghệ thuật, ranh giới đúng sai đôi khi chỉ trong gang tấc, người trong cuộc, cùng ngôn ngữ mới nhận ra nổi. Nên tôi lấy làm lạ lùng khi Đặng Huy Giang trình bày những cảm nhận đúng thì lại nghĩ là mình sai. Anh quả không làm chủ được sự phân tích, giảng giải của mình nữa rồi. Tôi muốn đưa ra sự thẩm định của anh trước câu thơ hay của Mai Văn Phấn  - Nước mắt lửa kéo cày (Bài “ Đối thoại với thời gian”): “Tác giả muốn nói tắt cho có vẻ ảo _ Đặng Huy Giang viết – Thực ra là người nông dân kéo cày vất vả lắm và nước mắt (có thể thấp hơn là mồ hôi) nóng như lửa đã đổ ra cho cái sự kéo cày ấy.” Ngoại trừ lời giải thích không mấy thuyết phục về “ nước mắt” “ thấp hơn là mồ hôi” thì trên đại thể Đặng Huy Giang không sai. Anh đã nói trúng giá trị của hình ảnh thơ. Vậy mà anh lại đang có ý phê phán người sáng tạo ra nó đấy! Không lạ lùng sao được. Tự mình cười cợt cái đúng của mình _ kể ra cũng là trường hợp hiếm thấy xưa nay.

 

Cũng cần phải nói tới ác cảm của Đặng Huy Giang dành cho việc biểu hiện tình dục trong thơ.Chuyện này với nhiều người thì chẳng có gì là mới mẻ cả. Từ lâu, đây không còn là vùng đất cấm nữa rồi. Vấn đề là cần thể hiện ra sao , thế thôi. Vậy mà tác giả “Những ngón tay dị dạng” lại hạ bút viết : “ Xin các vị cứ việc ngủ, cứ việc làm bất cứ điều gì trong bóng tối mà các vị thích, hãy giữ làm của riêng, đừng phô ra như thế. Cũng đừng đánh bóng mạ kền cái sự hành lạc đầy ô nhiễm ấy nữa”. Tôi tuyệt không  thấy “ sự hành lạc” được “đánh bóng mạ kền” trong câu thơ : Hít hà ngực em hiện lên trảng cỏ con ngựa hoang… rồi Hạt mầm vú ủ trong chăn ấm nâng bờ hai con đê… đâu cả. Bài thơ cũng của Mai Văn Phấn  đăng trên “ Văn nghệ” số 49 năm 1999 có lẽ còn “dữ dằn”, “bốc lửa” hơn nhiều mà nào có dị ứng ai đâu : Từ miệng các bóng râm / vươn lên / vươn lên / hương quyến rũ / Đu lên càng cao / chạm vòm ngực em trái chín / Tấm thân bỏng rát / Anh sấm rền gót chân (Hát từ đất). Bài thơ chỉ giúp cho người đọc thêm yêu cuộc sống trần thế với những hạnh phúc trần thế hơn thôi. Ngay trong tập thơ “ Viết”, không ít vần thơ trong veo, tôn vinh vẻ đẹp thuần khiết bên ngoài của người đàn bà đã thật sự làm sửng sốt bạn đọc. Tôi muốn nghĩ tới “ Bài thứ ba”và “ Bài thứ mười” trong chùm thơ sáng giá của Nguyễn Quang Thiều : Da thịt nàng, hơi thở nàng tỏa hương trinh bạch / Bởi nàng đã sinh ra, đã lớn lên, ngực mọc hai hạt ngọc / Hai hạt ngọc nở ra hai bầu vú của nàng / Bởi nàng đã bước đi đã chạy, nàng đã bơi trong sông bể / Gió và nước chảy xiết hai bên thân thể nàng tạo thành những đường cong … Va: Mỗi sáng nàng thức dậy ban mai trong suốt / Những con chim xanh như ngọc của tâm hồn nàng đang hót / Nàng thức dậy như hoa đang nở cánh buổi sớm / Cặp đùi nàng trắng như thác đổ từ trời / Vú nàng lóa sáng và môi nàng được nung nóng / Những con chim xanh của tâm hồn nàng đập cánh không ngưng nghỉ / Tìm lối thoát ra khỏi thân xác của nàng…Rồi: Môi em thì thầm làm hoa cỏ sinh nở / Cặp đùi em trải dài như sông đến tận chân trời … Tôi muốn khơi ra thật nhiều những dòng sữa thi ca trong lành và ngọt ngào như vậy để muốn chứng minh cái quyền được trưng ra vẻ đẹp hình thể của con người mà ngay từ thời cổ đại một vị hiền triết đã không kìm nổi lòng mình phải thốt lên : Thiên nhiên có muôn vàn điều kỳ diệu nhưng kỳ diệu nhất chính là con người! Vậy nên, có thể xem là lạc lõng cái giọng chế nhạo vô duyên cớ trong giả định sau đây của Đặng Huy Giang: “Ông là thằng … chẳng Frơt, chẳng Bécxông gì sất”.

 

Tôi đã biện giải có lẽ là quá đủ cái cảm giác mà chính tác giả “ Những ngón tay dị dạng” đã trù liệu từ trước: “ Viết đến đây, tôi chợt thấy một người (Không, nhiều người chứ anh Giang) trong số các tác giả ngẩng đầu la mắng : Nhìn nhận cổ lỗ qua! Nhưng tôi còn định đi sâu hơn vào căn nguyên nơi thái độ người viết. Thật ra, chỉ mới đọc sơ qua, người đọc có văn hoá đã kịp nhận ra rồi. Nào là cách nói tục tĩu chỉ thấy ở những kẻ du thủ du thực ngoài đời: “Nói một câu úm ba la… đến ông Bành Tổ sống được tám trăm năm, nếu tái thế, cũng cóc hiểu được”. Nào là cách nói đưa đẩy một cách đểu cáng (xin lỗi, tôi không thể chọn từ nào đúng hơn thế) : “ Nhưng công bằng mà nói, ông cũng là người chăm chỉ, nhiệt thành, có công bức hiếp từ ngữ…”(Những từ in nghiêng là do tôi nhấn mạnh). Người cầm bút tự trọng chẳng bao giờ viết như vậy cả. Đây là tranh luận về học thuật, tất cả là vì chân lý khoa học, không nên báng bổ, nhạo báng nhau. Nhất là không được phép cắt xén nhằm mục đích xuyên tạc, phục vụ bằng đựơc ý đồ đánh gục đối phương của mình. Đáng tiếc là Đặng Huy Giang không phải một lần sử dụng cách thức không mấy chính đính này. Tôi xin chỉ ra vài dẫn dụ tiêu biểu nhất.

 

Dẫn dụ 1:

 

-  Tác giả viết: “Hãy nghe một người nói về chỗ đầu tiên mà thức ăn phải đi qua: Vòm họng tươi tốt dịch vị. Tạm “giải mã”: Trong họng có rất nhiều nước bọt, có tác dụng tốt cho việc tiêu hóa”.

 

-  Nguyên văn: “… đọt mầm vươn trong vòm họng tốt tươi dịch vị cỏ mật đắng rôn rốt trái non đàn dế mở tiếng hoan hỉ thoát nạn mùa đông mặt hồ đang khai sinh ra nước…” (“Mười bài tập mùa xuân” – Mai Văn Phấn ).

 

-  Bình luận của người viết bài này: Có thể thấy sự hồi sinh của mùa xuân trong câu thơ mơn mởn sức thanh xuân đã bị “ tầm thường hóa” đến mức nào!

 

Dẫn dụ 2 :

 

-  Tác giả viết: “ Một người hình dung to tát về nỗi khổ nhà thơ : Thơ nắm tóc mình trồi lên mặt đất – Thơ câu rút cuộc đời…

 

-  Nguyên văn:

 

Thơ nắm tóc mình trồi lên mặt đất

Nghe giả dối đóng đinh sự thật

Thơ câu rút cuộc đời đánh đổi một niềm tin…

(“Không đề” – Nguyễn Công Bình) 

 

-  Bình luận của người viết bài này: Đây là những câu thơ hay nói rất thấm cái thân phận khổ ải vì “sự  thật” và “niềm tin” của những cây bút mang trên vai ý thức công dân và trách nhiệm xã hội.

 

Tuy nhiên, tôi chưa thấy  bàn tay cắt xén của người viết nào lại quá lộ liễu như trường hợp sau: “Hãy nghe một người diễn tả sự hành hạ: Gương mặt giẫm lên tôi – Tôi không thể lặng xuống giẫm đạp bị chìm xuống”. Đây là những mảnh vụn trong bài “ Tận đáy chìm xuồng” của Phan Bá Thọ. Câu đầu được Đặng Huy Giang rút trong câu thơ “Có quá nhiều gương mặt giẫm lên tôi ở đoạn 2 của bài thơ. Còn câu sau lại nằm ở đoạn 5: Tôi không thể lặng xuống giẫm đạp bị chìm xuống / Tôi còn đang yếu đuối mộng trăng sao / Tôi còn cưu mang triệu tuổi mặt trời.

 

Bất cứ người cầm bút nào cũng đều biết rõ cái tai hại cùng cái vô sỉ của sự cắt xén. Văn chương là lời nói của con người – nó bao giờ cũng sống trong ngữ cảnh. Cố tình tách chúng ra khỏi môi trường giao tiếp ngôn ngữ vì mục đích xuyên tạc ác ý chủ định của người viết là không được phép làm. Đó là luật chưa thành văn nhưng buộc những ai có lương tâm và lương tri phải tuân thủ.

 

Do vậy, đọc xong “Những ngón tay dị dạng” của Đặng Huy Giang tôi thấy mệt và buồn. Chẳng lẽ người ta cứ phải dùng những lời lẽ đao to búa lớn để ứng xử với nhau trong nghề nghiệp ? Chẳng lẽ người ta cứ phải dùng dao mổ trâu để giải phẫu sự sống linh diệu của thi ca ? Chẳng lẽ người ta cứ cố tình xuyên tạc nhau để tự nâng mình lên ? Chẳng lẽ người ta không hay biết rằng sáng tạo văn chương đích thực khi nào cũng gắn với sự tìm tòi không ngưng nghỉ, đầy khổ ải và đớn đau? Đó là động lực chính buộc tôi phải lên tiếng.

 

 

Đà Lạt 14/9/2001

P.Q.T

 

(Báo Người Hà Nội số 43, ra ngày 27/10/2001)

BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị