Đọc bài thơ “Đợi" của Mai Văn Phấn (bình thơ) - Tuệ Mỹ

Tuệ Mỹ

 

 

 

Tác giả Tuệ Mỹ

 




Đọc bài thơ “Đợi" của Mai Văn Phấn

 

 

 

ĐỢI

 

Hơi ấm

Tiếng động kia

Có phải mùa xuân?

 

Biển lặng im

Giấu tiếng réo gọi

Khoan sâu vào giấc mơ

 

Vầng mặt trời

Mình giữ trong tay

Lâu rồi.

 

(0h24' mồng một Tết Kỷ Hợi 2019)

Mai Văn Phấn

 

 

 

Lời bình của Tuệ Mỹ:

 

Giờ phút chuyển giao năm cũ sang năm mới là thời khắc thiêng liêng, nhiều ý nghĩa. Người người đón chào thời khắc này trong tâm thế cung nghiêm cùng đa tầng xúc cảm hòa quyện: hồi hộp, vui mừng, pha lẫn khắc khoải, âu lo... "Mình", nhân vật trữ tình trong bài thơ, hiển lộ trong tưởng tượng của tôi tựa một thiền nhân đang lắng nghe từng bước chân của mùa xuân đang đến gần, thật êm, thật nhẹ. Tôi ngỡ như ông đang ngước lên để cảm được "hơi ấm" và "tiếng động" của nàng xuân đang dạo bước. Trong trạng thái huyền ảo, mơ hồ đó, một câu hỏi "Có phải mùa xuân?" đã lóe lên trong ông. Chỉ vẻn vẹn 9 chữ trong khổ thơ đầu này đã khai mở trước mắt người đọc một bức tranh khổ lớn về một mùa xuân tràn đầy hy vọng, với sắc màu dịu nhẹ, bảng lảng sương khói đất Bắc.

 

Không gian mơ hồ mở ra ở khổ thơ đầu gợi cho bạn đọc rất nhiều liên tưởng để bước vào một không gian khác lạ, cụ thể hơn ở khổ thơ thứ hai, đó là dáng hình biển, tâm thức biển, giấc mơ biển… Tôi thực sự bất ngờ với cách chuyển không gian của tác giả bài thơ này. Nhưng tôi được cảm xúc mạnh mẽ của khổ thơ đầu dẫn dắt nên thấy cách đi này hợp lý, độc đáo, và khác lạ. Cách chuyển góc quan sát này của Mai Văn Phấn đã cho tôi hình dung tư thế và địa điểm ông viết nên những câu thơ này. Điều khác lạ trong bài thơ, là biển lúc này không cuộn sóng, không dào dạt, mà "lặng imGiấu tiếng réo gọi”. Trong tâm thế của một thiền nhân, tĩnh lặng đã sinh ra trong ông một sức mạnh. Biển đã “Khoan sâu vào giấc mơ" của ông. Câu thơ này đã mở ra con mắt thứ ba cho bạn đọc nhìn thông suốt không gian đa chiều trong thơ ông. Đọc đến đây tôi chợt nhớ bài thơ “Mơ thực” của Mai Văn Phấn viết năm 1991. Xin dẫn một khổ thơ để làm sáng tỏ hơn cơn mộng mị của tác giả trong bài thơ: "Chớp mắt trong mười lăm phút/ Mà mơ dằng dặc mãi mấy mươi năm/ Tỉnh mộng/ Mộng còn/ Vật vã". Những cơn mở “vật vã” này bạn đọc còn gặp lại trong "Thời tái chế" của Mai Văn Phấn, nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2018. Đây là trường ca với ngột ngạt những mộng mị, hồn ma và máu chảy.

             

Khi biển đã “Khoan sâu” được “vào giấc mơ", thì mọi lối ngõ, mọi cánh cửa đã đột mở. "Vầng mặt trời" gần gũi và chói lọi đã xuất hiện ở khổ thơ cuối. Chói lọi, không phải vì sức nóng, sự tỏa nhiệt của nó, mà chính là ánh sáng của cả bài thơ mang lại. Nhưng kỳ lạ chính là sự gần gũi của mặt trời, bởi tác giả đã giữ nó trong tay mình “lâu rồi”. Chữ “lâu rồi” chính là tiếng thở gấp, tâm thế tiềm vọng của một nỗi lòng khát khao tự do, khát khao dâng hiến, khát khao bước vào một bầu trời khác, thế giới khác.

 

Những hình ảnh ngỡ như đơn lẻ và độc lập với nhau, như hơi ấm, tiếng động, biển, giấc mơ, vầng mặt trời… xuất hiện trong không gian nhiều chiều của bài thơ ngắn, tối giản trong cách biểu đạt và cách xa nhau, tưởng chừng như giữa chúng không có mối liên hệ nào, nhưng đã dựng lên một không gian riêng biệt với nhiều lối mở của một mùa xuân tràn đầy hy vọng. Những lối mở ấy có mối quan hệ rất chặt với hàm nghĩa "Đợi", chính là tiêu đề bài thơ này. Vậy đợi gì? Vì sao phải đợi? Các câu hỏi đó đã được các thi ảnh trên trả lời. Và nỗi bất ổn, hoài nghi "Có phải mùa xuân?" chính là cảm hứng chủ đạo để Mai Văn Phấn dẫn người đọc vào không gian thơ của "Đợi", vào thế giới siêu nghiệm của ông.


Bình Định 01/4/2019

T.M

 

 

 

 

 



Ảnh của HS Vương Ngọc Minh








 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị