Đọc “Hải Phòng trước năm 2000” (bình thơ) - Lê Vũ

Lê Vũ

 


 

Đọc “Hải Phòng trước năm 2000”

 

 

Hải Phòng trước năm 2000

 

Trên nền cũ ngôi nhà xưa, một liên doanh mới làm lễ động thổ. Ký ức hiện về tựa ngôi đền, dâng trong tóc mình dĩ vãng tôn nghiêm.

 

Đặt tay lên những khung sắt, cần trục, pa-nen... Khoảng không ấy xưa là hố bom, những hốc mắt của kiếp người lầm lũi. Tôi ngậm ngùi lạc vào đám khói. Ai đốt chiếc lá vàng mùa đông hôm qua.

 

Đám khói mơ màng vẽ lên phần hồn của mặt bằng, chân móng. Gió cất lên âm thanh siêu thị, luồn qua kẽ tay miên man hát khẽ. Tôi gom câu ca xưa đúc thành bệ cho các thánh nhân ngồi, những câu ca thơm hương trong ngôi đền ký ức.

 

Hải Phòng trước năm 2000, trái tim mỗi người hay hạt giống đang ươm, cánh đồng biển phì nhiêu bên cửa sổ. Những con tàu tựa đôi hài cổ, tiếng ai cười gieo xuống khơi xa. Thủy triều thức dậy cùng cây lau cây sậy. Tiếng sóng râm ran gõ cửa mỗi căn nhà.

 

Gốc phượng vĩ vừa đọng thêm phù sa, đường phố rì rào ngỡ từng con sông nhỏ. Đôi tình nhân lặng lẽ trôi đi tấp vào một ca bin tin học, nhãn cầu và màn hình cũng đồng tông đồng tộc, trèo qua bậc thềm thực đơn, ngây ra nhìn: đẹp quá chừng quả cà trắng rau xanh! Từ Bến Bính, Lạch Tray, Cầu Đất... đến Cầu Rào, Cát Dài, Cát Cụt... Gió ùa đến đu cây làm sóng, trong giấc mơ những đàn chim bay về thanh khiết hót ta nghe.

 

Bước chân ban mai hay em đến bên hè, qua lối ngỏ hồn ta như cỏ ướt...

 

Từ bóng dáng bao ngôi nhà thuở trước, thời gian lắng xuống trong veo, hiện dần lên những nhà máy xi măng, đóng tàu, cán thép... Có giọt sương đêm qua đang cựa mình thăng hoa dưới ánh mặt trời.

 

Mặt đất căng cánh buồm no gió, ta lại nghiêng mình trước ngôi đền ký ức lúc ra khơi.

 

 (1995)

 

 

Lời bình của nhà phê bình văn học Lê Vũ:

 

Hải Phòng, Hải tần phòng thủ, cái tên gọi có gần hai mươi thế kỷ kể từ nữ tướng Lê Chân khai phá lập nên trang An Biên. Hải Phòng đi qua năm tháng với ngời ngời chiến công Bạch Đằng giang của Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo… Hải Phòng, thành phố cảng sắp bước vào năm 2000 (thời điểm bài thơ ra đời), một vận hội mới của đất nước với bao ngổn ngang, lịch kịch nhịp điệu công nghiệp hóa- hiện đại hóa.

 

Bài thơ “Hải Phòng trước năm 2000” không chỉ là bức tranh, mà là bản tường thuật tiến trình động chuyển của thành phố đứng thứ ba trong toàn quốc. Nhà thơ Mai Văn Phấn, không đứng ở vị trí “người quan sát” nhưng ghi nhận nó với tư cách “người tham dự” khi đã sống cùng nhịp đập với Hải Phòng.

 

*

 

“Trên nền cũ ngôi nhà xưa, một liên doanh mới làm lễ động thổ. Ký ức hiện về tựa ngôi đền, dâng trong tóc mình dĩ vãng tôn nghiêm.”

 

Bài thơ mở ra, giới thiệu Hải Phòng trên một tiêu điểm công nghiệp. Câu phá đề gói gọn góc nhìn sự kiện, vị trí: Liên doanh mới- lễ động thổ - nền cũ nhà xưa; câu thừa đề nối mạch thời gian: hiện tại nối kết quá khứ, mạch tâm linh chảy tràn vào hiện thực. Câu thơ không phác vẻ màu sắc những cờ quạt nhưng điểm vào không gian như một tiếng chuông báo hiệu một thời đại mới với sự xuất hiện của “liên doanh”, công nghiệp sản xuất, dây chuyền hợp tác. Hình ảnh “ngôi đền” ngược lại, vừa xưa cũ vừa nhuộm không khí trầm mặc. Thơ động và Hải Phòng động với một loạt động từ “làm, động thổ, dâng”. Hải Phòng bước đi trong thành ý tôn nghiêm ghi nhớ.  

 

“Đặt tay lên những khung sắt, cần trục, pa-nen... Khoảng không ấy xưa là hố bom, những hốc mắt của kiếp người lầm lũi. Tôi ngậm ngùi lạc vào đám khói. Ai đốt chiếc lá vàng mùa đông hôm qua.”

 

Mạch thơ phát triển với “khung sắt, cần trục, pa-nen” rất hiện đại và sống động của quá trình công nghiệp hóa đối lập với xa xưa “hố bom, hốc mắt”, không gian cũ với chiến tranh, rách rát, đau thương, nêu bật được chuyển động của thành phố. Hình ảnh chọn lọc, cách so sánh “hốc mắt- hố bom” rất gợi tả, dẫn người đọc đi dọc chiều dài năm tháng đạn bom những con đường xộc xệch, va vấp, lầy lội bùn mưa. Hiện tại và quá khứ xoắn xít đồng hiện như là hai mặt của một đời sống . “Chiếc lá vàng mùa đông hôm qua” là biểu tượng ám ảnh của mất mát, tàn tạ, đau buồn và thơ treo lên một câu hỏi cảm thán, đồng thời là một gợi nhắc: “Ai đã đốt”… Câu hỏi chuẩn bị cho sự quay về. Hiện tại mở cánh cửa về quá khứ, mở trong tâm linh ký ức:

 

“Đám khói mơ màng vẽ lên phần hồn của mặt bằng, chân móng. Gió cất lên âm thanh siêu thị, luồn qua kẽ tay miên man hát khẽ. Tôi gom câu ca xưa đúc thành bệ cho các thánh nhân ngồi, những câu ca thơm hương trong ngôi đền ký ức.”

 

Khói hương nhang thắp lên cho ông cha là phần “hồn” của hôm nay “mặt bằng chân móng”. Giữa những con chữ đã có một khoảng trống để người đọc đồng hành và tự cảm. “Hồn” phải chăng là bóng vía tổ tiên anh hùng, “mặt bằng chân móng” hôm nay phải chăng đã có từ ngàn năm trước khi cha ông cắm cọc trên sông Bạch Đằng? Những câu thơ với “đám khói” vòng vèo, cái “bệ thánh nhân ngồi” rồi “ngôi đền ký ức” lãng đãng câu ca tạo ra không gian huyền ảo lung linh để mặc niệm và dâng hương lên trời. Thơ bước đi thong dong như bóng thời gian cứ phi qua cầu nhưng vẫn hiện đại khi gió thổi lên “âm thanh siêu thị”, thanh âm của hiện đại hóa.

 

Đoạn thơ mở đầu đã bắt chợp hình ảnh Hải Phòng trên con đường hội nhập khi chụp lại buổi lễ động thổ của một liên doanh mới trên nền cũ nhà xưa. Nhà thơ đã hiện thân và với tư cách “người tham dự”, bày tỏ chút ngậm ngùi khi ký ức tái hiện ngày tháng cũ với hồn phách cha ông. Thơ đã mới vì không sa vào chi tiết màu sắc miêu tả. Thơ nhấn vào sự kiện và gợi nhắc, chuyển động giao thoa trên hai chiều quá khứ và hiện tại, hiện thực và tâm linh. Và từ góc nhìn, từ chi tiết “liên doanh động thổ”, nhà thơ phác vẻ toàn cảnh Hải Phòng bến cảng bay lên phấp phới trước vận hội đất nước năm 2000.

 

*

 

“Hải Phòng trước năm 2000, trái tim mỗi người hay hạt giống đang ươm, cánh đồng biển phì nhiêu bên cửa sổ. Những con tàu tựa đôi hài cổ, tiếng ai cười gieo xuống khơi xa. Thủy triều thức dậy cùng cây lau cây sậy. Tiếng sóng râm ran gõ cửa mỗi căn nhà”

 

Là Hải phòng đang thức, mỗi trái tim người đang thức. “Trái tim thành hạt giống”, một cách diễn tả sống động. Không phải một, những hạt giống người đang ươm trên “cánh đồng biển phì nhiêu”, rồi sẽ nẩy mầm đợi mùa vàng lên. Và kìa con tàu với “đôi hài vạn dặm”, bên kia tiếng cười gieo khơi xa, thủy triều lên lau sậy, sóng râm ran… Câu thơ phi mau, hình ảnh chen chúc và niềm vui mở cửa mặt người. Hải Phòng, tàu và biển, thủy triều và sóng, những căn nhà… tất cả được nhân hóa, trương nở lớn dậy với niềm vui bờ ngập, đong đưa trong giai điệu trữ tình. Những thanh bằng trắc xen kẽ nhau trong mạch đọc làm câu thơ giàu nhạc tính dù là thơ- văn xuôi. 

 

Bức phác thảo thứ hai rẽ về ngõ phố những con đường.   

 

“Gốc phượng vĩ vừa đọng thêm phù sa, đường phố rì rào ngỡ từng con sông nhỏ. Đôi tình nhân lặng lẽ trôi đi tấp vào một ca bin tin học, nhãn cầu và màn hình cũng đồng tông đồng tộc, trèo qua bậc thềm thực đơn, ngây ra nhìn: đẹp quá chừng quả cà trắng rau xanh! Từ Bến Bính, Lạch Tray, Cầu Đất... đến Cầu Rào, Cát Dài, Cát Cụt... Gió ùa đến đu cây làm sóng, trong giấc mơ những đàn chim bay về thanh khiết hót ta nghe.”

 

Hải Phòng, “gốc phượng vĩ” với phù sa đắp bồi.Tác giả đã nắm bắt đặc trưng biểu tượng của thành phốcảng, thành phố Hoa phượng đỏ mà những gốc phượng còn đó như những chứng nhân biết bao thăng trầm biển dâu. Rồi phố, những ngõ ngách con đường tưởng chừng những con sông năm nào. Mạch thơ lại chảy từ hiện thực hôm nay về nguồn cội xưa sau. Trong cảnh là người. Tình nhân không bước đi nhưng “trôi” đi. Một chữ trôi “điểm nhãn” phân biệt Hải Phòng với bao nhiêu thành phố khác, thành phố của sông biển nước trôi, trôi từ Bến Bính, Lạch Tray, Cầu Đất... đến Cầu Rào, Cát Dài, Cát Cụt...Những cái tên va vào nhau tiếng gọi thương yêu hiện hình Hải Phòng trên những góc phố bến bờ.

 

Rồi “ca bin tin học, nhãn cầu, màn hình, thềm thực đơn” sống chung với “cà trắng rau xanh” làm nên khuôn mặt Hải Phòng thời hội nhập, nối kết xưa và nay, có công nghệ với thực phẩm sạch, có tri thức với tình cảm, có làm việc và hưởng thụ. Đã qua rồi những “kiếp người lầm lụi”với “hốc mắt hố bom”, qua rồi gian nan và chiến tranh. Không cần nghĩ ngợi, hãy im nghe “tiếng gió đu cây làm sóng”, nghe chim thánh khiết véo von lời. Và tác giả lại hiện thân với tư cách “người tham dự” chung niềm vui. Không có quá nhiều âm thanh và màu sắc theo kiểu đặc tả đèm đẹp của thơ truyền thống. Những lớp những tầng tầng hình ảnh tự nó đã giải bày. Đây là phong cách của MVP, một lối biểu hiện rất mới trong thời điểm 1995. Tác giả với “Hải Phòng trước năm 2000” đã đánh dấu bước vượt lên chính mình, vượt lên những gì truyền thống để nhón bước chân vào ngưỡng cửa hiện đại. 

 

“Bước chân ban mai hay em đến bên hè, qua lối ngỏ hồn ta như cỏ ướt...”

 

Câu thơ trên toàn cảnh bức tranh là một mảng xanh tuyệt vời của tình yêu, của hy vọng nhen nhúm như cỏ vẫn mọc mỗi ngày mặt trời ban mai lên. Ban mai và em đã nhập thành một, ngõ phố với cỏ xanh mọc hồn cũng không còn phân biệt. Hải Phòng vạm vỡ bước đi trong tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa mà vẫn chất đầy mơ mộng. Đây cũng chính là tâm linh người Việt, tính “hồn” của dân tộc từ bao đời. Lạc quan trong mồ hôi nước mắt, yêu thương trong mưa bùng gió bão.  

 

“Từ bóng dáng bao ngôi nhà thuở trước, thời gian lắng xuống trong veo, hiện dần lên những nhà máy xi măng, đóng tàu, cán thép... Có giọt sương đêm qua đang cựa mình thăng hoa dưới ánh mặt trời.”

 

Bài thơ khép từ “bóng dáng bao ngôi nhà thuở trước” và lại mở với “những nhà máy xi măng, đóng tàu, cán thép...” Giọt sương đêm hôm qua và mặt trời hôm nay. Một loạt biểu tượng gợi cảm của quá khứ và nhịp điệu phồn sinh lắng vào nhau, xao động. Giọt sương của quá khứ bằng lòng chảy tan vào mặt trời bình minh của kỷ nguyên mới. Đằng sau hình ảnh là nụ cười tự hào của ông cha! Thơ chao nghiêng và lòng người cũng nghiêng chao vui sướng, niềm vui của thuyền căng gió lộng ra khơi:

 

“Mặt đất căng cánh buồm no gió, ta lại nghiêng mình trước ngôi đền ký ức lúc ra khơi.”

 

Hình ảnh ”cánh buồm no gió” chốt lại bài thơ, mở ra tương lai thành phố cảng bay đi cùng biển những chuyến tàu đi về tít tắp chân mây. Hải Phòng nghiêng mình trước “chân móng” dựng xây của cha ông bao đời. Câu thơ kết thắp lên một nén nhang tưởng niệm tâm linh, quán xuyến buổi lễ động thổ của liên doanh mới từ phần mở đề. Tứ thơ đạt độ chín của một mắt nhìn và trải nghiệm mà rưng rưng xúc cảm.

 

*

 

Ba đoạn thơ liên kết tạo thành một chỉnh thể nhuần nhị trải ra hình ảnh Hải Phòng từ chi tiết đến tổng quát, từ xa đến gần, từ thấp lên cao, từ hiện tại đến quá khứ, từ hiện thực đến cái tôi sâu thẳm. Thơ không miêu tả hình khối sắc màu, thơ ghi nhận cái tiến trình chuyển động của ngày mới, trong vạm vỡ có tiếng chim reo ca, trong ầm ào phố thị có bước chân tình nhân êm ái, giữa ngổn ngang hoạt động có hồi ức xao xuyến bóng ông cha, trong tình có cảnh, trong xưa có nay.  Thơ mới vì “chữ và nghĩa” cứ xô vào nhau, trượt đi trên lớp vỏ ngữ ngôn và làm bật dậy ý tưởng. Thơ còn mới trong nhịp điệu của thể lại thơ- văn xuôi, mở rộng biên độ thơ và cả xúc cảm tâm linh. Đây chính là đặc sắc trong thi pháp của Mai Văn Phấn khi nhập vào dòng chảy của thi ca đương đại .

 

“Hải Phòng trước năm 2000”, là một bài ca mà từ giai điệu, tiết tấu, con chữ đều tung tẩy niềm vui, tin yêu hy vọng, xứng đáng được giải Nguyễn Bỉnh Khiêm (năm 1996). Thành công trước hết của bài thơ khởi đi từ xúc cảm tâm tình ký ức “ngôi đền thiêng”. MVP không chỉ nhìn bằng mắt mà “tham dự vào” để rồi tâm thức rung lên nỗi niềm.

 

Tp. HCM, 29/10/2010

L.V

(Báo Hải Phòng cuối tuần số 47, ra ngày 26/11/2010) 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị