Cuộc đối thoại vô ngôn (nhận định) - Phạm Văn Vũ

Cuộc đối thoại vô ngôn




Nhà thơ Phạn Văn Vũ

 

 

 


maivanphan.com: Ngày 12/5/2015, báo Văn nghệ Thái Nguyên đã đăng 10 bài thơ 3 câu của tôi, do nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh chọn từ tập thơ “từ tháng giêng” (đã công bố trên maivanphan.com, mục Các tập thơ). Sau khi đọc chùm thơ này, nhà thơ Phạm Văn Vũ đã viết bài “Cuộc đối thoại vô ngôn”, đăng trên Văn nghệ Thái Nguyên số 26 (759), phát hành 30/6/2015. Trân trọng cảm ơn mối tâm giao của nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, nhà thơ Phạm Văn Vũ! Nhà thơ Phạm Văn Vũ sinh năm 1984, hiện là giáo viên Văn trường THPT Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Anh đã xuất bản tập thơ "Trong nỗi nhớ màu chàm" (Hội Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên, 2007) và cuốn sách trò chuyện văn chương "Ngẫu luận" (Nxb. Hội Nhà văn, 2011). Thơ Phạm Văn Vũ hiện đại, kết nối không gian đa chiều, đặc biệt, tràn đầy cảm xúc tươi non, trong trẻo... Cách đây 2 năm, tôi đã lưu thơ Vũ trên máy tính để đọc những lúc mệt mỏi, căng thẳng... Một số bài thơ Phạm Văn Vũ đã vô tình là tri âm, tri kỷ mà đến nay tôi mới biết thêm về tác giả.

 

 

 

 

Phạm Văn Vũ

 

 

 

Như gợi ý của Octavio Paz, giữa tiếng khóc và sự im lặng, giữa ý nghĩa bao trùm mọi ý nghĩa và sự vắng mặt của ý nghĩa, bài thơ nảy sinh. Nói cách khác, bài thơ là một cuộc đối thoại vô ngôn. Tôi đã được/ bị mê dụ vào những cuộc đối thoại vô ngôn như thế với những bài thơ ba câu của Mai Văn Phấn (chùm 10 bài thơ đăng trên báo Văn nghệ Thái Nguyên, số 19, ra ngày 12 tháng 5 năm 2015).

 

Ba câu. Nói vậy cũng chưa hẳn. Ba dòng thơ thì đúng hơn, tức là cái hình thức ta nhìn thấy. Nếu thực muốn chia thành câu với thơ Mai Văn Phấn, đó là một chuyện không nên, bởi cả bài thơ là một sinh thể, các “mạch máu” trong sinh thể ấy chồng nối vào nhau từ dòng đầu tiên cho đến kí tự cuối cùng. Con bồ câu bay chồng nối vào Dẫn đường, bắt liền sang Đám mây lớn. Tương tự như vậy, Ánh trăng chồng nối vào Đổ lên người, dẫn liền sang Cũng nặng. Những kết mạch như thế khiến ta không thể dừng lại ở chỗ ngắt dòng.

 

Lạ hơn nữa là tên các bài thơ. Theo tư duy thông thường, tên bài thơ nhằm khái quát, mở khóa cho vấn đề, và các câu thơ trong bài sẽ làm nhiệm vụ giải quyết vấn đề mà tên bài thơ đã đặt ra. Như thế, tên bài thơ là phần tách biệt với các câu thơ. Nhưng Mai Văn Phấn (có thể là người đầu tiên) làm khác. Vẫn có khả năng mở khóa và khái quát bài thơ, nhưng nhan đề bài thơ của ông lại cũng là một câu thơ, và bao giờ nó cũng là phần dẫn của dòng thơ thứ nhất. Tên bài thơ là Gieo giống, thì dòng thơ đầu tiên là Vào bùn ngấu (…). Tên bài thơ là Con chim lạ, thì dòng thơ đầu tiên là Đậu xuống sân (…). Tên bài thơ là Đôi chim, thì dòng thơ đầu tiên là Đậu cùng cành (…). Cứ thế, tên bài thơ không đứng riêng, tự thân nó là một dòng thơ trong bài. Nhưng cái tài của nhà thơ là ở chỗ, sau khi đọc hết bài thơ, quay lại, ta lại thấy tên bài đứng riêng, tên bài thơ là cả bài thơ. Cả bài thơ kia có thể thu gọn vào thành Gieo giống, Con chim lạ, Đôi chim.

 

Cách xử lí chất liệu của Mai Văn Phấn cũng là điều rất đáng chú ý. Hệ thống hình ảnh mà nhà thơ ưa chọn khá gần gũi thân thuộc, đến mức đơn giản. Đó là những bùn ngấu, đám mây, ánh trăng, giọt sương, sao trời, cá quẫy, con cò, con gián què.v.v... Nhưng thật ra, mỗi hình ảnh đó khi được đặt vào bài thơ lại thoắt trở thành hình tượng. Cái mà ta nhìn thấy trong câu chữ là giọt nước, nhưng thật ra nhà thơ đang mơ về đại dương.

 

Những bài thơ ba câu của Mai Văn Phấn không phải là tiếng khóc, không phải là im lặng. Chúng nằm ở giữa. Đừng đi tìm ý nghĩa, nhưng cũng đừng cho rằng chúng vô nghĩa, bởi vì chúng nằm ở giữa. Nhà thơ đang đối thoại, vô ngôn. Người thiền không bao giờ tự nói mình đang thiền, có lẽ Mai Văn Phấn cũng vậy.

 

P.V.V

 

(Nguồn: Văn nghệ Thái Nguyên số 26 (759), phát hành 30/6/2015)

 

 

 

 

 

Bìa tập thơ "Trong nỗi nhớ màu chàm"

 

 

 

 

 

Bìa cuốn sách trò chuyện văn chương "Ngẫu luận"

 








 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị