Đọc bài thơ “Thương em” của Mai Văn Phấn (bình thơ) - Tuệ Mỹ

Tuệ Mỹ

 

 

 

Tác giả Tuệ Mỹ

 

 

 

 

Đọc bài thơ “Thương em” của Mai Văn Phấn

 

 

 

 

Thương em

 

Em nói bâng quơ: Mùa xuân rồi cũng tàn!

Anh ghì lấy bao nỗi lo toan đôi vai em gày nhỏ

Có bông hoa ngạc nhiên vừa bò ra mép nước

Con chuồn chuồn bay trên mặt sóng mơ hồ.

 

Anh phân vân không biết nên nhập vào con chuồn chuồn hay bông

 hoa ngơ ngẩn nhường kia

Nỗi lo toan ơi! Nỗi lo toan sao mà bay bổng thế!

Em có thấy anh nhẹ như cánh chuồn hay cánh hoa không nhỉ?

Anh hỏi thầm đôi vai gày nhỏ em...

 

(Rút từ tập thơ “Cầu nguyện ban mai”, Nxb. Hải Phòng, 1997)

Mai Văn Phấn

 

 

 

 

Lời bình của tác giả Tuệ Mỹ:

 

Thơ nói về tình yêu đôi lứa với những nỗi tương tư, thương nhớ, giận hờn... vốn là đề tài phong phú và đa dạng. Còn thơ viết về tình vợ chồng cùng những sẻ chia trong cuộc sống đời thường có thể chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong thơ Việt Nam cận đại, bạn đọc nhớ mãi bài thơ "Thương vợ" hiếm hoi của nhà thơ Trần Tế Xương. Đề tài này trong thơ đương đại phong phú và cũng tế vi hơn. Trong số những bài thơ tình sâu sắc và tinh tế, tôi chú ý tới "Thương em" của nhà thơ Mai Văn Phấn.

 

Trong bài thơ "Thương em", nhân vật “Em” là người phụ nữ đã có chồng con. Em xuất hiện ngay từ đầu bài thơ rất đỗi hồn nhiên và tự nhiên:

 

Em nói bâng quơ: Mùa xuân rồi cũng tàn!

 

Nếu nói nhan sắc là tài sản quý giá nhất của người phụ nữ thì nỗi lo sợ nhất của họ cũng là nhan sắc sớm bị tàn phai. Câu thơ nghe như tiếng thở dài chấp nhận sự tàn phai đó với một nỗi buồn hiu hắt, lặng thầm không dám than vãn với chồng, với ai. Em chỉ nói "bâng quơ" thôi, vậy mà Anh nghe được, thấu hiểu được:

 

Anh ghì lấy bao nỗi lo toan trên đôi vai em gầy nhỏ.

 

"Đôi vai em gầy nhỏ" đã từng gánh vác công việc nặng nhọc gia đình, gánh "bao nỗi lo toan" vì chồng vì con. Chỉ cần nhìn đôi vai gầy nhỏ của em là thấy "bao nỗi lo toan" hiển hiện trong đó. Anh "ghì lấy" nó như ghì giữ một vật báu trên tay. Vì chính đôi vai gầy nhỏ của Em là hiện thân của sự hi sinh thầm lặng. Thử hỏi có sự hi sinh nào mà không cao cả, quý báu chứ? Với Anh, Em là kho báu, đúng như Napoleon đã từng nói "Người đẹp là vật báu, người đức hạnh là kho báu". Không phải ôm lấy mà là "ghì lấy" thật mạnh. Với cái ghì đó, Anh đã truyền cho Em một tình yêu nồng nàn có xen lẫn nỗi xót xa vì thấu hiểu. Trong cảm xúc được "ghì lấy đôi vai em gầy nhỏ", Anh chợt nhận ra:

 

Có bông hoa ngạc nhiên vừa bò ra mép nước

Con chuồn chuồn bay trên mặt sóng sông hồ.

 

"Bông hoa", "chuồn chuồn" có phải là Em? Vâng, là Em đó! Em như bông hoa đầy hương sắc nhưng từ khi làm vợ, làm mẹ, đối mặt với cơ cực đời thường, Em phải ép mình trong "bao nỗi lo toan". Đến khi Anh nhận ra nó, bông hoa mới "bò ra mép nước" cho Anh nhìn rõ hơn. Và nó cũng "ngạc nhiên" bỗng dưng hôm nay Anh "ghì lấy" vai em. Phải gánh lấy cái gánh nặng gia đình mà trong khi Em như "phận mỏng cánh chuồn" mong manh, yếu ớt. Đáng ra Em phải được chở che, nương tựa vào Anh. Nhưng đằng này...! Nghĩ thế, nên Anh xót xa và càng thấy yêu Em hơn. Trong mắt Anh, Em mãi mãi dịu dàng xinh đẹp dù nhan sắc có thể bị "bao nỗi lo toan" làm phai nhạt. Trong những bài thơ tình khác của Mai Văn Phấn, nhân vật “Anh” được thấy Em đẹp trong giấc ngủ. Lúc đó "trong hơi thở em" "ẩn hiện" "một bảng tin mới quét, gánh hàng rong, đám cưới qua đường", "buổi tan ca vài con cá ngáp" (Để nhận ra anh). Nỗi lo toan cuộc sống cũng ngấm vào "hơi thở" Em, cũng đi vào "giấc mơ" Em đấy! Anh thấy Em đẹp khi "Em cho con bú" "Anh mải mê nhìn vầng ngực em dâng đầy như biển, cứ thu mình vào miệng con be bé xinh xinh". "Vầng ngực em" đã cho con dòng sữa và đã cho Anh những đứa con khỏe mạnh, lớn khôn từ dòng sữa của Em. Em đẹp vì Em chỉ biết "cho" người khác còn riêng Em thì thầm lặng một nỗi niềm:

 

Anh là của những bài thơ

Còn phần nào để bây giờ cho em

(Xuân Quỳnh)

 

Đúng, Em là một con người đẹp. Vẻ đẹp đó toát lên từ tâm hồn, từ đức hi sinh và lòng vị tha.

 

Đắm mình trong cảm xúc ngọt ngào ấy, bỗng dưng Anh hóa thành kẻ ngẩn ngơ, thật đáng yêu:

 

Anh phân vân không biết nhập vào con chuồn chuồn hay bông hoa ngơ ngẩn nhường kia

                 

Anh đừng"phân vân" nữa! Hãy "nhập vào" cả hai. Vì "chuồn chuồn" và "bông hoa" cũng chính là Em hóa thân cùng với "bao nỗi lo toan" thường hằng. "Nỗi lo toan", hiện thân của sự hi sinh thầm lặng, của tấm lòng Em cao cả giây phút ấy bỗng biến thành cảm xúc mãnh liệt cho thơ Anh bay bổng:

 

Nỗi lo toan ơi! Nỗi lo toan sao mà bay bổng thế!

 

Anh ngạc nhiên hay vui mừng mà tiếng gọi "Nỗi lo toan" trở nên dồn dập? Vâng, "nỗi lo toan" trên "đôi vai em gầy nhỏ" đã thành cảm xúc dạt dào trong thơ Anh.

 

Em có thấy Anh nhẹ như cánh chuồn chuồn hay cánh hoa không nhỉ?

 

Em thấy rồi. "Anh nhẹ" lắm. Tình thơ Anh đã được thăng hoa bởi có "Nỗi lo toan" Em nâng cánh. Đến đây người đọc chợt nhớ tới Tú Xương, nhà thơ sống cách nay hơn thế kỷ đã từng "tế sống" bà Tú bằng những dòng thơ chan chứa tình yêu và lòng biết ơn vợ mình. Vì nếu không có bà Tú "Lặn lội thân cò khi quảng vắng / Eo sèo mặt nước buổi đò đông" thì làm sao "Nuôi đủ năm con với một chồng", thì làm sao có được thi hào Tú Xương? Cũng như thế, nếu không có Em với "bao nỗi lo toan" thì làm sao có Anh-Thi sĩ? Tú Xương hàm ơn vợ mình, Anh hàm ơn Em vì đấng mày râu đã nhận ra một điều: Đằng sau sự nghiệp của người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ.

 

Đã hiểu "Nỗi lo toan" Em có giá trị với Anh như thế nào rồi mà Anh vẫn cứ vờ:

 

Anh hỏi thầm đôi vai gày nhỏ em...

 

Không phải hỏi Em mà "hỏi đôi vai em". Anh hỏi đúng đối tượng rồi đấy! Đúng vào cái làm nên sự nghiệp Anh, đúng vào cái làm Tình thơ Anh bay bổng. Anh hỏi với giọng bông đùa mà cũng tình tứ làm sao "thôi mà". Có phải Anh đang “nịnh” Em đó không? Vì đó là tiếng lòng Anh "thương em" mà. Bài thơ được khép lại với "Anh hỏi thầm đôi vai em thôi" nhưng lại mở ra cho người đọc đến liên tưởng: sau lời Anh hỏi thầm là nụ cười hạnh phúc của Em. Em hạnh phúc vì được Anh thấu hiểu, chia sẻ và yêu thương.

 

Bài thơ mang dáng dấp một câu chuyện nhỏ kể về câu chuyện tình yêu của đôi vợ chồng biết ngồi lại nhìn nhau, cảm hiểu nhau sau những toan lo cơm áo gạo tiền. Câu chuyện được mở đầu bằng câu hỏi "bâng quơ" thấm đẫm nỗi buồn của Em nhưng kết thúc là một tín hiệu vui. Đó là nụ cười Em ẩn sau lời ''Anh thầm hỏi". Thơ của Mai Văn Phấn luôn là thế. Dù nói về chuyện buồn hay nỗi bất an về cuộc sống, cuối cùng vẫn là niềm hi vọng và lạc quan. Ở đây, lời "Anh thầm hỏi" là tín hiệu vui, nó hô ứng với nỗi buồn "bâng quơ" của Em ở đầu bài thơ. Phải chăng, điều ấy nói lên rằng: nếu "nỗi lo toan" lấy đi màu xuân trên làn da mái tóc của Em thì lời "hỏi thầm" của Anh sẽ cho Em màu xuân khác. Đó là màu hạnh phúc khi được người đầu ấp tay gối yêu thương, thấu hiểu và hàm ơn. Màu xuân đó sẽ lưu mãi ở nụ cười Em sau những lần Anh thầm hỏi.

 

Cái hay của câu chuyện tình yêu này ở chỗ nó được kể bằng "thơ" nên cái vị ngọt ngào, lãng mạn của tình chồng vợ cứ vương vấn miên man mãi trong lòng người đọc bởi những hình ảnh thơ đẹp, gợi cảm như "đôi vai em gầy nhỏ", bông hoa ngạc nhiên", "con chuồn chuồn bay", "anh hỏi thầm đôi vai em"… và bởi một giọng thơ nhỏ nhẹ như lời thỏ thẻ tâm tình của chồng vợ. Chỉ khẽ thôi, thì thầm vậy thôi mà bài thơ có sức lắng đọng sâu xa trong lòng người đọc về giá trị đích thực của tình yêu hạnh phúc gia đình. Đó là sự sẻ chia, thấu hiểu, yêu thương nhau. Đó là sự hi sinh cho nhau. Và đó cũng chính là thông điệp mà "Thương em" muốn gửi đến người đọc.

 

"Thương em" của Mai Văn Phấn là một bản tình ca được cất lên từ trái tim yêu thương của tình chồng vợ. Nó làm"ngọt" thêm vị đời vốn không như là mơ.


Bình Định, 29/8/2015
T.M

 

 

 

 

 


Tranh của Họa sỹ Rafal Olbinski (Ba Lan)

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị