Đọc bài thơ “Tháng giêng" của Mai Văn Phấn (bình thơ) - Tuệ Mỹ
Tuệ Mỹ

 

 

 

Tác giả Tuệ Mỹ

 

 

 

 

Đọc bài thơ “Tháng giêng” của Mai Văn Phấn

 

 

 

 

Tháng giêng

           

Váy đỏ

Em dạo quanh cây phượng

Chưa hé nụ.

 

(Rút từ tập thơ “hoa giấu mặt”, Nxb. Hội Nhà văn, 2012)

Mai Văn Phấn

 

 

 

 

Lời bình của tác giả Tuệ Mỹ:

 

Tháng giêng mở đầu của năm tính theo Nguyệt lịch, cũng là tháng đầu tiên của mùa xuân. Dân gian có câu "Tháng giêng là tháng ăn chơi". Khi nói đến tháng giêng người ta nghĩ đến ngày Tết, các lễ hội rộn ràng. Hình ảnh "váy đỏ" của nhân vật Em xuất hiện ngay từ đầu bài thơ như một tín hiệu của mùa xuân, của trăm hoa khoe sắc đưa hương. Tại sao không là váy hoa mà là "váy đỏ"? Váy hoa chẳng phải phù hợp hơn với mùa xuân trăm hoa khoe sắc thắm hay sao? Nhưng "váy đỏ" mới là tín hiệu đặc biệt của thơ ca. Nó được xuất hiện đột ngột và tình cờ trong một bài thơ ngắn, tối giản, báo trước một quy luật tất yếu của thiên nhiên.

 

Màu đỏ thường gợi lên cảm xúc mãnh liệt, nồng nàn, cháy bỏng… Theo thuật phong thủy, màu đỏ sẽ làm cho con người tự giác hành động nhanh hơn, cảm thấy mạnh mẽ hơn trong những lúc khó khăn, nguy hiểm. Trong hội họa, kiến trúc và thơ ca, màu đỏ thường gợi liên tưởng về hòn than trong lò, mặt trời chói chang, về ngọn lửa cháy rực. Điều nay đã được nhà thơ Vũ Quần Phương thể hiện trong bài thơ "Áo đỏ" của ông:

 

Áo đỏ em đi giữa phố đông

Cây xanh như cũng ánh theo hồng

Em đi lửa cháy trong bao mắt

Anh đứng thành tro, em biết không?

 

Vậy, màu "đỏ" của váy Em phải chăng là ngọn lửa của khát vọng, ước mơ, hoài bão tuổi trẻ. Màu đỏ ấy không thắp lửa "trong bao mắt", không khiến anh thành "tro" như màu đỏ áo của cô gái trong thơ Vũ Quần Phương, mà nó tự thắp sáng trong tim Em một khát khao mãnh liệt, một tình yêu nồng cháy đối với cuộc đời.

              

Có một điều kỳ lạ là mặc "váy đỏ" sao Em không đi dự lễ hội hoặc đi dạo giữa phố đông người, đi dạo giữa muôn hoa khoe sắc của mùa xuân mà lại "dạo quanh cây phượng / Chưa hé nụ"? Phượng chỉ nở hoa vào mùa hè. Còn lúc này đang ở tháng giêng nên phượng "chưa hé nụ" là phải rồi. Mà phượng chưa hé nụ thì có gì hấp dẫn để Em "dạo quanh" chứ? Đây lại là một hình ảnh thơ lạ gợi bao điều liên tưởng nữa. "Nụ" hoa phượng "chưa hé" nhưng chắc chắn "sẽ hé" và sẽ "bừng nở" hoa thắp lửa cả một vùng trời. Cũng như Em, hoài bão, ước mơ trong Em đang ấp ủ như những "nụ" hoa phượng kia chờ đến lúc thích hợp nó sẽ cháy bùng như hoa phượng nở rộ. Nhà thơ đã nhìn thấy màu hoa phượng đỏ từ “Tháng giêng”. Ở đây, Em và Thiên nhiên chính là sự thống nhất, là “muôn pháp về một” (Công án thiền), là sự đồng nhất, cùng quy luật chuyển động của vũ trụ, thế giới đa cực…

              

Bài thơ ba câu cực ngắn nhưng hàm chứa một thông điệp cuộc sống rất thâm thúy: sống, con người (nhất là tuổi trẻ) phải có khát vọng, ước mơ tốt đẹp. Khát vọng, ước mơ đó cần phải được ấp ủ, nuôi dưỡng ngay từ đầu để đến lúc thích hợp sẽ biến nó thành hiện thực. Có như thế thì cuộc sống con người mới có ý nghĩa cao quý.

            

Nghệ thuật thể hiện chủ đề của bài thơ thật đặc sắc. Hình ảnh thơ mang nhiều ý nghĩa biểu trưng và gợi nhiều liên tưởng. Tiêu đề "Tháng giêng" cùng với hình ảnh người Em gái nhỏ chẳng phải là hiện thân của tuổi trẻ? Màu đỏ của váy em cùng trường liên tưởng với màu đỏ của hoa phượng sẽ nở, chẳng phải là biểu tượng cho khát vọng, ước mơ cháy bỏng của tuổi thanh xuân? "Tháng giêng" mà trung tâm là màu "đỏ" của váy Em đã làm bật nổi chủ đề của bài thơ.

          

Bài thơ "Tháng giêng" là một trong những bông "hoa giấu mặt" của nhà thơ Mai Văn Phấn. Người đọc phải "nhìn bằng góc mắt nghiêng của mình" (Pornpen Hantrakool, giáo sư - dịch giả người Thái Lan) mới thấy hết vẻ đẹp hàm ẩn và đa nghĩa của bài thơ.

 

17/9/2015

T.M

 





Tranh của Tarsila do Amaral 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị