Đọc bài thơ “Con đại bàng" của Mai Văn Phấn (bình thơ) - Tuệ Mỹ

Tuệ Mỹ

 

 

 
Tác giả Tuệ Mỹ

 

 

 

 

Đọc bài thơ “Con đại bàng” của Mai Văn Phấn

 

 

 

 

Con đại bàng

 

Bay cao

Càng tin

Trái đất là giọt sương

 

(Rút từ tập thơ "hoa giấu mặt", Nxb Hội nhà văn, 2012)

Mai Văn Phấn

              

 

 

 

Lời bình của tác giả Tuệ Mỹ:

 

Đại bàng là chúa tể của các loài chim, chúa tể của bầu trời. Ngay từ câu thơ mở đầu “Bay cao”, nhà thơ Mai Văn Phấn đã cho ta thấy đại bàng hiện lên với một tư thế tuyệt đẹp, hiên ngang, ngạo nghễ giữa trời.

          

Khi bay cao đại bàng “càng tin”... Đại bàng đã tin điều gì? Và vì sao khi bay cao, đại bàng lại “càng tin”? “Càng tin” ở câu thơ thứ hai như bản lề khép mở nối kết ý câu thơ thứ nhất với ý câu thơ thứ ba: Trái đất là giọt sương

 

Đây là một thi ảnh rất lạ và đẹp. Một so sánh vừa hữu lý nhưng cũng vừa phi lý. Hữu lý ở chỗ, ở độ cao vót, trong mắt đại bàng, trái đất bị thu nhỏ giống như “giọt sương”. Còn phi lý ở chỗ, trái đất của chúng ta vốn là hành tinh một cá biệt trong vũ trụ, với hình dáng xù xì thô tháp lại được so sánh với cái mong manh, dễ tan biến nhưng trong suốt lung linh là “giọt sương”.

 

Một sự tương phản tuyệt đối về tính chất. Cái phi lý đó chỉ có thể có được ở cái nhìn của người nghệ sĩ mà thôi. Có phải đại bàng là sự hóa thân của nhà thơ Mai Văn Phấn, một con người có tâm hồn rộng mở với trời cao đất rộng nên mới có cái nhìn về vũ trụ đầy chất thơ và lãng mạn như vậy? Hóa ra trong mắt của đại bàng, trái đất là kết tinh những gì tinh túy nhất của đất trời muôn vật nhưng cũng rất đỗi mong manh. Lúc nhìn thấy “Trái đất là giọt sương”, đại bàng sẽ nghĩ gì? Chắc chắn là phải yêu thích say mê lắm. Chỉ yêu thích, say mê không chưa đủ mà còn phải hết sức nâng niu trân trọng kẻo “giọt sương” kia tan biến mất. Và dù là chúa tể của bầu trời nhưng đại bàng không thể tách rời trái đất. Vì trái đất là nơi chứa đựng sự sống, mọi điều kỳ diệu luôn diễn ra từng giây, từng phút. Trên đời này còn gí quý bằng sự sống chứ. Vì thế nếu không  trân quý gìn giữ thì sự sống cũng sẽ vỡ tan nhanh như “giọt sương” kia vậy. Ở câu thơ cuối, có phải tác giả muốn đề cập đến tầm nhìn và những trách nhiệm của con người phải bảo vệ sự sống? Đó chính là thông điệp cần giải mã về tương lai tồn tại của con người trên hành tinh này.

     

Có “bay cao” thì đại bàng mới càng tin “Trái đất là giọt sương”. Ba câu thơ làm hoàn chỉnh vẻ đẹp của Đại bàng: đẹp ở tư thế, niềm tin và đẹp ở tầm nhìn và cái nhìn về cuộc sống. Ba câu thơ đã vẽ nên đường bay của đại bàng. “Bay cao” là điểm xuất phát còn nhìn thấy “Trái đất là giọt sương” mới là cái đích đến của nó. Chính cái đích đến đó mới củng cố niềm tin cho đại bàng “càng tin” về cái nhìn của mình. Cũng như đại bàng, trong hành trình vào đời, con người trước hết phải có ước mơ, hoài bão, có niềm tin vào chính mình và vào cuộc sống. Đó là tư thế nhập cuộc. Có vậy mới giúp ta có cái nhìn tích cực về cuộc sống, biết yêu và biết trân trọng cuộc sống. Trong hành trình cái đích đến mới là cái quan trọng nhất.

 

Bình Định 29/4/2016

T.M

 

 

 

 

 





Tác phẩm sắp đặt của HS. María Alejandra Palacios, Venezuela








 

 


BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị