Đọc bài thơ “Vô tình trong nắng sớm" của Mai Văn Phấn (bình thơ) - Tuệ Mỹ

Tuệ Mỹ

 

 

 
Tác giả Tuệ Mỹ

 

 

 

 

Đọc bài thơ Vô tình trong nắng sớmcủa Mai Văn Phấn

 

 

 

 


Vô tình trong nắng sớm


Nước đọng dưới chân núi

Một viên cuội nằm trên phiến đá cao

Không chớp mắt trong tinh khôi, yên tĩnh

 

Đêm qua ở đây có mưa

Ai đã ngồi kia trước hay sau mưa nặng hạt

 

Tự nhiên nhớ em, rất nhớ

Anh không dám nhìn đi nơi khác

Để trời xanh ngấm xuống gót chân

 

Từng mưa to, mưa rất to

Tắm táp cho viên cuội nhỏ

Chỉ riêng hình ảnh này

Đã làm anh yêu đời mê dại

 

Hình như nắng sớm đang phủ lên đỉnh núi

Làm trong suốt lòng đất, lòng cây.

 

(Rút từ tập thơ “Vừa sinh ra ở đó”. Nxb. Hội Nhà văn Việt Nam- 2013)

Mai Văn Phấn    



Lời bình của tác giả Tuệ Mỹ:

Bài thơ được mở ra bằng một không gian bao la, hùng vĩ và yên tĩnh. “Dưới chân núi” có “nước đọng” và “một viên cuội nằm trên phiến đá cao” “không chớp mắt trong tinh khôi yên tĩnh”. Dưới ngòi bút của Mai Văn Phấn, viên cuội vô tri bỗng có hồn. Nó “không chớp mắt” vì say ngắm vòm trời “tinh khôi”và tận hưởng không gian “yên tĩnh” lúc này. Đang thả hồn trong  khung cảnh nguyên khởi, oanh nhi của buổi nắng sớm, tôi bỗng rơi vào một không gian khác khi đọc đến câu thơ “Đêm qua ở đây có mưa”. Đó là không gian của quá khứ “đêm qua”. Sự việc diễn ra trong đêm qua là có cơn mưa ở đây, dưới chân núi này... Một câu thơ ngắn mà chứa nhiều yếu tố: thời điểm (ban đêm), địa điểm (ở đây) và sự việc (có mưa). Đó cũng là lời lý giải ngắn gọn vì sao dưới chân núi có “nước đọng” vào lúc sáng sớm. Một lời lý giải thuyết phục. Nhưng tôi thật bất ngờ khi xuất hiện hình ảnh “Ai đã ngồi kia trước hay sau mưa nặng hạt”. Tôi như rơi vào trạng thái mơ hồ. Vì khi nói “Đêm qua ở đây có mưa”, người kể phải ở thời điểm hiện tại. Mà ở hiện tại sáng sớm thì làm sao nhìn thấy chính xác “ai ngồi kia” trong đêm qua (“kia” là đại từ xác định vị trí sự vật ở khoảng xa trong thực tại). Không chỉ mơ hồ về thời điểm mà còn mơ hồ về con người. “Ai ngồi kia” là ai? Một người nào khác hay là Anh? Người ấy ngồi trước hay sau mưa nặng hạt? Lần theo bước chân người kể chuyện, tôi đã dần khám phá:

 

“Tự nhiên nhớ em, rất nhớ

Anh không dám nhìn đi nơi khác

Để trời xanh ngấm xuống gót chân”

 

Đã rõ, người ngồi kia không ai khác mà chính là Anh. Anh “ngồi sau mưa nặng hạt”. Nhìn mưa, Anh “tự nhiên nhớ em, rất nhớ”. Nhân vật Em có thể là người yêu hay người em nào đó. Nhưng Mai Văn Phấn thường dùng Em để gọi tên cỏ, cây, hoa, lá, đất, nước… với tất cả sự trìu mến nên có thể hiểu Em trong ngữ cảnh này là thiên nhiên. Hình ảnh Em đã chiếm lĩnh tâm trí Anh “nhớ, rất nhớ”. Mà cũng lạ, nỗi nhớ không ùa về lúc nào khác mà lại ngay lúc mưa. Có phải vì tiếng mưa đã gọi dậy nỗi niềm tâm sự của con người và mưa ở đây cũng chính là hiện thân của Em đó. Nhớ Em, “Anh không dám nhìn đi nơi khác” và “Để trời xanh ngấm xuống gót chân”. Từ một hiện thực: nước mưa từ trên trời  đổ xuống ngấm đến gót chân Anh (đặt trên nền đất) , nhà thơ đã xây dựng nên một hình ảnh thơ lạ và độc đáo “ trời xanh ngấm xuống gót chân” để diễn tả thời khắc giao hòa của đất trời trong cảm nhận của con người. Với Anh, đó là thời khắc rất đẹp. Vẻ đẹp lúc trời đất giao duyên đã “ngấm” vào cơ thể và tâm hồn Anh. Lúc này “Anh không dám nhìn đi nơi khác” nghĩa là Anh nhìn thẳng vào Em để tận hưởng phút giây tuyệt đẹp đó.

                                     

“Từng mưa to, mưa rất to

Tắm cho viên cuội nhỏ

Chỉ riêng hình ảnh này

Đã làm anh yêu đời mê dại”

 

Đến khổ thơ này, nhà thơ lại đưa tôi về với hiện tại. Vì đêm qua có mưa nên “từng mưa to,  mưa rất to” đã “tắm táp cho viên cuội nhỏ”. Thiên nhiên vốn dĩ đã thanh khiết, sau mưa lại càng thanh khiết hơn vì được nước mưa thanh tẩy. Hình ảnh “viên cuội nhỏ” được mưa “tắm táp” thanh tẩy chắc chắn thanh sạch hơn bao giờ hết. Và “Chỉ riêng hình ảnh này/ Đã làm anh yêu đời mê dại”. “Hình ảnh này” tức là viên cuội nhỏ được thanh tẩy đã làm Anh yêu đến “mê dại” vì đó là hiện thân của thiên nhiên và của tâm hồn con người được thanh tẩy. Rõ ràng, trong Anh tình yêu thiên nhiên và yêu đời luôn hòa quyện, hợp nhất. Yêu “mê dại” là yêu mãnh liệt đến kiệt cùng. Có phải, với Anh, cái Đẹp, cái Cao cả là cái Anh tôn thờ và khát khao tận hiến?

 

Kết thúc bài thơ: “Hình như nắng sớm đang phủ lên đỉnh núi/ Làm trong suốt lòng đất, lòng cây”. Mở đầu bài thơ là hình ảnh “dưới chân núi” và kết thúc bài thơ là “đỉnh núi”. Một hình ảnh hô ứng, một kết cấu theo kiểu đầu cuối tương ứng. Có phải nhà thơ muốn lấy “núi”, hình ảnh thiên nhiên kỳ vĩ bất biến làm hình ảnh trung tâm biểu trưng cho cuộc sống vĩnh hằng? Cuộc sống ấy có tồn tại hay không còn phụ thuộc vào hai yếu tố NƯỚC và ÁNH SÁNG (ở bài thơ này là “nắng sớm”). Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ đặt hình ảnh “nước đọng” dưới chân núi và “nắng sớm” phủ trên đỉnh núi. Nước là nguồn sống cho đất, cho người không chỉ biểu trưng cho sự tái sinh mà còn biểu trưng cho sự thanh tẩy. Còn ánh sáng cũng vừa biểu trưng cho sự cao quý, trong sáng vừa biểu trưng cho sự thanh tẩy. Nước và ánh sáng trong bài thơ này nghiêng về sự thanh tẩy hơn. Nước thì “tắm táp” cho viên cuội còn nắng sớm thì “làm trong suốt” lòng đất, lòng cây. Và thanh tẩy để hướng về Chân, Thiện, Mỹ phải chăng là yếu tố tâm linh mà nhà thơ luôn vọng tưởng. Và đó có phải là tư tưởng chủ đề mà nhà thơ đã đặt ra cho tác phẩm. Hình ảnh “nắng sớm đang phủ lên đỉnh núi”  là thật nhưng vì nó đẹp quá, lung linh quá khiến nhà thơ lại “hình như” nó ở cõi nào. Ánh “nắng sớm” tràn ngập cả bài thơ như tình yêu “mê dại” của Anh về cuộc sống tốt đẹp  đang lan tỏa.

         

Tác giả đã hóa thân vào nhân vật Anh để kể chuyện. Người kể chuyện khi giấu mình, khi lộ diện. Nhưng dù ở trạng huống nào, Anh cũng bộc lộ một cách nồng nhiệt  tình yêu và sự đắm say về thiên nhiên và cuộc sống tốt đẹp.

        

Bài thơ được sáng tác theo hệ hình thi pháp cách hiện đại. Không ngôn từ hoa mỹ, không vần vè, nhịp điệu ổn định, nhà thơ chỉ chú trọng xây dựng không gian thơ và hình ảnh thơ. Một không gian mở có sức mê dụ người đọc thâm nhập vào một thế giới như thực như hư, thỏa sức thả trí tưởng tượng của mình bay trong không gian đa chiều đó. Nhiều hình ảnh thơ đẹp giàu sức gợi mở. Những chuyển động của hình ảnh đứt quãng, đột ngột, mở ra nhiều liên tưởng bất ngờ, phong phú, mới lạ cho người đọc.

           

Có “nghịch lý” gì không khi tác giả đặt tiêu đề “Vô tình trong nắng sớm” với cách thể hiện cảm xúc trong bài thơ. “Vô tình” mà sao lòng yêu thiên nhiên, yêu đời của Anh lại “mê dại” đến thế.

 

Bình Định, 18/9/2016

T.M

 

 

 

 

 


Tranh của Họa sỹ Phạm Long Quận









 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị