Khái lược về “Thuyết Proton” của Gjekë Marinaj - Mai Văn Phấn

Khái lược về “Thuyết Proton” của Gjekë Marinaj

 


Nói sao cho hết về người con gái Việt Nam - Tôn Vinh Văn Hóa Đọc

Nhà thơ tiến sỹ triết học Gjekë Marinaj



Mai Văn Phấn


Sáng tạo và tiếp nhận văn học vốn là hai mặt của sự tồn tại tác phẩm văn chương, là vấn đề then chốt của nghiên cứu văn học. Từ cuối thập kỷ 60 của thế kỷ XX, thuyết Mỹ học Tiếp nhận (Reception Aesthetic) đã khởi sinh từ Đức, do hai giáo sư Hans Robert Jauss[1] và Wolfgang Iser[2] khởi xướng, sau đó lan truyền khắp châu Âu và các châu lục khác. Đây là trường phái lý luận văn học, chủ trương cách tân đối tượng và phương pháp nghiên cứu văn học, không xem tác phẩm là đối tượng nghiên cứu thuần túy, mà mở rộng phạm vi nghiên cứu sang lĩnh vực tiếp nhận, khám phá mối tương quan giữa sáng tác và tiếp nhận. Từ đó đến nay có một số học thuyết khác đề xuất cho việc nghiên cứu, thực hành phê bình văn học, chuyển hướng từ văn bản trung tâm luận sang độc giả trung tâm luận. Trong bài viết nhỏ này, tôi chủ trương khái lược “Thuyết Proton” (“Protonism Theory”) của nhà thơ – tiến sỹ triết học Gjekë Marinaj, nhằm nêu bật những nội dung chính của lý thuyết, những nguyên tắc thực hành phê bình văn học, đồng thời đối chiếu với một số giai đoạn văn học Việt Nam.

 

Nhìn lại những biến động lịch sử qua từng thời kỳ cho thấy, đời sống văn học nhiều nước, trong đó có Việt Nam từng diễn ra phức tạp, rất khác biệt. Dưới chế độ phong kiến ở các nước phương Đông trước đây từng tồn tại dòng văn học chủ yếu bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị. Tư tưởng Nho giáo khi ấy chủ trương giáo hóa mọi tầng lớp xã hội từ bậc quân vương đến kẻ thứ dân, và, giữ vai trò độc tôn trong quan niệm thẩm mỹ. Đây chính là ngọn cờ chính trị mượn màu sắc tôn giáo đã được giai cấp thống trị vận dụng triệt để để lý giải các sự kiện chính trị, xã hội và văn hóa, cũng như lợi dụng nó trong những cuộc tranh giành quyền lực giữa các thế lực phong kiến.

 

Đầu thế kỷ XX đã nổ ra cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Từ đó kéo dài suốt gần một thế kỷ, thế giới bị phân chia thành hai cực, hai phe, Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa. Trong bối cảnh đó tại các nước Xã hội chủ nghĩa, văn học nghệ thuật được gắn kết một mục đích và nhiệm vụ tối thượng là phục vụ “Công-Nông-Binh”, phục vụ chính trị. Ở những quốc gia này, không chỉ văn học mà nghệ thuật nói chung đều chuyển động phiến diện, cực đoan. Ở Việt Nam trước những năm đổi mới luôn tồn tại khẩu hiệu “Nhà văn là chiến sỹ trên mặt trận văn hóa tư tưởng”. Sau khi Liên bang Xô-Viết tan rã, kéo theo sự sụp đổ của hệ thống chính trị ở các nước Đông Âu, thì mục đích của văn học lại chuyển từ thái cực ca ngợi, tô hồng sang bôi đen, phủ định. Với thái độ tiếp cận văn học như vậy, dĩ nhiên, đã làm sai lệch bản chất của văn học nghệ thuật, biến phê bình văn học thành một công cụ chính trị, với thái độ chủ quan và cảm tính.

 

Vào năm 2005, TS. Gjekë Marinaj đã đề xướng “Thuyết Proton” trong bối cảnh hỗn loạn các giá trị thẩm mỹ tại đất nước An-ba-ni quê hương ông, cũng như các nước trên bán đảo Ban-căng khi ấy. Lý thuyết này nhằm đáp trả cơn lũ của chủ nghĩa phê bình cực đoan tại các nước Đông Âu sau sự sụp đổ của khối Xã hội chủ nghĩa. Ý tưởng khởi phát của lý thuyết này được Gjekë Marinaj lấy từ khái niệm về một đơn vị cấu thành nguyên tử. Chúng ta đều biết, proton là loại hạt tổ hợp, một trong hai thành phần chính cấu tạo nên hạt nhân nguyên tử – đơn vị cơ bản của vật chất. Gjekë Marinaj muốn coi việc thực hành phê bình văn học là một trong những thành tố cơ bản trong việc đánh giá và khẳng định một tác phẩm văn học.

 

Thuyết Proton” được Gjekë Marinaj viết bằng tiếng An-ba-ni và trình bày tóm tắt bằng tiếng Anh. Qua trao đổi với tác giả được biết, “Thuyết Proton”, hiểu đơn giản nhất có nghĩa là tác giả cũng như đối tượng tiếp nhận văn bản văn học luôn cần có thái độ tích cực, xuất phát từ nhu cầu nghệ thuật thuần túy, không đánh đồng tác phẩm với bất kỳ ý thức hệ chính trị nào. Đặc biệt, người tiếp nhận văn bản văn học không nên dừng lại ở những khiếm khuyết, mà tập trung vào việc phân tích, làm nổi bật các mặt tích cực và vẻ đẹp của tác phẩm đó. Điều đó được coi như một phần thiết yếu của đạo đức tiếp nhận văn bản. Tâm điểm của lý thuyết là, khi nhà phê bình đối diện với một văn bản văn học, đầu tiên anh ta nên kiếm tìm “chìa khóa” để bước vào không gian thẩm mỹ của tác giả, tìm đến giá trị của trí tuệ và đạo đức trong tác phẩm ấy. Nếu nhà phê bình nhận thấy tác phẩm ấy ít giá trị nghệ thuật, thì nên gạt nó sang một bên, tạm để nó trong bóng tối, thay vì đưa ra những luận điệu chỉ trích, phủ định. Lối vào một tác phẩm văn học cũng giống như con đường dẫn tới một khu vườn, có thể đầy gai góc, hoặc có thể bị rào kín, nhưng người muốn vào khu vườn ấy không vì thế mà vội vàng đưa ra kết luận rằng nó đẹp xấu, hay dở thế nào khi chưa biết hết những gì có trong đó.

 

Thuyết Proton” của Gjekë Marinaj có thể tóm tắt trong năm nguyên tắc trung tâm như sau: sự bù đắp, tính chất Proton, đạo đức, thẩm tra, và sự thật[3]

 

1.Sự bù đắp: Nhà phê bình văn học được coi như một cố vấn đắc lực cho độc giả. Vì vậy anh ta phải bù đắp cho những tác động tiêu cực trong quá khứ của phê bình văn học và tìm cách đền bù cho độc giả những tổn thất trước đó, hoặc những thiệt hại mà họ có thể đã phải chịu trong quá khứ bằng việc hướng họ đến những khía cạnh tốt đẹp của cuốn sách chứ không phải những phần vô giá trị có thể hiện diện trong đó.

 

2. Tính chất Proton: Nhà phê bình văn học nên hiểu và hành động bằng thứ ngôn ngữ hết sức tích cực, và hiểu rõ tính biểu tượng trong văn chương là một thành tố của hành vi giao tiếp khi người đó viết một bài phê bình văn học về một cuốn sách cụ thể. Anh ta phải am hiểu các ngành ngữ dụng học, ngữ nghĩa học và cú pháp học.

 

3. Đạo đức: Nhà phê bình văn học cần có một hệ thống nguyên tắc đạo đức và phải tuân theo những quy tắc ứng xử được công nhận đối với một loại cụ thể trong hành động của con người, hoặc một nhóm, một nền văn hóa cụ thể v.v. Hành động theo cách tích cực khi viết về một cuốn sách.

 

4. Thẩm tra: Nhà phê bình văn học phải luôn theo đuổi sự thật tuyệt đối, nhưng cũng cần tìm kiếm thông tin và kiến thức về cách lựa chọn và trình bày nó cho người đọc.

 

5. Sự thật: Nhiệm vụ cơ bản nhất của nhà phê bình văn học là nói ra sự thật về những giá trị văn chương mà anh ta thấy trong cuốn sách, không bóp méo cái hay và bới tìm những yếu tố tiêu cực có thể dẫn người đọc trệch hướng khỏi những giá trị đích thực của cuốn sách. Anh ta phải am hiểu nhiều loại sự thật, chẳng hạn như trạng thái thực của một vật chất, sự phù hợp với sự thật hay thực tế, và những định lý toán học. Và anh ta nên hành động theo ý tưởng rằng, sự thật thường mang tính chủ quan và một người chỉ coi đó là sự thật khi đó là những điều họ tin là sự thật.

 

Năm nguyên tắc nêu trên có thể coi như những phương châm cần thiết cho một nhà phê bình chuyên nghiệp và đạo đức, giúp anh ta vượt qua những định kiến chính trị, và cả những cảm quan đang thống trị anh ta.

 

Đối chiếu với bối cảnh văn học Việt Nam đương đại, ta thấy một số điểm trong nội dung cơ bản của lý thuyết thực hành phê bình văn học Proton của Gjekë Marinaj cũng đã manh nha xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ XX và đã nằm trong nội hàm của một cuộc tranh luận văn học tại Việt Nam, nhưng rất tiếc ngay sau đó nó đã mau chóng chìm khuất. Đó là cuộc tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh, sôi nổi nhất, có tầm ảnh hưởng rộng lớn nhất diễn ra chủ yếu từ năm 1935 đến 1939, và có thể nói, dư âm của nó vẫn còn vang vọng tới tận bây giờ.

 

Sáng tạo luôn là công việc đặc thù của nghệ sỹ để làm ra cái mới, cái khác, làm phong nhiêu đời sống tinh thần dân tộc, cộng đồng. Trọng tâm của Thuyết Proton” không chỉ cụ thể hóa các thao tác thực hành khi phê bình văn học, mà tác giả còn nỗ lực tạo ra một đời sống thực tế sinh động cho nền tảng lý thuyết mới mẻ này. Báo Dallas Morning News (Hoa Kỳ) đã đánh giá rằng “Thuyết Proton” của Gjekë Marinaj đã tìm hướng “thúc đẩy tính tích cực và tư duy hòa bình” thông qua phê bình văn học[4]. 

 

Thực tế phê bình văn học Việt Nam gần cho thấy, phần lớn các nhà phê bình đều dựa vào những lý thuyết đã có sẵn, chủ yếu của phương Tây để đánh giá, thẩm định tác phẩm. Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy coi đó là cách nhìn “từ trên xuống[5]. Trong phần “Đôi lời thưa trước” của cuốn sách “Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy[6]”, Đỗ Lai Thúy cũng đưa ra một lý thuyết phê bình văn học “từ dưới lên”, tức là “kết hợp với kinh nghiệm sống và kinh nghiệm thẩm mỹ nhằm kiến tạo những mô hình nghiên cứu”. Hướng nghiên cứu của Đỗ Lai Thúy khá tương đồng với “Thuyết Proton” của Gjekë Marinaj, nhưng tiếc rằng xu hướng phê bình này hiện nay chưa thành phổ biến. “Thuyết Proton” khuyến nghị việc thực hành phê bình văn học theo hướng kiếm tìm những gì thuộc về giá trị thẩm mỹ, trí tuệ và đạo đức trong tác phẩm, theo nghĩa riêng của nó mà không lệ thuộc những lý thuyết phê bình đã định hình từ trước. Hy vọng “Thuyết Proton” do Gjekë Marinaj đề xuất sớm được các phê bình văn học của chúng ta vận dụng, tạo ra nhiều hướng mở cho việc tiếp cận tác phẩm văn học.

 

17/11/2018


 

_________________

[1] Hans Robert Jauss (1921 – 1997): giáo sư ngôn ngữ, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học và Nhân văn Heidelberg, Đức.  Ông cùng Wolfgang Iser đồng khởi xướng thuyết Mĩ học Tiếp nhận (tiếng Đức: Rezeptionsästhetik).  

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Hans_Robert_Jauss).

[2] Wolfgang Iser (1926 – 2007): giáo sư, học giả văn chương người Đức. đồng khởi xướng thuyết Mĩ học Tiếp nhận với Hans Robert Jauss.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Wolfgang_Iser).

[3] Người viết bài này dựa trên năm nguyên tắc mà TS. Gjekë Marinaj đã trao đổi qua email.

[4] Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Gjek%C3%AB_Marinaj.

[5] Chữ của Đỗ Lai Thúy.

[6] Tác giả Đỗ Lai Thúy; Nxb Hội Nhà văn, 2010.

 





Tập thơ "Những nguyên âm trong sương sớm" do Gjekë Marinaj dịch sang tiếng An-ba-ni






 











BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị