Hôm qua em đi Hội Thơ (tùy bút vui) - Lương Kim Phương

HÔM QUA EM ĐI HỘI THƠ

Lời kể của một “cô bé” lần đầu đi dự ngày Thơ Việt Nam tại Văn Miếu

(Tùy bút vui)




 

 

Lương Kim Phương
      

 

Ngày Tết Nguyên tiêu, em dậy từ lúc 4 giờ sáng. Trời mờ sương, lạnh buốt. Em mặc đồ ấm, sửa sang qua quýt bề ngoài (may không phải vấn tóc đuôi gà và thắng bộ áo dài mớ ba mớ bảy với nón thúng quai thao gì đó như thời trang 1930  của cô gái đi trảy hội chùa Hương năm xưa), rồi phóng xe qua đoạn đường hơn 20 cây số từ ngoại thành sang trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, tham gia đoàn Nhà văn Hải Phòng lên Hà Nội dự ngày Hội Thơ Việt Nam. Trên đường từ nhà sang phố, em mỉm cười với ý nghĩ: giá rét, mưa lạnh cũng không cản được ta đến với Thơ.

    

6h20, xe khởi hành. Mọi người không kịp ăn sáng, vì nóng lòng muốn lên kịp dự ngày Hội Thơ. Đoàn do nhà văn Đình Kính, chủ tịch Hội nhà văn Hải phòng dẫn đầu, khá hùng hậu, gồm các nhà thơ Hoàng Khôi, Trần Nguyên Thạch, Nguyễn Tất Hanh, Nguyễn Cường, Thuý Ngoan, Minh Trí, Trần Thị Lưu Ly, Thu Hằng, các nhà văn: Dương Thị Nhụn, Lương Văn Chi. Và em, lần đầu đi dự Hội, bé nhất nên cứ xưng “em” cho phải đạo. Một chuyến xe chở nặng thi ca. Nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hải Phòng đã đến Hà Nội từ hôm trước dẫn theo một đoàn nghệ nhân hát đúm của huyện Thuỷ Nguyên lên góp vui cho Hội Thơ. Em bị say xe nhưng vẫn không nhịn được cười vì những câu chuyện hài hước của nhà văn Đình Kính.

   
Bạn đọc chọn sách trong ngày Hội Thơ tại Văn Miếu, Tết Nguyên tiêu Giáp Ngọ. Ảnh: Pi


      

Xe đến Hà Nội lúc 9h. Rồi đến thẳng khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ai đó thật giỏi khi nghĩ ra địa điểm này để làm Hội Thơ Việt Nam hàng năm. Văn Miếu là khu đền Văn của cả nước. Quần thể kiến trúc Văn Miếu đặc trưng cho văn hóa tri thức như: cổng Văn Miếu, giếng Thiên Quang, Đại Trung, Khuê Văn Các, Đại Thành và cổng Thái Học. Qua hơn 700 năm từ thời nhà Lý đến thời nhà Nguyễn, nơi đây được gọi là trường Đại học đầu tiên của Đại Việt đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước. Bây giờ Văn Miếu trở thành một di tích thắng cảnh, nơi các sĩ tử ngày nay đến "cầu may" trước mỗi kỳ thi, và là nơi tổ chức ngày Thơ Việt Nam hàng năm vào ngày rằm tháng giêng.

   

Ngày Thơ năm nay có chủ đề: Mùa xuân đất nước - Từ Điện Biên đến Hoàng Sa, Trường Sa. Vừa vào tới “Thiên Quang tỉnh” (giếng Thiên Quang), nhà thơ Trần Nguyên Thạch đã trầm trồ trước triển lãm chân dung các nhà thơ thời kì chống Mĩ. Ông như không giấu được vẻ tâm đắc của mình khi gặp lại những gương mặt thi ca của thế kỉ trước như: Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ, Trần Ninh Hồ... Nhà thơ Thi Hoàng của Hải Phòng cũng được trưng bày chân dung ở đây.

    

Trong khi nhà văn Đình Kính, nhà thơ Trần Nguyên Thạch đang mê mải xem các tiết mục ở sân thơ chính thì em và các chị Trần Thị Lưu Ly, Thu Hằng kéo nhau vào sân thơ Trẻ. Em ngợp trước những quán thơ rực rỡ mang bản sắc các vùng miền. Này là quán của Hội Văn học - Nghệ thuật Lạng Sơn với sách báo và những đặc sản: rau rừng, rau cải làn, vịt quay, heo quay, rượu. Đây là quán của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Hà Giang với thịt gác bếp, ngô, súng sàng.  Kia là quán của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Nam Định treo những buồng chuối tiến vua rất đẹp mắt.

   

Quán Văn của Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hải Phòng đước dựng lên từ hôm trước trông khá giản dị. Có thể Chủ tịch Tô Hoàng Vũ cho rằng đặc sản của Hải Phòng chính là văn chương nên anh chỉ cho trưng bày trước quán thơ các loại sách báo, tạp chí nhằm quảng bá tác phẩm của các nhà thơ Hải Phòng. Nhà thơ Phạm Thúy Nga có mặt từ hôm trước để tham gia thi trình diễn thơ và lo việc bán sách, tạp chí. Vừa trông thấy em, Chủ tịch Tô Hoàng Vũ rất mừng vội giao cho em việc trông coi sách báo thay cho Phạm Thuý Nga chuẩn bị ra đọc thơ. Thế là em thành người quản lí quán sách thơ, tạp chí của Hội. Chủ tịch Vũ rỉ tai em: Cứ bán giá rẻ, thậm chí hạ giá thành khoảng 50% để thơ ca của người Hải Phòng đến với đông đảo độc giả. Vị Chủ tịch Hội hào hoa này đã nhận thấy chỉ nên vui vẻ đãi khách là chính, chứ chẳng thể cầu doanh thu lợi nhuận đối với những khách thơ có cái đầu nặng trĩu thơ phú mà túi tiền nhẹ tênh...

     

Không biết có phải vì văn thơ Hải Phòng được bạn đọc cả nước yêu mến hay vì sự ưu đãi về giá cả mà quán thơ của Hội  Hải Phòng rất đông người ghé thăm. Tạp chí Cửa Biển, tuyển tập Nguyên Hồng qua các trang thơ được nhiều người hỏi mua. Bán được nhiều nhất là các cuốn thơ của Mai Văn Phấn (người vừa đạt kỉ lục xuất bản thơ trong Hội nhà văn Việt Nam): Thơ tuyển Mai Văn Phấn, Hoa giấu mặt, Bầu trời không mái che (song ngữ), Vừa sinh ra ở đó...

   
Bạn đọc chọn sách trong quán Sách của Nxb. Hội Nhà văn VN. Ảnh: Pi


Đứng bán sách, em gặp phải khá nhiều vị khách đặc biệt. Một bác trung niên ăn mặc giản dị: Cô ơi, nhà tôi ngày trước ở gần nhà cụ Nguyên Hồng, cho tôi xin một cuốn thơ về cụ. Em phân vân, không rõ bác này là ai, rồi phải nói rằng mình không được quyền cho sách. Lát sau bác ấy quay lại với một người phụ nữ trông rất trí thức. Cô ấy bảo em: Cho tôi mua cuốn thơ Nguyên Hồng để tặng bác này. Nhà văn Dương Thị Nhụn vừa có mặt ở đó nhận ra đó là cô Thư, con gái nhà văn Nguyên Hồng, và đã thay mặt Hội tặng sách cho cô ấy. Lại một ông già râu tóc bạc phơ đến quán nói như mếu: Cô ơi, vừa rồi tôi được chủ tịch Hội của cô tặng sách nhưng bị đứa nào lấy cắp mất rồi. Cho tôi xin lại cuốn thơ về Nguyên Hồng. Rồi một vị đeo phù hiệu thành viên Ban tổ chức Ngày thơ đến hỏi mua cuốn Hoa giấu mặt của Mai Văn Phấn. Em lại phân vân, không biết có nên lấy tiền sách của Ban Tổ chức không. Nhà thơ Minh Trí vừa đứng đó thốt lên: A, anh Đỗ Hàn, Chánh văn phòng Hội Nhà văn VN! Nhà thơ trung ương này nhìn em và cười: Tớ muốn mua cuốn này của Mai Văn Phấn trong Ngày thơ. Phấn đã tặng sách tớ nhiều, nhưng tớ cứ thích mua ở đây. Em không dám lấy tiền nhưng nhà thơ Đỗ Hàn cứ khăng khăng đòi trả. Đành nhận vậy.

     

Quán thơ Hải Phòng đông khách tới mức nữ sĩ Vi Thuỳ Linh thấy thế đã đem 3 cuốn thơ của chị đến nhờ bán hộ. Nhà văn Lương Văn Chi đang phụ giúp em bán tạp chí Cửa Biển thấy người đẹp họ Vi thì nhanh nhảu nhận lời. Em được gặp thầy Văn Giá, chủ nhiệm khoa viết báo và viết văn trường Đại học Văn hoá Hà nội. Thầy thường ngồi trong Hội đồng chấm Luận văn Thạc sĩ bên khoa văn ĐHSP Hà nội nên em biết. Thầy Văn Giá đến quán thơ hỏi lấy mấy cuốn Vừa sinh ra ở đó cho sinh viên nghiên cứu. Em đưa luôn thầy hai cuốn. Thi thoảng lại có những vị khách đến hỏi về các tác giả Hải Phòng: Nhà văn Lưu Văn Khuê có đi hôm nay không cô? Nhà thơ Thi Hoàng, Mai Văn Phấn có đây không? Nhà văn Bão Vũ dạo này đi ở ẩn à? Nhà thơ Phạm Ngà bây giờ thế nào? Sao không thấy anh Hoài Khánh ở đây? Trời ơi, thật vui vì có nhiều người biết đến các tác giả Hải Phòng nhà mình.

 
Bạn đọc chọn sách trong quán Thơ của Hội LHVHNT Hải PhòngẢnh: Vũ Nhang



Có một khách thơ đứng tuổi, nét mặt ưu tư đượm buồn, hằn vết thời gian, đến hỏi mua tập thơ Mai Văn Phấn và tuyển tập thơ về Nguyên Hồng. Em bán giá ưu đãi. Người ấy cầm sách đi, rồi... không hiểu có gì níu kéo, lại quay lại ngập ngừng khẽ hỏi em về một tác giả của Hải Phòng. Em cũng không rõ lắm về tác giả này ngoài những gì đọc được trên báo chí. Người ấy đứng tần ngần một lát rồi đi. Em bâng khuâng. Một người thơ từng có một tri kỷ ở Hải Phòng, đã từng tan nát vì Thơ và vẫn còn nhớ đến bạn tri âm? Không biết. Có thể ai đó sẽ trách em đa sự, tự dưng đem một chuyện vẩn vơ đẩu đâu khi đang nói về một ngày hội vui mà mình giống như cô bé “mới mười lăm” lần đầu được tham dự. Bởi em chợt nhớ những câu thơ cũng chính về cô bé đi chùa Hương năm ấy, cũng thoáng ngơ ngẩn một chút tình buồn: “...Em nghe tà áo bay/ Em tìm hơi chàng thở / Chàng ôi, chàng có hay?...”

 

... Thế mà đã trưa rồi, mọi người trong đoàn xem xong trình diễn thơ lại tụ về quán Hội. Cả đoàn mới sực nhớ là từ sáng vẫn chưa ăn gì. Giá mà quán thơ nhà mình là quán ăn thì sẽ dùng tạm thức “nhà làm được” để đỡ lòng. Nhà văn Đình Kính bảo, sang năm ta tổ chức bán món bánh đa cua nổi tiếng của Hải Phòng. Cũng là ý hay. Nhưng em lại nghĩ: Bánh đa cua sẽ phiền toái bát đũa xoong nồi mắm dấm ớt..., e không được “thơ” lắm. Có khi ta làm món “Thơ nướng”, tức là viết thơ kiểu thư pháp lên bánh đa, đem nướng lên, bán cho khách yêu thơ. Khách đọc thơ xong, rồi “nhập tâm” luôn... Nghĩ vậy nhưng không dám nói ra vì em sợ Hội khác nghe thấy có thể sẽ “đạo” ý tưởng của Hội mình. Trộm đạo đâu cũng nhan nhản mà. Hì hì... À, lúc đứng trông quán, em vừa trông sách vừa kiễng chân ngóng xem mấy tổ khúc Thơ trên sân thơ trẻ. Em nghe được nhà thơ, nhạc sĩ trẻ Nguyễn Vĩnh Tiến hát và đọc thơ như nhập thần, xem Trương Xuân Thiên, Lê Vi Thuỷ, Bình Nguyên Trang trình diễn thơ. Nhưng... không biết trong những lúc say thơ như thế, sách của quán mình có bị mất trộm không. Chậc, có mất vài cuốn thơ thì cũng vui thôi. Chẳng phải an ủi là “thơ đi thay người”, mà, có kẻ trộm yêu thơ như thế thì cũng đáng... mừng cho Thơ lắm. 

      

Rồi Hội vui cũng tàn như mọi cuộc vui. Các liền anh liền chị quan họ Bắc Ninh hát lên câu Giã bạn tha thiết Người ơi người ở đừng về. Nhưng vẫn phải ra về kiếm gì ăn kèm với thơ, vì đói quá. Em và nhà văn Dương Thị Nhụn tổng kết cuộc doanh thu Thơ. Lãi quá lớn, nhưng không phải là thu về tiền mặt mà khoản thu vô giá về tình yêu của độc giả đối với các tác giả Hải Phòng. Rất nhiều khách thơ tìm đến quán đã được tặng sách hoặc bán giá ưu đãi. Đoàn ra tới “Thiên Quang tỉnh” đúng lúc những quả bóng bay mang theo những câu thơ hay, những “tuyệt cú”, được thả lên trời. Mọi người reo vui và chụp hình ghi lại khoảnh khắc cả một trời rực sắc màu thi ca.

     

Đã 12h 30. Vẫn chưa ăn gì. Cái bao tử không đùa với khách thơ, cứ réo lên ầm ỹ. Trên xe, cả đoàn chia nhau mấy cái bánh mì do nhà văn Đình Kính mua. Đến 2h chiều đoàn mới dừng lại Hải Dương ăn trưa tại quán ăn mang tên “Cánh Đồng”. Chẳng hiểu vì quá đói hay vì đầu bếp ở đây giỏi mà ai cũng thấy rất ngon miệng với các món ốc nấu đậu, cá quả kho, rau cần xào... Vừa lúc đoàn của Chủ tịch Tô Hoàng Vũ, Chánh văn phòng Nguyễn Thanh Vân và nhà thơ Đinh Thường đưa đoàn nghệ nhân hát đúm trở về cũng dừng chân tại đó. Mọi người được phen cười nắc nẻ khi nghe điệu hát đúm của hai nghệ nhân trong đoàn.

     

Ai đó có thể không hài lòng về điều này điều khác của ngày Hội Thi ca, mà hình như năm nào cũng có người chê trách chuyện nọ chuyện kia của ngày Thơ, vì bản thân Thơ cũng đâu có phải luôn được người ta yêu. Riêng em, lần đầu tiên được cùng các đàn anh đàn chị đi Hội Thơ, được nhìn thấy những nhà thơ lớn của cả nước. Em cứ muốn hát lên cái giai điệu của bài “Em đi chùa Hương”:

Hôm qua em đi hội Thơ / Ngày vui đẹp như mơ...

 

L.K.P

 


Đoàn Nhà văn Hải Phòng tại cổng Văn Miếu, Tết Nguyên tiêu Giáp Ngọ. Ảnh: Vũ Nhang

 

    

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị