Thơ và đời sống tâm linh (tiểu luận) - Mã Giang Lân

Thơ và đời sống tâm linh

 

 

 

GS.TS. Mã Giang Lân

 

 

 

 

Mã Giang Lân

 

 

Thế giới tâm linh, đời sống tâm linh là gì? Có hay không khi người ta chết thì linh hồn vẫn tồn tại? “Chết là thể phach còn là tinh anh” (Truyện Kiều). Chưa một giải đáp nhưng từ xưa đến nay, con người vẫn tin có một đời sống ở thế giới “bên kia”, một “đời sống tâm linh” luôn tồn tại, liên thông với đời sống hiện hữu hàng ngày. Những nhà khoa học, chính trị, kinh tế giàu trí tuệ không tin hoặc ít tin thì vẫn không đoạn tuyệt với “đời sống tâm linh”, vẫn thờ cùng tổ tiên, ông bà cha mẹ, vẫn tham gia những hoạt động lễ hội, thực hành những nghi thức giao tiếp với “đối tượng linh thiêng”. Ở các nước công nghiệp hiện dại cũng thế. Dù đời sống hiện đại đến đâu, người Nhật vẫn tin vào đấng linh thiêng vô hình. Họ đi vào đền chùa với thái độ  trang nghiêm cung kính. Người Nhật lấy tên Phật Bà Quan Âm đặt cho máy ảnh (Canon). Ở phương Tây, con người sống trong bao bọc của bởi nhiều vị thần vị thánh. Người tra tin có thần thánh. Điều đó không bàn cãi, đã là đức tin rồi. Các vị thần thánh hiện hữu vào từng vật dụng, công trình sáng tạo văn hóa văn minh hàng ngày. Nữ thần Tự do Nike (giày thể thao), Suturn (xe hơi), Diana (dầu thơn), Calyspo (điệu nhạc), rồi Poseidon, Tatans (hỏa tiễn), Apolo (phi thuyền). Tên các địa danh cũng lấy tên các vị thần: Philadelphia, Atlanta, Atlas, Orion,… Ở Pháp, tên các đường phố Paris: Saint Michel, Saint Germain des Prés,… Châu Á, Việt Nam, đền chùa luôn hiện diện trong đời sống tâm linh người dân. Các nhà nghiên cứu đã nhận ra hệ thống tôn giáo ở Việt Nam. Những tôn giáo truyền thống: thờ cúng trời đất, thánh thần, thờ cúng tổ tiên: Thổ Công, Thần Tài trong gia đình, thờ các tổ nghề, thờ Thành Hoàng, thờ cúng quốc gia (tế đàn Nam giao…). Những tôn giáo nhập nội (Nho, Phật, Đạo, Thiên Chúa)… Trong hệ thống đó, người Việt Nam nói chung có tâm thức tôn giáo đa thần, hỗn dung. Một người có thể thực hiện nhiều hành vi tôn giáo, miễn là ở đó có sự giao cảm và niềm tin của người sống với cõi linh thiêng, với “linh hồn” người chết, với Trời, Phật, Thần Thánh… Ở đó, con người được thanh minh, giãi bày, an ủi, cầu nguyện. Cái thế giới “bên kia” sẽ đem lại cho họ lẽ công bằng bác ái, sự may mắn, ý nguyện cái thiện thắng cái ác.

 

Ai cũng biết trong kho tàng văn hóa văn học thế giới không ít những tác phẩm lớn giá trị có liên quan đến thánh thần ma quỷ. Và những truyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích Việt Nam cũng chứa đựng bao nhiêu là Tiên, Phật, những thánh thần có công, những thế lực siêu nhiên tạo dựng một hệ thống tín điều, luân lý đạo đức… Gần chúng ta hơn là những tác phẩm đậm đặc yếu tố tâm linh, tâm thức tôn giáo của Đái Đức Tuấn Tchya (Tiếng ai hát giữa rừng khuya, Thần hổ), của Nguyễn Tuân (Trên đỉnh non Tản, Chùa Đàn…) và thơ của Hàn Mặc Tử. Cảm xúc thơ Hàn rộng mở từ Thiên Chúa giáo đến Phật giáo, Đạo giáo…

 

Mấy thập kỷ đất nước chiến tranh, tư tưởng tình cảm hướng về một phía, phía có ích cho dân tộc, đất nước mà quên đi cái phần sâu thẳm, đời sống tâm linh luôn hiện diện với con người. Và phần nữa cũng là quan niệm đơn giản, thô lậu cho đó là những mê tín cần xóa bỏ. Nhưng mỗi chúng ta khi đọc câu thơ Kiều của Nguyễn Du “Trông ra ngọn cỏ lá cây – Thấy hiu hiu gió thì hay chị về” là xúc động và cảm nhận linh thiêng như đối diện với một linh hồn, một số phận trong cõi hư vô. Cái tâm thế tâm cảm tâm linh luôn gợi đến niềm tin, sự linh thiêng tín ngưỡng tôn giáo. Niềm tin cao cả ấy được kết tinh thành những ý niệm, biểu tượng, người ta sùng bái tinh thần và là chỗ dựa cho những ai cần an ủi, cần cứu giúp. Rộng hơn đời sống con người, ngoài cái thực hàng ngày vẫn tồn tại một thế giới tinh thần với những bất chợt, bất giác, những hiện tượng tác dộng đến tâm cảm mà không dễ dàng giải thích. Những hiện tượng tâm linh này bí ẩn, phi lý, trực giác, ảo giác, linh giác, thoát khỏi ý thức của con người.

 

Cả hai cấp độ tâm linh không có giới hạn không gian và thời gian. Đời sống tâm linh gắn với tôn giáo. Tôn giáo là thế giới của lòng tin và đức tin nên tôn giáo cần ở con người một lòng tin tuyệt đối, thanh sạch và tận hiến. Con người trong thế giới hiện đại cảm thấy bất lực trước một hiện thực đầy biến động, đầy bất trắc nên tìm đến một đức tin, một niềm tin: đấng thiêng liêng, tôn giáo hướng đến những hình ảnh đẹp đẽ cao thượng mong sự tĩnh tâm an lành. Tâm thế hướng thiện và hướng thượng là tâm thế dựa vào niềm tin để hy vọng điều tốt đẹp.

 

Hoàng Cầm linh thiêng hóa, tôn giáo hóa một vùng văn hóa đã phôi pha. Thé giới thơ Về Kinh Bắc lặng lẽ, âm thầm, mê hoặc. Thời gian, khôn gian mờ ảo, nhạt nhòa mà có khả năng hóa giải những đau buồn đem đến một niềm tin dù còn xa vời vô vọng.  Thơ Hoàng Phú Ngọc Tường cũng đã chìm đắm trong cõi tâm linh “Những chiều Bến Ngự giăng mưa - Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi - Tôi ra mở cửa đón người - Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang” (Địa chỉ buồn). Rồi Thanh Thảo viết Đêm trên cát một đêm không ngủ của Cao bá Quát. Phùng Khắc Bắc viết Bài thơ riêng cho những người chết. Dương Kiều Minh viết Tự sự bên mùa, Vừa giấc mơ dịu dàng đậu xuống. Đặng Huy Giang ghi lại một hiện tượng tâm linh “Ta nghe có lửa – Cháy chưa hề nguôi – Và nghe nước nữa – Chảy chưa hề yên” (Không đề)… Cảm hứng thơ hướng sâu vào miền hư ảo bí ẩn để đối thoại với cõi tâm linh bộc lộ nhu cầu giãi bày, giải thoát, hy vọng được che chở. Vẫn là những điều muôn thuở của cuộc đời thực: sự sống cái chết, thiện ác, ở hiền gặp lành, phúc và họa… Thời kỳ Đổi Mới, văn xuôi Việt Nam đã khai thác thành công thế giới tâm linh. Đời sống tâm linh hiện lên ấn tượng qua nhiều tác phẩm: Bến trần gian của Lưu Minh Sơn, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai. Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Cợ Hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà, Người cõi âm của Trần Chiểu, Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh… Và thơ, trở về với tế giới nội tâm đầy phức tạp. Các tôn giáo (Phật giáo, Thiên Chúa giáo…) cũng góp phần tạo dựng cõi linh thiêng cao cả để tơ cầu nguyện, giải phiền mong cứu rỗi vươn tới vĩnh hằng. Chú ý chúng ta nhận ra các nhà thơ sau thế hệ chống Mỹ cứu nước có những đột phá chủ động tích cực. Họ đi vào miền sâu miền xa của không gian thời gian và tâm tưởng trong thế giới kỳ diệu của tinh thần con người với những trực giác, ảo giác, linh giác. Chính thế hệ các nhà thơ này làm nên sắc thái hồn cốt mới cho thơ Việt bằng nội lực mạnh và bằng những giao lưu giao tiếp sáng tạo với văn hóa văn minh bên nhoài. Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Mai Văn Phấn, Nguyễn Bình Phương, Đặng Huy Giang là tiêu biểu.

 

Thơ Nguyễn Quang Thiều gắn với tuổi thơ, với thiên nhiên đầy những huyền bí, những ám ảnh cội nguồn: Bài hát, Bài hát về cố hương, Cánh đồng… Nhiều tên bài thơ đã gợi lên đời sông tâm linh: Linh hồn những con bò, bản tuyên ngôn của những cơn mơ, Gọi hồn, Sám hối, Lòi nguyền, Thánh ca tĩnh lặng, Điều thiêng… Điều thiêng trong thơ Nguyễn Quang Thiều bắt nguồn từ tôn giáo dân gian. Những tín điều dân gian trở nên linh thiêng mầu nhiệm “Tôi hát bài hát về cố hương tôi - Bằng khúc ruột tôi đã chôn ở đó - Nó không tiêu tan - Nó thành con giun đất - Bò âm thầm dưới vại nước, bờ ao - Bò quằn quại qua khu mồ dòng họ - Bò qua bãi tha ma người làng chết đói… Tôi xin ở kiếp sau là một con chó nhỏ - Để canh giữ nỗi buồn – báu vật cố hương tôi” (Bài hát về cố hương). Không gian và thời gian đêm thích hợp với hành động viết và thuận lợi cho việc đối thoại với hư ảo hư vô của đời sống trần tục, trâng tráo. Đêm tối luôn xuất hiện, có trăng, có sao, nhưng bao trùm vẫn là bóng tối, bữa tối, đêm gần sáng. Trong cái không – thời gian mờ ảo, nhập nhoạng, huyễn hoặc, vạn vật đều có linh hồn, linh thiêng và thánh thiện: hơi thỏ linh hồn, linh hồn của ô cửa sổ, linh hồn hồ nước, linh hồn những con bò, linh hồn về giăng lưới “Tất cả những người chết trở về thành phố - Trà trộn trong những linh hồn thánh thiện – Những linh hồn ân hận, những linh hồn say đắm là những bóng ma” (Đoản ca về buổi tối). Những vật bình thường, tầm thường trở nên lung linh có ý nghĩa tích cực trong “thế giới đang tự sát”. ốc sên, châu chấu, cà cuống, nhện vàng, cỏ đuôi chó, rơm khô, lưỡi cày… Và như vậy, tâm thức cội nguồn làng quê, thiên nhiên hoang dã luôn là nơi gợi nhắc trở về: “Tôi bay qua những cánh đồng mùa xuân còn ái ngại - Qua những ngôi sao đã mở mắt nhưng lưỡi thì chưa mọc - Tôi gặp dơi của bình minh, sơn ca của bóng tối - Những ngôi mộ tổ tiên hắt sáng gọi tôi về” (Bài hát). Tất cả những chuyển động và biến đổi trong đêm. “Đêm” như một biểu tượng cho bản năng sống sinh sôi trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Cùng với một hệ từ ngữ: bóng tối, bữa tối, dêm tối, khuya, gần sáng, giấc ngủ… Đêm chứa đầy những khả năng tiềm tàng của cuộc đời, nảy mầm và những gì gợi về sự sống.


Đâu đây những bầu vú con gái tuổi mười lăm như những mầm cây đang nhoi lên khỏi mặt đất

… Góc vườn khuya cỏ thức trắng một mình

(Bài hát về cố hương)

 

Nhưng đêm vẫn là cái chưa được xác định, còn lẫn lộn, hỗn mang, còn tiềm ẩn những lo toan, bất ổn “Cứ đêm xuống - Bầy chó ngửa mặt lên trời - Sủa cay đắng, thảm sầu, man rợ... Sủa vào trăng? - Sủa vào ngọn đèn dầu? - Hay sợ đêm mà sủa vào bóng tối - Hay sợ nhau mà sủa vào nhau” (Bầy chó của tôi), “Đêm nhàu như tấm áo chó đang nhay” (Đêm gần sáng). Tính hai mặt của biểu tượng đêm luôn là một thách đố, một thách thức: vừa là tăm tối vừa là dự báo cho ánh sáng của sự sống.

 

Tôi đã sống những đêm gần sáng

Một chút lạnh cuối đêm, một chút ấm sang ngày

(Đêm gần sáng)

 

Trước cái vô thức mù mờ ấy, nhà thơ cần chỗ dựa “cần có một quê hương để được trở về mình” để được tràn đầy xung động sống.

 

Đưa các con về cánh đồng của bà nội

Các con sẽ tìm gom hài cốt

Của những mùa màng tàn tật

Mai táng lại trong đường cày mới

Để oan hồn của cái đói

Đêm đêm không đòi mạng cánh đồng

Và các con sẽ lấy hạt giống thần

Tổ tiên giấu vùi trong cái bát hương

Gieo bí mật xuống cánh đồng góa bụa

(Con bống đen đẻ trứng)

 

Vậy đêm là cứu cánh cho cõi thiêng đi về bay lượn hiện tồn trong sự chở che của tâm thức cộng đồng làng xã, tâm thức cội nguồn. Thơ Nguyễn Quang Thiều sinh sôi ám ảnh bằng biểu tượng cõi thiêng ấy.

 

Đời sống tâm linh trong thơ Nguyễn Bình Phương ở cấp độ khác. Khác với thơ Nguyễn Quang Thiều, thơ Nguyễn Bình Phương muốn hướng tới một cách cảm, cách lý giải khác về hiện thực băng một nhãn quan đặc biệt. Cái hiện thực ngổ ngang phàm tục xô bồ bất trắc đổ vỡ được gợi lên qua những ký tự lạ liên kết lạ của thi ảnh. Nhà thơ sử dụng mộng mị vô thức để mê hoặc người đọc. Tên một số bài thơ: Trò thiêng, Luân khúc, Linh nham đêm, Linh miêu, Khách của trần gian… có màu sắc tâm linh, nhưng chất tâm linh, chất thiêng không đậm bằng chất lạ. Lạ trong cách ghĩ, cách nhìn, trong cách ứng xử từ ngữ. Những tiếng lạ tạo nên cảm giác lạxuất hiện dày đặc gây chú ý người đọc: xa thân, mở lời, ngôi sao chết trắng, trăng lác đác, bên kia giấc ngủ, bên kia bầu trời, “đi lìm lịm vào gương như khói”… Lạ trong cách nhìn “đeo kính khác nhìn sang cuộc đời khác” (Buồn). Mò ảo mung lung hư ảnh “Những quả đồi lơ mơ tối – Lơ mơ vạt cỏ gianh – Ngôi nhà rét – Chiếc cần giếng cong queo… Gió đã từng đến reo - Em đã từng thờ ơ hoa trắng” (Ngày đông). “Nhìn thật kỹ hàng cây thật đỏ - Màu đỏ giăng chập trùng ngang trời – Sáng trong bóng tối” (Đêm ngà ngà). Lạ trong cách cảm mờ ảo gợi nhớ và liên tưởng phóng túng trong mơ trong đem, trong khôn gian thời gian nhạt nhòa hòa lẫn “Không phân biệt – Ngủ bên ngoài mái hiên hay ngủ trong lòng mẹ”. “Một ngày không ai – Con đường vắng hồn hoa đi lảo đảo” (Đêm ngà ngà). Những câu thơ không xác định, suy tưởng cách nào cũng khó khăn nhưng thôi thúc người đọc giải mã, tìm kiếm ngữ nghĩa. Mà tìm ngữ nghĩa của thơ là điều không dễ, không nên. “Ngày xưa ở nước mông lung – Chưa thấy mặt trời tình không ký ức – Cuốn theo ánh sáng màu hung – Mải mê hai ta đi tìm thêm bóng” (Xa thân). Bóng là người, là hình ảnh của những cuộc đời: “Họ đột ngột xuất hiện – Tựa bóng ma thôi ra đi từ sương – Đàn ông trên lưng ngựa đen – Đàn bà mang bạc lạnh – Không khí kêu trầm trầm quanh họ - Như tiếng kêu của những con dao – Gặp giấc mơ sát chủ” (Chợ núi). “Người đi xem xác của người – Hoàng hôn một bóng trăng vơi giữa đàng” (Ca). Bóng cũng hiện hình linh vật đồ vật. “Cái bóng nhòa nhòa quẩn trong mơ – Nhẹ tênh không va đập” (Cái bóng). Thơ Nguyễn Bình Phương thấp thoáng nhiều cái bóng. Nó chính là hình ảnh của những hiện tượng, sự vật thoáng qua, hư ảo, bất thường. Đó là hiện thực duy nhất của mọi hiện tượng qua ảo ảnh. Chúng ta vẫn quan niệm bóng gắn với/ là một phjaanf của con người, cũng được kính trong như linh hồn người. Người ta tránh dẫm lên bóng người khác và không cho trẻ con nhìn bóng. Trẻ con buổi tối nhìn bóng người (trên tường, trên vách, nền nhà…) khi ngủ sẽ hay mơ, giật mình, bất an. Bóng, nơi trú ngụ của linh hồn luôn gắn bó với con người. Bóng của những bông hoa bị ngắt run run về đậu trên cuốn, hồn hoa lảo đảo đi trên đường, bức tường đổ “còn lại bóng chỗ ngồi” (Bài thơ năm khổ). “Chỉ còn lại bóng những hàng cây” (Hình ảnh cuối cùng). “Chạm bóng gày chới với” (Linh nham đêm). Con người chỉ là những cái bóng, nhẹ bước trong sương mù, không rõ mặt. Vậy thì bóng trong thơ Nguyễn Bình Phương, ý thức hay vô thức vẫn linh thiêng, dù đó chính là cái tôi đích thực của nhà thơ. Nhà thơ tự soi vào bóng mình để chiêm nghiệm.

 

Không chảy cùng sông một cái bóng

Anh ngó anh đâu phải là anh

Là hư ảnh từ búa xua hư ảnh

Búng tay lên yên ả tan tành

(Tuổi bốn lăm ngồi cạnh sông)

 

Nhìn cuộc đời bằng một hệ mỹ học khác qua những thao tác hòa lẫn cái thực và cái ảo, cái hợp lý và phi lý, ý thức và siêu thức tạo ra cáo kỳ lạ, như bất ngờ thơ Nguyễn Bình Phương lấn sang trạng thái giao thoa với cõi tâm linh.

 

Đến với thơ Mai Văn Phấn, chúng ta ngập vào một thế giới đậm đặc những tín điều, giáo lý và những nghi thức hành lễ của tôn giáo. Tính hòa đồng tích hợp nhiều tôn giáo chủ yếu là đạo Thiên Chúa, đạo Phật, đạo Mẫu làm nên cảm hứng thơ Mai Văn Phấn phong phú màu sắc. Tôn giáo là nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tạo nghệ thuật (thơ ca, âm nhạc, hội hoa, kiến trúc…). Ở đấy, người nghệ sỹ từ trên thế giới tâm linh hướng vọng đến một thế giới bên kia thực tại, thực tại trở nên linh thiêng huyền bí. Con người cảnh vật luôn hiện diện trong một quá trình phồn sinh, hóa sinh, hướng thiện. Tôn giáo đã được in đậm và được lưu giữ bền vững trong nghệ thuật. Lý luận nào, tâm lý học nào cũng không thể phủ nhận môi trường sống, xã hội, kiến thức văn hóa ảnh hưởng đến tư duy nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn. Cảm hứng tôn giáo tạo nên chiều sâu tâm linh. Tôn giáo và tâm linh là sự cộng sinh ở nhiều bình diện cảm xúc nghệ sỹ.

 

Trước hết, tâm thức thơ Mai Văn Phấn được dẫn dắt bằng ánh sáng, tinh thần cơ bản của Thiên Chúa giáo: Cầu nguyện ban mai (1997), Nghi lễ nhận tên (1999), rồi rửa tội, ban phép lành thánh thể “Ánh sáng đã ngủ yên – Trong vòng tay của đêm – Ta đang hồi sinh” (Nghi lễ cuối cùng). Không gian thời gian được linh hóa, thấm đẫm tinh thần Phật giáo “Hồn mình dựa chốn mong manh – Rồi hư danh ấy cũng thành hư không” (Kinh cầu ban mai). Những linh hồn, luân hồi, đầu thai, kiếp sau như một lẽ vô thường sắc sắc không không, hợp rồi tan, được rồi mất “Anh vừa đọng xuống thu gày – Đã đông thánh đá phủ đầy rêu xanh” (Khúc cảm mùa thu). Hiện tại hư ảo, quá khứ hiện về “Dường như chuông đổ ngoài kia – Bà tôi nón lá áo the lên chùa” (Người cùng thời). Trong tình yêu với em, Mai Văn Phấn cũng ở tâm thế phật tử đối diện với em – đấng linh thiêng.

 

Ngược dốc tới gần cổng chùa

Khuôn mặt em chợt hiện Quán Thế Âm Bồ Tát

 

Mang chiếc túi màu nâu

Cổ cao, váy chùng, nhẫn trắng...

Vòng vòng hào quang

 

Trong vòm trời sáng láng

Tâm tưởng con xin sấp mình

 

Thân con rỗng không

Hạc khô chiếc mõ chân tâm trì chú...

(Lên chùa)

 

Và trở về với đạo Mẫu, tôn giáo dân gian căn cốt Việt, lấy đó làm tinh thần độ thế che chở:

 

Mẫu nâng niu con ánh trăng

Tiếng chuyền cành, tiếng hú

Da thịt con yêu trải sâu đêm tối

Dựng tầng mây mưa nguồn

(Cửa Mẫu)

 

Đạo Mẫu là văn hóa tâm linh đồng thời cũng là hiện thân của quá khứ tổ tiên. Vì vậy, thờ Mẫu cũng là một nghi thức hành lễ gợi nhắc cội nguồn.

 

Mai Văn Phấn sống trong/  hòa vào một cách tự nhiên, hồn nhiên với những biểu tượng của văn hóa tôn giáo. Tôn giáo là linh thiêng cao cả. Tôn giáo “thần thánh hóa” đời sống hiện hữu và nâng lên thành đời sống tâm linh. Chúng ta quan niệm tất cả những gì là hư ảo, liêu trai… tác động đến tâm cảm con người đều mang màu sắc tâm linh. Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ của Mai Văn Phấn vượt khỏi điều thiêng, ám ảnh kinh dị về một hiện tượng tâm linh, một thế giới khác, có một âm bản – hồn người – bóng ma. Một ông khách đến chơi. Chủ nhà “Pha xong ấm trà - Quay ra - Ông khách không còn ở đó - Gọi điện thoại - Người nhà bảo ông mất đã bảy năm”. Chủ nhà sang hàng xóm, lại trở về nhà tiếp ông khách “Trong nhà - Trà vẫn nóng - Đẩy chén nước về phía ông khách đã ngồi. - Luồng tử khí cao chừng một mét sáu dựng đứng trước mặt - Chốc lại cúi gập”. Thế thì tin, một niềm tin về sự tồn tại hồn người sau khi người ta chết, nghĩa là có tồn tại cõi sống của thế giới “bên kia”.

 

Trong chuyển động chung của xã hội, thơ của chúng ta đã hội nhập với thơ của thế giới, mở rộng biên độ, phong phú phức tạp và có những cách tân táo bạo. Các nhà thơ chủ động khẳng định con người cá nhân cá tính từ nhiều bình diện. Nhờ thế thơ đã trở về với chính nó, lộ diện những giá trị nhân văn, giá trị thẩm mỹ mới. Tập trung vào một số nhà thơ với những văn bản tiêu biểu, tôi muốn nhìn kỹ hơn những nét độc đáo, những tìm tòi độc sáng của thơ ở phương diện đời sống tâm linh, điều mà một thời chúng ta ít chú ý đến nhưng vẫn trường tồn trong đời sống tinh thần chúng ta. Nếu như không có điều đó chắc chắn tinh thần chúng ta, văn học nghệ thuật của chúng ta sẽ nghèo nàn, mất mát đi nhiều màu sắc. Trên con đường chênh vênh giữa thực và ảo, tĩnh tâm và mê hoặc, cảm thức tôn giáo và tâm thức tâm linh, thơ thực sự đã có được vẻ đẹp riêng và sức sống, sức hấp dẫn đặc biệt. Tất nhiên một nền thơ đa dạng, đa trị cần mở ra nhiều hướng đi, hướng tỏa. Tâm linh tôn giáo chỉ là một nhưng vô cùng ý nghĩa: có khả năng lưu giữ tâm hồn dân tộc, có sức lôi cuốn, tái sinh tái tạo thơ, mang lại cho thơ những cảm xúc thiêng liêng huyền bí. Einstein từng nói: cảm xúc trước sự huyền bí là cảm xúc sâu xa nhất của con người./.

 

M.G.L

 

 

(Nguồn: Tạp chí Thơ, số 12/2015)

 

 

 

 

TIỂU SỬ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN LÊ VĂN LÂN

 

Bút danh: Mã Giang Lân. Sinh năm 1941, tại Thanh Hóa. Tốt nghiệp đại học ngành Văn học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1965. Nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Văn học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1985. Hiện ông là chủ nhiệm bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Được công nhận chức danh Giáo sư năm 2002. Được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2002. Được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2010. Các hướng nghiên cứu chính: Văn học Việt Nam thế kỷ XX, thể loại văn học tập trung vào thơ.

 

Tác phẩm đã xuất bản:

- Bình minh và tiếng súng (thơ, 1975)

- Hoa và dòng sông (thơ, in chung 1979)

- Một tình yêu như thế (thơ, 1990)

- Tuyển tập Tế Hanh (tuyển chọn giới thiệu, 1987)

- Thơ Thâm Tâm (sưu tầm, giới thiệu 1988)

- Văn học Việt nam (1945-1954) (chuyên khảo, 1990)

- Thơ - Những cuộc đời (tiểu luận, 1992)

- Sức bền của thơ (phê bình, tiểu luận, 1993)

- Thơ Việt Nam 1945-1954 (chuyên luận, 1995)

- Tìm hiểu thơ (chuyên luận, 1996)

- Những lớp sóng ngôn (thơ, 2013) đoạt Giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013.

 

Các công trình và giải thưởng khoa học tiêu biểu:

 

- Văn học Việt Nam 1945 – 1954 (viết chung). Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1990. Nxb Giáo dục tái bản 1998.

- Tiến trình thơ hiện đại Việt Nam. Nxb Giáo dục, 2000, 2001, 2004.

- Thơ - Hình thành và tiếp nhận. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004.

- Văn học hiện đại Việt Nam - Vấn đề - Tác giả, Nxb Giáo dục, 2005.

- Những cấu trúc của thơ, NXB ĐHQGHN, 2011.

 

(Nguồn tiểu sử tác giả: www.ussh.vnu.edu.vn và www.thivien.net)

 

 

 

 

 

  
Tác phẩm của Nhiếp ảnh gia Noell S. Oszvald (Hungary)

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị