Thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại nhìn từ hệ hình tư duy (tiểu luận) - Nguyễn Thị Chính

Thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại nhìn từ hệ hình tư duy

 

 


Tác giả Nguyễn Thị Chính






Kỷ yếu Hội thảo

 

 

 

maivanphan.com: Hôm nay, 28/4/2016, tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (418 Đường La Thành, HN) đã diễn ra Hội thảo quốc gia “Thế hệ nhà văn sau 1975”. Hội thảo do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức, nhằm tổng kết và đánh giá những thành tựu của giai đoạn văn học thời kỳ Đổi mới. Cùng ngày, Ban tổ chức Hội thảo đã phát hành cuốn sách “THẾ HỆ NHÀ VĂN SAU 1975: Diện mạo và Thành tựu”, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, 4/2016. Xin xem phần Mục lục sách dưới dây! Website maivanphan.com sẽ lần lượt đăng tải một số tham luận về thơ cách tân sau 1975, rút từ cuốn sách trên. Trước tiên, xin trân trọng giới thiệu với Quý Bạn đọc bài viết “Thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại nhìn từ hệ hình tư duy” của tác giả Nguyễn Thị Chính, Trưởng Bộ môn Văn học và Lý luận - Đại học Đồng Tháp.

 

 

 

 

Nguyễn Thị Chính

  

 

1. Khái lược về thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại 

 

Trước khi đi vào vấn đề, chúng tôi xin được thống nhất về cách hiểu thơ văn xuôi. Cho đến nay, quan niệm về thơ văn xuôi vẫn còn tồn tại nhiều ý kiến phức tạp. Song, ở đây, chúng tôi hiểu thơ văn xuôi (prose poem) là thơ viết bằng văn xuôi. Cụ thể hơn, nó là thể thơ có cấu trúc câu giống như câu văn xuôi, tổ chức theo mô hình của văn bản văn xuôi, không chịu sự ràng buộc của hệ thống niêm luật nào. Thơ văn xuôi tồn tại ở hai dạng. Dạng chuẩn là những bài thơ được trình bày theo hình thức văn bản văn xuôi tự do, không phân dòng, có chăng chỉ phân đoạn. Dạng thơ văn xuôi mở rộng, đó là khi vùng mờ, vùng tranh chấp của thơ văn xuôi kéo dài. Khi đó, nếu kéo về phía trục thơ, thuộc về thơ văn xuôi sẽ gồm cả những bài thơ tự do có câu thơ dài từ 11, 12 âm tiết trở lên, kéo về phía văn xuôi, nó cũng gộp cả những bài văn xuôi trữ tình có dung lượng tương đối ngắn. Ta có thể hình dung qua sơ đồ sau:

 

TVX mở rộng                    TVX chuẩn                    TVX mở rộng

Thơ                                                                               Văn xuôi

----------------------------------------------------------------------------------->                 

 

Tiếp đến là vấn đề ba hệ hình thơ Việt Nam. Do Việt Nam là “vùng lõm của thế giới phẳng” nên “các hệ hình không nối tiếp nhau mà “gối tiếp nhau”. Chính sự gối tiếp đó, tạo ra “sự đồng tồn, các hệ hình tồn tại song song với nhau”. Đặc điểm này không chỉ thể hiện ở nền thơ Việt Nam từ những năm 30 của thế kỉ XX đến nay mà còn ở ngay trong sáng tác của một tác giả (chẳng hạn như Hàn Mặc Tử, Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều,…). Do đó, chúng tôi xác định thuộc hệ hình thơ hiện đại là những thi phẩm đậm dấu ấn tượng trưng, siêu thực, hiện sinh, với tư duy thơ nhảy cóc, đứt đoạn, ngôn ngữ biểu tượng, giàu sức ám gợi, chủ thể trữ tình là hình ảnh con người không thuần nhất, luôn có sự đan chồng hay dung chứa trong nó những đối cực, luôn chịu sự tra vấn, giằng xé giữa sự tin tưởng và hoài nghi, giữa ý thức và vô thức, khẳng định mình rồi lại tự phủ định, hi vọng rồi tuyệt vọng,… Song, ở những điểm này hiện đại và hậu hiện đại lại có sự gặp gỡ nên với những bài thơ ngoài những điểm chung đó, còn biểu hiện trội hơn ở tính phi lí, siêu hư cấu, hài hước, giễu nhại, chúng tôi xếp vào hệ hình hậu hiện đại.

Theo cách hiểu đó, thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại đã chớm xuất hiện từ hậu kì Thơ mới và kéo dài cho đến những sáng tác hiện nay. Tuy số lượng không nhiều, song diễn trình thơ văn xuôi hiện đại cũng đã liên tục tiếp nối. Ở giai đoạn thượng nguồn, những vần thơ văn xuôi hiện đại của Hàn Mặc Tử chưa thực sự mang đầy đủ đặc điểm của hệ hình hiện đại. Trong Chơi giữa mùa trăng vẫn còn hiện hữu yếu tố lãng mạn khá đậm song bằng sự dẫn dụ của thứ ngôn ngữ mê sảng, bằng những liên tưởng thơ bất chợt, sự chuyển kênh liên tục của hình ảnh, cảm giác, bài thơ đã tựa như “một dòng tâm tư bất định” dẫn dắt người đọc đến với miền sâu thẳm của tâm linh, phiêu bồng, chênh chao trong một thế giới có thể xem là cõi mộng, cõi trú của tác giả.


Những vần thơ văn xuôi của nhóm Xuân Thu nhã tập không thể hiện được sự cách tân mạnh mẽ theo hướng hiện đại như trong thể thơ 5 chữ, 7 chữ hay thơ tự do của họ song với thứ ngôn ngữ gợi cảm, giàu tính biểu tượng cùng với tư duy đứt đoạn cũng đủ đưa Giọt sương hoa của Phạm Văn Hạnh và Đất thơm của Nguyễn Xuân Sanh đứng vào vị trí là những thành công của thơ văn xuôi hiện đại giai đoạn đầu.

 

Thơ văn xuôi của Nguyễn Đình Thi cũng là một dấu ấn. Nằm trong nền thơ sử thi nhưng những sáng tác của ông không đi vào phản ánh những vấn đề mang tính sử thi như thơ văn xuôi của Chế Lan Viên hay Huy Cận giai đoạn này. Nó là những nghiệm sinh về đời sống, về con người với những vấn đề thường hằng muôn thuở. Nhịp điệu phần nhiều đã không còn vịn vào nhịp âm thanh qua bề nổi của ngôn từ mà thường xuất hiện là nhịp của hình ảnh, của ý tưởng, chủ đề thường ở dạng ngầm ẩn, nhiều khơi gợi và “tính gián đoạn, tính đồng hiện, cái ngẫu nhiên, bất ngờ…” cũng đã hiện diện. Tiêu biểu với những bài Nơi dựa, Truyền thuyết về chim phượng, Niềm nhớ, Có lẽ, Giọt sương, Những chiếc lá, Buổi chiều cuối năm,...

 

Ở mảng thơ văn xuôi hiện đại miền Nam, nhìn bao quát, đó là tiếng nói của một thế hệ hoang mang, bế tắc trước cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt, xót xa cho thân phận lạc loài. Không đối diện được với cái “thực tại rữa nát”, con người trong thơ văn xuôi miền Nam bấy giờ đi tìm một thực tại khác – thực tại của vô thức, tâm linh, thực tại của những giấc mơ. Nhưng rồi ngay ở cõi ấy họ cũng chỉ có giấc mơ đen (Một mình trong giấc mơ đen – Cao Thoại Châu), có những giấc mộng chìm sâu dưới cõi đen và cũng chỉ bắt gặp những mặt trời đen, những hình ảnh hãi hùng (Bò già và chim vàng – Phan Bá Thịnh). Trốn chạy khỏi cuộc đời mà nhìn đâu cũng chỉ thấy vô nghĩa và nhàm chán nên tâm thức thường trực trên những trang thơ văn xuôi lúc bấy giờ là cảm giác trống rỗng, là nỗi bất an, tuyệt vọng. Trong thơ xuất hiện đầy những từ ngữ đậm cảm thức hiện sinh: hư vô, lạc loài, xa lạ, buồn nôn, hiện hữu, vong thân, lưu đày và nhiều nhất là cô đơn, cô độc. Cô đơn ngay ở chốn đông người, đến độ cảm nhận được cô đơn chạy rần rần trên thân thể (Cao Thoại Châu) – cô đơn đến mức chỉ còn có thể tách đôi mình ra để chuyện trò, tâm sự nhưng rồi giữa “tôi và mình”, “tôi và nó”, “tôi và cái tên tôi”  không sao có cùng chung nhịp, không sao khớp được vào nhau (Đêm - Thanh Tâm Tuyền). Thật sự, hiện diện trong thơ văn xuôi hiện đại miền Nam là những tâm hồn thăm thẳm bốc cô đơn(Những hồi trong tiền kiếp - Mai Trung Tĩnh), là những thân phận bơ vơ, lạc loài, những con người mang mặc cảm bị ruồng bỏ. Thể hiện đậm nhất trong những cây bút thơ văn xuôi tiêu biểu: Thanh Tâm Tuyền, Mai Trung Tĩnh, Tô Thùy Yên, Nguyễn Quang Hiện, Duy Thanh, Huy Tưởng,…

 

Sau năm 1975, đặc biệt là sau Đổi mới 1986, thơ văn xuôi hiện đại ghi được dấu ấn ở một số sáng tác của Thanh Thảo, Hoàng Hưng, Đặng Đình Hưng, Vi Thùy Linh, Phạm Thị Ngọc Liên, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Thúy Hằng,… Thơ văn xuôi hiện đại giai đoạn này đã có những cách tân mạnh mẽ không những ở nội dung cảm hứng mà cả phương thức biểu hiện.  Đi vào phản ánh hiện thực thì đó là phần hiện thực phức tạp, gai góc hay các mặt khuất lấp (Khối vuông Ru-bích - Thanh Thảo), đi vào tâm hồn con người thì có những thi phẩm thơ văn xuôi đã lặn sâu vào cõi vô thức để dò tìm, chộp bắt cả những “rung cảm chưa rõ rệt, những tâm trạng đương sinh thành” (thơ vụt hiện của Hoàng Hưng, Bến lạ của Đặng Đình Hưng), đặc biệt nó dừng lại khắc sâu những khao khát đậm tính bản năng, nhất là vấn đề tính dục (Duyên, Nghiệp, Đường phố 2, Đường phố 3Một ngày – Hoàng Hưng, Anh anh em emNhững bông hoa mùa thu – Mai Văn Phấn,  Linh, Lá thư và ổ khóa – Vi Thùy Linh, Quà tặng của thượng đế - Phạm Thị Ngọc Liên,...). Tính dục đã được đề cập không chỉ là vấn đề sinh lí mà nó gắn với ý thức giải thiêng, giải phóng con người và còn gắn với ý thức nữ quyền ở những cây bút nữ. Các cây bút thơ văn xuôi thời kì này đi sâu vào cái bản thể, mổ xẻ tận cùng nó nên cảm giác cô đơn cũng buốt lạnh hơn (Ô mai – Hoàng Hưng, Giấc mơ – Phan Huyền Thư). Cảm giác lo âu, bất an, hay hoài nghi, khủng hoảng tràn ngập (Lời cầu nguyện, Gọi hồnBài ca những con chim đêm – Nguyễn Quang Thiều, Thế giới hiện hữu – Vi Thùy Linh,...). Tâm thức ấy là hệ quả của cái nhìn về một hiện thực không hoàn mỹ, một hiện thực nham nhở, loang lổ, phi lí, một thế giới rời rã không có sự gắn kết. Trong thơ là những hình ảnh rời rạc, những liên tưởng nhảy cóc, dòng suy tư đứt đoạn,... Bài thơ thường xuất hiện ở dạng thức mở, không hoàn tất về ý nghĩa, không hoàn chỉnh trong hình thức kết cấu nào so với kiểu sáng tác trước đó. Nói chung, bằng mỹ học truyền thống, người đọc sẽ thật sự khó khăn khi đến với kiểu thơ không phải truyền cảm mà là gợi cảm này.

 

2. Thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại nhìn từ kiểu tư duy

 

Thế giới đối với cái nhìn của nhà thơ hiện đại không còn dừng lại ở những điều quan sát được bằng con mắt sinh học. Đối với họ, đó chỉ là hiện thực bề ngoài giản đơn, hời hợt. Chỉ ở bên trong nó hay phía sau, phía trên nó, nơi chứa đựng vô tận những điều chưa biết mới là giá trị thực và đáng được quan tâm. Do đó, trong thơ hiện đại những cái sáng tỏ, bề mặt, ngoại giới đã được thay thế bằng cái tiềm ẩn mờ mờ nhân ảnh, cái nội thể, tức những gì thuộc về đời sống bên trong. Và khi hiện thực đã được dời vào bên trong thì nó không còn là hình ảnh với những chi tiết rõ ràng mà là vô số những hình ảnh xuất hiện từ đa phương hướng, chồng chéo đan xen. Để chụp bắt được nó, tái dựng lại nó bên cạnh phải dùng đến một thứ ngôn ngữ mới, thì điều tiên quyết hơn là cần đến kiểu tư duy mới: tư duy đứt đoạn, phi tuyến tính.

 

Tư duy đứt đoạn qua mạch vận động của hình tượng thơ

 

Mạch vận động của hình tượng thơ tiền hiện đại được tổ chức theo tư duy liên tục, liên tưởng logic. Bài thơ là sự vận động và kết thúc của một dòng chảy tâm trạng hay trình bày một ý tứ hoàn chỉnh. Tất cả mọi yếu tố, chi tiết xuất hiện đều nằm trong chỉnh thể, có mối liên kết chặt chẽ trong việc khắc họa hình tượng, biểu hiện ý thơ. Cũng có thể xuất hiện những liên kết tự do, liên tưởng bất ngờ song mạch thơ luôn phát triển phù hợp với qui luật bên trong của cảm xúc, của suy nghĩ, phù hợp với diễn biến khách quan của hoàn cảnh hay sự việc nhất định. Chẳng hạn như Cành phong lan bể của Chế Lan Viên. Ý tưởng bao quát của bài thơ là niềm tự hào, ngợi ca vẻ đẹp, giàu của một vùng đất, qua đó là niềm tự hào về cuộc sống hiện tại, là tình yêu sâu đậm đối với đất nước, quê hương. Ý tưởng ấy được triển khai cụ thể, chặt chẽ qua các bước lập ý: mở đầu là sự khẳng định tình yêu đối với đất nước. Tiếp đến, tác giả đi vào vùng đất cụ thể: Cẩm Phả, Cửa Ông, một Vùng Mơ - Vùng Thơ. Đoạn thơ này tập trung ngợi ca vẻ đẹp giàu của trời biển Hạ Long: vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, sự giàu có của tài nguyên biển. Và trong niềm tự hào về vùng mỏ hôm nay, chủ thể trữ tình có lúc hồi tưởng về những tủi buồn của vùng mỏ xưa khi bị giặc thù chiếm giữ. Đoạn thơ sử dụng phương thức kể, tả, phép liệt kê, so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, câu hỏi tu từ, đặc biệt là những liên tưởng bay bổng không chỉ làm nổi bật màu sắc, đường nét, không gian, cảnh vật mà còn rạo rực cảm xúc ngợi ca, tự hào. Đoạn còn lại là những liên tưởng hướng về một viễn cảnh đầy hứa hẹn của vùng đất giàu đẹp này - một thành phố tương lai. Nhìn chung, hình tượng trong bài thơ là hình tượng đơn tuyến, vận động tuần tự, cũng có xuất hiện những liên tưởng độc đáo, bất ngờ (những hồi tưởng đối lập xưa - nay, những liên tưởng bay bổng) song, tất cả vẫn nằm trong mạch cảm xúc, suy tưởng của tác giả: tự hào về vẻ đẹp, giàu của quê hương.  

 

Mạch vận động của hình tượng hay thi tứ trong thơ hiện đại thì khác. Do quan niệm chức năng thơ không phải để bộc bạch những trạng thái cảm xúc thông thường, không phải phản ánh hay mô phỏng cái hiện thực biểu kiến, mà phải hướng đến thể hiện đời sống bên trong, cái “hiện thực thứ hai” huyền nhiệm, ẩn giấu sau hiện thực tri giác được nên mạch vận động của hình tượng thường được tổ chức theo logic riêng của nó: phi logic hay siêu logic. Hình tượng thơ trên bề nổi văn bản thường rất khó xác định bởi những chi tiết, hình ảnh xuất hiện một cách rời rạc, hỗn loạn, với những liên tưởng tưởng chừng như tùy tiện. Nó rời rạc, đứt đoạn với cái nhìn về một thực tại vỡ vụn. Nó như một “thể lỏng” chảy trôi vô định với những hình ảnh tán loạn, hỗn độn trong cái nhìn của cảm quan tâm linh. Đó là kiểu hình tượng trong nhiều thi phẩm thơ văn xuôi hiện đại của các tác giả Hàn Mặc Tử, Phạm Văn Hạnh, Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Mai Văn Phấn,… Bài thơ Tần Thủy Hoàng của Phạm Văn Hạnh là những suy tưởng như không có sự kết nối. Những khoảnh khắc hay chùm thơ Đường phố của Hoàng Hưng, Những chuyển dịch màu đen của Nguyễn Quang Thiều, Đồng hồ vĩnh cửu của Nguyễn Lương Ngọc, Bức ảnh, trái cây và giấc mơ của Mai Văn Phấn,… là vô số những hình ảnh đột hiện, chồng chéo đan xen nhau, kết nối nhau cũng bằng logic nhảy cóc, hoàn toàn khác lạ so với quan hệ nhân quả của cái nhìn duy lí tuyến tính ở thơ tiền hiện đại. Song, đằng sau những hình ảnh rời rạc, tưởng chừng tồn tại độc lập ấy vẫn có liên hệ ở bề sâu, ở mạch ngầm của nó. Bài thơ của Phạm Văn Hạnh có hai phần. Phần đầu là đoạn văn xuôi viết về cuộc đời nhân vật Tần Thủy Hoàng với những sự kiện đốt sách, chôn học trò, diệt chư hầu, xây Vạn Lý Trường Thành,… những sự kiện mang tính xác thực với số liệu, thời gian cụ thể. Phần thứ hai – thơ văn xuôi, là những suy tưởng của chủ thể trữ tình về tình yêu. Hai mảng nội dung biệt lập, song vẫn có mạch ngầm ý tưởng nối kết giữa chúng. Đó là tư tưởng con người hãy nổ lực khắc phục sự hư vô. Song, để lần ra được ý tưởng ấy, theo tác giả Trần Ngọc Hiếu(1), người đọc không chỉ phải hướng tới những lớp nghĩa ở bề sâu ngôn từ của văn bản mà còn phải tiến tới cách đọc liên văn bản tức phải đặt bài thơ vào trong những luận điểm triết học mà tác giả đã nêu ở phần Trọng nằm kề trước bài thơ. Tần Thủy Hoàng, trong cảm nhận của tác giả, là một siêu nhân, nên thơ…và tàn bạo. Ở phần Trọng trước đó, tác giả cho rằng “bạo chúa” là “nghệ sĩ”: Họ là nghệ sĩ pha màu tội ác trên tấm vải muôn dân. Phát siển cái tôi đến cùng hạn thoát khỏi khuôn sáo lũ đông. Nối kết tư tưởng này với bài thơ, sẽ thấy, trong suy tưởng của nhà thơ, hành động của Tần Thủy Hoàng chính là sự nỗ lực phi thường của cá nhân để kháng cự lại những cái vô nghĩa vô vị, những rào cản quy định của đám đông. Suy tưởng này tạo sự móc nối tương hợp với phần thứ hai của bài thơ – những suy tưởng về ái tình. Với tác giả thì “trong mọi cái vô vị ở đời ái tình còn là cái ít vô vị nhất và trong mọi cái hư không, có chăng chỉ mùi hương một áng tóc mây là sự thật. Tôi nghĩ đến ngày tôi không còn tin ở tình yêu…Trời! xin đừng bao giờ cho tôi trông thấy ngày đó”. Đối với tác giả, tình yêu là cái ít vô vị nhất, cái duy nhất là sự thật giữa trăm nghìn sự hư không. Và con người hãy biết tựa vào tình yêu để lấy sức mạnh khắc phục sự hư vô.

 

Nếu tư duy đứt đoạn thể hiện qua cách xây dựng hình tượng trong Tần Thủy Hoàng chỉ mới dừng lại ở sự liên kết ý lỏng lẻo, mờ nhạt trên bề mặt của hai mảng nội dung thì đến Đồng hồ vĩnh cửu của Nguyễn Lương Ngọc đã là sự đứt mạch liên tục của những liên tưởng, cảm giác, ảo giác,… qua sự xuất hiện của vô số những hình ảnh ngẫu nhiên, bất định, thực - ảo biến hóa không cùng. Bắt đầu với chi tiết thực: Trên tường, trước mặt, có cái đồng hồ ba kim cứ giật giật chạy. Không rời mắt được nó, chủ thể trữ tình nhấc nó xuống, phát hiện raphía sau là một cửa sổ tròn. Và bên kia cửa sổ này đã là thế giới của cái ảo, cái mơ hồ, mộng mị: bể đêm hun hút trong trẻomấy ngôi sao đang tắm, đang bơi, và một đứa trẻ đang kêu cứu. Tiếp theo là những suy tư lẩn thẩn: kim giây là con, kim phút là bố, kim giờ là ông… kim giờ là con, kim phút là bố, kim giây là ông… kim phút là bố. Bố là con của ông, rồi hình ảnh đứa trẻ xuất hiện trở lại nhưng giờ thì Kêu cứu chán, nó lại bơi, nghịch nước, toe toét cười, phô cái lợi hồng hồng… với Đôi mầm răng sữa như hai cái mộng hoa. Cứ thế, tiếp tục cũng là những hình ảnh xuất hiện không có sự báo trước, không có liên quan gì trực tiếp với nhau: chuyện cái đầm nhiều sen, mỗi mùa nở một cách ở quê nhà, chiêm nghiệm về lẽ thường hằng đậm màu triết lí: Là hoa thì nở, dẫu biết nở là chết; sự xuất hiện của tiếng chuông cùng hình ảnh sư nữ bên chùa: thở dài… Nàng nằm đầu nhớ tóc lênh láng quanh gối… Đôi vú nàng nhớ đôi môi của đứa con, đôi môi của người tình… rồi tiếng thét, con mèo, một bông sen nở. Trình hiện trong bài thơ, rõ ràng, không còn dừng lại là hiện thực khách quan, hiện thực nhìn thấy, cũng không chỉ là con người hữu thức hiện diện bấy lâu nay. Sự đan chồng của những thực - ảo, hữu thức – vô thức, sự đột hiện của liên tiếp những hình ảnh, sực chợt hay lan man của những suy tư, nơi chốn thiền môn thanh tịnh, con người nuối tiếc về khát vọng trần thế… Tư duy đứt đoạn, phi tuyến tính ở đây đã giúp nhà thơ trong việc trưng nguyên đời sống vốn dĩ đã hiện tồn như thế, không cần phải đi qua sự biên tập, cắt xén, sắp xếp của lí trí để nó trở nên hợp lí, mạch lạc, thuần nhất hơn như người ta vẫn làm. Bài thơ thể hiện cái nhìn về thế giới đang hiện hữu của riêng tác giả, là “sân khấu” cuộc đời như cách gọi của ông. Đó là nơi ông vừa là tác giả, diễn viên diễn cương, vừa là người xem, vừa là chính tác phẩm và cuộc đời đang sinh ra nó. Sân khấu ấy có bao nhiêu mảnh ghép, bao nhiêu phân cảnh, bộn bề, lộn xộn nhưng nó rất thực, rất đời. Và, mỗi người muốn xem nó, phải tự chọn lấy cho mình một góc nhìn, một cách tiếp cận để cảm nhận hay thưởng thức.

 

Tư duy đứt đoạn qua liên kết ngôn từ

 

Không chỉ đứt đoạn trong kiến tạo thi ảnh hay hình tượng, kiểu tư duy này trong thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại còn thể hiện rõ nét qua liên kết ngôn từ.

Xét về mặt ngôn ngữ, thơ hiện đại đã thật sự là một cuộc cách mạng so với thơ ca hệ hình tiền hiện đại. Tư duy hiện đại đã phủ nhận thực tại biểu kiến cũng đồng thời phủ nhận luôn cái tạo ra thực tại ấy là thứ ngôn ngữ của chủ nghĩa hiện thực, nó dùng đến ngôn ngữ mới để kiến tạo một thực tại mới theo quan niệm của mình. Ở đây, ngôn ngữ không còn là công cụ mà đã là “ga đến và ga đi của những chuyến thơ”. Sự sáng tạo ngôn ngữ là vấn đề được chú ý hàng đầu trong sáng tác thuộc hệ hình thơ này. Ở thể thơ văn xuôi nó cũng không là ngoại lệ. Thử xét các đoạn thơ sau:

 

– Gỡ mình ra khỏi trói buộc thời gian, con chim không làm tổ trên tầng nhà kín. Vài cọng rơm nhặt ngoài đồng nội, hương của tóc em – anh tưởng tượng.

Bỏ ngoài quá khứ những hòn sỏi chìm xuống đáy nước trong. Anh thèm khát.

(Mặt trời tìm thấy – Thanh Tâm Tuyền)

 

– Biển hà hát. Tóc mướt. Vòng cong. Ríu rít cánh bàng bàng. Chấm chấm nở. Phanh phanh bay. Núm núm.

Tay vò giấy. Sáng ù xe cộ. Săn tiếng. Trôi dạt. Óc tim trơ. Dù quăng gọng xé. Thét còi. Hồn tiêu tán chở vàng lang thang góc ghế. Xòe tóc nhăm nhe vứt tưởng lục. Du du.

(Những khoảnh khắc – Hoàng Hưng)

 

– Chào đi! Tôi trở về lên 1, những hạt đỗ trắng, đen rơi quanh cái gối gỗ đầu jường xuống sàn và mọc mầm, kệ tồ tồ đứa bé cứ việc đái zầm đêm đau thương không để cách đêm phải hâm lên mới zùng được.

Tuổi lên 1, tôi đường phố Teta những con alfa – Têta nhỏ mím đầu đường fở đất mở rộng ngày chủ nhật zẫn con theo.

(Bến lạ – Đặng Đình Hưng)

 

- Bầu trời ngộp lông – gà – lông – vịt     tiếng hắt xì nặng mùi      ngũ vị. Những trường học trên lửa, người người được học về nỗi sợ, những bài học kéo dài từ đêm trước qua đêm sau       Mỗi đêm nỗi sợ luyện thành một thanh gươm cắm trên đầu   một người    một nơi gió về. Đó là thứ nhạc tôi muốn nghe       không phải lúc nào cũng hay nhưng là thứ nhạc an toàn…

(Bầu trời lông – gà – lông – vịt – Trần Tiến Dũng)

 

HAI GIỌT SỐNG GẶP NHAU VÔ ĐỊNH EM KHỎA LÊN ANH TỪNG ĐỢT SÓNG CHÌM DẦN VÀO DA MỊN TÓC TƠ TRUYỀN BẰNG MÃ RIÊNG ĐƯỜNG CONG THƠM THOÁNG BÍ ẨN…

(Mail cho em – Mai Văn Phấn)

 

Ta thấy, đoạn thơ của Thanh Tâm Tuyền là những cụm từ rời rạc, thiếu sự gắn kết ở bề mặt ngữ pháp do lược bỏ tất cả những từ liên kết, tạo nhiều khoảng trống mà người tiếp nhận phải tự lấp đầy. Ở đoạn thơ của Hoàng Hưng thì không chỉ là những cụm từ rời rạc, thiếu liên kết với nhau mà còn là những từ ngữ không thể đặt cạnh nhau, chúng vẫn sóng đôi nhau. Đoạn thơ không có sự tồn tại của thao tác tư duy ngôn ngữ, ngôn từ cứ như được thả phóng theo những ấn tượng vụt hiện từ tiềm thức, vô thức. Đoạn thơ của Đặng Đình Hưng là sự trộn lẫn những con chữ bất qui tắc, phi ngữ pháp, phi chính tả và cũng vượt rào chắn của ý thức. Tác giả không chỉ dùng những từ lạ, là biến âm của những kí hiệu thuộc khoa học tự nhiên như alfa, Mêta, têta, dùng cách viết thay đổi chính tả (gi=j, d=z), mà có đoạn còn khước từ cả dấu câu, từ bỏ sự minh định rõ ràng của các thành phần câu. Đoạn thơ của Trần Tiến Dũng chỉ là ngôn ngữ đời thường được kết hợp cũng theo logic ngữ nghĩa bình thường nhưng cách trình bày có sự khác lạ: Tác giả đục rỗng văn bản, tạo những khoảng trống. Còn tác giả Mai Văn Phấn trong đoạn thơ trên và trong cả chương VII của trường ca Người cùng thời,  lại chủ ý trình bày với kiểu chữ in hoa.

 

Trên là đơn cử một số dạng ngôn ngữ nổi bật trong thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại. Kiểu ngôn ngữ với những liên kết như trên xuất hiện khá nhiều trong thơ văn xuôi của các nhà thơ này. Hay hay dở, có chấp nhận được hay không, tùy thuộc vào quan điểm của người tiếp nhận. Song, với những thể nghiệm này, đã cho thấy đây là sự nỗ lực trong việc làm mới ngôn ngữ của người sáng tác. Và mới ở đây không chỉ là tạo ra những tổ hợp từ lạ hay cách trình bày lạ mà đáng nói hơn là, việc làm mới này xuất phát từ một quan điểm mới về ngôn ngữ: ngôn ngữ không còn là công cụ, là cái biểu đạt cho một cái được biểu đạt sau nó, bản thân nó cũng là cái được biểu đạt. Và điều đáng nói nhất ở đây là những cách tân ngôn ngữ, cụ thể là ngôn từ này đã bộc lộ rõ sự hiện diện của kiểu tư duy đứt đoạn. Từ những liệt kê trên, có thể thấy sự đứt đoạn trong liên kết ngôn từ ở thơ văn xuôi hiện đại thường xuất hiện với hai dạng:

 

Thứ nhất là đứt đoạn ngay ở bề mặt câu chữ. Đó là những chuỗi từ rời rạc, lỏng lẻo về mặt ngữ pháp và như vô nghĩa hay thật sự khó hiểu về ngữ nghĩa theo cách hiểu thông thường. Hoặc khi có sự liên kết bình thường thì tác giả lại trình bày nó một cách khác thường: cách viết phi chính tả hay kiểu chữ không theo thông dụng hoặc đục những khoảng rỗng. Tiếp xúc ngôn ngữ ở dạng này, người đọc chắc chắn phải “khựng” lại, phải dừng lại lâu hơn với những con chữ thay vì bình thản chuồi theo dòng cảm xúc theo chiều tuyến tính. Thơ ở hệ hình tiền hiện đại, tiếp xúc với nó, người đọc có thể bịt mắt thả hồn mơ theo những dòng thơ bởi câu chữ chính là phương tiện chở họ vào thế giới của du dương, thế giới của những cảm xúc bồng bềnh hay một hiện thực được lí tưởng hóa. Còn câu chữ ở thơ hệ hình hiện đại này đã đóng vai trò là nhân vật và nhà thơ thậm chí còn chú ý đến nhân vật này hơn là chú ý đến điều họ kể với chúng ta. Tiếp xúc ngôn ngữ ở dạng liên kết này, người đọc chỉ còn cách tự suy đoán, tự tìm lấy sợi dây liên kết ngầm ở đằng sau mặt chữ. Cơ sở của sự xuất hiện loại ngôn ngữ này phải chăng như tác giả Đỗ Lai Thúy đã nhận định: “Ngôn ngữ (…) để tương ứng với một thực tại vỡ vụn, rời rạc cũng trở nên rời rạc, vỡ vụn(2)? Nó thật sự là loại ngôn ngữ phản ánh bản chất đứt đoạn, phân rã của hiện thực, phản ánh sống động kiểu tư duy đứt đoạn.

 

Dạng thứ hai là kiểu ngôn từ xuất hiện như dòng chảy của vô thức, nó dấp dính, đan bện vào nhau trải dài miên man. Có thể thấy trong thơ văn xuôi Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng, Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều,… Ở dạng này, khi sáng tác, trí tuệ dường như hoàn toàn thụ động, vô thức dẫn dắt ngòi bút nên bài thơ thường là những chuỗi hỗn độn, đan xen, chồng chéo. Logic ngôn từ ở đây như hóa lỏng, thành phần câu không minh bạch, ý tứ chẳng rõ ràng. Ngôn ngữ thơ tổ chức theo dạng này có thể giúp nhà thơ thâm nhập vào tận vùng sâu thẳm của tâm linh, chạm tới được những vùng cảm giác mông lung hay những cảm xúc mơ hồ. Song, rõ ràng để thấu cảm được nó đối với người đọc là không dễ. Nó cũng là sự đứt đoạn.

 

Có thể nói, tư duy đứt đoạn đã phá vỡ tính thống nhất, liền mạch của hình tượng cảm xúc, liên tưởng thơ cũng như phá vỡ sự chặt chẽ trong liên kết ngôn từ. Điều này đã giúp cho thơ văn xuôi hệ hình này có thể áp sát đời sống, nhất là đi vào khám phá phần bản thể người, thăm dò tiềm thức, vô thức nơi vốn chỉ có sự nhập nhòe, chập chờn, không minh định, nơi mà thứ ngôn ngữ chuẩn xác, kiểu tư duy tuyến tính không dễ tiếp cận. Song, thực tế sáng tác cho thấy thành công ở phương diện là điều không dễ, bởi không khéo nó sẽ rơi vào trường hợp cảnh báo của Octavio Paz: “Nếu mỗi người nói một thứ tiếng riêng, sẽ chẳng ai hiểu gì. Đó chính là sự cáo chung của ngôn ngữ”. Và biểu hiện của kiểu tư duy này còn cho phép nhà thơ có thể đan chen vào thi phẩm cùng một lúc nhiều mạch thơ, nhiều chủ đề, làm nên tính đa tầng độc đáo cho văn bản. Tác giả Đỗ Lai Thúy khi nói về Bến lạ đã chỉ ra cấu trúc đa tuyến của thi phẩm này(3). Trần Ngọc Hiếu cũng đã lấy bài thơ văn xuôi Cuộc đối thoại của nước (Dạ Thảo Phương) để minh họa cho hiện tượng đan lồng nhiều mạch thơ trong một bài thơ(4).  Về phía người tiếp nhận, kiểu tư này buộc họ phải đọc nó bằng cách đọc khác. Phải phát huy tối đa sự liên tưởng để có thể lấp đầy những khoảng trống trong bài thơ. Song, cũng chính sự đứt đoạn này lại đưa đến cho họ sự tự do trong cảm nhận – mỗi người sẽ đọc bài thơ theo cách, theo khả năng liên tưởng của mình.         

 

N.T.C

 

 

_____________

(1) Trần Ngọc HiếuBước đầu tìm hiểu một số đặc điểm của thơ văn xuôi và sự thể nghiệm của thể thơ này trong phong trào Thơ mới ở Việt Nam(Tiểu luận khoa học),ĐHSPHN, 2001, tr.39.

(2) Đỗ Lai ThúyThơ như là mỹ học của cái khácNxb HộiNhà văn, H., 2012, tr.158.

(3) Đỗ Lai ThúyThơ như là mỹ học của cái khácSđd, tr.254.

(4) Trần Ngọc HiếuBước đầu tìm hiểu một số đặc điểm của thơ văn xuôi và sự thể nghiệm của thể thơ này trong phong trào Thơ mới ở Việt NamTlđd, tr.16.

(Rút từ cuốn sách THẾ HỆ NHÀ VĂN SAU 1975: Diện mạo và Thành tựu”)





MỤC LỤC

 

Lời giới thiệu

DẪN NHẬP

CHU VĂN SƠN: Thế hệ nhà văn sau 1975, họ là ai?

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ THUYẾT VÀ LỊCH SỬ VĂN HỌC

TRẦN ĐÌNH SỬ: Thời Đổi mới: bước ngoặt lớn của văn học Việt Nam cuối thế kỷ XX

ĐỖ LAI THÚY: Một cái nhìn vào “thế hệ nhà văn sau 75”

ĐỖ HẢI NINH: Những thế hệ nhà văn Việt Nam thời Đổi mới

NGUYỄN VIỆT CHIẾN: Thế hệ nhà thơ Việt Nam sau 1975

MAI VĂN PHẤN: Khuynh hướng cách tân trong thơ sau 1975

LÊ HỒ QUANG: Tư duy thơ Việt Nam sau 1975 (qua sáng tác của một số tác giả thế hệ đổi mới)

INRASARA: Đổi mới thơ, khác biệt mang tính vùng miền

NGUYỄN THỊ CHÍNH: Thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại nhìn từ hệ hình tư duy

LÊ HƯƠNG THỦY: Những chặng đường của truyện ngắn Việt Nam đương đại

BÙI VIỆT THẮNG: Một lứa bên trời: về diện mạo và khuynh hướng phong cách truyện ngắn thế hệ 5x và 6x

ĐINH TRÍ DŨNG: Dòng mạch trữ tình trong truyện ngắn của các nhà văn thế hệ sau 1975

LÊ THỊ THÚY HẰNG: Tính đối thoại trong giọng điệu tiểu thuyết Việt Nam sau 1986

NGUYỄN VĂN HÙNG: Những hình thái diễn ngôn mới trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau Đổi mới

THÁI PHAN VÀNG ANH: Văn xuôi các nhà văn nữ thế hệ sau 1975 nhìn từ diễn ngôn giới

LÃ THỊ BẮC LÝ: Nhận diện văn học thiếu nhi Việt Nam sau 1975

LÃ NGUYÊN: Lí luận, phê bình văn học Việt Nam thời hậu chiến

PHÙNG GIA THẾ: “Cái chết của tác giả” của Roland Barthes và một số liên hệ với tình thế văn học Việt Nam hiện nay

PHAN TUẤN ANH: “Cấu trúc tam tài” trong lý luận phê bình văn học Việt Nam thời đổi mới

ĐOÀN ÁNH DƯƠNG: Xuất bản văn học và những động hướng của văn học Việt Nam từ Đổi mới

MỘT SỐ VẤN ĐỀ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM

VĂN GIÁ: Đợt sóng cách tân đầu tiên của thơ Việt sau 1975: Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều

NGUYỄN THANH TÂM: Sự cám dỗ của những viên thuốc an thần (đọc thơ Dư Thị Hoàn)

NGUYỄN HUY BỈNH: Văn hóa tâm linh Tày trong văn chương Y Phương

ĐÀO DUY HIỆP: Cấu trúc thơ Châu thổ của Nguyễn Quang Thiều

TRẦN THIỆN KHANH: Thơ Trần Quang Quý

NGUYỄN HỒNG NHUNG: Con người cá nhân phản tỉnh trong trường ca Trần Anh Thái

RAYMOND KEEN - PHẠM VĂN BÌNH (dịch): Tính hiện thực được khẳng định trong thơ Mai Văn Phấn

MAI ANH TUẤN: Từ trải nghiệm riêng khác đến tự ý thức: Nguyễn Huy Thiệp như một mẫu nhà văn mới

NGUYỄN VĂN THUẤN: Giễu nhại diễn ngôn phê bình văn học trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài

DIÊM LIÊN KHOA – THIÊN THAI (dịch): Tầm cao của văn học chiến tranh phương Đông (về Bảo Ninh và Nỗi buồn chiến tranh)

NGUYỄN ĐỨC TOÀN: Nguyễn Bình Phương và dấu hiệu cách tân lối kể trong tiểu thuyết

TRẦN VIẾT THIỆN: Tiểu thuyết Tạ Duy Anh và trò chơi thể loại

NGUYỄN THỊ HẢI PHƯƠNG - NGUYỄN THỊ THANH THỦY: Hình tượng tác giả trong truyện ngắn Trần Thùy Mai

NGUYỄN THỊ MINH HẠNH: Y Ban và những trang viết về người đàn bà

BÙI THANH TRUYỀN: Hồ Anh Thái và nỗ lực đổi mới văn xuôi Việt Nam sau 1986

LÊ HUY BẮC: Tiểu thuyết điện ảnh: Ma làng của Trịnh Thanh Phong

LƯU KHÁNH THƠ: Phạm Xuân Nguyên trong làng phê bình văn học đương đại

Phụ lục: Danh sách tác giả, tham luận tham dự Hội thảo khoa học quốc gia Thế hệ nhà văn sau 1975 (Đại học Văn hóa Hà Nội, 4-2016).







Chủ tịch đoàn và thư ký Hội thảo





Văn nghệ chào mừng






Các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình VH chụp ảnh lưu niệm











BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị