NHỮNG KẺ CHẾT ĐUỐI (trích tiểu thuyết) - Bão Vũ

NHỮNG KẺ CHẾT ĐUỐI

tiểu thuyết của Bão Vũ


 


maivanphan.vn:
 Có sự trùng hợp thú vị giữa cuốn tiểu thuyết “Những kẻ chết đuối” của nhà văn Bão Vũ và bài viết “Mai Văn Phấn & công nghệ cách tân thơ”(*)  của nhà văn Đặng Thân. Trong bài viết, Đặng Thân đã dẫn một số bài thơ của MVP, trong đó có “Đúng vậy”, “Hắn”, “Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ”..., và coi đó là biểu hiện của sự cách tân, hiện đại hóa thơ ca đương đại. Cũng vẫn những bài thơ đó, trong cuốn tiểu thuyết của mình, Bão Vũ đã khi thì dùng làm lời ca bi phẫn cho một nhân vật lịch sử, khi là bài khấn nguyện trong lễ vớt vong người chết đuối; có lúc lại là lời ca hoang mang của một người đàn bà điên dại; và rồi có khi lại ở miệng những đứa trẻ bị ma nhập trong lễ rước lửa kỳ quái... Bão Vũ và Đặng Thân đã có cùng cảm thức về thơ MVP nhưng lại biểu hiện khác nhau. maivanphan.vn trân trọng giới thiệu một số trường đoạn lược trích trong tiểu thuyết “Những kẻ chết đuối” mà những câu thơ của MVP đã được nhà văn Bão Vũ đã sử dụng một cách biến điệu. MVP

 

 

Câu chuyện của thời hiện tại trong một ngôi làng cổ xưa kia có nghề cướp của giết người. Ông Lương Văn Sỹ - một hương sư, là dân ngụ cư giạt đến làng ấy, thường bị đám đàn anh trong làng bức hiếp. Ông giáo già đêm đêm ngồi chép lại những câu chuyện về những nhân vật quái gở trong ngôi làng kỳ dị mà ông sưu tầm được.

 

 

TRÍCH ĐOẠN  1 

Đoạn này dựa theo những tư liệu rút từ gia phả của một số dòng họ, nên ngoài danh tính của hai nhân vật lịch sử Nguyễn Hữu Cầu và Phạm Đình Trọng quen thuộc, tên họ những người khác đã được thay đổi.    

Cái bể giả sơn khác thường. Mặt nước rộng bằng hai cái sập mà chỉ loáng thoáng chút bèo tấm như ai đó đánh vãi, hai con nhện nước lười nhác thỉnh thoảng đạp vài nhát. Một khúc củi mục bằng cổ tay có con nhái bén xanh lét ngồi bất động. Những thứ vớ vẩn trên mặt nước ấy không phải ngẫu nhiên có, mà do chủ nhân bể cảnh này cố ý bài trí như vậy. Sau đấy hơn ba trăm năm, tức là thời bây giờ, người ta sẽ gọi đó là một tác phẩm thuộc nghệ thuật xếp đặt hoặc là bố cục trừu tượng gì đó.

 

Thái úy Trịnh Phương Dĩnh chống hai tay trên thành bể, chăm chú nhìn mặt nước phẳng lặng.

 

- Giả sơn sao lại không có núi. Mày bảo liệu có thằng ngu nào hỏi ta thế không, Bặc?

 

Gã lính hầu Đỗ Bặc toét miệng cười:

 

- Dạ, con chắc cũng có thằng ngu hỏi thế. 

 

Phương Dĩnh gật gù:

 

- Thì ta sẽ bảo, nhìn kỹ mới thấy núi. Hả?

 

Quả thế thật. Qua làn thủy tinh trong vắt, lũ cá lấp lánh ánh kim ngân châu ngọc ẩn hiện giữa những khối núi hình thù hiểm ác phủ rêu ngập chìm trong nước. Thế mới gọi là Trầm Sơn.

 

Phương Dĩnh lại trợn mắt bảo Bặc:

 

- Thế nào cũng có đứa doạ ta rằng, Chúa biết, sẽ không khỏi mất đầu. Đã vinh hiển nhường này, vẫn còn nuôi chí lớn, ý hẳn muốn một mai bất thần xuất thế làm sóng dậy bốn bể chăng?

 

- Vâng, chắc rồi cũng có kẻ dọa thế.

 

- “Kẻ hèn yếu hạ tiện mới luôn lo sợ có kẻ mạnh hơn khinh mình, diệt mình. Thần tin rằng Chúa thượng không phải là người nhu nhược.” Ta sẽ nói với Chúa như thế, nếu có kẻ xúc xiểm. - Phương Dĩnh đắc chí cười to, tự tán thưởng. Gã lính hầu cũng ha hả cười theo tuy chẳng hiểu gì.

 

.......

 

Có tiếng nhộn nhạo ngoài cổng. Phương Dĩnh cau mày, bảo: 

 

- Ra xem chuyện gì.

 

Bặc vâng lệnh, đi ra. Lát sau, hắn quay lại:

 

- Bẩm, có tên ngư dân đến cổng dinh đòi gặp ngài. Hắn bảo, xin dâng cá quý.

 

- Trông có khả nghi không?

 

- Bẩm, hắn như một tuấn kiệt, anh hào.

 

- Sao mới gặp đã biết được?

 

- Dạ, qua tướng mạo, giọng nói, con thấy...

 

- Ta biết rồi. Lại “mình cao chín thước, mắt sáng như sao, tiếng như chuông ngân...” Khốn nạn cho sách vở. Cứ mỗi một lối viết như thế khi nói về một gã cục súc chỉ biết dùng chân tay đánh nhau. Đến nỗi một thằng ngu như mày cũng thuộc lòng.

 

Phương Dĩnh gật gù ngẫm nghĩ, rồi bảo Bặc:

 

- Cho hắn vào.

 

Gã ngư phủ được dẫn vào sân trong, nơi quan thái úy đang đứng. Ngài chăm chú ngắm cái bể giả sơn không có núi ấy, làm ra vẻ không thèm để ý đến gã thứ dân mạt hạng, chắc đang run như cầy sấy trước khung cảnh uy nghi với gần chục gã vệ sĩ đến đứng gần như mỗi khi có người lạ đến. Đó là một gã trai ngoài ba mươi tuổi, không cao lớn nhưng chắc lẳn, da ngăm ngăm đen, đầu đội nón mê rách tướp, vai đeo cái vịt cá, ra dáng dân miền biển.

 

- Thưa quan Thái uý. - Gã ngư phủ nói, giọng oang oang, không hề tỏ ra sợ sệt. - Tiểu dân muốn dâng ngài con kỳ ngư để tỏ lòng ngưỡng mộ vị Thái úy có tài hàng long phục hổ, dẹp lũ phiến dân, giữ yên ngôi cao cho Chúa.

 

Trịnh Phương Dĩnh quay đầu lại, hỏi:    

 

- Ngươi định dâng cá gì?

 

- Thưa... Một con cá he.

 

- Cá he?

 

- Phải. Một con cá he lớn giạt vào sông Lạch Tray. Ngư dân chúng tôi bắt được, xin dâng ngài.

 

Phương Dĩnh cười to:

 

- Thì ra là Nguyễn Hữu Cầu. Ngươi không sợ khi ra khỏi đây phải để thủ cấp lại hay sao?

 

Phương Dĩnh ra bộ cứng cỏi nhưng mồ hôi đã thấm đẫm lượt áo trong. Ông ta đưa mắt nhìn quanh. Đám lính hộ vệ phủ Thái úy đang để tay lên đốc kiếm bước lại gần thành một vòng tròn, nhưng tên nào cũng mặt trắng bệch, run như cầy sấy. Gã ngư phủ chính là tướng giặc Nguyễn Hữu Cầu từng dẫn phiến quân uy hiếp cả kinh thành Thăng Long, người có sức khoẻ vô địch được tôn là Hạng Võ Nam quốc. 

 

- Vì ngưỡng mộ ngài nên đến dâng một con cá he. Chứ tôi có thể lấy đầu đại tướng Phạm Đình Trọng của các ngài như lấy đồ trong túi, thì xá gì cái đám tép riu đang đứng không vững kia.

 

Phương Dĩnh đã nghe đồn chuyện Nguyễn Hữu Cầu một mình với ngọn trủy thủ đột nhập soái thuyền của Thái tử Thái bảo Hải quận công Phạm Đình Trọng, rồi lặng lẽ ra đi để lại bức thư hỏi thăm lên ngực bạn học cũ trong khi ông này vẫn ngủ say như chết bên ả thiếp yêu.

 

Thái úy bật cười lớn. Cầu không có ý hành thích ông. Phương Dĩnh quát đám lính cận vệ:

 

- Cho các ngươi lui.

 

- Ngài đúng bậc trượng phu. Nhưng, cần đuổi cả tên bẻm mép này nữa.

 

Phương Dĩnh bảo Đỗ Bặc ra ngoài rồi gọi trà.

 

Hai người nhấp trà, mắt nhìn nhau thăm dò. Rồi Cầu cười:

 

- Trà của dinh Thái úy hơn hẳn chè xanh, nước vối của lũ thảo dân. Hèn nào ngài thông tuệ minh mẫn, nổi tiếng là có tài nhu thuyết, ngọt giọng, nói gì Chúa cũng nghe.

 

Phương Dĩnh gượng cười, nheo mắt nhìn Cầu:

 

- Chắc là Đông đạo Thống quốc Bảo dân Đại tướng quân đến đây không phải để thưởng trà.

 

- “Đông đạo Thống quốc Bảo dân” là hỗn chức ngụy phong mà kẻ nghịch tặc này dùng để đối lại với các tước phẩm rắc rối của triều đình, Thái úy nhắc đến làm gì.

 

- Nghe chúng đồn thế, thì gọi cho vui. Lúc này ông là khách. Xin hỏi, ông đến có chuyện gì?

 

- Đúng là tôi đến dâng cá he mà.

 

- Ông nói lỡm. “Cá he đè lưới”; loại cá này cưỡi sóng đè được lưới để đánh tháo cho nhau, còn dìu được thuyền cứu người, mà lại đựng vừa cái vịt cá ông mang theo kia?

 

- Là chính cái thân tôi đây. Ngài đã quên một hỗn danh nữa của tôi.

 

- Quận He? Nhưng... Tôi không hiểu ý ông.

 

Nguyễn Hữu Cầu nói sau một lúc suy tính:

 

- Hôm nay đến tư dinh Thái úy là muốn nhờ cậy ngài. - Cầu mở nắp vịt cá, thò tay vào trong. Phương Dĩnh nín thở, thoáng nghĩ: Gã giặc biển này sẽ rút ra lưỡi trủy thủ sắc như nước, ép ta làm điều gì đó. Nhưng Cầu đã lấy ra một bọc vải đỏ lớn đặt lên sập:

 

- Thưa quan Thái úy, đây là hai chĩnh vàng cốm. Chắc ngài đã nghe dân mạn Đồ Sơn ta thán rằng có lúc bị đám thủ hạ của tôi cướp bóc. Thì cũng như các ngài thôi. Có điều các ngài dùng luật lệ để cướp bóc. Còn tôi dùng đao kiếm.

 

- Ông muốn tôi giúp gì?

 

- Nhờ ngài tâu với Chúa rằng, Nguyễn Hữu Cầu đã chán cảnh binh đao, muốn quy thuận triều đình.

 

- Thế thì còn gì bằng. Nhà Chúa hao binh tổn tướng mấy năm nay vì ông rồi. Tôi tâu với Chúa thượng, chắc người chấp thuận ngay thôi. Nhưng ông thật lòng chứ? Người ta bảo Hạng Võ nước Nam cơ mưu chứ không võ biền như  Hạng Võ Trung Hoa.

 

- Chỉ cần Chúa ban chỉ dụ, Cầu này sẽ cùng quân sĩ tay không đến nộp mình. Nhưng xin đừng để Phạm Đình Trọng can dự. Tôi không muốn hắn nhân đó làm nhục tôi để rửa hận cũ.

 

Có vẻ Nguyễn Hữu Cầu thật lòng. Cầu cậy sức toan cướp thiên hạ tranh ngôi báu, lấy thân làm vốn đặt lên chiếu đỏ đen, được làm vua, thua làm giặc. Nhưng việc tày trời ấy thành công chỉ là chuyện muôn một. Phải có thiên mệnh, còn thì đầu rơi pháp trường, hay thân tàn ngục tối là chuyện thường. Nhưng cũng có kẻ ăn non trong canh bạc máu ấy. Nghĩa là làm giặc để dọa vua rồi lại xin làm quan, như bọn Tống Giang ở Lương Sơn. Nguyễn Hữu Cầu thuộc loại ăn non. - Lão hoạn quan rất ung dung khi nhìn rõ ruột gan của Nguyễn Hữu Cầu. Lão hỏi Cầu với thái độ quyền uy, ban ân chứ không phải là thương lượng.

 

- Ông muốn Chúa phong tước gì?

 

- Chuyện ấy phải nhờ quan Thái úy chỉ giúp. Cũng vì thế tôi mới tự mình đến đây.

 

Phương Dĩnh cười nhạt. Biểu chương của Quận công Phạm Đình Trọng sau khi phá được đại quân của Cầu ở Xương Giang, viết: “Nghịch Cầu ngụy phong là Đông đạo Thống quốc Bảo dân đại tướng quân. Bọn thổ phỉ, thủy khấu, hải tặc theo Cầu có đến hàng vạn.” Cầu tự đến nói chuyện đầu hàng và đặt điều kiện mà chẳng đem theo thủ hạ, dù là kẻ tâm phúc. Không chỉ là chuyện cơ mật mà chính là vì tư lợi. Hắn đã đem hàng vạn nghĩa binh để đổi lấy một ấn tước cho riêng mình. Thế mà lại xưng là “Bảo dân hộ quốc”.

 

Phương Dĩnh hỏi:

 

- Dân chúng đồn, đang đêm ông đột nhập thuyền Phạm Đình Trọng khi ông ta đang ngủ, để thư lại cảnh cáo rồi vượt qua lớp lớp chiến thuyền quân triều thoát ra ngoài. Chuyện ấy có không?

 

Nguyễn Hữu Cầu trả lời lấp lửng:

 

- Chuyện chẳng có bằng cứ gì, chỉ mình tôi với Trọng biết. Tôi có thể bịa, Trọng có thể chối. Nói gì cũng vô ích.

 

- Chí lý! Đúng là khẩu khí Quận He. - Trịnh Phương Dĩnh cười ha hả tán thưởng. - Ông cứ về, mai tôi vào phủ Chúa tâu trình chuyện của ông.

 

Cầu đẩy bọc vàng đến trước mặt Phương Dĩnh:

 

- Tôi nhờ cậy ở Thái úy. 

 

Phương Dĩnh thu bọc vàng trên sập, cất vào chiếc rương lớn bằng gỗ lim trong mật thất. Gã nghịch tặc sẽ còn phải nộp thêm nữa mới mong được việc. Hắn chặn cướp những thương thuyền vùng Đông Hải của khách thập phương tứ xứ chắc có nhiều châu báu cùng đồ quý.          

 

Hôm sau, trong buổi chầu sáng tại phủ Chúa, Phương Dĩnh tâu trình việc Nguyễn Hữu Cầu xin quy hàng. 

 

Chúa Trịnh đêm qua thức khuya bơi thuyền trên hồ Dâm Đàm cùng các cung nữ chơi trò đánh trận giả, bây giờ mắt lim dim ngồi nghe Phương Dĩnh tâu trình. Ngài ngáp một cái thật to, rồi hỏi:

 

- Vì sao nghịch Cầu lại xin hàng?

 

Phương Dĩnh tuôn một tràng trơn tru như câu trong kinh sách, cái câu mà kẻ nói không cần nghĩ, người nghe không hề xúc động: 

 

- Khải bẩm, uy vũ Chúa thượng vang dậy khắp đàng trong đàng ngoài. Ân đức Chúa thượng tưới nhuần bốn cõi. Kẻ nghịch tặc ấy tự lượng sức mình đem trứng chọi đá, bại vong là chuyện chẳng chóng thì chầy, nên mới quy chính.

 

- Các khanh có ý gì không? - Chúa hỏi quần thần. Vịnh Quận công Đinh Văn Mạt còn hận chuyện bị Cầu đánh bại trên sông Nhĩ Hà trước kia, bước ra tâu:

 

- Cầu có mưu đồ phản nghịch từ thuở còn là thư sinh đồng môn với tướng quân Phạm Đình Trọng. Nay dấy loạn đã mấy năm chiếm cứ cả một dải Vân Đồn, Cát Bà, Đồ Sơn, lập đảng ngụy, khinh thị thánh thần, từng hủy bỏ bài vị Thành hoàng Đồ Sơn, lập bài vị đề tên mình, rồi ngạo ngôn:“Trên có trời, dưới có đất, giữa chỉ có mình ta là hơn cả. Thần linh không đáng thờ bằng ta”. Y còn ngụy phong các tước hiệu, nhiều phen làm triều đình hao binh tổn tướng. Nếu dung nạp y, e những kẻ có dã tâm phản nghịch khác lấy thế làm tiền lệ, xã tắc sẽ luôn bất an. Xin Chúa thượng minh xét.

 

Đinh Văn Mạt nói hữu lý, Chúa cũng phân vân, nhưng cơn buồn ngủ vẫn không buông tha ngài. Chúa lại nhắm mắt ngáp một cái dài nữa. Lúc mở mắt thấy Phương Dĩnh khom mình trước ngai:

 

- Khải Chúa. Thần trộm nghĩ, mấy năm nay giặc giã nhiều, vùng Kinh Bắc và Hải Dương bị hại lớn, lại mất mùa đói kém, thêm nạn ôn dịch, dân tình khốn đốn. Chúa thượng nên lấy ân đức thu phục Nguyễn Hữu Cầu, ban cho y chức võ quan nhỏ như chức Ngoại vi Thị vệ, rồi sau sai y trấn thủ biên ải. Như vậy không phải tốn sức đối phó với y, lại tỏ được lòng nhân của

 

Chúa thượng khiến bọn phiến loạn như Hoàng Văn Chất ở Kinh Bắc, Nguyễn Danh Phương ở Sơn Tây, Lê Duy Mật ở Thanh Hoá theo đó mà cải tà quy chính.      

 

Chúa muốn sớm về cung ngủ bù cho cuộc chơi thâu đêm qua, nên phán:

 

- Thế thì cho hắn hàng. 

 

Thượng thư Diệu Quận công bước ra tâu:

 

- Xin Chúa thượng cho người đến gặp Cầu, thăm dò hư thực rồi hãy quyết định.

 

- Diệu Quận công nói phải. Truyền cho Lê Huy Sảng làm Thiêm tri đem chỉ đến dụ Nguyễn Hữu Cầu hàng, xem sao. - Chúa lại ngáp lần nữa rồi phẩy tay ra hiệu bãi triều.

 

Bọn Thiêm tri Lê Huy Sảng đem chỉ của Chúa Trịnh đến trại giặc dụ hàng. Nguyễn Hữu Cầu tiếp chỉ, khoản đãi bọn Sảng, tặng quà rất hậu, bằng lòng sẽ đem nghĩa binh ra hàng. Lê Huy Sảng đến đại bản doanh của Hải quận công Phạm Đình Trọng. Trọng đang thống lĩnh ba đạo quân Bắc - Đông - Nam tiễu trừ Nguyễn Hữu Cầu, thì nhận được chỉ của Chúa ra lệnh án binh để Cầu ra hàng. Trọng tức giận bảo:

 

- Cầu bị ta diệt nhiều đồ đảng binh lực, thế cô mới chịu quy hàng. Cũng có thể hắn trá hàng để dưỡng binh. Ta ở chiến trường vâng mệnh Chúa diệt giặc, thế đang thắng, sắp tuyệt diệt được nghịch Cầu, trừ hậu họa, không thể vì lệnh mà trì hoãn.

 

Sảng biết Trọng là người quyết liệt lại rất thuộc câu ngoại chú của binh thư:“Tướng viễn chinh có thể vì đại cục mà bất tuân vương mệnh, tùy cơ hành xử”. Đã nhận quà của Cầu nên Sảng hộc tốc trở lại trại giặc.

 

Nguyễn Hữu Cầu đang ngồi uống rượu một mình trong trướng, đao cung vứt một bên. Rượu Đồng Hòa vùng Đông Hải, thường ngày trong vắt như mắt mèo, đằm đượm, sao hôm nay có màu nước hến, đắng ngòm. Hay trong quân có kẻ biết được thâm ý chủ tướng định bán rẻ đồng đảng, nên hạ độc?

 

Bọn Lê Huy Sảng đến, người ngựa đẫm mồ hôi, bụi đường. Sảng, mũ áo xộc xệch, vẫn ngồi trên mình ngựa, vừa thở vừa nói với Cầu:

 

- Việc của ông không xong rồi. Trọng kháng chỉ dụ của Chúa, không chịu án binh. Vậy ông nên...

 

Ngay lúc đó quân của Phạm Đình Trọng như từ trên trời rơi xuống, trùng trùng điệp điệp tứ phía. Cầu nổi giận với lấy thanh đại đao thét to:

 

- Bọn cẩu quan dùng quỷ kế “tiên lễ hậu binh” hại ta!

 

Nguyễn Hữu Cầu chém bay đầu Sảng rồi tả xung hữu đột, mở đường máu đem được người vợ yêu là Nguyễn Thị Quỳnh cùng ít thủ hạ thân tín thoát khỏi trùng vây. Cầu thu thập nghĩa binh chỉ còn non nửa, rút về Cẩm Giàng. Phạm Đình Trọng đem đại quân đuổi theo đánh bồi tiếp khiến Cầu khốn đốn, phải đem tàn quân nương theo đường biển rút vào Nghệ An.

 

... Trời chiều, mây đen sẫm tích tụ dồn ứ chân trời. Không khí oi nồng khó thở. Nguyễn Hữu Cầu ngồi uống rượu trong tướng thuyền. Nguyễn Thị Quỳnh ngồi bên, đưa bàn tay thon che miệng chén:

 

- Đã là vò thứ hai, xin mình dừng chén. Trời sắp bão. Động biển mà say rượu không tốt đâu.

 

- Động biển thì có sao. Mình cũng uống với tôi chén nữa. - Cầu âu yếm gỡ những ngón tay thon khỏi miệng chén, rót uống tiếp, rồi cất giọng ỡm ờ với vợ như để giải mối hận - Say rượu rồi say sóng. Say sóng lại say tình. Say quá thì tỉnh tình tinh thôi mà. - Cầu cảm khái cầm đũa gõ vò rượu rỗng mà hát, lưỡi líu vì say, những câu hát mơ hồ huyền hoặc:

 

Cạn vò mới ngửng đầu lên

Thì người đối ẩm quy tiên bao giờ

Ấy ấy ơ… ơ

Quấy quấy rồi đục

Nhục nhục rồi tan

Than than rồi huề

Mê mê rồi tỉnh

Tỉnh tỉnh rồi sầu

Ai tìm được ta ở đâu

Thì đem mũ áo mà câu ta về (**)

...........

 

Những cơn sóng ngầm từ đáy biển cuộn lên lừng lững dữ tợn như bầy giao long khổng lồ trườn vào gữa đoàn thuyền. Đoàn khinh thuyền của Nguyễn Hữu Cầu là những thuyền nhỏ rất linh hoạt khi lâm trận, từng làm cho những chiến thuyền cồng kềnh của triều đình thất điên bát đảo trong các trận thủy chiến, bây giờ gặp trận bão lớn lại thành nhẹ tếch, tan tác như những cánh bèo, đắm gần hết. Cầu đem tàn quân lên bờ chạy bộ. Đến Nghệ An lại gặp quân của Phạm Đình Sĩ, bộ tướng của Phạm Đình Trọng vây đánh dữ dội. Cầu bị bắt sống. Có người bảo Cầu là bậc hổ tướng oai hùng không kém gì Tây Sở bá vương Hạng Vũ bên Tầu. Nhưng Hạng Vũ đã tự cắt thủ cấp của mình khi bị cùng đường trên Ô giang. Cầu làm sao so với vị Tây Sở Bá Vương lẫm liệt ấy. Còn con cá he miền Đồ Sơn từng chọc trời khuấy nước làm quỷ khiếp thần kinh bây giờ chịu để cho một gã tiểu tướng bắt, bỏ cũi kéo đi diễu từ Nghệ An ra Bắc, cho dân chúng dọc đường chỉ chỏ đàm tiếu.

 

Mấy vị Pháp quan giở đến nhàu tướp cả cuốn Hình luật để viện dẫn những điều khoản luận tội Nguyễn Hữu Cầu. Có quá nhiều tội trạng khiến cho đám thư lại gò lưng chép không xuể. Không thấy nói đến tội đưa hối lộ. Chúa chiếu lệ hỏi quần thần:

 

- Các ông có ý gì khác với tấu trình của Hình bộ?

 

Không có vị trọng thần nào đứng ra bào chữa hay xin giảm nhẹ tội cho Cầu. Thái úy Trịnh Phương Dĩnh im lặng. Chúa chuẩn y án tử hình tướng giặc Nguyễn Hữu Cầu. Khi phê hai chữ “chuẩn tấu” bên lề biểu chương, Chúa vẫn buồn ngủ rũ như mọi khi, sau một đêm trắng đùa giỡn với các cung nữ ở hồ Dâm Đàm.

 

Hôm hành hình Nguyễn Hữu Cầu là một ngày trời sầu đất thảm. Biển động dữ dội. Có người đàn bà vẻ mặt u uất mà xinh đẹp mặc tang phục đến pháp trường xin được gặp kẻ tử tội trước giờ hành quyết. Lính canh không cho vào, sợ có chuyện lộn xộn, cướp pháp trường. Người nữ ấy khóc gọi Cầu thảm thiết, còn nghẹn ngào hát ba lần câu thơ cổ: « Đại vương chí đã cạn / Tiện thiếp sống làm chi? ». Rồi rút dao đâm ngực chết. Đó chính là Nguyễn Thị Quỳnh. Trước khi bị hành quyết Cầu có nghe thấy tiếng người vợ yêu gọi mình lần cuối không? Đấy là chi tiết đẹp nhất trong cuộc đời chọc trời khuấy nước của Cầu. Cũng vì thế mà người đời so sánh Nguyễn Hữu Cầu với Tây Sở Bá Vương. Khi sự nghiệp tranh hùng với Lưu Bang bị thất bại, Hạng Vương đã tự sát bên sông Ô. Ái thê Ngu Cơ tự vẫn chết theo. Trước khi chết nàng Cơ hát: Đại vương chí khí tận / Tiện thiếp hà mưu sinh ?

 

Thái úy Trịnh Phương Dĩnh tự dưng có khoản vàng lớn mà chẳng lao tâm khổ tứ gì. Chiều nay, quan Thái úy lại đứng ngắm cái bể cảnh Trầm Sơn. Đỗ Bặc vẫn khom mình đứng bên cạnh hầu chuyện với tư cách là cái chum rỗng để quan thái uý luyện khẩu âm. Phương Dĩnh nhìn chăm chú con nhái bén màu xanh lét chễm chệ trên khúc củi, bảo Bặc:

 

- Cứ như sách dạy thuật tướng số thì cách ngồi của loài cóc nhái cũng oai vệ như cách ngồi của mãnh hổ, không khác lối ngự tọa thiết triều của bậc quân vương, nhưng vẫn là cóc nhái. Mày thấy sao, Bặc?

 

- Dạ đúng thế ạ. - Bặc vẫn cái câu muôn thuở.

 

Bỗng từ cổng dinh có tiếng hát, tiếng đàn nhị réo rắt rất vui tai vọng vào. Thái úy cao hứng bảo Bặc:

 

- Ra xem. Nếu là bọn hát rong, cho vào ca nghe chơi. Đỗ Bặc vâng lời chạy ra cổng, rồi dẫn vào một người đàn ông thấp đậm, dáng dân miền biển, đầu đội mũ mấn che sụp mặt, mình khoác tấm vải rách nhuộm vỏ só như mảnh buồm cũ. Thái úy bảo gã hát rong:

 

- Bỏ mũ trùm cho ta xem mặt.

 

- Bẩm, con mới đi hát trên mạn ngược, chẳng may bị sơn ăn da mặt rất khó coi, không muốn làm bẩn mắt quan Thái uý.

 

- Vậy thì hát ta nghe, rồi cho tiền chữa bệnh.

 

Gã ăn mày hát, giọng u trầm huyền hoặc. Bài ca như lời đồng dao của con trẻ, lời lẽ mập mờ, nghe tưởng như có ý gì, rồi lại thấy chẳng có nghĩa gì, nhưng mà thống thiết lắm:

 

Trời xanh ý-a,

Xoạc chân thì hẹp

Ngực cô mình ý-a

Gang tay thì rộng…

Con sứa đang bơi ý-a

Mắc phải lưỡi câu chùm            

Thương ai con mắt lim dim

Đi mò sợi tóc người chìm bể Đông

Có ai tìm thấy ta không

Thì đem xa giá mà dong ta về...

 

Trịnh Phương Dĩnh rùng mình vì một cảm giác lạnh lẽo chợt đến. Lão nhìn thấy một hình người như cái xác chết lơ lửng trôi nổi dập dờn trước mặt. Một xác chết đuối trong không gian.

 

Ý -a… ý-a…

Sáng rồi tối

Thối rồi thơm

Đơm rồi thả

Vả rồi thương

Ương rồi chín

Nín rồi thét

Kẹt rồi lơi

Xơi rồi hóc

 

Lời ca ma quái từ cái xác chết trôi trong không gian, trước mắt viên thái úy.

 

Ý - a... ý-a.…

Bóc bóc rồi che

Đe đe rồi chừa

Đưa đưa rồi quỵt

Bịt bịt rồi hở

Lỡ lỡ rồi toi

Moi moi rồi thấy

Ý - a... ý-a…

 

Trịnh Phương Dĩnh nhận ra cái xác trôi nổi dập dờn trước mặt không có đầu. Nhưng không hiểu sao lão vẫn nhìn ra một nụ cười trên cái xác và tiếng hát ghê rợn phát ra từ xác ấy.

 

Ý - a... ý-a…

Tìm được hồn ta ở đâu

Thì đem mũ áo mà câu hồn về...

 

Phương Dĩnh nghe xong, ruột gan cồn cào như uống phải độc tửu, cố nhịn cơn buồn nôn, quát bảo gã hát rong:

 

- Mi là ai, những câu hát vừa rồi ngụ ý gì? Nói, rồi muốn bao nhiêu ta thưởng cho.

 

- Chỉ xin hai chĩnh vàng cốm!

 

Bằng đúng số vàng Nguyễn Hữu Cầu hối lộ cho Phương Dĩnh mà không một ai biết ngoài lão và Cầu. Lão hoạn quan tái mặt thét to:

 

- Bay đâu, bắt lấy tên nghịch tặc.

 

Lũ vệ sĩ rút gươm vây quanh gã hát rong, chỉ chừa một lối có bể giả sơn chặn ngang. Gã hát rong xoay mình vung tay đập vào thành bể. Cái bể cảnh Trầm Sơn rộng bằng hai mặt sập chứa đầy nước nặng hàng nghìn cân, thành bể đá ghép bị vỡ một mảng lớn nước xối như thác. Bọn vệ sĩ lảo đảo đứng không vững, có đứa ngã sấp xuống mặt sân. Khi cả bọn định thần thì gã hát rong đã biến mất.

 

Chỉ có một người  từng hai tay hai chiếc cối đá lỗ ném đi xa hàng trăm thước mới có thần lực như thế. Đó là Quận He. Nhưng chính mắt Phương Dĩnh đã thấy đầu Nguyễn Hữu Cầu rơi trên pháp trường. Nếu là một thủ hạ của Cầu có nội lực thâm hậu nhường ấy tất phải nổi danh trong hàng ngũ phiến quân, sao không thấy nói đến? 

 

Phương Dĩnh ốm liệt giường ba tháng trời. Chữa chạy thuốc thang bói toán, cầu cúng, diệt ma trừ tà tốn kém hết gần ba chĩnh vàng cốm bệnh mới tạm thuyên giảm. Thế là lỗ vốn. Lại còn hỏng mất cái bể Trầm Sơn.

 

Nhưng từ đấy Phương Dĩnh bị chứng lẩn thẩn, mỗi khi trở trời, biển động, lại ra sân múa hát nghêu ngao một bài hát cổ, ý nghĩa âm u mơ hồ như những câu hát của các ông đồng bà cốt, bằng cái giọng the thé của quan thị, nghe ghê cả răng:

 

Ý - a... ý-a…

Kẹt kẹt rồi lơi

Xơi xơi rồi hóc

Quấy quấy rồi đục

Nhục nhục rồi tan

Than than rồi huề

Mê mê rồi tỉnh

Tỉnh tỉnh rồi mê

Ý - a... ý-a…

Tìm được hồn ta ở đâu

Thì đem mũ áo mà câu hồn về

Ý- a... ý- a…

 

Hát xong, hỏi Đỗ Bặc:

 

- Ta hát có hay không, Bặc?

 

Tên lính hầu mở bừng mắt, lau mồ hôi trán như vừa qua ác mộng:

 

- Dạ, quá hay!

 

……

 

 

 

 

TRÍCH ĐOẠN  2 

Hương sư Lương Văn Sỹ có cô con gái nuôi xinh đẹp biết làm thơ, là Lương Thị Vi. Nhưng rồi Vi bị Phơ, một gã vô lại thuộc dòng họ Đồ lừng lẫy làng Yên Đào, cưỡng bức, sinh ra thằng Phiến. Thằng bé bị chết oan trong một cuộc loạn đả giữa Phơ và những kẻ lạ mặt. Ông Lương Văn Sỹ cùng một người học trò đi tìm xác đứa bé.

 

Hiền đèo ông Sỹ đi dọc đê sông Tràng. Hai thầy trò dừng lại những nơi khả nghi để tìm kiếm, ghé vào các làng bên sông dò hỏi. Người ta ngơ ngác lắc đầu. Cơn mưa đã ngớt, nhưng mặt đê lầy lội, hai thầy trò bùn đất bê bết, phải xuống đẩy xe. Lặn lội đến tận nơi sông Tràng hợp lưu với sông Bạch Hà. Rồi ra đến tận cửa Lạch Trường, nơi Bạch Hà đổ ra biển. Sóng gió mù mịt... Phiến ơi... Hay là con trôi ra biển rồi...

 

Hai ngày sau, thầy trò phờ phạc trở về, hy vọng thấy thằng Phiến đang ngồi bên mẹ nó. Nhưng chỉ có mình Vi đứng dưới chân đồi, mắt thất thần nhìn dọc con đê sông Tràng. Bà Dần lại sang săn sóc Vi, đang dọn dẹp trong lều, mắt cũng đỏ hoe.    

 

Một tháng sau. Hai cha con ông Sỹ sống trong thảng thốt. Họ nghe có tiếng gọi thất thanh trên sông Tràng. Họ nghe thấy tiếng nức nở đói khát ngoài cửa. Nhưng Phiến không trở về. Thằng Phiến đã chết đuối trên sông Tràng, đã bị vực Quỷ nuốt chửng, đã trôi ra biển.

 

- Cũng mong là thằng bé đã được người ta cứu vớt, nhận làm con nuôi, thì sẽ có lúc nó tìm về. Nhưng, nếu không may là chuyện xấu, thì cũng phải làm ma chay để vong hồn nó được siêu thoát. -  Bà Dần nói như vậy. Ông Sỹ bật lên khóc ồ ồ. Chưa bao giờ ông khóc thành tiếng như vậy dù đã nhiều lần ông khóc thương người, thương mình.

 

Vợ chồng Hiền và bà Dần đứng ra lo tang lễ. Bà Dần mời một ông thầy cúng làm lễ rước vong cho thằng Phiến. Chiếc quan tài nhỏ đựng bộ quần áo, đôi dép và chiếc mũ vải của thằng Phiến đặt dưới gốc cây đề cổ thụ, nơi nó ngã xuống nước. Vợ chồng Hiền sắp hương hoa, cỗ chay, hình nhân, vàng mã, bắc dải cầu vải để rước hồn thằng Phiến từ dưới sông Tràng lên nhập vào quan tài.

 

Lão Phiệt, ông chú của bố thằng Phiến là một nhân vật đàn anh trong làng, cầm đầu một toán trai đinh họ Đồ chuyên kéo đến trấn áp những ai dám chống đối lệ làng hà khắc. Lão Phiệt được phong là «Ông Quản » cùng đám «Chúng Đồ» diễn trò L ễ Trận với những lời ca và điệu bộ hung dữ nhằm áp đảo kẻ thế cô. Hương sư Lương Văn Sỹ đã từng là nạn nhân của đám «Chúng Đồ» ấy, bị trọng thương vì trận đòn hội đồng của chúng.

 

Vợ chồng lão Phiệt cũng đến đám tang, bảo bố thằng Phiến đi nước ngoài vẫn chưa về, lão sẽ thay mặt bên nội làm ma cho thằng Phiến. Hiền tức giận bảo ông Sỹ đuổi cổ cái giống bất nhân ấy đi cho vong hồn thằng bé được thanh thản yên lành. Nhưng ông Sỹ im lặng cúi gục bên chiếc quan tài nhỏ xíu. Dù sao thằng Phiến cũng là người của cái họ Đồ chết tiệt ấy. Lão Phiệt lăng xăng đi trước đám rước dẫn đường, theo sau là ông thầy cúng. Bà Dần dìu Vi ôm khư khư cái quan tài nhỏ xíu. Hơn chục đứa trẻ bạn của thằng Phiến nối nhau đầu đội dải vải diềm bâu trắng dài hơn hai chục thước làm cầu rước vong. Ông Sỹ bưng khay đồ lễ. Hiền dìu ông thầy tội nghiệp của mình. Mỗi bước, Hiền lại căm giận cắm phập cái xẻng làm đất xuống mặt đường. Vài người trong họ Đồ đi theo đám tang. Vi ngơ ngẩn như mất trí, chốc chốc lại hốt hoảng đưa đôi mắt ngây dại sục sạo trong đám trẻ đang đội cầu rước vong tìm bóng dáng thằng Phiến. Nó không có ở đây, ánh sáng trong trẻo trong tâm thức mộng mị của Vi, giúp cô đến với những câu thơ đã vụt tắt.

 

Lão thầy cúng ê a hát bài kinh rước vong:

Ý- a ý-a…

Hồn mê rồi tỉnh

Hồn tỉnh rồi sầu...

Ý-a...

Hồn trôi hồn giạt nơi đâu

Đem mũ đem áo mà câu hồn về...

Ý-a ý-a ý-a...

 

Vẫn là bài ca ma quái mà Đồ Đắc Bặc ( chính là Đỗ Bặc từng trốn tội, đổi họ vào làm trong dinh Thái úy) đem từ dinh Thái úy Trinh Phương Dĩnh về Yên Đào. Không biết từ bao giờ, những tay thầy cúng ở làng này đã cải biến đi ít nhiều để làm bài ca cầu hồn mỗi khi làm lễ rước vong cho người chết đuối ở sông Tràng.

 

Mỗi buổi chiều, cả những chiều mưa lạnh, Vi tìm đến ngôi mộ giả của thằng Phiến. Cô ngồi nói chuyện với nấm mồ, cười khóc, hát véo von những câu hát từ nơi vô cùng nào đó vụt đến:

 

Trời xanh ý-a,

Xoạc chân thì hẹp

Ngực cô mình ý-a

Gang tay thì rộng…

Con sứa đang bơi ý-a

Mắc phải lưới câu chìm             

Thương ai con mắt lim dim

Đi mò sợi tóc người chìm bể Đông

..............

 

 

 

 

 

 

TRÍCH ĐOẠN  3

 

Sau đám ma giả của thằng bé Phíến, Vi điên dại hẳn. Rồi đến lượt lão Phiệt bị đột tử vì chứng «mã thượng phong». Đám tang lão Phiệt làm náo động cả làng Yên Đào.

 

Đêm trước hôm mai táng lão Phiệt, tiếng kèn trống inh ỏi và không khí huyên náo của một đám tang hiếm thấy quanh vùng này đã kích thích lũ trẻ làng Yên Đào. Chúng kết rồng rắn, cầm những chiếc lốp xe đạp cũ đốt cháy đùng đùng tỏa khói đen khét lẹt rước đi khắp làng. Trong đám khói lửa chập chờn cảnh địa ngục, bọn tiểu quỷ vừa đi vừa ngoác những cái mồm rộng gào lên bài ca quái đản. Những câu hát trong dinh Thái úy Trịnh Phương Dĩnh mà Đồ Đắc Bặc đã đem về Yên Đào ngày xưa. Mỗi khi sắp có chuyện chẳng lành, bọn trẻ Yên Đào như có ma quỷ xui khiến, lại túm đuôi áo nhau rồng rắn đi quanh làng hát bài ấy như để báo điềm gở. Những năm gần đây, làng Yên Đào câm bặt bài hát đó, tưởng như người lớn, trẻ con đã quên tiệt bài hát quái gở ấy. Vậy mà đêm nay, bọn trẻ bỗng nhớ ra, hát rống lên khoái trá:

 

Ý- a ý-a…Này !

Kẹt kẹt rồi lơi

Xơi xơi rồi hóc

Quấy quấy rồi đục

Nhục nhục rồi tan

Than than rồi huề

Ý-a ý-a... Này !

 

Đám rước lửa luồn lách theo những lối quanh co um tùm tre pheo trong làng, vòng qua đồi Chim Xanh, dọc theo bờ đê sông Tràng đến ngôi nhà của Phơ, nơi đám ma lão Phiệt đang kèn trống inh ỏi. Lũ trẻ đứng ngoài cổng gào lên câu hát kỳ quái. Một gã người họ nhà đám mặt có vết sẹo dài bóng loáng dữ tợn xông ra chửi bới đuổi đánh, bọn trẻ dạt ra bờ đê, lại kết thành con rắn lửa trườn về đồi Chim Xanh, rẽ vào làng... Rồi lại vòng ra bờ đê sông Tràng. Dưới ánh lửa địa ngục loang loáng những cặp mắt thú non dữ tợn, mê muội. Những cái mồm tiểu quỷ ngoác ra như có sự xúi giục ma quái khiến chúng phải thế. Đám lưỡi lửa đỏ loang loáng liếm vào đêm tối, rỏ những giọt cao su cháy như những giọt máu lửa xuống suốt quãng đường con rắn lửa trườn đi. Khói đen đặc cuồn cuộn hình những bóng đen đạo tặc nhảy nhót trên những lưỡi lửa. Có bóng ma Đồ Đắc Nghênh lắc lư thân hình cứng đơ tạc bằng gỗ dâu, cái đầu gắn hờ trên cổ lắt lẻo loang loáng ánh mắt lân tinh. 

 

Vi đang ngồi trong lều chăm chú xe gai vá lưới. Ông Sỹ ra đồng từ chập tối. Đã vào mùa cá trắm đẻ. Nước sông Tràng đang dâng. Vi quay đều đều chiếc xa nhỏ quấn sợi gai. Những ngón tay gầy đen đủi như chân chim. Da mặt tái xám, mái tóc xơ xác hoe hoe nắng gió. Vi già đi rất nhanh và xấu xí kinh khủng. Bây giờ người làng bảo Vi chính thức là con điên, chứ không còn là con ngố hay con dở người nữa. Vi vật vờ lang thang quanh những nơi trước kia thằng Phiến hay đến. Vi cười khóc vô duyên cớ. Chẳng còn dấu vết gì của cô gái xinh tươi ngày xưa hồn nhiên ngồi chơi với lũ chim xanh trên đồi. Có lúc nét mặt Vi tươi trở lại. Cô lắng tai nghe, có tiếng cười của thằng Phiến lẫn trong tiếng lũ chim xanh lích tích.  

 

Tiếng hát lũ trẻ vẳng đến. Vi giật mình ngửng lên nghiêng tai nghe ngóng, như con thú hoang đánh hơi thấy chuyện hệ trọng.

 

Tiếng hát:

 

Bóc bóc rồi che

Đe đe rồi chừa

Đưa đưa rồi quỵt

Bịt bịt rồi hở

Lỡ lỡ rồi toi

Moi moi rồi thấy

Ý- a ý-a…

 

Đúng là có tiếng thằng Phiến trong tiếng bọn trẻ. Vi cười hớn hở, nét mặt rạng rỡ. Dưới ánh đèn dầu, khuôn mặt Vi trẻ trung tươi sáng trở lại. Con đấy ư, Phiến... Con đã về rồi, Phiến ơi. Vi hớt hải đứng lên, làm đổ chiếc xa se sợi.

 

- Chờ mẹ, Phiến ơi...

 

Vi ra khỏi lều, chạy theo lũ trẻ. Vi cũng hát theo chúng, vừa hát vừa đi lên đi xuống theo hàng dọc bọn trẻ, ngơ ngác tìm. Thằng Phiến đây rồi. Vi ôm chầm lấy một đứa trạc tuổi thằng Phiến môi đỏ mọng trong ánh lửa. Thằng bé sợ hãi vùng chạy ra xa hét lên: “Ối, con điên. Cút đi!” Nó ném chiếc lốp xe đang cháy lại phía Vi. Cô cười, cúi nhặt chiếc lốp xe cháy hoa lên thành một vòng lửa, reo sung sướng:

 

Ý-a ý-a ý-a... Này!...

Hồn mê mê rồi tỉnh

Hồn tỉnh tỉnh rồi sầu...

Ý-a ý-a...

Hồn trôi hồn giạt nơi đâu

Đem mũ đem áo mà câu hồn về...

A…Ha-ha-ha-ha-a-a-a...

Này...

 

Vi không đi theo lũ trẻ nữa. Cô cứ dọc theo con đê sông Tràng đi về phía cây đề cổ thụ ranh giới Yên Đào, Yên Thủy nơi thằng Phiến đã ngã xuống nước. Cái vòng lửa trên tay Vi liên tục hoa lên. Trong đêm, nhìn từ xa chiếc vòng sáng đỏ lập lòe văng ra những tàn lửa, hạ xuống thấp dần theo sườn đê, rồi tắt ngấm.

 

Lũ trẻ rước lửa xong một chu trình, lại trở về chỗ đám ma lão Phiệt. Gã mặt sẹo dữ tợn của nhà đám lại xông ra gầm lên chửi bới, đuổi đánh. Bọn trẻ tán loạn, rồi lại kết rồng rắn lượn tiếp cái chu trình kỳ dị. Những cái miệng cứ ngoác ra gào lên mãi:

 

Hồn trôi hồn giạt nơi đâu

Đem mũ đem áo mà câu hồn về...

Ý-a ý-a ý-a... Này!

 

Đêm hôm ấy nước sông Tràng dâng rất cao.

 

Vi không trở về lều. Ông Sỹ đốt đuốc suốt đêm đi tìm quanh làng. Sáng hôm sau, chính cái thằng bé hao hao giống thằng Phiến, đã tỉnh cơn mê muội của đám rước lửa quỷ quái đêm qua, đến báo cho ông Sỹ biết, Vi đã đi về phía cây đề cổ thụ bên bờ sông...

...............

 

_______________

(*)http://maivanphan.vn/MaiVanPhan/32/398/779/1231/Sang-tac-moi/Mai-Van-Phan---cong-nghe-cach-tan-tho--phe-binh----Dang-Than.aspx                         

 

(**) Lời ca của các nhân vật trong các đoạn trích tiểu thuyết trên đây được gợi cảm hứng từ  những bài thơ sau đây của Mai Văn Phấn: (Những câu thơ in đậm)

 

 

ĐÚNG VẬY

 

Lúc đi

ông mặc áo len màu cổ vịt, quần rộng đũng

tóc cắt ngắn

tay cầm cuốn sách

 

ra gần cửa còn lẩm bẩm:

sáng rồi tối... thối rồi thơm... bơm rồi xì... đi rồi ngã... vả rồi thương... ương rồi chín... nín rồi thét... kẹt rồi lơi... xơi rồi hóc... bóc rồi che... đe rồi chừa... đưa rồi quỵt... bịt rồi hở... lỡ rồi toi... moi rồi thấy...

 

chốt cửa gỗ

kéo cửa sắt

ông bấm năm chiếc khóa

rồi ném chìa vào trong nhà

 

Lật đống chăn nơi ông vẫn nằm

thấy mẩu giấy với nét chữ nguệch ngoạc:

"Ai tìm thấy tôi ở đâu, gọi về số...

Xin cảm ơn và hậu tạ".

 

sau mẩu giấy vẫn văng vẳng:

quấy rồi đục... nhục rồi than... tan rồi huề... mê rồi tỉnh... thỉnh rồi buông...

 

 

 

 

 

 

 

VẪN TRẤN TĨNH TIỄN KHÁCH RA NGÕ

 

Pha xong ấm trà

Quay ra

Ông khách không còn ở đó

Gọi điện thoại

Người nhà bảo ông mất đã bảy năm (+)

 

Nhầm lẫn

 

Nhà mình

Mọi sự đảo lộn

Không nhớ bức chân dung hạ xuống bao giờ

Đâu rồi chiếc đồng hồ chạy bằng dây cót?

Bộ ấm chén giả cổ ai cho?

 

Ghé sang hàng xóm

Thử hỏi mấy loại thực phẩm

Loại tăng giá

Loại còn giữ giá.

 

Trong nhà

Trà vẫn nóng

Đẩy chén nước về phía ông khách đã ngồi.

 

Luồng tử khí cao chừng một mét sáu dựng đứng trước mặt

Chốc lại cúi gập.

____________

(+)  Ý của đoạn thơ này, Bão Vũ đã lược thành câu hát của Nguyễn Hữu Cầu: “Cạn vò mới ngửng đầu lên / Thì người đối ẩm quy tiên bao giờ…

 

 

 

 

 

 

HẮN

(Trích)

............

II

Hắn cười,  vung tay đấm qua lỗ thủng khoét sẵn trên tấm bìa. Những ngón tay xương xẩu co lại thành quả đấm thép lao qua tâm điểm không vật cản. Hắn, bàn tay đang tìm khoái cảm của con chó chui qua bức tường lớn. Vị trí tấm bìa giơ lên để nắm tay bay qua là khoảng cách quá ngắn. Khát thở.

 

Mỗi lần lao qua miệng lỗ thủng, bàn tay hắn lại xòe rộng. Tấm bìa giống con sứa đang bơi mắc phải lưỡi câu chùm. Xoay tấm bìa, hắn háttrời xanh í a... đây vòm ngực rộng...

 

Bên kia tấm bìa là thế giới khác. Biển báo, thầy giáo cũ, biên bản giám định, chợ búa, kỷ niệm chương, thợ thông cống, hội đồng hương, tu sỹ, dầu tắm, bẫy chuột, nhà tiên tri... Và thời trang cũng khác (hắn nghĩ thế!). Hèn gì không chui nốt cả tay kia (!).

 

Hắn liệng tấm bìa vào thùng rác, xuống tấn, đấm liên hồi vào lỗ thủng ước lệ, lao đi tốc độ chóng mặt.

 

Một dự báo về tương lai của thể thao. Với nhan đề trang trọng của tờ báo buổi chiều, hắn có tên trong danh sách những nhà vô địch.

 

(Rút từ tập thơ Hôm sau (thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 2009)

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị